Wednesday, April 4, 2018

QUÁN CAFÉ, ĐIỂM HẸN CỦA GIỚI VĂN NGHỆ SĨ PARIS




Paris sẽ không là Paris nếu không nhắc đến 600 quán café của chính nó. Quán café là điểm hẹn  tốt nhất nhằm thể hiện tình thân hữu của giới văn sĩ, diễn viên điện ảnh, kịch nghệ. Dân Paris cũng rất thường xuyên đến quán café để trò chuyện, trao đổi về công ăn việc làm, bàn chuyện thời tiết nắng mưa, vừa nhâm nhi tách café bốc khói thơm lừng. Những câu chuyện râm ran từ bàn này đến góc kia đã làm nóng không khí trong quán café của kinh đô ánh sáng. Khách đến quán café thuộc đủ mọi thế hệ, mọi quốc tịch.
Le Procope, quán café đầu tiên của Paris:
Quán café cổ xưa nhất Paris nằm trên đường Ancienne-Comédie, gần quảng trường Odéon, giữa khu phố Latin. Đó là quán Café Le Procope. Thế mà cách đây vài năm, quán café này suýt bị xóa sổ vì chủ quán nộp đơn xin phá sản! Rất may là hai anh em Pierre và Jacques Blanc, thuộc thế hệ thứ ba trong một gia đình chuyên sống về nghề nhà hàng, quán café và bar, đã mua lại và duy trì Le Procope đứng vững đến nay. Jacques Blanc vui vẻ kể lại: ” Giữa Le Procope và chúng tôi đã xảy ra một ‘tiếng sét ái tình’. Quán Café Le Procope thật sự là một điểm giao lưu văn hóa đặc biệt thuận lợi. Nhà văn Montesquieu và Voltaire thường chọn Le Procope làm điểm hẹn. Những điều khoản của Hiến pháp Mỹ được soạn thảo tại đây. Chúng ta không thể để một di tích lịch sử, văn hóa và ẩm thực như thế tàn lụi.
Được sáng lập năm 1686 bởi Francesco Procopio Dei Coltelli, một thanh niên trẻ người Ý,  trên thực tế Le Procope đúng là quán café đầu tiên của Paris. Vào thời đó, các quán rượu của Paris ít được khách lui tới vì rất tối tăm, dơ bẫn và là sào huyệt của bọn bất lương, cướp giật. Sau khi thực hiện thành công các phi vụ, chúng hay tập họp về đây để uống bia, rượu thường có chất lượng không tốt. Tham vọng của Francesco Procopio là xây dựng một cơ ngơi mang sắc thái hoàn toàn khác biệt. Tại đây sẽ phục vụ thức uống khiến cho triều đình của vua Louis XIV thịnh nộ, đó là café.
Francesco Procopio tậu một khu đất trên đường Fossés-Saint-Germain, ngày nay là đường Ancienne-Comédie, lập dự án, bản vẽ và tiến hành xây dựng. Gilles Grandjean, đương kim Giám đốc  của Le Procope, kể lại: ”Francesco Procopio lấy nguồn cảm hứng từ phong cách trang trí của cung điện Versailles. Người ta treo trên tường nhiều tấm thảm thêu dệt, bố trí những tấm gương để tạo không gian rộng lớn trong quán. Quán café được chiếu sáng bởi hệ thống đèn chùm pha lê rất đắt tiền nhập từ Ý.”
Mọi người vào quán đều được phục vụ như là thượng khách. Ở Le Procope, khách gọi café sẽ dùng với một ít đường. Quán còn phục vụ nước trái cây các loại được chế biến theo công thức pha chế của Ý! Gilles Grandjean kể tiếp:”Francesco Procopio đã gặp may. Đoàn hài kịch Pháp đóng đô đối diện với quán Le Procope. Đội quân của Molière là khách thường xuyên của Le Procope. Bên cạnh đoàn diễn viên kịch là đội ngũ văn sĩ, đạo diễn, biên kịch… cũng thường xuyên đến quán trò chuyện, trao  đổi, thư giãn. Francesco Procopio cung cấp miễn phí bút lông, mực cho những vị khách văn nghệ sĩ nổi tiếng, và bán cho họ giấy, nến. Mọi chi tiết dù nhỏ nhất đều được chuẩn bị, chăm chút cẩn thận nhằm phục vụ và làm hài lòng khách đến quán mà ông luôn xem như là thượng khách được chính ông trân trọng mời, chứ không phải chỉ là khách bình thường, vãng lai, qua đường.”
Quán Le Procope đã tồn tại cùng với người sáng lập ra nó. Các thế hệ con cháu của Francesco đã kế thừa Le Procope cùng với việc lưu truyền truyền thống của gia đình trong tiếp đón và phục vụ chu đáo giới văn nghệ sĩ. Nhiều điều khoản của bộ Bách khoa toàn thư (Encyclopédie) nổi tiếng được các triết gia viết ra tại quán café này. Các nhà văn, triết gia như Diderot, Rousseau, d’Alembert là khách thường xuyên lui tới quán. Chính tại Le Procope, nhà văn Voltaire và nhà bác học kiêm chính trị gia Hoa Kỳ Benjamin Franklin đã bàn cãi về sự cần thiết phải đánh giá sự tiến hóa của mối tương quan giữa nhà nước và xã hội dân sự theo hướng nới rộng tự do và tăng cường trách nhiệm. Là điểm hẹn trò chuyện, trao đổi của giới trí thức, Le Procope đã gián tiếp tham gia vào sự đăng quang của nền dân chủ tự do.
Quán Café Les Deux Magots:
Rời quán Café Le Procope, đi theo đại lộ Saint-Germain, bạn sẽ đến một quán café lớn khác: Les Deux Magots (Hai Tượng Sứ). Tên quán có nguồn gốc từ hai bức tượng sứ Tàu được sử dụng làm biển hiệu của một cửa hàng kinh doanh đồ thời trang trước đây nằm tại vị trí  quán café này. Hiện nay, hai bức tượng sứ vẫn hiện diện tại quán như để theo dõi số phận thăng trầm của cửa hàng.
Năm 1914, Augustin Boulet mua lại cửa hàng thời trang Les Deux Magots và thuê một kiến trúc sư mỹ thuật cải biến nó thành quán Café Les Deux Magots đặt dưới sự quản lý của gia đình. Từ đó đến nay, bối cảnh trang trí của quán không thay đổi. Các vật dụng làm bằng gỗ gụ (acajou) và những cái ghế dài truyền thống bằng da thuộc được chăm chút và giữ gìn nguyên vẹn. Giới nghệ sĩ, nhà thơ, nhà văn… là khách quen thuộc của quán Café Les Deux Magots. Rimbaud, Mallarmé, Gide, Fernand Léger, César, Le Corbusier, Picasso… xem quán Café Les Deux Magots như thể nhà mình.
Jacques Mathivat, cháu đích tôn của Augustin Boulet, hiện là quản lý quán, tự hào kể lại: ”Đây là bàn mà trước đây nhà văn Hemingway vẫn thường ngồi mỗi khi đến quán. Chỗ kia, cạnh cửa sổ kiếng, là bàn mà Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir vẫn thường hẹn gặp nhau.”
Quán Café Les Deux Magots đặt chất lượng dịch vụ lên tiêu chuẩn hàng đầu mà mọi nhân viên phải tuyệt đối tôn trọng. Trước khi rót rượu vào ly phục vụ khách, nhân viên phải trình chai rượu còn nguyên nhãn hiệu cho khách xem, bất luận đó là rượu mạnh hay rượu vang. Francis Dupin, đương kim Giám đốc quán Café Les Deux Magots, khẳng định: ”Cách chế biến sô cô la của quán vẫn được giữ nguyên từ lúc mới sáng lập quán đến nay. Thanh sô cô la nâu được làm tan chảy ra trong sữa và chậm rãi đun nấu trên lửa riu riu cho đến khi thành phẩm.”
Quán Café de Flore:
Cách quán Café Les Deux Magots chừng vài chục mét là quán Café de Flore. Ngoài rượu Pouilly-fumé danh tiếng, một loại rượu trắng nguyên chất ở vùng Sauvignon Blanc của Pháp, thức uống làm nên thương hiệu của quán là Café de Flore vì nó nổi tiếng thơm ngon nhất của thủ đô Paris nhờ được pha trộn và chế biến theo một công thức đặc biệt. Jacques Larisco, quản lý Café de Flore, tiết lộ: ”Trong mỗi ly có đúng 12 gram café, trong khi ở những quán café chỉ có 5 hay 6 gram!”
Nhưng Café de Flore còn được mọi người biết đến như là điểm hẹn thu hút hầu hết các triết gia theo thuyết hiện sinh (existentialisme) mà người đứng đầu, không còn phải tranh cãi gì nữa, chính là triết gia Pháp Jean Paul Sartre. Denis Huisman, triết gia người Pháp thế kỷ XX, nói: ” Jean Paul Sartre sống gần như suốt ngày tại quán Café de Flore. Chính tại đây nguồn cảm hứng tuôn trào ra trong tâm hồn ông.
Quán Café de la Paix:
Không phải chỉ tả ngạn dòng sông mới có những quán café nổi tiếng. Quán Café de la Paix rộng lớn nhất Paris nằm sát bên nhà hát Opéra. Mặt tiền của quán này trải dài những 45 mét trên đại lộ Capucines. Vào mùa cao điểm, quán có thể chứa đến 400 người. Oscar Wilde, nhà văn, nhà thơ Ái nhĩ Lan,  đến đây gần như mỗi ngày để nhắm nháp cốc rượu vecmut (vermouth). Quán café này là địa điểm lý tưởng để quan sát dòng người Paris nối tiếp nhau diễu hành qua lại trên đại lộ Capucines. Arthur Conan Doyle, một nhà văn danh tiếng khác của Anh quốc, cha đẻ của nhân vật đình đám Sherlock Holmes, ngồi ở mái hiên mặt tiền quán này để viết.
Quán Café de la Paix thường trực có 18 người hầu bàn phục vụ khách dưới sự giám sát chặt chẽ của một đội trưởng. Vào những buổi trưa mùa hè, khi Quán Café de la Paix chật cứng khách, có đến 30 hầu bàn phục vụ nhằm đảm bảo mọi yêu cầu của từng khách một trong thời gian ngắn nhất. Michel Sourdet, phụ trách quán Café de la Paix, cho biết: ”Tất cả hầu bàn đều mặc đồng phục truyền thống. Đó là loại áo dài đen hẹp tà (frac noir) và một tấm tạp dề trắng với cái nơ hình bướm.
Quán Café de la Paix là điểm hẹn của những người nổi tiếng trên thế giới. Từ hơn một thế kỷ nay, nhiều nhân vật lừng danh trên toàn thế giới hiện diện dưới mái nhà Café de la Paix được nhóm nghệ nhân của Charles Garnier, kiến trúc sư nhà hát Opéra Paris, trang trí theo gam màu vàng rực rỡ. Pascal Boissel, chịu trách nhiệm về lịch sử của quán café de la Paix, nhấn mạnh: ”Những nhà văn, nghệ nhân, chính trị gia… nổi tiếng thế giới từng đến đây đều có ghi bút tích vào sổ vàng của quán.
Nhưng Café de la Paix cũng không thiếu vắng người Paris. Trong số những khách thường lui tới quán, phải kể đến giới doanh nhân ngân hàng ở khu Opéra và đội ngũ nhân viên của những cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị Chaussée-d’Antin. Rémy Moteau, quản lý quán café de la Paix, thổ lộ: ”Hầu hết khách tỉnh lẻ đến thăm viếng nhà hát Opéra đều dừng chân nơi quán chúng tôi để thưởng thức cái bánh ngọt, một tách café, ly trà hay cốc rượu.”
Nhiều quán café lớn khác của Paris nằm trên đại lộ Montparnasse. Hồ sơ lưu của cảnh sát quận 6, Paris, còn lưu trữ biên bản ghi nhận cuộc ẩu đả giữa nhóm nhà văn trường phái siêu thực (surréalisme) sau bữa ăn trên tầng một của quán Café La Closerie des Lilas. Và không thể bỏ sót những quán café như Café la Rotonde, Le Dôme và La Coupole là nơi tụ họp của những họa sĩ lừng danh thập niên 1920 như Matisse, Man Ray, Picasso và Jean Cocteau, đó là chưa kể đến những tiểu thuyết gia lớn của Mỹ như Hemingway, Scott Fitzgerald, Henry Miller hay James Baldwin.
Thế nhưng truyền thống lớn của những quán café Paris không chỉ có trong quá khứ. Bằng chứng là quán Café Costes ở khu Halles, đối diện với đài phung nước Innocents, cách trung tâm Georges Pompidou chỉ vài bước chân. Quán Café Costes vẫn còn duy trì phong cách phục vụ cổ điển trong không gian của một mái hiên rộng thoáng. Jean-Louis Costes, chủ nhân và là nhà sáng lập quán, hóm hỉnh thuật lại: ”Có nhiều đoàn du khách vào tận bên trong quán của chúng tôi để chụp hình bối cảnh trang trí đặc thù do nhà thiết kế Pháp Philippe Stark thực hiện, mà không gọi món ăn hay thức uống nào cả. Dù thế nào thì đó cũng là một vinh dự cho quán chúng tôi vốn nổi tiếng không thua kém một viện bảo tàng.”
Từ lâu, lực hấp dẫn kỳ diệu của các quán café Paris đã vượt ra khỏi biên giới của quốc gia có  hình lục giác này. Năm 1948, người ta đã không ngạc nhiên khi Raymond Morgan, một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực đài phát thanh, đã trực tiếp thu thanh chương trình mang tên “Đây là Paris” (Voici Paris) tại quán Café de la Paix. Henri Salvador, một danh ca và diễn viên hài nổi tiếng, cùng một số diễn viên ngôi sao khác đã được chọn tham gia chương trình này. Pascal Boissel, phụ trách lịch sử của quán Café de la Paix, còn nhớ: ”Maurice Chevalier hát bằng tiếng Anh và Yves Montand hát bằng tiếng Pháp. Riêng tôi đã tham gia diễn hài kịch. Người Mỹ muốn nghe tiếng cười từ nước Pháp. Đó là một chương trình khá hoành tráng thời bấy giờ, bởi với những trang thiết bị lúc đó, quả là không dễ dàng thực hiện chút nào. Dù dây cáp được giăng tứ hướng, nhưng quán Café de la Paix đã mang đến một khung cảnh tuyệt vời.”
Mười lăm năm sau, tức năm 1943, khi quay trở lại quán Café de la Paix, Henri Salvador đã ngẫu hứng viết vào sổ vàng: “Hãy mở rộng quán Café de la Paix (hòa bình) và chúng ta sẽ có hòa bình trên toàn thế giới.”
Đào Duy Hòa  (Sydney)
(Theo Sélection)

No comments:

Blog Archive