Thursday, April 19, 2018

NGÃ RẼ CỦA MỘT DÒNG SÔNG


Truyện của Phương Lan

Bác sĩ Lương ngồi sau cửa sổ nhìn ra bên ngoài, trời đã về chiều, đường phố vắng tanh.  Hình như sắp có bão, không khí nặng những hơi nước, nhiều cơn gió xoáy làm lá khô và cát bụi bay mù mịt, chim chóc xao xác đua nhau bay về tổ.  Bầu trời xám xịt, vần vũ những mây, thỉnh thoảng lại loé lên vài tia chớp sáng loà, tiếp theo là những tiếng sấm nổ ầm ầm, làm rung chuyển cả không gian.  Ông nhìn đồng hồ, đã hơn 7 giờ rồi, phố xá vừa mới lên đèn.  Ánh đèn vàng vọt soi lờ mờ con phố vắng dài hun hút, không một bóng người qua lại, vài giọt mưa bắt đầu rơi lác đác, rồi mưa rơi nặng hạt, mỗi lúc một mau.  Ông sốt ruột lẩm bẩm:

-         Trời đã tối, lại gió bão thế này, không hiểu cô ấy đi đâu chưa chịu về?

Ông đang mong vợ, và lo lắng không hiểu đã xảy ra chuyện gì, mà mấy tuần nay vợ ông có vẻ buồn bã khác thường. Hiền không lăng xăng nói cười líu lo như trước đây, cả đến đứa con hai tuổi, nàng cũng không buồn ngó ngàng đến.  Suốt ngày nàng có vẻ đăm chiêu suy nghĩ, và thỉnh thoảng lại thở dài.  Một lần ông bắt chợt thấy nàng mắt đỏ hoe, hình như nàng vừa mới khóc.  Ông đau lòng tự hỏi hay là ông đã làm điều gì cho nàng buồn lòng?  Nhưng khi ông hỏi, thì nàng đáp:

-         Không! chẳng có gì hết.

Biết là vợ không muốn nói, nhưng ông không ép.  Ông tự nhủ sẽ phải tìm hiểu, bởi vì ông không muốn vợ ông phải đau khổ.  Ông chỉ muốn nàng luôn luôn sung sướng, ông đã làm hết cách để nàng được sung sướng, để bù lại những hy sinh của nàng khi lấy ông.  Năm nay, bác sĩ Lương đã gần bảy chục tuổi rồi, còn vợ ông chỉ mới hai mươi tám.  Ông biết là ông đã già quá, lại xấu xí, chẳng có gì để hấp dẫn bọn phụ nữ cả, mái tóc muối tiêu bạc hơn phân nửa, thân hình cao gầy như que củi, đã thế lại còn cái chân đi khập khễnh do một tai nạn xe cộ - tai nạn đã làm thiệt mạng ngưòi vợ trước của ông cách đây hơn mười năm - làm ông trông càng  thảm hại hơn.  Trong khi đó Hiền, vợ của ông trông xinh tươi, mơn mởn như một nụ hồng, nàng sánh với ông, dù ai có lịch sự cách mấy cũng không thể nói là đẹp đôi được.  Ông hiểu rõ điều đó hơn ai hết, và không có một chút ảo tưởng nào cả, ông còn biết rõ một điều là nàng không hề yêu ông, nàng lấy ông chỉ vì cảm ân nghĩa.

Ba năm trước đây, ông là bác sĩ trong phái đoàn thiện nguyện từ Hoa Kỳ về Việt Nam giải phẫu và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.  Ông đã gặp Hiền tại bệnh viện, khi nàng chở mẹ nàng tới cấp cứu.  Bà ta bị bệnh ung thư bao tử đã tới giai đọan chót, nên mặc dù ông và các bác sĩ khác trong bệnh viện đã tận tình cứu chữa, nhưng bà vẫn qua đời mấy tháng sau đó.  Gia đình Hiền nghèo lắm, và ông đã bỏ tiền ra giúp Hiền lo tang ma cho mẹ nàng.  Thật tình lúc đó ông không hề có ý định lợi dụng Hiền, ông giúp đỡ nàng hoàn toàn chỉ vì lòng nhân đạo.  

Sáu tháng sau, Hiền tới tìm ông tại bệnh viện, buồn bã nói:
-         Hôm nay em đến để giã từ bác sĩ, em sắp phải đi xa...
-         Vậy à, nhưng cô đi đâu vậy?
-         Em sẽ đi xa, thật xa, chắc lâu lắm mới có ngày về... Nàng thở dài, em sắp phải đi lấy chồng.
-         Ồ nếu thế thì có gì lạ đâu?  Ông vui vẻ nói, là con gái, ai chẳng phải lấy chồng, đó là một tin mừng chứ, có gì mà phải buồn?        
-         Không, bác sĩ ạ…  Nàng cắn môi, cúi mặt xuống cố nén tiếng khóc, khi ngẩng lên mắt nàng đã ngập đầy lệ, em không biết phải nói thế nào…
-         Có chuyện gì vậy?  Ông ôn tồn, nếu cô không cho là tôi tò mò, cô có thể kể cho tôi nghe, để xem tôi có thể giúp gì cho cô được không?  Tại sao cô lại có vẻ buồn thế? cô bị  ép duyên à? cô không yêu anh ta?
-         Em không biết một tí gì về người chồng sắp cưới của em cả, nói chi đến chuyện yêu đương?  Em không biết mặt ông ta, ngay cả một tấm hình cũng không có, tên tuổi, nghề nghiệp cũng không, em không biết một tí gì cả...
-         Ai làm mai mối mà kỳ cục vậy? gia đình cô ép gả à?
-         Không! trái lại là khác, cha em thương em lắm, ông ngăn cản, nhưng em không nghe, chính em tự nguyện.
-         Trời! cô càng nói tôi càng không hiểu gì cả.
-         Thật ra cũng chẳng có gì khó hiểu đâu, nhưng bác sĩ khó mà tưởng tượng...

Hiền ngập ngừng một lúc rồi mới nói tiếp:
-         Gia đình em lâm vào đường cùng rồi, em phải làm nàng Kiều bán mình.......  Em đã ghi tên với một Văn Phòng Giới Thiệu Hôn Nhân và đã được giấy gọi… Ở đấy, họ chỉ tuyển các cô gái trẻ, để mai mối cho các người ngoại quốc, Tàu hoặc Đại Hàn.  Những người này bỏ ra một số tiền và tha hồ lựa chọn, còn bọn em phải nhắm mắt vâng lời, không được quyền có ý kiến...

-         Trời! Ông kêu lên xửng sốt, đó là dịch vụ mua bán người, chứ đâu phải là dịch vụ hôn nhân? 
-         Đúng vậy bác sĩ ạ, họ bỏ tiền ra mua một người đàn bà, và tha hồ xử dụng cho vừa với ý muốn và mục đích của họ.  Đôi khi có những ý muốn vô cùng quái gở, cũng như có những mục đích vô cùng tàn bạo...
-         Xem ra cô cũng hiểu rành rẽ lắm.

Hiền lắc đầu: -         Có sống trong cuộc mới hiểu thấu đáo từng chi tiết, còn em chỉ biết sơ qua. Thật ra cũng có một vài trường hợp may mắn hiếm hoi, còn đại đa số đều gặp những rủi ro, bất trắc, không lường trước được.

Nàng ngừng lại một lúc rồi mới thở ra buồn bã:
-         Bọn em không phải là không biết tủi nhục, nhưng vẫn phải liều nhắm mắt đưa chân, vì không còn con đường nào khác.

Bác sĩ Lương nhìn người con gái tội nghiệp đang đứng trước mặt, cô ta trông hiền lành, chất phác thế kia mà sắp phải dấn thân vào con đường phiêu lưu nguy hiểm, và cuối đường là vực thẳm đang chờ đón. Ông cảm thấy bất nhẫn và thương xót không thể tả.  Ông nghĩ ngợi bâng khuâng, cuộc đời ngắn ngủi có là bao, mà sao lắm khổ đau.  Từ dạo vợ ông chết đi, ông vẫn ở vậy không nghĩ đến việc tục huyền, vì ông vẫn chưa quên được bà, và ông vẫn mang mặc cảm tội lỗi là đã gây ra cái chết của vợ, cho dù đó chỉ là một tai nạn, và chính ông cũng bị thương.  Thời gian trôi qua, ông cũng nguôi ngoai dần, chợt ngoảnh lại thấy mình đã già, sáu mươi lăm tuổi rồi, ông cũng cần được hưởng chút ít hạnh phúc trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời chứ?  Trước đây, mải mê làm việc, ông không để ý đến thời gian, nhưng bây giờ hưu trí rồi, công việc thiện nguyện không chiếm của ông mất nhiều thì giờ, ông cảm thấy cuộc sống sao tẻ nhạt và trống rỗng quá, còn thời gian sao mà dài lê thê.  Ông thấy cô đơn vô cùng, chưa bao giờ ông thấy cần thiết có một người bạn đời bằng lúc này, để cùng ông chia xẻ những vui buồn trong cuộc sống.  Ông thở dài băn khoăn, cô gái này nếu bị bán sang Đài Loan, có thể bị rơi vào những ổ điếm, hoặc sa vào tay những tên bạo dâm và sẽ bị ngược đãi. Không, ông không thể để mặc nàng, ông sẽ cứu vớt nàng, nhưng bằng cách nào đây? giúp nàng một số tiền? điều này thì ông sẵn lòng, nhưng ông cũng không giầu có chi nhiều, còn Hiền sau khi xài hết số tiền, và khi ông về Mỹ rồi, đời nàng sẽ ra sao? chắc chắn nàng sẽ đi trở lại con đường cũ.  Ông còn đang phân vân chưa biết tính sao, thì Hiền bỗng bật lên khóc:

-         Thấy gương những nguời đi trước, em rùng mình… Em sợ lắm, em sợ không có can đảm.

Ông gật đầu:
-         Đúng vậy, cô không nên liều lĩnh, đến một đất nước xa lạ không biết tiếng nói, không người thân thích, lỡ có chuyện gì, biết cầu cứu ai?

Hiền ngồi im cắn móng tay hồi lâu, rồi mới ngập ngừng nói ra cái lý do nàng tới tìm ông hôm nay, nhưng nàng chỉ nói bóng, nói gió cho ông hiểu rằng ông có thể cứu vớt đời nàng, nếu ông hứa sẽ giúp đỡ gia đình nàng cho qua cơn bế tắc hiện nay, và để đền ơn, nàng sẽ tình nguyện làm vợ của ông.  Thốt xong câu nói khó khăn đó, Hiền xấu hổ cúi gằm mặt xuống, ông thương cảm nhìn nàng, từ tốn nói:
-         Không được đâu cô Hiền ạ, tôi già quá, sánh với cô sao được?
-         Có hề gì, miễn ông không chê em quê mùa, Hiền nói, mặt đỏ như gấc, làm vợ một người tử tế như ông, chẳng hơn là làm nô lệ cho một người nước ngoài, không rõ thân thế, không thấy mặt mũi, biết đâu lại chẳng là một ông già tàn phế, câm điếc? hoặc tệ hơn là sa chân vào ổ điếm…

Ông nhìn nàng, nghĩ ngợi một lúc rồi mới dịu dàng nói:
-   Thôi được rồi, để thong thả chúng ta sẽ bàn tính lại.

Như thế đó, cuộc tình của họ lúc đầu đơn thuần chỉ là một cuộc trao đổi, một bên cần nương dựa vào vật chất, một bên vì lòng trắc ẩn và sự cô đơn.  Nhưng khi lấy nhau rồi, một tình cảm mới mẻ đã nẩy sinh giữa đôi vợ chồng chênh lệch tuổi tác đó.  Ông thương yêu, săn sóc, chiều chuộng Hiền đủ thứ, để nàng được sung sướng.  Hiền cảm ân tình của chồng đối với mình và gia đình mình, nên cư xử với ông rất ân cần, tử tế.  Ông cảm thấy sung sướng được hưởng cái thú gia đình, cái hạnh phúc ngọt ngào ông mới tìm được sau hơn mười năm vắng bóng.   Căn nhà của ông từ dạo có Hiền, trở nên ấm cúng, linh hoạt hẳn lên với những tiếng nói cười trong trẻo, dịu dàng của nàng.  Cô gái nhà nghèo, lam lũ bây giờ được sống trong nhung lụa, đã thay đổi và trở nên xinh đẹp lạ lùng, làn da nâu xậm vì rám nắng trở nên trắng nõn, mái tóc khô cháy bây giờ óng ả mượt mà, quần áo sang trọng, phấn son tô điểm càng làm cô thêm xinh đẹp.  Hiền như lột xác từ cô bé Lọ Lem trở thành một nàng công chúa diễm lệ.  Nhưng trên khuôn mặt đẹp như hoa kia lúc nào cũng phảng phất một nét buồn kín đáo.  Nhìn vợ, ông hiểu và ngầm thông cảm, là người từng trải, ông hiểu rằng tiền tài, vật chất không đủ để đem lại hạnh phúc cho một cô gái trẻ trung, xinh đẹp như nàng. Vì vậy, ông đã làm hết cách để vợ ông được vui vẻ, thoải mái, và không cảm thấy bực bội khi phải sống chung với người chồng lớn tuổi.  

Khi Hiền ngỏ ý muốn đi làm cho vui, ông đồng ý ngay, ông đưa vợ vào bệnh viện, giới thiệu Hiền với một nhóm y tá, và sinh viên y khoa dưới quyền ông, nhờ họ chỉ dẫn, huấn luyện cho nàng trở thành một người y tá phụ.  Nhóm này gồm cả nam lẫn nữ, đa số đều trẻ trung và vui nhộn, trong đó có một anh sinh viên thông minh ưu tú mà ông rất thương mến, chàng trai tên Hùng này con nhà nghèo, nhưng học giỏi nên vẫn được ông nâng đỡ.

Ông bận rộn suốt ngày với công việc giải phẫu, những lần họp hội chẩn, những buổi thuyết trình… Nhưng khi về nhà, ông được nghỉ ngơi thoải mái, ông sung sướng thấy vợ ông vui tươi hớn hở, nói cười  luôn miệng, chứ không âu sầu, ủ dột như trước đây.  Căn nhà nhỏ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, và bếp lửa ấm cúng làm cho ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Thời gian trôi nhanh lắm, thấm thoát đã ba năm, bây giờ trong gia đình ông đã có thêm một đứa trẻ hai tuổi.  Chú bé mới dễ thương làm sao, mắt tròn như hai hòn bi, má lúm đồng tiền và cái miệng giống y hệt mẹ nó.  Đứa bé  chỉ có mái tóc lưa thưa là giống ông, ngoài ra nó chẳng mang một nét nào của ông cả, nhưng hề gì, giống mẹ nó càng đẹp, chẳng hơn là xấu xí giống ông hay sao?  Ông cưng nó hơn cục vàng, đi làm thì chớ, về nhà là ông ẵm bế, nô rỡn với nó, làm đủ mọi trò hề chọc cho nó cười.  

Nhà có tiếng trẻ mới ấm áp, vui vẻ biết bao, cả đời ông chỉ ao ước có một đứa con, nhưng người vợ trước của ông mắc bệnh tắc buồng trứng, nên không sanh đẻ gì được, ông cũng chẳng bao giờ phàn nàn, tính ông vốn hiền lành, không muốn làm đau lòng người khác.  Bây giờ được làm cha đứa bé này đây, còn sung sướng nào bằng?  Dù thế nào đi nữa, ông vẫn thầm cám ơn vợ đã cho ông được hưởng cái hạnh phúc mới mẻ này.  

Ông chỉ khổ tâm một điều là mỗi khi phải đi ra ngoài với đứa bé, một ông già đầu bạc bồng một đứa bé hai tuổi trên tay, nó bi bô gọi ông bằng bố, ông thấy xấu hổ làm sao.  Giá nó gọi ông là ông ngoại, chắc ông sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn nhiều, khỏi phải ngượng ngùng trước những ánh mắt chế diễu.  Có những kẻ thô lỗ, còn chỉ trỏ bàn tán và nói rõ to cho ông nghe thấy:
-         Nhìn coi thằng nhỏ giống ba nó ghê chưa?

Một tràng cười sặc sụa tiếp theo:
-         Con quạ nuôi con tu hú!

Hoặc tàn nhẫn hơn:
-         Thằng chả chỉ tráng men thôi, hết xíu quách rồi, đúc cốt thế mẹ nào được?

Những khi đó, ông chỉ muốn nhào tới đấm cho mấy tên mất dạy mỗi đứa mấy đấm thật mạnh vào mặt.  Nhưng ông không thể làm được việc đó, vì vậy mà ông đành khổ tâm mà lờ đi, cũng như ông đã khổ tâm mà lờ đi nhiều việc khác. Chưa bao giờ ông ngăn cản, cấm đoán vợ làm những điều nàng thích, bởi vì ông chỉ muốn vợ ông sung sướng, để bù lại những thiệt thòi mà nàng đã chịu khi phải làm vợ một người lớn tuổi như ông.  Nhốt một con chim non vào lồng là một điều tàn nhẫn, cho dù có là lồng son đi nữa.

Thiên hạ làm sao hiểu được tình cảm của ông đối với người đàn bà trẻ này? nó không đơn thuần chỉ là tình yêu nam nữ, mà còn pha một chút tình cha con, vì nàng chỉ đáng tuổi con ông thôi, cũng như cậu sinh viên y khoa ưu tú kia vậy, ông hết lòng chỉ dạy, giúp đỡ và cũng coi cậu ta như con.  Những kẻ xấu miệng thường hay xì xầm bàn tán, và chế diễu ông, họ nói ông là một lão già mù quáng và ngu ngốc.  Ông nghe thấy hết, nhưng chẳng buồn để ý, bởi vì ông thấy họ tầm thường quá, làm sao họ hiểu được tấm lòng cao cả của ông?  Cứu vớt một người đàn bà, không phải là để hưởng sự trả ơn, như thế có khác gì một cuộc mua bán, dùng tiền bạc để mua lấy những thú vui ích kỷ của mình, lợi dụng quyền làm chồng để giam hãm vợ vào cái ngục do mình tạo ra là dã man.  Ông  không đến nỗi hèn hạ và ác độc như một số những ông già Đài Loan hay Đại Hàn, bỏ tiền ra mua một người đàn bà, để vừa làm vợ, vừa làm đầy tớ. 

Muốn vợ được sung sướng, ông đã chiều theo tất cả mọi ý muốn của nàng. Hết hạn ba năm, phái đoàn y tế thiện nguyện về Mỹ cả, mình ông ở lại, chỉ vì Hiền muốn ông ở lại, Hiền nói nàng không muốn xa lìa quê hương, xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn, nàng quyến luyến gia đình, bạn bè... Nàng cũng không muốn cắt đứt công việc mà nàng đang rất thích thú tại bệnh viện, thích thú tới nỗi có khi đi làm mà nàng lại bồng theo đứa bé, ông cũng không ngăn cản, mặc dù bệnh viện là nơi có nhiều người đau ốm, dễ bị nhiễm trùng.  Ông chỉ căn dặn nàng cách phòng ngừa lây bệnh cho đứa bé, và chỉ nên cho nó ở chơi trong chốc lát, Hiền vui vẻ nghe theo.

Không hiểu sao mấy tuần nay Hiền có vẻ buồn bã, ít nói, ít cười, mỗi khi đi đâu về, nàng có vẻ buồn hơn, hoặc giận dữ bỏ vào phòng riêng đóng cửa lại.

Hôm qua Hiền kêu nhức đầu và bỏ bữa ăn chiều, nàng đang ốm rồi… Đã xảy ra chuyện gì? ông lo lắng lẩm bẩm:
-         Lại cãi nhau chắc? lần này thì có vẻ găng...  Anh chàng tệ thì thôi, làm đàn ông thì phải độ lượng chứ, ai lại đi tranh chấp với đàn bà?  Hùng không biết là hắn đã làm nàng khổ đến thế nào ư? giá mình có thể khuyên hắn một câu nhỉ...

Khổ nỗi làm sao ông dám ra mặt? mọi người vẫn tưởng rằng ông không biết gì hết, và câu chuyện vẫn còn ở trong bóng tối, nay ông ra mặt, mọi người lại tưởng ông ghen.  Không đâu, ông đâu có tầm thường như họ nghĩ, mấy lúc gần đây ông thấy sức khoẻ yếu kém, ông chỉ muốn yên tĩnh và tiếp tục được hưởng những ngày êm đềm, vui vẻ trong những năm tháng cuối đời.  Hạnh phúc của ông là được nhìn thấy hạnh phúc của những  người mà ông thương yêu, đó là đứa bé, người vợ trẻ của ông và anh chàng sinh viên nghèo mà ông vẫn giúp đỡ.  Ông chỉ muốn họ sung sướng, và ông đã làm tất cả những gì ông có thể làm, để họ được sung sướng. Anh chàng sinh viên kia, hẳn đã sung sướng vì không phải bỏ học nửa chừng do thiếu tiền.  Còn vợ ông, ông chỉ muốn được nhìn thấy nàng vui tươi, ca hát suốt ngày như con chim sơn ca, lăng xăng đi lại trong nhà, nói với ông những lời dịu dàng… Những buổi sáng êm đềm, cùng ngồi bên ông nhấm nháp những cái bánh ngọt, bên ly cà phê thơm ngát, và những buổi tối đẹp trời cùng ông đi dạo ngoài vườn, ngắm trăng.  

Ông chỉ cần có thế, và còn đứa bé nữa chứ, nó là nguồn an ủi vô biên của ông, những lời nói ngây thơ của nó thường làm ông phì cười.  Ông ghiền hít ngửi làn da mát mịn, thơm mùi sữa của nó, cọ mặt ông vào mái tóc tơ mềm mại, để mặc cho những bàn tay nhỏ xíu, mũm mĩm của nó kéo gọng kính của ông trễ xuống mũi, và cười như nắc nẻ, ông cũng cười theo nó.  Ôi trẻ thơ, thiên thần của hạnh phúc! những giây phút ấy ông sung sướng vô kể, ông chẳng mong gì hơn nữa, ông bằng lòng với cái hạnh phúc giản dị đó.

Nhưng mấy tuần nay, vắng tiếng cười của vợ, cả thằng bé cũng ngẩn ngơ, không còn nô rỡn, chắc nó cũng cảm thấy sự khác lạ, vì mẹ nó không thèm để ý đến nó, không săn sóc, không cả bế bồng, và hôn nó trước khi đi ngủ.  Nhà cửa sao lạnh lẽo quá chừng, ông quyết định sẽ phải làm một cái gì đó để cứu vãn, không thể để tình trạng như thế này kéo dài mãi, vợ ông sẽ héo úa mà chết.

Sáng hôm sau là chủ nhật, ông tìm đến Hùng tại nhà riêng của hắn.  Mọi người trong nhà Hùng đều đi vắng cả, thật vô cùng thuận lợi.  Bắt tay chào hỏi xong, ông kín đáo quan sát nét mặt bơ phờ hốc hác của anh ta, và thân mật hỏi:
-         Này anh bạn trẻ! dạo này học hành ra sao?
-         Vẫn bình thường, thưa giáo sư.
-         Thế còn mọi chuyện khác cũng bình thường cả chứ?

Anh ta có vẻ bối rối, cố tránh tia nhìn của ông:
-         Những chuyện khác là chuyện gì kia ạ?
-         Chuyện tình cảm ấy mà.

Hùng giật mình, ngồi thẳng người lên, sợ hãi lộ ra nét mặt, ông mỉm cười hiền lành, ôn tồn nói:
-         Đừng ngại gì cả, tôi chỉ có thiện chí muốn giúp đỡ.  Cứ kể cho tôi nghe giữa hai người đã xảy ra chuyện gì? mấy tuần nay cô ấy không được vui.

Hùng đứng im, nét mặt biến chuyển rất nhanh, có lúc đỏ bừng lên rồi chuyển sang tái trắng, rồi lại đỏ bừng… Sau cùng, anh ta quì xụp xuống đất, dáng điệu trông thật là thảm hại:
-         Xin giáo sư tha tội cho tôi, vì việc này mà tôi khổ sở hết sức. Tôi không xứng với sự tin tưởng của giáo sư, tôi đã trả ơn giáo sư bằng sự phản bội.  Tôi bị lương tâm cắn rứt, và tôi hối hận lắm, tôi thề sẽ chấm dứt, tôi vừa nói với cô ấy là tôi sẽ cắt đứt mọi liên hệ, và tôi sắp cưới vợ…
-         Cưới vợ à?  Ông nhảy nhỏm lên như người bị điện giật, đâu có thể chấm dứt mọi việc một cách dễ dàng như thế?  Anh đã nói với cô ấy như vậy rồi à? đồ vô lương tâm! anh không biết những lời nói của anh đã làm tan nát  tim gan cô ấy, cô ta không còn thiết sống nữa. Tội nghiệp! mấy hôm nay cô ta đã ốm rồi...
-         Nhưng tôi không còn cách nào khác, không thể để một sự việc đáng xấu hổ như vậy tiếp tục mãi, tôi không thể chịu được sự đàm tiếu của thiên hạ.
-         À thì ra anh sợ dư luận?  Nếu thế, thì lúc trước anh không nên làm điều đó, nhưng anh đã làm rồi... Tôi hiểu tuổi trẻ bồng bột, và tôi không trách anh, vì tôi đã tha thứ cho anh.  Nhưng anh phải có trách nhiệm với người đàn bà đã yêu anh và sanh con cho anh chứ?

Hùng ôm mặt rên rỉ:
-         Trời ơi! việc này, việc này…
-         Phải!  Ông ngắt lời, việc này tôi cũng biết, nhưng tôi nói ra không phải là để trách anh… 
-         Tôi thật là một đứa khốn nạn, trời sẽ hại tôi… Van bác sĩ đừng nói nữa!
-         Không, tôi phải nói.  Ông vẫn tiếp tục, để anh hiểu rõ trách nhiệm và bổn phận, tôi không thể yên tâm với ý nghĩ rồi đây hai mẹ con họ sẽ bơ vơ.  Tôi còn sống ngày nào, tôi sẽ che chở, bảo bọc hai mẹ con họ.  Nhưng tôi già rồi, sức khoẻ suy yếu, chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ chết đi, mẹ con họ sẽ ra sao? nhất là đứa bé vô tội, nó còn non nớt quá, nó cần một người cha.  Anh phải có trách nhiệm với mẹ con họ.
-         Tôi phải làm thế nào bây giờ?
-         Cưới cô ấy, đem mẹ con cô ấy về sống với anh. Tôi sẽ lo chu toàn cho hai người.

Hùng kêu lên sửng sốt:
-         Làm như thế còn ra cái thể thống gì nữa? giáo sư không sợ thiên hạ sẽ chê cười à?  Còn danh dự của giáo sư nữa…

-         Danh dự của tôi cũng không bằng hạnh phúc của hai mẹ con người đàn bà đáng thương đó.  Ông thở dài, tôi đã làm một điều lầm lẫn khi cưới một người vợ quá trẻ, chỉ đáng tuổi con mình, tôi ân hận và đã làm hết cách để đền bù cho cô ấy.  Hiền không hề yêu tôi, ép cô ấy phải sống chung với tôi suốt đời, thật quả là một điều ác độc. Tôi biết tôi phải rút lui để trả tự do cho cô ấy, đó là điều hợp với đạo lý, tôi không nghĩ rằng thiên hạ sẽ chê cười.

Ông cúi xuống kéo Hùng đứng lên, thong thả nói tiếp:
-         Ở đời, người nào cũng có đôi lúc phạm phải những điều không nên làm, nhưng phải biết dừng lại đúng lúc, tiếp tục đi sâu vào con đường sai lầm mới là điều nên tránh.  Anh cũng vậy, không nên làm thêm một điều lầm lỗi nữa, là phủ nhận hậu quả anh đã gây ra, phủi tay với tránh nhiệm.  Anh còn trẻ, tương lai còn dài, hãy bắt đầu lại từ đầu, hãy sống với con tim của mình, tạo dựng hạnh phúc cho mình và người mình yêu.  Anh yêu cô ta phải không? và cô ta cũng yêu anh lắm, cô ấy không thể sống thiếu anh.  Các người hãy đem nhau đi, tạo lập một gia đình riêng, sống với nhau, đem hạnh phúc cho nhau.
-         Nhưng còn giáo sư sẽ ra sao?
-         Đừng lo cho tôi, lão già này đã gần bẩy chục tuổi rồi, đâu còn sống được bao lâu nữa? Tôi chỉ muốn sau khi tôi chết đi, những người mà tôi thương yêu vẫn sống yên vui, hạnh phúc bên nhau.

Hùng cảm động quá, hắn lại quỳ xụp xuống chân ông, khóc nức nở:
-         Lòng bác sĩ bao la như biển rộng, tôi biết nói gì đây để tỏ lòng tri ân? chỉ xin bác sĩ nhận cho một lạy này, và cho phép tôi được gọi bác sĩ bằng cha. 

Ông vỗ nhẹ vào vai chàng, mỉm cười nhưng cặp mắt ướt rượt:
-         Đứng lên đi! thế anh không biết là từ bao lâu nay tôi vẫn coi anh như con hay sao?  Hãy hứa với tôi một điều là anh sẽ thương yêu, chăm sóc cho mẹ con cô ấy suốt đời, đó là cách anh trả ơn tôi đấy.
-         Vâng, con xin hứa!
-         Tôt lắm, con trai ta ạ.  Ông nhìn chàng trai bằng một cái nhìn trìu mến, bây giờ thì ta có thể yên tâm được rồi, không còn gì phải lo lắng nữa.  Cám ơn con đã hứa cho ta được sống an vui, thanh thản những năm tháng cuối cùng của cuộc đời.

Từ giã Hùng, ông về nhà với một tâm trạng vui buồn lẫn lộn.  Ông bồng dứa bé lên tay, hôn trơ trất khắp mặt mũi, đầu cổ của nó, nước mắt chảy ròng ròng, ông nói với nó như nói với một người lớn:
-         Con biết không? phải xa con và mẹ con, lòng ta đau đớn như thế nào?   Nhưng ta không thể ích kỷ mãi, ta không muốn vì ta mà cha con phải tiếp tục chịu những đau khổ dằn vặt, còn mẹ con thì âu sầu, ủ rũ như chiếc lá héo.  Ta đã già quá rồi, thời gian còn lại chẳng còn là bao, trước khi đi vào cõi chết, ta muốn làm một điều tốt, đó là đem hạnh phúc đến cho các người.        

Đứa bé nhìn ông ngơ ngác, thấy ông khóc, nó cũng bệu bạo, rồi òa lên khóc. Ông chợt hiểu là đã làm cho nó sợ, vội vã ông lau nước mắt, bế nó đặt ngồi lên đùi ông, rồi vừa vuốt ve nó, vừa dỗ dành:
-         Ngoan nào, đừng khóc!

  ông cười với nó, nói vài câu bông đùa cho nó hết sợ.  Thế rồi sau khi sửa lại quần áo đứa bé cho thẳng thớm, ông nắm lấy bàn tay bé xíu của nó dắt đến trước cửa phòng của mẹ nó, ông gõ cửa nhè nhẹ…

Trước đám cưới một tháng, ông âm thầm trở về Mỹ một mình, cho đôi trẻ được tự nhiên thoải mái, khỏi phải áy náy vì sự có mặt của ông.  Sau khi thu xếp xong công việc, ông làm chúc thư để lại hết tài sản cho đôi vợ chồng mới cưới và đứa con của họ.  Bảo rằng lòng ông không đau, là không đúng, nhưng thôi, ông biết bến nước đục không thể lưu mãi con đò.  Nhịp cầu nay đã lỡ, ông nhìn bóng con thuyền nhỏ tách bến ra đi, với vẻ ngậm ngùi. Đường đời cũng giống như dòng sông, chia đôi ba nhánh, ông và nàng đã đi chung một đoạn đường êm đềm, không sóng gió.  Đến đây là ngã rẽ, là lúc chia tay, nàng qua đò khác, còn ông trở về bến xưa, sống những ngày thảnh thơi, an nhàn, cùng dăm ba người bạn già vui thú đánh cờ, đàn sáo, ngâm thơ…  Tâm hồn ông rất thanh thản, chẳng còn vướng víu bụi trần.  Nhớ lại quãng đường đã qua, ông có cảm tưởng như vừa trải qua một giấc mơ, cuộc đời chẳng qua cũng chỉ là những giấc mơ thôi.

PHƯƠNG - LAN
( trích trong tác phẫm 40 năm cuộc tình, nhà sách Tự Lực phát hành )

No comments:

Blog Archive