Tuesday, April 10, 2018

Loài chim chưa chấp cánh

Trương Kim Báu 


Con dâu, con gái và cháu gái, ba chị em rủ nhau đi shop, vì đầu năm các shop giảm giá nhiều mặt hàng. Các con mua tặng tôi một cái áo kiểu mới nhất năm 2018, loại áo rộng, mềm, rất hạp cho người lớn tuổi, vừa sang vừa đẹp để mặc với quần tây. Nhìn chiếc áo tôi thấy kiểu quen quen nên vội tìm trong vali đồ kỷ niệm, đem ra cái áo ngày nào do một chàng phi công trẻ may tặng năm 1983, lúc tôi sắp rời trại ty nạn Thailand.

Tôi gặp em trên chuyến tàu vượt biển, ra khỏi Hải phận Việt Nam Cộng Hòa một ngày là bị hư máy nên tàu bắt đầu trôi. Tôi đi cùng con gái nhỏ và mấy người bà con. Vì lớn tuổi nhất trong nhóm nên sáng, chiều tôi đều lên mũi tàu thắp nhang cầu nguyện cho máy tàu được sửa xong để tàu hướng về bờ bến tự do v.v...

Mỗi lần lên mũi tàu tôi đều thấy một chàng trai ngồi đó đứng dậy lễ phép chào. Tôi thầm nghĩ người trẻ này có gương mặt điển trai, cao ráo như những người hùng Không Quân. Tôi nói ý đó với người em họ, cô ấy cười:

- Chị có chồng Không Quân nên thấy ai dễ nhìn, có dáng dấp cao to, thanh nhã đều nghĩ giống không quân. Dưới mắt chị cái gì đẹp và oai vệ đều là của không quân, biết đâu anh chàng đó là Hải Quân nên lúc nào cũng lên mũi tàu ngồi để nhìn sóng biển.

Rồi chúng tôi được tàu Mỹ cứu vớt, em và một cô nữa làm thông dịch viên. Những thuyền nhân phải khai lý lịch ngay trên tàu trước khi được chuyển vào trại ty nạn.

Chúng tôi phải ở trại ty nạn Thailand trong một khu riêng biệt được gọi là khu tàu vớt với hàng rào bao bọc chung quanh. Bốn dãy nhà đối mặt nhau, chính giữa là một sân nhỏ, nhà được gọi là V. Tôi và các người trong nhóm đi chung ở V2, em ở V3, hai góc nhà cách nhau một đường đi 2 mét. Tất cả V đều lợp mái tôn, nền đất, không có vách mà cũng không có cửa, chỉ có mười cây trụ dựng để chống đỡ mái tôn.

Những người lính Thái quan sát rất kỹ đến dân tỵ nạn, nhất là khu tàu vớt, vì vậy chúng tôi phải tập họp bất cứ lúc nào dù là nửa đêm. Buổi chiều, nếu ai đến hội trường trễ sẽ bị họ dùng roi đánh. Vừa chạy trốn cộng sản được nay lại gặp lính Thailand! Thật ghê sợ! Nhưng vì mới đến trại chúng tôi không biết trình báo cùng ai.

Mỗi chiều tôi đều đi chùa, em cũng đi chùa, chúng tôi ít nói chuyện với nhau. Có một lần lính Thái kêu tập họp, từ chùa tôi chạy về hội trường chậm quá nên bị lính Thái đánh, có một người chạy đến làm bộ té nằm trên che cho tôi trận đòn.

Hôm đó tôi mới biết tên và lý lịch của em. Em tên La Xuân Khai, là một phi công phản lực học lái A37 và về nước đầu tháng 3 năm 1975. Em được bổ nhiệm ra vùng 2 ở Phi đoàn 524 Phanrang, nhưng thực tế vẫn chưa được sự vụ lệnh, mỗi ngày phải đến Tân Sơn Nhất trình diện. Em là loài chim chưa được chấp đôi cánh, chưa được bay trên bầu trời quê hương ngày nào cả. Em mơ ước được bay, đem thân trai bảo vệ đất nước, được như đàn anh vẫy vùng ngang dọc, em chưa trình diện phi đoàn nhưng tự xem mình là người của 524 và em cũng bị chế độ cộng sản đưa đi học tập cải tạo 4 năm. Khi được ra tù, gia đình kêu em đi học nghề may để chuẩn bị cho tương lai khi đến nước thứ ba.

Nay em gặp tôi trong hoàn cảnh ty nạn, em nghĩ bổn phận đàn em trong 524 dù chỉ là danh nghĩa, cũng phải thương yêu giúp đỡ lo lắng cho nhau. Gia đình em đạo Phật nên em hiểu được có duyên mới hội ngộ, lại cùng một binh chuẩn và phi đoàn với chồng tôi, em âm thầm bảo vệ người thân của đàn anh, dù chưa một lần gặp mặt các anh.

Hình ảnh sáng chiều tôi đứng trên mũi tàu thấp nhang cầu nguyện, em cảm động và nhớ đến mẹ già ở quê nhà cũng đang cầu nguyện đêm ngày cho em đến được bờ bến tự do.

Em xin tôi nhận em làm em để em giúp đỡ săn sóc tôi khi những người bà con tôi đã rời trại để qua Phi Luật Tân học Anh văn và chờ qua Mỹ. Không cần biết lý lịch có liên hệ với Việt Nam Cộng Hoà hay không, được tàu Mỹ vớt thì ai cũng được Mỹ chấp thuận cho đi.

Trại Thailand chỉ còn lại những người xin đi nước khác. Tôi và con gái đi Úc vì chồng tôi và con trai vượt biên trước đã sang Úc mấy tháng rồi. Lúc này V2 thật vắng vẻ, còn mẹ con tôi và người em con của cô tôi đi cùng đứa con gái nhỏ, cũng đang chờ đến Canada đoàn tụ với chồng đã vượt biên trước.

Bên V3 còn lại một mình em vì em xin đi Canada, có người chị bên đấy. 

Ở trại trị nạn rất phức tạp vì có nhiều người Việt qua lâu chưa được định cư, họ tìm mọi cách để rời trại và muốn ghép form cùng những người được ưu tiên đi các nước tự do khác. Còn người Thái họ cũng muốn xuất ngoại, dù nước họ không bị cộng sản lãnh đạo.

Ai cũng biết những người không đi Mỹ vì đều có gia đình ở nước thứ ba và chắc chắn có tiền do thân nhân cung cấp.

Em đem tiền của tôi và cô em họ ra gởi ở ngoài trại nhờ các cô người Mỹ dạy Anh văn cất giùm. Em làm thông dịch nên ra khỏi trại mỗi ngày, em xin phép nhờ người mua giùm những đồ cần thiết làm nhà, tự ngăn một căn phòng cho chị em tôi và 2 bé gái vào ngủ an toàn trong đêm tối.

Em hướng dẫn giúp chị em tôi ghi tên đi học may để làm quen với máy móc tân tiến vì những năm sau 75, người dân miền Nam chỉ còn biết chạy từng miếng ăn, mỗi ngày sống trong lo sợ, đau khổ, chịu dựng và câm nín.

Em khuyến khích tôi vào lớp học Anh văn, hãy mạnh dạn tập nói và đặt câu hỏi mới tinh tường. Mỗi buổi sáng, em rủ bốn người chúng tôi cùng em ra tập thể dục do các cô giáo Mỹ dạy, mỗi chiều cùng nhau đến chùa.

Một hôm em xin phép đưa chúng tôi ra khu chợ ngoài vòng rào trại ty nạn. Từ lúc mất nước chúng tôi mất luôn niềm vui đi dạo phố phường, khi ra đường luôn đề phòng bị móc túi hay cướp giật.

Nay ở nước Thái được một ngày đi dạo vui chơi, cười nói và ăn uống theo ý thích (ở trong trại ty nạn mỗi ngày được phát 1 trứng vịt luộc không có nước mắm hay xì dầu gì cả), may mà có em mua giùm thức ăn bởi chồng tôi gởi tiền qua.

Hôm đó em lựa vải để may tặng tôi và con gái mỗi người một bộ quần áo trước khi rời trại. Em chọn màu hồng và màu xanh thật nhạt, mềm mại ngọt ngào như những đám mây các anh đã từng bay qua. Ôi! Em chưa được chấp đôi cánh như đàn anh mà trong tim em đã có những đám mây xanh hồng lộng trời cao ngất ngưỡng.

- Em muốn chị thật đẹp khi gặp lại anh, vì chị là vợ không quân mà.

Em vẽ kiểu và tự cắt, mượn máy may bên Cao Ủy. Khi mặc áo vào mới có dịp ngắm mình trong gương, đã già đi nhiều. Bao năm nay đầu óc không yên, lo nghĩ mọi điều. Chồng tù, con không được đến trường, lo việc làm, hộ khẩu ... cứ sợ bị đuổi đi "kinh tế mới" ...v. v... Tôi quên nhìn vào gương và không còn nghĩ đến nhan sắc của mình.

Ngày tôi rời trại, em xin được đưa tôi đến trại chuyển tiếp ở Bangkok, em nói qua đến Canada em sẽ học về may vẽ thời trang.

Mấy năm sau em đã nổi tiếng, chàng phi công trẻ không được chấp đôi cánh để bay trên vòm trời bảo vệ quê hương yêu dấu, nhưng với tánh nghệ sĩ sẵn có trong những chàng phi công, em đã dùng đôi bàn tay tài hoa của mình để vẽ và may những chiếc áo thời trang quí phái phục vụ cho mọi người mà giới điện ảnh và ca sĩ ưa thích. Em đã làm vẻ vang người ty nạn. Cuộc đời em đã rẽ về một hướng khác, đất nước xa lạ đã mở vòng tay đón em, tương lai không còn mờ mịt như chính trên quê hương nơi em sanh ra đã vứt bỏ, cầm tù, không phải một mình em mà là cả bao nhiêu tuổi trẻ và nhân tài của miền Nam.

Tôi thật cảm ơn chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nơi đó đã sanh những công dân tốt, huấn luyện những người lính biết Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm.

Tôi cũng biết ơn binh chuẩn Không Quân, nhờ họ mà những tháng ngày ở trại ty nạn có người âm thầm bảo vệ tôi. Một binh chủng  mà trong đó tất cả đều nêu cao tình huynh đệ, họ có một tấm lòng rộng mở và đẹp như bầu trời họ từng bay qua dù là đã thành loại chim quí rồi hay còn là những loài chim non chưa được chấp đôi cánh cao vời gió lộng.
 

Trương Kim Báu

No comments:

Blog Archive