Ngô Thị Kim Cúc
Trong chuyến về thăm quê Vĩnh Long sau nửa thế kỷ lên Sài Gòn sinh sống, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ đã tới làm lễ ở ngôi chùa giữ tro cốt của tri phủ Nguyễn Viết Liêm, ông nội của chị. Ngôi chùa này cũng là nơi ni cô Thích Nữ Diệu Tánh- pháp danh Nguyên Minh, người có công khai sơn chùa Sơn Thắng, đã gởi tro cốt trong ngôi tháp giữa sân.
Những độc giả của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ hẳn không quên một trong những truyện ngắn hay nhứt của chị: Lòng trần. Đó là câu chuyện về một đào hát tài sắc đã khiến ông phú hộ say mê đeo đuổi rồi bỏ một phần tài sản chuộc cô về làm vợ bé. Cuộc sống ấm êm giàu sang vẫn không đủ sức dứt cô đào khỏi nghiệp trống chầu nên cô đã bỏ nhà trốn theo gánh hát cũ. Ông phú hộ lại bỏ hết cơ ngơi bám theo người đẹp, và sau bao năm tháng tận tụy chiều lụy ánh đèn sân khấu, ông đã viết được vở tuồng hay tới mức khiến cô đào sau khi diễn xong đã tự đoạn tuyệt với tiếng trống chầu, trở về nhà để làm vợ làm mẹ. Vậy mà trời xanh không thương, bắt cả chồng con cô đều chết thảm, khiến cô rốt cuộc lại phải bỏ nhà vào chùa nương bóng Phật.
Sau nhiều chục năm buộc mình tuân thủ cuộc sống tu hành khắc khổ, trong cơn suy sụp cuối đời, ni cô bỗng thấy lạt miệng, thèm khát van xin chút hương vị đậm đà của muỗng nước mắm… Thế nhưng hai người bà con, một làm nghề cho vay nặng lãi và một làm nghề bán phấn buôn hương, đã dứt khoát từ chối, bởi cho rằng bà đang bị ám bởi ma vương quỷ sứ…
Câu chuyện sẽ được hiểu tùy theo quan niệm và kiến tánh của từng người đọc, để nhận về những lời nhắn nhủ khác nhau. Và nếu độc giả biết rằng nó được gợi mở từ chính chuyện đời thật của ni cô Thích Nữ Diệu Tánh, những kiến giải sẽ trở nên tịch lặng hơn, tới gần hơn với chơn tâm nhà Phật.
Cũng ở ngôi chùa này, người bạn trai thời ấu thơ cùng ngồi dưới mái trường tiểu học với nhà văn Nguyễn thị Thụy Vũ, lúc tới tuổi quân dịch, đã mượn làm nơi lánh thân, trốn lính.. Vậy mà sau khi đọc được nhiều kinh sách, huệ nhãn được khai mở, ông đã toàn tâm toàn ý dứt bỏ lòng trần, thí phát quy y, trở thành trụ trì của ngôi chùa, là bổn sư của vị trụ trì hiện tại.
Buổi chiều, dưới cơn mưa nặng hạt và bầu trời lam đục, tiếng đại hồng chung ngân nga như đánh thức trong lòng người nghe chút gì đó rất thật giữa đời hư mà cũng rất hư giữa đời thật…
Còn một câu chuyện khác, về nghiệp văn của Nguyễn Thị Thụy Vũ: chuyện về những nhà văn không thích nịnh…
Năm 1970, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa có một điểm đặc biệt, không nhà văn nam nào có tên trong giải Văn, cả ba giải đều thuộc về các nhà văn nữ: Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nhã Ca. Ngày phát giải ở Dinh Độc Lập, với sự hiện diện của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhà văn Nhã Ca đã không đến nhận giải. Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ được giải nhì, với số tiền thưởng 100.000 đồng , và một mề-đay sáng lóe có màu vàng.
Chỉ vài ngày sau, con trai bệnh nặng, chị Thụy Vũ phải đưa con tới chữa ở nhà thương đắt nhứt Sài Gòn của người Pháp lúc bấy giờ, tiêu hết sạch số tiền thưởng cho việc thuốc thang chỉ trong vòng mấy ngày. Chị cười cợt: “Đồng tiền thưởng này xui quá, nhứt định đội nón ra đi ngay, không chịu ở lại trong nhà tui”.
Thi sĩ Trần Tuấn Kiệt, một trong những tác giả nhận giải Thơ năm ấy, đã xúi chị Thụy Vũ: “Tui với chị đem hai cái mề-đay này ra tiệm cầm đồ đi”. “Đồ xi mà đem cầm sao được”, chị trả lời. “Thì đồ xi mình mới đem đi cầm, cho nó lòi chành là đồ xi, ầm ầm lên mới vui…”.
Nói thì nói vậy, tất nhiên chẳng ai trong số họ đem cầm vật mà mình đã được tặng. Tuy nhiên, chẳng những không cúi rạp mình “Biết ơn tổng thống, biết ơn chính phủ”, các nhà văn lại cứ nhăm nhăm tính chuyện chọc quê các quan chức.
Cái mề-đay đó chị Thụy Vũ vẫn còn giữ cho tới ngày nay, dù nó đã bị oxid hóa nghiêm trọng sau thời gian vạ vật gần nửa thế kỷ… Mặt trước của nó chạm hình hai con rồng uốn lượn quanh lá cờ với dòng chữ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa ở vòng ngoài (vì trên quốc huy có hai con rồng nên báo chí Sài Gòn vẫn gọi dinh làm việc của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa là Phủ Đầu Rồng). Mặt sau chạm dòng chữ Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa- Nguyễn Thị Thụy Vũ, Giải Nhì Văn - 1970.
Sau năm 1975, ngôi nhà ở Làng Báo chí Thủ Đức là nơi năm mẹ con chị Nguyễn Thị Thụy Vũ nương náu trong thời gian khốn khó nhứt của họ. Vốn là người kiếm tiền khá dễ: cùng lúc viết mấy feuilleton ở mấy tờ nhựt báo với nhuận bút rất cao, chị Thụy Vũ cũng đồng thời là người tiêu tiền mà không hề đếm. Bốn đứa con được chị thuê hẳn bốn bà vú trông nom, để chị rảnh tay đi viết báo kiếm tiền. Sau năm 1975, mọi công việc của chị bị cắt phăng ngay lập tức, không biết làm gì cho ra tiền, cuộc sống của năm mẹ con phút chốc rơi vào bi kịch: bốn đứa nhỏ phải tự lăn lóc lem luốc chăn giữ nhau trong khi người mẹ xấc bấc xang bang lao ra đường để kiếm từng đồng xu lẻ.
Cùng lúc với chuyện không có công ăn việc làm, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ còn phải đối phó với việc bị công an khu vực chăm sóc thái quá. Anh công an này, chẳng rõ được chỉ đạo hay bởi nhiệt tình tự thân, rất hay ghé nhà chỉ để vặn vẹo chị mỗi một chuyện: “Chị làm nhà văn là làm cái gì? Là làm công việc gì?”, khiến chị Thụy Vũ hết sức bất an. Mấy bản thảo đã viết xong chưa đưa nhà xuất bản nào, chị bèn đốt đi (giờ chị lại tiếc, sao hồi đó không đem đi gởi). Và cuối cùng, để thoát khỏi anh ta, chị đã bán rẻ ngôi nhà chỉ với giá mấy chỉ vàng, để tấp về ở nhờ nhà cha mẹ tại Lộc Ninh, nơi ông bà từng mở tiệm thuốc tây trước 1975.
Và nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ coi như đời văn của mình đã chấm dứt. Chị không làm bất cứ việc gì liên quan tới văn chương chữ nghĩa kể từ ngày đó.
Việc chi nhánh Nhà Xuất bản Hội Nhà văn và Phương Nam Books tái bản cùng lúc toàn bộ 10 tác phẩm là một bất ngờ quá lớn cho chị. Nhưng niềm vui ấy vẫn không khiến chị muốn dính dáng gì tới chữ nghĩa lần thứ hai trong đời. Chị vẫn sống ẩn dật ở Lộc Ninh với vợ chồng người con trai, ăn chay trường và không giao du với bất cứ ai trong giới cầm bút chính thống.
Vì vậy, khi có một lãnh đạo Hội Nhà văn từ Hà Nội gọi điện vào mời chị ra gặp mặt, chị đã rất ngạc nhiên. Chị kể: “Họ nói mời tui ra Hà Nội gặp mặt, chi phí máy bay khách sạn họ lo hết, tui chỉ xách va li đi thôi. Tui mới hỏi muốn gặp tui sao không vô Lộc Ninh gặp, tui rất hân hạnh được tiếp đón tại nhà, kêu tui ra Hà Nội chi cho phiền. Tui già quá rồi, chân lại đau, đi đứng rất khó khăn… Họ liền nói đừng lo, đi đâu cũng sẽ có người dìu đỡ tui, không phải lo gì cả. Tui mới nói mấy chục năm nay tui không biết họ, họ cũng chẳng biết tui, sao tự dưng giờ lại triệu tập tui ra ngoài đó để gặp… Họ liền giải thích rất dài dòng… Tui chờ họ nói xong mới trả lời: nhưng mà tui không ưng gặp họ, nên tui sẽ không đi…”.
Đó là việc đã xảy ra từ nhiều tháng trước, khi Hà Nội muốn tổ chức cuộc gặp gỡ với các nhà văn Sài Gòn cũ cả trong và ngoài nước, và nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ đã vinh dự có tên trong danh sách. Hình như cuộc gặp này sau đó đã không có được kết quả như những người tổ chức mong muốn.
Khi được hỏi vì sao khoảng cách Sài Gòn- Vĩnh Long chỉ mấy mươi cây số mà hàng nửa thế kỷ chị không về thăm quê, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ đã trả lời buồn:
“Vì nghèo quá. Muốn về quê phải có tiền để mua quà cho bà con ruột thịt lâu năm không gặp, mà mình thì túi luôn trống rỗng, không tiền. Cho nên phải đành chịu lỗi với quê hương…”.
Có vẻ như nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ sẽ không còn cơ hội để về thăm quê lần nữa, sau chuyến đi vào tháng 9/2017 vừa rồi. Chị đã bị phát hiện ung thư dạ dày và bác sĩ đã phải cắt bỏ 2/3 dạ dày của chị.. Sau thời gian nằm dưỡng bệnh ở nhà con gái út tại Cần Đước- Long An, chị đã trở về Lộc Ninh, trong ngôi nhà đã chở che mẹ con chị mấy chục năm nay.
“Dạ dày càng nhỏ thì càng đỡ tốn cơm… Mình cũng ngoài tám mươi rồi, có gì mà phải tiếc, phải sợ nữa”, chị nói và cười.
Câu nói nghe vẫn hóm hỉnh tuy rằng nụ cười thì không còn tươi như trước.
Một đời người, một đời văn… Một con người không biết chiều lụy ai, dù là với những người cụ thể có liên quan, hay ngay cả với chính số phận mình. Chị đã tự chọn con đường mình đi, tự quyết định số phận mình, đúng như một người phụ nữ độc lập, một nhà văn có suy nghĩ độc lập.
Năm mới, cầu mong cho sức khỏe nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ có thể ổn định, để những tháng ngày sắp tới của chị sẽ vẫn nhẹ nhàng qua, như cuộc đời chị đã trôi qua mà không vướng mắc quá nhiều phiền não…
No comments:
Post a Comment