Monday, March 13, 2017

 Khóc Cha bỏ mình nơi rừng sâu

Uyên Phương Minh Nguyệt


*Tường thuật cuộc hành trình đi tìm mộ bố sau 30 năm chết trong trại tù Cộng Sản.

Hồi cuối tháng 6 năm 2007, tôi tình cờ đọc một truyện ngắn viết về đời sống gian khổ của những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đi cải tạo sau năm 75. Người viết bài đó cũng nói về tình cảnh của những người chết trong tù cải tạo, và được đồng ngũ chôn cất ở những rừng núi xa xôi hẻo lánh, năm tháng trôi qua không được chăm sóc nhang khói rất ư là tội nghiệp. Câu chuyện làm tôi mủi lòng nhớ tới người Bố đã ra đi và không bao giờ trở lại của tôi thật nhiều. Trong lòng tự nhiên cảm thấy bồn chồn, nên nẩy ra ý định đi tìm lại mộ của người Bố thân yêu, đã mất dấu tích gần 30 năm nay.

Trước khi Bố đi cải tạo, Bố đã hơi bị yếu bao tử, nên Mẹ rất lo lắng ngày đêm Bố sẽ ngã bịnh trongtrại tù. Quả đúng như tiên đoán, với tình trạng ăn uống thiếu thốn và lao động khổ sai, Bố đã ngã bịnh rất mau. Một số bạn đồng đội của Bố lén lút gửi thư tay tới tận nhà trao cho Mẹ, nhắn Mẹ mua những thứ thuốc cần thiết đã liệt kê ở trong thư để đem gấp lên trại học tập cho Bố. Chợ đen chợ đỏ nào Mẹ cũng chạy tới và hỏi mua cho bằng được với giá cao ngút trời Mẹ cũng chẳng màng, chỉ cốt sao có thuốc sẵn sàng để mang đi.

Cho dù chưa được phép của trại cho thăm, Mẹ vẫn theo như trong thơ người bạn của Bố dặn: 

“Cứ tới trại và nói rằng có những người bạn mách chồng chị đang bị bệnh nặng nên vội thu xếp đi thăm ngay dù chưa được lịnh của trại trưởng và phải nhớ kỹ đừng nói tên của người bạn đã gửi thư… “ 

Chiều hôm đó, Mẹ và tôi đang sửa soạn các thứ để sáng sớm ngày mai lên đường, thì có một người đàn bà (chắc là vợ một người bạn học tập cùng chỗ của Bố) đi cùng với một người con trai tới nhà tìm gặp Mẹ của tôi. Vừa bước vào nhà, bà ấy với bộ mặt rất xúc cảm, buồn rầu và nói: 

”Ông nhà mất rồi!” 

Vừa nói xong câu đó, bà không dám nói gì thêm trước sự đau đớn vô biên của Mẹ và chị em tôi, bà đã cùng người con trai cáo từ ra về một cách vội vã như sợ ở lại thêm phút giây nào sẽ bị lùng bắt. Mẹ thét lên và khóc than như mưa đổ, rồi ngã qụy xuống sàn nhà chan hòa với tiếng khóc của đàn con thơ dại. Bà con láng giềng thấy ồn ào cũng xông vào nhà chia sẻ và an ủi.

Cuối cùng mọi người đều khuyên Mẹ ngày mai cứ đi tới trại như đã dự tính lúc đầu để biết rõ hư thực ra sao ? Chú Giao, người em út của Bố tôi, tự nguyện dẫn đường cho tôi và Mẹ để tìm đường đến trại cải tạo và giúp đỡ khi cần thiết. Các chị lớn của tôi phải ở nhà để chăm sóc các em nhỏ. Suốt đêm đó, cả nhà không người nào chợp mắt,cùng quây quần để cầu nguyện cho Bố. Tờ mờ sáng, cả 3 chúng tôi đi ra bến xe để đón xe đò đi tới trại cải tạo. Lúc đó, tôi và Mẹ hoàn toàn mù tịt về đường xá, chỉ nhớ trại đó được gọi nôm na là trại giam Bù Gia Mập, ở một vùng rừng núi gần biên giới Việt Miên Lào.

Nhưng theo địa chỉ trong thư mà bạn đồng đội của Bố gửi thì lại là một chỗ khác, có tên là “Ngọn Đồi 300″. Chú Giao dò hỏi những người ở bến xe và tháp tùng đoàn người có giấy phép chính thức để cùng đi. Ngồi trong xe, Mẹ và tôi cứ khóc mãi làm cả xe ai cũng nhìn thương xót không hiểu chuyện gì đã xẩy đến cho hai Mẹ con của tôi. Tôi thút thít trong cõi lòng tan nát:

” Bố ơi! Còn gì đau khổ hơn nỗi đau khổ này! Người ta đưa tin Bố bịnh, rồi ngày sau lại đưa tin Bố mất. Bố đã mất thật rồi hả Bố ? Thuốc Mẹ đã mua rồi và vẫn mang đi đây nè, dù mang đi cho người chồng đã mất với hy vọng tin đưa tới chỉ là một sự nhầm lẫn của một người bạn nào đó cùng chỗ học tập của Bố.

Hy vọng sao mong manh quá, nhưng Mẹ và chúng con vẫn đang cầu nguyện và nài xin Chúa cho tin đó không là sự thật. “ 

Xe vẫn chạy bon bon trên đường, hoà với tiếng xì xào của hành khách, cùng với những tiếng nấc nghẹn ngào của Mẹ và tiếng thút thít của tôi, đã tạo thành một không gian nặng trĩu buồn tê tái. Tôi chẳng còn tâm trí nào để thưởng thức cảnh đẹp hai bên đường, nhìn cái gì cũng thấy một màu tang tóc. Đến nơi, xe đò ngừng ở bến xe. Chúng tôi phải đi bộ từ bến xe, băng qua những cánh rừng rậm, những núi đồi hiểm trở, lúc lên dốc thật cao rồi lại xuống dốc. Cũng có lúc phải băng qua những con suối, những ghềnh đá cheo leo, thêm suốt đêm không ngủ nên Mẹ và tôi mệt đứt hơi. Tôi sợ nhất là lúc phải đi qua cây cầu khỉ thật lắc lư, cũ rích và tả tơi như sắp gãy đổ. Vừa đi tôi vừa cầu xin cho qua được bình an. Có lúc tôi đau chân quá mà tay thì mỏi vì xách nặng, thêm trời nóng như thiêu đốt, tôi phải kêu lên:

”Mẹ ơi, con chóng mặt và muốn xỉu quá !” 

Mẹ và chú tôi nhìn tôi chua xót, muốn xách đồ bớt cho tôi nhưng đâu còn tay nào để có thể phụ được. Mẹ nói trong nghẹn ngào:

” Cố lên con ơi cũng sắp tới rồi, phải tới trước khi chiều xuống để hỏi thăm tin tức của Bố con cho kịp.” 

Tôi nghe vậy trong người như có sức mạnh quật lên và tiếp tục lê bước trên con đường chông gai khúc khuỷu…

Càng tới gần trại có lác đác những căn nhà lá ọp ẹp của những người Thượng dọc hai bên đường trông buồn và hiu quạnh làm sao. Các cô gái miền Thượng nước da đen thui với những cái tai rất dài, đeo lủng lẳng những cái vòng ngà hay đồng thật nặng và to. Hàm răng trên bị cưa và cà sát nướu, chỉ còn vài cái răng ở hàm dưới trông rất lạ mắt.

Theo cô giáo tôi kể, trai gái người Thượng tới tuổi trưởng thành phải cưa răng như vậy mới xứng đáng để lập gia đình và tăng thêm vẻ đẹp. Đây là lần đầu tiên tôi được trông thấy mọi cà răng căng tai ở ngoài đời. Trước kia tôi chỉ biết qua sách vở và do cô giáo tôi diễn tả kể lại trong lớp học. Những người Thượng này nhìn chúng tôi rồi nhe miệng cười tỏ vẻ thân thiện lắm ! Sau này tôi cũng được Bác bạn của bố kể rằng Bố và các Bác hay đem những đồ dùng để đổi lấy đậu xanh hay gạo về nấu thêm cho đỡ đói. Đang đi tôi chợt thấy có nhóm người cải tạo từ phía bên kia đồi tiến về phía chúng tôi. Tôi không còn biết e thẹn hay mắc cỡ, vội buông những túi đồ xuống đất, chạy lao tới phía trước và chặn ngay một Bác đang ôm những nhánh cây to, rồi hỏi tới tấp:

” Bác ơi, Bác có học tập chung chỗ với Bố con không? Bố con là Trung Tá Trần Mạnh Đàm, Bác có biết Bố của con không? Bố con có bị bịnh không? Bố con còn sống không? Bác làm ơn cho con biết tin đi. Con muôn vàn cảm tạ Bác.” 

Tôi hỏi liên tiếp không ngừng như sợ bác ấy đi rồi sẽ không có cơ hội để dò la tin tức về Bố nữa. Bác ấy ngừng lại, thở dài và nói:

” Bác không ở trại bên này, Bác chỉ vào rừng bên đây để đốn củi mang về cho trại nấu nướng mà thôi. “

Tôi thất vọng não nề, cám ơn Bác rồi lại cùng Mẹ và chú tiếp tục đi… Đi một đoạn khá dài nữa cũng gặp thêm vài nhóm tù cải tạo, tôi cũng nhanh nhẩu chặn các Bác lại để hỏi thăm, nhưng không ai biết gì về tin Bố tôi bị bịnh hay đã mất cả. Tới khoảng 6 giờ chiều, mặt trời sửa soạn lặn đi thì chúng tôi cũng vừa tới trại.

Sau khi trình những giấy tờ tùy thân, có người thân tên gì, học ở trại nào, họ cho chúng tôi ngồi vào một phòng đợi và cũng không trả lời về tình trạng của Bố tôi, rồi họ đi báo cáo với trưởng trại. Một hồi sau, một ông Bác Sĩ đi cùng với Trưởng trại tới tuyên bố là Bố tôi đã chết thật rồi. Lúc đó Mẹ tôi như người điên, chẳng còn biết sợ sệt, e dè như lúc đầu vào đây nữa. Mẹ tôi quăng tất cả thuốc men nước biển xuống đất bể nát và khóc thét lên:

”Chồng tôi chết rồi sao các ông còn dấu không gửi thư thông báo cho chúng tôi. Thuốc men nước biển mang đến đây để làm gì, để chữa bịnh cho người đã chết hả? Các con tôi chưa báo hiếu được cho Bố chúng nó ngày nào, vậy mà giờ đây cũng không có cơ hội được đưa tiễn và nhìn mặt Bố lần cuối nữa.” 

Khóc một hồi cả ba chúng tôi đều mệt đừ. Sau đó, họ trao trả những kỷ vật cuối cùng của Bố tôi : từ cái đồng hồ cho đến chiếc nhẫn cưới và ngay cả những cái lược bằng sắt được mài dũa cẩn thận, thật đẹp, làm bằng tay, do Bố tôi làm tặng Mẹ và có khắc chữ đầu V(Vân) và Đ (Đàm) trên đó. Những cái lược này Bố chưa kịp trao cho Mẹ thì Bố đã về bên kia thế giới…

Kế đó,họ cho người dẫn chúng tôi đi thăm giường của Bố nằm trước khi mất, chỗ này cũng chính là nhà ở của các tù cải tạo. Một dãy dài cả mấy chục cái giường xếp song song với nhau và chia thành hai bên có đường đi ở giữa. Những chiếc giường này làm bằng ván cây đem về từ trong rừng và do các tù cải tạo dựng nên. Trên nóc nhà phủ lá trông lạnh lẽo và tối tăm làm sao. Rồi họ cho Bác bạn bên cạnh giường của Bố dẫn chúng tôi vào tận rừng sâu để thăm mộ của Bố. Trên đường đi, Bác Phước kể rất nhiều chuyện về Bố, về những đức tính chịu khó, rộng lượng và thương mến bạn bè. Có đồ ăn nào tiếp tế từ gia đình đều chia cho các bạn cùng khổ, nhất là những Bác không có thân nhân đi thăm viếng. Bác Phước cũng có đạo nên rất hiểu về những phép Bí Tích cần thiết cho người sắp lìa đời. Bác kể rằng Bố cũng đã lãnh đủ các phép bí tích bao gồm cả bí tích giải tội vì trong đây cũng có Cha Công Giáo ngồi tòa. Bác cũng nhắn lại cho Mẹ lời trăn trối cuối cùng của Bố: 

“Tôi thương vợ và con tôi lắm, nhắn vợ tôi thay tôi lo cho Mẹ và các con của tôi.” 

Bác có hứa sẽ thăm gia đình tôi khi Bác được ra khỏi trại tù. Vì Mẹ và chị em chúng tôi đã may mắn tới bến bờ tự do quá sớm, trước khi Bác được thả về, nên lần gặp đó là lần đầu và cũng là lần cuối. Giờ không biết Bác đã qua Mỹ được chưa và còn sống không? Dù thế nào tôi luôn ghi nhớ sự tốt bụng của Bác và cầu mong Bác được mọi sự may mắn an lành.

Đường vào rừng quá nhỏ hẹp, cây cối chằng chịt, có lúc chỉ vừa đủ từng người một đi. Thỉnh thoảng Bác Phước phải dùng cái xẻng để chặt những nhánh cây chắn lối. Lúc tới mộ thì trời khá tối, nên tôi cũng không quan sát chung quanh được gì. Mẹ và tôi chỉ biết đứng khóc và cầu xin cho linh hồn Bố sớm hưởng nhan thánh Chúa. Tối hôm đó vì đã quá khuya, chúng tôi phải ngủ lại ở mấy ngôi nhà lá dựng tạm cho các thân nhân đi thăm tù cải tạo dùng ngủ qua đêm để tới sáng hôm sau về lại thành phố. Mẹ vẫn thầm thì khóc mãi, đêm đã khuya thỉnh thoảng tôi lại nghe mẹ nấc lên từng hồi. Tiếng côn trùng rên rỉ về đêm tạo thành một điệu nhạc u sầu như đang đưa tiễn bố tôi về bên kia thế giới. Lòng tôi đã tan nát giờ lại thêm nát tan. Tôi nghẹn ngào nức nở:

” Bố ơi, ở phương trời xa xăm nào đó, bố có hiểu cho nỗi khổ của Mẹ và chúng con? Mẹ còn trẻ quá lại phải thay bố lo cho bà và lo cho chúng con.

Bên cạnh phòng, người ta cũng có chồng có bố đi học tập, nhưng người ta đang thầm thì với nhau, đang kể lễ những nỗi vui mừng được gặp nhau, những đắng cay tủi nhục vì phải xa nhau. Còn con với Mẹ thở than với ai đây? Với rừng rậm non xanh nước biếc hả Bố? Hay với ánh trăng buồn đang rọi soi vào nỗi cô đơn sầu thảm, cay đắng, nát tan cả cõi lòng của Mẹ và con? Từ đây chúng con sẽ là những trẻ mồ côi không cha, trống vắng như căn nhà không nóc. Ai sẽ giúp đỡ giảng bài khi con không hiểu bài toán khó? Ai sẽ dịch những câu anh văn cho con khỏi chới với khi bị thầy giáo hỏi tới ? Ai sẽ pha trò cho cả nhà cười ngất ngư …” 

Sau đó mệt quá tôi thiếp vào giấc ngủ hồi nào không hay biết…

Tờ mờ sáng, đang ngủ tôi bị giật mình thức giấc bởi những giọng hát từ xa đưa lại nghe như những điệu ru hồn. Tôi không hiểu các cô gái Thượng hát cái gì, nhưng càng nghe tôi lại càng tưởng như từ cõi âm vọng về, nghe xa vắng và rờn rợn làm sao! Ánh mặt trời vừa ló đầu chào buổi sáng, các chú chim đua nhau hót trên cành, bầu trời trong xanh tươi mát, những giọt sương mai lấp lánh trên những lá cây như cùng nhau đón chào một ngày mới. Cảnh đẹp như vậy mà sao tôi buồn thê thảm, đành lê những bước chân nặng nhọc cùng với mọi người về trại để làm thủ tục lần cuối trước khi từ giã ngọn đồi hiu quạnh, rừng rậm hoang vu và giòng suối lạnh lùng để trở về thành phố, bỏ lại đây ngôi mộ lẻ loi của người cha kính yêu, tài ba, cả đời hy sinh cho chúng tôi, một người hùng vừa nằm xuống! Mẹ có xin mang xác Bố về để chôn cất cho gần với gia đình, nhưng họ không cho. Lần cuối cùng chú Út lại tình nguyện dẫn mẹ và hai chị lớn của tôi vào rừng để đặt mộ bia cho Bố. Tôi đã đi lần trước rồi, lần này không được đi nữa. Mẹ muốn các chị tới thăm mộ Bố trước khi Mẹ xúc tiến cho chị em chúng tôi vượt biên. Đường xá xa xôi nguy hiểm, thêm Mẹ tôi quá đau buồn chẳng còn tâm trí nào mà nhớ đường đi kỳ trước, chú Út rất tích cực tình nguyện dẫn đường và vác mộ bia nặng cho Bố. Mẹ cũng mời Bà Nội tới nhà để lo cho chúng tôi trong khi Mẹ và các chị đi vắng.

Bố tôi mất ngày 27 tháng 2 năm 1978, thì tới tháng 05 năm 1979, bảy chị em chúng tôi được Mẹ cho đi vượt biên. Trước đó, dù Mẹ rất muốn cho đi, nhưng không bao giờ dám nghĩ tới vì cứ sợ liên lụy tới Bố còn đang ở trong tù cải tạo. Chúng tôi đã giả làm người Tàu và đi theo diện được nôm na gọi là “bán chính thức”. Nếu không phải đi “bán chính thức” thì gọi là đi “chui”. Chúng tôi ở Mã Lai 9 tháng và định cư tại Mỹ tháng 03 năm 1980. Mẹ và chị thứ nhì của tôi phải đi sau, không dám đi cùng vì sợ nếu không thoát hay bị lộ tẩy giả người Tàu, sau này có được thả về mà nhà cửa không còn thì cả gia đình chắc sẽ bị đuổi đi kinh tế mới. Mẹ tôi sợ quá đáng chứ thực ra đi bán chính thức là an toàn nhất tuy rằng chi phí bị cao hơn là đi chui. Họ đọc tên từng người rồi theo thứ tự lần lượt xuống Tàu, không phải trốn núp gì cả. Tôi có tên Tàu là “Mạ Oi Phón” hay còn gọi là Mã Ái Phương. Mẹ và chị thứ nhì của tôi vài năm sau mới thoát được và phải đi chui vì sau lần chị em chúng tôi đi, họ đã không còn cho đi bán chính thức nữa. Mẹ và chị phải đi chui tới lần thứ tư mới thành công. Tôi luôn tin Bố phù trợ cho toàn gia đình an toàn và định cư tại Mỹ, không còn ai phải kẹt lạị ở Việt Nam.

Ở xứ lạ quê người, Mẹ và chúng tôi luôn canh cánh bên lòng một nỗi buồn không nguôi vì phải để Bố tôi nằm đơn độc nơi rừng thẳm. Mộ Bố không có ai chăm sóc vì chú Út của tôi, người duy nhất biết đường đến mộ của Bố, cũng đã mất hai mươi mấy năm rồi. Cả bao lâu nay, gia đình chúng tôi chẳng ai dám về Việt Nam vì cứ sợ sẽ bị giữ lại và không được trở lại Mỹ. Cho đến khi chính phủ Mỹ và VN bang giao qua lại dễ dàng, chúng tôi lại càng trông mong có phép nhiệm mầu để đem được Bố sang đây đoàn tụ với gia đình. Mơ ước chỉ là mơ ước chứ có thực hành được đâu. Chúng tôi cứ nghĩ đã gần 30 năm rồi, có lẽ chỗ đó giờ đã thay đổi nhiều, mộ của Bố chắc không còn ở đó nữa. Mẹ tôi chỉ nhớ mang máng trại ở vùng gọi là Bù Gia Mập, và hồi đó các anh em tù cải tạo cho biết là mộ Bố nằm trên “ngọn đồi 300″, một tên đồi thật sự không có trên bản đồ, thì công việc kiếm tìm cũng ví như mò kim đáy bể mà thôi.

Cho đến tháng 6 năm 2007, như tôi đã kể ở trên, sau khi đọc bài viết về các người tù cải tạo, lòng tôi cảm thấy bồn chồn không yên, nóng ruột kinh khủng như có cái gì thúc đẩy phải đi tìm mộ Bố cho bằng được. Tôi kể lại nỗi lòng của tôi cho ông xã tôi nghe. Ông xã tôi sốt sắng tiến hành ngay công việc kiếm tìm. Tôi gọi điện thoại cho Mẹ để hỏi còn thêm chi tiết nào khác không ngoài hai cái tên Bù Gia Mập và “ngọn đồi 300″. Nhưng gần 30 năm trôi qua, Mẹ tôi chỉ còn nhớ lại được chừng đó.

Cúp điện thoại Mẹ xong, tôi mang những thùng đựng thơ cũ của gia đình mấy chục năm về trước mà chị em chúng tôi đã viết gởi về rất nhiều cho Mẹ và chị Tuyết Anh, người chị thứ hai của tôi lúc đó đang ở lại với Mẹ và vài năm sau cùng đi vượt biên với Mẹ, mong tìm cho ra lá thư cuối cùng Bố gửi về cho Mẹ từ trại cải tạo, với chút hy vọng mong manh có thêm chi tiết về trại tù cải tạo mà Bố bị giam giữ. Lá thư này còn mang kỷ niệm thật nhiều qua những dòng chữ cuối cùng của Bố nên Mẹ đã gửi sang để tôi giữ đã mấy chục năm rồi, từ hồi tôi mới đặt chân trên đất Mỹ.

Tôi đổ thư ra đầy phòng khách để tìm cho dễ. Nhiều thư lắm, nhưng khi nhìn lại những lá thư ngày xưa này, tôi không kìm lòng được nên ngồi mải mê đọc lại. Từng kỷ niệm như đang diễn ra trước mắt, từ những lá báo tin vui cho Mẹ, chúng tôi đã thoát đến bến bờ tự do, tới những lá kể lể sự học hành, bỡ ngỡ khi đặt chân tới Mỹ, v. v. Tôi tiếp tục đọc từng lá, nhưng nóng lòng muốn tìm cho ra sớm được lá thư của Bố, mà tôi nhớ mang máng là nằm trong một phong bì màu xanh biển. Thời đó phong bì Việt Nam hầu hết đều cùng màu xanh biển với một chùm hoa hồng thanh nhã, xinh đẹp ở trên. Tìm suốt từ sáng đến chiều tôi quên cả ăn uống. Người tôi mệt nhoài vì tìm mãi hoài trong khắp đống thư nhưng không thấy một phong bì màu xanh biển nào cả…

Trong lúc đang thất vọng não nề, ông xã tôi chạy vào báo tin đã tìm thấy trên một diễn đàn Internet, tên và email của một chú đã từng đi cải tạo trong một trại giam ở vùng Bù Gia Mập. Ông xã tôi vội viết thư ngay cho chú ấy và cho Chú điện thoại của chúng tôi để tiện liên lạc. Không ngờ chỉ ba tiếng đồng hồ sau tôi nhận đươc điện thoại từ Úc Châu gọi lại. Chú Sâm là bà con rất gần với gia đình Bác Lê Bá Kông và Lê Bá Khanh, tác giả những cuốn tự điển Anh Việt ngày xưa. Chú Sâm cho biết có rất nhiều trại giam tù cải tạo khác nhau tại Bù Gia Mập. Lúc chúng tôi hỏi về “Ngọn Đồi 300″, chú Sâm nghĩ chỉ là tên gọi theo quân sự . Mãi sau này chúng tôi mới biết Ngọn Đồi 300 cũng chỉ là trạm dừng chân trước khi Bố sắp sửa bị đưa ra Bắc. Chú Sâm nói phải có số hòm thư của Bố thì mới có thể truy ra địa điểm chính xác trại tù của Bố được. Chú còn cho tôi số hòm thư của Chú để sau này xem bố có cùng số hòm thư đó hay không?

Tôi vội kêu ông xã lấy giùm cây bút và tờ giấy trắng để viết số hòm thư cùng số điện thoại của Chú . Ông xã tôi vội vàng nên vô tình nhặt đại một cái phong bì mầu trắng nằm trong đám thư từ mà tôi đổ đầy trên thảm từ hồi sáng và đưa cho tôi. Tôi viết số hòm thư của chú Sâm vào giấy, rồi tạm biệt Chú với nỗi lòng nặng trĩu không yên… Lòng đầy thất vọng, hy vọng tìm được lá thư đó thật mong manh. Tôi ra than thở với ông xã :

” Chắc lá thư đó lúc dọn nhà từ Houston xuống Dallas đã bị rơi mất đâu rồi, tìm thế này giống mò kim đáy biển quá !” 

Sau đó tôi uể oải vô phòng computer để ghi chép vào sổ tay số hòm thư và điện thoại của chú Sâm mà tôi đã ghi trên cái phong bì trắng.

Cầm cái phong bì trắng trong tay, không hiểu động lực nào xui khiến, làm tôi thắc mắc và tự hỏi: 

“Sao cái phong bì trắng này dầy thế này?” 

Tôi vội xé ra để xem cái gì bên trong. Thật là ngạc nhiên khủng khiếp! Đúng là lá thư cuối cùng của Bố tôi! Tôi rú lên trong sự mừng rỡ và sợ hãi:

” Bố hiện về Lân ơi! Vào đây xem nè!” 

Ông xã tôi nghe tôi rú lên như vậy liền chạy vào xem chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi cầm tay nhau chia sẻ sự vui mừng, như cùng hiểu đây là ý muốn của Bố tôi đưa đẩy để chúng tôi mang Bố về với gia Đình. Cả hai chúng tôi đều thắc mắc:

”Sao lá thư có phong bì màu xanh lại nằm trong phong bì mầu trắng ? Sao ông xã tôi lại nhặt đúng cái phong bì này để đưa tôi viết số hòm thư của chú Sâm vào?” 

Nếu lúc nói điện thoại với chú Sâm tôi không nhờ ông xã đưa giấy viết thì chắc chắn muôn đời tôi cũng không thể tìm được lá thư này.

Lúc đó trời hơi tối, mưa lâm râm ngoài vườn hòa với tiếng gió và tiếng chạm vào nhau của những nhánh cây làm chúng tôi càng thêm ớn lạnh. Lúc bình tĩnh lại, tôi tự trấn an: 

“Nếu thật sự Bố về thì có gì mà sợ! Bố thương con của Bố lắm mà! “ 

Lần đầu thấy cảnh lạ lùng này cả hai chúng tôi đều ngạc nhiên quá độ nên mới hoang mang như vậy. Sau này bình tâm lại tôi mới nhớ ra, ngày xưa chính tôi đã bỏ lá thư xanh cuối cùng của Bố vào phong bì màu trắng vì sợ lâu ngày sẽ bị rách nát nếu không bọc cẩn thận.

Mọi chuyện ngẫu nhiên và trùng hợp xảy ra ở trên gần như có một sức mạnh vô hình làm tăng thêm trăm phần tin tưởng và phấn khởi cho chúng tôi xúc tiến việc tìm kiếm. Trước tiên, chúng tôi nghĩ cần phải liên lạc ngay với người thân và bạn bè ở Việt Nam để giúp tìm kiếm. Mọi sự hình như Bố đã sắp sẵn trước và thuận tiện cho chúng tôi. Sau khi nghe chuyện về ngôi mộ thất lạc của Bố tôi, ai cũng sẵn lòng giúp đỡ. Vợ chồng anh chị ruột của cô em dâu tôi, anh Cương và chị Mai, lúc đó đang ở Việt Nam và thường hay đi lại buôn bán ở vùng gần Bù Gia Mâp, hứa sẽ đi xuống đó để dò thăm tin tức. Bạn bè trường của tôi ở Việt Nam hồi còn trung học, hiện chúng tôi vẫn liên lạc qua lại email, cũng sốt sắng hứa giúp đỡ tìm kiếm thêm tin tức. Anh Cương và chị Mai thật tích cực và hết lòng, bỏ dở dang công việc đang làm, vội lái xe Honda đi lên Bù Gia Mâp, một vùng rừng núi gần biên giới Việt Miên Lào để tìm kiếm giùm.

Vùng này bây giờ thay đổi khá nhiều do khai phá cho trồng trọt và công nghiệp du lịch. Hỏi han qua lại thì có người chỉ cho anh chị biết chổ các trại giam tù cải tại hồi đó. Tìm tới nơi thì anh chị gặp được một ông cán bộ Cộng Sản già đã từng làm trong các trại. Ông này đem anh chị ra một ngọn đồi thấp và chỉ cho chổ có mộ chôn. Vì qua ngày tháng không được chăm lo, các nấm mộ này bị nắng mưa bào mòn, gần như bị phẳng lỳ và không còn gì dấu tích của bia đá. Hai anh chị không thấy ngôi mộ duy nhất như chúng tôi đã kể mà thấy có tới ba nấm mộ cũng nằm lưng chừng đồi. Ở vùng này bắt sóng được cho điện thoại cầm tay nên anh chị vội vàng gọi điện thoại ngay cho tôi biết. Nghe qua, tôi quá thất vọng, nhưng cũng đánh liều đề nghị chị Mai thuê người để đào ba ngôi mộ đó lên, gửi xương cốt của cả ba để tôi đem thử DNA ở bên Mỹ này. Chị Mai rất ngần ngại và không dám làm như vậy. Giờ nghĩ lại tôi thấy lúc đó sao tôi liều lĩnh và ngu ngốc thế! Đào mộ lên là điều tối kỵ mà từ trước đến giờ chẳng ai dám.

Lúc đó, lại bắt đầu mùa mưa tại Việt Nam nên mưa xảy ra thường xuyên và rất lớn tại vùng đồi núi này. Anh chị Cương thật là cực khổ gian nan vì phải lái gắn máy chạy qua những đường đất bùn lầy trong mưa tầm tã. Thấy thương cho anh chị, tôi đành khuyên anh chị trở lại Sài Gòn lo công việc, chờ cho lúc tôi tìm thêm tin tức mới.

Chúng tôi tuy thất vọng nhưng không muốn vội bỏ cuộc ngay. Ngay tối hôm đó, ông xã tôi tiếp tục lên internet để tìm kiếm các web site do các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hoà lập ra, với hy vọng mong manh tìm được người quen biết Bố tôi. Liên lạc email được với bác Trương thuộc binh chủng Bộ Binh, ông xã tôi vội cho bác ngay tất cả tài liệu về hòm thư, tên và chức vụ của Bố tôi. Bác Trương hứa sẽ chuyển cho các anh em thuộc binh chủng khác và thêm những web sites khác để liên lạc. Cả hai chúng tôi tiếp tục tìm kiếm và liên lạc đủ mọi chỗ. Ngoài việc yết tin tức tìm người trên các web site, ông xã tôi còn liên lạc với hội tù nhân cải tạo tại Houston rồi đến hội ủy lạo các thương phế binh tại Santa Ana. Có người còn khuyên chúng tôi nên liên lạc với các nhà ngoại cảm (psychic) ở Việt Nam để giúp tìm kiếm.

Vài ngày trôi qua, chúng tôi bắt đầu trở lại cuộc sống hiện thực trong niềm thất vọng. Đột nhiên đến ngày thứ ba, ông xã tôi mừng rỡ gọi cho tôi khi nhận được email từ Bác Trương, đính kèm theo email của một bác tên Mạnh Đình, hiện đang cư ngụ ở Minnesota, Bác Mạnh là một người bạn quen thân với Bố tôi từ lúc Bác mới ra trường Võ Bị Đà Lạt. Lúc Bố tôi là Chỉ HuyTrưởng trung tâm huấn luyện Phù Cát, bác Mạnh thường tới huấn luyện cho các binh lính ở trung tâm này và mãi sau này, lúc Bố tôi về làm Chỉ Huy Trưởng trung tâm huấn luyện nghĩa quân liên tỉnh Định Tường thì Bác cũng vẫn lui tới chơi bài “phé” hay “chắn” với Bố, không biết tôi dùng chữ có đúng không vì tôi không hiểu các trò chơi này. Tình thân mấy chục năm giờ lại thêm thân thiết khi hai người lại đi học tập cải tạo chung một chỗ, và Bác cũng chính là người đưa tiễn quan tài của Bố tôi xuống huyệt sâu.

Chúng tôi quá mừng rở như những người sắp đuối với được phao, liền liên lạc ngay với Bác qua điên thoại và Bác cho biết rất nhiều chi tiết quan trọng. Trại Bù Gia Mập chỉ là trại sơ khởi trước khi họ tiến hành đưa ra Bắc. Bác Mạnh kể rằng Bố tôi lúc ở Bù Gia Mập đã bắt đầu chuyển bịnh đau bao tử. Mỗi ngày bị bắt vào rừng đày ải đốn cây thật là cực nhọc. Vì ăn uống thiếu thốn, bịnh Bố tôi trở nặng, và trên đường sửa soạn đi ra Bắc, Bố tôi đã bỏ mình ở Bù Loi, một trại tù chuyển tiếp, ở một vùng Sóc người Thượng gọi là Sóc Bom Bo, cách Bù Gia Mập vài dặm đường. Bố tôi là người đầu tiên và cũng là người duy nhất được chôn cất trên “ngọn đồi 300” như đã nêu ở trên. Bố được các bạn đóng cho một cái hòm lấy từ gỗ trong rừng thật nặng và tốt lắm. Sau này các anh em thương tình còn dựng lên một câyThánh Giá gỗ rất cao ở trên đồi. Bác Mạnh tuy đã lớn tuổi nhưng trí nhớ thật minh mẫn, bác cho chúng tôi biết nhiều chi tiết về địa điểm rất quan trọng trong việc tìm kiếm mộ của Bố tôi.

Ngày hôm sau, chúng tôi vội liên lạc ngay với anh chị Cương, nhờ anh chị làm thêm một chuyến nữa. Lần này sẽ hướng về Sóc Bom Bo để tìm kiếm. Các bạn tôi ở Việt Nam lúc đó cũng thật tích cực và sốt sắng, cho biết đã hẹn ngày để cùng đi tìm giúp. Khi anh chị Cương tới nơi thì được biết trại tù cải tạo lúc trước đã biến thành trại cải huấn các người nghiện ngập. Phía sau trại có một nghĩa trang nhưng tràn ngập các ngôi mộ của các người chết vì bệnh nghiện ngập. Những ngôi mộ này nằm ngổn ngan, một số thì còn mộ bia còn một số khác thì qua nắng mưa dãi dầu, mồ đất và bia đá không còn tồn tại. Lúc đó những tia sáng hy vọng tìm kiếm mộ Bố tôi hoàn toàn vụt tắt. Chúng tôi, trong sự mệt mỏi và chán nản, gởi lời cám ơn anh chị Cương và chúc anh chị lên đường trở về Sài Gòn bình an.

Tối hôm đó, trong lúc dùng cơm tối, vợ chồng tôi nhận được điện thọai của bác Mạnh. Bác hớn hở cho biết là đã dặm hỏi thêm và tìm ra chỗ chính xác, trại đó ở một làng gọi là Sóc Bom Bo 2, mà hôm trước anh chị Cuơng thật sự chỉ tới Sóc Bom Bo 1. Chúng tôi nghe mà tâm hồn buồn vui lẩn lộn, không dám nuôi hy vọng qua những tin tức này. Biết được địa điểm chính xác mộ của Bố tôi thì thật sự có giúp được gì nếu vạn vật sau 30 năm đã quá thay đổi ? Những dữ kiện anh chị Cương cho biết khi thấy những ngôi mộ tại trại Bù Gia Mập và ở Sóc Bom Bo 1, làm cho tôi càng thêm vô vọng. Nắm mồ trên mộ Bố tôi có thể đã bị năm tháng bào mòn và bia đá chắc không còn hiện hữu, chưa kể hàng trăm ngôi mộ không bia khác mọc lên sau này thì làm sao mà có thể phân biệt được mộ nào là mộ Bố tôi ? Nhưng lạ thay lúc đó bác Mạnh có lòng tin tưởng rất lớn, bác cứ khẳng định lần này là đúng chỗ, và bảo đảm chúng tôi sẽ tìm được mộ Bố. Không hiểu Bố tôi có linh thiêng báo cho bác biết trước hay chăng ?

Chúng tôi thật gắng gượng, nhưng cũng rất ngại ngùng vì đã quá làm phiền anh chị Cương, gọi báo ngay cho hai anh chị và xin anh chị cố gắng đi thêm một lần chót. Lần này chị Mai bận rộn nên anh Cương đi cùng với người anh họ để xuống Sóc Bom Bo 2. Tới nơi thì được biết trại cải tạo cũ đã biến thành nơi dân cư trú ngự và đất được khai hoang để trồng khoai sắn. Anh Cương quá chán nản, trời bỗng đổ mưa to. Hai anh ghé vào quán bên vệ đường để trú mưa và chờ tạnh mưa sẽ đi tìm kiếm tiếp. Hai anh hỏi thăm bà chủ quán về ngôi mộ thì bà chủ quán nói rằng bà thường nghe thằng con nhỏ 10 tuổi của bà nhắc về một ngôi mộ lưng chừng đồi mà nó thường đi ngang qua.

Bà vội kêu nó tới thì nó xác nhận có thấy ngôi mộ và gần đây tên trên bia mộ được sơn lại màu đỏ nên nó càng để ý. Sau đó mưa tạnh, thằng bé dẫn đường chỉ lối cho hai anh tới chỗ đó, thì thấy một ngôi mộ nằm lẻ loi trên sườn đồi bên cạnh một con đường mòn. Trên mộ những hòn đá xanh rêu to nhỏ được đắp lên nhau thành một nấm mồ to. Phía trước, tấm bia xi măng dựng đứng với những hàng chữ sơn đỏ. Trên đầu bia có hình Thánh Giá, và kế dưới, dòng chữ khắc “GIUSE TRẦN MẠNH ĐÀM “ hiện nét rỏ rệt. Hai anh em anh Cương vừa bỡ ngỡ vừa sung sướng reo lên rối rít : “mộ ông Đàm đây rồi, quả thật mộ ông Đàm đây rồi !!” Nếu Bố tôi linh thiêng, lúc đó chắc Bố vui lắm, vì Bố đã soi sáng dẫn đường cho mọi người chúng tôi đi tìm quá ư tốt đẹp.

Anh Cương thật mừng rỡ vội điện thoại ngay cho chúng tôi, lúc đó là 6:00 AM bên Texas. Tôi và ông xã rú lên mừng rỡ. Anh Cương đọc những chi tiết trên mộ từ ngày sinh tháng đẻ, tên thánh, cho đến ngày tử dương lịch và âm lịch đều đúng cả. Thật may mắn lạ lùng! Nếu trời không mưa to và hai anh không ghé lại quán nước này thì làm sao gặp được thằng bé. Cúp điện thoại xong tôi vẫn còn bàng hoàng tưởng như trong mộng. Tôi chợt nhớ ra ngày hôm đó cũng chính là ngày sinh nhật của người con trai trưởng của Bố tôi, người con trai mà Bố Mẹ tôi khẩn cầu và mong muốn nhất sau 5 lần Mẹ sanhcứ như có bàn tay sắp đặt, chỉ lối cả.

Cả ba chúng tôi về Việt Nam được hai ngày. Tới khuya ngày thứ ba, xe đò bốc mộ của nhà quàn Vĩnh Phước gửi tới tận khách sạn để đi cùng với một số bà con họ hàng và thầy cô bạn bè của trường tôi. Thật cảm động biết bao đi xa như vậy mà họ hàng cùng bè bạn không quản gian nan mệt nhọc. Chúng tôi khởi hành rời khách sạn khoàng 2:00 AM, tới 4:00AM thì tới điểm hẹn với Cha Công Giáo là người anh ruột của cô em dâu và tất cả các anh chị của cô em dâu ở một quán ăn bên vệ đường. Chúng tôi cùng ghé vào ăn sáng. Đây là một quán ăn nhỏ, nhưng bán khá đầy đủ: nào phở, cơm , cà phê,nước ngọt,v. v. Sau đó chúng tôi lại tiếp tục lên đường để tới Sóc Bom Bo 2 ngay vì theo phong tục bóc mộ phải làm trước khi mặt trời mọc. Đi đông như vậy thật vui, xe nọ gọi xe kia ơi ới vì cứ sợ bị lạc . Trên xe, tôi được ôn lại những kỷ niệm vui buồn với các bạn cùng trường. Đúng là ba bà bốn chuyện, trong xe náo nhiệt cười đùa hầu như không lúc nào ngưng…

Tờ mờ sáng, chúng tôi đã tới gần Sóc Bom Bo. Cảnh vật hai bên đường thay đổi quá nhiều,tôi không có một ấn tượng gì ngày xưa tôi đã từng đặt chân tới nơi này. Bây giờ nhà cửa khách sạn mọc lên khắp nơi, đường phố được sửa sang và cải tiến thành một nơi du lịch cho khách phương xa. Tới Sóc Bom Bo 2, chúng tôi buộc phải xuống xe vì đường vào rừng để đi tới mộ quá hẹp. Dân địa phương ở đó khuyên như vậy, nhưng ông tài xế xe chúng tôi cứ muốn lái cả xe vào vì thấy trong xe toàn đàn bà con gái chân yếu tay mềm đị bộ vô rừng như vậy tội nghiệp. Thế là các xe khác cũng bắt chước nối đuôi theo. Mặc dầu đã được cải tiến nhiều so với ngày xưa, nhưng đường đất đỏ chồng chềnh khúc khuỷu. Những nhánh cây hai bên đường đập vào thành xe và kiếng xe liên tiếp. Tôi ngồi ngoài cùng cứ tưởng như nhánh cây sẽ đập vào mắt và trong lòng cứ lo sợ xe có thể bị chết máy thì làm sao về lại Sài Gòn? Có lúc xe không đi được nữa vì phải lên một dốc cao, bác tài phải kêu chúng tôi xuống bớt rồi sau đó lại leo lên xe tiếp tục vào rừng.

Cuối cùng chúng tôi cũng tới mộ. Vừa thấy ngôi mộ đơn độc nằm buồn tẻ trên lưng chừng đồi, mắt tôi nhòa lệ,tôi tưởng tượng đêm đêm Bố về ngồi trên mộ khóc một mình vì xa vắng vợ con, không một ngôi mộ nào bên cạnh để chuyện trò làm bạn với Bố làm lòng tôi đau xót. Tôi thầm nhủ: 

“ Bố ơi! hôm nay vợ chồng con và em Hoàng tới mang Bố về để đoàn tụ với Mẹ và tất cả chúng con bên Mỹ. Từ nay Bố sẽ không một mình ở đây nữa. Bố chắc vui lắm Bố hả? “ 

Sau khi Cha dâng lễ xong thì nhà quàn bắt đầu đào mộ. Mọi người ai cũng hồi hộp không biết cả 30 năm có còn hài cốt dưới đó không? Ông bà chủ vườn mà ngôi mộ của Bố nằm trong còn kể rằng: 

“ Đã hai lần chính quyền địa phương cho xe truck lớn tới tảo mộ đi, nhưng khi tới mộ của Bố cô là xe bị hư. Lần nào cũng vậy! Lần này họ nói sẽ tới nữa. Tôi định đăng báo tìm thân nhân của ỗng. Chưa kịp đăng thì người nhà của cô đã tới nhận mộ. Không biết có phải đây là ý của ỗng đưa đẩy để về với gia đình không ?” 

Trong lúc đào mộ như vậy thì Mẹ và các anh chị em của tôi bên Mỹ đều hướng về đây. Ông xã tôi và anh chị của cô em dâu đều để điện thoại cho người bên Mỹ nghe được tiếng cuốc tiếng xẻng và báo cáo ngay từng chi tiết của việc đào mộ. Đang đào thì trời chợt đổ mưa. Mọi người phải tìm những cây to và giăng dù để trú mưa. Mẹ và các anh chị em bên Mỹ đang lo lắng thì chưa đầy vài phút mưa ngừng hẳn. Mọi người lại tiếp tục đào cho đến khi thấy được bọc ny lông gói trọn hình hài của Bố tôi trong đó. Theo năm tháng chiếc hòm đã mục nát rồi. Tôi,em trai tôi, và ông xã cùng các anh chị bà con đều không cầm được nước mắt khi thấy hình dạng khuôn đầu của Bố tôi hằn trên bọc ny lông đó. Ai cũng nói Bố tôi cao quá vì bịch ny lông thật dài. Tôi càng xúc động hơn và biết chắc đúng là Bố tôi 100% khi nhìn thấy cái túi xách của hãng máy bay “Pan Nam” mà Bố tôi dùng để đựng những đồ lặt vặt trong đó. Cái túi này hằn sâu trong tâm trí tôi với bao kỷ niệm ngày Bố đi học tập cải tạo, cái túi đã suýt bị bỏ quên vì Bố tôi quá đau buồn nên chẳng nhớ để mang theo. Tôi đã chạy theo để đưa cho Bố rồi nhìn Bố mờ dần trong nước mắt tuôn trào…Giờ đây cái túi”Pan Nam”đó vẫn còn nhưng Bố tôi đã mãi tận nơi nao…

Sau khi nhà quàn làm những việc cần thiết, họ cho tôi đặt một món đồ riêng để làm dấu chứng tỏ là chiếc hộp nguyên vẹn và không hề bị mở ra khi về tới nhà quàn bên Mỹ. Cha làm lễ vừa xong thì mưa lại ào đổ. Mọi người lần lượt ra về trong niềm vui vì việc bốc mộ đã được hoàn thành tốt đẹp. Tôi nhìn lại chỗ đất Bố tôi nằm lần chót, ráng khắc ghi vào đầu quang cảnh nơi này để nhớ hoài những kỷ niệm đã qua… Cha Đồng thật tốt, đã không quản ngại đường xá xa xôi, lúc mới tìm ra mộ Cha đã tới làm lễ, ngày tảo mộ Cha cũng đi và Cha cũng đã dâng thánh lễ trong nhà thờ cho Bố của tôi.

Chúng tôi về Việt Nam tuy chỉ có ba người nhưng thấy thật vui và hạnh phúc khi được bạn bè, họ hàng và anh chị bên cô em dâu của tôi tham dự thật đông. Ngoài anh Cương chị Mai, vợ chồng anh Luyện (một người anh khác của cô em dâu) cũng thật tận tình giúp đỡ mọi chuyện: từ việc làm bức hình trạm trổ thật đẹp cho Bố tôi, đến việc xếp đặt mọi chuyện trong nhà thờ và thuê người gìùm để thâuvideo lúc tảo mộ. Video rất đẹp, đầy đủ và rõ ràng. Anh Cương chị Mai đã tìm mộ vất vả mệt nhọc và còn lo mọi chuyện từng ly từng tý cho chúng tôi. Chị Mai còn cẩn thận mua hoa, cắt sẵn khăn tang trắng để ba đứa chúng tôi và các anh chị bà con đội đầu lúc tảo mộ của Bố. Chúng tôi ở lại Việt Nam thêm 4 ngày, không đi chơi đâu cả ngoài họp mặt thầy cô bạn bè trong trường và thăm viếng họ hàng ở Sài Gòn.

Về lại Mỹ, chúng tôi xúc tiến để Bố an nghĩ ở một vùng nghĩa trang thật an bình trong vùng Southwest Houston. Tang lễ Bố rơi vào mùa lễ Tạ Ơn năm đó nên đượm thật nhiều ý nghĩa. Trong ngày tang lễ tại nhà quàn Vĩnh Phước ở Houston, có các Chú Bác của trường Võ Bị Sĩ Quan Thủ Đức tới đọc lời đưa tiễn và phủ cờ vàng ba sọc đỏ trên quan tài của Bố. Thật cảm động cho tình huynh đệ chí binh mà các chú Bác dành cho Bố. Bác Đàm Quang Hưng, dịch giả” Liêu Trai Chí Dị”, một Giáo sư Toán của những trường ở VN như Trưng Vương, Phục Hưng, v. v. đã làm bài thơ thật hay để tặng cho Bố của tôi:

Tưởng Nhớ Cố Trung Tá Trần Mạnh Đàm Nhân lễ cầu hồn và cải táng 11/24 2007

Gặp thời buổi Quốc gia biến loạn
Chí nam nhi chẳng quản gian truân
Ra đi nhập ngũ tòng quân
Quyết tâm bảo vệ nhân dân nước nhà
Nào ngờ vận sơn hà bế tắc
Quốc gia vong,thân mắc lao tù
Hiên ngang đối diện kẻ thù
Anh hùng rạng vẻ trượng phu họ Trần.

Đàm Quang Hưng

Giờ đây ở một nơi xa xôi nào đó hay đang trên Thiên Đàng với Chúa, chắc Bố đang nhìn xuống đàn con để che chở và cầu nguyện,xin Chúa ban phước lành và hạnh phúc cho từng đứa con của Bố. Tôi thường tin tưởng như vậy để tự an ủi mỗi khi gặp những khó khăn hay những lo buồn trong cuộc đời trần gian ngắn ngủi này. Mộ Bố giờ đã xanh cỏ. Chỗ Bố nằm thật yên tịnh và mát mẻ. Mẹ và chị em chúng tôi thường tới thăm Bố và đọc kinh cho Bố. Mỗi lần đứng trước mộ Bố, tôi như thấy Bố đang mỉm cười với tôi, nụ cười hiền hoà thương yêu như ngày xưa lúc tôi còn nhỏ dại. Để kỷ niệm về Bố, tôi cũng ghi lại đây bài thơ tôi làm cho Bố nhân ngày lễ đám tang bố hồi tháng 11 năm 2007. Bài thơ này đã được ông xã tôi là Khoa Lân (Minh Khoa) phổ nhạc và hát để tặng cho Bố của chúng tôi.

Khóc Cha bỏ mình nơi rừng sâu

Lịnh truyền xuống Cha phải đi cải tạo
Hành trang theo là những nỗi xót xa
Cùng nhớ thương lo lắng ngập lòng
Cha Hồn chới với lệ ầu Cha tuôn mãi

Cha bước đi rồi lại quay nhìn lại
Vẫy tay chào từ biệt ngẩn ngơ thương
Hai bên đường hoa rũ cỏ sầu vương
Như buồn tiễn người hùng nay thua trận

Nhìn bóng Cha mờ dần con khóc hận
Biết ngày nào Cha trở lại chốn đây
Mẹ xác xơ hồn phủ ngập sầu đầy
Ôi đoạn trường sao chua cay mặn đắng

Nhớ ngày nào Cha giúp con sốt sắng
Ngồi hàng giờ giảng bài toán khó khăn
Cùng phiên dịch cuốn truyện môn anh văn
Ôi tình Cha bao la sao kể xiết

Ngày được lịnh thăm Cha nơi rừng biếc
Núi đồi cao cùng ghềnh đá cheo leo
Lác đác vài căn nhà lá đèo heo
Cây cầu khỉ tả tơi gần gãy đổ

Cha bước ra mặt vương đầy khắc khổ
Và gầy đi trong tiều tụy thật nhiều
Lao động nhọc nhưng ăn chẳng bao nhiêu
Trông tàn úa như ngọn đèn sắp tắt

Mẹ thỏ thẻ hứa một lòng son sắt
Phụng dưỡng già dạy trẻ để thay
Cha Lo chu toàn dù khó nhọc xót xa
Chờ Cha về vầy vui duyên tơ thắm

Rồi đến giờ Cha trở vào trại cấm
Mẹ và con trở lại chốn thành đô
Gởi lại đây rừng xa vắng lá khô
Cùng dòng suối thở than buồn sầu vắng

Lâm bạo bịnh vì nhớ nhà canh cánh
Không thuốc men Cha rên xiết từng cơn
Cúi lạy Chúa Cha thành khẩn van lơn
Cho Cha sống để vui ngày đoàn tụ

Nợ trần gian Cha đã tròn đầy đủ
Bỏ lại đây đời nghiệt ngã đớn đau
Về nước Chúa Cha tiến thẳng bước mau
Trong lòng vẫn thương về con và vợ

Ôi Cha hỡi nỡ nào Cha không ngỡ
Đàn con Cha côi cút khóc phận buồn
Mẹ đắng cay từng ngày tháng đau thương
Sầu lẻ bóng Mẹ tủi hờn gối chiếc

Xác Cha đã chôn ở nơi rừng biếc
Lẻ loi nằm tận dưới nấm mộ sâu
Lưng chừng đồi đến nay cũng đã lâu
Không hương khói vì chúng con nào biết

Chúa nhân lành ban ơn không kể xiết
Giúp chúng con đã tìm được Cha hiền
Ba mươi năm dù xa cách triền miên
Ngày đoàn tụ gia đình rồi cũng đến

Trước vong linh Cha chúng con thương mến
Dâng lên Cha lời kinh thánh nguyện cầu
Để tỏ bày những ơn nghĩa khắc sâu
Cha yêu kính chúng con hằng nhớ mãi.


Uyên Phương Minh Nguyệt

No comments:

Blog Archive