Friday, August 21, 2015


Trạch Gầm với "Bên Lề Cuộc Chiến"

Vương Trùng Dương

Inline image
Trong 3 tập thơ Vụn Vặt (2007), Ráng Chịu (2009) & Dấu Giày Chinh Chíến (2013) của nhà thơ Trạch Gầm, hình ảnh người lính VNCH trong tháng ngày chinh chiến, chốn lao tù, tháng ngày lưu vong nơi đất khách... được trang trải qua những dòng thơ được độc giả và thân hữu cảm nhận, yêu thích.

Là sĩ quan trong ngành Quân Báo, nay đây mai đó cùng các đơn vị bạn xông pha nơi chiến trường, Trạch Gầm có trí nhớ rất tốt vì vậy trong những lần gặp gỡ bạn bè, anh kể lại từng mẩu chuyện mà anh chứng kiến trên từng địa danh, thời điểm xảy ra... vừa bi thương, vừa hào hùng trong tâm thức của người lính. Bạn bè gợi ý anh ghi lại để chia sẻ với độc giả xa gần.

Tác phẩm "Bên Lề Cuộc Chiến" của Trạch Gầm do Việt Tide ấn hành vào cuối Hè 2015.

Mở đầu tác với Đôi Điều, tác giả bày tỏ: 

"Cái ước mơ của những người lính VNCH, những người lính thật sự cầm súng bảo vệ Quê Hương mà xuôi tay đánh mất Quê Hương hình như là... trên mỗi sợi tóc bạc vẫn còn mang nặng một niềm đau. Ước mơ vẫn là ước mơ. Được đứng dưới cờ, giữa trời lửa đạn để lấy lại một quê hương thanh bình.

... Ba mươi chuyện kể, mỗi chuyện chắc là... nó dính chặt với thời gian mà nó hiện diện. Vì là chuyện kể, mỗi chuyện được khởi hứng từ bất chợt, từ Đỗ Bảy, ngồi cùng anh Danh Thư Viện nhớ Củ Chi. Gặp Lê Phương Cảnh, Hồ Văn Mẩm nhớ Biên Hòa... Vì thế chữ nghĩa nhảy nhót cùng nỗi nhớ không liên tục cùng thời gian...".

Tác phẩm "Bên Lề Cuộc Chiến" dày 234 trang, ngoài ba mươi mẩu chuyện được xen kẻ với mười chín bài thơ mà "Mỗi một địa danh vài thằng bạn chết... Mỗi một địa danh... ấp lẫm ngậm ngùi".

Qua mỗi mẩu chuyện với lối hành văn bình dị, chân chất gói ghém sự chân thật, khi đọc hình dung được nhân vật và sự kiện xảy ra như lời chuyện trò của người trong cuộc.

Khởi đầu với mẩu chuyện Chết Điếng, tác giả cho biết: 

"Mười năm lính, phục vụ dưới quyền điều động của Phòng 2, Quân Đoàn 3, tôi có mặt gần như hết khi thì âm thầm, khi thì rực lửa trong các địa danh nằm trong lãnh thổ Quân Đoàn... Gần hai năm trời, tôi mang tâm trạng của một người lính viễn chinh có mặt trên các địa danh không mang tên của quê hương, Chiphu, Prasot, Svayrieng, Krek, St'ưng, Chup, Tonlebet, Dambe".

Xông pha trong lửa đạn, người lính không "chết điếng" mà thời điểm cuối cùng "chết điếng" vì "Cái khốn nạn của thế hệ tôi, quê hương tôi, vận mệnh lại không nằm trong chính đôi tay của mình. Bọn ngoại bang đặt cả dân tộc tôi lên bàn... buôn bán. Vào tù..."!. Than ôi! "Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương" (Cung Oán Ngâm Khúc) mà thế hệ chúng tôi sinh ra trong bối cảnh đất nước như tâm trạng trong dòng thơ của Vũ Hoàng Chương:

"Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bẩy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh
... Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ..."

Thế hệ chúng tôi mà nhà thơ Trần Hoài Thư - người lính Trinh Sát của Sư Đoàn 22 BB - gọi là thế hệ của bất hạnh. Với Trạch Gầm "Người lính trẻ như bọn tôi, những người mà tuổi đời, tính đến ngày 30 tháng Tư năm 1975, tròm trèm trên dưới 30, sau khi lâm vào tình trạng phải liệng cây súng thì hồn đã hóa đá, đóng băng" (Gánh Gồng Gian Nan). Còn gì bất hạnh hơn hình ảnh "Thằng sống thì te tua thân xác. Thằng chết thì lạc lõng khói nhang, mất cà Trung Nghĩa Đài nương tựa" (Một Vòng Nhớ Thương).

Các mẩu chuyện tác giả đề cập qua các tựa dề: Chuyện Của Nhơn Trạch, Khó Mà Lường, Không Hiểu Nổi, Tròng Qua Tréo Lại, Sương Gió Lạnh Lùng, Dây Mơ Rễ Má, Gỗ Mục, Chuyện Đau Đầu, Vòng Xoắn Y Pha Nho, Vòng Tròn Khói Thuốc, Chung Quanh Thanh Tuyền, Gánh Gồng Gian Nan, Đời Có Thiệt, Như Đùa Như Thật, Thằng Em, Thượng Sách, Nỗi Nhớ Trật Chìa, Trớt Quớt, Suối 12 Ống Cống, Nốc Cạn Gió Sương, Nợ, Trở Lại Cò Mi, Một Vòng Nhớ Thương, Gà Tử Mị, Năm Thạch, Ngô Vững, Chuyện Đáng Buồn, Nếu, Xin Lỗi. 

Điểm son trong từng mẩu chuyện của Trạch Gầm với Bên Lề Cuộc Chiến để con cháu chúng ta cảm nhận được tình chiến hữu cao quý của thế hệ cha, ông khi vào sinh ra tử. Trong cơn nguy khốn, bất chấp nguy hiểm, tình đồng đội như sức mạnh thiêng liêng để cùng sát cánh bên nhau lúc thập tử nhất sinh.

Tính nhân bản, điển hình trong người lính VNCH thể hiện trong Chuyện Của Nhơn Trạch. Đặc công Hai Quyết (Hồ Văn Ngãi) bị thương và bị bắt. Tuy là kẻ địch nhưng khi Hai Quyết bị thương vẫn được đưa vào bệnh viện cứu chữa. 

"Tôi vào bệnh viện đón Ngãi, tay Ngãi vẫn còn băng bột. Ngồi trên xe tôi nói cho Ngãi biết cơ sở nội tuyến trong kho đạn Thành Tuy Hạ đã bị phá vỡ...". Và, trong tình nhân bản đó "Trận đầu tiên Ngãi cầm súng đi với bọn tôi là trận phục kích đánh đường dây giao liên của địch ngay sau lưng quân Nhơn Trạch". "Ngãi trở thành một người bạn đắc lực của tôi. Mọi công tác giao cho Ngãi tôi rất yên tâm".

Sau 40 năm, những địa danh mà tác giả Dấu Giày Chinh Chíến đã đặt chân vẫn nhớ từng con đường, con lộ, bóng dáng vùng quê, núi đồi mà mười năm cầm súng của người lính "lang bạt kỳ hồ".

Tác phẩm "Bên Lề Cuộc Chiến" với những mẩu chuyện ghi lại trong hai thập niên trong thời chinh chiến và chốn lao tù. Mỗi mẩu chuyện, tác giả ghi ngắn gọn trong năm, bảy trang sách.

Blaise Pascal và Albert Camus cho rằng "Cái tôi đáng ghét" (Le moi est haisable). Có vài hồi ký, đáng ghét ở cái tôi khi tự đánh bóng bản thân, vẽ vời những hình ảnh thiếu thực tế, lợi dụng ngòi bút để đả kích những người trong cuộc. Cái tôi của Trạch Gầm trong Bên Lề Cuộc Chiến, ngược lại, "cái tôi đáng thương" vì nói lên thân phận làm người trong hoàn cảnh bi thương, thăng trầm của lịch sử, ca ngợi tình chiến hữu, tình bạn... và nỗi ngậm ngùi của người con mất quê hương.

Vương Trùng Dương
 —

No comments:

Blog Archive