Wednesday, August 26, 2015

Nhật Bản – Từ chiến tranh đến hòa bình
Trường Sơn chuyển ngữ
Shinzo Abe

Bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong ngày kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến Thứ hai


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặt vòng hoa tưởng niệm 70 năm kết thúc Thế chiến Thứ hai tại Nagasaki, nơi bị bom nguyên tử tấn công. Ảnh: AP Photo/Eugene Hoshiko
Tokyo – Nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh, chúng ta hãy cùng bình tâm suy ngẫm về con đường đã dẫn chúng ta đến chiến tranh, hành trình tái thiết mà chúng ta theo đuổi sau khi chiến tranh kết thúc cũng như về chính thời đại của thế kỷ XX. Chúng ta phải rút ra được, từ kinh nghiệm xương máu của lịch sử, sự khôn ngoan để dẫn dắt tương lai.

Hơn một trăm năm trước đây, hệ thống rộng lớn các nước thuộc địa, với mẫu quốc chủ yếu là các cường quốc phương Tây, đã trải dài trên khắp thế giới. Với ưu thế áp đảo về kỹ thuật, làn sóng xâm lăng của chủ nghĩa thực dân phương Tây đã tràn đến châu Á trong thế kỷ XIX. Chắc chắn rằng hệ quả của một thời đại hỗn mang như vậy đã dẫn Nhật Bản đến con đường hiện đại hóa. Nước Nhật đã thành lập được chính phủ hợp hiến sớm hơn bất cứ quốc gia nào khác ở châu Á, và duy trì nền độc lập như vậy trong suốt thời gian dài. Chiến tranh Nga–Nhật đã trở thành nguồn khích lệ lớn giữa sự cai trị của chủ nghĩa thực dân trải dài từ châu Á đến châu Phi.

Sau Thế chiến Thứ nhất, phong trào tự quyết đã được thúc đẩy mạnh mẽ và hãm lại đà tiến của chủ nghĩa thực dân. Đó là một cuộc chiến tranh khủng khiếp đã lấy đi sinh mạng của hơn mười triệu người. Với một khát khao hòa bình mạnh mẽ, các nước đã cùng thành lập Hội Quốc liên và tuyên bố Hiệp ước cùng Từ bỏ Chiến tranh. Giữa cộng đồng quốc tế đã xuất hiện một chuyển động mới với tinh thần bài trừ chiến tranh.

Lúc đầu, Nhật Bản đã giữ được mình tránh khỏi ảnh hưởng của thời đại đầy bất trắc ấy. Nhưng cuộc Đại Suy thoái Kinh tế xảy ra ở các nước phương Tây và họ phải tiến hành những yêu sách kinh tế liên quan đến tài sản các nước thuộc địa, nền kinh tế Nhật Bản theo đó phải chịu một cú sốc lớn. Trong hoàn cảnh như vậy, ý thức về sự cô lập mà nước Nhật phải chịu đựng ngày càng gia tăng. Người Nhật đã cố gắng vượt qua mọi bế tắc ngoại giao và kinh tế bằng vũ lực. Nhưng hệ thống chính trị trong nước của Nhật Bản không thể hoạt động như một cái phanh để hãm lại những chuyển biến như vậy. Bằng cách này, Nhật Bản đã dần bị đánh mất sự tỉnh táo khi quan sát những xu hướng tổng thể định hình thế giới lúc bấy giờ.

Với Biến cố Mãn Châu và sau đó là rút khỏi Hội Quốc liên, Nhật Bản dần trở thành một thách thức đối với trật tự toàn cầu mới mà cộng đồng quốc tế tìm cách thiết lập sau những hy sinh to lớn như vậy. Nhật Bản đã lựa chọn sai và tiến vào con đường dẫn đến chiến tranh.

Và, 70 năm trước, Nhật Bản bại trận trong thế chiến.

Trong lần kỷ niệm 70 năm chiến tranh kết thúc này, tôi xin cúi đầu trước vong linh của tất cả những người thiệt mạng cả trong và ngoài nước Nhật. Tôi muốn bày tỏ nỗi đau buồn sâu nặng và vĩnh cửu cũng như gửi lời chia buồn chân thành.

Cuộc sống của hơn ba triệu đồng bào ta đã bị hủy hoại vĩnh viễn vì chiến tranh: trên chiến trường, họ bị giày vò bởi nỗi lo lắng về tương lai của quê hương và hoài vọng về hạnh phúc của gia đình họ; ở nước ngoài sau chiến tranh; trong cái lạnh hoặc cái nóng cùng cực, thống khổ bởi thiếu ăn và bệnh tật. Chiến dịch tấn công bom nguyên tử vào Hiroshima và Nagasaki, chiến dịch không kích vào Tokyo và những thành phố khác, và những trận chiến ở Okinawa, cùng vô số những sự kiện tương tự, đã gây thiệt hại về nhân mạng theo cách tàn khốc nhất.

Với các nước tham chiến chống lại Nhật Bản, vô số những người trẻ tuổi với tương lai đầy hứa hẹn đã phải bỏ mạng. Trong các chiến trường ở mặt trận Trung Quốc, Đông Nam Á, Thái Bình Dương và nhiều nơi khác nữa, nhiều người dân vô tội không chỉ trở thành nạn nhân của chiến tranh mà họ còn bất đắc dĩ phải chiến đấu trong tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Chúng ta không bao giờ được quên rằng có rất nhiều người phụ nữ đã phải chịu tổn thương nặng nề về danh dự và nhân phẩm đằng sau những vũng lầy chiến tranh ấy.

Nước ta đã gây ra thiệt hại và nỗi đau khôn lường cho người dân vô tội. Lịch sử luôn khắc nghiệt. Chúng ta không thể thay đổi những gì đã diễn ra. Mỗi người dân thường vô tội phải chịu thảm cảnh ấy từng có cuộc đời, ước mơ, và gia đình thân yêu của họ. Ngay cả giờ đây, khi chiêm nghiệm lại lần nữa hiện thực cay đắng ấy, tôi vẫn thấy mình không nói nên lời và trong trái tim của tôi chỉ còn vang vọng âm thanh của nỗi đau buồn.

Nhờ có sự hy sinh quý giá như vậy mà chúng ta được hưởng nền hòa bình của ngày hôm nay. Và đó chính là nguồn gốc của thời hậu chiến của nước Nhật.

Chúng ta không bao giờ được phép lặp lại thảm cảnh của chiến tranh.

Xung đột, xâm lược, chiến tranh – chúng ta sẽ không bao giờ dùng đến bất kỳ hình thức đe dọa hoặc sử dụng vũ lực nào như vậy nữa để giải quyết tranh chấp quốc tế. Chúng ta phải từ bỏ chế độ thực dân mãi mãi và tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc trên toàn thế giới.

Với sự ăn năn sâu sắc sau chiến tranh, Nhật Bản đã tuyên bố lời thề như vậy. Khi ấy, chúng ta đã tạo ra một đất nước tự do dân chủ, pháp quyền, và luôn tôn trọng lời thề để chúng ta không bao giờ phải tiến hành chiến tranh một lần nữa. Trong niềm tự hào thầm lặng của hành trình xây dựng và duy trì một quốc gia yêu chuộng hòa bình, mà chúng ta đã theo đuổi hơn 70 năm qua, chúng ta luôn quyết tâm để không bao giờ đi chệch khỏi niềm kiên định ấy.

Nhật Bản đã nhiều lần bày tỏ lòng hối hận sâu sắc và lời xin lỗi chân thành vì những gì đã xảy ra trong chiến tranh. Để biểu lộ nỗi ăn năn như vậy qua các hành động cụ thể, chúng ta đã khắc sâu trong trái tim về lịch sử thống khổ của những người dân các nước láng giềng của chúng ta ở châu Á: từ những người dân vùng Đông Nam Á như Indonesia và Philippines, đến Đài Loan, Hàn Quốc, và Trung Quốc, cùng với rất nhiều nước khác nữa; và chúng ta đã cống hiến không ngừng cho nền hòa bình và thịnh vượng chung trong khu vực kể từ khi thế chiến kết thúc.

Vị thế này, xây dựng bởi công lao của những người đi trước trong chính phủ Nhật, sẽ tiếp tục không thể lay chuyển trong tương lai.

Tuy nhiên, dù nỗ lực đến đâu, chúng ta cũng không bao giờ có thể chữa lành nỗi đau của những gia đình không còn nguyên vẹn, kỷ niệm cay đắng của những người phải chịu thống khổ bởi cảnh hủy diệt của chiến tranh.

Vì vậy, chúng ta phải khắc vào tâm can những điều sau:

- Hơn sáu triệu người Nhật đã có thể trở về nhà an toàn sau khi chiến tranh kết thúc từ nhiều khu vực thuộc mặt trận châu Á–Thái Bình Dương và trở thành một nguồn động lực đằng sau công cuộc tái thiết nước Nhật thời hậu chiến.

- Gần 3.000 trẻ em Nhật Bản bị bỏ lại ở Trung Quốc đã có thể trưởng thành và trở về mảnh đất quê hương của họ.

- Nhiều cựu tù binh chiến tranh từ Hoa Kỳ, Anh Quốc, Hoà Lan, Úc, và các nước khác đã đến thăm nước Nhật trong nhiều năm để tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn của những người lính từ cả hai phía.

Biết bao nhiêu cố gắng và nỗ lực vì hòa bình là đủ để chúng ta nhận được sự khoan dung từ những người dân Trung Quốc, những người đã phải trải qua tất cả những tận cùng đau khổ của chiến tranh, cũng như những cựu tù binh chiến tranh, những người đã phải trải qua nỗi thống khổ không thể hình dung bởi quân đội Nhật.

Đó là những gì chúng ta phải suy ngẫm.

Nhờ những nghĩa cử của lòng khoan dung như vậy, Nhật Bản đã có thể quay lại với cộng đồng quốc tế trong thời hậu chiến. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh, Nhật Bản xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới tất cả những quốc gia và cá nhân đã cống hiến không ngừng cho những nỗ lực hòa giải thời hậu chiến.

Tại Nhật Bản, hơn 80% dân số đất nước hiện tại thuộc những thế hệ sau chiến tranh. Chúng ta không được để những đứa con, đứa cháu, và thậm chí cả những thế hệ xa hơn nữa, những người không liên can gì đến cuộc chiến ấy, phải tiếp tục chịu đựng gánh nặng của tội lỗi. Và vì vậy, tất cả những người Nhật chúng ta, qua nhiều thế hệ, phải nhìn thẳng vào những sai lầm của quá khứ. Chúng ta có trách nhiệm kế thừa quá khứ, và bằng tất cả sự khiêm tốn, gieo mầm cho tương lai.

Thế hệ cha ông chúng ta đã có thể tiếp tục tồn tại trên một mảnh đất bị tàn phá và trong cảnh nghèo đói cùng cực sau chiến tranh. Tương lai họ tạo dựng chính là những gì mà thế hệ hiện tại của chúng ta được thừa hưởng, và cũng là những gì chúng ta sẽ truyền lại cho thế hệ mai sau. Bên cạnh nỗ lực không mệt mỏi của những thế hệ đi trước, một nền hòa bình như vậy được tạo dựng còn bởi thiện chí và sự hỗ trợ dành cho cho chúng ta từ rất nhiều quốc gia, như Hoa Kỳ, Úc, và một số nước châu Âu, những quốc mà nước Nhật từng chiến đấu quyết liệt như kẻ thù.

Chúng ta phải duy trì nền hòa bình như vậy từ thế hệ này sang thế hệ khác của tương lai. Chúng ta có trách nhiệm để những bài học lịch sử luôn hiện diện trong sâu thẳm trái tim của chúng ta, để làm nền tảng cho một tương lai tốt đẹp hơn, và góp phần vào những nỗ lực khả dĩ vì nền hòa bình và thịnh vượng của châu Á và thế giới.

Chúng ta phải khắc ghi trong tâm trí những gì đã xảy ra trong quá khứ, khi nước Nhật cố gắng phá vỡ hoàn cảnh bế tắc bằng vũ lực. Thức tỉnh từ những sai lầm của ngày trước, Nhật Bản sẽ tiếp tục bảo vệ nguyên tắc giải quyết bất kỳ tranh chấp nào bằng biện pháp hòa bình và ngoại giao, dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật (pháp quyền – rule of law), và để các nước khác trên thế giới cũng làm như vậy. Là quốc gia duy nhất đã phải chịu đựng sự tàn phá của bom nguyên tử trong chiến tranh, Nhật Bản sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trước cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu tối hậu là không phổ biến và tiến đến bãi bỏ vũ khí hạt nhân.

Chúng ta phải khắc ghi trong tâm trí những gì đã xảy ra trong quá khứ, khi danh dự, nhân phẩm của vô số phụ nữ đã bị tổn thương vĩnh viễn trong những xung đột của thế kỷ XX. Thức tỉnh từ những sai lầm của ngày trước, Nhật Bản mong muốn trở thành một quốc gia luôn sát cánh cùng trái tim không lành lặn của những phụ nữ của ngày hôm nay. Nước Nhật cam kết sẽ dẫn đầu thế giới trong mục tiêu làm cho thế kỷ XXI trở thành một thời đại trong đó quyền con người của người phụ nữ không bao giờ bị xâm phạm nữa.

Chúng ta phải khắc ghi trong tâm trí những gì đã xảy ra trong quá khứ, khi sự hình thành các khối tập trung kinh tế đã ngầm tạo ra hạt giống của xungđột. Thức tỉnh từ những sai lầm của ngày trước, Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển một hệ thống kinh tế quốc tế tự do, công bằng, cởi mở, và sẽ không bị ảnh hưởng bởi ý chí riêng của bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển, và dẫn thế giới tới sự thịnh vượng hơn nữa. Thịnh vượng là nền tảng của hòa bình. Nhật Bản sẽ nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống lại đói nghèo, vốn là mảnh đất màu mỡ gieo mầm cho bạo lực, cũng như trong những mục tiêu hỗ trợ cho các dịch vụ y tế, giáo dục, và quyền tự chủ của tất cả mọi người trên thế giới.

Chúng ta phải khắc ghi trong tâm trí những gì đã xảy ra trong quá khứ, khi Nhật Bản trở thành một thách thức cho trật tự quốc tế. Thức tỉnh từ những sai lầm của ngày trước, Nhật Bản kiên quyết sẽ duy trì những giá trị cơ bản như tự do, dân chủ và nhân quyền, cũng là những giá trị không thể bị lay chuyển, và hợp tác thường trực với những quốc gia cũng bảo vệ những giá trị như vậy, để khẳng định ngọn cờ “Chủ động Cống hiến vì Hòa bình”, và đóng góp tích cực hơn bao giờ hết vì nền hòa bình và thịnh vượng của thế giới.

Hướng đến những lần kỷ niệm thứ 80, 90, và 100 năm Thế chiến Thứ hai kết thúc sau này, người dân Nhật Bản đang quyết tâm để tạo dựng một nước Nhật như vậy.

No comments:

Blog Archive