Monday, August 10, 2015

Nữ y tá về hưu chọn ‘cái chết êm ái’ vì sợ tuổi già

Hàng chục năm hành nghề giúp nữ y tá người Anh trải nghiệm về cuộc đời và thấu hiểu nguyện vọng bệnh nhân già lão. Ở tuổi 75, không bệnh tật nghiêm trọng, bà vẫn quyết định sang Thụy Sỹ để được hỗ trợ “chết êm ái”.
Bà Gill Pharaoh là một nữ y tá về hưu. Ngày 21/7 vừa qua, bà tới một trung tâm dịch vụ trợ tử tại Thụy Sỹ và kết thúc sự sống. Người bạn đời chung sống suốt 25 năm vẫn ở bên cạnh lúc đôi mắt bà khép lại vĩnh biệt cuộc đời.
Người chồng John Southall cho biết, vợ mình đã nhiều lần đề cập với gia đình và bạn bè về một ngày nào đó sẽ lựa chọn cách chết êm ái. Quyết tâm này nhen nhóm trong lòng bà vì không muốn thấy mình già yếu đi từng ngày và trở thành gánh nặng cho gia đình, con cái.
Nữ y tá về  hưu Gill Pharaoh. Ảnh: CBS News
Nữ y tá về hưu Gill Pharaoh. Ảnh: CBS News
Nữ y tá về hưu, người từng viết hai cuốn sách về cách chăm sóc những bệnh nhân cao tuổi, cũng chia sẻ tâm nguyện trên blog cá nhân có tựa “My Last Words” (tạm dịch là “Những lời cuối”). Bà viết:
“Trong suốt thời gian làm nghề, ban đầu là một y tá đa khoa và sau đó làm tại khu vực chăm sóc giảm thiểu đau đớn, tôi thường xuyên gặp những người cảm thấy cuộc đời mình đã trọn vẹn. Họ không còn muốn tiếp tục chiến đấu cho sự sống. Tôi cũng chứng kiến nhiều người giấu kín tâm tư của mình, vì không muốn bị coi là thiếu ý chí.
Có những bệnh nhân đối diện bệnh hiểm nghèo, tính mạng bị đe dọa. Họ liên tục nghe những lời khuyên hãy kiên cường chiến đấu trong khi thực sự nhiều người trong số họ đã sẵn sàng từ bỏ. Rồi sau đó, khi người thân của bệnh nhân bảo rằng họ đã chiến đấu dũng cảm, bản năng của tôi mách bảo rằng bệnh nhân chỉ chiến đấu để được ra đi một cách thanh thản mà thôi”.
Trong bức tâm thư, nữ y tá cho biết mình vẫn còn khá hoạt bát và khỏe mạnh dù đã bước sang tuổi thất tuần. Song, căn bệnh zona, một chứng tổn thương da, khiến nhiều việc thay đổi. Bà không thể thực hiện những công việc yêu thích như làm vườn hay nấu nướng giống trước kia. Chứng ù tai cũng khiến bà cảm thấy phát điên. Tuy nhiên, nữ y tá cho rằng những chứng bệnh ấy không có gì đáng kể và khẳng định mình không hề trầm cảm vì bệnh tật.
Tôi cảm thấy cuộc đời mình đã trọn vẹn và tôi sẵn sàng được chết. Gia đình tôi vẫn ổn và hạnh phúc, mọi người có cuộc sống đủ đầy và bận rộn. Bây giờ tôi không thể đi những chặng đường dài, những giờ phút vui vẻ khám phá các con đường của thành phố London, do vậy, chỉ còn là ký ức.
Đơn giản là tôi không muốn tuân theo quy luật già lão của tạo hóa cho tới những ngày cuối cùng, khi chắc chắn tôi sẽ cần rất nhiều giúp đỡ. Tôi cần phải hành động sớm vì không ai có thể thay tôi làm điều đó. Suy nghĩ rằng mình sẽ phải cậy nhờ những đứa con khiến tôi hoảng sợ.
Tôi muốn mọi người nhớ đến mình như bây giờ, dù đây không phải là thời kỳ đỉnh cao, nhưng ít ra tôi vẫn còn là chính mình. Tôi mong gia đình, bạn bè và cả những người xa lạ biết được dự định của tôi sẽ ủng hộ quyết định này mà không phán xét gì. Tôi hiểu sẽ có những phản ứng khác nhau về lựa chọn mình đưa ra, nhưng tôi tin rằng những ai thương mến mình sẽ thực sự vui mừng vì biết tôi đã tránh được tuổi già mà từ xưa đến nay tôi luôn e ngại và lo sợ”, bà viết.
Những lời cuối trong bức tâm thư, bà Pharaoh cũng kêu gọi chính phủ Anh nhanh chóng hợp pháp hóa “cái chết nhân đạo” cho những ai mong muốn. Người phụ nữ tìm tới cái chết êm ái nhấn mạnh, bản thân không khuyến khích hành động này vì điều sai trái.
Quyết định dứt khoát và xúc động của bà đã gây nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận nước Anh, vốn đang có nhiều tranh luận xung quanh dự thảo luật về "cái chết êm ái". Những người ủng hộ cho rằng quyết định đặt dấu chấm hết cho cuộc đời là quyền tự do của con người cần được tôn trọng. Trong khi đó, bên phản đối lo ngại rằng cho phép trợ tử sẽ dẫn tới những hành động bắt nguồn từ lý do sai trái.
Phát ngôn viên của Care Not Killing, một tổ chức phản đối trợ giúp thực hiện cái chết không đau đớn cho người mắc bệnh nan y phát biểu trên Sunday Times: “Đây là một trường hợp đáng lo ngại. Nó cũng gửi tới thông điệp đau lòng về vấn nạn chăm sóc người cao tuổi tại Anh”.
“Nhiều người cho rằng Pharaoh sai lầm khi muốn trốn tránh tuổi già, nhưng bà ấy đã chứng kiến quá nhiều đau đớn với vai trò một y tá. Bà ấy đã quyết định một cách lý trí khi muốn có cái chết không đau đớn và được bác sĩ trợ giúp”, bác sĩ Micheal Irwin, người giúp bà Pharaoh thực hiện dự định của mình chia sẻ.
Thụy Sỹ là quốc gia coi quyền được chết là một trong những quyền nhân đạo. Trợ tử là hành động được luật pháp nước này công nhận. Điều này đã tạo ra “ngành du lịch trợ tử” khiến chính phủ Thụy Sỹ phải tìm nhiều biện pháp đối phó, khi hàng trăm người ngoại quốc mỗi năm tìm đến đây để được trợ giúp kết thúc cuộc đời một cách không đau đớn.

 
Khánh Hà (Theo CBS News)
 

No comments:

Blog Archive