Chuốc cái danh hão
Cứ mỗi khi có đợt phong tặng danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”(NSND), “nghệ sĩ ưu tú” (NSUT) lại có màn đấu đá tưng bừng trên khắp các mặt báo, các trang mạng.
Năm nay cuộc đấu đá còn rầm rộ hơn, có lẽ bởi cái tật hám danh đã ăn sâu vào mạch máu của các ông bà được đời coi là “nghệ sĩ” ở VN.
Còn một lý do khác nữa không kém phần quan trọng là khi được cái danh hiệu “cao quý” đó thường đi đến đâu cũng được ngồi chiếu trên và thường được các quan chức coi trọng hơn mấy anh chị chẳng có tí danh hiệu còm nào.
Thí dụ nhỏ như khi lái xe trái luật, đưa cái danh nghệ NSND ra cũng được các cậu cảnh sát giao thông nể nang có khi tha bổng luôn.
Hoặc khi làm ăn, muốn mở hang, mở quán đều được “chiếu cố” đặc biệt hơn mấy anh dân đen.
Cần chạy chọt cái gì cũng dễ dàng lọt qua khe cửa hẹp, các anh quản lý thị trường cũng chịu khó làm ngơ. Thế nên rất nhiều nhà nghệ sĩ VN mở hết quán này đến quán khác, làm ăn rất khấm khá, có khi giàu sụ.
Ánh Tuyết Út Bạch Lan
Tuy nhiên tôi nói “hầu hết” không phải là tất cả, vẫn còn đó một số nghệ sĩ không bao giờ mơ màng đến cái danh này. Cụ thể như Ca sĩ Ánh Tuyết, Cẩm Vân, Văn Thành, Thành Lộc, Út Bạch Lan... họ là những người tự trọng, thẳng thừng tuyên bố không bao giờ chịu hạ thấp mình, làm đơn tự kể lể thành tích của mình đi xin cái danh hiệu “nghệ sĩ ưu tú” hay “nghệ sĩ nhân dân. Nhưng con số này có vẻ như quá ít so với những ông bà nghệ sĩ đang cãi cọ quyết liệt về cái vụ danh hiệu này.
Sao không có nhà văn nhà báo ưu tú?
Có điều tôi không hiểu là tại sao có đủ danh hiệu nghệ sĩ nhân dân cho các ngành, các giới như nhà giáo ưu tú, đạo diễn nhân dân, ca sĩ ưu tú lại không có nhà văn, nhà thơ và nhà báo ưu tú hay nhân dân? Vì chẳng có lời giải thích nào nên bà con có vài cách suy luận:
Môt là những ông là nhà văn, nhà thơ, nhà báo ở VN ô-tô-ma-tích được là nghệ sĩ nhân dân tuốt luốt rồi, khỏi cần phong tặng?
Hai là ở VN các ông này không được coi là nghệ sĩ mà chỉ là thợ viết, thợ thơ, thợ làm báo.
Ba là các ông trong ban tuyển chọn cho rằng mấy anh nhà văn, nhà báo “lắm mồm”, cho anh này không cho anh kia, nó chửi cho tan nát. Chi bằng “quên” mấy anh ấy đi cho tiện việc quan.
Tôi hỏi mấy ông nhà văn, nhà báo kỳ cựu ở VN, chẳng ông nào biết rõ lý do. Các ông ấy xúi tôi “đi mà hỏi mấy ông đặt ra những cái danh hiệu ấy”. Vậy xin chuyển câu hỏi này cho mấy quan trên văn hóa đã “sáng tạo” ra mấy cái danh hiệu này trả lời cho bà con “thông suốt”.
Những lý do xẩy ra đấu đá
Trở lại với chuyện năm nay. Kể từ năm 1981 đến nay đã thực hiện 8 đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Năm nay, gần đến ngày “đại lễ 2-9” cũng là ngày trao tặng danh hiệu đợt thứ 8, nên vào tuần này đầu tháng 8 này những tranh cãi “nổ” ra gay gắt hơn bao giờ hết.
Có thể thấy rõ lý do xảy ra tranh cãi, đấu đá vì 3 lý do chính do các ông bà này nêu ra:
- Nhiều nghệ sĩ có nhiều cống hiến không được vinh danh, nhiều nghệ sĩ có thành tích nổi bật bị “đánh trượt” vì vi phạm… đạo đức,
- Nhiều nghệ sĩ “tố” Hội đồng xét duyệt cảm tính, bị mua chuộc, trù dập cá nhân…
- Nhiều nghệ sĩ khác lại cho rằng quy định xét tặng cứng nhắc, cổ hủ, khiến nghệ sĩ bị thiệt thòi.
Cả hội đồng cấp nhà nước bị lừa
Trên báo Kiến Thức số ra ngày 29-7-2015 vừa qua đăng bài viết về việc xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT cũng có nhiều chuyện mang tính thâm cung bí sử mà người ngoài cuộc khó hình dung ra.
Ông Bùi Đắc Sừ tiết lộ chuyện cả hội đồng bị lừa trong việc xét tặng danh hiệu
Ông NSND Bùi Đắc Sừ - nhân viên trong hội đồng cấp Bộ và cấp Nhà nước vừa tiết lộ một “bí mật” khiển cả hội đồng bị mắc lừa một anh “chạy” cái danh hiệu NSND. Ông kể trường hợp của một họa sĩ sân khấu.
Theo đánh giá của ông Bùi Đắc Sừ người này chỉ xứng NSƯT, dù có tên trong danh sách xét tặng NSND. Các thành viên trong hội đồng cũng đồng ý như vậy. Nhưng sau đó, nghệ sĩ này đến từng nhà của các thành viên để “nói khó” rằng "em biết mình kém, nhưng em chỉ xin anh một phiếu để khi công bố kết quả cho đỡ ngượng". Ai dè, khi hội đồng công bố kết quả, ông này có tất cả phiếu thuận của hội đồng.
Lúc này, những người “cầm cân nẩy mực” mới té ngửa là hóa ra, ai cũng được nghệ sĩ này đến nhà “nói khó” câu đó. Cuối cùng thì người này vẫn được phong NSND. Cả hội đồng cấp nhà nước đều bị “hố to” nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, nín thinh. Anh họa sĩ sân khấu cười thầm với cái danh hiệu vừa vớ được.
“Chạy chọt” danh hiệu như thế nào?
Trên báo mạng VNnet một nghệ sĩ và một số nghệ sĩ khác cũng tiết lộ với Báo Gia đình & Xã hội rằng, chuyện “chạy” huy chương, “chạy” danh hiệu là hoàn toàn có thật.
Một nghệ sĩ giấu tên cho biết, nhìn vào danh sách những người được phong NSND đợt này, không chỉ chị mà phần lớn nghệ sĩ đều “ngã ngửa” khi thấy tên hai nghệ sĩ L.N và T.H thuộc quân số ở nhà hát kịch.
Theo nghệ sĩ này, T.H là người không có tài năng, chưa từng để lại dấu ấn gì với người trong nghề. Còn L.N là người không đủ huy chương theo tiêu chí mà Bộ VH,TT&DL đề ra. Ngay từ hồi xét danh hiệu NSƯT thì L.N đã không đủ tiêu chuẩn rồi, nhưng vì có… lý do riêng nên cũng dễ được thông cảm hơn.
Điều đáng nói là kể từ sau khi được phong NSƯT, người này không có thêm huy chương vàng nào. Vậy mà các ông hội đồng cũng “hồn nhiên” bỏ phiếu để nữ nghệ sĩ này được phong “nhân dân”. Khi danh sách này được công bố rộng rãi, một số NSND khác đã mỉa mai nói rằng, nếu cô này mà được phong thì có khi phải làm đơn xin từ bỏ danh hiệu của mình cho đỡ bị “cá mè một lứa”.
“Chạy chọt” và “bôi trơn”
Với riêng trường hợp của diễn viên L.N, nghệ sĩ giấu tên này cho rằng, rất có thể là do có “chọt” – tiếng lóng nói về chuyện “bôi trơn”.
Người tố cáo kể thêm: “Bởi ngay từ khi phong NSƯT, chính tôi đã được xem tin nhắn của nữ nghệ sĩ này gửi đến cho một thành viên trong hội đồng xét giải đề cập chuyện giúp đỡ để được phong danh hiệu.
Còn chuyện chi phí, nói là ngã giá mua giải thì nghe hơi “phô”, nhưng khi xong việc thì phải cảm ơn. Ít cũng phải 10 triệu, nhiều thì 20 triệu. Đó là với NSƯT. Còn với NSND thì... để mọi người tự phán đoán”. NSƯT còn “có giá” như thế thì NSND chắc là phải hàng trăm triệu hoặc… thân ái tặng nhau một chiếc xe hơi.
Một nguồn tin khác cho hay, cứ đến mùa hội diễn là các giám khảo lại không tránh được tình trạng nhờ vả, nhắn tin nhờ “giúp đỡ”. Đến nỗi, dù không còn ngồi trong hội đồng nhưng có đạo diễn vẫn được nhờ vả “bắc cầu” qua các giám khảo “đương nhiệm” để tác động xem “từ bạc có lên vàng được không”, “tiêu chuẩn có thiếu thì nhờ anh chị ra hội đồng hết sức bảo vệ”...
Một bạn đọc từng công tác ở đơn vị nghệ thuật Hà Nội (nay đã chuyển sang làm công việc khác) tiết lộ: "Khi còn làm ở đoàn nghệ thuật này, cứ đến mùa xét huy chương là nhà hát lại "đánh nhau" sứt đầu mẻ trán. Ai cũng muốn được đưa vào danh sách. Đấu đá, kèn cựa, rồi chạy chọt đủ cả. Nghĩ mà ngán ngẩm cho cái danh hiệu và danh xưng của những người được gọi là “nghệ sĩ”.
Chuyện nghe kể mà cứ ngỡ đùa rằng, có nghệ sĩ đi diễn ở tỉnh lẻ, một khán giả thắc mắc, danh hiệu NSƯT và NSND chắc là được thưởng nhiều tiền thưởng lắm, cho nên các nghệ sĩ mới "cố" để được như thế? Nghệ sĩ này đã trả lời: “Vâng, nhiều lắm. Đó là được thêm cái “danh hão” ở trước cái tên ấy”.
Thực ra thì khi trao danh hiệu, nghe chừng cũng được thưởng dăm ba triệu. Số tiền ấy nếu “chạy chọt” thì phải gấp mấy lần. Nếu mà được tặng cả cái nhà thì không hiểu người ta còn bất chấp danh dự, liêm sỉ đến đâu.
Chuyện xin danh hiệu cho người đã chết, chuối oản để ai xơi?
Bạn Hưng Bình (hungbinh68@...) kể trên báo Khám Phá VN: Một chuyện hy hữu khác là sau lễ viếng và truy điệu Nghệ sĩ hài Văn Hiệp, đạo diễn, NSND Khải Hưng đã vận động hơn 150 nghệ sĩ ngoài Bắc cùng ký đơn xin Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho danh hài Văn Hiệp.
Ông Khải Hưng vận động các nghệ sĩ cùng ký vào đơn xin danh hiệu NSƯT cho danh hài Văn Hiệp đã mất, được coi là làm chuyện “bốc đồng” và “bao đồng”.
Nhiều nghệ sĩ không có mặt tại đám tang cũng bày tỏ nguyện vọng được cùng tham gia ký đơn. Nhưng gặp ngay một số phản ứng gay gắt từ các nghệ sĩ khác và dư luận của người dân.
Một năm ở đất nước này có bao nhiêu nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ và rất nhiều “nhà” khác cứ lẳng lặng mà mất. Trong đám đông viết đơn xin phong “Ưu tú và Nhân dân” cho nghệ sĩ Văn Hiệp, công chúng nhận ra không ít "cây đa, cây đề" của làng điện ảnh.
Họ bảo vì cụ Hiệp chuyên đóng vai phụ, nên chiếu quy chế phong tặng Nhân dân – Ưu tú, cụ không lọt đề cử. Người ta có lý để cho rằng, hành động ký tên tập thể vào đơn xin danh hiệu cho Văn Hiệp là bốc đồng và bao đồng?
Lúc Văn Hiệp còn tại thế, chả thấy “cây đa, cây đề” nào đứng ra tập hợp ý kiến đòi quyền lợi cho ông “trưởng thôn”. Nay có đến cả 150 con người đùng đùng ký đơn xin, mà đã xin – đã cho ít nhiều cũng làm hạ thấp người đã khuất. Thậm chí sẽ là tổn thương nếu điều đó đi ngược với di nguyện của nghệ sĩ Văn Hiệp.
Thưa các vị, "xét một cách toàn diện" danh hiệu cho người đã chết chỉ như chuối và oản trang trí trên bàn thờ. Nói cho cùng, đó là thứ để dành cho người đang sống. Còn người chết, họ cần gì? Chuối oản để ai xơi?
Cái bệnh háo danh còn lan sang các lãnh vực khác
Thực ra, không chỉ lĩnh vực nghệ thuật sân khấu mà nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, khoa học, kỹ thuật cũng rơi vào tình trạng tương tự!
Bạn Diệp Văn Sơn viết trên báo Người Lao động: “Giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) là chức danh của nhà giáo ở cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu. Vì thế, không nên để những quan chức cả đời không dạy học, không hề gắn bó với cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu nào “chạy” chức danh GS, PGS.
Quan chức đeo cái chức danh của nhà giáo cũng chẳng giải quyết được việc gì, có chăng chỉ giải quyết “khâu oai”.
Những năm gần đây, nhiều quan chức không bằng lòng với chức vị hành chính vốn đã cao của mình nên thích gắn thêm trước chức vụ học hàm, học vị GS, PGS hoặc Tiến sĩ để cho… thêm phần trí tuệ!
Đến nay, hầu như không nước nào trên thế giới lạm phát học hàm, học vị như ở VN.
Căn bệnh chạy danh hiệu của giới nghệ sĩ và chạy học hàm, học vị của giới thầy giáo, nhà khoa học, nhà quản lý… chung quy lại cũng là hệ quả của bệnh háo danh mà thôi”.
Đúng là cái bệnh háo danh ngày càng được dịp “trăm hoa đua nở” ở cái thời đại quá quen với oai quyền giả mạo và dối trá này.
Văn Quang
No comments:
Post a Comment