Monday, August 31, 2015

Một thoáng Hương xưa: Bà Thượng Nghị sĩ Phan Nguyệt Minh


Trời Houston, những tháng hè đổ lửa, bỗng đổ mưa về hôm nay ngập đường ngập lối khiến tôi nhớ về tháng 7 năm ngoái, trời đã mưa nơi trại hè Hướng Ðạo Thẳng Tiến 10 tại đất trại Hướng Ðạo Camp Strake ở Conroe vùng Bắc Houston. Trại Hướng Ðạo, ngày khai mạc, với những giọt nước mắt vui mừng của người trưởng nữ Hướng Ðạo Phan Nguyệt Minh ngồi trên chiếc xe lăn. Năm nay, trại Bách Hợp tại Portland Oregon, vào cuối tháng 8, sẽ vắng bóng một nữ Hướng Ðạo trưởng niên kỳ cựu của phong trào, trưởng Phan Nguyệt Minh, cựu hội trưởng hội nữ Hướng Ðạo Việt Nam trong thập niên 1970.

Bà Phan Nguyệt Minh trên một chiến hạm của Hải Quân VNCH. (Hình: Tác giả cung cấp)

Ngày 10 tháng 8 năm 2015, tôi đến tiễn đưa trưởng cùng với các Hướng Ðạo sinh trong bộ đồng phục tôi đã mặc 13 năm trước khi tiễn trưởng Nguyễn Văn Thơ, bộ đồng phục như kỷ vật của những người bạn và đàn anh Hướng Ðạo đã ra đi, chiếc áo của Linh Mục Huỳnh người bạn trẻ Hướng Ðạo, khâu khăn quàng của trưởng Trương Trọng Trác, Trọng Kim của báo Ngày Nay, khăn quàng trại Thẳng Tiến 7 của trưởng Nguyễn Văn Thơ do chính tay bà Phan Nguyệt Minh, Pauline Văn Thơ, trao cho tôi người em Hướng Ðạo.

Ngồi trong nhà thờ, cạnh bức hình trên quan tài, nghe các cha giảng, nghĩ lại về quãng đời và thời gian đã qua trong nửa thế kỷ từ ngày tôi biết bà, bà chị Hướng Ðạo của tôi quả là một người đàn bà Việt Nam đẹp. Người phụ nữ nổi tiếng trong cả hai thời Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam là người miền Nam, 86 năm trước sinh ra tại thôn Thạnh Lộc, Gia Ðịnh lớn lên theo giáo dục Pháp, học trường tiểu học dành riêng cho con gái Ecole des Jeunne Filles, lên Ðà Lạt học Couvent des Oiseaux qua Pháp tốt nghiệp Lyceé des Jeunes Filles, St Germaine en Laie. Trong thời đại của bà, năm 1949 qua Mỹ học ở Rochester New York tốt nghiệp ngành xã hội học, sau lấy bằng cao học xã hội ở đại học NYU và thêm một năm nghiên cứu tại Ðại Học Yale, bà là một trong những phụ nữ trí thức xuất sắc của miền Nam. Tuy là một phụ nữ học cao nổi tiếng trên nhiều lãnh vực từ giáo sư Anh Văn trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký đến đại học Văn Khoa và sư phạm qua chính trị, bà vẫn giữ được sắc thái của một phụ nữ Việt Nam nổi tiếng đẹp trong chiếc áo dài tha thướt.

Trong hai thập niên 1960 và 1970, miền Nam Việt Nam có nhiều phụ nữ nổi tiếng. Tôi kém bà Nguyệt Minh 20 tuổi, ngày bà là dân biểu Ðệ Nhất Cộng Hòa (1959-63), tôi là học sinh trung học.

Qua đến Ðệ Nhị Cộng Hòa, với vai trò thượng nghị sĩ Quốc Hội (từ 1967-1973) bà Phan Nguyệt Minh đã là một ngôi sao sáng được các giới từ báo chí đến ngoại giao và chính trị trong và ngoài nước chú ý. Có lẽ ngôi sao của bà chỉ kém bà Tuyết Mai, đệ nhị phụ nhân, vợ Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, phó tổng thống. Bà Tuyết Mai được báo chí ngoại quốc khen là một người đẹp có nhan sắc quyến rũ (glamorous) nhưng bà Tuyết Mai đã để lại nhiều tiếng không được đẹp trong thời gian ông Nguyễn Cao Kỳ làm phó tổng thống. Như trong thời gian theo chồng qua hội nghị Paris bà đã làm người mẫu chụp hình, Tướng Colin Powell đã than phiền trong hồi ký là Tướng Kỳ đã không làm nhiệm vụ trưởng phái đoàn thương thuyết của VNCH chỉ lo đi trượt tuyết với Tuyết Mai khác với bà TNS Nguyệt Minh không mang tiếng xấu trong suốt sáu năm làm thượng nghị sĩ.

Báo chí Sài Gòn thời ấy chọc ghẹo, gọi bà là bà nghị sĩ “trăng sáng vườn chè.” Hồi trẻ tôi hay theo giới báo chí, viết “chuyện phiếm” cho báo Chính Luận thấy biệt hiệu “trăng sáng vườn chè” rất dí dỏm ngộ nghĩnh. Năm ngoái tôi hỏi bà chị có bực minh khi bị báo chí gọi là bà “trăng sáng vườn chè” không? bà trả lời: “Chị chỉ thấy vui vui” câu trả lời cho thấy một tinh thần tự do báo chí, dân chủ.

Bà và bà Thượng Nghị Sĩ Nguyễn Phước Ðại (tên thật là Nguyễn thị Quỳnh Anh), vợ của Bác Sĩ Nguyễn Phước Ðại, giáo sư y khoa giải phẫu Ðại Học Y khoa Sài Gòn, giám đốc bệnh viện Ðô Thành) đã là những hãnh diện cho giới phụ nữ miền Nam. Bà Nguyễn Phước Ðại nổi tiếng trong vụ án cô Qườn đốt chồng, sau lên làm đến phó chủ tịch Thượng Viện là một luật sự giỏi, sau năm 1975 chính quyền CSVN phải nhờ đến bà trong những vụ tranh cãi về Hoàng Sa và Trường Sa ở Liên Hiệp Quốc. Hai bà thượng nghị sĩ có học vấn cao đã đối đầu với hai người đàn bà nổi tiếng của Cộng Sản, khác hẳn về vóc dáng lẫn trình độ trí thức, nữ tướng Nguyễn Thị Ðịnh và bà Nguyễn Thị Bình đại diện Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trong Hiệp Ðịnh Paris. Hai bà Nguyệt Minh và Quỳnh Anh đã cho thấy miền Nam không cần phong trào phụ nữ đòi quyền sống (do Việt Cộng giựt dây). 

Phụ nữ sống và lớn lên ở miền Nam, một xã hội tự do dân chủ (dù không hoàn toàn như Hoa Kỳ) vẫn vươn lên, bình đẳng với nam giới qua nền giáo dục ở các nghành đại học chứ không qua đấu tranh giai cấp bằng bạo lực cách mạng trong xã hội tự do giả tạo miền Bắc Việt Nam.

Bà là người đã “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi,” trôi theo dòng lịch sử. Những năm sau khi Trưởng Nguyễn Văn Thơ, người anh cả trong phong trào Hướng Ðạo qua đời tôi thường hay đến nhà thăm bà chị. Ở phòng khách là những bức hình của những năm tháng ngày bà còn rất trẻ, những bức hình lịch sử gợi lại những tháng năm trong hai mươi năm lịch sử của hai nền cộng hòa, có lẽ bà là một trong những chứng nhân lịch sử hiếm có.

Năm 30 tuổi, bà Dân Biểu Phan Nguyệt Minh đã gặp TT Eishenhower với sứ mạng của TT Ngô Ðình Diệm giao phó. Bức hình ngày bà còn rất trẻ trong dáng áo dài gợi đến hình ảnh bà Ngô Ðình Nhu nhưng với nụ cười nhã nhặn được lòng TT Eishenhower hơn. TT Eisheinhower là người đã từ chối giúp Pháp trong chiến tranh Việt Nam trong trận Ðiện Biên Phủ năm 1954 nhưng sau đó thay đổi ý kiến, viện trợ quân sự cho Pháp và diễn văn lịch sử tháng 7 năm 1954, với chủ thuyết cờ Domino, TT đảng Cộng Hòa Eishenhower đã tiếp tục làm cố vấn cho hai TT đảng Dân Chủ kế tiếp John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson.

Năm 32 tuổi, bà lại được đi gặp T.T. trẻ tuổi John F. Kennedy cũng với sứ mạng ngoại giao. Bức hình cho thấy nụ cười thân thiện của TT John F. Kenndy trước khi bị ám sát trong tháng 11 năm 1963 một tổng thống Dân Chủ đã tăng gấp ba viện trợ quân sự và kinh tế cho chính quyền Ngô Ðình Diệm cũng như tăng quân nhưng đồng ý đứng ngoài (như Ðại Sứ Cabot Lodge thú nhận với nhà báo Peter Arnett) để các tướng lãnh đảo chánh T.T. Ngô Ðình Diệm.

Tang lễ bà Nghị Sĩ Phan Nguyệt Minh. (Hình: Tác giả cung cấp)

Bức hình với TT Johnson đánh dấu Hoa Kỳ đổ thêm quân vào Việt Nam, hứa hẹn sẽ đem quân Hoa Kỳ về nước, oanh tạc Bắc Việt sau Tết Mậu Thân 1968.

Bức hình với TT Richard Nixon đánh dấu đoạn kết thúc chiến tranh Việt Nam sau Hiệp Ðịnh Paris tháng 1 năm 1973, năm bà 50 tuổi không còn trẻ như ngày bà gặp TT Eishenhower. Những nụ cười ngoại giao không thay đổi được sự phản bội của người Mỹ. Những người Mỹ có tinh thần như nhà văn Hoa Kỳ, tốt nghiệp Columbia, gốc Do Thái Isaac Asimov, viết truyện khoa học giả tưởng nổi tiếng với đại tác phẩm “Foundation and Empire,” tin tưởng vào quốc gia với nền tảng vững chắc, tin tưởng vào lịch sử tâm lý, thua bọn đế quốc đỏ vì chiến thuật nhưng sẽ chiến thắng trên con đường dài. Hoa Kỳ thua trước nhưng sau thắng khối Cộng Sản. Ðảng Cộng Hòa với các TT Nixon và Ford phản bội Việt Nam, không quay lại can thiệp khi quân Cộng Sản Bắc Việt xâm phạm Hiệp Ðịnh Paris, như đã hứa với đồng minh. Hoa Kỳ thắng trên đường dài còn Việt Nam Công Hòa phải chịu thân phận nhược tiểu.

Bà Phan Nguyệt Minh theo đảng Cộng Hòa với lý tưởng của những người Cộng Hòa Thiên Chúa Giáo, khuynh hướng bảo thủ hữu khuynh xem chủ thuyết Cộng Sản và con người Cộng Sản như Quỷ và Satan, chiến tranh lạnh của Hoa Kỳ là chiến tranh của tự do chống độc tài. Ðại diện cho khuynh hướng Cộng Hòa Thiên Chúa Giáo là Mục Sư Reinhold Niebur. Những lời cầu nguyện của Mục Sư Niebur được đọc bởi đảng Cộng Hòa và ông cũng ảnh hưởng đến TT Barrack Obama, ông chủ trương không cần xin Chúa, người có đạo không thụ động. Thánh thiện và quỉ quái là xung đột lớn trong đời sống hàng ngày và trong lịch sử nhân loại. Chiến thắng luôn luôn theo sau chiến bại. Ông Niebur cảnh cáo Hoa Kỳ phải xem chừng Stalin, đôi khi tư tưởng chao đảo khi chứng kiến những cuộc cách mạng Marxist thành công năm 1932, 1934 và 1959 nhưng ông đã chứng kiến nền dân chủ Hoa Kỳ tưởng thất bại nhưng bền vững qua bao nhiêu thử thách.

Con người chính trị của bà tiếp tục ở Mỹ, sau năm 1975 với lập trường Cộng Hòa bảo thủ, giữ chức cố vấn và chủ tịch liên đoàn cử tri Cộng Hòa người Mỹ gốc Việt. Tiếng nói của bà Phan Nguyệt Minh tranh đấu cho nhân quyền và tư do cho Việt Nam trước ngày Hoa Kỳ bang giao với Việt Nam cùng với các bà Khúc Minh Thơ, Nguyễn Văn Bông đã được chính quyền Hoa Kỳ lắng nghe. Bức hình của bà đứng với TT Geoge H. Bush (bố) đánh dấu một thời chuyển tiếp khuynh hướng chính trị Hoa Kỳ.

Bà không viết hồi ký như một lần Trọng Kim báo Ngày Nay đã đề nghị mặc dù bà là một chứng nhân quan trọng trong hai chế độ đệ nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam. Những nhân vật ngoại giao và khuôn mặt chính trị lớn, như Ðại Sứ Bùi Diễm, đã viết nhiều hồi ký nhưng không hiểu tại sao bà không động tâm vì khiêm tốn hay muốn giữ bí mật? Dù vậy, nhờ bà mà tôi biết được nhiều và kiểm điểm lại được nhiều sự kiện có khi đúng có khi sai trong những cuốn hồi ký nổi tiếng của các tác giả đã xuất bản.

Bà không viết sách nhưng sách báo đã viết nhiều về bà thượng nghị sĩ nổi tiếng Phan Nguyệt Minh. Tờ Christian Science Moniton năm 1983 đã viết về bà giám đốc và điều hành chương trình định cư tị nạn tại Houston Texas văn phòng hội USCC (Hội Từ Thiện Công Giáo). Báo Houston Chronicle năm 2005 đã nhắc lại công của bà giúp định cư hơn 3000 người việt qua hai cơ quan USCC và YMCA. Sách của trùm CIA Mỹ William Edgar Colby (Shadow Warrior) đã nhắc đến tên bà. Trong thời chiến tranh Việt Nam, giám đốc CIA Colby đã “mê bà” đến nỗi TT Nguyễn Văn Thiệu có lúc nghi ngờ bà là CIA. (Tôi có dịp tâm tình với bà một lần như chị em trong nhà và hỏi bà về lời đồn này, bà cười và thanh minh lời đồn thất thiệt. Sau này xem lại danh sách những người đã làm CIA và thấy không có tên bà Phan Nguyệt Minh). Về tình yêu của ông Colby, bà chị tôi đã cười trả lời: “Không ai giỏi và dễ thương như anh Thơ của chị.”

BS Clement Hall trong sách “Hồi ký của một y sĩ” trong thời gian ở Việt Nam có viết về BS Nha khoa Nguyễn Văn Thơ, ông cho rằng Giáo Sư Nha Khoa Nguyễn Văn Thơ lên chức nhờ vợ bà Pauline Nguyễn Văn Thơ gia nhập “phong trào phụ nữ liên đới” của bà Ngô Ðình Nhu nhưng không gia nhập đảng Cần Lao sau này là thượng nghị sĩ thân với TT Nguyễn Văn Thiệu. Giáo Sư Nguyễn Văn Thơ lúc ấy là phó viện trưởng Viện Ðại Học Sài Gòn phụ tá GS Y khoa Trần Quang Ðệ sau ông lên làm viện trưởng và bộ trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Khoảng thời gian trước năm 1975, quả tình xã hội Việt Nam có quá nhiều thiên kiến, con người nhìn nhau qua nhiều cặp kính màu: Phật Giáo, Công Giáo, người Nam, người Bắc, Bác sĩ, Nha Sĩ; cho nên ông Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thơ bị nghi ngờ khả năng ngay đến Clement Hall cũng nhìn ông qua cặp kính màu. Bốn mươi năm sau nhìn lại học vấn của BS Nguyễn Văn Thơ tốt nghiệp tối ưu trường Petrus Ký, tốt nghiệp Ðại Học Oxford rồi qua Havard lấy bằng tiến sĩ Nha Khoa, đêm hôm ấy ở phòng khách tôi cúi đầu kính phục ông Trưởng Hướng Ðạo của tôi.

Bà Phan Nguyệt Minh là một trong những tiếng nói của cộng đồng Việt Nam ở Houston từ năm 1975 nhờ quá khứ Thượng Nghị Sĩ ở Việt Nam, giám đốc định cư của USCC, hoạt động trong đảng Cộng Hòa và là sáng lập viên Hội Ái Hữu Việt Nam ở Houston tiền thân của hội Cộng Ðồng Việt Nam ở Houston. Tờ Houston Chronicle năm 2005 ngoài việc nhắc đến công giúp người Việt Nam tị nạn còn nhắc đến bà Pauline Văn Thơ cũng là người tị nạn khi bà đang đi dự hội nghị quốc tế phụ nữ ở Paris tháng 4 năm 1975. Hai ông bà đoàn tụ ở Oakland California. Trong vụ ký giả Ðạm Phong bị ám sát ở Houston, các tờ báo lớn cũng phỏng vấn bà Pauline Văn Thơ.

Tôi còn nhớ năm đầu tiên về Houston, chợ Tết Việt Nam đã được tổ chức ở khu thương mại Sharptown do hội Ái Hữu Việt Nam của bà tổ chức và những đêm tiệc Tết Tây cũng do hai ông bà đứng ra tổ chức. Bà là người hoạt động tích cực từ lãnh vực quốc gia đến địa phương. Trong những tổ chức bao giờ cũng có lá cờ vàng ba sọc đỏ Việt Nam Cộng Hòa và hát quốc ca. Bà không phục vụ trong quân đội nhưng bảo vệ lá cờ khác với những ý nghĩ xem “lá cờ vàng được Mỹ cho treo ở các khu thương mại Việt Nam thì cũng như những lá cờ khác được treo ở các đại lý bán xe hơi!” Lá cờ vàng ba sọc đỏ mang hồn nước, hồn chiến sĩ của hàng triệu chiến sĩ Việt Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã khiến tôi và hàng trăm ngàn thuyền nhân tỵ nạn ứa nước mắt khi nhìn thấy ngày lên đảo tị nạn sau bao ngày lênh đênh trên biển cả. Lá cờ ấy được dương lên ở các nơi và trong những buổi họp Mỹ Việt do công những người Việt thầm lặng không giữ những chức vụ to lớn trong cộng đồng người Việt ở Houston.

Ngày 12 tháng 7 năm 2015, cuộc gặp mặt giữa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius, với cộng đồng gốc Việt tại San Jose đã xảy ra một việc gây tranh cãi, liên quan đến lá cờ vàng. Sự việc này sau đó đã khiến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải gởi thư giải thích.

Tôi và bà Pauline Văn Thơ (hai tuần trước khi mất) đã có dịp bàn với nhau về câu chuyện không thể xảy ra ở Houston, Texas đã xảy ra ở San Jose, California. Lá cờ vàng ba sọc đỏ VNCH được bảo vệ ở Houston và Texas. Lá cờ ấy được treo ở tượng đài chiến sĩ, ở các thương xá, trong các buổi họp, trong những buổi diễn hành. Lá cờ ấy không được đặt thành vấn đề trong những buổi họp với cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, Michael Michalak hay Tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn, ông Lê Thành Ân. Năm 2003, thành phố Houston, qua bà thị trưởng Annise Parker, đã có nghị quyết công nhận lá cờ vàng cũng như tiểu bang Texas qua công của Dân Biểu Tiểu Bang Hubert Võ chỉ treo lá cờ vàng ba sọc đỏ ở các trường đại học dù các trường ấy có nhiều du học sinh Việt Nam. Quyết định của Ðại Sứ Ted Osius và ban tổ chức, theo tôi nghĩ, chỉ là quyết định cá nhân như lời đính chính của bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Các ông này đến San Jose có thể đã bị ảnh hưởng của các thành phần khuynh tả tại địa phương.

Trong khi vụ lá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn còn sôi nổi ở California thì lá cờ đỏ sao vàng của CSVN treo ở phi trường quốc tế George H. Bush ở Houston đã bị kéo xuống và cất vào kho. Lá cờ đỏ sao vàng chỉ được treo ở những cơ sở ngoại giao như tòa tổng lãnh sự, tòa đại sứ, trụ sở Liên Hiệp Quốc. Ở những nơi khác lá cờ vàng ba sọc đỏ được tôn trọng. Các công dân Việt gốc Mỹ đi làm đóng thuế, đi bầu đã có tiếng nói với chính quyền Mỹ. Công gỡ lá cờ đỏ sao vàng cất vào kho là công của nghị viên thành phố Richard Nguyễn.

Mùa Hè năm 1970 là một mùa hè đẹp với trại Giữ Vững Suối Tiên ở Thủ Ðức đây cũng là trại họp bạn Hướng Ðạo toàn quốc cuối cùng. Có lẽ trại cũng là một kỷ niệm đẹp trong đời của ông bà Nguyễn Văn Thơ với ông là Hội Trưởng Hội Hướng Ðạo còn bà là hội trưởng Hội Nữ Hướng Ðạo. Trại họp bạn lớn thành công trong thời chiến tranh với bài hát theo dòng lịch sử, từ Phạm Duy, Trịnh Cộng Sơn, những người Hướng Ðạo năm ấy đã hát bài “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” của Nguyễn Ðức Quang mỗi ngày và trong đêm lửa trại khai mạc và bế mạc:

“Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Ðường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
...
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn là người dân Nam”

Trưởng Phan Nguyệt Minh đã chọn làm người Việt Nam, đã giữ tinh thần Hướng Ðạo từ Việt Nam qua đến đời tị nạn với những hoạt động xã hội giúp ích. Ngày 10 tháng 8 năm 2015, chúng tôi các Hướng Ðạo sinh đã đến tiễn Trưởng Hướng Ðạo 86 tuổi, không còn trẻ như ngày: “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đường, kiếm nguồn tươi sáng ta cùng đồng lòng điểm tô non sông” bằng bài hát “Nguồn thật”:

“Anh em chúng ta chung một đường lên
Chung một đường lên đến nơi nguồn thật
Nguồn thật là đầy sức sống vô biên
Sống vô biên là sống cùng tạo vật”

Tạo vật đã đón một người phụ nữ đẹp Việt trở về.


(21.8.2015)
Việt Nguyên (Texas)

No comments:

Blog Archive