Saturday, August 8, 2015

Quê Hương trong nỗi nhớ


Tôi đang sống ở một thành phố nửa bên là núi, nửa bên là sa mạc. Bên phía núi gần với tiểu bang Colorado, mùa đông có tuyết phủ trắng đường. Gió lạnh đến tím môi, đỏ bừng mặt mũi, ù cả hai tai. Bên phía sa mạc, ráp gianh với Arizona nhấp nhô những ngọn đồi cát, thường có nắng khô gắt vào mùa hè nhưnlại hiếm hoi những giọt mưa khi thời tiết sắp chuyển sang mùa xuân. Đôi khi mây đen vần vũ kéo đến, sấm gầm rên trong ánh chớp, mưa vẫn ngập ngừng chỉ rơi xuống vài giọt rả rích rồi lại ngưng.  Người ta mong cho mưa xuống để vùng đất cằn cỗi này mau đâm hoa, kết trái. Riêng tôi thì chẳng thích mưa chút nào, dù là những cơn mưa ngắn không đủ ướt đường xá…Bởi lẽ, mưa thường làm tôi nhớ quê nhà ray rứt, nhớ nhiều kỷ niệm buồn của thời cơ cực tối đen, lẫn vài chuyện vui đi qua trong ký ức, thêm những điều xót xa hiện tại mà lòng đau đến muốn khóc… 

Ngày rời Việt Nam, tôi mang một tâm trạng nửa buồn nửa vui. Tôi tưởng chuyện nhớ quê hương chỉ là lý thuyết trong sách vở. Nhưng không, tôi đã nhớ quê nhà ngay từ những ngày đầu đặt chân trên đất Mỹ. Chuyện nhớ bắt đầu từ một vài âm thanh quen thuộc thường ngày trong khu xóm lao động nghèo mà tôi vừa mới ra đi; như tiếng rao quà ban đêm, tiếng trẻ chơi đùa ngoài ngõ. Tiếng gà gáy sáng tinh mơ, tiếng võng đưa kẽo kẹt buổi trưa của người hàng xóm hòa với giọng ru con nghe buồn nẫu ruột:

“Ầu ơ.. Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé  bỏ bè con thơ…”

Rồi Tiếng ca cải lương trong vắt của con bé bán nước đầu hè vào những đêm trăng quán đông khách. Tối tối, từ căn chòi ọp ẹp nằm phía sau nhà tôi là tiếng đàn bầu rung lên lạnh lẽo, những giai điệu tỉ tê như tâm sự buồn của chính người thương binh già đang gẩy nó. Chuyện nhớ còn lẩn quẩn từ mùi vị khác lạ của thức ăn, từ những điều kiện văn minh hiện đại trong đời sống mà tôi chưa hề biết đến bao giờ. Tôi vẫn nhớ cái bếp than mỗi khi nấu ăn bằng bếp gas, nhớ những lần giặt đồ bằng tay khi lúng túng trước cái máy giặt. Nhớ đến manh chiếu mỏng khi nằm trên chiếc nệm êm. Nhớ chiếc quạt nan cầm tay suốt ngày nóng nực khi ngồi dưới cái máy lạnh chạy êm mát. Điều tôi nhớ nhiều hơn hết là những kỷ niệm với bạn bè, nhớ trường lớp, nhớ những đôi mắt trẻ thơ  trong sáng, nhớ nghề gõ đầu trẻ ở Việt Nam lúc mình đang đương đầu với công việc “rửa chén”  cực nhọc trên xứ người.

Nỗi nhớ cứ ngày càng đầy ắp theo mỗi dòng kỷ niệm chảy tràn trề trong trí não. Tôi nhớ đến mùa mưa ở Sàigòn, những cơn mưa lớn như trút nước, đường phố ngập lụt tới đầu gối. Ngày ấy, cứ chiều nào mà mưa ngập phố thì tôi thường phải nán lại trường với các bạn đồng nghiệp, để chờ nước rút xuống dưới mắt cá chân mới đạp xe về nhà được. Cả một nhóm con gái độc thân gần mười mấy đứa ngồi nhìn mưa tán gẫu đủ mọi chuyện trên đời. Có khi chờ mãi mà nước chưa chịu rút, chúng tôi rủ nhau đội mưa, lội nước đi ăn “cháo lòng” ở một quán ăn nhỏ gần trường. 

Lại có ngày, những anh chàng  “bò vàng” (công an) đi công vụ, bị mắc mưa “cố tình” ghé vào trường tôi trú mưa để  “tán tỉnh “ các cô giáo trẻ . Thuở đó, tôi rất ghét công an, lòng tôi có một sự “kỳ thị” ra mặt. Theo tôi, họ cũng là những người góp phần làm khổ cả miền nam, khổ cả gia đình tôi. Nếu họ không vào chiếm miền nam, thì mẹ tôi đâu đã mất sớm, cha tôi đâu phải đi tù. Anh và em trai tôi cũng không phải đi lao động, lăn lóc từ nông trường này sang nông trường khác. Để lại hậu quả cho anh trai tôi bịnh “cụp xương sống” sau mấy năm miệt mài “ lao động vinh quang”, báo hại bà mẹ đau yếu phải đi nuôi anh trong bệnh viện. Cứ thấy bản mặt họ là bao nhiêu điều đó lại hiện ra trong đầu óc tôi làm bừng lên sự tức giận, tôi ghét công an, tôi hận bộ đội, tôi chán ngán chế độ ...

Ngày ấy, vào mùa nắng cũng là những ngày rất vui. Trong sân trường tôi dạo đó có một cây xoài to rất sai trái. Những trái xoài xanh chưa kịp chín đã bị chúng tôi “thanh toán” xuống hết để gọt ăn với nước mắm đường sau giờ tan học. Thời tuổi trẻ sao mà vui thế! Niềm vui gắng gượng khoả lấp bao nỗi nhọc nhằn và bất công trong cuộc sống lúc bấy giờ.

Ngày ấy, tôi có một mối tình đơn phương rất buồn. Tôi yêu một người đàn ông thất thế, nghèo xơ xác, lại lớn hơn tôi cả một thập niên rưỡi.  Trước năm 75, chàng là trung úy trực thăng của phi đoàn 245. Tôi gặp chàng trong một chuyến đi thăm cha tôi về, còn chàng thì mới được thả sau 7 năm tù khổ nhục. Chúng tôi cùng đi chung một chuyến xe lửa từ Biên Hoà về Sàigòn. Tôi có cảm tình ngay với giọng bắc trầm ấm cùng vẻ điềm đạm, trầm tĩnh của chàng. Thoạt đầu, tình cảm của tôi chỉ là sự quí mến và đồng cảm xót xa cho số phận của  một người lính. Ra tù, chàng mất tất cả, nhà cửa, vợ con, người mẹ già yêu quí, còn mất luôn cả niềm tin vào cuộc sống. Rồi, dần dần qua sự tiếp xúc, tôi nhận ra nhiều cá tính đặc biệt rất đáng phục ở nơi chàng. Tính nhẫn nại bền bỉ vươn lên từ nghịch cảnh khó khăn, tính kiên quyết với lập trường sống, cách cư xử chân tình với bạn bè, nét cương nghị trong đôi mắt sáng ngời và một nụ cười thân thiện luôn nở rộng. Thời đó, những cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà  tuy nghèo mà lòng tự trọng rất cao, chàng cũng không phải là người thích “gặm cỏ non”. Dưới mắt chàng, tôi chỉ là một cô em nhỏ, chưa hiểu hết chuyện đời, nên không thể nào chia xẻ cùng chàng những cay đắng trong cuộc đời đầy giông bão. Sau đó, với sự quyết tâm chàng đã ra đi để tìm đến bến bờ tự do…

Ngày ấy so với ngày nay, theo sự tiến hoá của văn minh thời đại, quê hương mình đã càng tuột dốc hơn cho dù có khoác lên một bộ mặt thay đổi hào nhoáng bên ngoài. Những người tôi quen biết có dịp trở lại Việt Nam, ai cũng nói:

“Sài gòn bây giờ vui lắm, thay đổi rất nhiều, nhà cửa khang trang rộng lớn…” 

Nhưng có mấy ai trong số nhiều người về thăm quê hương, nói hết được mặt trái của sự thay da đổi thịt ở Sài gòn, là muôn hình vạn trạng những điều  “trông thấy mà đau đớn lòng”.

Có một lần, tôi tham dự một buổi học nghiệp vụ về đề tài “Child Abuse”. Người giảng viên đã đề cập đến nhiều vấn đề gây tổn thương cho thể xác và tâm hồn trẻ thơ.  Đau xót đến nát lòng nhất, vẫn là vấn nạn “child sexual  abuse”, “child sex tourism”  lan tràn ở các nước nghèo vùng Đông Nam Á, nhiều nhất là ở Cambodia, Thái Lan,  và những vùng ven lân cận Việt Nam cũng đang bắt đầu. Nạn nhân phần lớn là trẻ em dưới 12 tuổi, nghe bà giảng viên nhắc đến Việt Nam, và hướng mắt về phiá tôi hỏi một vài cảm nghĩ về chuyện này. Một nỗi tủi nhục, đau đớn xoáy vào trái tim tôi nhức nhối. Thêm bao nhiêu đôi mắt của cả cử toạ trong hội trường đổ dồn vào tôi chờ câu trả lời. Ai cũng biết tôi là người Việt Nam duy nhất giữa cả trăm nhân viên của lớp nghiệp vụ chuyên ngành giáo dục mầm non thuộc San Juan county này. Tôi càng như  bị tê liệt vì sự xấu hổ cho cái tệ nạn bạo hành trẻ khủng khiếp đang xảy ra vài nơi trên đất nước Việt Nam khốn khổ. Trong sự hồi hộp lẫn nghẹn ngào phẫn uất, tôi chỉ nói được một câu rằng:

“Tôi mong muốn với sức mạnh của những người có lòng yêu thương trẻ trên toàn thế giới, sẽ hợp sức cùng nhau bằng mọi cách để bảo vệ và ngăn chận tình trạng buôn bán trẻ này…”  

Nói đến đó nước mắt tôi tự nhiên ứa ra, bởi tôi cảm thấy quá bất lực ngay trong lời nói của mình. Bởi, tôi biết chính phủ cộng sản chẳng làm được gì cho trẻ thơ nghèo hôm nay…

Ôi! đất nước tôi, đất nước có bốn nghìn năm văn hiến, trải qua bao nhiêu lịch sử oai hùng, đánh Tàu, đuổi Pháp, nội chiến tuơng tàn. Cuối cùng, kẻ ác đã thắng người hiền lương bằng sự bạo tàn, cướp cạn. Hậu quả của bao nhiêu năm xây dựng hoà bình trong tay kẻ ác là sự giàu có tăng lên gấp bội theo thời gian của những nhà lãnh đạo “tài ba”. Là sự phát triển rộng rãi ăn chơi sa đọa thời mở cửa, là sự suy đồi đạo đức một cách thảm hại… Dân nghèo khổ vẫn hoàn nghèo khổ. Họa  xâm lăng đã kề cận mà chính phủ vẫn làm ngơ, còn tàn nhẫn ra tay đánh gục những người dân yêu nước đã hợp nhau lên tiếng về chủ quyền cho quê hương và đòi hỏi  nhân quyền cho con người. Ôi! đất nước tôi, những điều “trông thấy mà đau đớn lòng” vẫn mãi là điệp khúc buồn rạn nứt tâm can. Ôi, đất nước tôi:

 “Bốn nghìn năm ròng rã buồn vui,
  khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…” *

Câu hát gắn liền với số phận đất nước cứ làm nhói lòng tôi trong nỗi nhớ quê. Nhìn những hạt mưa bay nhẹ ngoài song cửa, tôi mơ màng thấy một màu xanh kỳ diệu toả sáng trên mảnh đất nhỏ bé cong cong hình chữ S. Màu xanh của ruộng nương tươi tốt, màu xanh đầy hy vọng trên những mầm non sắp ra lá. Màu xanh thanh bình êm ả, dân tình ấm no hạnh phúc. Màu xanh của một trời yêu thương  đẹp đẽ cho toàn trẻ thơ . Màu xanh của sự sống chân thành và nhân ái…Tuy là mơ, tôi vẫn tin rằng có một ngày, màu xanh chính nghĩa sẽ làm mất đi màu đỏ tham vọng của kẻ bạo tàn trên quê hương mình.

Từ trong nỗi nhớ dày đặc, tôi muốn mơ mãi những giấc mơ đẹp về Việt Nam, để quên đi nỗi khổ đau của dân tộc mình trong phút chốc… Bỗng dưng tôi thấy đầu nhức buốt, cảm giác chóng mặt bắt đầu hành hạ tôi. Những dòng chữ đang nhảy múa với sự choáng váng. Áp suất máu của tôi lại lên rồi, chao ôi, quê hương trong nỗi nhớ không chỉ làm nhức nhối con tim; mà còn tổn hại đến bộ não nữa!…Tôi phải dừng lại đây thôi, nhưng tôi sẽ tiếp tục trải nỗi nhớ vào một ngày khác trên những ước mơ xanh dưới bầu trời Việt Nam bao la, bát ngát.


Thiên Lý

(Trích từ bài hát “Tình Ca” của Phạm Duy)

No comments:

Blog Archive