Sunday, October 24, 2021

TIỀN BIDEN MẤT GIÁ

Tuần rồi, ta đã xem qua kinh tế đang lao xuống hố như thế nào, tuần này ta tiếp tục nói chuyện kinh tế vì đó chính là túi tiền của tất cả mọi người, bất kể già trẻ, nam nữ, trắng đen, cấp tiến hay bảo thủ, cuồng Trump hay cuồng Biden.

Trong khi kinh tế bết bát thì chính quyền Biden cho rằng biện pháp để giải quyết là tung ra 5.000 tỷ quà cáp cho dân. Cụ Biden khẳng định quà của cụ sẽ chẳng tốn một xu nào, cũng chẳng phải đi vay mượn thêm. Nhưng mặt khác, lại đòi tăng thuế ‘nhà giàu’. Cái mâu thuẫn này, ngu ngơ nhất cũng nhìn thấy.

Chuyện mưa tiền từ trên không xuống hiển nhiên chỉ là nói láo.

Là chuyện không một người nào tin, và đó chính là lý do tại sao hai gói quà của cụ bị kẹt cứng trước quốc hội, bị ngay chính các đồng chí DC chống đối mạnh. Vì thực tế là hai gói quà đó sẽ giết kinh tế Mỹ ngay lập tức khi mà chưa một xu nào trong hai gói 5.000 tỷ đã được tung ra mà lạm phát đã tràn lan rồi.

Trước hết, ta xem qua tình trạng giá cả hiện nay.

Theo một nghiên cứu của báo phe ta New York Times, giá thực phẩm đã tăng mạnh tới những mức kinh hoàng nhất. Muốn biết kinh hoàng cỡ nào, quý độc giả chỉ cần xem lại lương của mình trong khoảng thời gian đó đã tăng bao nhiêu, so với những gia tăng dưới đây:

- Thịt gà, cá, trứng: tăng 8%;

- Thịt bò: tăng 12%;

Đây chỉ là con số lạm phát về giá của vài món thực phẩm còn có để mà mua. Một vài tiệm Burger King cho biết không có khoai tây chiên -french fries- vì không mua được khoai tây! Dân Mỹ ăn hăm-bơ-ghơ mà không có french fries thì chẳng khác gì dân Mít ăn cá kho không có cơm trắng.

Ngoài ra, thị trường Mỹ đang thấy giá tăng trên rất nhiều thứ hàng tối cần thiết như xăng, dầu khí, vật liệu xây cất như gổ, sắt, xi-măng, các chip đùng trong đủ loại máy, nhất là xe hơi mới. Xe cũ cũng không thoát khi thiên hạ không mua nổi xe mới, đổ sô đi mua xe cũ.
Giá nhà cũ là thứ mà dân trung lưu có thể với tới, cũng đã tăng vọt trên cả nước. Giá thuê nhà của đám dân nghèo không mua nhà nổi cũng tăng theo, trong khi tiền trợ cấp housing chưa nghe nói sẽ tăng gì hết. Luật cấm đuổi nhà vì không trả tiền thuê nhà đã hết hiệu lực lâu rồi.

Quý độc giả không cần phải đọc New York Times, cũng chẳng cần bằng tiến sĩ kinh tế học đâu, chỉ cần nhìn vào túi tiền của chính mình, xem bây giờ, với cùng một số tiền, đi chợ mua được bao nhiêu so với cách đây nửa năm thì biết ngay. Vài thí dụ kẻ mù cũng thấy ngay: giá xăng bây giờ như thế nào so với nửa năm trước, giá một bao gạo bây giờ so sánh như thế nào với giá cách đây nửa năm?

Lạm phát là một sát thủ giết người một cách lẳng lặng, không ồn ào, nhưng tai hại vô kể. Mà điểm ác độc lớn nhất của lạm phát chính là việc lạm phát giết dân nghèo và dân trung lưu thôi, chứ chẳng động đến lông chân các đại tài phiệt.

Quý độc giả chỉ cần nhìn lướt qua thôi: giá thực phẩm, giá xăng, giá mọi thứ tăng đồng loạt, bất kể nhà giàu, nhà nghèo đều là nạn nhân hết. Nhưng cứ thử đặt câu hỏi, đổ xăng trước đây cứ khoảng 40 đô là đầy bình, bây giờ cần ít nhất 60 đô, tăng 20 đô hay 50% (thực tế, giá xăng khi bài này được viết, đã tăng trên 60%). Tỷ phú phải trả thêm 20 đô, dân lính thợ làm lương tối thiểu cũng trả thêm 20 đô. Tăng vài chục đô đối với túi tiền của đại tỷ phú Jeff Bezos có ảnh hưởng như thế nào, và đối với túi tiền của một chị bán vải trong một tiệm khu Bolsa tai hại cỡ nào? Trong hai người đó, ai khó thở hơn khi phải trả thêm 20 đô tiền xăng?

Thật ra, không phải chỉ là trả thêm 20 đô đâu. Giá xăng ở Cali trung bình là 4,52 đô một ga-lông hiện nay, tuy có tỉnh dọc biển phiá bắc Cali đã bán với giá 7,59 đô xăng thường và 8,50 đô xăng supreme.

Quý vị cũng đừng nên quên, xăng tăng giá thì tiền điện và tiền gas cũng sẽ tăng trong mùa đông tới thôi. Tiền điện tăng vài chục đô một tháng sẽ giết Bill Gates hay giết anh phục dịch tiệm phở?

Trang mạng thiên tả nặng, VOX, mới đây đã có bài nhận định rất ý nghĩa, dưới cái tựa “Tất cả có cảm giác như đắt hơn, chỉ vì tất cả đắt hơn thật” (nguyên văn “Everything feels more expensive because it is”).
Thống kê tăng giá – Tháng 5/2021
(Bây giờ dĩ nhiên đã cao hơn nhiều)

Nhiều cụ cao niên tỉnh bơ vì được tin Nhà Nước sẽ điều chỉnh tiền SSA/SSI theo lạm phát, năm tới SSA/SSI sẽ cho thêm ít tiền, thêm đâu gần 6%. Cụ nào hiện đang nhận ví dụ 1.000 đô một tháng, sẽ nhận được đâu 1.060 đô. Nghe cũng vui tai. Nhưng các cụ quên mất số tiền các cụ bị khấu trừ để đóng góp cho bảo hiểm y tế Medicare cũng sẽ được điều chỉnh tương tự theo. Và tất cả các chi tiêu của các cụ, từ thực phẩm, đến tiền gas, tiền điện,… cũng đều tăng hết. Chưa kể việc tăng tiền già 6% so sánh như thế nào với giá xăng tăng 60%?

Tất cả chỉ dấu đều cho thấy nước Mỹ đang trực diện một lạm phát khủng khiếp, hơn xa các lạm phát trước đây. Mà cũng không phải là một thứ lạm phát mới xẩy ra tuần rồi, vì lạm phát đã bắt đầu từ hồi tháng Tư, tháng Năm rồi. Bức hình dưới đây cho thấy dân biểu CH Steve Scalise đang trình bày gia tăng của vật giá hồi tháng Sáu, tức là cách đây gần nửa năm rồi, khi đó tỷ lệ lạm phát đã lên tới 5,4%, cao nhất kể từ 2008 là năm cuối của TT Bush con.
Dân biểu CH Steve Scalise điều trần trước hạ viện – Tháng 6/2021

Câu hỏi tất cả đều muốn nêu ra: tại sao giá cả lại tăng mạnh như vậy?

Lý do chính dĩ nhiên ai cũng biết là dịch COVID đã đóng cửa kinh tế, hay nói rõ hơn, đóng cửa các hãng sản xuất hàng hóa, đưa đến tình trạng mức cung ứng cạn dần. Rất nhiều nhà hàng đã đóng cửa thật, nhưng thiên hạ ngồi nhà lại ăn nhiều hơn bằng cách mua thực phẩm được gửi tới tận nhà. Số cầu vẫn không giảm bao nhiêu nếu không muốn nói là gia tăng, trong khi số cung giảm mạnh, chẳng hạn các công ty làm thịt bò, heo, gà giảm sản xuất vì nhân công ngồi nhà.

Tình trạng giảm cung trở nên trầm trọng hơn nhiều khi khu vực giao thông vận tải cũng bị đóng cửa luôn, đưa đến tình trạng ứ đọng hàng hoá trong kho, trên các bến tàu, trên các toa xe lửa, vì không có đủ nhân công bốc rỡ hàng hay tài xế xe tải chở hàng đến các tiệm và đến người tiêu thụ như đã bàn tuần rồi qua phần tin về khủng hoảng đường giây cung ứng. Ngay cả các nhà nông cũng bị nạn khi không có xe tải chở nông phẩm của họ ra thành phố để bán.

Chưa bao giờ trong lịch sử Mỹ, dân Mỹ lại đụng phải tình trạng các cửa hàng trống không lâu dài như vậy. Báo phe ta Washington Post tìm cách bào chữa cho cụ Biden, đã nhận định dân Mỹ đã được ‘nuông chiều’ thái quá, cái gì cũng quá dư thừa, bây giờ chính là lúc cần hạ thấp những đòi hỏi quá đáng đó. Nôm na ra, theo WaPo nước Mỹ cần phải hạ thấp tình trạng thịnh vượng, phải nghèo bớt đi, cho đúng theo quan điểm thế giới đại đồng, nước giàu cần phải bớt giàu đi để giảm cách biệt với Congo hay Zimbabwe, dân Mỹ phải biết đói như dân Bắc Hàn thì mới có thế giới đại đồng được. Cái bình đảng đại đồng của xã nghĩa luôn luôn không phải là nâng người nghèo lên thành giàu, mà là lột người giàu xuống ngang người nghèo.

Cái chủ trương phải làm cho dân giàu nước mạnh quả đúng là quan điểm quá lỗi thời dưới chế độ xã nghĩa thức tỉnh mới, cần phải vứt vào thùng rác.
Kinh tế Biden: hàng hóa nằm lộn chỗ.
Nằm tại bến tầu chứ không có trong tiệm.

Trong khi cung giảm thì ngược lại, cầu tăng mạnh vì dân chúng bất thình lình liên tục được Nhà Nước tặng tiền mặt xài chơi, từ TT Trump cũng như sau đó từ cụ Biden luôn.

Việc tặng tiền mặt này, dĩ nhiên cả nước hoan nghênh vì chẳng ai điên khùng chê không nhận tiền Nhà Nước ban phát cho. Tất cả các chính trị gia cả hai đảng đều hoan hỷ vì được cả nước cám ơn vì phản ảnh các chính sách nhân đạo, lo cho dân trong khi dân gặp đại nạn. Nhưng thật ra, thuần túy trên phương diện kinh tế, những trò ban phát tiền mặt đó có hại hơn có lợi.

Theo nhiều nghiên cứu, phần lớn số tiền mặt đó đã được chuyển vào các trương mục tiết kiệm trong các ngân hàng. Nôm na ra, đa số dân KHÔNG cần số tiền đó. Không cần mới bỏ vào tiết kiệm chứ nếu cần đã xài ngay rồi. Nghĩa là Nhà Nước đã cho quá nhiều tiền cho quá nhiều người không cần.

Dù vậy, dĩ nhiên cũng đã có rất nhiều người lấy tiền đó xài, mua thực phẩm hay hàng hoá khác. Đưa đến tình trạng trong khi số cung giảm mạnh thì số cầu vẫn tang. Hậu quả dĩ nhiên là lạm phát, giá cả gia tăng thôi. Đó chính là nguyên nhân ta thấy lạm phát từ mùa xuân năm nay tới nay.

Câu hỏi cho tất cả quý vị: trong tình trạng lạm phát kéo dài từ cả nửa năm nay, cụ Biden đã làm gì để chặn hay để giúp các nạn nhân?

Chính quyền Biden đang cố hạ hỏa, trấn an bằng miệng, khẳng định việc tăng giá sinh hoạt hiện nay chỉ là hiện tượng ‘nhất thời’, phản ảnh việc kinh tế phục hồi, mở cửa lại thôi, để rồi sau đó, giá cả sẽ hạ xuống lại. Nhất thời? Hơn nửa năm rồi chứ có phải nửa tháng đâu? Báo kinh doanh Wall Street Journal xác nhận tình trạng lạm phát sẽ không có gì nhất thời hết mà sẽ kéo dài, ít nhất là qua giữa năm tới, 2022. Chủ tịch hệ thống ngân hàng dự trữ liên bang, ông Jerome Powell cho biết lạm phát sẽ kéo dài ít nhất tới cuối năm tới. Trong khi cụ Biden nhìn nhận giá xăng sẽ không giảm trong thời gian tới -anytime soon.

Chính bộ trưởng Giao Thông Buttigieg cũng đã nhìn nhận kẹt cung ứng sẽ kéo dài qua năm 2022. Mà kẹt cung ứng tức là không có hàng để bán, mà không có hàng thì tất nhiên những món hàng hiện đang có sẽ tăng giá thôi.

Chẳng ai biết chắc chắn kẹt hàng và lạm phát sẽ kéo dài tới bao lâu, sẽ gây tai hại cho dân trung lưu và nghèo tới đâu?

Bộ trưởng Giao Thông đang làm việc cật lực 24/7 để nối lại đường giây cung ứng? Cụ Biden đang thức trắng đêm tìm cách chặn đứng lạm phát?

Xin thưa với quý vị: KHÔNG, những chuyện đó không hề xẩy ra.

‘Ông’ bộ trưởng Giao Thông Buttigieg đang bận nghỉ phép hai tháng để ở nhà cùng ‘ông chồng’ chăm sóc cho hai đứa con song sinh mới nhận về nuôi. Bị chỉ trích, ‘ông’ ta phản bác: “Bộ tưởng nghỉ ở nhà trông con là nghỉ hè sao? Đó là làm việc, mà làm việc rất cực khổ” (nguyên văn: “You think taking paternity leave is vacation? No, it’s work and very hard work”). Vâng, có thể pha sữa bỏ bình cho con bú, rồi thay tã cho con cực thật, nhưng xin thưa, hình như đám dân đen chúng tôi đóng thuế trả lương bạc trăm ngàn cho quý vị không phải để làm những chuyện đó.
Hai ‘vợ chồng’ Buttigieg và hai con

Ngay sau đó, cảm thấy câu trả lời hơi lố bịch, bèn sửa lại, “Kẹt hàng là bằng chứng cụ thể kinh tế Biden quá thành công, kinh tế phục hồi quá nhanh, mức cầu lớn hơn mức cung quá nhiều, thiếu hàng để bán nên tăng giá”. Kinh tế Zimbabwe như vậy phải là kinh tế thành công nhất thế giới khi cả nước chẳng còn hàng gì để bán cho dân và một ổ bánh mì phải trả đâu một tỷ đồng.

Còn cụ Biden? Cụ chọn đúng lúc này để tung ra thêm 5.000 tỷ đô tiền quà cáp cho dân. Trong tình trạng đồng tiền đang mất giá, giá cả tăng vọt, cụ lại cho mưa tiền xuống chơi, rồi cụ khẳng định đừng ai sợ, tiền từ trên trời mưa xuống, sẽ không ai phải trả thêm một xu nào cho Nhà Nước, và Nhà Nước cũng chẳng đi vay thêm một xu nào hết.

Đây là công thức toán học kinh tế của cụ Biden: 1.500 tỷ + 3.500 tỷ = 0 xu.

Kẻ này bỏ ra nửa giờ đồng hồ để giải thích siêu công thức này cho thằng cháu nội 6 tuổi, mà nó vẫn cãi là ông nội nói sai! Chỉ vì nó không phải là chính trị gia, chưa hiểu được toán học chính trị khác rất xa toán học mẫu giáo. Chắc phải nhờ cụ Ng Tài Ngọc giải thích giùm.

Trên thực tế, muốn tung tiền ra, cụ Biden chỉ có đúng 3 cách: 1) tăng thuế để cướp tiền của dân cho Nhà Nước xài, 2) in thêm tiền, hay 3) đi vay. Không có tam thập lục chước.

Ta thử xem qua cả ba cách.

1. TĂNG THUẾ
Việc tăng thuế, ta đã bàn qua tuần rồi.

Và ta đã thấy tăng thuế cho nhà giàu thật ra sẽ là tăng thuế cho cả nước, trực tiếp qua việc 60% dân sẽ phải đóng thuế cao hơn, và gián tiếp khi cả nước bị các đại tập đoàn chuyển tiền thuế lên đầu, và cả nước, kể cả những người nghèo nhất, sẽ phải trả nhiều tiền hơn khi mua hàng, kể cả nhu yếu phẩm.

Mà có tăng cách nào thì cũng không đủ.

2. IN THÊM TIỀN
Đây là cách dĩ nhiên giản dị nhất, cũng là cách bảo đảm đồng tiền sẽ mất giá nhanh nhất, nghĩa là hàng hóa sẽ tăng giá nhanh hơn thời giờ quý vị lái xe ra tiệm.

Nhưng thực tế mà nói, cách này không thể làm được ở Mỹ khi nước Mỹ có những luật lệ và cơ chế không cho phép in tiền ào ạt như mấy xứ Phi Châu. Cái xứ Zimbabwe của Phi Châu có lúc phải in tiền với mệnh giá một tỷ, một trăm tỷ, một ngàn tỷ,…, bắt người dân mỗi lần cầm tờ giấy tiền, phải cẩn thận đếm xem có bao nhiêu con số zero. Giá cả tính theo các con số zero. Kiểu như hôm nay một ổ bánh mì 6 zeros, tuần sau tốn 7 zeros.

Cái may cho xứ Mỹ là cụ Biden muốn in tiền cũng không thể ra lệnh cho bộ Ngân Khố hay cho hệ thống Ngân Hàng Dự Trữ Trung Ương. Thành ra, xin miễn bàn thêm về cách này.

3. NHÀ NƯỚC ĐI VAY
Đây là cách thông thường nhất mà hầu như tất cả các chính quyền Mỹ, bất kể DC hay CH đều xài, vì quá dễ. Quá dễ vì kinh tế Mỹ, dù muốn hay không, dù trong bất cứ trường hợp nào cũng vẫn là kinh tế mạnh nhất thế giới, nợ của Nhà Nước Mỹ có bảo đảm nhất, đi vay lúc nào cũng nhiều người sẵn sàng cho vay ngay.

Cách Nhà Nước Mỹ đi vay là bán công khố phiếu dài hạn, tuy tiền lãi không cao bằng lãi trên nợ thương mại thường, nhưng rất có giá vì tuyệt đối được bảo đảm sẽ trả. Phần lớn các công khố phiếu dài hạn này được bán cho các đại tập đoàn và đại gia trên thế giới, tuy phần lớn là khách mua từ các nước dư tiền muốn tìm chỗ đầu tư an toàn như Trung Cộng, các vương quốc Ả Rập, và Nhật.

Quá dễ nên cũng dễ bị lạm dụng. Như TT Obama trong thời gian nắm quyền, đã tăng số công nợ lên gấp đôi, nghĩa là số tiền ông ta đi vay cao ngang tổng số công nợ của 43 tổng thống trước ông. Đấng Tiên Tri có khác, 'tài giỏi' bằng cả 43 ông tiền nhiệm cộng lại.

Tuy nhiên, ở Mỹ, không phải Nhà Nước có quyền đi vay thả giàn. Trên nguyên tắc, việc đi vay bị giới hạn bởi mức trần do quốc hội ấn định. Nhưng trên thực tế, vì nhu cầu, nhất là nhu cầu chính trị, quốc hội luôn luôn sẵn sàng tăng mức trần để cho phép Nhà Nước đi vay thêm, nhất là khi đảng DC nắm cả hành pháp lẫn lập pháp. Như tuần rồi, quốc hội đã biểu quyết tăng mức nợ trần lên 480 tỷ, có giá trị tới tháng Chạp tới, khi đó sẽ lại cứu xét việc tăng mức trần nhiều hơn và lâu dài hơn.

Đi vay có hại gì?
Trước tiên, càng đi vay nhiều thì càng khó trả nợ đúng hạn kỳ nếu số công nợ đã tới mức tối đa, và nếu quốc hội không phê chuẩn cho tăng thêm nợ thì sẽ kẹt nặng. Do đó, công nợ như cái vòng xoáy luẩn quẩn, càng tăng càng khó trả, cả vốn lẫn lãi, càng phải vay mượn thêm, càng gặp khó khăn hơn. Để bù đắp việc tăng rủi ro này, Nhà Nước sẽ phải tăng lãi xuất lên để dụ khách mua công khố phiếu, để rồi, lãi suất càng cao, càng khó trả thêm, lại một vòng xoáy luẩn quẩn nữa.

Vì kinh tế hiện nay là một hệ thống liên kết chằng chịt đủ kiểu, tăng lãi suất công khố phiếu sẽ lôi theo tăng lãi suất vay mượn tiền để làm kinh doanh trong khu vực tư của nội địa, nghĩa là tiền lãi các nợ kinh doanh, nợ mua nhà, nợ mua xe, nợ thẻ tín dụng, tất tần tật sẽ leo thang theo. Kể cả lãi suất của các tiệm cầm đồ cho dân nghèo nhất cũng tăng theo. Chưa kể lãi suất của đám côn đồ cho vay mượn theo kiểu cướp cạn mà dân ta gọi là "xanh xít đít đui", vay 5 trả 6, vay 10 trả 12. Lạm phát càng bốc mạnh hơn.

Sau đó, mượn nhiều quá, nhất là khi đã quá tổng sản lượng quốc gia, ngoài việc khó trả nợ, cũng khiến giá trị đồng đô giảm trên thị trường hối đoái quốc tế, nghĩa là cán cân thương mại sẽ thiệt hại, hàng xuất cảng thu về ít đô-la hơn, trong khi hàng nhập cảng phải tốn nhiều đô-la hơn.

Tiếp theo đó, càng vay mượn càng lệ thuộc các nước cho vay, chẳng những trên phương diện tài chánh, mà nguy hại hơn nhiều, cả trên phương diện chính trị luôn. Một thí dụ đơn giản. Trung Cộng hiện đang nắm trong tay cả chục ngàn tỷ công cố phiếu Mỹ. Chỉ cần ông Tập bất mãn Mỹ chuyện gì đó -Đài Loan chẳng hạn- hay muốn bắt chẹt cụ Biden, lên cơn, muốn ‘chơi’ Mỹ một phát, ra lệnh bán đổ bán tháo vài tỷ công khố phiếu Mỹ, là thị trường tài chánh Mỹ sẽ rối loạn ngay, công khố phiếu mất giá, Dow Jones mất vài ngàn điểm là 'chiệng nhỏ'.

Cuối cùng thì nợ nào cũng phải trả, do đó càng nợ nhiều bây giờ thì con cháu càng phải è cổ ra trả nợ trong tương lai. Cách đây vài năm một số không nhỏ các quốc gia Tây Âu bị nợ ngập đầu, trả không nổi, đứng trước bờ phá sản quốc gia, các cường quốc khác ít bị nạn hơn phải xúm lại gom tiền giúp để cứu các xứ đó và cứu chính họ luôn.

Cho dù chấp nhận cái diễn giải phản khoa học láo khoét “chương trình Build Back Better không tốn một xu nào” của cụ lờ mờ Biden, nghĩa là ta cứ giả dụ trời mưa đô-la xuống thật và dân Mỹ chẳng ai trả thêm xu thuế nào mà Nhà Nước cũng chẳng cần đi vay mượn hay in thêm tiền, thì cứ theo lý luận kinh tế học mẫu giáo, thì số tiền 5.000 tỷ đô tung ra bắt buộc sẽ khiến giá cả tăng vọt lên ngay. Và cái tăng giá đó, thưa quý vị, chính là cái giá quý vị phải trả cho gói quà của cụ Biden chứ chẳng có chuyện “no cost” gì đâu, quý vị ơi.

Nếu như bơm tiền vào kinh tế để các công ty có thể thuê mướn thêm nhân công, gia tăng sản xuất, và người tiêu thụ có thêm tiền mua sắm thì nghe cũng hợp lý thôi. Nhưng đằng này, trong tình trạng COVID tấn công, kinh tế mở cửa nửa chừng, công ty không sản xuất vì không đủ nguyên liệu, nhân công không chịu đi làm, đường giây cung ứng bị đứt, thì bơm thêm tiền chỉ có một hậu quả hợp tình, hợp lý duy nhất là tăng giá hàng hoá hiện đang có thôi.

Dưới thời TT Carter, ông Reagan chế ra một chỉ dấu mới gọi là misery index, tạm dịch là chỉ dấu khốn khổ để đo lường mức sống của thiên hạ. Đây là chỉ số tổng hợp của thất nghiệp và lạm phát. Dưới cụ Carter, một trong những tổng thống tồi tệ nhất lịch sử Mỹ, chỉ dấu khốn khổ là 21,9. Dưới thời TT Trump, là 6,9. Bây giờ, dưới cụ Biden, tăng gần gấp đôi, cho tới nay đã lên tới 11,5. Và còn tiếp tục leo thang rất nhanh. Good luck, America!

Chánh văn phòng cụ Biden, ông Ron Klain diễn giải qua tuýt là lạm phát là bệnh của nhà giàu -“Inflation is a high-class problem”. Hả??? Giá xăng tăng, giá thực phẩm tăng,... là bệnh của nhà giàu? Làm như thể chỉ có nhà giàu mới cần đổ xăng cho xe chạy và cũng chỉ có nhà giàu mới cần ăn sao?

Bà phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki giải thích siêu hơn nữa: giá cả gia tăng chứng minh kinh tế có tiến bộ vì dân chúng có nhu cầu gia tăng, cung nhiều hơn cầu nên giá tăng, dân chúng muốn đổ xăng đi du lịch nhiều hơn, muốn mua đồ ăn nhiều hơn, … (nguyên văn: “…because people are buying more goods, because people are traveling and because demand is up; … we are at this point because we’ve made progress in the economy”). Đây chắc chắn là lời giải thích về lạm phát siêu nhất mà kẻ này nghe được từ ngày còn học lợp Kinh Tế Mẫu Giáo tại trường tiểu học Cầu Kho. Nói như vậy, thì giá cả càng gia tăng thì kinh tế càng có tiến bộ.

Nôm na ra, nước Mỹ muốn có tiến bộ, nhất định là phải theo gương Zimbabwe thôi.

Vũ Linh

ĐỌC THÊM:

Lạm phát không phải nhất thời – The Wall Street Journal:

Lạm phát: sát thủ thầm lặng – CNBC:

Lạm phát, mối nguy thực sự - Washington Post:

Quà của Biden sẽ gặm nhấm túi tiền dân – The Hill:

No comments:

Blog Archive