Tuesday, October 12, 2021

Muốn Ăn Dĩa Cơm Mà Khó Vậy Sao?

01/10/2021
Trương Ngọc Bảo Xuân
Đĩa cơm tấm. (hình minh họa – nguồn: https://vi.wikipedia.org)

***
Mấy ngày nay bà Ba thèm dĩa cơm tấm. Phải là cơm tấm bì sườn chả tàu hũ ky mới chịu.

Lúc sau nầy bà Ba lên cân đều đều.Hễ bữa trước có món cá kho tiêu, chấm rau lang luộc do người bạn hái cho, non trong, ngon quá, quất vô một chén cơm đầy thì, hổng nói thừa, bữa sau leo lên cân tăng liền 3 pounds,vì vậy bà Ba chỉ ăn cơm khi nào thèm lắm.Cứ hai tuần bà mới nấu 2 lon gạo, mỗi bữa ăn, chỉ hai muỗng, thêm nhiều rau củ, để cuối năm mới có hy vọng xỏ vô được cái áo dài đi tiệc thường niên.Vậy mà, cũng tại mấy chị bạn trên facebook.Mấy bả đó nghen,“ác” lắm. Bà nào cũng bếp núc quá giỏi, mùa dịch covid bị cấm cung ở nhà quởn quá, ngày nào cũng vô đại náo cái bếp rồi chưng hình lên cho mình ngó miệng, món mặn món canh món xào, rồi thêm bánh trái nữa. Dĩa đồ ăn nào cũng hấp dẫn, thấy mà thèm muốn chết. Hổng phải thấy ngon bằng mắt thôi đâu, mà khi mấy bả, có khi luôn cả mấy ông nữa, diễn tả món ăn từ lúc xắt thịt lặt rau cho tới lúc thêm dầu thêm mỡ thêm gia vị vô rồi xào rồi chiên rồi nướng, mình có thể hửi được luôn cái mùi thức ăn nữa. Mới chết chớ.

Tuần trước có chị bạn trình lên một dĩa cơm tấm bì sườn chả tàu hủ ky. Trời, cơm tấm được bới vô chén rồi úp lên dĩa một hụm tròn quay trắng nõn, nhúm bì từng sợi với thịt heo ram thái nhỏ, vàng màu thính có trộn tỏi, một miếng sườn “cốc lết” vàng nâu nâu bóng lưởng, tàu hủ ky quấn tôm quết chiên dòn, khúc chả thịt trứng, bề mặt có một lớp màu vàng của lòng đỏ trứng gà, rồi chan cả muỗng hành lá phi xanh xanh, đặc biệt thêm vài miếng tóp mỡ nữa, chén nước mắm pha tỏi với mấy sợi đồ chua cà rốt đỏ củ cải trắng, chan lên, vài lát dưa leo tươi, quất thêm trái ớt hiểm đỏ, thơm phức, ăn tới họng.

Bà Ba bị cái dĩa cơm tấm ảo đó ám ảnh. Mấy ngày. Sau cùng, sáng nay, tập thể dục xong, bà nhứt định ra tiệm làm dĩa cơm tấm, mới được. Bà tới quán cơm nổi danh trong vùng vì có để tóp mỡ và nước mắm pha rất ngon. Định bụng, mình đi giờ này là giờ lỡ dở, khách ăn sáng đã xong, khách ăn trưa chưa tới, hy vọng khỏi phải sắp hàng chờ. Thiệt là hên, có chỗ đậu xe liền. Hí hửng bà thẳng tiến tới tiệm.“Closed” Trời, đi hổng coi ngày. Bữa nay thứ tư tiệm đóng cửa. Thiệt là xui. Hèn chi bãi đậu xe trống trơn. Thôi thì, qua tiệm khác. Kế cái chợ ngay góc đường có một tiệm.Tiệm này ăn cũng tạm được. Tuy hổng ngon bằng tiệm kia và nhứt là hông có mấy miếng tóp mỡ trên mặt nhưng nước mắm cũng hổng đến đổi gì. Ăn thua nhờ nước mắm pha ngon. Thế là bà Ba vô, bồi bàn tới đưa thực đơn, khỏi cần đọc, bà kêu như thuộc lòng:

-Cho tui cơm bì sườn chả tàu hủ ky. Sườn cốc lết đó nghen chú.

-Uống gì?

-Cho tui ly nước nóng.

Ngồi đợi, bà Ba ngó ra đường. Giờ này thiên hạ tới lui cũng khá đông tuy không tấp nập như trước. Có mấy người bán hàng rong, nào rau nào sả bó từng bó, nào ớt đỏ ớt đen gợi tới tô bún Bò Huế thiệt là cay, bánh tét bánh ú người bán nói là đồ nhà gói, bầu bí trái cây, nhà trồng. Sau cơn dịch phải ở nhà suốt cả năm, giờ họ được tự do buôn bán như bình thường, thấy vui vui. Bà Ba định bụng ăn xong cũng nên mua vài bó rau mà người bán vừa chỉ vừa nói -Nè, cô thấy hông, lá có vài lỗ là vì hông bón phân hóa học nên có sâu, mua đi cô, rau này ăn tốt cho sức khỏe.

Ông bồi bàn bưng dĩa cơm ra để lên bàn rồi bỏ đi liền. Bà Ba cầm cây nỉa lên tính tấn công dĩa cơm, chợt nhìn lại, Ủa, mình đâu có kêu chả giò? Ủa, lại là thịt nướng thay vì miếng sườn. Mà lại thiếu tàu hũ ky. Hổng có chả. Vậy là ông này đem ra lộn rồi. Đây là cơm tấm bì thịt nướng chả giò. Trật lất. Bà Ba đảo mắt kiếm, thấy ông ta đang bưng nước trà để lên bàn khách kia. Bà Ba đưa ngón tay lên để ông ta thấy, ý nhắn là chút nữa xong bàn đó rồi thì tới bàn này nghen. Thay vì gật đầu cho biết là -Ừ, xong đây tui sẽ qua, thì ông ta nói lớn, như cố ý cho cả tiệm nghe thấy hay sao?

-Làm gì gấp rút quá “dậy”* Thủng thẳng từ từ chớ, có một tay mà, làm gì hối dữ “dậy”

Trời trời, bà có hối đâu? Bà chỉ đưa ngón tay ra hiệu cho ông ta hay thôi mà. Ủa, cái ông này sao vô lễ quá vậy ta. Bà Ba thấy sùng trong bụng nhưng cố nhịn. Ông ta xong phần nước cho bàn đó rồi thì trở vô chỗ quầy tính tiền, lục đục làm cái gi đó. Một hơi, tức quá, bà Ba đứng lên đi về phía ông ta, nói:

-Ông đem lộn phần rồi.

Bà chưa kịp nói thêm lộn là lộn cái gì thì ông ta cướp lời:

-Chị kêu cơm bì chả giò thịt nướng thì đúng rồi chớ lộn cái gì.

Ủa, bà Ba chưa nói, sao ông ta biết rõ mà khai ra vậy ta. Bà Ba nói liền:

-Ông đem ra trật rồi, tui đâu có kêu chả giò thịt nướng.



Chẳng những không tới để đổi phần cho bà, ông ta láp dáp nói gì đó, cằn nhằn, bà nghe loáng thoáng khách khó chịu quá làm như ta có ba đầu sáu tay… gì gì đó. Bà Ba nén giận, trở lại bàn, cầm cái bóp bước ra khỏi tiệm.

Ra đường, trời cao thoáng khí, gió mát phất đi bớt lòng sân si.

Vô xe, bà nghĩ, chắc lời đồn là đúng rồi. Người ta đồn là sau trận dịch, thiếu nhân viên, người nào trở vô thì phải làm việc nhiều hơn nên đăm ra bất mản, vô lễ với khách hàng, như cái ông “cơm tấm” hắc ám này.

Bà Ba lái xe đi, trong bụng vẫn còn thèm dĩa cơm tấm. Ờ phải rồi, đằng kia còn một tiệm, tiệm này hơi sang, nhà hàng mà như dinh thự, hơi mắc nhưng nhân viên lịch sự mà đồ ăn cũng được. Thôi thì, ghé đó ăn.

Vừa bước vô cửa, cô bé đứng ở quầy thu ngân, chào hỏi lễ phép rồi đưa bà Ba vô bàn ngồi. Bà nhìn trên bàn, chẳng thấy cái thực đơn đâu hết. Ngồi đợi, bà ngó quanh. Chỗ này ngày thường, đa số là khách trẻ hay trung niên, có lẽ là nhân viên làm việc ở hảng xưởng gần đây. Một lát lâu, cậu thanh niên tới ghi món ăn. Bà Ba hỏi cái thực đơn thì cậu chỉ lên bàn, à thì ra có cái bảng gì nhỏ nhỏ. Cậu nói:

-Vâng, menu đấy ạ, bác xài cell phone để xem ạ.

Trời đất. Gì kỳ vậy? Trời ơi thời buổi “a còng” (@) riết rồi, cái gì cũng lệ thuộc vô cái điện thoại đa dạng hết trơn sao ta? Muốn coi thực đơn để chọn món ăn mà phải rà điện thoại thì mới thấy được cái menu. Vậy thì mấy ông bà già theo hổng kịp trào lưu khoa học kỷ thuật tân tiến tối tân này, như bà Ba, phải nhịn đói rồi. Nếu lấy lý do sợ lây lan ôn hoàng dịch lệ vật covid-19, họ cũng có thể đặt cái thực đơn trên bàn, lồng tấm kiếng lên, khỏi ai đụng chạm, giữ vệ sinh chung cũng được mà. Làm kiểu rà cell phone này, sao giống như là chọn loại khách sao? Bà Ba nói:
-Bác hổng có đem điện thoại theo, thôi thì cho bác dĩa cơm tấm bì sườn chả tàu hủ ky, với ly nước nóng.

Sau khi nghe bà Ba nói “hổng đem cell phone theo” cậu nhìn bà như nhìn người hành tinh lạ, cậu nói:

-Nhà hàng mình chỉ có cơm tấm sườn thôi ạ.

Bà Ba nói:

-Ừa đươc rồi, đem phần đó cho tui cũng được.

Vì đang đói và mệt nên bà Ba cũng dễ “như ăn cơm sườn”

Ra khỏi tiệm, lên xe đi, bà Ba suy nghĩ mông lung. Sau con đại dịch, nhiều người thay đổi cái nhìn và cách sống. Có người trở nên dịu dàng thương yêu người xung quanh hơn, rộng rãi bố thí nhiều hơn, tha thứ người, bỏ qua nhiều chuyện. Cũng có người trái lại, cách đối xử với nhau không ra gì. Cái ông bồi bàn tráo trở kia, chẳng lẽ là ông chủ tiệm? Nhân viên không chịu trở vô làm việc, bà phải vô bếp, ông phải ra phục vụ cho khách như hồi xưa mới mở tiệm thu nhập còn yếu, vợ chồng phải lăn vô cùng làm để tạo dựng chỗ làm ăn. Nhưng, xưa kia còn trẻ còn sức và không ngại lăn lộn đương đầu với đời lo cho con cái, bây giờ con cái đã lớn chọn việc làm khác, cái tiệm cũng đắt, bỏ uổng, ráng mà giữ. Hai vợ chồng đã đứng tuổi, chỉ tay năm ngón điều khiển nhân viên quen rồi. Sau trận dịch tụi nó ở nhà lãnh tiền thất nghiệp sướng quá, kêu hổng ai vô làm, trừ một ông từ Việt Nam qua không lâu, chẳng có tiền thất nghiệp hay trợ cấp gì, mới phải vô làm. Dĩ nhiên, bất đắc dĩ ông chủ phải ra phụ trong khi kiếm thêm nhân viên. Nói thẳng vô chuyện hôm nay, “bà già kia” kêu mấy món trong bếp chưa làm kịp, sẵn dĩa cơm người ta gọi “to go” chưa tới lấy thì đem ra cho bả ăn, bất quá cằn nhằn vài câu rồi ai cũng xí xóa mà. Chẳng dè gặp bà chằn khó chịu.

Sau khi đặt mình vào giày người khác để cố hiểu, bà suy ra ý nghĩ của ông “cơm tấm” như vậy, bà thở dài. Mình cũng biết “Chuyện nhỏ bỏ qua, chuyện lớn làm cho nhỏ lại” nhưng, phải chi ông ta nói một câu -xin lỗi, chị ăn dùm đi, thì bà sẽ ăn dùm mà đâu có giận bỏ đi. Bà nhớ có lần về Việt nam ở phòng trọ bao luôn ăn sáng. Thấy trong thực đơn có món xôi bắp chan mỡ hành phi ngon quá, bà kêu món đó. Cô bồi phòng đem lên cho bà món xôi đậu. Thì ra họ để thực đơn vậy nhưng, trừ món hột gà chiên ăn với bánh mì nấu tại bếp ra, khách kêu mấy món khác thì bồi bàn xuống gánh hàng rong, mua đem lên. Bà nói:

-Ủa, tui kêu xôi bắp mà. Cô bồi phòng nói:

-Nhà mình ăn giúp em nhé, nếu em xuống đổi món khác thì em phải bồi thường bằng tiền lương của em.

Nghe vậy, “Nhà mình” đã “ăn giúp em” dĩa xôi đậu. Cùng là một chuyện mà thái độ của hai người bồi bàn khác nhau. Cô “Nhà mình” kia dễ thương biết nói câu năn nỉ vì rõ ràng mình làm sai. Còn cái ông nội cơm tấm này? Bà cũng có thể ép lòng mà xơi dĩa cơm lộn đó của ông ta, nếu như…

Ha, bà cũng chưa qua được cái tánh hay phân tích sự việc của mình, để chấp nhận. Nhưng mà cũng thấy buồn buồn. Thiệt tình, không nấu nướng giỏi, thời buổi “a còng” muốn ăn dĩa cơm có đủ bì sườn chả tàu hủ ky, mà khó vậy sao ta?./.

Truơng Ngọc Bảo Xuân.
Chú thích: * Dậy=vậy

No comments:

Blog Archive