Nước rút cuối cùng
Tác giả : Ky Thiệt Nguồn: Báo Đời Nay Ngày đăng: 2021-10-28
Khi bài này đến tay người đọc thì chỉ còn ba ngày nữa là tới ngày cử tri Virginia đi bầu thống đốc – 2 tháng 11, đồng thời, tất cả 100 ghế tại Nghị Viện tiểu bang cũng sẽ được bầu lại. Nhưng mọi con mắt đều đang đổ dồn vào cuộc tranh cử gay go giữa hai ứng cử viên chức thống đốc – Terry McAuliffe (Dân Chủ) và Glenn Youngkin (Cộng Hòa).
Theo một poll của CBS News/YouGov kể từ ngày 4 tới ngày 11 tháng mười thì ông McAuliffe đang dẫn trước 3% với 50% so với ông Youngkin được 47%. Cuộc thăm dò này diễn ra với 1,040 cử tri và tỉ lệ sai lầm là 4.1 phần trăm, lớn hơn 3% nghiêng về phía ông McAuliffe cho thấy cuộc đua này đang bất phân thắng bại.
Theo tin của Nhật báo The Washington Times, nội bộ chiến dịch tranh cử của ông McAuliffe đang gặp rắc rối và nhiều chuyện nhức đầu khiến cho đảng của ông ta đang lo ngại “con ngựa” của họ sẽ trượt chân trong cuộc đua ở nước rút cuối cùng.
Ngày 20 tháng 10 vừa qua, ban tranh cử McCauliffe đã ăn miếng trả miếng công khai với hệ thống truyền hình WJLA ở Washington về chuyện ông McAuliffe đã đột ngột bỏ ngang ra về trong một cuộc phỏng vấn.
Ban tranh cử McAuliffe nói rằng đài truyền hình này đã lèo lái cử tri và rằng ông ta đã hoàn tất 10 phút phỏng vấn như đã thỏa thuận.
Dù sao thì chuyện này cũng đã đưa tới một bất lợi khác nữa cho ông McCauliffe và thêm người ủng hộ ông Youngkin.
Trong những tuần lễ gần đây, ông McAuliffe đã phạm một loạt những lỗi lầm, như đã nói trong cuộc tranh luận cuối cùng với đối thủ Youngkin rằng phụ huynh học sinh không nên có ý kiến vào việc giảng dạy con em họ tại các trường công lập ở Virginia. Nguyên văn: “ Tôi không nghĩ phụ huynh học sinh nên nói nhà trường dạy con cái họ cái gì.” (Ngụ ý ông ta ủng hộ việc giảng dạy Lý thuyết hệ trọng về chủng tộc CRT).
Ban tranh cử của ông Youngkin đã không chậm trễ trong việc khai thác câu nói của McCauliffe để làm võ khí chống lại ông ta trong một liên minh có tên là “Parents Matter”, vận động những cử tri quan tâm có con ở tuổi tới trường trở thành những cử tri ủng hộ ứng cử viên của đảng Cộng Hòa.
Ông McCauliffe đã vội vã tháo lui khỏi câu nói dại dột ấy vì nghĩ rằng dân Virginia cũng đều tán thành CRT như ông ta và phe Dân Chủ cực đoan. Ông ta đánh trống lảng bằng cách nói rằng dự thảo kế hoạch chi tiêu của đảng Dân Chủ bị bế tắc ở Quốc Hội và sự ít được lòng dân Virginia của ông Biden khiến chiến dịch tranh cử của ông ta bị “làn gió ngược” (headwind).
Phần nào đúng như vậy. Những người ủng hộ ứng cử viên của đảng Dân Chủ McAuliffe cho biết họ rất thất vọng trước việc những người Dân Chủ ở Washington đã không làm được gì nhiều dù là đang kiểm soát cả hai viện Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc.
Ở Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc, những người Dân Chủ đang bận rộn dàn xếp những chia rẽ trong đảng giữa phe cực đoan và phe ôn hòa để thông qua dự luật chi tiêu của ông Biden 2 ngàn tỉ đô-la rút xuống từ 3.5 ngàn tỉ đô-la cho phúc lợi xã-hội và thay đổi thời tiết, cũng như 1.2 ngàn tỉ đô-la cho “gói” hạ tầng cơ sở.
Nhiều người cho rằng sự đấu đá trong đảng Dân Chủ ở Quốc Hội đã phá hủy nhiệt tình cần có cho cuộc tranh cử của McAuliffe tại Virginia.
Trong khi ấy, chiến dịch tranh cử của ông Youngkin có vẻ đang thuận buồm xuôi gió, phom phom vượt lên, nhiều hy vọng qua mặt đối thủ nơi mức đến. Ông Youngkin đang sử dụng toàn bộ sách lược của ông Trump vào cuộc tranh cử chức thống đốc Virginia của mình, ngoại trừ vấn đề di dân bất hợp pháp.
Thực vậy, trong những quảng cáo vận động tranh cử chiếu trên truyền hình hay qua làn sóng phát thanh, ông Youngkin đã không nói gì động tới vấn đề di dân vào lúc biên giới Hoa kỳ-Mexico cực kỳ hỗn loạn, các thống đốc Cộng Hòa đang gửi Vệ binh Quốc Gia tới trợ giúp, và nhiều chính trị gia đảng Cộng Hòa đang tới đó quan sát để có ảnh chụp chung với chiến sĩ Biên Phòng tại đây.
Cựu Tổng thống Trump thì hầu như mỗi ngày đều đưa ra một thông cáo báo chí, mạnh mẽ chỉ trích ông Biden và đảng Dân Chủ về cuộc khủng hoảng biên giới tồi tệ hiện nay.
Nhưng, ứng cử viên Youngkin của đảng Cộng Hòa thì khác. Thay vì đả kích di dân bất hợp pháp đang tràn vào Mỹ qua biên giới phía Nam, ông Youngkin đang chơi một lá bài khôn khéo trong lúc dân số người “Xì” đang gia tăng tại Virginia. Và, ông hy vọng những cử tri gốc “Xì” sẽ giúp ông qua mặt đối thủ McAuliffe của đảng Dân Chủ trong cuộc đua so kè để giành chức thống đốc tiểu bang Virginia.
Chiến lược này đánh dấu sự khác biệt với bốn năm trước, khi ứng cử viên thống đốc của đảng Cộng Hòa El Gillespie đã cho chiếu một cái video trên truyền hình, cảnh cáo sự liên hệ giữa di dân bất hợp pháp và tội ác tại Mỹ nói chung, và Virginia nói riêng. Ông ta nhắm vào MS-13, một băng đảng tàn bạo mà đa số là di dân bất hợp pháp đã gây nhiều tội ác dã man trên đường phố ở miền Bắc Virginia.
Ông Gillespie cáo buộc đối thủ Ralph Northam (Dân Chủ) dung dưỡng MS-13 khi là một nghị sĩ tiểu bang đã bỏ phiếu chống dự luật cấm những thành phố bao che di dân bất hợp pháp (sanctuary cities).
“The Latino Victory Fund”, một tổ chức ủng hộ ứng cử viên Northam, đã đánh trả với một cái video trong đó có cảnh một người đàn ông da trắng ngồi trên chiếc xe vận tải nhẹ, bên ngoài có dán khẩu hiệu ủng hộ Gillespie và một lá cờ liên hiệp (Confederate), và lái bừa bãi rượt theo một đám trẻ em khiến chúng hoảng sợ bỏ chạy tán loạn trên đường phố.
Năm ấy ông Northam đã thắng cử dễ dàng và hầu hết các chức vụ đứng đầu những cơ quan tại Virginia cũng đã lọt vào tay do phe Dân Chủ nắm giữ cho đến nay.
Bốn năm sau, di dân bất hợp pháp vẫn còn là đề tài nóng bỏng trên toàn nước Mỹ trong khi chính quyền Biden giám sát cái mà các nhà phân tích thời sự diễn tả là năm tồi tệ nhất về biên giới trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ. Và MS-13 cũng vẫn tiếp tục phá vỡ sự bình yên của các cộng đồng cư dân sinh sống trên lãnh thổ tiểu bang Virginia. Nhiều cáo trạng liên bang gần đây đã truy tố những thành viên MS-13 về tội bắt cóc và những vụ giết người tàn bạo. Trong đó có một vụ nạn nhân đã bị đâm hơn 140 lần bằng dao nhọn và chém bằng một cái mã tấu trước khi xác chết của nạn nhân bị ném xuống một con sông.
Dù vậy, ông Youngkin vẫn tránh xa khỏi đề tài này trong khi tranh cử với ông McAuliffe, người đang vận động để mong nắm lại chức thống đốc Virginia sau một nhiệm kỳ 4 năm, từ 2014 tới 2018.
Các “poll” gần đây cho thấy chiến lược này của ông Youngkin đang đem lại những tin vui. Ông Youngkin đã từ 32% vọt lên 55% phiếu bầu của dân gốc “Xì”. Các thăm dò ý dân khác cũng cho thấy những nhóm cử tri bất mãn nhất với TT Biden nay tự nhận là cử tri độc lập và cử tri “Hispanic”.
Mặc dù hoan nghênh sự yểm trợ của ông Trump và cũng lên tiếng phụ họa theo cựu tổng thống kêu gọi hậu kiểm kết quả cuộc bầu cử năm 2020, nhưng ông Youngkin đã tránh đứng ra cáo buộc bầu cử gian lận. Ông cũng dịu giọng trong những vấn đề như phá thai vì không muốn làm những cử tri độc lập sợ hãi.
Thay vào đó, ông Youngkin nhắm vào những cử tri đang thất vọng chánh quyền độc đảng của phe Dân Chủ ở Richmond và e sợ ông Biden. Ông gọt dũa những thông điệp về lạm phát, công ăn việc làm, và trường học.
Trong khi đó, phe Dân Chủ đã cố gắng quốc gia hóa cuộc tranh cử chức thống đốc tại Virginia bằng cách làm cho nó trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về ông Trump.
Về vấn đề di dân, họ nói một người Cộng Hòa ở trong dinh thống đốc sẽ thúc đẩy những chính sách của Trump chống lại di dân bất hợp pháp.
Nhưng, lời hù dọa này không hiệu nghiệm vì không ai thấy ông Trump đích thân đi vận động tranh cử cùng với ứng cử viên Cộng Hòa Youngkin, do đó phe Dân Chủ lại thử một chiến thuật khác: gần đây Ủy ban Quốc gia đảng Dân Chủ đã cho một chiếc phi cơ nhỏ bay gần khu dã thự của ông Trump tại Mar-a-Lago ở Florida có kéo theo một cái biểu ngữ với hàng chữ lớn: “Vì sao Youngkin không cho Trump đi vận động tranh cử tại VA?” Nhưng “sáng kiến” này cũng chỉ phí tiền và phí thì giờ. Vì sao?
Cựu Nghi sĩ George Allen, Cộng Hòa-Virginia, giải thích: “Glenn không có cái gì giống với Trump, về nhân cách và cung cách, ngoại trừ về sự giải quyết các vấn đề, chắc chắn như vậy. Không phải là độc nhất vô nhị cho những người Cộng Hòa với chủ trương cắt giảm thuế, độc lập về năng lượng, cải tổ luật lệ, chỉ giữ lại những luật lệ hợp lý và trách nhiệm cao tại các nhà trường.”
Còn về những vấn đề tội ác và di dân, ông Allen nói rằng cử tri đang hướng sự quan tâm tới hội đồng ân xá của tiểu bang và phong trào “cắt giảm ngân sách cảnh sát”. Và, ông cựu nghị sĩ kết luận: “Chúng là những thời gian khác và những vấn đề khác, và có những người khác điều hành.”
Đó là lý do vì sao ứng cử viên Glenn Youngkin được 50 cảnh sát trưởng tại Virginia xác nhận ủng hộ, và ông hứa cấp ngân sách đầy đủ cho nhân viên công lực, giữ những tội phạm bạo động ra khỏi các đường phố, bảo vệ các sĩ quan cảnh sát tránh khỏi những vụ kiện bừa bãi, chấm dứt nạn buôn người – một hình thức nô lệ của thời đại mới ngày nay.
Trong một lần dừng chân tại một siêu thị ở Virginia Beach, Youngkin đã chào hỏi mọi người và nói với từng người rằng ông sẽ làm cách nào để cắt giảm thời giá quá cao của đời sống: “Chúng tôi sẽ hủy bỏ thuế đánh trên tạp hóa. Chúng tôi sẽ tiết kiệm cho mọi người một số tiền. Dân Virginia đang bị đánh thuế quá độ tới 2 tỉ 6 đô-la trong một năm. Vì thế chúng tôi sẽ hoàn trả phần lớn của số tiền ấy cho dân Virginia và tuyên bố đây là sự giảm thuế lớn nhất trong lịch sử của Virginia.”
Dù là người lần đầu tiên bước chân vào chính trường nước Mỹ và ứng cử vào một chức vụ quan trọng, ông Youngkin đã có đủ tự tin và can đảm đi vận động tranh cử một mình, không cần núp sau bóng của một “ngôi sao” nào trong đảng Cộng Hòa và đang vượt lên với đầy khí thế tiến vào đoạn đường chót của cuộc đua.
Terry McAuliffe, trái lại, là một chính trị gia nhà nghề, đã ngụp lặn trong chính trường nước Mỹ trên 40 năm, đã từng làm chủ tịch đảng Dân Chủ, từng là thống đốc Virginia một nhiệm kỳ, nay ra ứng cử để xin dân Virginia cho làm lại cái “job” cũ và đang trải thảm đỏ mời những “ngôi sao” của đảng Dân Chủ, diễn viên màn ảnh Hollywood và các nhạc sĩ... tới Virginia để giúp đem lại sinh khí cho chiến dịch tranh cử trong nước rút cuối cùng.
Ông McAuliffe đã cùng đi vận động với cựu Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Kamala Harris và cùng đi với cả Tổng thống Biden trong tuần này. Nhưng nhiều người nhận định rằng cuộc vận động tuyệt vọng của ông McAuliffe phải cần sự có mặt của những phe đảng chính trị nhà nghề như Stacey Abrams, Joe Biden, Kamala Harris và Barack Obama chỉ lôi cuốn được những đám người tầm thường tới để xem mặt những kẻ đỡ đầu McAuliffe, chứ không phải xem McAuliffe! Chưa kể sự ủng hộ ứng cử viên McAuliffe của bà Harris có thể làm cho 300 nhà thờ của người da đen ở Virginia bị mất tư cách miễn trừ thuế.
Thật vậy, bà Harris đã xuất hiện 2 phút rưỡi trong một video để chiếu tại hơn 300 nhà thờ của người da đen ở Virginia, trong đó không những bà hối thúc các con chiên hãy “bầu sau buổi lễ hôm nay”, nhưng còn nói với những người đi lễ nhà thờ rằng: “Tôi biết rằng các ‘you’ sẽ đưa Terry McAuliffe trở lại Richmond."
Việc này có thể vi phạm Tu Chính Án Johnson năm 1954, cấm các tổ chức từ thiện và nhà thờ tham dự trực tiếp vào bất cứ hoạt động chính trị nào nhằm hậu thuẫn hay chống lại những ứng cử viên chính trị.
Một số luật gia đã lên tiếng về việc này, trong đó có Giáo sư Jonathan Turley, dạy luật tại Trường Đại Học Geoge Washington, cho biết: “Vấn đề ở đây là Tu Chính Án Johnson làm cho sự dấn thân vào chính trị một cách hăng hái như vậy trong những nhà thờ trở thành vi phạm luật liên bang.”
Cựu Thống đốc Virginia Douglas Wilder (Dân Chủ), người da đen đầu tiên giữ chức vụ này trong lịch sử Virginia, cũng đã lên tiếng buộc tội Phó Tổng thống Kamala Harris về việc vận động tranh cử bất hợp pháp cho ông McAuliffe bằng cách cho chiếu một video trong các nhà thờ kêu gọi những người đi lễ bỏ phiếu cho ông ta.
Một câu hỏi không thể không đặt ra ở đây: “Chẳng lẽ 300 nhà thờ, Phó Tổng thống Harris, và ứng cử viên thống đốc McAuliffe đều không biết việc làm của họ là vi phạm luật lệ? Vậy thì những ai là người có bổn phận tôn trọng luật lệ?”
Ông McAuliffe và các giới chức đảng Dân Chủ biết rõ họ cần số phiếu của người da đen để đưa ông ta trở lại dinh thống đốc ở Richmond, nên đã dự trù chiếu cái video của bà Harris tới ngày 2 tháng 11, ngày bầu cử, mặc ai nói ngược nói xuôi.
Về phần cử tri gốc Việt, ngày 2 tháng 11, nhớ chịu khó đi bầu và đừng quên kinh nghiệm với ông McAuliffe năm 2017 khi ông ta đang là thống đốc Virginia. Ngày 11.7.2017 đã diễn buổi lễ ký kết thỏa hiệp để phát triển doanh thương giữa sáu tỉnh thành ở Việt Nam và Hoa Kỳ tại Tiểu Bang Virginia, mà theo dự trù của Thống đốc Terry McAuliffe lúc ấy, sẽ có những hệ quả quan trọng và rộng lớn trong sự giao thương, và cả chính trị, giữa Hoa Kỳ và Cộng Sản Việt Nam.
Buổi lễ diễn ra tại Trường Đại Học Cộng Đồng ở Annandale với hơn 100 người tham dự gồm các viên chức của Virginia, kể cả Thống đốc McAuliffe và Đại sứ Việt Cộng Phạm Quang Vinh cùng các thương gia đến từ Việt Nam. Bản thỏa hiệp được ký kết giữa Bộ Trưởng Thương Mại TB Virginia Tood Haymore và các quan chức VC của thành phố Hà-nội và 5 tỉnh tại Việt Nam (Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Trị, Thái Nguyên).
Biến cố này đã diễn ra tại nơi có môt Cộng đồng người Việt với khoảng 60 ngàn người, có tổ chức, có sinh hoạt hợp pháp, nhưng đã bị coi như con số không, không được ai thông báo hay hỏi ý kiến. Phải chăng 60 ngàn lá phiếu của cộng đồng Việt Nam (chống cộng) là không đáng kể so với phiếu của người da đen, hay dân “Xì” nên bị coi thường?
Cũng may, cái thỏa hiệp sau khi được “long trọng ký kết” đã âm thầm biến thành tờ giấy lộn, và năm sau (2018) ông McAuliffe hết nhiệm kỳ, ra đi. Không nghe ai còn nhắc tới “thành tích” quái đản của ông McAuliffe.
Năm nay ông McAuliffe lại... ra trong một cuộc tranh cử gay go, mà vài ngàn, hay vài trăm phiếu của cử tri Mỹ gốc Việt có thể quyết định người thắng kẻ thua.
Ký Thiệt
No comments:
Post a Comment