Huyệt đào trên mộ
Hoàng Chính
Dựa theo lời kể của Bác sĩ LND, một bạn học cùng lớp năm xưa.
“Đừng chôn sâu quá, mai mốt khó…” tôi buột miệng nói và sựng ngay lại.
Từ dưới cái hố mới sâu gần tới đầu gối, Cu Anh, gã thanh niên đang hì hạch đào đất nói vọng lên, “Đất cứng quá trời là cứng.”
Chợt có tiếng loạt soạt từ bụi cây sau lưng. Không ai bảo ai, chúng tôi đồng loạt quay đầu lại, nín thở, mắt săm soi bóng tối. Tiếng động ấy im bặt. Chắc là một con rắn ráo. Tôi thầm nghĩ. Vùng này nhiều rắn ráo, rắn ráo không có nọc độc nhưng cũng phải cẩn thận. Từ lúc mới chuyển về đây tôi đã được thông báo như thế.
Im lặng một lát, Cu Anh lại đều tay xới đất. Cầm đèn bin đứng cạnh tôi, Cu Em – em ruột của Cu Anh – lên tiếng, “Chừng nào mình trở lại hả ông thày?”
Tôi ngập ngừng, “Chắc khoảng vài tháng.”
“Sao lâu vậy?”
“Phải chờ cho da thịt rữa hết đã.”
“Đúng rồi há.” Cu Em gật gù, cái đèn bin trong tay cũng lúc lắc, ném vạt ánh sáng chập chờn lên nền đất khô đầy rác vụn thay vì soi thẳng vào cái hố đang đào dở dang.
Tiếng xẻng xới vào đất chợt ngừng. Cái hình người đen thui đang lúi húi trong bóng tối nghểnh cổ lên, cất giọng khàn khàn, “Rọi đèn đàng hoàng coi mày!”
Một làn gió nhẹ vật vờ lướt qua. Cái lạnh luồn vào sống lưng, tôi kéo cao cổ áo, rùn vai chắn gió. Hơn nửa tiếng đồng hồ ngồi nhấp nhổm trên băng ghế gỗ chiếc xe La Dalat cũ kỹ, tay bám thành ghế, chân đè cạnh chiếc băng ca cho xác chết khỏi tuột xuống đường, suốt đoạn đường từ bệnh viện đến đây, mấy đứa chúng tôi – một tài xế cầm tay lái, bốn hành khách ngồi trong lòng xe – chẳng ai nói với ai một lời, bây giờ bỗng dưng đứa nào cũng nhiều chuyện. Tôi nghĩ hai anh em có cái tên nghe vui tai: Cu Anh và Cu Em này chắc cũng gai gai nỗi sợ như tôi nên cái miệng lào xào không ngớt.
Lại có tiếng sột soạt trong bóng tối. Đang đào huyệt, Cu Anh ngưng tay, nghe ngóng. Cu Em cầm đèn bin xoay vòng, ánh sáng vương vãi lên những khóm lá xanh. Cả bọn nín thở, dõi mắt theo ánh đèn. Trên tấm màn nhung đen thẫm của đêm chợt nhập nhòe hai đốm sáng biếc xanh. Ở đây không có cọp beo. Tôi thầm trấn an mình.
Tiếng lạch cạch vang lên sau lưng. Gã bảo vệ – tôi không nhớ tên – gồng hai cánh tay như muốn siết cổ khẩu AK, rồi xoay người chĩa mũi súng vào bóng đêm. Tôi dán mắt vào cái vệt đen thẫm nhòe trong vũng đêm với hai đốm sáng biếc xanh. Rồi hai viên ngọc xanh ấy biến đi, tiếng sột soạt trên cỏ xa dần.
“Con mèo hoang.” Tôi thì thào. Gã bảo vệ hạ khẩu súng xuống.
“Đào tiếp đi,” tôi nhắc.
Tiếng xẻng sắt cày vào đất cằn lại sần sượng vang lên.
Tôi nhìn quanh. Trời đất tối mù. Dường như trời sắp mưa bởi mây mù giấu đi những vì sao mọc sớm. Những tàng cây rậm lá đu đưa trong gió nhẹ. Mùi đất khô gây gây lẫn trong thoáng hương dịu dàng của một loài hoa dại nào đó lâng lâng trong không khí. Trong vũng sáng đèn bin nhợt nhạt, lờ mờ bóng Cu Anh – dưới cái hố hình chữ nhật – cúi xuống, ngẩng lên nhịp nhàng với cái xẻng đầy đất khô quăng lên miệng hố.
Đột nhiên ánh sáng từ ngọn đèn bin mờ dần.
“Hết bin rồi.” Cu Em lắc mạnh cái đèn bin trong tay. Ánh đèn lờ mờ hé lên rồi tắt ngấm.
“Đèn bin ít khi xài sao lại mau hết bin vậy,” Tôi cằn nhằn, gỡ cái đèn bin từ tay Cu Em, xoay xoay nút vặn và đập nhẹ vào lòng bàn tay. Vô ích. Bóng tối vẫn bủa vây bọn chúng tôi.
“Có đem theo bin sơ cua không?” Tôi hỏi.
Không có tiếng trả lời. Và tôi nhớ ra. Từ dạo chiến tranh biên giới phía tây nam bùng lên, không hiểu sao điện trong bệnh viện bị cúp hoài. Và khi cúp điện thì phải cần đến đèn bin. Có lần điện cúp ngay khi đang mổ cho bệnh nhân. Không có cái đèn bin này thì chẳng biết làm sao.
“Chạy ra mượn ông gác cổng cái đèn dầu,” tôi nói.
“Đèn dầu tối hù, lỡ gió thổi tắt mất tiêu,” Cu Em nhanh nhảu. “Hay là mình kêu thằng tài xế chạy xe sát vô, rọi đèn pha cho mình.”
Và không chờ tôi đồng ý, nó xoay lưng, quẹt một que diêm, rón rén từng bước trên nền đất gồ ghề, về phía cái bóng lù lù của chiếc xe đậu trên lối mòn.
Chúng tôi đứng, ngơ ngáo như những hồn ma trong nghĩa địa. Gió đêm mơn man như những ngón tay ai đó vuốt rờn rợn trên mặt, trên cổ. Trong đêm vắng, giữa tiếng vọng râm ran của côn trùng, tiếng đề máy xe rì rầm vang lên. Hai ngọn đèn vạch lên hai luồng ánh sáng, chiếc xe lắc lư bò lê trên nền đất nhấp nhô mồ mả, về phía chúng tôi.
“Coi chừng cán lên mộ người ta đó!” Đứng trong lòng huyệt cạn, Cu Anh hét lớn. “Xích qua bên này một chút.” Nó vừa gào vừa đưa tay vẫy liên tục. Không biết người lái xe có nghe thấy không nhưng tôi thấy chiếc xe đổi hướng, tiếng máy hậm hực và hai ngọn đèn xe chệch về phía chúng tôi. Vệt sáng vàng vọt vạch ngang mặt huyệt mộ đang đào dở dang.
“Được rồi đấy, đào tiếp đi.” Tôi nói.
Những mũi xẻng lại xoàn xoạt xoắn vào nền đất.
“Đừng chôn sâu quá, mai mốt khó đào.” Tôi lại dặn hai anh em thằng bé đào huyệt.
“Mai mốt đào chi vậy?” Bàn tay đào đất ngưng ngang, Cu Anh ngước lên chờ câu trả lời.
“Lấy bộ xương.” Cu Em trả lời hớt.
“Để chi vậy?”
“Cho học sinh Trung Học Y Tế.” Tôi nói.
“Thật vậy sao? Trường đó mới mở, đã có ai vô học đâu.”
“Thôi đào lẹ đi. Khuya rồi,” tôi dục.
Cu Anh lại hì hục xới đất.
“Mình lấy bộ xương về xài lỡ mai mốt ông già lại nhận con ổng thì sao?” Im lặng suốt quãng đường, bây giờ gã cầm AK mới mở miệng. Tôi lặng thinh. Gã tiếp, “Xác con ổng là ổng có quyền đòi.”
Câu nói làm tôi nhớ hồi sáng, lúc ông già chắp tay vái lạy, van xin bệnh viện lo dùm hậu sự cho con trai, tôi đã cầm lấy hai cổ tay khô lạnh và khẳng khiu như hai khúc củi của ông già, quả quyết sẽ tận tình lo cho người chết. Ông già thều thào bảo khi nào làm ăn khá giả sẽ trở lại nhận xác con trai. Nhưng tôi không mấy tin ông sẽ trở lại. Ông quá già, đi đứng còn không vững, biết ông còn sống được bao lâu, nói gì đến chuyện làm ăn khá giả.
Tuy nhiên lỡ như ông già ấy trở lại nhận xác con thì sao nhỉ. Ý nghĩ ấy cứ ám lấy tôi từ chập tối đến giờ, bởi lúc ký giấy cho phép chúng tôi đem cái xác đi chôn, bác sĩ giám đốc bệnh viện đã nói nhỏ vào tai tôi, “Đừng chôn sâu quá, mai mốt còn phải đào lên lấy bộ xương.”
Đứng bên miệng hố chờ đến lượt xuống đào thay cho anh mình, Cu Em đề nghị, “Lỡ ổng trở lại thì mình cho ổng ít tiền là xong chứ gì. Ổng nghèo mạt rệp, cho tiền…”
“Tiền ở đâu?” Gã AK ngắt lời.
“Mình quyên tiền. Ổng già tội nghiệp, mất đứa con trai duy nhất.”
“Ai cho thì cho hổng có tui à nghe,” trong bóng tối cái đầu của gã AK lắc lư. “Tui hổng ủng hộ cái chuyện lấy xác người chết về xài.”
Tôi thở dài. Tôi cũng không thích việc đào mộ người chết, dù là đào để lấy xác về cho học sinh học môn Cơ Thể Học. “Đừng ngại. Mình không có tiền mua học cụ cho học sinh.” Lời trấn an của giám đốc bệnh viện bám lấy tôi suốt quãng đường vòng vo qua bao nhiêu khúc quanh, bao nhiêu cánh đồng hoang, và gập ghềnh trên những ổ gà từ bệnh viện đến cái nghĩa trang khuất nẻo này. Trong tai tôi giờ này vẫn loạt soạt tiếng cành cây đập vào kính xe và tiếng sủa rầm rộ của lũ chó không hiểu vì lý do gì hùa nhau chạy theo xe chúng tôi. Tôi thấy bốn người chúng tôi chia nhau ngồi hai bên hàng ghế trong lòng xe. Người chết cuộn tròn trong chiếc chiếu rách. Mỗi khi xe lọt ổ gà, dưới ánh đèn vàng vọt từ cái bóng đèn nhỏ xíu ở nóc xe, hai cái chân khẳng khiu thò ra ngoài chiếc chiếu cứ bật lên như thể người chết muốn chống tay ngồi dậy, đòi quay xe trở lại. Đã vậy một đứa trong bọn chúng tôi cứ luôn miệng xì xào, “Hình như cái chân nó nhúc nhích, ông thày ơi.”
Tất cả như một khúc phim chiếu chậm trong đầu tôi.
Tôi thấy rõ nét mặt cau có của lão già gác nghĩa trang khi bị chúng tôi đánh thức dậy giữa đêm khuya. Ngọn đèn dầu lù mù dẫn lối. Và câu dặn, “Nhớ chôn sâu một chút kẻo mai mốt nó đưa tay lên kéo chân người ta đó.” Tràng cười ma quái sau câu nói đùa giữa đêm đen ấy còn mãi vang vọng trong óc tôi.
“Tối hù. Hổng thấy đường đào gì hết ráo á.” Cu Anh nói vọng lên từ lòng huyệt mộ còn rất cạn. Đất đá đổ rào rào theo nhịp xẻng.
Tôi lặng thinh. Là bác sĩ mới ra trường, tôi được điều về cái huyện xa xôi này và vì chưa tìm ra chỗ ở, tôi tạm trú ngay trong bệnh viện. Có mặt trong bệnh viện hai mươi bốn giờ một ngày, tôi thành bác sĩ trực thường xuyên. Mọi người có điều gì khúc mắc là cứ xoay về phía tôi. Chuyện gì cũng đổ lên vai tôi.
“Sao hổng chôn ban ngày vậy?” Gã ôm AK hỏi trống.
“Nhà xác không còn chỗ,” tôi giải thích.
Bệnh viện tỉnh nhỏ. Nhà xác chỉ có vài cái giường sắt vênh vẹo mà giường nào cũng nhét tới hai xác chết. Toàn là dân nghèo những thôn làng sát biên giới bị Khờ Me Đỏ sát hại. Thường thì người nhà đem xác thân nhân về an táng nhưng những người này làng mạc bị đốt cháy, nhà cửa bị thiêu hủy, người bị giết, gia súc bị cướp hết, đâu còn chỗ để trở về.
“Phải chôn gấp lấy chỗ cho người khác.” Tôi nói.
Lại lặng im. Quanh chỗ chúng tôi, lũ côn trùng cũng im bặt, chỉ còn tiếng xẻng xới vào đất khô lẫn tiếng đất đá rào rào. Và xa xa vẳng lại tiếng chó sủa nhấm nhẳng nghe buồn nản.
“Nhớ đừng chôn cái chiếu,” tôi nhắc.
“Sao vậy?” Cu Anh ngưng tay xẻng, ngước lên hỏi.
“Cái chiếu mượn của bà già…”
“Bà già nào tốt quá trời dzậy?” Đứng bên miệng huyệt Cu Em nói, giọng reo vui.
“Bà già vẫn thường đem lon ghi gô đi hứng nước ở cái vòi bên phòng sản khoa đó.” Gã AK giải thích. Là nhân viên bảo vệ bệnh viện nên gã rành mọi chuyện.
“À, bà già nuôi nhỏ con gái mới sanh đó hả?” Cu Em hỏi.
“Còn ai vào đây nữa.”
“Bả cho mượn chiếu rồi tối bả lấy chi ngủ?” Đang đào huyệt, Cu Anh cũng chĩa vào.
“Ai mà biết.”
“Nghe nói con gái bả chửa hoang.” Gã bảo vệ nói.
Không nghe ai nói gì, gã tiếp, “Con nhỏ còn nhỏ xíu mà cái bụng chành bành.”
“Thôi,” tôi ngắt. “Làm lẹ cho xong đi, khuya rồi.”
Lại im lặng. Đêm rền rĩ tiếng máy chiếc xe LaDalat cũ kỹ lẫn vào tiếng xẻng đục lộp cộp vào nền đất cứng và tiếng đất đá rào rào đổ lên nhau.
“Mình khiêng anh này nhắm chừng mình có bị lây bịnh của ảnh không, ông thày?” Lại thằng Cu Em nhiều chuyện. Vừa hỏi nó vừa chỉ vào cái xác cuộn tròn trong chiếc chiếu nằm trơ trên nền đất gồ ghề.
“Không đâu.” Tôi trấn an.
“Ông già nó ở kế bên còn không lây…” Gã AK chêm vào.
“Đúng rồi,” tôi tiếp lời gã AK. “Hai cha con, chỉ người con bị xơ gan.”
“Tội nghiệp!” Cu Em chép miệng. “Họ ở đâu lên dzậy?”
“Họ chạy từ Cam-pu-chia về. Họ hồi hương.” Tôi nói.
“Hồi hương à?”
“Ừ, hồi hương.” Tôi thì thầm như sợ ai nghe thấy.
Hai chữ “hồi hương” bao giờ cũng làm nhàu nát lòng tôi. Tôi nhớ cái hôm tôi gặp hai cha con nhà ấy. Hai người đều già nua trong mắt tôi. Tôi nhìn cái người có khuôn mặt hốc hác nhưng đôi mắt đầy nét sắc sảo. Ông ta có cái đầu tóc bạc, và chòm râu dê có nhiều sợi bạc quắt queo trên chiếc cằm nhọn. Ông già râu dê nắm chặt cánh tay của một ông già khác, gầy gò, xương xẩu với hai con mắt lạc thần, và cái bụng to phình mở bung hai vạt áo có những chiếc cúc trật chìa.
“Bác đưa ông cụ vào đây.” Tôi nói với ông già râu dê. Ông già có chòm râu dìu ông già hốc hác và to bụng lết từng bước lên bậc thềm, vào phòng khám, và đẩy ông già to bụng xuống chỗ trống ở đầu băng ghế dài mà một bệnh nhân vừa đứng dậy nhường chỗ.
Ông già có cái bụng to chống tay nặng nề ngồi xuống ghế. Ông già râu dê đứng bên cạnh, dựa lưng vào vách tường loang lổ. Đoán họ là hai anh em, tôi đến trước mặt ông già to bụng, nhìn vào hai hố mắt sâu. Tròng trắng màu vàng đục vằn vện những tia máu đỏ. Cặp môi khô như miếng vỏ cây xám xịt. Hai con mắt ấy nhìn xuyên qua tôi, vào khoảng không nào đó mịt mờ.
Tôi quay qua ông già râu dê, “Ông cụ này là gì của bác vậy?”
Ông già phều phào nói, “Con trai tui đó.”
Tôi giật mình. Bộ xương với cái bụng vồng cao, với nét ngoài sáu mươi trên khuôn mặt đang ngồi đờ đẫn trước mặt tôi làm sao có thể là con trai ông cụ được. Ngược lại thì có. Chắc tôi nghe lầm. Tôi hỏi lại, “Ông cụ này là gì của bác?”
Ông già đưa tay gãi chòm râu, “Con trai tui đó. Nó mới ba mươi hai tuổi à.”
Đến lúc ấy thì tôi không tin cả mắt lẫn tai mình nữa.
Tôi ký giấy nhập viện ngay lập tức. Người thanh niên hít thở khó khăn. Như thể cố kéo những chùm không khí đã đông đặc qua hai lỗ mũi phập phồng vào trong lồng ngực. Những đường viền tĩnh mạch hằn lên như những chùm rễ ngoằn ngoèo trên làn da bụng căng bóng. Tôi đâm kim hút bớt nước trong ổ bụng, nhưng cũng chẳng thay đổi được gì. Hút xong, chưa được bao lâu, cái bụng lại căng phồng.
Rồi chẳng bao lâu, con bệnh xơ gan cổ trướng ấy không còn thở nữa.
Trong lúc tôi miên man với hình ảnh lúc còn sống của cái xác người đang nằm bó chiếu dưới chân tôi, Cu Anh vẫn miệt mài với động tác đào, xúc và đổ trong lòng huyệt mộ.
Tôi đưa tay đuổi những con muỗi bám trên mặt, âm thầm nhớ lại hoạt cảnh vừa xảy ra cách đây chưa đầy nửa tiếng đồng hồ. Tôi xoay cái cổ chân còn nhói đau khi trượt chân ban nãy. Khu nghĩa địa hoang vu, đầy những hố đất đào dở dang không biết vì có phải trước đây ai đó đào, gặp chỗ đá cứng nên bỏ để đào qua chỗ khác, hay đó là những lòng huyệt mà xác chết đã được cải táng. Ông già gác nghĩa trang cầm cái đèn dầu vừa xoay xở để che gió vừa dọ dẫm bước đi trong bóng tối.
“Coi chừng thụt xuống hố, nghe mấy cha.”
Lão chưa nói dứt câu thì ngực tôi đã thắt lại khi chân tuột bên bờ đất lở của một miệng hố. Tôi lảo đảo cố giữ thăng bằng. Lão già gác nghĩa trang hỏi vọng lại, “Lọt hố hả? Tui đã nói là coi chừng.”
“Không sao,” tôi mau miệng trả lời.
Lũ chúng tôi lầm lũi lần mò từng bước theo chân người gác nghĩa trang. Trong đời tôi chưa bao giờ đưa tiễn ai trong một đám tang u uất như thế này. Người gác nghĩa trang với ngọn đèn dầu le lói. Tôi cầm đèn bin rọi xuống đất để hai đứa Cu Anh và Cu Em khiêng xác phía sau tôi thấy đường. Hai đứa là y công của bệnh viện. Cái xác người thanh niên ba mươi hai tuổi – bó tròn trong chiếc chiếu – ấy lắc lư theo nhịp bước của hai người thanh niên. Những ngón chân co quắp quẫy động như có điều gì muốn nói. Gã bảo vệ ôm khẩu súng đi sau cùng.
Loay hoay tới lui một lúc, lão già gác nghĩa trang dừng lại.
“Chỗ này. Chỗ này đất hơi cao. Nhớ chôn sâu một chút, kẻo mai mốt nó đưa tay lên kéo chân người ta đó.”
Câu nói dứt, tràng cười ma quái vang lên, lanh lảnh trong cái tĩnh lặng của đêm, lẫn vào tiếng côn trùng râm ran.
Cả bọn đứng sựng lại. Hai đứa ở hai đầu băng ca nghểnh cổ chờ.
Lão già quay lưng. Ngọn đèn dầu le lói, chập chờn trên cái nền đen thẫm của những lùm cây và tan nhòe vào bóng tối. Tôi quơ cái đèn bin. Vệt sáng quét chung quanh, vạch lên những mô đất nhấp nhô, những tấm bia lở lói, những cây thánh giá khẳng khiu chụm vào nhau. Tiếng con vạt sành nào đó chèn chẹt trong thinh không tan vào tiếng côn trùng rỉ rả.
Nhát xẻng đầu tiên làm tắt ngấm cái âm thanh rền rĩ của lũ côn trùng. Những tiếng động thô cộc của mũi xẻng đào vào đất khô xoàn xoạt trong đêm vắng. Trong cái chuỗi âm thanh rờn rợn của khu nghĩa địa âm u, tiếng chó sủa từ thôn xóm ngoài xa vọng lại bỗng dưng nghe gần gũi, thân thuộc.
Hai anh em Cu Anh và Cu Em thay phiên nhau đào. Ban đầu tôi đưa đèn bin cho Cu Em để nó soi xuống hố cho anh nó thấy đường mà đào, nhưng rồi đèn hết bin. Tôi cầm cái đèn bin vô dụng trong tay, thoáng chút an tâm vì ít ra cũng có vũ khí tự vệ lỡ như xảy ra chuyện gì.
Một lúc sau, Cu Anh ngưng tay đào, chống tay lên cán xẻng, thở hì hạch, “Đất cứng quá ông thày ơi.”
Tôi nhìn xuống khoảng trũng hơi quá đầu gối nó một chút, “Cố thêm chút xíu nữa được không.”
“Đất cứng như đá,” Cu Anh lẩm bẩm.
“Rán chút nữa. Chỗ này đất cao mai mốt mưa cuốn trôi hết đất…” Tôi ngưng nói, hình ảnh một cánh tay xương xẩu hay một bàn chân đen đúa ló lên từ mặt đất như câu nói của lão già gác nghĩa trang ban nãy hiện ra rõ nét trong đầu tôi. Tôi nói nhỏ, “Đào thêm chút nữa được không. Lỡ anh ta thò tay lên như ông già gác nghĩa trang nói…”
“Mệt rồi hả, để tui,” Cu Em hăng hái nhảy xuống hố, tay nắm lấy cán xẻng.
Vừa đâm đến nhát xẻng thứ hai nó thụp người xuống, hét lên một tiếng. Tiếng hét lẫn vào âm thanh trầm đục như thể một vật gì vừa bung vỡ dưới chân nó. Và một thứ mùi xú uế bung ra trong không khí. Tôi nín thở, nghểnh cổ nhìn. Chân của Cu Em thụt xuống cái hố đen ngòm tới tận đầu gối. Nó quăng xẻng cuống cuồng rút chân lên, và chống tay leo vội lên miệng hố.
“Cái hòm người chết, ông thày ơi.” Cu Em nói như hụt hơi. Hai chân cuống cuồng chùi lên cỏ.
Tôi bước tới sát miệng huyệt. Một cái hố đen hun hút trong lòng huyệt mộ lởm chởm đất đá.
“Có đạp trúng xương cốt gì dưới đó không?” tôi quay lại hỏi Cu Em.
Nó lắc đầu, phì phò thở, “Hổng thấy gì hết ráo.”
“Chắc rữa mục hết rồi,” tôi nói nhỏ, đủ cho cả bọn nghe, và cũng để tự trấn an.
“Chắc người đó đi đầu thai rồi.” Cu Anh nói.
Gã cầm AK bịt mũi, cằn nhằn, “Cha già gác nghĩa trang chỉ chỗ tầm bậy.”
“Tui hổng đào nữa đâu.” Cu Em vừa chùi chân trên cỏ vừa nói.
“Tui cũng vậy. Đất cứng như đá vậy đó.” Cu Anh phụ họa.
Con mèo hoang nào đó chợt gào lên trong đêm vắng như thể phản đối lũ người làm khuấy động khung đêm đen tĩnh lặng của nó.
“Thôi thì chôn cạn vậy,” tôi kết luận. “Mai mốt lấy cốt cũng dễ.”
“Nhớ lấy cái chiếu lại cho bà già.” Gã AK nhắc.
“Khỏi!” Tôi kết luận.
Chúng tôi hì hạch đặt xác chết xuống huyệt và vội vã đắp đất lên.
Tôi phụ với hai người thanh niên đập mạnh cho đất dính chắc trên mộ. Gã AK ôm súng, vẩn vơ nhìn quanh. Tôi nghĩ đến mùa mưa sắp tới. Tôi nghĩ đến những cơn mưa rào rầm rộ mái tôn, đến những con đường hóa thân thành dòng suối cuồn cuộn nước. Tôi không dám nghĩ gì thêm. Tôi muốn thì thầm một câu gì đó với người thanh niên vừa mới từ đất Miên hồi hương về Xứ Việt để chết. Nhưng tôi nghĩ không ra. Dù sao thì anh ta cũng được yên nghỉ ở quê nhà, trong vòng tay cha mình.
Và hình ảnh ông già với chùm râu bạc hiện ra trong trí tôi. Tôi nhớ giây phút tia nhìn từ đôi mắt người con đang dán vào cha mình bỗng dưng lạc thần, như thể anh đang rụt rè bước chân vào cõi khác. Và người cha vội vã quay đi. Ông không dám nấn ná thêm vào cái khoảnh khắc biệt ly với ruột rà máu mủ của mình. Tôi nhớ hai bàn tay xương xẩu chắp lại, van xin bệnh viện lo chôn cất dùm con mình. Tôi nhớ cả hình ảnh ông già – cái túi vải trong tay – lủi thủi lê bước trên lối mòn ra đường cái. Miếng vá hình vuông lay động chập chờn trên lưng chiếc áo bà ba màu nâu nhăn như nùi giẻ.
Ngày hôm sau, tôi ra chợ mua chiếc chiếu mới. Lúc đem trả lại cho bà già nuôi con gái đi sanh trong bệnh viện, bà trợn mắt ngạc nhiên, “Đem dzìa làm chi vậy? Đã cho người ta làm phước còn lấy lại làm chi!”
No comments:
Post a Comment