Đôi Mắt Của Quá Khứ
Lê Tấn Dương
Một: Sắc Màu Kỷ Niệm
Mười năm sau ngày đến Hoa Kỳ. Một buổi chiều Thứ Bảy cuối năm, Dũng có buổi hội ngộ của những anh em cựu tù Trảng Lớn, Cây Cầy, Bù Gia Mập, Gia Trung đang sống rải rác khắp các Tiểu Bang. Nói hội ngộ cho có vẻ trịnh trọng chứ thực ra, anh em gặp nhau là để chúc Tết nhau theo phong tục tập quán và văn hóa dân tộc. Điểm chính là để nhận biết xem ai còn ai mất, ai đau yếu bệnh tật để thăm hỏi và nhất là để kể lại cho nhau những kỷ niệm buồn vui những năm còn bị đọa đày trong trại tù cộng sản. Trong chương trình tối nay, do lời mời của ban tổ chức từ trước, Dũng sẽ hát một bài để góp mặt chung vui cùng các chiến hữu huynh đệ. Đã từ nhiều năm nay, Dũng đã không còn làm bạn thường xuyên với cây đàn nhưng hôm nay, do yêu cầu của một số anh em trong ban tổ chức nên chàng phải nhận lời.
Theo như dự tính từ trước thì chiều nay, Dũng sẽ đưa Nhung -vợ chàng- tham dự buổi họp mặt cuối năm như những lần hai vợ chồng vẫn dự Tất niên hoặc Tân niên do các Hội đoàn địa phương tổ chức hàng năm. Buổi trưa, lúc hai vợ chồng sửa soạn ăn trưa, Nhung nói với Dũng:
- Sao hôm nay em thấy chóng mặt và nhức đầu quá, em nghĩ có thể vì hôm qua mình đi chợ Tết hơi lâu và có lẽ chợ đông người quá nên em mệt.
Ngưng một chút để uống ly nước cam mà Dũng vừa trao, Nhung nói tiếp:
- Chiều nay chắc em không đi với anh được. Em xin lỗi phải để anh đi một mình. Không có em đi theo, anh nhớ đừng uống rượu nhiều vì còn phải lái xe về đó.
Dũng mĩm cười nói nhẹ nhàng cho vợ an lòng:
- Anh biết, nhưng không có em đi như mấy lần trước, anh cũng cảm thấy buồn vì thiếu thiếu một cái gì đó. Mọi lần mình vẫn đi chung. Lúc chúng ta trở về, có em nói chuyện anh đỡ buồn ngủ và không bị cô độc bởi sự yên lặng, nhất là về khuya. Bây giờ, em có cần đi Bác Sĩ hoặc mua thuốc gì không? Anh sẽ đưa em đi.
- Thôi anh ạ. Chắc là không có gì. Em đã uống Tylenol. Em chỉ còn nhức đầu chút thôi. Hy vọng ngày mai sẽ trở lại bình thường. Anh cứ yên tâm đi cùng mấy anh chị. Chuyển lời em xin lỗi đến mấy anh chị thân quen với gia đình mình anh nhé.
- Từ giờ đến chiều còn nhiều thời gian. Ăn xong, em ráng ngủ một giấc cho khỏe. Mọi việc tính sau. Lát nữa, anh phải ra tiệm tạp hóa đầu phố để mua mấy thứ cần dùng cho chiều nay. Em vào nghĩ nhé, cần gì thì cứ gọi anh.
Những tuần cuối năm, vùng Tây Bắc rất mau tối. Bầu trời lúc nào cũng rưng rưng như muốn mưa. Thỉnh thoảng mới có vài ngày nắng ráo. Dũng mở nhẹ cánh cửa phòng ngủ. Nhung vẫn đang ngủ say sau khi uống thuốc. Chàng bước ra, khép thật nhẹ cánh cửa để không phá giấc ngủ của Nhung. Dũng mặc thêm áo lạnh, đội thêm mũ len. Sau khi khóa cửa, chàng rời nhà. Cuối con đường, cách nhà chừng 200 mét là tiệm bán tạp hóa của gia đình một người Mỹ gốc Korea. Chàng muốn mua một vài thứ lặt vặt. Gói Pall Mall quen thuộc cho mình, ít kẹo ho cho Nhung…
“Buổi chiều cuối năm, buổi chiều êm như một giấc mộng”. Dũng bất giác mỉm cười một mình khi nhớ lại từng chữ trong một bài văn mà Dũng đã thuộc lòng từ thời Tiểu học gần năm mươi năm trước. Thì ra trong đời sống mỗi người, có những điều mình tưởng đã quên, lại không quên được bao giờ. Đang suy nghĩ lan man những chuyện ngày xưa, Dũng bỗng lặng người vì thoáng nghe âm điệu quen thuộc bài hát “Màu Kỷ Niệm” của Phạm Đình Chương mà chàng vẫn ưa thích từ những ngày còn miệt mài áo trận giày sô thời chinh chiến cũ. Điều bất ngờ đối với Dũng là chính bài hát nầy chàng đã chọn để hát trong lần họp mặt tối nay. Dũng đã tập hát nhiều lần và đã thuộc nằm lòng.
Dũng dừng bước, đứng lặng yên lắng nghe giọng hát trầm buồn của chàng ca sĩ vang lên rất nhỏ từ ô cửa sổ căn nhà gần bên. Tiếng hát như gợi nhớ tiếc thương chút kỷ niệm mong manh của quá khứ. Lời ca êm ái và đằm thắm của khúc dạo đầu gây cho Dũng cái cảm giác bồi hồi nao nao. Hình như có ai đang muốn mở toang cánh cửa kỷ niệm vốn đã đóng kín trong lòng Dũng từ hơn hai mươi năm nay.
Mấy phút sau, Dũng mới bước xuống bậc thềm. Không gian một màu xám nhạt. Dũng thơ thẩn ngồi xuống chiếc ghế đá sát mấy cụm hoa nơi lối ra vào của khu town-house quen thuộc, mắt nhìn vu vơ những cụm mây đen đang kéo về che kín cả khung trời vừa mới lóe một chút nắng ấm cho cái lạnh cuối Đông. Trời đã muốn mưa trở lại sau vài giờ tạnh ráo, gió xào xạc làm cho những nhánh cây đã trụi lá ngả nghiêng như muốn đổ. Dũng kéo thêm dây kéo áo lên cao cho kín cổ, mắt nhìn đăm chiêu vào cỏi xa xăm. Cái máy hát nhà ai vẫn vang lên giai điệu quen thuộc "…Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc…". Dũng nhớ như in bài hát đầy kỷ niệm ngày xưa. Làm sao mà quên được, nhất là đoạn chuyển nhạc qua nhịp quân hành, dồn dập trong cung trưởng theo những bước chân ngày tháng cũ. "…Ngày hành quân anh đi về cánh rừng thưa. Thấy sắc hoa tươi nên mơ màu áo năm xưa…" câu hát ấy đã khắc sâu vào nỗi nhớ của chàng. Rồi lời nhạc chuyển qua phần điệp khúc đầy bi tráng "Hẹn ngày mai khi tan giặc sẽ cùng nhau…"
Dũng bồi hồi dừng lại để nghe ngóng xem có phải là lời hẹn của năm xưa chăng? Nhưng không, không bao giờ còn có ai để nói tiếng hẹn hò vì "màu áo năm xưa…" đã mất biệt theo thời gian. Dũng mua vội mấy thứ lặt vặt xong vội vàng bước nhanh về nhà. Chàng vói tay đóng thật nhanh cánh cửa như sợ có ai bước theo vào nhà. Tiếng nhạc mất hẳn. Không một âm thanh. Căn nhà yên tĩnh hoàn toàn.
Sáu giờ chiều, vì Nhung còn mệt, Dũng một mình lái xe ra Hội quán ven hồ, nơi tổ chức buổi họp mặt cuối năm. Ánh sáng từ những tòa nhà cao tầng phản chiếu lung linh trên mặt hồ sóng gợn lăn tăn. Tiếng nhạc từ trong hội trường thoát ra ngoài cùng với tiếng cười nói ồn ào của nhiều người đang đứng nói chuyện bên ngoài làm mất vẻ yên tĩnh vốn có của khu phố về đêm. Dũng bắt tay chào hỏi mấy người quen, nói năm ba câu chúc mừng tất niên rồi bước hẳn vào hội trường, tìm số bàn có ghi rõ trên thư mời và phiếu báo tin. Ban tổ chức đã xếp riêng một bàn cho cánh văn nghệ sĩ quen biết trong thành phố nên việc chào hỏi tự nhiên và thân mật.
Bảy giờ rưỡi, chương trình được khai mạc với những lễ nghi thường có trong các sinh hoạt hội đoàn cuối năm. Nửa giờ sau, dạ tiệc bắt đầu với phần múa Lân chào mừng quan khách tham dự. Nhiều tiếng vỗ tay thật lớn sau màn vũ dân tộc “cái trống cơm” dễ thương của các cháu nhỏ. Tiếp theo là hai bài hát Mừng Xuân và Đón Xuân được hai ca sĩ từ phương xa về hát giúp vui theo lời mời. Hội trường như vỡ òa cuồng nhiệt theo từng bước nhún nhảy nhí nhảnh và vui tươi của hai cô ca sĩ trong giai điệu nhạc xuân.
Dũng chậm rãi bước lên sân khấu sau lời giới thiệu của người dẫn chương trình. Anh có chút hồi hộp do những bất ngờ đã gặp phải chiều nay. Dũng mượn một cây đàn thùng và ra dấu cho ban nhạc. Hội trường yên lặng khi tiếng đàn guitar của Dũng vào dòng intro. Chàng thả hồn về những cánh rừng đầy hoa của tháng ngày chinh chiến cũ, những tiền đồn heo hút trong sương. Rừng cao su ngút ngàn, cánh đồng bưng cỏ mọc xanh rì dọc hai triền sông Vàm Cỏ Đông. Thấp thoáng “có mắt ai xanh thẳm trong mộng mơ…”. Rồi dòng nhạc chuyển qua cung trưởng. Sau tiếng trống gõ đều một khuôn báo hiệu, dòng nhạc chảy dồn dập theo nhịp quân hành. Dũng như lạc giữa trận chiến năm xưa theo bốn trường canh cuối của bài nhạc. Tiếng trống Bass dồn dập như pháo lệnh thúc quân, tiếng rè rè của trống Snare Drum như tiếng lạc ngựa chen với âm thanh dòn và chắc của trống Tom. Lại có tiếng chập chả chẻ phách của dàn Hi-hat Cymbal, Ride Cymbal bằng đồng như tiếng đạn xé không gian. Dũng như bị cuốn hút trong dòng nhạc quân hành trước khi chuyển về giai điệu khoan thai cũ để kết thúc bài hát.
Dũng cúi chào giữa tiếng vỗ tay vang động hội trường. Chàng bước xuống sân khấu và đi nép bên vách hội quán trở về bàn. Dũng mĩm cười và có hơi bối rối. Chàng có linh cảm nhiều cặp mắt đang nhìn mình. Từng có dịp đứng hát nhiều lần trên sân khấu nhưng có lẽ lần nầy làm Dũng xúc động nhiều nhất, chàng cũng không biết tại sao. Trong số hơn ba trăm người tham dự ngày họp mặt hôm nay, hầu hết đều là bạn bè chiến hữu ngày xưa. Chỉ một số ít từ xa về dự. Không lẽ những xao động bất chợt lúc chiều khi nghe bài hát cũ khiến Dũng bối rối. Hình như có ai đang đánh thức tuổi thơ trong lòng mình. Hình như có ai đang với tay gõ vào vùng hoài niệm vốn đã ngủ yên từ nhiều năm nay. Chàng có cảm giác lạ lạ và mơ hồ một chuyện gì hơi bất thường sắp xảy ra.
Hai: Mắt Lệ Cho Người
Dũng cầm ly nước đá do người bạn ngồi bên cạnh vừa rót mời, uống một ngụm cho đỡ khô cổ. Trên sân khấu, một nữ ca sĩ địa phương thuộc thế hệ thứ hai đang hát một tình khúc từ chiến trường để tặng thế hệ cha anh. Lại thêm một mục kể chuyện vui của một cựu tù Bù Gia Mập về những năm đốt rừng làm rẫy trồng mì. Hội trường đầy âm thanh tiếng cười đùa vui vẻ. Dũng muốn tìm một chút yên tĩnh, một chút gió mát ở bên ngoài hội trường, một chút hương thơm của khói thuốc Pall Mall quen thuộc ngày xưa. Chàng toan kéo ghế đứng dậy thì nghe có tiếng chào sát bên cạnh.
- Dạ chào anh. Xin lỗi anh, có phải anh Dũng ở trại tù Trảng Lớn năm 1975.
Dũng đứng thẳng lên quay về phía người vừa lên tiếng, bắt tay người vừa chào hỏi mình. Dũng thoáng giật mình. Người vừa chào không đi một mình mà đi cùng một phụ nữ khá đẹp, mặc một bộ dạ hội kín đáo và lịch sự. Dũng buông tay người đàn ông mới quen, hơi cúi đầu chào người đàn bà đi cùng.
- Chào anh. Đúng rồi thưa anh. Tôi là Dũng ở trại tù Trảng Lớn những năm 1975-1976. Rất hân hạnh được biết và làm quen với anh. Chắc anh cũng có thời gian nằm “ghi” sắt lấy từ phi trường trong căn cứ Trảng Lớn về làm giường ngủ trong các lán trại.
- Tôi là Nam, Nguyễn Văn Nam. Trước 1975, tôi là Sĩ Quan Trợ Y ở Bệnh Viện 3 Dã Chiến Bình Dương. Tôi cũng ngồi tù Trảng Lớn một năm. Tôi ở L4T3 gần phi đạo nên quen nằm “ghi” sắt từ rất sớm, ngay những ngày đầu mới bước vào trại tù. Sau đó tôi chuyển về Long Giao, ở thêm 2 năm nữa. Tôi ra trại đầu năm 1978. Một năm sau thì vượt biên sang Mỹ.
Cả hai cùng cười vui khi nhắc đến kỷ niệm đầu tiên ngày mới vào trại tù Trảng Lớn. Dũng muốn xóa đi cái lạ lẫm đột ngột khi đối diện với người bạn mới quen nên chàng mỉm cười tiếp lời, giọng tự nhiên pha chút vui vẻ:
- Tôi bên ngành Chiến tranh Chính trị. Lúc đi tù Trảng Lớn, tôi ở L4T4 trong mấy cái hanga chứa phi cơ quân sự. Chắc cũng gần trại tù của anh. Về sau tôi bị chuyển lên Bù Gia Mập phá rừng làm rẫy 2 năm. Phá gần sạch rừng già, rừng tre chung quanh trại giam thì chuyển lên trại tù Gia Trung gần Pleiku giao cho đám công an của cộng sản trông coi thêm mấy năm nữa. Đến cuối năm 1981 thì được thả về.
Quay sang phía người phụ nữ đi cùng, người đàn ông trung niên tên Nam với vẻ chững chạc và lịch sự đưa tay về phía người phụ nữ đi cùng, tiếp lời.
- Xin giới thiệu với anh Dũng, Bà xã tôi Ngọc Phượng. Bà xã tôi nói có quen biết anh vì anh là bạn rất thân với anh Khánh, anh trai của Phượng lúc còn ở Sài Gòn và muốn gặp anh để cho anh biết một số tin tức về anh Khánh.
Dũng quay sang chào người đàn bà. Nhìn đôi mắt tròn đen của người đối diện, Dũng chợt rùng mình và rúng động toàn thân. Ngọc Phượng của ngày tháng cũ. Dũng có hơi thất thần một chút nhưng rồi cố gắng trở lại vẻ tự nhiên.
- Dạ chào Bà. Bà là Ngọc Phượng, em gái của anh Khánh. Gần ba mươi năm mới gặp lại Ngọc Phượng. Mọi việc thay đổi nhiều quá. Nếu anh Nam không giới thiệu trước, quả thật tôi không thể nhận ra chị được. Thưa anh chị - cho phép tôi gọi như thế để dễ nói chuyện và tự nhiên hơn – Anh Khánh, bạn tôi bây giờ ra sao và đang ở đâu thưa chị? Lâu lắm rồi tôi không có tin tức gì về Khánh. Bặt tin nhau kể từ ngày mất Sàigòn, dễ chừng đã gần ba mươi năm.
Dũng thấy Ngọc Phượng cúi đầu, mắt long lanh như muốn khóc. Im lặng một lát như để nén xúc động, Phượng ngập ngừng:
- Anh Khánh mất đã gần 10 năm trong một tai nạn giao thông bi thảm. Những năm trước khi mất, anh Khánh thường nhắc đến anh và thường kể chuyện về anh. Vừa rồi nghe giới thiệu tên anh, tôi có cảm giác quen quen nhưng không chắc lắm. Đến lúc anh ôm đàn hát, tôi được dịp quan sát kỷ hơn và đã nhận ra anh Dũng vì lúc xưa anh vẫn thường đến nhà chơi với anh Khánh những ngày cuối tuần.
Dũng sửng sờ khi nghe Phượng kể về cái chết của Khánh. Nhưng cái rúng động toàn thân chính là chuyện gặp gỡ bất ngờ với “quá khứ” đêm nay. Ngọc Phượng sau gần ba mươi năm vẫn còn trẻ trung, vẫn còn phảng phất nhan sắc cũ so với tuổi gần năm mươi của nàng hiện tại. Thảo nào chỉ nhìn thoáng qua vai người đàn ông, chưa cần sự giới thiệu, anh đã nhận ra ngay người cũ, nỗi ám ảnh của một thời biết yêu, đã yêu và được yêu.
Dũng để ý thấy mấy người bạn ngồi cùng bàn với anh đang đứng dậy nhường ghế cho cặp vợ chồng bạn của Dũng mới đến. Họ lịch sự chào và tế nhị lảng sang bàn khác tìm người quen để nói chuyện. Dũng mĩm cười cảm ơn mấy người bạn và đưa tay mời vợ chồng Nam - Phượng ngồi vào bàn. Dũng nghe Nam nói cảm ơn rồi thấy Nam quay sang nói nhỏ với vợ:
- Em ngồi nói chuyện với anh Dũng nhé. Nhất là kể chuyện về anh Khánh cho anh Dũng nghe. Anh trở lại bàn cũ nói chuyện tiếp với mấy người bạn một chút. Độ nửa giờ sau, anh trở lại đón em và chúng ta sẽ về.
Quay sang Dũng, Nam nói tiếp:
- Cảm ơn anh Dũng nhé. Tôi đang dở dang câu chuyện với mấy ông bạn cố tri mới vừa gặp lại sau bao nhiêu năm không biết tin tức nhau. Hy vọng lần họp mặt năm tới ở San Jose, chúng ta sẽ lại gặp nhau. Tiện thể chúng tôi xin mời anh đến thăm nhà chúng tôi cho biết. Lát nữa anh sẽ quay lại đón em. Chào anh Dũng nhé. Lúc nãy anh hát hay quá. Lời ca dễ thương như đời lính chúng mình ngày xưa.
Dũng bắt tay cảm ơn người bạn mới quen (hay địch thủ từ bao năm qua?) và cũng thầm cảm ơn thái độ lịch sự rất đàn ông của Nam. Lúc Nam chuẩn bị bước đi, Dũng nói với theo Nam:
- Chào anh Nam, hy vọng chúng ta sẽ còn có dịp gặp nhau.
Dũng kéo ghế mời Ngọc Phượng sau khi đã xin thêm hai chiếc ly mới từ người service. Cả hai cùng bối rối không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu. Dũng biết rất rõ giọt nước mắt ngấn lệ trong mắt Phượng lúc mới gặp là do đâu. Dũng cảm thấy xót xa. Cho Phượng hay cho chính mình, anh mơ hồ không hiểu rõ. Nhưng nghĩ cho cùng thì điều đó đã không còn quan trọng, ít nhất là trong lúc nầy. Dũng suy nghĩ rất nhanh như đang đối mặt với trận tao ngộ chiến. Dũng lên tiếng trước đề đánh tan sự im lặng giữa hai người.
- Gặp Phượng bất ngờ quá nên quên hết mọi thứ và cũng không biết nói gì, không biết bắt đầu từ đâu. Anh rất vui được gặp lại em hôm nay và thật mừng thấy em có cuộc sống hạnh phúc. Nam là mẫu đàn ông lịch sự, tế nhị và có vẻ rất chìu chuộng phụ nữ, nhất là phụ nữ đẹp… Dũng lấp lững ở câu nói cuối.
- Cảm ơn anh. Gần ba mươi năm gặp lại nhau thật bất ngờ. Trong thâm tâm, lúc nào em cũng tin là anh đang sinh sống đâu đó trên nước Mỹ vì những năm sau nầy, càng lúc càng có nhiều người đến Mỹ chính thức trong diện H.O. Nhưng em không biết và cũng không ngờ sẽ có lần gặp lại như hôm nay. Trước khi mất, anh Khánh đã nhiều lần gởi tin nhắn trên nhiều phương tiện truyền thông để hy vọng liên lạc được với anh. Nhưng rồi cũng không có được tin tức nào rõ ràng. Một vài lần có người cho tin nhưng khi phối kiểm thì lại không đúng.
- Anh xin lỗi em. Mọi chuyện đã không còn như xưa. Gần 20 năm anh sống vật vờ trên sóng đời. Còn được như hôm nay và nhất là còn gặp lại em là điều an ủi lớn nhất của anh. Xin em hiểu cho, anh đã cố tình né tránh vì nghĩ chúng ta ai cũng đã có đời sống riêng, gặp lại nhau chỉ thêm bẽ bàng, ít nhất cũng làm chao động cuộc sống cho mỗi chúng ta. Điều ấy rất không nên. Ngày xưa nghe tin em có gia đình và có cuộc sống hạnh phúc, anh còn hồ nghi và một chút buồn giận. Bây giờ thấy em sống hạnh phúc là anh yên lòng và mừng cho em.
- Em cảm ơn anh. Anh Khánh nói không sai chút nào. Lúc nào anh cũng vậy.
- Cũng vậy là sao? Anh không hiểu em muốn nói gì.
- Em cũng không biết nữa. Lúc nào anh Khánh cũng khen anh là mẫu đàn ông ít nói, kín đáo và độ lượng nhưng em nghĩ kín đáo quá mức nhiều khi cũng trở thành bất lợi cho mình và khó nghĩ cho người khác.
Dũng có cảm giác như có ai đang hơ lửa gần mặt. Nhưng rồi anh trấn tỉnh lại ngay. Câu nói cuối của Phượng mang một chút hờn trách, hình như Phượng muốn ám chỉ anh đã cố tình câm nín và tránh né mọi người. Dũng không giận nàng nhưng cũng không muốn giải thích một sự việc đã qua và thực tế không còn gì để vướng bận, níu kéo. Tất cả đã trở thành kỷ niệm. Tất cả đã trở thành dĩ vãng. Nên giữ kỷ niệm như một vưu vật ngọt ngào là hơn, ít nhất cho riêng mình.
Dũng cười buồn, hai tay xoa xoa vào ly nước mát, đôi mắt đăm chiều xa vắng.
Anh lại nợ người bạn dưới mộ thêm một lần. Khánh thân với anh nên mới nói thế chứ thật ra, anh cũng phàm phu như bao người đàn ông khác trên đời. Nói khác đi, thì anh cũng bình thường như trăm ngàn người khác mà thôi.
Hội trường càng về khuya càng thưa người vì những cặp vợ chồng lớn tuổi, sau khi gặp nhau chúc nhau sức khoẻ, họ đã về sớm. Âm thanh ồn ào lúc bắt đầu của đêm liên hoan hội ngộ đã giảm. Vì biết thời gian không còn nhiều cho buổi gặp gỡ bất ngờ cuối năm. Phượng chỉ kể những nét chính về Phượng và gia đình nàng sau ngày rời đất nước. Từ Hoa Kỳ, Phượng đã òa khóc khi nghe tin Sài Gòn thất thủ, cả miền Nam bị cộng sản thôn tính. Tất cả viên chức Chính quyền và Sĩ quan quân đội miền Nam đều bị cầm tù trong các trại tập trung. Rồi bắt đầu phong trào vượt biên ồ ạt sau đó, Phượng đã theo dõi tin tức về người vượt biên suốt mấy năm liền với hy vọng có được tin của Dũng. Nhưng tất cả chỉ là vô vọng.
Kể chuyện về gia đình mình, Phượng cho biết ngoài cái chết thê thảm của Khánh vì tai nạn giao thông, trong ánh mắt u buồn và đau đớn, Phượng cũng cho Dũng biết Mẹ của Phượng cũng đã mất sau 3 năm sống ở Hoa Kỳ. Chính sự cô đơn sau những năm mất Mẹ, tin tức về Dũng thì hoàn toàn mù mịt. Cả nhà thì đều nghĩ rằng Dũng đã mất trong lao tù Cộng sản. Phượng không tin điều đó nhưng sống trong vô vọng. Cuối cùng rồi cũng phải nghe theo lời khuyên của gia đình. Mấy năm sau, Phượng đã chấp thuận lời cầu hôn của Nam.
Dũng lắng nghe câu chuyện Phượng kể với tất cả xót xa. Không ai muốn cuộc tình bị vỡ đổ. Tất cả chỉ vì hoàn cảnh và duyên số. Dũng rất muốn nắm tay Phượng để an ủi nhưng không dám và cũng không thể. Ở gần sân khấu, Nam đang bắt tay giã từ người quen rồi bước về phía bàn của Dũng và Phượng đang nói chuyện. Dũng thầm cảm ơn Khánh, dẫu bạn đã mất nhưng vẫn là nhịp cầu cho lần gặp trở lại của hai người. Nếu không, làm sao hai người có thể chuyện trò một cách tự nhiên. Và nếu không, ai biết được trong lòng người chồng của Phượng, Nam sẽ nghĩ gì khi ranh giới giữa cao thượng và hờn ghen chỉ là một sợi tơ mong manh.
Nam bước tới ôm vai vợ và vui vẻ bắt tay chào từ biệt Dũng:
- Thôi mình về lại khách sạn đi em. Xin chào từ biệt anh Dũng ở đây và tụi nầy xin cảm ơn các bạn đã tổ chức một buổi hội ngộ cuối năm rất thân tình, đầm ấm vui vẻ. Hy vọng năm tới chúng ta lại có dịp gặp nhau ở Bắc Cali.
Dũng vừa bắt tay Nam, vừa cúi nhẹ chào Phượng.
- Xin cảm ơn anh về lời mời cho lần gặp tới. Tôi cũng sẽ cố gắng thu xếp thời gian và việc làm để có thể đi xa một chuyến. Xin cảm ơn chị đã cho biết những tin tức về anh Khánh và gia đình. Nếu không có duyên may gặp gỡ lần nầy, tôi cũng đành chịu, tôi thật có lỗi với Khánh vì đã không biết một chút tin tức gì về người bạn thân của mình. Xin chị cho tôi chuyển lời kính thăm đến bác trai. Kính chúc bác năm mới nhiều sức khỏe và may mắn.
Dũng đưa hai vợ chồng Nam ra cửa, vừa đi vừa nói với hai người:
- Bên ngoài trời lạnh lắm. Rất may là hôm nay không có tuyết nhưng anh chị cũng nên cẩn thận lúc lái xe. Chúc anh chị ngày mai thượng lộ bình an. Dũng vẫy tay chào từ biệt hai người.
Gió lạnh bên ngoài thổi phật tà áo dạ hội của Phượng. Nhìn theo bóng hai người đang song song bước ra khu Parking Lot. Dũng nghĩ thầm không biết đây có phải là lần gặp cuối. Gió khuya đang rì rào trên ngọn những cây phong lá nhỏ ngoài bãi đậu xe. Dũng quấn thêm một vòng khăn len choàng cổ cho đỡ lạnh. Trong sân khấu hội quán, có tiếng ai đang hát một tình khúc mà lời ca như chính nỗi lòng của Dũng hiện tại. Dũng khe khẽ hát theo.
… Xin em hãy cho tôi tạ tình,
Khi em đã đi qua khoảng đời tôi.
Dù một khoảng khắc sớm phai tàn
Và lệ em rớt trên môi nhạt
Đôi mắt em rất buồn, đôi chúng ta rất buồn
Vạn câu tình cũ, xin gửi cho đời.
(Từ Công Phụng. Mắt Lệ Cho Người)
Lê Tấn Dương
(Đặc San Lâm Viên)
No comments:
Post a Comment