Friday, January 15, 2021

NGƯỜI ĐÀN BÀ HUNG DỮ
(Tác giả: Sóng Xô Về Đâu)

Sáng ra ....
Đang thơ thẩn bên ly café thì bên tai bỗng vang lên âm thanh chát chúa: “ĐM ! Tao biu mày giao cá diêu hồng - sao mày giao cá lóc”.

Người giao hàng đáp lại: “Bà vừa vừa phải phải thôi”.

Hai người hầu như ngày nào cũng hục hặc với nhau xung quanh mớ “hàng bông” giao mỗi sáng. Sự hỗn độn gây ra làm huyên náo cả góc đường vắng. Xung quanh tôi ai cũng ngước nhìn lên 5 giây, rồi lại cúi xuống ăn cho xong bữa sáng của mình. Dường như việc to tiếng ấy đã thành thói quen của bả. Và họ (bao gồm có cả tôi) đã không còn quan tâm nữa. Người đàn bà hung dữ! Nhưng hãy kiên nhẫn để đọc tiếp.

Trưa nắng

Trưa nào để dằn lại cái bụng đang đói, tôi cũng chọn xe cơm bình dân của bả làm điểm đáp. Hai mươi hai ngàn / 1 phần cơm. Món tàng tàng gì cũng có. Đồ ăn mặn ngọt được chủ quán nêm nếm vừa miệng. Cơm trắng thì ăn xả láng.

Bà chủ có “giang buôn bán” nên trưa nào cũng đông khách. Khách bình dân vào ào ào, đa số là mấy anh xe công nghệ (Grab xanh lá, Bee màu vàng, GoViet màu đỏ v.v…). Nhiều bữa còn có mấy chú kỹ sư Hàn Quốc thi công tuyến Metro lạng lạng vào ăn. Ban đầu bất đồng ngôn ngữ còn “ông nói gà - bà nói vịt” đến là buồn cười. Sau dần hiểu tánh ý nhau, chỉ cần chỏ ngón tay vào món cần ăn là bả đã hiểu ý khách. Đời cũng nhờ
thế mà nhẹ nhõm hơn nhiều!

Tôi ra trễ nên tự động xếp hàng chọn món, sau đó tự bưng cơm ra bàn. Không lại phải ngồi chờ và tiếp tục … nghe bả chửi khách. Ngó qua ngó lại hết chỗ, tôi ngồi đại xuống góc cây bàng cổ thụ bên đường. Kê dĩa cơm lên ngang miệng và bắt đầu "lua cơm". Ăn được mấy muỗng thì thấy đối diện mình là thằng bé bán vé số đen nhẻm, nhưng có nụ cười rất sáng. Nó cũng đang ăn ngấu nghiến như tôi.

- Chú ăn cơm thim hông? Cháu lấy luôn cho chú!

- Ừ! Lấy luôn giùm chú nghen.

- Dạ!

Vậy là tôi lại có thêm một người bạn "ngoài xã hội". Thật là vui và thích thú. Thiệt sự! Chỉ có mấy lúc tàng tàng ngồi vỉa hè như vầy, tuy vừa ăn cơm vừa hít bụi đường nhưng tôi thấy nó ngon gì đâu. Cơm xong. Đang ngồi xia xỉa hàm răng thì lại nghe bà bán cơm ong óng cái miệng:

- ĐM mày .... ĐM mẹ thằng nhóc bán vé số, mày đứng lại cho tao!

Thằng nhỏ bị bả rượt chạy chân vướng phải cái ghế đẩu – té ngã nhào. Tới bây giờ thì tôi đã mất bình tĩnh. Đứng chồm người dậy, tôi rướn người lên phía trước lấy thân mình che cho thằng nhỏ.

- Chị! Có gì thì từ từ nói, nó là con nít, nó đi bán vé số có bao nhiêu tiền. Của nó bao nhiêu tui trả!

- Nhiều chuyện. Tránh ra ...!

- Tui không nhiều chuyện nhưng tui thấy việc chướng mắt thì tui phải can thiệp.

Đám đông người ta bắt đầu bao vây chúng tôi. Bà bán cơm hung hãn gào lên:
- ĐM mày - thằng bán vé số đâu, bước ra đây!

Tôi “kê lưng” cho thằng nhỏ:
- Em bước lên đi, có gì anh bảo vệ em!

- Dạ ... (nó lúi nhúi bước lên)

- Giờ sao, bà nói đi! (Tôi căng giọng)

- ĐM - thằng nhóc mày nói đi!

- Dạ, dạ ! Con ăn cơm của cô, cô không lấy tiền con. Con để lại trên bàn biếu cô 1 tờ vé số! Cô không lấy, nên cô đuổi theo con trả lại ạ.

Đám đông vỡ lẽ, ai cũng ồ lên một câu rồi tự nhiên giải tán. Bà bán cơm từ từ hạ giọng:

- “ĐM mày .... tao thương mày, mày còn nhỏ lại bán buôn cực khổ. Tao không nỡ lấy tiền của mày. Nghe tao, cầm lại đi để rồi còn bán cho người khác”.

Sau khi nghe câu nói đó, không chỉ mình thằng nhỏ khóc mà tôi cũng ầng ậc ướt mắt …

Ở đời có những người cứ ong óng cái miệng nhưng lòng dạ lại thiện lương! Họ tồn tại hằng ngày xung quanh chúng ta. Từ những con người vĩ đại dễ dàng bắt gặp, cho đến những người bình dân hàng ngày ta thường chạm mặt. Có thể không gì to tát, nhưng trước khi phán xét ai - xin hãy bình tâm lại để cho chính bản thân mình sau khi nói ra những lời đó thì vẫn còn có một "đường lui". Đừng đánh giá con người ta qua vẻ bề ngoài. Đó là sai lầm của con người có suy nghĩ thiển cận.

Bà ta vẫn cứ ong óng cái miệng, chửi hết người này tới người khác. Đó là câu cửa miệng, là tính cách rồi. Nhưng thật dạ ... bà rất tốt và hiền lương. Cuộc đời này cần lắm những tấm lòng như thế. Dẫu bề ngoài hung dữ, nhưng trái tim của người đàn bà ấy thật đáng trân trọng biết bao.

(Sài Gòn,
Thật như là cuộc sống ...)

No comments:

Blog Archive