Buồn Thu
Nãi Thị Hà Nhân
Tôi có người bạn nói rằng nếu như thích nghệ sĩ, ca sĩ hay văn thi sĩ nào đó thì chỉ chừng đó, đừng nên tìm hiểu gì thêm vì biết nhiều sẽ làm lòng yêu thích của mình không trọn vẹn. Ngày trước ,,,vẫn cười nó quá khích, sau nầy cảm thấy không sai.
rạp Gia Hội điêu tàn
Có một ca khúc của một nhạc sĩ nói về nỗi đau đớn (của ông ta) khi phải chia tay với người mình yêu vì chàng đã có vợ, con mà nàng là một ca sĩ mầm non chưa có gia đình… Bản nhạc cảm động, buồn da diết (ít nhất với tôi), rồi một lần tôi vô tình thấy ông ta giới thiệu nhạc phẩm ấy của mình với gương mặt hớn hở, tươi vui như giới thiệu một bản nhạc tình hạnh phúc!
Tôi thích đọc truyện của một nữ văn sĩ người Huế vì lối văn là lạ và bà viết nhiều chuyện có vẻ rất thâm cung bí sử của Huế. Sau nầy mới biết là huyễn tưởng, bôi nhọ người khác bằng chữ nghĩa của mình.
Cũng như một nhà thơ nổi tiếng vì thơ cũng như tài nghệ có mấy người vợ ai cũng đều được cưới hỏi đàng hoàng vì chàng chuyên thuê người giả làm cha mẹ mình đến cưới.
Nhiều lắm ...
Không trách người mà chỉ trách mình dễ tin. Câu nói “văn là người” hẳn chỉ là câu nói khi trà dư tửu hậu.
Lắm khi nghĩ đến những ca nhạc sĩ hay văn thi sĩ, rồi nghĩ đến vợ hoặc chồng của họ, tôi thực sự bái phục; phải công nhận họ có cái đầu và trái tim bằng sắt. Tôi thì không đủ can đảm và trái tim tôi mong manh, yếu xìu, chết sớm vì ghen mất.
Huế thời xa xưa
Thu năm nay tới sớm và có lẽ mùa đông cũng tới sớm vì mới chớm thu trời đã lạnh hơn mọi năm. Trung thu năm nay trăng đẹp, không bị mây che mờ như những năm trước nhưng dịch cúm tàu nên đành nhà ai nấy ở. Xem phim xem truyện mãi cũng chán, vào thế giới ảo thì vừa hay người bạn chuyển cho nghe một bản nhạc do ca sĩ nội địa hát. Tôi vốn không thích nghe ca sĩ nội địa hát vì loại ngôn ngữ thiếu trước hụt sau, ngây ngô đến sợ; phục sức thì như những con rối rẻ tiền hoặc như nhà nghèo thiếu vải, hát không một chút truyền cảm. Ngay như họ hát "nhạc vàng”, cũng sao sao ấy.
Tôi không hiểu được mình đã nghĩ gì, có phải choáng váng? Tôi uống một ly trà nóng và xem lại. Cảm giác đầu tiên là tội nghiệp cho nhạc sĩ. Trịnh Công Sơn nếu còn sống, khi nghe mụ ca sĩ nầy hát nhạc của mình như vậy thì e là phải chạy ra sông Hương nhảy ùm xuống sông một phát cho hả tức hoặc chơi nguyên một chai Ông Già Cầm Gậy để lãng quên đời. Cảm giác kế tiếp là một con điên đang phê thuốc hát hò cho hạ hoả. Sau cùng là buồn … buồn ghê gớm ...
Bản nhạc được mụ ca sởi nầy hát tại Huế để kỷ niệm Trịnh Công Sơn!
Nếu như mụ hát ở Hà Nội thì cũng qua quít cho xong, nhưng mụ lại hát ở Huế, kỷ niệm ngày giỗ TCS. TCS được xem như là niềm hãnh diện của Huế (chúng ta không nói đến quan niệm chính trị) và thưởng thức nhạc của ông, dân miền Nam đều biết thưởng thức như thế nào, huống chi dân Huế. Để tác phẩm của “danh nhân” xứ mình bị chà đạp, hạ nhục như thế thì cà chua, trứng thối đâu sao không ném hoặc lôi đầu nó xuống mà vẫn ngồi xem như không có gì thì đúng là … "phi ní lô đia".
Huế huyền sử
Nhưng cũng không trách được, bởi Huế bây giờ không phải Huế xưa của những con đường êm ả, những ngôi nhà êm đềm sau những hàng rào bằng cây xanh ngắt đôi lúc chen lẫn những dây tơ hồng vàng ươm hay ẩn mình sau vườn cây rợp mát mà mỗi hoàng hôn, tiếng chuông chùa nhẹ như có như không cùng mùi hương trầm thoảng bay theo gió. Huế với những tà áo trắng e lệ, khép nép với mái tóc thề đen huyền che dưới chiếc nón bài thơ. Huế với áo dài … vâng, những tà áo dài rất đặc biệt của Huế, riêng Huế.
Cơn sóng đỏ đã cuốn phăng bao truyền thống, tinh hoa, văn hoá cùng những tà áo dài, những thiếu phụ dịu đàng, những mái tóc thề đen huyền của Huế! Nhìn những cô gái, những người đàn bà nhuộm tóc hung như râu bắp, áo dài màu mè, kệch cỡm, màu sắc như chưởi nhau hay những cái áo đầm "thời thượng" quê mùa, những quần tây, áo rộng hở vai, hở ngực được khoe nhặng trên “nhà” và bạn bè của họ, tôi đã ngẩn ngơ tự hỏi: "đàn bà Huế đây ư?”
Đâu rồi những tà áo dài trắng như những bông hoa nở rộ, như những cánh bướm lượn lờ, hay những tà áo màu rất dịu, rất trầm rất “cố đô”.
Đâu rồi những cô gái, những người đàn bà Huế ngày xưa đã khiến tôi một thời ngưỡng vọng, cố bắt chước để có được một chút gì của Huế!!!
Mà đâu riêng gì Huế. Cả miền Nam đều đã không còn!
Huế cắm sừng 2019
Tôi đã ngơ ngác thật lâu giữa những con đường, những khu phố, nhìn những người quanh mình. Tôi như lạc vào một thành phố nào đó, không phải là Sài gòn của tôi; mọi thứ đều xa lạ, từ kiến trúc, con người và ngay cả ngôn ngữ.
Lẽ ra tôi không nên trở về để trong lòng vẫn còn giữ mãi mùi hương ngọc lan của những tháng ngày lang thang trên những con đường Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Tú Xương, Lê Ngô Cát. Những ngày mưa nhìn lá me rơi trước trường Quốc Gia Âm Nhạc hay lượm những con cà cuống dưới những gốc cây trước trường Gia Long sau mỗi cơn mưa mà chúng tôi vẫn gọi đùa là trường Mao Bì. Hình như tôi đã khóc. Không! Thật ra tôi đã khóc và đó là lần duy nhất tôi trở lại Sài gòn.
Hãy ngủ bình yên trong đáy tim tôi, để đôi khi nhớ lại, lòng tôi sẽ rưng rưng, sẽ ngậm ngùi để nhớ về một nơi từng là quê hương của mình, một quê hương vàng son rất đẹp, rất thơ nay đã không còn.
"Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?" (thơ Vũ Đình Liên)
Nói mấy cũng không cùng!!!
PS: Không post video vì sợ bẩn nhà mình nhưng bạn nào muốn xem cho biết sự đời thì vào Youtube gõ Hạ Trắng, thanh lam. Lâu rồi, đã mấy năm nhưng cũ người, mới ta.
No comments:
Post a Comment