Tuesday, January 6, 2009

TÌNH YÊU VÀ ĐỊNH MỆNH

Lê Bá Thông
==========
Lời Mở Đầu
Tình Yêu và Định Mệnh là một truyện hồi ký dã sử tiểu thuyết ghi lại biến cố xảy ra trong ngày 30 tháng 4 năm 1975 và chuyện tình của hai nhân vật trong cuộc di tản đi tìm Tự Do.
Trừu tượng hóa nhân vật để đưa họ vào biến cố thật sự xảy ra trong lịch sử của dân tộc. Tiểu thuyết hóa dữ kiện để tạo nên tính cách hấp dẫn của một tập truyện.
Ghi chú của tác giả
Tập truyện dài này là một sản phẩm tiểu thuyết. Những nhân vật, tên tuổi, địa danh đều được tiểu thuyết hóa. Tất cả sự trùng hợp nếu có hoàn toàn ngoài ý muốn của Tác giả.
=======
Chương Một
Từng loạt súng tiểu liên “ tạch...tạch...tạch...” nghe vọng lại từ phía dinh Độc Lập hòa lẫn vào tiếng xe gắn máy, honda, vespa, và tiếng còi xe hơi inh ỏi. Đoàn người bồng bế dìu dắt vợ con, tay xách va li hành trang, mặt mày hớt hơ hớt hải, chen chúc chạy tràn ngập đường Thống Nhất, đi về hướng Tòa Đại Sứ Mỹ, nơi mà mọi người đều nuôi hy vọng sẽ được may mắn leo lên một trong những chiếc trực thăng di tản dân chúng Sài Gòn ra các chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm đội đang bỏ neo ngoài khơi hải phận Việt Nam.

Những ngày cuối cùng của chính phủ Nguyễn văn Thiệu đã kéo theo sự sụp đổ của miền nam Việt Nam khi Hoa Kỳ bắt đầu bí mật tổ chức cho nhân viên thuộc các cơ quan Mỹ chuẩn bị kế hoạch rút ra khỏi Sài gòn và các tỉnh miền Tây. Thân nhân và gia đình các người Việt Nam làm việc với Mỹ đã được thông báo thu góp vàng bạc, đô la...tài sản và lên phi trường Tân Sơn Nhất đáp các chuyến máy bay dân sự, quân sự bay ra ngoại quốc trong khi các đơn vị quân đội đang tìm cách tái tổ chức, lập phòng tuyến ngăn chận sự tiến quân của Cộng sản.

Gia đình của Đại tá Quả cũng đang bàn định và thu góp những đồ vật quí giá, chia tiền đô la cho ba đứa con, dấu trong chiếc bao vải, mang vào thắt lưng. Chiếc xe Jeep đã nổ máy chờ sẵn trước sân nhà trên đường Công Lý. Diễm Tú, cô gái đầu của Đại tá Quả có vẻ như đang suy nghĩ một điều gì, dùng dằng không muốn theo bố mẹ và hai em trai ra xe lên phi trường Tân Sơn Nhất.

Tâm tư của cô gái vừa lên 20 tuổi, nữ sinh trường Đại học Văn khoa Sài gòn, đang vấn vương lo lắng và buồn nhớ về Phan, đã theo chiến hạm đi công tác ngoài đảo Phú Quốc. Chuẩn úy Hải quân Hoàng thanh Phan, Cơ khí trưởng một Tuần duyên hạm, được tăng phái cho Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Duyên hải gần một tháng nay, sau khi Huế thất thủ và dân chúng cũng như binh lính, công chức được các chiến hạm Hải quân chuyên chở ra tạm trú tại An Thới, Phú Quốc.

Trong lá thư Phan gửi về cách đây năm ngày, Phan tin cho Diễm Tú biết là anh sẽ trở về Sài Gòn sáng sớm hôm sau và có lẽ chiến hạm sẽ cặp bến Bạch đằng trể lắm là ngày 28 tháng 4, tức là ngày hôm nay. Phan mong được đón Diễm Tú và gia đình tại bến tàu để yêu cầu Đại úy Dõng, Hạm trưởng Tuần duyên hạm cho quá giang ra An Thới trong trường hợp Sài Gòn thất thủ. Diểm Tú đã đưa lá thư trên cho bố mẹ đọc nhưng hai ông bà không chịu ở thêm một ngày nữa và nhất là Đại tá Quả không muốn ra An Thới vì ông đã được một Cố vấn Mỹ lo phương tiện cho gia đình bay qua Subic Bay rồi đi Mỹ. Diễm Tú phân vân với quyết định của bố mẹ và của mình. Nàng thương bố mẹ nhưng cũng rất yêu Phan, mối tình đầu của nàng. Diễm Tú muốn gặp Phan lần cuối trước khi theo cha mẹ. Tuy nhiên với quyết định của gia đình, nàng rất đau khổ và đành phải thu dọn kỷ vật của hai đứa, những hình ảnh và thư từ, bỏ vào trong chiếc ví nhỏ, sau đó để lại lá thư của nàng gủi cho Phan, trên chiếc bàn giữa phòng khách và nhờ chú Năm, em họ của bố, và cũng là bạn của Phan, người sẽ dọn vào ở tại căn nhà này sau khi gia đình Đại tá Quả rời Việt Nam, đưa cho Phan trong trường hợp Phan đến nhà tìm Diễm Tú. Trong thư, Diễm Tú cho biết dự tính của gia đình là sẽ qua Mỹ tỵ nạn và nàng chắc rằng Phan cũng sẽ rời Việt Nam, hai người sẽ liên lạc và gặp nhau lại tại Mỹ.

Chiếc xe Jeep vượt qua cổng gác của đơn vị Hoa Kỳ tại phi trường Tân Sơn Nhất, giữa đám người đủ mọi thành phần cố gắng và năn nỉ các lính Thủy quân lục chiến Mỹ được vào để lên những chiếc phi cơ đang tuần tự nối tiếp nhau cất cánh.

Căn phòng ngồi chờ chuyến bay kế tiếp đầy ngập thân nhân và gia đình của các nhân viên và Sĩ quan cao cấp quen biết hoặc làm việc với Mỹ. Tiếng cười nói ồn ào, mùi nước hoa xông lên nồng nặc trong căn phòng chật hẹp làm Diễm Tú cảm thấy khó chịu và buồn nôn. Đại tá Quả đang đứng nói chuyện với người Cố vấn Mỹ cuối góc phòng, ba hoa mai bạc vẫn còn lóng lánh trên cổ áo trận rằn ri. Nhìn những khuôn mặt xa lạ đang xúm xít chung quanh mình, tiếng nói lao xao hòa lẫn với tiếng loan báo bằng tiếng Mỹ gọi tên người di tản lên máy bay, Diễm Tú cảm thấy niềm chua xót, lạc lõng và rồi ý nghĩ liều lĩnh, một quyết định bỗng chợt đến trong tâm tư của nàng, Diễm Tú không cần suy nghĩ thêm, do dự và nói với mẹ cần đi “toilet”, nàng ôm mẹ hôn vào má thật lâu làm bà hơi ngạc nhiên; Diễm Tú xoay lại hôn hai đứa em trai Toàn và Thắng, rồi lấy chiếc va li nhỏ đựng hành trang của mình đi vào phòng vệ sinh phía sau căn nhà vòm mái tôn. Sau đó, Diễm Tú đi vòng quanh ra trước căn nhà, bắt đầu chạy qua sân cỏ cạnh cổng trại lính, về phía khu nhà ở của dân chúng cách đó chừng hơn năm trăm thước chận một chiếc xe Jeep do quân nhân Mỹ lái chạy ngang, Diễm Tú đưa tay ra hiệu xin quá giang rồi leo lên xe đi ra khỏi cổng. Sau lưng nàng, những chuyến máy bay di tản lần lượt cất cánh rời phi đạo bay về hướng đông nam, ra biển Thái Bình Dương.
*****
Mặt trời tỏa tia nắng chói chang xuống biển đông trong một buổi trưa cuối xuân. Từng đợt sóng dài theo hướng đông nam, hướng đảo Côn Sơn làm tăng thêm tốc độ của chiếc Tuần duyên hạm (PGM) do Hải quân Đại úy Ngô Dõng, Hạm trưởng đang hai máy tiến “full”, hải hành về Sài Gòn với vài gia đình Sĩ quan cao cấp thuộc các quân binh chủng một tuần trước đây đã di tản từ miền trung về An Thới. Từ xa thành phố Vũng Tàu hiện ra và lớn dần với ngọn núi nằm về hướng chếch mủi phía hữu hạm.
Đại úy Dõng đứng trên đài chỉ huy của chiếc chiến hạm loại nhỏ, thỉnh thoảng nhấc chiếc ống nhòm đeo ở cổ, quan sát vị trí chung quanh trong lúc Thiếu úy Toàn Hạm phó đang chăm chú định vị trí chiến hạm trên hải đồ. Tiếng máy tàu nghe thật rõ và thân tàu rung nhẹ, nhồi sóng rồi từ từ theo hải lộ tiến vào vịnh Vũng Tàu, chiếc phao đánh dấu “London Maru” nằm bên hữu hạm đong đưa theo lượn sóng khi chiến hạm chạy ngang qua. Đại úy Dõng nhìn trong ống nhòm vào thành phố Vũng Tàu, trước mắt là cảnh tượng làm cho Dõng bâng khuâng. Trên các đường phố, bờ biển Bãi trước, từng đám người xuôi ngược đông nghẹt, dân sự chen lẫn quân nhân trong chiến phục đủ màu, rằn ri đang di chuyển, giữa đoàn xe Jeep, xe du lịch... hướng ra phía các bến tàu đậu, về ngả Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 3 Duyên hải, đi ngược về Căn cứ Yểm trợ Tiếp vận Cát Lỡ... Nhiều chiến hạm đủ loại như Hải vận hạm, Dương vận hạm, Hộ tống hạm... neo trong vịnh, cũng đang rộn rịp trên boong trước, boong sau với binh sĩ và gia đình, có lẽ cũng đã di tản vào từ miền Trung.

Chuẩn úy Cơ khí trưởng Phan từ hầm máy bước lên, bộ áo màu xanh xám Hải quân và hai tay dính đầy dầu cặn, báo cáo cho Đại úy Hạm trưởng biết là máy chánh tả của chiến hạm cần sửa chữa vì ống dẫn dầu bị thủng, có lẽ phải mất độ vài giờ, trước khi hải hành vào sông Lòng Tào. Đại úy Dõng nhìn đồng hồ tay, đã gần hai giờ chiều, ngày 28 tháng 4. Vừa báo cáo xong, Phan trở xuống phòng máy, lòng lo lắng suy nghĩ về lá thư anh đã gửi cho Diễm Tú và yêu cầu nàng ra bến Bạch đằng gặp Phan vào ngày hôm nay hoặc ngày mai. Anh hy vọng sẽ sửa chữa xong gấp máy chánh tả để chương trình có thể tiến hành đúng theo dự tính và tàu sẽ cặp bến trể lắm là tối nay và Phan sẽ gặp Diễm Tú tại Sài Gòn.

Đại úy Dõng ra lệnh gọi nhiệm sở vận chuyển và neo tàu tại một vị trí xa các chiến hạm khác và nằm ngoài hải trình chính từ Sài Gòn ra biển. Ông ra ngoài thông báo cho những Sĩ quan quá giang và cho biết lý do chiến hạm cần sửa chữa máy. Xong xuôi Đại úy Dõng lên máy liên lạc với Bộ Tư lệnh Hạm đội, báo cáo tình trạng chiến hạm cũng như thời gian phỏng định đến Quân cảng Sài Gòn vào khoảng từ 7 giờ đến 8 giờ tối và được chỉ thị chiến hạm cặp tại vị trí 2 cầu F thay vì vị trí 3 cầu A như đã được chỉ định trước đây vì giờ đến của chiến hạm đã bị thay đổi và đình trệ. Đại úy Dõng tin cho Phan biết quyết định trên của Bộ Tư lệnh Hạm đội, thêm một mối lo âu trong tâm tư của người Sĩ quan Hải quân trẻ tuổi vì sợ không biết Diễm Tú có tìm ra chỗ tàu đậu hay không. Tuy nhiên vì phải lo cho chiến hạm, Phan đành phải gạt ý tưởng riêng tư qua một bên và tiếp tục với chức vụ Cơ khí trưởng cặm cụi thay ống dẫn dầu và sửa máy chánh tả.

Trời nổi giông lớn khoảng nửa giờ trước khi hai máy tàu khiển dụng trở lại. Từng cơn sấm chớp nổ ầm rầm trời rồi mưa rơi như trút, xuống vùng biển Vũng Tàu. Những cơn mưa giông vào cuối tháng 4 thường xảy đến vào xế chiều tại khu vực Vũng Tàu và Sài Gòn, mưa nhiều, sấm chớp dữ dội nhưng cũng chấm dứt rất nhanh và khí hậu cũng bớt oi bức hơn trước. Một chiếc lẹm dài vắt ngang bầu trời bắt đầu trong xanh trở lại về phía hai nhánh sông Soài Rạp, Lòng Tào, hướng Sài Gòn với rừng dừa nước thấp lè tè hai bên bờ sông không rộng lắm.

Đại úy Dõng chờ cho trời quang đãng, rồi mới ra lệnh nhổ neo hải hành hai máy tiến “full” trực chỉ về Sài Gòn trong khi Phan đứng trên boong sau chiến hạm lòng nôn nóng gặp lại được người yêu mà có lẽ giờ này đang bước vội trên bến Bạch Đằng, đi tìm chiến hạm của người Sĩ quan lính biển, bạn của chú Năm mà nàng đã yêu gần hơn hai năm nay từ buổi đầu gặp gỡ trong buổi tiệc mừng ngày tốt nghiệp Trung học do bố tổ chức ở nhà. Chiếc đồng hồ treo trên vách đài chỉ huy chỉ 5 giờ chiều, mặt trời vẫn còn tỏa tia nắng le lói xuyên qua các cụm mây xám của trận mưa giông lơ lửng bay về cuối trời tây. Khi chiến hạm vào đến cửa sông Lòng Tào, vị Hạm trưởng tàu phải ra lệnh giảm máy xuống còn “tiến ba” để tránh nguy hiểm vì các tàu thuyền đủ loại đang chạy ra nhiều. Lưu thông trên giang lộ này trở nên rộn rịp hơn khi chiến hạm tiến về gần Căn cứ Yểm trợ Tiếp vận Hải quân Nhà Bè. Nhiều thuyền bè lớn nhỏ vội vã chạy ra từ phía thượng giòng, trên boong tàu chen chúc dân chúng già trẻ lớn bé, binh lính đủ mọi thành phần, đứng nhìn chiến hạm của Dõng chạy qua với ánh mắt ngạc nhiên vì thấy tàu đang trực chỉ ngược chiều với họ. Đại úy Dõng đặt ống nhòm nhìn vào bờ, về phía Căn cứ Nhà Bè và yên lòng hơn khi thấy sinh hoạt trong Căn cứ có vẽ rất bình thường, trên các chiến đỉnh của Giang đoàn về sửa chữa, nhân viên vẫn ngồi sơn thành tàu, gỏ sét như thường lệ. Trên sông, một vài Monitor và LCVP thuộc Giang đoàn Xung phong trú đóng tại đây thả dọc tuần tiểu trên sông Nhà Bè nước đục ngầu, chảy mạnh theo ngọn thủy triều ra biển.

Từ xa ngọn đèn đỏ tại ngả ba Nhà Bè nhấp nháy, lắc lư trong cơn gió chiều của một buổi hoàng hôn đang buông trùm trên dòng sông chiến lược, hải trình huyết lộ của dân Sài Gòn đang tìm đường ra biển đông tránh nạn chiến tranh đang ngày càng tiến gần về Thủ đô của nước Việt Nam Cọng hòa.
*****
Chiếc xe thồ honda dừng lại trước căn nhà của Đại tá Quả, Diễm Tú lấy tiền trả cho người chủ xe rồi lấy chiếc chìa khóa dấu dưới tấm thảm chùi chân trước cổng chính mà bố đã để lại cho chú Năm, đang từ Khánh Hội dọn dẹp đồ đạc dọn qua nhà của người anh họ này. Nhìn căn nhà yêu dấu nơi mà nàng đã sống suốt cuộc đời con gái, nay thiếu bóng dáng những người thân yêu, Diễm Tú cảm thấy một nỗi buồn trống vắng dâng tràn trong tâm tư, nàng gạt đôi dòng lệ đang tự động chảy dài trên gò má, nàng đã đi đến một quyết định có ảnh hưởng cho cuộc đời của không những cá nhân nàng mà cho cả gia đình, cho cả người yêu thủy thủ. Nàng hy sinh đời sống an toàn dưới sự che chở, chăm sóc thương yêu trìu mến của bố mẹ và chấp nhận một hành trình không tương lai, không chắc chắn chỉ vì Diễm Tú không muốn Phan phải thất vọng khi biết nàng không chờ người yêu, đã theo cha mẹ, chạy ra ngoại quốc và không giữ lời thề nguyền ước hẹn của hai người.

Diễm Tú đi vào phòng ngủ của nàng, chiếc giường và đồ đạc vẫn như cũ, bức hình do Phan chụp Diễm Tú trong chuyến dạo chơi trong Thảo Cầm viên Sài Gòn của hai ngườiù để trên ngăn tủ, rớt xuống đất vỡ tan tành khi nàng vói tay lấy chiếc bóp da nằm cạnh bên để lấy số tiền Việt Nam của nàng bỏ lại khi lên xe theo bố mẹ ra phi trường Tân Sơn Nhất sáng sớm hôm nay. Diễm Tú biết rằng cho đến giờ phút này nàng vẫn cần số tiền đó vì đang ở tại Việt Nam chờ đợi gặp lại Phan. Những tờ giấy bạc năm trăm, một ngàn đồng không bao lâu sẽ trở thành vô giá trị khi miền nam Việt Nam mất vào tay Cộng sản. Diễm Tú nhét vội xấp tiền vào chiếc xách tay, mở tủ lạnh, rót ly nước, uống một ngụm thật dài, nước mát lạnh làm nàng qua khỏi cơn khát đang làm khô cả cỗ họng.

Sau đó Diễm Tú xách chiếc va li nhỏ vội vàng đi ngang qua phòng khách ra khỏi nhà, khóa cửa lại và để chiếc chìa khóa cổng chính dưới tấm thảm chùi chân như trước. Chiếc bì thư với hàng chữ: “ Nhờ chú Năm trao lại cho anh Phan, xin cám ơn chú. Diễm Tú” vẫn còn nằm ngay ngắn trên chiếc bàn của bộ xa lông tại phòng khách. Trong giây phút bối rối, Diễm Tú đã quên không lấy lại lá thư mà nàng định nhờ người chú họ trao lại cho Phan, người yêu của mình và cũng là bạn của chú Năm vì nàng nóng lòng vội vã đi ra bến Bạch Đằng với hy vọng sẽ gặp Phan đang chờ đón gia đình mình.

Tiếng xe cộ chạy rầm trời, tiếng còi xe hơi, xe gắn máy ầm ĩ chung quanh chiếc taxi của người tài xế già đang càu nhàu và cố gắng né tránh đoàn xe vô trật tự chạy tứ tung trên con đường dẫn ra công trường Mê Linh. Diễm Tú, tay ôm chặt chiếc xách, mồ hôi lấm tấm trên vầng trán cao vì không khí nóng nực và oi bức trong chiếc taxi nhỏ, bức rức nhìn ra hai bên đường Công lý, Thống Nhất, Trần Hưng Đạo, Tự do...đầy rẫy làn sóng người, thẫn thờ chen chúc đi, chạy vội vàng, xuôi ngược về nơi không định hướng. Mọi người đều hoảng sợ và lo lắng sau các cuộc pháo kích vào ngoại ô thành phố Sài Gòn, chung quanh phi trường Tân Sơn Nhất, nhất là biến cố thả bom của các phi công phản bội dân tộc thuộc Không quân Việt Nam Cọng Hòa đầu thú Cộng sản, lái phi cơ A-37 oanh kích Dinh Độc Lập trong những ngày qua. Những tin tức loan báo và truyền miệng về hoạt động của quân đội chính quy Cộng sản Bắc Việt với sự yểm trợ của xe tăng T-54, đang ào ạt và hùng hổ tiến về phía Biên Hòa, Củ Chi, Bình Long... càng gây hoang mang và tạo sự bất ổn, hỗn loạn cho dân chúng Sài Gòn. Thêm vào đó, tin tức về việc Đệ Thất Hạm đội gửi máy bay trực thăng vào đón các nhân viên sứ quán Hoa Kỳ, và sự kiện Mỹ bỏ rơi miền nam Việt Nam làm cho mọi người tiên đoán tình trạng sụp đổ của đất nước sẽ không còn bao lâu nữa. Vì thế mọi tầng lớp dân chúng cư ngụ trong thành phố, những người có máu mặt, tiền của dư thừa, quen lớn hoặc có phương tiện đã tìm đường bay ra ngoại quốc từ một hai tuần trước. Phần còn lại, thu góp tài sản đã dành dụm từ lâu, tổ chức mua tàu, theo lộ trình sông Sài Gòn ra biển lánh nạn với hy vọng tàu Mỹ sẽ cứu vớt họ ngoài khơi.

Diễm Tú lặng nhìn và xót xa khi thấy những đồ đạc, va li hành lý, xe vespa xẹp lốp, xe gắn máy hư hỏng bị bỏ lại... nằm rải rác hai bên đường trên các đại lộ dẫn ra công trường Mê Linh. Trên không trung, dưới bầu trời với nhiều cụm mây xám cuồn cuộn kéo về từ phía đông của một buổi xế chiều cuối mùa xuân, từng chiếc máy bay trực thăng nối đuôi nhau, ì ầm bay về phía đông nam, hướng ngón tay trỏ của bức tượng Thánh tổ Hải quân, Đức Trần Hưng Đạo, oai nghiêm, hùng dũng... trầm ngâm đứng nhìn đàn con Việt Nam, đang lũ lượt dùng thuyền bè, xuôi dòng nước đục ngầu đầy phù sa chạy ra biển Nam Hải để lánh nạn Cộng sản độc tài.

Chiếc xe taxi ngừng lại bên cạnh bờ sông bến Bạch đằng, bên trái nhà hàng ăn nổi Mỹ cảnh trên sông Sài Gòn. Diễm Tú móc hai tờ một ngàn đồng, đưa cho ông tài xế già và cám ơn ông ta sau đó xách va li đựng hành lý, hòa mình vào đám đông dân chúng, đi vội dọc theo bến Bạch đằng về phía cổng Bộ Tư Lệnh Hải quân với hy vọng nhìn thấy người Sĩ quan lính thủy dáng người cao ráo, mảnh khảnh đang đứng chờ người yêu tại cầu tàu đầu tiên có mang chữ A như trong thư của Phan viết và hẹn gặp Diễm Tú tại đây.

Trên sông Sài Gòn, chiến đỉnh Hải quân giang hành với các thủy thủ trong tình trạng tác chiến, mặc phao nổi nón sắt, các khẩu đại bác được tháo bỏ bao súng, như chuẩn bị và sẵn sàng tác xạ khi cần thiết. Từ phía Thủ thiêm, tàu thuyền đầy ấp dân chúng, chen chúc nhau trên khoan thuyền, trên boong tàu, di chuyển về phía cầu Tân Thuận. Bến Bạch đằng nay đã trở thành một nơi tập trung của rừng người, già trẻ lớn bé, tay bồng tay xách vali hành trang cá nhân, mặt mày hốt hoảng, tiếng gọi nhau, nói chuyện ồn ào. Người dân Sài Gòn đang tìm phương tiện còn lại duy nhất để ra khỏi Thủ đô miền nam Việt Nam, đó là những chiến hạm Hải quân cập cầu từ bến Bạch đằng vào tận Bộ Tư lệnh Hạm đội trong Hải quân Công xưởng; thương thuyền tàu bè tại Thương cảng và xà lan của Mỹ dùng để chuyên chở người di tản ở Tân cảng. Ngoài ra các ghe tàu dân sự có khả năng đi biển cũng được người Tàu Chợ lớn tổ chức, hùn tiền mua và di chuyển tài sản, gia đình bà con thân thuộc rồi thuê mướn các binh sĩ thuộc mọi Quân binh chủng bảo vệ tàu của họ, không cho dân chúng khác lên tàu.

Con đường dẫn vào cổng Bộ Tư lệnh Hải quân dọc theo bến tàu, từ công trường Mê Linh, bị chận lại bằng hàng rào dây kẽm gai, do các lính Hải quân hờm sẳn súng M16, nghiêm nghị đứng gác và kiểm soát, hỏi giấy tờ người ra vào vì có tin đặc công Việt cộng đã trà trộn vào dân chúng, với ý đồ phá hủy chiến hạm, ngăn ngừa tàu di tản ra khỏi Sài Gòn.

Diễm Tú lo âu khi nhìn thấy cạnh cầu A, hai chiến hạm loại lớn đang cập, không thấy bóng dáng của chiếc Tuần duyên hạm, nhỏ nhắn mà nàng đã biết khi được Chuẩn úy Phan mời xuống thăm tàu và giới thiệu vài người bạn cùng khóa và Sĩ quan chiến hạm vào những lần trước đây. Nước mắt lo âu bắt đầu chảy dài xuống gò má ửng hồng vì cơn nóng oi bức buổi chiều của người con gái có mái tóc cắt ngắn, khuôn mặt trái soan dễ mến. Diễm Tú nhìn đồng hồ tay, đã hơn sáu giờ chiều, nàng tần ngần đứng suy nghĩ, phân vân không biết nên đứng chờ giữa làn sóng người đang lũ lượt ngược xuôi bên cạnh, hay đi tìm chiến hạm của Phan. Nàng chợt nhớ đến bức hình Phan trong Quân phục Tiểu lễ Hải quân mà nàng có mang theo, có thể đây là giấy thông hành giúp nàng đi vào được khu vực do Hải quân kiểm soát. Diễm Tú để va li bên cạnh chiếc ghế đá trong công viên, mở xách tay, vội vàng lấy bức hình của Phan tặng nàng, ngắm nhìn rồi hờn tũi cho thân phận, nước mắt nhỏ giọt trên tấm ảnh người Sĩ quan, đang mỉm cười như muốn an ủi người yêu.

Diễm Tú lấy hết can đảm, đánh bạo đi về phía người Hạ Sĩ quan có vẻ là trưởng toán lính gác, rụt rè nói:
“ Dạ xin lỗi ông, tôi là thân nhân của Chuẩn úy Phan, Sĩ quan cơ khí của Tuần duyên hạm Hải quân. Anh Phan viết thư cho tôi biết là ngày hôm nay tàu sẽ về đến bến và đậu tại cầu kia...”, Diễm Tú chỉ tay về phía cầu A bên tay mặt rồi ngập ngừng nói tiếp:
“Mà...ừ... tôi không thấy... ông có thể cho tôi biết tin tức về...à...của Chuẩn úy Phan được không ạ? Dạ tôi có mang theo đây bức hình của anh Phan...”
Diễm Tú không chấm dứt câu nói, ngừng lại rồi lễ phép tay run nhẹ, đưa chiếc ảnh của Phan cho người Hạ Sĩ quan.
Vị Thượng sĩ trưởng toán, có lẻ quá bận rộn với nhiệm vụ suốt ngày, mặt mày không được vui và mệt mỏi, miễn cưởng cầm tấm hình liếc sơ rồi trả lời:
“ Rất tiếc, tôi không có tin tức gì về chiếc PGM này cả, chỉ có Bộ Tư lệnh Hạm đội mới có tin tàu về bến thôi, mà tôi chắc chắn là họ cũng không cho người dân sự biết đâu.”
Người Thượng sĩ già đưa trả chiếc ảnh lại cho Diễm Tú, đang tần ngần thất vọng với nước mắt rưng rưng, đôi vai rung nhẹ, đầu hơi cúi xuống:
“ Tuy nhiên nếu cô muốn đi tìm chiến hạm này, cô có thể đi dọc vào các cầu tàu B, C, D...F... nằm dọc theo bến tàu vào tận trong Ty Quân cảng gần bên Thị Nghè. Tôi không biết tàu đã về chưa, nếu đã về bến thì sẽ cặp tại một trong các cầu tàu đó. Tôi cho phép cô vào để tìm Chuẩn úy này và chúc cô may mắn.”
Ông Thượng sĩ Hải quân dừng nói, quay lại ra lệnh cho người thủy thủ trẻ tuổi đang đứng cạnh bên chăm chú nghe cuộc đối thoại và có vẻ rất vui khi nghe quyết định của cấp chỉ huy, mở hé hàng rào dây thép gai cho cô gái dáng người mảnh mai, tay xách va li, rối rít cám ơn hai quân nhân tốt bụng, thông cảm cho người cô thế. Diễm Tú thầm cám ơn Trời Phật đã giúp nàng gặp ông Thượng sĩ nhân từ và rất hãnh diện đã quen biết và yêu hết lòng một Sĩ quan thuộc Quân chủng nổi tiếng hào hoa, phong nhả với mọi thành phần quân nhân có trình độ trí thức cao như Hải quân.

Vừa suy nghĩ vừa rảo bước dọc theo cầu tàu, mắt nhìn tìm kiếm chiếc tàu của Phan, chẳng mấy chốc, Diễm Tú đã đến cầu C cuối đường, vẫn không thấy bóng dáng người Sĩ quan của nàng. Những chiến hạm loại hả mồm lớn mà Phan thường giải thích cho Diễm Tú biết đó là loại tàu chuyên chở lính và xe tăng, xe thiết giáp, loại tàu đổ bộ, đang cặp tại hai cầu B và C. Trên boong chính, quân nhân mặc quân phục rằn ri, áo quần trận thuộc mọi Quân binh chủng, dân sự, đàn ông đàn bà trẻ con đầy nghẹt như kiến. Có lẽ tàu đang chuẩn bị ra khơi, trên cầu tàu, xe vespa, lambretta, honda, mobilette...xe đạp, xe hơi đủ loại nhan nhản đậu khắp bờ cỏ, bên vệ đường. Tiếng máy phóng thanh trên chiến hạm loan báo tin tức, tìm kiếm thân nhân hòa lẫn với nhạc quân hành vang dội cả một bầu trời bắt đầu xám xịt báo hiệu cơn mưa giông thường lệ vào xế chiều sắp đến trên vùng trời Sài Gòn. Thế rồi mưa bắt đầu rơi nặng hột với tiếng sấm long trời như súng pháo kích của địch quân, những làn sét chớp nhoáng vạch thành tia sáng ngoằn ngoèo giữa đám mây đen vần vũ bao kín bầu trời, tiếp theo sau đó tiếng sấm nổ vang dội khắp nơi.

Diễm Tú vội vàng rời bến tàu, không dám núp dưới các vòm cây bên đường vì sợ có thể bị sét đánh như bố mẹ thường dặn dò, nàng chạy về con đường phía tay trái, vào trú ẩn dưới mái nhà trong sân quần vợt đối diện với cổng trại có bảng hiệu “Hải quân Công xưởng” với lính kiểm soát và đang hờm súng đại liên chĩa ra phía hai bên đường. Mưa ào xuống như trút, nước chảy ngập con đường đầy rẫy các xe gắn máy và xe đạp ngổn ngang chắn hết lối đi. Diễm Tú nhìn thấy nhiều đám người đang trú ẩn rải rác dưới hiên nhà dọc theo đại lộ này, những ngưới núp tránh mưa đứng bên cạnh đang lo lắng về việc Hải quân cấm không cho người vào trong Hải quân Công xưởng để lên các chiến hạm đậu ở các cầu tàu trong đó. Họ nói lính gác được lệnh của cấp chỉ huy, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, kể cả quân nhân Hải quân các cấp và gia đình.

Diễm Tú cũng phân vân không biết làm cách nào vào Bộ Tư lệnh Hạm đội trú đóng bên trong căn cứ này để hỏi tin tức về chiến hạm của Phan. Trời tối dần trong khi mưa bắt đầu rơi nhẹ hạt, tiếng sấm ì ầm nghe vọng lại từ xa về phía Chợ Lớn và rồi chỉ trong khoảng khắc, bầu trời trở nên quang đảng trở lại. Đèn đường bật sáng lên và làn sóng người đi tìm đường tỵ nạn lại bắt đầu di chuyển về phía bến tàu, cổng Hải quân Công xưởng với hy vọng sẽ tìm được người quen và được phép tháp tùng lên các chiến hạm trước khi quá muộn. Diễm Tú chậm rãi đi theo đoàn người băng qua đường về phía cổng trại, nàng liếc nhìn đồng hồ tay, đã gần 8 giờ tối, cơn đói khát chợt đến, vì từ sáng đến bây giờ, Diễm Tú chỉ ăn một ổ bánh mì thịt do mẹ mang theo trong khi ngồi chờ máy bay tại phi trường.

Đang ngẩn ngơ chen lấn giữa những người di tản, bỗng Diễm Tú nghe có tiếng người gọi tên mình từ phía sau. Nàng mừng rỡ quay lại nhìn, trên chiếc xe Jeep quân đội, một thanh niên trong quân phục tác chiến Hải quân, đầu đội nón sắt, ngồi trước tay lái đang vừa gọi tên vừa ngoắc tay về phía Diễm Tú. Nàng nhận ra đó là Quân bạn thân cùng khóa Chuẩn úy với Phan mà Diễm Tú đã gặp nhiều lần trước đây. Quá vui và cảm thấy yên lòng hơn như người sắp chết đuối với được phao, nàng chen ra khỏi đám đông, chạy vội vàng về phía xe Chuẩn úy Quân, đang bước xuống chờ và hỏi rối rít:
“ Chị Diễm Tú làm gì mà ở đây? Hai bác và các em của chị đâu rồi? Chị lên xe, tôi đưa chị về nhà.”
Diễm vừa cám ơn vừa leo lên và giải thích cho bạn của người yêu biết lý do nàng đến tìm Phan.
“ Vào Công xưởng này không được đâu, vị Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Hải quân Sài gòn đã ra lệnh cấm không cho bất cứ ai được xuất nhập cho đến khi có lệnh mới. Chị để tôi lái xe đưa chị qua ngả cầu Thị nghè, rồi mình kiếm cách vào đơn vị của tôi tại Bộ chỉ huy Quân cảng và liên lạc máy hỏi Bộ Tư lệnh Hạm đội về tình trạng chiến hạm của Phan. Có lẽ giờ cuối bị trục trặc gì đó nên chương trình về bến thay đổi, vì tôi biết tính Phan và mối tình của anh chị, nếu có gì, Phan đã tin ngay cho chị biết rồi.”
Diễm Tú ngồi lại ngay ngắn rồi đáp:
“ Dạ tôi cũng sợ như vậy đó thưa anh Quân, vì trong thư gửi cho tôi, Phan hứa chắc chắn là bằng mọi giá, Phan sẽ đón tôi và gia đình ra An Thới rồi tùy theo tình hình sẽ tính sau. Lạy Phật Trời cho tôi tìm được anh ấy, thú thật với anh Quân nếu không gặp anh Quân tôi không biết phải làm sao nữa.”
Nàng ngừng lại, cảm thấy tủi thân, nức nở, đôi vai run nhẹ. Quân vừa quẹo xe về phía tay mặt từ đường Cường Để, tăng tốc độ hướng về Thị nghè. Hai bên lộ trình, dân chúng hối hả đi ngược chiều, về phía đường Thống Nhất, nơi Tòa đại sứ Hoa kỳ tọa lạc. Quân lắc đầu, thở ra:
“ Tình hình có vẻ bất ổn quá, dân chúng lo sợ và hoang mang làm tôi cũng lo thêm mặc dù đơn vị chúng tôi vẫn nhận được lệnh tử thủ và vị Trung tá Chỉ huy trưởng của tôi quyết chí ở lại với quê hương tổ quốc. Ông đã từ chối không tháp tùng theo máy bay trực thăng của em gái ông, đang làm việc với cơ quan phái bộ Tùy viên quân sự (DAO) tại Tân Sơn Nhất, đến Bộ chỉ huy đón ông và gia đình. Ông ta thề sống chết trên mảnh đất Việt Nam và nhất định không chịu bỏ nhiệm sở như các cấp chỉ huy khác. Vì thế binh sĩ dưới quyền của ông lên tinh thần dữ lắm.”
“ Anh Phan nói là chúng mình sẽ di tản ra An Thới, ở đó cho đến khi quân lực Việt Nam Cọng hòa phối trí trở lại với các đơn vị tại Vùng 4, rồi dần dần chiếm lại các tỉnh đã mất và chúng ta sẽ trở về Sài Gòn.”
Diễm ngần ngừ nói tiếp:
“ Nhưng Diễm Tú không biết điều đó có thể xảy ra được không khi thấy cảnh tượng chen chúc, hỗn độn và sợ sệt của dân chúng Sài Gòn như vầy không?”
Quân vừa bóp còi xe và lách xe vào lề để tránh đám người bồng bế nhau chạy băng ngang qua, anh càu nhàu trong miệng, đồng ý với Diễm Tú:
“ Chị nói đúng lắm, sau khi Tổng thống Thiệu bay ra ngoại quốc và các cấp chỉ huy bỏ chạy, tinh thần chiến đấu của anh em chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều, phân vân và chán nản hòa lẫn bất mãn vì những thành phần này. Mặc dù vậy, các quân nhân Hải quân vẫn ráng quên để tiếp tục chiến đấu. Tin cho biết ngày hôm qua, 27 tháng 4 một đơn vị của mình đóng tại ngoại ô Sài Gòn đã anh dũng chiến đấu trong hơn một ngày và đẩy lui quân đội chính quy Cộng sản đông hơn gấp bội. Bộ Tư lệnh Hải quân đã gửi phái đoàn thăm viếng ủy lạo và khen thưởng, gắn huy chương cho các lính biển oai hùng này đó thưa chị. Riêng cá nhân tôi, tôi cũng sẽ ở lại đơn vị, sống chết với các chiến hữu của tôi, rồi đến đâu hay đó.”

Xe Jeep đang chạy gần đến cầu Thị nghè, bỗng hai người hốt hoảng khi nghe tiếng pháo kích rầm trời từ phía phi trường Tân Sơn Nhất, rồi lửa cháy tỏa sáng cả góc trời về phía đó. Pháo binh Cộng sản đã vào kế cận và đang bắn hỏa tiển tiêu diệt các phi đoàn Không quân đóng tại đây. Thế rồi trên không trung, tiếng máy bay trực thăng nghe rầm rộ bay qua sông Sài Gòn, về phía Căn cứ Yểm trợ Hải quân Nhà Bè.

Tiếng súng tiểu liên và đại liên nổ ròn rã về phía đối diện với Ty Quân cảng Sài Gòn, Quân biết đó là tiếng hải pháo từ các chiến đỉnh Giang đoàn và của đơn vị đang tác xạ vào các vị trí địch. Anh giảm bớt máy và bảo Diễm Tú bình tỉnh, trong khi nàng đang run sợ, hai tay bịt tai vì tiếng ầm ĩ chung quanh.

Xe Jeep vừa chạy đến chân cầu, đột nhiên một tiếng nổ bùng dữ dội lật bung chiếc xe vào vệ đường, thân xe nghiêng dựa vào một thân cây, Quân bị mảnh đạn ngay mặt, máu chảy đầm đìa, chết ngay tại chỗ, trong khi Diễm Tú bị sức nổ mạnh của đạn pháo kích, đẩy ra khỏi xe trước khi xe bị lật. Đầu nàng đánh xuống nền đất bên đường, ú ớ vài tiếng rồi lăn ra bất tỉnh bên cạnh thân cây. Chiếc va li bật tung, áo quần, giấy tờ theo gió bay khắp đường. Từ trong căn cứ Hải quân, tiếng chân người rộn rịp chạy về phía chiếc xe Jeep lật ngược, bốn bánh đang quay tròn trong không khí.
*****
Đại úy Dõng đưa ống nhòm lên nhìn về hướng Căn cứ Hải quân Cát Lái, chăm chú quan sát những ngọn khói đen bốc lên từ bờ hữu hạm phía kho đạn thành Tuy Hạ. Thỉnh thoảng vọng lại tiếng súng tạch...tạch...tạch và tiếng súng cối, súng 105 ly nghe thật rõ trong buổi hoàng hôn trên sông Sài Gòn. Ngọn đèn đỏ đánh dấu thủy lộ tại ngả ba Nhà Bè nhồi sóng dữ đội khi chiến hạm với vận tốc cao chạy ngang qua. Chiếc Tuần duyên hạm tiếp tục hải hành nốt đoạn đường ngắn còn lại để về cặp cầu, tiếp tế nhiên liệu nước ngọt và có lẽ được chỉ định dùng làm phương tiện di tản cho các Sĩ quan cao cấp và gia đình theo đặc lệnh mà Đại úy Dõng đã nhận được trong công điện mật trực tiếp chỉ thị từ Trung tâm hành quân Bộ Tư lệnh Hải quân thay vì Bộ Tư lệnh Hạm đội như thường lệ, vì nghe đâu Tư lệnh Hạm đội đã cùng gia đình, rời bỏ nhiệm sở bay ra ngoại quốc cách đây gần một tuần lễ.

Bầu trời phía xa trước mủi chiến hạm xám xịt với những đám mây thấp và sấm sét vạch đường dài như tia diện tử nối liền đất trời, có lẽ trận mưa giông hồi chiều tại Vũng Tàu nay lấy lại cường độ khi không khí ẩm thấp thành phố gặp luồng khí lạnh thổi từ biển vào. Thủy triều dâng cao, nước chảy vào mạnh hơn làm tăng tốc độ của chiến hạm. Chuẩn úy Phan thỉnh thoảng chạy từ hầm máy lên sân sau, nhìn xem tàu đã gần đến Thương cảng chưa, rồi tiếp tục đi quart và kiểm soát máy. Gió thổi mạnh từ hướng Khánh Hội, tàu thuyền tấp nập trên dòng sông hẹp làm cho Dõng phải ra lệnh giảm máy xuống, ngọn đèn hải hành xanh đỏ đã được bật lên từ lâu, radar cũng khiển dụng để định vị trí nhưng vì đối vật quá nhiều trên mặt kính nên không giúp gì được trong khi hải hành trên sông gần khu vực này.

Mưa bắt đầu rơi xuống rào rào nhiều hơn khi chiến hạm chạy ngang qua Thương cảng Sài gòn, tầm nhìn xa bị giới hạn đến mức tối thiểu làm cho Hạm trưởng phải đặt hai quan sát viên, một tại trước mủi, một ngay bên ngoài đài chỉ huy để báo cáo kịp thời các tàu bè chạy ngang qua, đồng thời giảm máy xuống còn” hai máy tiến một ” và từ từ chạy lên thượng giòng, trực chỉ cầu F nằm gần Bộ Tư lệnh Hạm đội.

Trên bờ, cạnh nhà hàng ăn Mỹ Cảnh, chen chúc tránh mưa dưới các lùm cây bên cạnh công trường Mê Linh, từng đám người di tản co ro ướt át, đứng chờ mưa tạnh để lại tiếp tục đổ xô về phía bến tàu. Bộ Tư lệnh Hải quân vẫn im lìm trong ánh sáng chói chan của mấy ngọn đèn pha. Cầu A, cầu B, cầu C đều có ba bốn chiến hạm nhỏ lớn cặp đầy. Khi chạy ngang qua cầu D trong Hải quân Công xưởng, Đại úy Dõng nhận thấy ngoại trừ chiếc Dương vận hạm HQ 503 nằm ở vị trí ngoài cùng là không có dân di tản, hai chiến hạm nằm ờ vị trí 2 và vị trí 1 đều hầu như đầy ắp quân nhân đủ mọi thành phần, thuộc các Quân binh chủng, dân sự rộn rịp di chuyển trên sân thượng, sân sau...
Có lẽ chiếc HQ 503 không cho phép người di tản lên tàu hay sao mà không thấy sinh hoạt như các chiến hạm nằm cạnh bên.

Đại úy Dõng ra lệnh gọi nhiệm sở vận chuyển chuẩn bị cặp cầu F đang hiện dần và thấy từ xa bên tả hạm. Trời đã tạnh mưa, gió thổi nhẹ trên dòng sông nước đục ngầu chảy mạnh về hướng Tân cảng, mang theo rong bèo, rác rến từ Nhà Bè, Cát Lái về đây. Chiến hạm vận chuyển quay ngược mủi tàu hướng ra hạ giòng, ngược chiều với dòng nước để cặp cầu dễ dàng hơn. Sau đó, Chuẩn úy Phan được lệnh xúc tiến tiếp tế dầu, nước ngọt để chiến hạm sẵn sàng khởi hành khi có lệnh. Công việc vừa xong, Phan được vị Hạm trưởng đang còn độc thân, ký Sự vụ lệnh cho đi công tác mua thực phẩm cho chiến hạm. Phan được thông báo là giờ giới nghiêm đã áp dụng trong tuần lễ vừa qua tại Quân trấn Biệt khu Thủ đô và mọi di chuyển phải có Sự vụ lệnh. Phan thay vội quân phục dính đầy dầu cặn rồi cám ơn Đại úy Dõng và vội vàng chạy lên Bộ Tư lệnh Hạm đội mượn chiếc xe honda của anh bạn cùng khóa Chuẩn úy, đang phục vụ tại đây. Anh nhảy lên xe, rú máy chạy ra ngả sau, qua khỏi Ty Quân cảng về hướng cầu Thị nghè, chạy vòng về phía Bộ Tư lệnh Hải quân tại bến Bạch đằng, lòng nôn nóng nhìn đồng hồ tay, đã 8 giờ tối. Phan hy vọng Diễm Tú và gia đình kiên nhẫn chờ Phan đến đón tại cầu A như lời anh dặn nàng trong lá thư anh gửi về. Càng suy nghĩ và lo lắng, Phan rú máy tăng tốc độ chiếc honda trên con đường Hai Bà Trưng, lách qua lại để tránh các xe cộ khác chạy cùng hướng và ngược chiều. Tiếng cánh quạt của máy bay trực thăng phần phật, rộn rã trên bầu trời đêm hòa lẫn tiếng súng pháo kích dồn dập, nổ bùng nghe từ phía sau lưng về phía phi trường Tân Sơn Nhất. Phan đoán chắc Cộng sản đang phi pháo vào căn cứ Không quân và các máy bay đang đậu tại đây. Tình hình có vẻ rất khẩn trương rồi. Phi đội trực thăng tiếp tục vần vũ bay về hướng biển Nam Hải, những ngọn đèn xanh đỏ nhấp nháy trên không trung như bươm bướm ma trong đêm tối. Phan vừa chạy xe qua khỏi tiệm phở tại đường Hai Bà Trưng, chợt nhớ lại những buổi sáng chúa nhật cùng Diễm Tú đi ăn phở tại đây trước khi đưa nhau vào dạo chơi trong Thảo Cầm viên, núp dưới vòm cây, trao nhau những nụ hôn thẹn thùng say đắm.

Công trường Mê Linh đầy những dân chúng di tản, Phan dựng vội chiếc xe, khóa lại tại chân ghế đá, đi về phía đám người đứng lố nhố cạnh hàng rào dây kẽm gai giăng chắn ngang đường dẫn vào bến tàu đậu. Ba chiến hạm lớn đang cặp tại cầu A, trên bờ Sĩ quan Hải quân và gia đình đứng thành từng cụm nhỏ như chờ đợi lên tàu. Phan hy vọng gia đình Diễm Tú cũng đứng chờ anh tại một góc nào đó ở đây. Anh đưa Sự vụ lệnh cho người Trung Sĩ trẻ tuổi, trưởng toán lính gác xem qua, chào trả lại người Hạ Sĩ quan và chạy vội vào sân cỏ trước cầu tàu.

Phan vừa chen lấn vừa nhón chân tìm và mong gặp một người quen của mình hoặc của gia đình Đại tá Quả để hỏi thăm tin tức người yêu. Sau hơn một giờ chạy tìm kiếm từ cầu A đến cầu C, anh thất vọng vì không thấy bóng dáng của Diễm Tú. Phan phân vân, thất thểu đi ra khỏi khu vực tàu đậu, bao nhiêu câu hỏi và nghi vấn làm xao xuyến lòng người Sĩ quan trẻ tuổi. Không hiểu là thư anh gửi có đến tay Diễm Tú kịp lúc hay không, vì chiến tranh tiến gần đến thành phố Sài Gòn trong tuần lễ qua, Bưu điện có giao thư cho khách hàng không? Hay là Diễm Tú không ra bến tàu vì tình trạng bất ổn trên các đường phố, hay đã trở về nhà trước khi giờ giới nghiêm bắt đầu? Tuy vậy Phan vẫn tiếp tục nuôi hy vọng là gia đình Diễm Tú vẫn còn ở chung quanh đâu đây và cũng đang cố gắng tìm chiến hạm của Phan. Anh chạy quanh giữa các đám người tụ họp trên công trường Mê Linh, phía dưới nhà hàng Mỹ Cảnh, dọc theo đường lộ trước khách sạn...cho đến khi quyết định lên honda chạy về hướng nhà của Đại tá Quả trên đường Công Lý, cách bến tàu gần 20 phút.

Bầu trời sáng rực từ xa khi Phan qua khỏi chợ Tân định, tiếng súng pháo binh thỉnh thoảng nghe vọng lại, có nhiều lúc rất lớn hình như là tiếng nổ do hỏa tiển 122 ly của Cộng sản khi rơi trúng mục tiêu. Trên không từng đoàn máy bay trực thăng bay khắp trời, về mọi hướng. Gần đến cầu Công Lý, Phan lách xe vào lề đường nhường cho hai chiếc xe cứu hỏa của Đô thành rú còi inh ỏi, xả hết tốc lực chạy về phía lửa cháy từ xa.

Chiến tranh thật sự đã vào đến ngưỡng cửa thành phố Sài Gòn như là một bệnh dịch lan truyền từ miền Trung xuống. Các đơn vị thuộc ba Quân binh chủng Hải Lục Không quân tự tan rã khi cấp chỉ huy di tản trước khi địch tấn công. Ngoại trừ một thiểu số Lực lượng anh hùng tử thủ, không được pháo binh và phi cơ yễm trợ rồi bị tràn ngập bởi quân số hùng hậu nhiều gấp bội với xe tăng và trọng pháo của Cộng quân.
Tiếng súng lớn nhỏ nghe càng gần khi Phan dựng xe honda trước nhà Đại tá Quả, anh cảm thấy hy vọng hơn vì đèn trong nhà vẫn sáng, hình như có người trong đó. Phan leo lên tầng cấp dẫn đến cổng chính rồi gỏ cửa thật gấp rút. Có tiếng chân người rồi Phan nghe tiếng đàn ông hỏi lớn:
“Ai đó, chủ nhà đi vắng hết rồi, cần gì sáng sớm mai trở lại.”
Phan nhận ra tiếng của Hào, thường được Diễm gọi là chú Năm, bạn mình, anh mừng rỡ vội trả lời:
“Anh Hào ơi, Chuẩn úy Phan đây, mới đi công tác về đến Sài Gòn, mở cửa cho tôi vào với.”
Tiếng chìa khóa mở cửa rồi Hào với nét mặt không mấy ngạc nhiên khi thấy Phan đang đứng đợi vừa theo Hào vào nhà vừa lo lắng, hối hả hỏi bạn:
“ Anh Hào ơi, Diễm Tú và gia đình đâu cả rồi, có ra bến Bạch đằng chờ tôi không? Tôi cố gắng tìm mãi mà vẫn không tìm thấy Đại tá Quả và Diễm Tú nên phải chạy về đây với hy vọng là mọi người còn ở nhà. Tình hình có vẻ nguy cập lắm, có lẽ tụi Vẹm đang tiếp tục pháo kích phi trường Tân Sơn Nhất để tiêu diệt phi đoàn và ngăn cản không cho ai di tản ra khỏi Sài Gòn bằng đường hàng không nữa rồi.”

Chú Năm Hào ngồi yên nghe Phan nói, chậm rãi rót hai tách nước trà cho mình và cho bạn, giọng nói điềm đạm như sợ Phan thất vọng:
“ Anh Phan cố gắng bình tỉnh nghe tôi nói, tôi đến đây hồi chiều tối theo lời căn dặn của anh họ tôi là Đại tá Quả để dọn dẹp và đưa vợ con tôi từ Khánh Hội qua đây ở vào ngày mai. Khoảng 11 giờ sáng nay gia đình ông Quả đã theo người bạn Cố vấn Mỹ làm việc tại DAO lên phi trường đáp máy bay đi Mỹ rồi. Tôi được ông ta giao căn nhà này cho tôi giữ kể cả tất cả đồ đạc... à .. chút xíu nữa tôi quên, cháu Diễm Tú để lại lá thư nhờ tôi chuyển lại cho anh vì cháu đoán chừng anh sẽ đến tìm khi chiến hạm anh về bến.”

Chú năm Hào đứng dậy, đi lấy bức thư đang nằm ngay ngắn trên chiếc bàn tại góc phòng khách mà Diễm Tú đã quên không xé đi khi nàng trốn bố mẹ, quyết định ở lại Việt Nam để chờ Phan và trở về nhà hồi xế trưa trước khi ra bến tàu.

Phan thẫn thờ không tin những lời mình vừa nghe, tay run run không kềm chế được nỗi xúc cảm đang dâng tràn vì thất vọng. Anh đứng lên cầm lá thư, đi vào phòng ngủ của Diễm Tú, nơi vẫn còn phản phất mùi hương trinh nguyên của người con gái anh yêu lần đầu, căn phòng mà nhiều lần trước đây trong những lúc gia đình Đại tá Quả đi lên Đà Lạt, ra Vũng Tàu nghỉ mát, Diễm Tú lấy cớ bận học thi, ở nhà không tháp tùng bố mẹ để được hưởng giây phút thần tiên bên người yêu lính biển. Phan không ngờ, người tình lãng mạn của mình lại đành lòng bỏ ra đi, quên hết lòng thương yêu trìu mến và lời hứa cùng anh xây đắp tương lai trọn đời sau khi tốt nghiệp đại học. Tất cả đều là giả dối và phản bội. Phan ngồi xuống chiếc giường nệm trải “drap” màu xanh dương, màu của biển và trời mà trước đây Diễm Tú nói là để hằng đêm dệt giấc mộng đẹp, mơ về người tình thủy thủ đang vượt sóng đại dương dưới ánh trăng rằm sáng vằng vặc.
Anh mở lá thư ra đọc, Diễm Tú viết trong thư là vì sợ Phan có về Sài gòn trước khi quân Cộng sản chiếm hay không nên nàng cùng bố mẹ dùng giấy phép của người bạn Cố vấn đáp máy bay qua Mỹ và hẹn gặp Phan bên đó vì chắc chắn Phan sẽ dùng phương tiện Hải quân ra biển, nàng mong Phan thông cảm, vẫn tiếp tục yêu nàng vì nàng luôn luôn yêu Phan và tin tưởng hai người sẽ tái ngộ trên đất Tự do.

“Thật là dối trá, muốn đi thì cứ việc nói thẳng, làm gì mà phải giải thích.”
Phan tức giận, dùng chân đá khung ảnh bể nát nằm trên sàn nhà, bức hình Diễm Tú quay tròn bung ra khỏi chiếc khung. Phan cúi xuống nhặt lên, phủi sạch mảnh gương vụn bám trên ảnh, lặng nhìn người anh yêu, đang trìu mến mỉm cười nhìn anh như xin tha lỗi. Phan đắm đuối hôn vào bức ảnh, anh biết lòng mình còn thương Diễm Tú nhiều lắm. Chỉ vì tức giận Diễm Tú ra đi không một lời từ giãnên anh quá buồn khổ và thất vọng, tuy nhiên nếu suy nghĩ thật chính chắn, việc theo gia đình đi Mỹ của Diễm Tú cũng giúp cho anh có quyết định dứt khoát là phải tìm phương tiện ra khỏi Việt Nam và sau đó đi tìm Diễm Tú để trở thành vợ chồng và sinh sống tại ngoại quốc.

Tiếng chân chú Năm Hào đang đi vào phòng ngủ Diễm Tú, Phan quay lại, cố làm ra vẻ tự nhiên:
“Cám ơn anh Hào đã trao lại lá thư của Diễm Tú, tôi hy vọng sẽ gặp lại nàng trong tương lai. Tôi phải về chiến hạm ngay, nhờ anh thưa với chị Hào tôi có lời hỏi thăm và chúc anh chị gặp nhiều may mắn nếu hai người không thay đổi ý kiến để tìm phương tiện di tản như phần đông dân chúng Sài Gòn.”
“Cám ơn anh Phan, tôi sẽ chuyển lời thăm hỏi của anh lại cho nhà tôi. Có lẽ không khi nào tôi đổi ý đâu anh à, tôi đã quyết định ở lại Việt Nam và tiếp tục làm nghề gỏ đầu trẻ nuôi bốn đứa con còn quá nhỏ. Qua Mỹ biết nghề ngổng gì đâu, tiếng Anh thì chỉ “How are you?” thế thôi. Vì vậy vợ chồng tôi nhất tâm sống ngày hai bửa bên cạnh nhau và gìn giữ mộ phần tổ tiên là vui rồi. Đời là cuộc bể dâu, tất cả đều vô thường, sinh tử có số mạng. Định mệnh khó thay đổi lắm anh Phan ơi, “tri thiên mệnh” mà. Tôi tin tưởng rằng tất cả mọi việc xảy ra trên cõi đời tạm bợ này đều được sắp đặt trước. Mỗi người đều có cơ duyên và nghiệp độ cho mình. Tiện đây tôi cũng chúc anh Phan nhiều may mắn và nếu anh tái hợp với Diễm Tú, tôi cầu mong hai người hạnh phúc và con cái đầy đàn.”

Phan cám ơn người bạn học, bắt tay thật chặt vì biết lần chia tay này có thể là lần cuối bằng hữu gặp nhau vì mai đây cuộc bể dâu đang diễn ra trên quê hương Việt Nam sẽ chia cắt mỗi người một ngả, trên hai môi trường sống khác biệt nhau.
Phan nhìn đồng hồ đeo tay, đã quá nửa đêm, quá giờ giới nghiêm rồi, nhưng thây kệ anh có Sự vụ lệnh mà. Một ngày mới vừa bắt đầu, ngày 29 tháng 4 năm 1975, trên không tiếng phần phật của máy bay trực thăng bay ngang qua đầu vẫn còn nghe thật rõ. Phan rú máy xe honda chạy thật nhanh trên con đường qua khỏi cầu Công Lý trống vắng, như muốn xóa tan đi những ý nghĩ còn vấn vương trong đầu về triết lý sống của chú Năm Hào, nhà giáo, bạn học của mình.
*****
Bệnh viện Hải quân nằm đối diện với cổng Hải quân Công xưởng vẫn còn tiếp tục được các Bác sĩ nhiều tinh thần nghề nghiệp, công tâm, trách nhiệm và lòng nhân đạo điều hành hầu như thường lệ mặc dù bên ngoài, một rừng người vây quanh hai cổng sắt Công xưởng được khóa chặt. Tiếng động cơ của xe hơi, xe gắn máy bị bỏ lại nằm la liệt, ngăn cản sự giao thông trên con đường từ bến tàu đến đại lộ Thống Nhất. Tiếng người la lối om sòm , thỉnh thoảng vài tiếng súng chỉ thiên “ tạch... tạch... tạch” từ các nhân viên gác cổng bắn dọa đoàn người đang chen chúc, lấn nhau ùa tới cổng mỗi lần mở cho Sĩ quan cao cấp Hải quân đi kiểm soát ra vào.

Trước thềm bệnh viện, trên sân cỏ, các nhân viên Y tá và Bác sĩ yên lặng tò mò thản nhiên đứng nhìn đoàn người đang tìm cách di tản, hầu như họ không lo lắng và quan tâm nhiều đến việc này vì còn bổn phận chăm sóc các thương bệnh binh Hải quân vừa được tản thương về đây từ các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 3 Sông ngòi đồn trú tại cầu Long Bình và Căn cứ Hải quân Cát Lái, đang anh dũng chiến đấu chống lại những cuộc tấn công của quân chính quy Cộng sản vào phòng tuyến đơn vị.

Căn phòng nhỏ làm nơi hồi sinh cho các thương binh vừa giải phẩu được tạm thời cải biến dùng để chửa các bệnh nhân khác vì thiếu phòng điều trị. Diễm Tú nằm trên chiếc giường bệnh màu xám Hải quân tại cuối góc phòng, gần chiếc cửa sổ nhìn ra bức tường gạch không cao lắm với nhiều cây đầy hoa màu tím leo bám trên tường, phía sau cổng bệnh viện. Ánh nắng xế chiều rọi từ hướng tây, le lói xuyên qua bức màn cửa màu xanh dương. Tiếng ồn ào nghe thật rõ từ phía cổng trước đưa tâm tư chơi vơi, trí óc bồng bềnh của Diễm Tú trở về với thực tại. Nàng cảm thấy nhức đầu và nhận thức rằng mình bị thương trên trán khi cố gắng nhấc cánh tay trái lên rờ vầng trán. Đầu Diễm Tú được vấn bằng băng cứu thương xuống đến gần lông mày. Cánh tay mặt cũng được băng bó đến tận khỉu làm nàng nhăn mặt khi di động bàn tay.

Ký ức chỉ cho Diễm Tú nhớ lại một cách mù mờ giây phút trước khi nàng bất tỉnh. Nàng chỉ mườn tượng nhìn thấy chiếc xe Jeep nằm lật ngược, bốn bánh quay lên trời sau khi nghe tiếng nổ bùng dữ dội và nàng cảm thấy thân hình mình bay bỗng rồi té xuống đất thật mạnh. Thế rồi nàng tê liệt vàhôn mê không biết gì nữa cả cho đến sáng nay khi tỉnh dậy, nàng được Y tá cho biết mình được xe cứu thương chở đến bệnh viện Hải quân này để chữa trị vết thương. Diễm Tú cũng chưa biết tình trạng của Quân như thế nào vì nàng chưa tỉnh hẳn để hỏi các Y tá tại đây, tuy nhiên nàng đã nguyện cầu và hy vọng anh Quân thoát khỏi tai nạn vừa qua.

Liếc nhìn đồng hồ treo trên tường, Diễm Tú biết nàng đã nằm điều trị tại bệnh viện này hơn 20 tiếng, đã gần 7 giờ chiều ngày 29 tháng 4. Trên không trung tiếng máy bay trực thăng thỉnh thoảng nghe bay ngang qua, cánh quạt phần phật dồn dập như nỗi lòng người con gái đang lo âu cho số phận của mình và phân vân nghĩ đến Phan, không biết chiến hạm đã về đến bến và có ai nói cho anh biết Diễm Tú đang nằm điều trị tại đây không.

Có tiếng chân đi đến gần, Diễm Tú xoay người lại. Anh Trung sĩ dáng người nhỏ, trong chiếc áo choàng trắng, mỉm cười khi thấy Diễm Tú cố gắng gật đầu chào:
“ Kính chào anh, cám ơn anh đã lo cho tôi, vết thương của tôi thế nào, có nặng lắm không thưa anh?”
Người Hạ Sĩ quan với lấy bảng đo nhiệt độ treo tại đầu giường, vừa liếc nhìn vừa vui vẻ trả lời:
“ Dạ chào cô, tôi là Trung sĩ Y tá Hải, vết thương của cô, à cô....”
“ Dạ tôi là Diễm Tú...”
“ Dạ thưa cô Diễm Tú, cô bị thương nhẹ thôi, chỉ có vết trầy trên lông mày một tí xíu, không sâu lắm và khỏi cần may lại. Còn vết thương ở cánh tay mặt, may quá không bị gảy xương, chỉ chảy máu nhiều và Bác sĩ đã may vài mủi kim là xong. Cô sẽ được bình phục nhanh lắm và nếu muốn cô có thể xuất viện sau khi tôi cởi bỏ băng bịt đầu và thay vào đó bằng những “bandage” nhỏ, vết thương ở tay sẽ liền da lại trong vòng vài ngày là trở lại bình thường. Tôi biết cô bị sốc mạnh lắm nhưng cô có phước mới không bị gì hết không như vị Chuẩn úy tài xế, ông ta bị mảnh đạn ở đầu và chết ngay tại chỗ đó thưa cô.”

Diễm Tú òa lên khóc tức tưởi khi nghe tin Quân chết, nàng không ngờ người bạn của Phan đã vì muốn đưa nàng đi tìm kiếm chiếc Tuần duyên hạm mà phải bỏ xác tại gần căn cứ của anh ấy. Nàng cảm thấy hối hận và tự trách mình đã là lý do khiến cho một thanh niên tốt bụng nặng tình bằng hữu, giúp người yêu của bạn mình mà phải hy sinh tính mạng.

Tiếng la lối om sòm, tiếng súng nổ dữ dội về phía cổng Hải quân Công xưởng hòa lẫn tiếng còi xe hơi inh ỏi nghe vọng vào căn phòng bệnh. Người Hạ Sĩ quan Y tá xin lỗi Diễm Tú rồi chạy ra ngoài xem có chuyện gì đang xảy ra, một hồi lâu, Trung sĩ Hải chạy trở vào và thông báo tình hình cho Diễm Tú:
“ Tình hình có vẻ không ổn rồi cô Diễm Tú ơi, các Bác sĩ nói là quân Cọng Sản đã tiến gần đến Sài Gòn và Căn cứ Long Bình bị tràn ngập, Căn cứ Cát Lái đang bị tấn công và cháy dữ dội, có lẽ sẽ không chống giữ được bao lâu nửa. Kho đạn thành Tuy Hạ cũng đang bị pháo dữ đội và hình như Hạm đội Hải quân đang chuẩn bị di tản. Các Bác sĩ cũng bàn tán bỏ nhiệm sở về lo cho gia đình, và tôi cũng sẽ rời đây sau khi thay băng cho cô để về nhà trong Thị nghè, đưa vợ con ra Ty Quân cảng, kiếm tàu Hải quân đi tỵ nạn. Theo tôi nghĩ, nếu cô muốn ra khỏi Sài Gòn, thì ngay bây giờ nên cố gắng xin vào cổng Hải quân Công xưởng, xuống cầu D, lên các Dương vận hạm đang cặp bến tại đó và lên tàu di tản ra Đệ Thất Hạm đội, rồi sẽ tính toán sau. Vừa nói Trung sĩ Hải vừa vội vàng cắt chiếc băng bịt đầu và thay vào đó bằng vài cái băng dán nhỏ, đưa cho Diễm Tú uống 2 viên “Aspirine” và biểu nàng cất 8 viên còn lại để uống sau mỗi khi cảm thấy nhức đầu vì vết thương chưa lành hẳn. Xong xuôi anh đi lấy một ổ bánh mì thịt hai trái cam đem lại cho nàng và chiếc va li nhỏ của Diễm Tú mà bệnh viện đã giữ hộ khi Diễm Tú được đưa về đây, để gần dưới chân giường sắt nói vài lời từ giã và chúc Diễm Tú gặp thật nhiều may mắn. Diễm Tú cố gắng ngồi dậy và ngạc nhiên khi thấy cũng không mệt và choáng váng nhiều như trước, tay trái cầm tay vị Hạ Sĩ quan nhân từ, cảm kích nhìn người Y tá và cám ơn anh đã giúp đỡ người đồng hương gặp nạn.

Sau khi Y tá Hải rời phòng điều dưỡng khoảng một tiếng đồng hồ, Diễm Tú đã thấy khỏe hơn nhiều, cánh tay mặt vẫn còn nhức tí ti, nàng xách va li vào phòng rửa mặt, đóng cửa lại, nhìn vào gương rồi buồn tủi khi thấy tóc tai bơ phờ, mắt có vẻ sâu hơn và đôi môi khô cằn. Diễm Tú vốc nước cẩn thận rửa mặt rồi mở chiếc va li nhỏ, cố gắng dùng tay trái để thay áo quần, nàng ngạc nhiên khi thấy chiếc băng vải đựng 25 tờ giấy 20 đô la vẫn còn nguyên tại thắt lưng của mình dưới chiếc áo thun cũ. Diễm Tú mừng rỡ vì với số tiền đó nàng có thể yên chí sống qua ngày. Nàng vất bộ áo quần cũ vào thùng rác lớn bên cạnh, chứa đầy bông gòn và băng dính máu rồi vội vàng tay trái xách va li, đi lần ra khỏi căn phòng chỉ còn vài thương binh nằm chữa bệnh. Chiếc hành lang bệnh viện Hải quân cũng vắng bóng người khi màn đêm bắt đầu bao phủ trên đám dân chúng di tản chen chúc nhau xin vào Hải quân Công xưởng.

Diễm Tú đã đi đến quyết định và làm theo lời khuyên của người Y tá mà định mệnh đã cho nàng gặp hôm nay, Diễm Tú phải tìm cách lên một chiến hạm Hải quân rồi hy vọng sẽ nhờ nhân viên trên tàu giúp liên lạc với Phan, sau đó nếu Trời Phật thương, hai người sẽ tái ngộ thời gian gần đây hay trong tương lai. Diễm Tú tin tưởng rằng Phan sẽ theo chiến hạm của anh ta và di tản trong trường hợp cần thiết.

Tiếng súng nổ vang rền phía xa lộ và Cát Lái, hướng Thủ thiêm. Một chiếc xe Jeep mang bảng hiệu Hải quân dừng lại gần đám đông, trên xe một quân nhân vai mang 4 gạch vàng, có vẻ là Sĩ quan cao cấp Hải quân, lưng mang súng lục, nhảy xuống lấy chiếc va li cở trung bình như chuẩn bị đi di tản, người tài xế tắt máy rồi cầm khẩu súng trường M16 và xách tay nhỏ, bỏ xe lại, chạy theo cấp chỉ huy ngang qua chỗ Diễm Tú đang tần ngần đứng chờ cơ hội để theo vào trong căn cứ. Ông Đại tá bảo mọi người tránh chỗ cho họ đi rồi gọi vị Sĩ quan trực chỉ huy cổng chánh, ra lệnh mở cổng cho ông ta vô Hải quân Công xưởng. Diễm Tú đứng ngay phía sau lưng vị Sĩ quan này và khi hai chiếc cổng sắt nặng nề hé mở vừa đủ cho ông Đại tá và tài xế của ông, dân chúng ùa vào, đẩy mạnh cánh cửa và đổ xô vào trước khi hai cửa sắt một lần nữa đóng chặt lại giữa tiếng la ó, năn nỉ van lơn của dân chúng kẹt ở ngoài. Diễm Tú thở phào nhẹ nhõm, dùng tất cả sức lực dồn vào hai chân, tập tểnh chạy theo vị Đại tá đang đi về hướng 3 chiến hạm loại lớn cặp cầu D ngoài bờ sông Sài gòn. Nàng theo hai quân nhân này lên chiếc cầu thang nối liền chiến hạm và cầu tàu cùng với số người may mắn. Người thủy thủ gác tại cầu thang đưa tay chào ông Đại tá rồi một Sĩ quan cấp nhỏ, mang một gạch như Diễm Tú thường thấy trên cầu vai của Phan khi anh mặc quân phục, đến chào ông này, hai người nói gì không rõ rồi ông Đại tá đi về phía đài chỉ huy chiến hạm.

Diễm Tú nhìn quanh, trên sàn tàu rộng mênh mông, dưới ánh đèn pha sáng rực rọi từ đài chỉ huy, nàng thấy đầy ngập người, từ mủi tàu đến sau lái tàu, dân di tản đứng ngồi, chen chúc, già trẻ lớn bé bên cạnh những va li, xách tay để lổn ngổn, mọi người nhìn nàng với con mắt thờ ơ như các người tỵ nạn khác. Diễm Tú nhón nhén, lách mình đi về phía boong trước, với hy vọng sẽ gặp được gia đình người quen biết nào đó hoặc bạn bè thân thuộc.

Trên không trung, vài ngọn đèn xanh đỏ nhấp nháy và tiếng động cơ cánh quạt của vài chiếc phi cơ trực thăng bay thật thấp, ngang qua chiến hạm, về phía Khánh Hội. Bầu trời đầy sao, gió sông Sài Gòn thổi vào từ hướng biển mát rượi. Từ xa tiếng súng pháo binh vọng về, nghe càng ngày càng gần hơn. Diễm Tú tìm một chỗ trống ngay dưới chân khẩu hải pháo, sửa lại sợi dây đeo cánh tay mặt bị thương cho được thoải mái hơn, đặt chiếc va li xuống cạnh bên, rồi ngồi xuống sàn boong tàu lành lạnh, kéo cổ áo lên cao, nhắm mắt lại như người ngồi thiền.
****
Đại úy Dõng, Hạm trưởng Tuần duyên hạm nhận được lệnh tháo dây, vận chuyển tàu ra ngay cầu A để chuyên chở phái đoàn và gia đình các Dân biểu, Thượng nghị sĩ và Sĩ quan cao cấp thuộc Hải quân và Bộ binh. Anh phân vân vì biết phải thi hành chỉ thị của thượng cấp, không thể chần chừ chờ đợi lâu hơn nữa, người Cơ khí trưởng, đi đón gia đình vợ tương lai cho mãi đến giờ này vẫn chưa trở về chiến hạm. Theo tin của Bộ Tư lệnh Hạm đội, tình hình các đường phố Sài Gòn rất đáng ngại, dân chúng hốt hoảng và lo sợ kể từ ngày 27 tháng 4 khi ông Trần văn Hương trao quyền lại cho Đại tướng Dương văn Minh và ngày hôm sau, 28 tháng 4 ông Minh trở thành Tổng Thống Việt Nam Cọng hòa, rồi trong đêm hôm qua pháo binh của quân chính quy Cộng sản Bắc Việt bắn hỏa tiển 122 ly vào căn cứ Không quân tại phi trường Tân Sơn Nhất, phá hủy và gây thiệt hại nặng nề cho phi đoàn máy bay đậu tại đây. Các phi đội trực thăng suốt đêm bay rầm trời qua thành phố Sài Gòn di tản ra biển, có lẽ họ sẽ ra Côn Sơn. Toàn thể người sống trong thành phố Sài Gòn, tỉnh Gia Định và vùng phụ cận cảm thấy nguy cơ Cộng sản chiếm đánh Thủ đô chỉ là vấn đề thời gian, họ lo sợ thu góp tiền bạc, của cải dành dụm bấy lâu nay, nhét vội hành trang vào va li, xách tay, bám víu vào các xe đò, xe vận tải, bồng bế con dại, chạy về trung tâm Thủ đô, ra các bến Tân cảng, bến Bạch đằng, bến Thương cảng với hy vọng sẽ may mắn lên được các tàu bè, ghe thuyền để chạy ra biển đông. Giao thông trên các đại lộ, đường phố bị tắt nghẻn vì dân chúng đổ ra đường, xe hơi, xe gắn máy, xe đạp, xe xích lô bỏ ngổn ngang khắp nơi...

Công điện mang tay từ Bộ Tư lệnh Hạm đội thông báo cho các Hạm Trưởng đang cặp chiến hạm tại cầu tàu về giờ di tản của Hạm đội sẽ được thi hành sớm hơn đã dự định trong kế hoạch do Phòng hành quân Bộ Tư lệnh Hải quân ấn định trước đây vì tình hình khẩn trương tại Sài Gòn cũng như trên sông Sài Gòn, Soài Rạp và Lòng Tào. Căn cứ Cát Lái bị thất thủ và địch đã pháo kích và phá nổ kho đạn thành Tuy Hạ. Các cấp chỉ huy thảo kế hoạch di tản Hạm đội Hải quân lo sợ rằng toàn thể chiến hạm của Hạm đội sẽ bị kẹt lại không chạy ra biển được nếu Cộng sản Bắc Việt có thì giờ kiểm soát và đặt súng bắn chìm hoặc gài thủy lôi phá tan một chiếc tàu trên sông Lòng Tào.
Vào khoảng quá 9 giờ đêm ngày 29 tháng 4 năm 1975, các chiến hạm lớn nhỏ thuộc Hải quân Việt nam tại bến Sài Gòn, chở đầy dân tỵ nạn đủ mọi thành phần quân dân cán chính trong xã hội và gia đình của họ, bắt đầu và lần lượt mở dây, rời cầu tàu, trực chỉ ra biển Thái Bình Dương, để lại sau lưng, một thành phố, một mảnh đất, một quê hương đang ngập tràn trong khói lửa của cuộc chiến tranh sắp đến hồi tàn lụi, kết thúc một giai đoạn lịch sử đấu tranh Ý thức hệ giữa người Quốc gia thiết tha yêu Tổ quốc, dân tộc và quân Cộng sản dùng chiêu bài giải phóng để chiếm cứ miền nam Việt Nam.

Tổng số gần 30 chiến hạm sau đó tập trung ngoài hải phận Việt Nam, nối đuôi nhau hải hành về vịnh Subic Bay tại Phi Luật Tân với trên 29000 người dân tỵ nạn tháp tùng tìm tự do vàhội nhập vào với hơn 2 triệu người Việt để bắt đầu cuộc sống tha hương trên các quốc gia xa lạ.
Đại úy Dõng sau đó đã định cư tại một vùng nhiều tuyết trắng quanh năm, một tiểu bang nằm về phía tây bắc của lục địa Bắc Mỹ, nơi mặt trời thường hay đi ngủ sớm vào buổi xế chiều nhiều gió buốt cắt thịt da.
*****
Trời không nắng nhiều vào buổi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, mây vần vũ về phía tây nam Sài Gòn như sắp báo hiệu cơn mưa giông sắp đến. Gió từ phía Thủ Thiêm thổi từng cơn làm cuốn bụi mù sân đất cạnh chân cầu Tân Thuận tại Khánh Hội. Chiếc tàu loại ghe đánh cá cở lớn, trọng tải khoảng chừng 150 tấn, chạy bằng dầu cặn đang cặp tại chiếc cầu tàu nhỏ nằm khuất sau đám cây dừa đầy trái. Trên tàu, một người trong quân phục Hải quân, mang cấp bậc Đại tá, không đội nón cát két, chỉ chỏ ra hiệu cho những người đi quá giang đang tìm chỗ ngồi cho gia đình họ. Từ phía mủi tàu dọc theo hông tàu, ra đến sau lái, những quân nhân trong quân phục rằn ri ngụy trang, chỉa súng phóng lựu M79, súng trường M16... canh giữ cấm người lạ, không được phép lên tàu của vị Đại tá chỉ huy. Từ trên phòng lái tàu nhỏ, ông này cứ nhìn đồng hồ tay, lo lắng như chờ đợi người nào, thỉnh thoảng ông gọi xuống hối thúc anh thợ máy, mặt mày đỏ hoe vì cơn nóng bức, đang cố gắng dùng chiếc bơm tay, bơm dầu cặn từ các thùng phi vào hầm tàu. Trên bờ, sau hàng rào dây kẽm gai giăng vội bởi các lính Lôi hổ gác tàu để ngăn chặn đoàn người bu quanh. Những tàu có khả năng đi biển đã được các người Tàu Chợ lớn tổ chức chung tiền mua, rồi di chuyển xuống tàu, vàng ngọc, vải tơ lụa, đồ vật mang tay quí giá đựng trong các xách tay “samsonite” mà họ ôm khư khư trước ngực. Họ dự trù sẽ vượt biển qua Tân Gia Ba, bán tàu rồi chia nhau tiền, tiếp tục lập nghiệp tại đây như họ đã đi tìm nơi làm ăn trên khắp thế giới theo phong tục và khả năng chịu đựng của người Trung Hoa.

Đã quá 12 giờ trưa, sấm chớp bắt đầu nổ rền nghe vọng lại từ phía xa lộ Biên Hòa, tiến về phía Cát Lái hòa lẫn với tiếng súng đủ loại từ phía dinh Độc Lập. Trên radio, tiếng nhạc điệu quân hành có vẻ khác hơn trước, thỉnh thoảng bị ngắt đoạn để phát thanh lời kêu gọi của tướng Dương văn Minh, yêu cầu quân nhân mọi cấp buông súng và ngưng chiến đấu. Vị Đại tá lắc đầu ngao ngán, ông bực mình tắt chiếc máy thâu thanh, lấy ống nhòm nhìn về phía đường lộ một lần cuối. Ông bâng khuâng và thắc mắc vì anh tài công có nhiệm vụ mang hải đồ và dụng cụ hải hành mà ông đã thuê ngày hôm qua, chưa thấy đến để tàu có thể khởi hành trước khi làn sóng người ào vào và chen lấn lên tàu, sẽ quá muộn nếu ông còn chần chờ không khởi hành ngay. Những người vừa mới đến tàu cho biết giao thông bị gián đoạn nhiều nơi và thảm cảnh giết chóc, tự tử, xác thây đầy đường khi các quân nhân thuộc mọi Quân binh chủng uất ức, tủi nhục nghe ông Minh đầu hàng quân Cộng sản. Tin cho biết chiến xa T-54 của quân chính quy Cộng sản Bắc việt đang rầm rộ tiến về phía dinh Độc Lập.

Thế là hết, không thể chờ đợi, ông nhìn về phía hàng rào dây kẽm gai và nhìn thấy một người Sĩ quan trẻ tuổi mà ông biết thuộc ngành Cơ khí, Chuẩn úy Phan, phải rồi, nhân viên cũ mà ông đã đề nghị đi học khóa Chuẩn úy đoàn viên cách đây ba năm, đang chen lấn đến gần vòng rào. Ông ra hiệu cho Phan và gọi lớn cho phép Chuẩn úy Phan lên tàu vì ông biết với khả năng và nghề nghiệp đi biển cũng như tài sửa máy của người Sĩ quan trẻ này sẽ giúp ông rất nhiều vì ông cũng là Sĩ quan cơ khí. Chỉ cần có một Sĩ quan ngành chỉ huy biết lái tàu nữa là ông có thể yên tâm đưa tàu ra biển được rồi. Mưa bắt đầu rơi khi Đại tá chỉ huy ra lệnh cho anh thợ máy ngưng bơm dầu, mặc dù chưa đầy nửa hầm dầu. Ông bảo Phan xuống hầm máy và ra lệnh chặt dây cột tàu, vội vàng tách bến trước khi làn sóng người đạp ngã và vượt qua hàng rào kẽm gai, chạy vào cầu tàu, một vài người té xuống nước khi cố gắng nhảy theo khi tàu vừa rời bến, rồi tiếng la ó, năn nỉ xin lên. Tất cả làn sóng người dừng lại khi lính trên tàu bắn dọa chỉ thiên.

Chuẩn úy Phan tăng số vòng máy để hai chân vịt quay nhanh và chiếc tàu chạy với vận tốc cao hơn. Đây là loại máy tàu “diesel” đơn giản mà anh rất thành thạo vì đã học tại Trung tâm huấn luyện, tuy máy đã cũ và thiếu bảo trì đúng mức, nhưng vẫn còn có thể chạy một thời gian lâu trên biển trong một hải trình dài mà không bị nóng. Người thợ máy dân sự cũng có vẻ rất thành thạo với hai chiếc máy này. Anh ta tâm sự với Phan là anh được thuê để chạy máy và còn được phép đưa vợ và hai đứa con nhỏ của anh theo tàu di tản. Anh rất mừng có Chuẩn úy Phan phụ giúp điều khiển máy vì như thế anh mới có thì giờ với gia đình. Tuy nhiên anh cho biết có hai vấn đề làm anh lo lắng nhiều, đó là tàu chỉ được tiếp tế một nửa hầm dầu và hầm nước ngọt thì chỉ vừa đủ dùng cho mọi người trong hai ngày mà thôi. Anh nói ông Đại tá cũng đã biết điều đó và ông chỉ thị là cứ ra biển đã rồi sẽ có chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm đội lo tiếp tế cho mình. Chuẩn úy Phan cũng tin tưởng như vậy theo như những gì anh đã nghe Đại úy Dõng nói riêng cho biết là Mỹ đã sắp đặt kế hoạch tiếp cứu người dân miền nam dùng phương tiện tàu bè chạy ra biển, chiến hạm Hoa Kỳ đang bỏ neo ngoài khơi hải phận Việt Nam khoảng 50 hải lý từ bờ, phía đông bắc đảo Côn Sơn.

Chuẩn úy Phan buồn và thắc mắc không biết giờ này chiếc Tuần duyên hạm của mình đang làm gì và ở đâu? Có lẽ cũng trên đường ra biển với các Sĩ quan cao cấp mà Hạm trưởng Dõng đã được chỉ thị trước đây. Anh nhớ lại về đến cầu F tối hôm 29 vì trở ngại giờ giới nghiệm bị chặn hỏi và giữ lại nhiều nơi, giao thông gián đoạn khi quân Cộng sản tấn công liên tục vào ngoại ô thành phố gây nên cảnh hỗn loạn, dân chúng, xe cộ đủ loại đổ về từ xa lộ Biên hòa, Bình long, Cát Lái... Được nhân viên tại Ty Quân cảng cho biết chiến hạm được lệnh khởi hành đón phái đoàn Quốc hội gấp và Hạm đội Hải lực đã di tản, ngoài ra tin về Chuẩn úy Quân bị tử nạn làm cho anh quá đau buồn, mọi người có đề cập về một người bạn gái của Quân bị thương được xe Hồng thập tự đưa qua Bệnh viện Hải quân điều trị nhưng không biết cô này là ai. Phan có ghé lại thăm tại bệnh viện sáng ngày 30 tháng 4 nhưng những Y tá còn lại không ai biết gì cả về cô gái bạn của Chuẩn úy Quân. Sau đó nhớ lại khi tàu chạy qua ngang bến Thương cảng và Khánh Hội trên đường về cặp cầu F tối hôm trước, Phan thấy rất nhiều thuyền, tàu bè đậu nhan nhản tại đó, vì thế anh hy vọng sẽ lên được các tàu này để ra Hạm đội, rồi qua Mỹ, tìm kiếm Diễm Tú như nàng hứa trong lá thư gửi chú Năm đưa lại cho Phan. Hồi sáng này, khi nghe ông Dương văn Minh ra lệnh quân đội bỏ súng và đầu hàng Cộng sản, đang trên đường tiến quân vào chiếm Thủ đô nước Việt Nam Cọng hòa, anh tức giận, uất ức, gạt dòng nước mắt tủi nhục lăn tròn trên gò má rồi mạnh chân như muốn dẫm nát bàn đạp chiếc xe của dân di tản bỏ lại trước cổng Hải quân Công xưởng. Anh chạy xe về hướng cầu Tân thuận với hy vọng sẽ lên được một trong những chiếc thương thuyền hoặc tàu đánh cá, có khả năng đi biển để rời khỏi thành phố Sài Gòn ra Vũng Tàu rồi từ đó sẽ tháp tùng các chiến hạm Hải quân Việt Nam.

Phan bước lên khỏi hầm máy để nhìn lần cuối Thủ đô mến yêu anh sắp bỏ lại sau lưng, nơi mang nhiều kỷ niệm giữa anh và Diễm Tú, của mối tình đầu mà hai thanh niên thiếu nữ xây mộng sẽ nên duyên chồng vợ, chung sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Giờ đây mỗi người một ngả, không biết ước mơ tái hợp tại quốc gia xa lạ bên trời tây có thực hiện được hay không. Tương lai quá mờ mịt và Phan sẽ phải bắt đầu lại như các dân tỵ nạn khác. Trên sàn tàu, boong trước, boong sau, dưới bầu trời vần vũ nhiều mây xám, xen lẫn lẻ tẻ giữa đám người Tàu Chợ Lớn vào khoảng trên dưới 150 già trẻ lớn bé có vài gia đình Việt Nam.

Trời đổ mưa ào xuống khi chiếc tàu loại đánh cá này chạy ngang qua ngả ba sông Nhà bè, một hướng chảy về Cát Lái, một ngả xuôi ra sông Lòng Tào, Soài Rạp. Người trên sàn tàu chen chúc nhau dưới các tấm ny lông, co ro trong chiếc áo mưa trong khi gió thổi mạnh phía sau lái làm tăng tốc lực thêm cho con tàu. Trận mưa đám mây không kéo dài lâu lắm, bầu trời trở nên quang đảng, mặt trời lại le lói qua các vần mây đen đang bay về phương xa. Từ hướng kho xăng Nhà Bè, hàng chục chiến đỉnh Hải quân thuộc các Giang đoàn Xung Phong, Thủy Bộ, Trục Lôi... đang chậm rãi trong đội hình hàng dọc chạy về hướng Sài gòn làm Phan rất thắc mắc, không lẽ cấp chỉ huy không biết gì về việc Tướng Dương văn Minh đầu hàng, Sài Gòn thất thủ và Bộ Tư lệnh Hải quân đã bị Việt Cộng vào chiếm rồi hay sao? Phan nhìn đồng hồ tay, đã hơn 12 giờ rưởi trưa, anh khoát tay các giang đỉnh chạy đầu, ra hiệu cho họ như muốn bảo những chiến hữu này quay tàu chạy ra biển, thay vì tiếp tục về hướng Sài Gòn. Phía trước mặt bên tả hạm, có vài chiến tàu cũng lớn xấp xỉ bằng chiếc tàu Phan đang quá giang. Các nhân viên trên vài chiến đỉnh loại nhỏ của Thủy Bộ và Tuần Thám có vẻ như nhận hiểu thủ hiệu của Phan, quay chiến đỉnh trở lại, chạy theo sau những tàu đánh cá rồi đeo theo các sợi dây thòng xuống, leo lên tàu lớn và bỏ lại chiến đỉnh trôi bập bềnh trên sông. Cũng như Phan phần nhiều quân nhân Hải quân không có gia đình ở Sài Gòn đã quyết định theo các tàu thuyền tỵ nạn khi thấy mọi người đều bỏ nước ra đi.

Đang phân vân với những gì diễn ra trước mắt, Phan nghe tiếng Đại tá chủ thuyền ra lệnh chuẩn bị ngừng tàu lại để vớt gia đình người bạn, một Sĩ quan ngành chỉ huy cấp Tá, biết về nghề đi biển, sẽ giúp đưa tàu ra đến vị trí các chiến hạm Hoa Kỳ đang chờ ngoài khơi. Phan được biết, người tài công có nhiệm vụ lái tàu, phút cuối đã không đến được và cho đến bây giờ trên tàu không có dụng cụ hải hành, bản đồ... và chỉ có một la bàn từ dùng cho việc định hướng lái tàu. Sau khi đón gia đình của vị Sĩ quan này xong, tàu tiếp tục giang hành ngang qua kho xăng Nhà Bè, từ xa một cột khói đen bay lên cao từ hướng Căn cứ Yểm trợ, có lẽ bị địch pháo kích phá hủy suốt đêm, gây nên những đám cháy lớn. Tàu dừng lại một lúc cho vài nhân viên Hải quân thuộc Căn cứ Hải quân này leo lên, mọi người trên tàu quyên góp tiền Việt Nam mà họ còn mang theo, nay đã trở thành vô giá trị đối với người di tản, chuyền xuống các chiến đỉnh cho các người thủy thủ vì lý do này hay lý do khác quyết định ở lại quê hương. Các người Tàu đưa hết những xấp giấy bạc 1000 đồng cho những quân nhân Hải quân với tất cả tấm lòng. Nhân viên giang đỉnh cũng cảm động cám ơn rồi mang ra ba bốn bao gạo, vài thùng mì gói tặng cho người di tản. Thế mới biết tình người dưới hoàn cảnh nào vẫn còn duy trì mãi mãi trong con người Quốc gia tốt bụng, có lương tâm và chuộng lẽ phải. Họ ngậm ngùi chúc nhau nhiều may mắn mặc dù đây là lần đầu tiên họ gặp nhau và cũng là lần cuối. Các thuyền trưởng chiến đỉnh đưa vị Đại tá vài bản đồ khu vực sông Lòng Tào, Soài Rạp, ra đến Vũng Tàu, loại được dùng hành quân của đơn vị Bộ binh. Họ còn cho biết là chiếc thương thuyền Việt Nam Thương Tín bị Việt Cộng chận bắn trên sông Lòng Tào khoảng nửa giờ trước đây, vào lúc 1 giớ 30 chiều, một số người bị tử thương, trong số đó có nhà văn Chu Tử. Khi nghe được tin này, hai vị chỉ huy cấp tá trên tàu quyết định thay đổi giang trình, thay vì dùng sông Lòng Tào chật hẹp dễ bị tấn công bởi quân Cộng sản, hai ông sẽ theo lộ trình sông Soài Rạp, mặc dù khó vận chuyển và hải hành nhưng vì sông rất rộng nên có thể tránh được nguy hiểm và an toàn hơn.

Trên sông tàu thuyền tấp nập, những tàu chở hàng LCU của quân vận, ghe đánh cá dân sự, giang tốc đỉnh PBR thuộc các Giang đoàn Tuần Thám, phăng phăng rẽ dòng nước đục ngầu, đầy bùn phù sa và rong bèo lẫn lục bình cuồn cuộn trôi ra phía vịnh Vũng Tàu. Gió mát thổi từng cơn từ phía hàng dừa nước hai bên bờ, mặt nước sông như sáng hẳn lên dưới ánh nắng chiều, lóng lánh ngàn vì sao nhỏ phản chiếu từ giòng sông uốn khúc, vài con chim cò, chim vạc với đôi cánh dài nhẹ lướt qua những lùm cây thấp bên gành, cạnh rừng lau sậy mọc lưa thưa. Thiên nhiên vẫn bình thản như không có gì thay đổi trước mắt dân di tản, tuy nhiên họ nhận thức rằng kể từ giờ phút này đã bắt đầu một cuộc đổi đời mà định mệnh đã làm cho dân miền nam phải xa lìa quê cha đất tổ, phải bỏ lại tất cả những gì quý giá nhất của mình, chạy ra biển tỵ nạn độc tài Cộng sản. Những gì sẽ đến với họ trong giờ phút sắp tới có ảnh hưởng đến cả cuộc đời của người đi tìm ánh sáng tự do, an toàn cho cá nhân và gia đình.

Tàu tiếp tục giang hành với vận tốc chậm vì lòng sông Soài Rạp thay đổi, sâu cạn bất thường, nếu không có kinh nghiệm, tàu sẽ bị mắc cạn, do đó vị Sĩ quan chỉ huy tàu rất cẩn thận theo sát các giang đỉnh để tránh vùng nước cạn. Thỉnh thoảng tàu dừng lại, cho phép quân nhân đủ mọi cấp thuộc các Quân binh chủng trên các tàu nhỏ, chật hẹp, gần bị chìm, được lên tàu đánh cá này. Vì thế số người quá giang trên tàu càng ngày càng nhiều, Phan gặp lại hai người Hạ Sĩ quan cùng khóa trước đây, một là Trọng pháo và người bạn kia thuộc ngành Cơ khí, thế là đã có người tiếp tay để chạy máy tàu rồi. Từ xa vịnh Vũng Tàu đã thấy xuất hiện về phía tả hạm với ngọn núi nhô lên cao và ngọn hải đăng trắng xóa nằm trên đỉnh. Ông Đại tá ra lệnh lấy chiếc “drap” trắng và dùng sơn đỏ vẽ hình Hồng thập tự rồi cột vào dây kéo lên cao trước cột buồm. Ông nghe trên máy thâu thanh là phi cơ Cộng sản từ phi trường Tân Sơn Nhất đang bay ra lùng kiếm và bắn chìm các tàu thuyền, chiến hạm Hạm đội Hải quân Việt Nam chở dân di tản. Trên không thỉnh thoảng vài chiếc trực thăng thuộc Không quân Việt Nam Cọng hòa trực chỉ về hướng đông, có lẽ bay ra Đệ Thất Hạm đội Hoa Kỳ. Từ trong Căn Cứ Yểm trợ Tiếp vận Cát Lỡ, các chiến đỉnh Hải quân và Quân vận, chở đầy người tỵ nạn, chen chúc chạy ngang Bãi trước Vùng Tàu xuôi ra biển. Về phía nam, các chiến đỉnh thuộc đơn vị Hải quân từ Vùng 4 Sông ngòi nối đuôi nhau đổ ra khỏi cửa sông, một vài chiếc cập lại bên cạnh các thuyền đánh cá lớn, chạy theo các chiến hạm Hải quân để yêu cầu được quá gaing vì chiến đỉnh nhỏ không thể đi xa được. Tàu đánh cá của ông Đại tá cũng vớt nhiều gia đình Hải quân

Vào khoảng 7 giờ tối tàu tiếp tục chạy về phía đông nam sau khi dùng la bàn từ định hướng và lấy ngọn hải đăng trên đỉnh núi Vũng Tàu làm chuẩn. Dân di tản chen chúc ngổn ngang trên sàn tàu nhỏ xíu phía trước và boong thượng phía sau lái người nằm kẻ ngồi không thể di chuyển đi đâu cả. Phan phỏng đoán con số người quá giang kể cả những người Tàu Chợ Lớn và gia đình nay đã lên đến gần trên dưới 400 người so với khoảng 200 người lúc tàu qua khỏi Căn cứ Yểm trợ Tiếp vận Nhà Bè vào lúc 2 giờ chiều ngày hôm nay.

Anh thợ máy dân sự lên gặp Đại tá chủ tàu, thông báo cho biết tình trạng máy và dầu cặn, anh nói với Phan phải cần lấy thêm dầu nếu muốn đi đến Tân Gia Ba. Phan rất ngạc nhiên, tại sao lại qua Tân Gia Ba, anh tưởng tàu này ra Đệ Thất Hạm đội mà. Anh thợ máy giải thích, những người Tàu đã trù tính đưa chiếc tàu đánh cá này qua đó rồi bán đi và ở lại lập nghiệp tại Tân Gia Ba, chính anh cũng muốn qua đó thay vì đi Mỹ. Tuy vậy tình trạng có lẽ đã thay đổi vì bây giờ trên tàu có quá nhiều quân nhân Hải quân và gia đình nên nếu gặp chiến hạm hay thương thuyền ngoại quốc nào cho lên là mọi người đều xin quá giang về quốc gia mà thương thuyền đăng ký và chở họ về nơi này, miễn làm sao ra khỏi Việt Nam và không sống dưới chế độ Cộng sản độc tài là được rồi.

Mặt trời từ từ lặn sau rừng cây có màu đen thẩm về phía tây bắc, sau lưng chiếc tàu chở đoàn người tỵ nạn đang dật dờ lắc lư theo những đợt sóng dài trên biển cả mênh mông, trong buổi hoàng hôn màu tím nhạt bắt đầu buông phủ và bao trùm vũ trụ. Từng tia sáng chớp lên rồi tắt ngúm từ ngọn hải đăng Vũng Tàu như cây đèn trời giữa đêm tối gieo trong lòng người di tản nỗi buồn cô đơn trống vắng, cảm thấy tủi thân cho số phận mình, những người đi đày như dân Do Thái lênh đênh trên chiếc tàu Exodus đi tìm đất thánh ngày xa xưa. Tương lai và thân phận của dân tỵ nạn tựa màn đêm chung quanh họ. Hy vọng được cứu vớt thật là mong manh như tìm nước trên sa mạc, tùy thuộc vào sự may mắn mà định mệnh đẩy đưa.

Khoảng 10 giờ tối khi tàu cách xa bờ biển Vũng Tàu khoảng chừng 20 hải lý, mọi người đang chập chờn tìm quên qua giấc ngủ sau một ngày tinh thần căng thẳng và mệt mõi, bỗng họ chợt tỉnh dậy vì nghe tiếng xôn xao từ phòng lái. Hình như ông Đại tá cho biết có một thương thuyền lớn thắp đèn sáng trưng phía bên tả hạm cách chừng một hải lý. Ông ra lệnh tàu tăng máy và hướng về chiếc thương thuyền đó. Khi đến gần , ông dùng ống loa và kêu gọi vị thuyền trưởng xin được phép tiếp cứu và cho dân tỵ nạn Cộng sản lên tàu. Đây là một thương thuyền Đại hàn trên đường về bến tại Hán Thành. Phan từ dưới hầm máy đi lên xem diển tiến trên sàn tàu, tiếng người bàn tán xôn xao, có người theo kinh nghiệm mà họ đã biết qua cuộc di tản vừa rồi, về sự tranh giành lên tàu di tản, vội vàng chuẩn bị hành trang, đánh thức trẻ con đang nằm say ngủ, như là sắp sửa chuyển tàu.

Ông thuyền trưởng thương thuyền đặt loa cho biết là ông không thể cho người tỵ nạn Việt Nam lên tàu của ông được vì không có phép của công ty và của chính phủ Đại Hàn. Họ đang trong tình trạng phân vân chưa biết phải đối phó thế nào trước tình hình sụp đổ quá nhanh của miền nam Việt Nam. Ông ta rất thông cảm và thương hại muốn giúp người Việt Nam đang gặp hoạn nạn nhưng vì vấn đề chính trị mà quốc gia ông phải đối phó, chính phủ Đại Hàn cần thời gian cân nhắc, tìm đường lối chính trị hợp với họ trước khi đi đến quyết định trợ giúp công dân của Việt Nam, một nước trước đây là đồng minh của Đại Hàn trong cuộc chiến vừa tàn. Sau khi dứt lời ông cầu chúc Thượng đế ban phước lành cho mọi người và hy vọng những thương thuyền khác đã cóù chỉ thị cho phép nhận người tỵ nạn Việt Nam, sẽ họ cho lên tàu. Thế rồi chiếc thương thuyền mang quốc tịch Đại Hàn đổi hướng đông bắc, trực chỉ về phía đảo Hải Nam, để lại sau lưng, trên biển một con tàu nhỏ chở đầy những người di tản thất vọng, đang ngậm ngùi nhận thức được cái giá tủi nhục đầu tiên phải trả khi bị nhân loại ngoảnh mặt từ chối giúp đỡ.

Bầu trời đầu tháng 5 dương lịch, đầy sao lấp lánh dán trên vòm đen vĩ đại. Vầng trăng nửa vành tỏa tia sáng nhạt xuống vùng biển Đông, không đủ soi đường cho các chiến hạm, tàu đánh cá, ghe Kiên giang, xà lan, thuyền buồm... đang bập bềnh hướng về phía mặt trời mọc, với hy vọng được cứu giúp bởi người bạn đồng minh đã vì lý do chính trị nội bộ, vì quyền lợi đất nước của họ, bỏ rơi cuộc chiến đấu của một Quốc gia nhược tiểu, đã hy sinh tính mạng hàng triệu thanh niên cho Thế giới tự do, ngăn chặn hiểm họa nhuộm đỏ Đông Nam Á của bè lũ Cộng sản Việt Nga Tàu trong hơn hai thập niên qua.

Chương Hai
Đoàn công voa gồm các chiến hạm lớn nhỏ của Hải quân Việt Nam nối đuôi nhau trong đội hình hàng dọc, theo lộ trình sông Sài Gòn, nhả khói đen lên bầu trời đầy sao. Vầng trăng nửa vành treo lơ lửng trên đỉnh đầu, chứng kiến sự ra đi của Hạm đội và Quân chủng Hải quân khi chưa tham dự trận chiến nào với Lực lượng Cộng sản. Từng cơn gió lành lạnh thổi vào từ hướng đông, phía biển Thái Bình Dương, nơi mà theo tin điện cho các Hạm trưởng và cấp chỉ huy Hạm đội Hải lực di tản cho biết, hàng trăm chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm đội, đang ở tại các vị trí neo hoặc hải hành dọc theo ven biển, ngoài hải phận 12 hải lý của Việt Nam. Họ chờ đón dân Việt Nam lìa bỏ quê hương trong cuộc di tản tập thể lớn nhất thế giới ở thế kỷ thứ 20.

Vào khoảng gần 10 giờ đêm ngày 29 tháng 4, chiến hạm dẫn đầu đi ngang qua Căn cứ Yểm trợ Tiếp vận Nhà Bè. Trên bờ phía trong Căn cứ, cảnh sinh hoạt rộn rịp, nhân viên đang chuẩn bị tăng cường phòng thủ như sẵn sàng chiến đấu chống lại những đợt tấn công sắp xảy ra của Cộng quân. Diễm Tú nhìn thấy chung quanh đoàn chiến hạm di tản, dọc theo bờ từ kho xăng Nhà Bè, từng chiếc giang đỉnh nằm dọc theo bờ. Trên boong tàu, tất cả nhân viên mặc phao nổi, áo giáp, hườm sẳn mấy khẩu súng lớn như đang trong tình trạng ứng chiến. Một chiếc chiến đỉnh nhỏ tiến ra từ phía Bộ chỉ huy Đặc khu Rừng Sát, cặp vào hông chiến hạm đang chạy phía trước. Rồi từng đám người có vẻ là gia đình của vị chỉ huy trưởng Đặc khu và ông này, leo cầu thang dây thòng ngang hông, theo mạn tàu lên boong thượng. Đoàn công voa lại khởi hành, chạy xình xịch trong màn đêm đang bao kín con sông dài đầy tiếng côn trùng ếch nhái.

Hạm đội di tản tiếp tục cuộc giang hành theo lộ trình sông Lòng Tào. Các thủy thủ đoàn trong nhiệm sở tác chiến, đề phòng đặc công Cộng sản núp tại các vị trí trên bờ, dùng B40 hoặc loại đại bác 87 ly không giật, vừa được Nga Sô viện trợ và được quân đội chính quy Cộng sản Bắc Việt xữ dụng tại chiến trường Việt Nam trong thời gian gần đây, để tiêu diệt chiến hạm di tản.

Trong suốt cuộc hải trình, nhiều tàu nhỏ chạy theo chung quanh đoàn chiến hạm Hải quân để xin được lên tàu. Cấp chỉ huy của đoàn công voa quyết định giới hạn số người xin quá giang và giúp đở, không cho phép vớt. Vì thế chỉ một số người may mắn bám víu theo mạn tàu và lái tàu lên được trên boong, phần nhiều đã bị bỏ lại. Tiếng van xin, cầu khẩn của dân Việt Nam cô thế, yếu đuối nghe thật não lòng. Các tàu nhỏ vẫn tiếp tục chạy theo đoàn công voa, đang khuất mờ dần trong bóng tối trên dòng sông uốn khúc.

Diễm Tú co mình trong chiếc áo len mỏng mà mẹ đã nhét vào va li sáng sớm hôm qua, nàng cố gắng dỗ mình vào giấc ngủ để không phải nghe, không phải thấy những cảnh tượng đau lòng của người xin di tản bị từ chối. Cá nhân nàng cũng không biết sẽ như thế nào, định mệnh dẫn dắt và đưa nàng về đâu, có được gặp lại Phan hay không. Những vấn vương, thắc mắc trong tâm tư làm nàng không thể ngủ được, Diễm Tú dựa người vào khẩu hải pháo, mắt ngước nhìn lên bầu trời sâu thẩm muôn trùng, mập mờ trên làn khói mỏng bay ra từ ống khói của chiến hạm. Mặt trăng nửa vành thỉnh thoảng bị đám mây bềnh bồng che khuất trong chốc lát rồi lại hiện ra trên đỉnh kỳ đài. Lá cờ vàng ba sọc đỏ, được giữ nguyên không hạ xuống, đang phần phật, phất phới bay theo cơn gió thổi mạnh ngược chiều với hướng tàu chạy.

Mùi dầu cặn thoang thoảng trong gió làm Diễm Tú cảm thấy khó chịu như những lần nàng xuống thăm chiến hạm của Phan đậu tại cầu tàu, cũng mùi đặc biệt của Hải quân đó nhiều khi khiến cho nàng buồn nôn. Phan thường chọc ghẹo nàng và nửa đùa nửa thật nói là lính biển ghiền mùi biển mặn hòa lẫn hương thơm của chiến hạm lắm, họ mê như mê mùi thơm trinh nguyên của người tình. Anh chàng lính thủy thường ngâm nga bài “Hoa biển” và bảo rằng Phan thích bài hát này vì đã nói lên được tâm tình của những người yêu màu áo trắng thủy thủ.

Thân thể Diễm Tú ê ẩm, tinh thần mệt mõi, cánh tay mặt thỉnh thoảng làm đau nhức khó chịu, đôi mắt nặng trĩu. Rồi nàng thiếp trong giấc mơ chập chờn về người yêu lính biển, trí óc lửng lơ với tiếng ì ầm đều đặn của máy và thân tàu rung nhè nhẹ như ru nàng ngủ.

Bình minh vừa ló dạng trên vịnh Vũng Tàu, các chiến hạm di tản chạy suốt đêm trên sông Lòng Tàu và may mắn không bị địch phục kích tấn công. Đoàn công voa tạm ngừng ngoài khơi để chờ chỉ thị đi gặp chiến hạm khác của Bộ Tư lệnh Hạm đội, tập trung tại Vũng Tàu ngày hôm qua. Sau khi liên lạc, cấp chỉ huy được báo cáo là những chiến hạm kia đã khởi hành trực chỉ đảo Côn Sơn từ chiều qua, khi thành phố Vũng Tàu hỗn loạn. Quân nhân thuộc mọi binh chủng dùng súng bắn phá tùm lum làm dân chúng hoảng sợ nên họ đã dùng tàu thuyền, ghe cá... đổ ra các chiến hạm Hải quân neo trong vịnh. Vì tình trạng khẩn cấp, những chiến hạm này phải gọi nhiệm sở vận chuyển và chạy ra khơi, trước khi có thể bị tràn ngập bởi làn sóng ghe thuyền đầy ấp dân di tản, đang xông xáo tranh nhau tăng tốc lực đuổi theo chiến hạm.

Thậm chí có những quân nhân trong quân phục rằn ri nổ súng bắn về phía tàu Hải quân khi các chiến hạm này từ chối ngừng lại để cho họ lên tàu. Tình trạng trở nên bi thảm khi có những chiếc tàu bị lật chìm hoặc bốc cháy bềnh bồng trên sóng nước êm ả. Hậu quả thương tâm của cuộc chiến mà người dân vô tội cô thế miền nam Việt Nam phải gánh chịu vào giai đoạn kết thúc, do những người lãnh đạo bất tài, cấp chỉ huy hèn nhát gây ra. Có những gia đình vừa mới di tản vào từ miền Trung, mất một nửa thân nhân bị chết đuối khi lội ra các tàu Hải quân neo trước bãi biển Sơn Chà, Đà Nẳng hay bị rớt xuống biển chết chìm khi leo thang dây lên chiến hạm... nay lại phải một lần nữa bị bỏ rơi, không người giúp đỡ để đi tìm ánh sáng Tự do.

Mặt trời lên cao dần từ phía chân trời sau những đám mây màu hồng nhạt vắt ngang bầu trời trong xanh, ánh sáng tạo thành một suối bạc lóng lánh trên mặt biển êm không gợn sóng. Nhờ thời tiết tốt, các xà lan được những tàu dòng kéo, thuyền bè nhỏ ... chở đầy dân tỵ nạn có thể chạy trên biển mà không gặp nhiều trở ngại và dân chúng cũng không bị say sóng gì cả. Đây là một may mắn mà Thượng đế đã ban phước cho đám con dân ngài, đang chen chúc trên sàn xà lan, trong khoan thuyền chật hẹp, lo âu cho cuộc đời bấp bênh, không tương lai trước mặt họ. Với thời tiết đẹp, các thuyền bè có thể dễ dàng cặp vào chiến hạm, tàu lớn... để chuyển người qua mà không bị nhồi sóng và nguy hiểm, khi tàu và thuyền va chạm vào nhau nếu biển động mạnh.

Diễm Tú đã thức dậy từ lâu khi chiến hạm đổ bộ này vừa đến Vũng Tàu. Nàng lấy ổ bánh mì thịt của anh Y tá bệnh viện Hải quân cho tối hôm trước, nhai ngấu nghiến rồi lấy chai nước đem theo, uống một ngụm dài cho đã khát. Chung quanh nàng, mọi người còn dật dờ trong giấc ngủ, kẻ vừa tỉnh dậy, dụi mắt rồi lấy tay che lại vì bị chói nắng bình minh đang rọi sáng từ mặt trời ở phương đông. Vài con chim hải âu màu trắng xám bay lượn trên chiến hạm như để kiếm mồi làm cho Diễm Tú đoán rằng tàu cũng chưa xa bờ nhiều lắm. Xa xa trên mặt nước xanh êm ả của buổi sáng đầu tháng 5, bềnh bồng vài chiếc thuyền cá do dân tỵ nạn bỏ lại sau khi chuyển qua các xà lan hay tàu lớn hơn. Vài chiếc tàu loại chở hàng của Quân vận không bóng người, đang nhồi trên sóng, lang thang trôi theo thủy triều đưa về nơi vô tận. Những mảnh ván gỗ vụn, va li hành lý, áo quần... từ các tàu bị đắm, lềnh bềnh, nhấp nhô với đợt sóng dài, lững lờ cuộn theo dòng nước.

Đoàn công voa đổi hướng, nối đuôi nhau, khoảng cách giữa hai tàu không xa lắm, vào khoảng 300 thước, trong đội hình hàng dọc và tiếp tục chuyến hải trình về hướng nam tây nam, phía đảo Côn sơn, địa điểm tập trung mà Hạm đội đã dự tính trước trong kế hoạch di tản. Từ phía sông Soài Rạp, sông Tiền giang, những đoàn chiến đỉnh di tản từ các đơn vị thuộc Vùng 4 Sông ngòi, Hải quân và Bộ binh. Các chiến hạm lần lượt đón các Sĩ quan và gia đình từ các chiến đỉnh nhỏ này. Sau đó một vài thủy thủ lái chiến đỉnh của họ trở vào bờ chứ không theo các người khác vì gia đình họ đang còn kẹt tại đây. Một vài chiến đỉnh bị bỏ lại, trôi dật dờ như nuối tiếc người ra đi.
Hàng ngàn người quá giang trên chiến hạm Hải quân ra biển, ẩm thực tự túc nhưng vấn đề vệ sinh thật là nan giải. Tuy nhiên với tài tháo vát và kinh nghiệm của thủy thủ đoàn, trước đây đã áp dụng cho các Tiểu đoàn thuộc các binh chủng bạn quá giang, chuyển quân, di chuyển hành quân, cũng giúp cho việc giải quyết vấn đề trên không khó khăn mấy. Nước ngọt cũng được phân phối đầy đủ, tuy nhiên phải được tiếp tế nếu cuộc hành trình di tản còn kéo dài. Do đó Bộ chỉ huy đoàn công voa phải liên lạc với Đệ Thất Hạm đội xin tiếp tế dầu và nước ngọt khi ra đến Côn Sơn. Sau đó mọi người rất phấn khởi và tăng thêm hy vọng khi được thông báo trên hệ thống âm thanh là Hạm đội di tản đã liên lạc được với Đệ Thất Hạm đội. Giới chức có thẩm quyền của Hải quân Hoa Kỳ chấp thuận gửi tàu dầu đến Côn Sơn để tiếp tế cho đoàn công voa. Họ cũng sẽ cho tàu chiến đến vị trí tập trung của Hạm đội Việt Nam để hộ tống đoàn tàu qua Subic Bay, Phi Luật Tân.

Diễm Tú rất vui mừng khi biết được tin này vì nàng hy vọng sẽ gặp lại gia đình mình tại Subic Bay như dự tính của Đại tá Quả và người bạn Cố vấn của ông ta. Nàng không biết hôm đó, bố mẹ và hai em Toàn, Thắng có buồn giận vì quyết định trở về của nàng hay không. Và rồi họ có gặp trở ngại gì về việc di tản không? Những thắc mắc và suy tư xâm chiếm tâm hồn người thiếu nữ đang ngồi thẫn thờ, mệt mõi giữa rừng người tỵ nạn trên sàn chiếc tàu sắt, lắc lư về hướng một hòn đảo cách xa đất liền, nằm cô đơn giữa biển Thái Bình Dương.

Sau một đêm không ngủ, tờ mờ sáng ngày 2 tháng 5 năm 1975, đoàn người tỵ nạn, quá giang trên chiến hạm Hải quân Việt Nam Cọng Hòa, thấy từ xa, nhô cao trên biển cả xanh lơ, giữa vài khóm mây trắng mỏng, là đỉnh núi của đảo Côn Sơn nằm chếch về phía hữu hạm, trước đội hình đoàn công voa. Thế là chiến hạm đã đến điểm hẹn với các tàu khác thuộc Hải lực theo đúng kế hoạch di tản của các cấp chỉ huy Hải quân Việt Nam và Hải quân Hoa Kỳ, với mục đích không để cho chiến hạm thuộc Bộ Tư lệnh Hạm đội lọt vào tay Cộng sản khi tiến chiếm miền nam Việt Nam. Các chiến hạm này sau khi nhận tiếp tế dầu nước, thực phẩm... sẽ được tàu Mỹ hộ tống qua giao lại cho Hải quân Hoa Kỳ tại căn cứ Subic Bay, Phi Luật Tân.

Vào buổi chiều cùng ngày, sau khi tất cả chiến hạm Hải quân Việt Nam được Tiếp liệu hạm Hoa Kỳ tiếp tế đầy đủ, đoàn công voa lại nhổ neo lên đường. Đoàn công voa theo các chiến hạm Mỹ dẫn dường, hải hành về phía đông bắc, hướng nước bạn đồng minh cũ, với trên dưới 29000 người di tản, tỵ nạn Cộng sản chen chúc trên boong tàu.

Những cuộn khói đen từ các ống khói tàu, vấn vương xa dần sau lái, trôi về phía đất liền xa thẳm, phía tây, nơi mồ mã tổ tiên bị bỏ lại. Những kỷ niệm thời ấu thơ, của cả cuộc đời đang trôi dần vào dĩ vãng, ký ức của người dân Việt, đã quyết định bỏ xứ ra đi vào một cuộc hành trình vô định, vì không muốn sống dưới chế độ độc tài đảng trị của quân xâm lăng Cộng sản miền Bắc.
*****
Phan biết rằng chiến hạm Hạm đội đã khởi hành trước mình một ngày và giờ này có lẽ đang trên đường ra Côn Sơn như lời Đại úy Dõng, Hạm trưởng Tuần duyên đỉnh nói hôm trước. Do đó chiếc tàu đánh cá này với vận tốc qúa chậm so với chiến hạm, sẽ khó bắt kịp đoàn công voa Hải quân. Do đó anh đã đề nghị với vị Đại tá kiếm thêm dầu cặn và trực chỉ ra vị trí của Đệ Thất Hạm đội để được tiếp cứu. Sau khi thăm dò ý kiến của các Sĩ quan có kinh nghiệm đi biển hiện diện trên tàu, ông Đại tá đồng ý tìm các tàu LCU của Quân vận đã bỏ lại rải rác trôi lềnh bềnh trên biển mà mọi người đã thấy chiều tối nay, khi tàu vừa cách bờ Vũng Tàu khoảng trên 12 hải lý, ngoài hải phận của Việt Nam.

Ông ra lệnh đổi hướng tàu và trực chỉ ra phía đông, chạy vào lộ trình mà ông đoán là phần đông tàu di tản đang hải hành. Ông chỉ định thêm quan sát viên chung quanh tàu với ống nhòm để quan sát. Với hải đồ và dụng cụ hải hành mà ông xin được của các chiến đỉnh Hải quân khi vớt họ tại cửa sông Soài Rạp và ba bốn Sĩ quan ngành chỉ huy nhiều kinh nghiệm đi biển, tàu ông có thể đi qua đến Phi Luật Tân hoặc Tân Gia Ba nếu máy khiển dụng tốt cũng như dầu nước đầy đủ. Thực phẩm thì không thiếu vì người tỵ nạn quá giang trên tàu đều mang theo mì gói, sữa đặc, gạo sấy...

Trên bầu trời đầy sao lấp lánh, vầng trăng nửa vành treo lơ lửng về phía tây nam, phía hữu hạm chiếc tàu di tản đang nhấp nhô đi tìm những Duyên vận hạm (LCU) hoặc tàu đánh cá lớn chạy bằng dầu cặn bỏ lại trên biển, để tiếp tế dầu. Phan chăm chú kiểm soát hai máy chánh dưới hầm máy chật hẹp, châm nhớt và điều chỉnh số vòng quay để giữ đúng tốc độ. Người anh mõi nhừ vì suốt gần hai ngày, anh chưa ngã lưng nằm nghỉ; tâm tư thỉnh thoảng nhớ về người yêu, không biết đang lênh đênh nơi bến bờ nào. Phan mong rằng khi đến Subic Bay, anh sẽ tìm gặp Diễm Tú và xin cha mẹ nàng làm lễ cưới ngay tức khắc để hai người bắt đầu cùng nhau lập nghiệp, xây dựng gia đình và không bao giờ xa nhau nữa.

Sau một thời gian khá lâu, tiếng gọi từ phòng lái chuyền xuống theo ống dẫn âm chỉ thị tàu giảm vận tốc xuống, Phan vội vàng đẩy cần điểu khiển hạ số vòng máy và biết rằng có thể tàu đã tìm ra LCU của Quân vận hoặc tàu có nhiên liệu. Quả nhiên sau đó chiếc tàu đánh cá từ từ và cẩn thận vận chuyển cặp vào một chiếc Duyên vận hạm, đang trôi bập bềnh trên sóng. Trên tàu này không một bóng người, không có đèn, tối thui, sàn tàu đầy rẫy va li áo quần, xách tay, dụng cụ, giày dép vương vãi khắp boong chính. Phan bàn giao hầm máy lại cho một Hạ sĩ cơ khí Hải quân quá giang, anh lên sàn tàu để phụ giúp tổ chức những thanh niên, nối đuôi thành hàng dài chuyền tay các xô dầu múc từ hầm chiếc Duyên vận hạm đổ xuống hầm chứa dầu của tàu đánh cá. Công tác tiếp tế tập thể diễn tiến tốt đẹp dưới ánh sáng của ngọn đèn rọi từ phòng lái và tiếng máy rì rầm vang dội trong đêm khuya tỉnh mịch tại vùng biển trời mênh mông.

Con tàu di tản cô đơn trên biển cả mênh mông, tách rời chiếc Duyên vận hạm đang trôi dạt xa dần về phía vô định, tiếp tục hải trình về hướng đông sau khi lấy thêm những phi nước ngọt chất đầy trên boong thượng. Đã gần năm giờ sáng, từ phía chân trời, ánh bình minh như đã bắt đầu nhuộm áng mây hồng lờ lững vắt ngang vũ trụ. Cơn gió biển thổi mát rượi khuôn mặt rạm nắng của người Chuẩn úy, đang chống tay vào thành tàu, trầm ngâm nhìn sóng nước chập chùng, thả hồn về bến mộng xa xôi.
Mặt trời hình tròn, đỏ chói hiện lên dần từ dưới vùng nước xanh, ánh sáng tựa dòng sông lóng lánh, như vàng tỏa rực trên đại dương.
* * * *
Vào khoảng ba giờ chiều, tàu đang chạy ngon trớn bỗng nhiên vận tốc giảm dần, rồi tiếng máy tàu nổ vài tiếng nhỏ và ngưng hẳn, mọi người tiên đoán hình như máy tàu bị trục trặc. Quả nhiên sau đó họ thấy Phan đang ở trên phòng lái, vội vã chạy xuống hầm máy với ông Đại tá, mặt mày có vẻ rất khẩn trương. Người thợ máy dân sự lúc đó đang đi “quart” hầm máy, giải thích cho Chuẩn úy Phan lý do khiến hai máy chạy bị hư. Phan cổi chiếc áo Hải quân đang mặc, quỳ xuống trên sàn, dùng đèn bin rọi xem xét. Sau đó Phan gọi hai người Hạ Sĩ quan cơ khí mang đồ nghề và dụng cụ sửa chữa đến giúp anh. Phan cũng báo cáo cho ông Đại tá biết là trong dầu có nước hòa lẫn, có lẽ vì khi tiếp tế với dầu của chiếc LCU Quân vận tối hôm trước, dầu Diesel này có nước trong đó mà vì đêm tối nên không ai biết.

Không gian chung quanh chiếc tàu quá im lặng vì không có tiếng máy tàu chạy. Thỉnh thoảng vài cơn gió mạnh thổi ngang qua tàu gây nên tiếng kêu phần phật từ các tấm vải giăng tạm làm lều che nắng cho người đi tìm Tự do. Chiếc tàu đánh cá đầy ắp dân di tản, dật dờ, bồng bềnh trôi theo thủy triều trên mặt biển êm ả. Tiếng người thì thầm nhỏ to, bàn tán với nhau về máy tàu bị hư, về chiến hạm Mỹ không thấy bóng dáng như lời đồn đãi của dân chúng Sài Gòn trước ngày 30 tháng 4.

Phan tháo ống dầu hai máy chánh, rồi với kinh nghiệm của người thợ máy lành nghề, cùng với sự phụ giúp của hai người bạn thủy thủ, anh sửa chữa xong hai máy sau khoảng vài tiếng đồng hồ và mọi người thở ra nhẹ nhõm khi nghe tiếng nổ của máy tàu. Sau khi xác định vị trí trên hải đồ, chiếc tàu đánh cá với chiến đỉnh của Hải đội Duyên phòng dòng phía sau lái chạy trở lại hướng đông bắc vào thủy lộ của đoàn tàu đi kiếm chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm đội. Phan mệt mõi, rửa tay và khoát nước từ chiếc xô kẽm lên mặt, sau đó dự trù tìm một chỗ nghỉ lưng và ăn ổ bánh mì thịt mà gia đình một Sĩ quan đưa cho anh. Suốt hai ngày qua từ lúc lên tàu, vì quá bận rộn với công việc chạy máy tàu, Phan không ăn gì cả, chỉ thỉnh thoảng uống vội một ly nước lạnh mà thôi vì thế nay cảm thấy bụng dạ cồn cào. Tuy nhiên theo thói quen, trước khi nằm nghỉ, anh lấy ống nhòm và quan sát bốn phía với hy vọng tìm thấy một đối vật gì trên mặt biển đang ngả sang màu xanh đậm khi mặt trời bắt đầu thấp xuống dần về hướng tây. Phan nhìn phía tả hạm, không thấy gì khác ngoài những đợt sóng dài và trời biển như dính liền thành một bức ảnh màu xanh. Anh quay về phía hữu hạm, hơi chếch trước mũi tàu, anh chợt ngừng lại, điều khiển ống nhòm để thấy rõ hơn. Xa xa, bay lên từ chân trời xanh đậm, một đợt khói đen mờ ảo, thấp thoáng như mây mỏng. Quan sát viên ngoài phòng lái cũng đã báo cáo cho ông Đại tá về làn khói này và ông ta cũng đang chăm chú đặt ống nhòm quan sát về hướng đó. Có lẽ đây là khói bay lên từ một chiến hạm lớn của Hoa Kỳ đang chạy cùng chiều với chiếc tàu đánh cá.
Phan lại phải xuống hầm máy dù chưa ăn ổ bánh mì thịt. Anh gia tăng số vòng lên tối đa, chiếc tàu rung chuyển thật mạnh dưới sức đẩy của hai máy chánh, khói đen nhả trên bầu trời như dấu hiệu cầu cứu của người lạc trên biển khơi. Độ khoảng một giờ sau chiếc tàu đánh cá bắt kịp chiến hạm Hoa Kỳ, đang ngừng lại trên biển chờ đợi, đây là loại tàu chở dầu (Oiler) cở lớn dùng để tiếp tế ngoài khơi cho các chiến hạm Hoa Kỳ, Hạm trưởng là một Sĩ quan Hải quân cấp bậc Đại tá.

Ông Đại tá chủ tàu thông báo cho Trung tá Hạm phó chiến hạm là hầu hết trong số gần 400 người di tản trên chiếc tàu đánh cá này là quân nhân Hải quân và gia đình rồi ông xin phép Hạm trưởng chấp thuận cho họ lên tàu dầu. Lời thỉnh cầu thiết tha của ông Đại tá không được chấp thuận vì chiếc Nhiên liệu hạm này không thể chở người trên tàu vì lý do an toàn của chiến hạm. Tuy nhiên ông đã yêu cầu Bộ Tư lệnh Đệ thất Hạm đội và được chấp thuận dòng chiếc tàu của dân tỵ nạn ra chỗ tập trung của Hạm đội ngoài khơi. Toàn thể dân di tản đang lo âu vì không được giúp đở, reo hò mừng rỡ khi nghe ông Đại tá loan báo tin vui. Thế là được sống sót rồi, họ ôm nhau, nước mắt chảy dài trên những gò má sạm nắng của các bà mẹ già, thiếu nữ, đàn ông lớn bé nhảy nhót vui mừng vì biết rằng chuyến hải trình tìm Tự do sắp sửa đến bờ. Thượng đế đã che chở và giúp người dân Việt không muốn sống dưới chế độ độc tài Cộng sản, tìm về đất mới.

Màn đêm bắt đầu buông phủ vùng biển đông, gió mát thổi từng cơn làm mọi người cảm thấy phơi phới. Tiếng nói cười tưng bừng như mừng hội lớn khi họ đón nhận những dĩa cơm trắng còn nóng hổi, rau giá xào trứng và thịt nạc heo ngon lành do các đầu bếp Mỹ nấu, chuyền xuống bởi các người thủy thủ trẻ tuổi, từ sau lái chiếc Nhiên liệu hạm. Sau đó dân di tản còn được cung cấp sữa tươi, chuối, cam và táo... Thôi thì đủ thứ thực phẩm, mọi người nhai ngấu nghiến, ngon lành vì họ chỉ ăn mì gói gần hai ngày nay. Phan cũng thế, ổ bánh mì thịt vẫn còn nằm trong chiếc xách tay vì anh quá bận rộn. Một ý nghĩ làm cho anh thắc mắc về sự chuẩn bị quá chu đáo của người Mỹ. Không hiểu có phải đây là một dàn xếp từ lâu chăng. Làm sao mà họ có thể biết người Việt sẽ di tản ra khỏi miền nam Việt Nam, để có thể có một kế hoạch tiếp cứu quá quy mô kể cả cơm trắng, giá xào thịt heo sẵn sàng nuôi người tỵ nạn trên biển? Phan ước mong Diễm Tú và gia đình cũng được may mắn trên chuyến bay đến bờ Tự do.

Chiếc tàu chở dân tỵ nạn được dòng suốt đêm với tốc độ thật chậm đến vùng tập trung của chiến hạm thuộc Đệ thất Hạm đội. Vào khoảng ba giờ sáng, mọi người nhìn thấy ánh sáng tràn ngập một góc trời như ánh đèn của một thành phố nổi. Khi tiến đến gần, mọi người ngạc nhiên và bàng hoàng khi thấy hàng chục chiến hạm đủ loại đang bềnh bồng trong một vùng biển thật rộng lớn, đèn pha rọi sáng trưng, tiếng loa phóng thanh vang dội hòa lẫn với tiếng máy tàu. Không khí thật tưng bừng náo nhiệt như chợ phiên gồm hàng trăm tàu bè, ghe thuyền lớn nhỏ, xà lan chở đầy dân di tản đang chuyển người qua các tàu loại đổ bộ như Dương vận hạm hoặc Tiếp tế hạm, Tuần dương hạm...
Công cuộc cứu vớt dân chúng miền nam Việt Nam thật vĩ đại và quy mô chưa từng thấy xảy ra trong lịch sử nhân loại với hàng trăm chiến hạm Hoa kỳ trợ giúp hàng trăm ngàn dân di tản trong ba ngày đầu kể từ lúc Sài Gòn thất thủ.

Sáng sớm ngày mồng 2 tháng 5 năm 1975, Phan theo sau đoàn người trên dưới 400 đã quá giang trên chiếc tàu đánh cá nhỏ, lần lượt leo qua boong tàu, bước lên chiếc cửa “ramp” phía sau lái của chiếc tàu Dương vận Hạm mang tên Barbour County. Mọi người phải để tất cả hành trang tại chỗ được ấn định, để nhân viên an ninh và thủy thủ đoàn kiểm soát. Phan để chiếc xách tay nhỏ của mình xuống sàn tàu được giăng dây chung quanh, rồi đi vòng qua phía người lính gác, đứng lại đưa hai tay lên trời để những thủy thủ này dùng chiếc máy dò tìm kim loại khám xét. Trước khi lên tàu Mỹ, những quân nhân được thuê để bảo vệ tàu đánh cá, đều phải liệng xuống biển các vũ khí cá nhân của họ. Thuốc lá, thuốc chữa bệnh, aspirin, dầu xanh, dầu cù là cũng bị thủy thủ đoàn liệng xuống biển. Phan được người bạn Hạ Sĩ quan thì thầm cho biết người Tàu Chợ Lớn dấu vàng lá trong các bao thuốc hút, họ quá đau khổ và tiếc của khi nhìn thấy bao thuốc lá này bị ném xuống dòng nước xanh. Phan mỉm cười khi nghĩ đến hoàn cảnh của mình, không một đồng bạc dollar dính túi, chỉ có độ ba bốn tờ giấy một ngàn đồng Việt Nam còn lại của tiền lương tháng vừa rồi nay đã trở thành vô giá trị. Tuy nhiên anh cũng thấy thoải mái vì còn độc thân, chưa lo chuyện đèo bòng, họa chăng khi qua đến đất Hoa Kỳ, gặp lại Diễm Tú sẽ cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình.
Chiếc Dương vận hạm chở dân di tản khởi hành trực chỉ về hướng vịnh Subic Bay vào khoảng 3 giờ chiều ngày 2 tháng 5 năm 1975, thời tiết tốt, biển thật êm nên không gây trở ngại và mệt nhọc vì say sóng gì cho hơn 1000 người tỵ nạn đang chen chúc, đứng nằm ở boong dưới, trong lòng chiếc tàu khổng lồ này. Suốt gần hai ngày lênh đênh trên biển đông, nhìn thấy trời nước qua cánh cửa “ramp” mở rộng phía sau lái, hướng đất Mẹ Việt Nam còn ghi lại trong tâm tư của người lính biển, Phan cố tìm quên trong cơn ngủ chập chờn, trí óc lửng lơ theo tiếng ì ầm của máy tàu. Hình ảnh dịu hiền của người yêu cứ vấn vương, lảng vảng trong hồn như muốn vỗ về và nuôi sống niềm hy vọng của anh.

Sáng sớm ngày 6 tháng 5, chiếc Barbour County đã vào hải phận của Phi Luật Tân. Từ xa rặng núi xanh với thành phố Baguio City nổi tiếng đã hiện dần trong sương mù trên mặt biển màu xanh dương. Tàu đổi hướng vào vịnh Subic Bay và thả neo lúc gần 12 giờ trưa. Vị Hạm trưởng tàu thông báo trên máy phóng thanh là các chiến đỉnh nhỏ sẽ lần lượt chuyên chở người tỵ nạn vào bờ, ông chúc mọi người được phước lành và gặp nhiều may mắn trong hành trình còn lại với đời sống mới. Mọi người rất cảm động khi nghe giọng nói nghiêm nghị, trầm ấm rất thành thật của một Sĩ quan Hải quân chỉ huy con tàu đưa họ đến vùng đất Tự do một cách an lành.
Gió mát đại dương lại một lần nữa không xoa dịu được cơn nóng bên ngoài và nỗi lòng buồn tủi của dân Việt Nam tỵ nạn Cộng sản.
*****
Đoàn công voa chiến hạm thuộc Hạm đội di tản hải hành chạy theo đội hình hàng dọc, rời vùng biển Côn Sơn, trực chỉ về vịnh Subic Bay. Một vị Phó Đề đốc chỉ huy đoàn tàu đủ loại gồm trên 30 chiến hạm, trên boong tàu hàng ngàn dân chúng Sài Gòn may mắn chen chúc nhau dưới những tấm bạt, chăn mền, vải ny lông để che cơn nắng chói chang. Biển thật êm ả như mặt nước hồ thu, gió từ hướng đông nam lướt nhẹ trên những đợt sóng dài, thân tàu đong đưa nhè nhẹ như ru ngủ Diễm Tú. Cánh tay mặt không còn thấy đau nhức như tối hôm qua nữa, vết thương nhỏ trên trán cũng gần như bình thường, do đó nàng không cảm thấy khó chịu và đỡ mệt mõi hơn. Tiếng máy tàu vẫn ì ầm xen lẫn những lời loan báo và chỉ thị của vị Đề đốc chỉ huy Hạm đội, cho dân di tản biết giờ phỏng định đến hải phận Phi Luật Tân.

Buổi trưa hôm đó, đoàn tàu có vẻ như chạy chậm lại, sau đó mọi người được cho biết là có vài chiến hạm trong đoàn bị hư máy chánh và thủy thủ đoàn phải di chuyển qua các chiến hạm khác sau khi mở tất cả các “valve” dưới hầm tàu để nước tràn vào, sau đó các chiến hạm Hoa Kỳ dùng hải pháo bắn chìm các tàu bị bỏ lại này.

Trời tối dần trên biển đông lặng gió và những chiến hạm Hải quân như các tàu ma hải hành về vùng nghĩa địa xa vời, nơi yên nghỉ ngàn đời của một Hạm đội từng nổi tiếng trên biển Thái Bình Dương. Chuyến hải trình tìm Tự do của chiến sĩ Hải quân Việt Nam và gia đình cũng như dân sự, quân cán chính quá giang, kéo dài cho tới ngày mồng 7 tháng 5 đoàn công voa mới đến Subic Bay. Nhờ biển thật êm nên mọi người không bị say sóng và mệt nhiều.

Hằng đêm, Diễm Tú nằm ngắm ngàn vì sao lấp lánh trên vũ trụ sâu thẳm muôn trùng, tâm hồn tưởng nhớ đến Phan và thầm khấn nguyện ngày đoàn tụ với người yêu thủy thủ. Nàng đã gặp vài gia đình của người quen với Mẹ, họ thường đi chùa lễ Phật lúc còn ở Sài Gòn. Những người này chia cho Diễm Tú thực phẩm còn chiến hạm thì cung cấp nước uống đầy đủ cho dân di tản. Cơn nắng của mặt trời nhiệt đới chói chang và hơi nước biển mặn làm mặt mày Diễm Tú sạm cháy khó chịu. Nàng nhớ lại những lần cùng gia đình đi nghỉ hè tại Vũng Tàu, mỗi ngày ra Bãi trước, Bãi sau đùa giỡn và tắm nắng với hai em Toàn, Thắng. Những chuổi ngày thơ mộng bên cạnh bố mẹ nay chỉ còn lại trong ký ức dĩ vãng như hình ảnh mơ hồ chua xót, tương lai của Diễm Tú quá mù mịt như bầu trời đêm trên biển vắng.

Sau hơn sáu ngày lênh đênh trên Thái Bình Dương, đoàn công voa Hạm đội di tản vào hải phận Phi Luật Tân và bỏ neo chờ được chấp thuận vào Subic Bay. Diễm Tú nghe các dân tỵ nạn trên tàu nói là chính phủ Phi Luật Tân, một quốc gia đồng minh trước đây, từng sát cánh chiến đấu bên cạnh chiến sĩ Việt Nam Cọng hòa, từ chối không cho chiến hạm Hải quân Việt Nam thả neo trong lãnh hải của họ. Cuộc điều đình và thương thuyết đang xúc tiến giữa Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân và chính quyền địa phương về phương diện pháp lý và luật quốc tế. Chính phủ Phi Luật Tân đe dọa sẽ bắt giữ các chiến hạm Hải quân Việt Nam và dân tỵ nạn quá giang trên đó. Sau một thời gian dài chờ đợi, mọi người được cấp chỉ huy chiến hạm di tản thông báo là chính quyền Phi Luật Tân đồng ý cho phép đoàn tàu vào Subic Bay. Nhưng với điều kiện là quốc kỳ Việt Nam phải được hạ xuống; danh hiệu và số tàu phải xóa đi; các hải pháo được phủ kín lại; đồng thời các quân nhân thuộc mọi Quân binh chủng cũng phải lột bỏ cấp bậc khi tàu tiến vào vịnh.

Buổi lễ hạ kỳ diễn ra trong không khí uy nghiêm, đầy xúc cảm. Hàng vạn người dân miền nam Việt Nam vừa mới mất quê hương, nay lại phải chứng kiến cảnh tượng tủi nhục vì sắp bị tước đoạt danh dự của một Quốc gia. Lá Quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ, do ông Lê văn Đệ, họa sĩ nổi tiếng của thập niên 40, vẽ kiểu và cựu hoàng Bảo Đại cùng toàn dân Việt Nam, 27 năm trước đây chấp nhận. Lá cờ chính thức và tượng trưng chủ quyền của Quốc gia Việt Nam, đang từ từ được hạ xuống từ kỳ đài của các chiến hạm, nay đã trở thành chiến hạm không tên. Tiếng đồng ca uất nghẹn, tức tưởi, ngắt quảng vọng lại khắp boong tàu. Mọi người đầm đìa nước mắt khi cất tiếng hát câu cuối cùng của bài Quốc ca Việt Nam: “Công dân ơi! Mau làm cho cõi bờ thoát cơn tàn phá. Vẻ vang nòi giống, xứng danh nghìn năm... dòng giống Lạc Hồng”, vang lừng trên không trung, dưới bầu trời màu thiên thanh.

Thế là hết, lời thề Tổ quốc-Danh dự-Trách nhiệm của người lính chiến một lần tuyên thệ khi tốt nghiệp và trở thành Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cọng hòa, theo dòng nước trong vắt cuộn theo cấp bậc, nón cát két, huy chương...chìm dần xuống đáy đại dương. Có nhiều người vì không chịu nổi cảnh tủi nhục, đã khóc tức tưởi, có người như mất hồn, thơ thẩn đứng nhìn sự nghiệp trôi theo ngọn thủy triều và cũng có người dửng dưng như sẵn sàng chấp nhận định mệnh đang xảy đến với họ.

Diễm Tú khóc ngất khi nghĩ đến đất nước và thân phận mình, nàng oán trách tất cả và cố gắng tìm một lý do để tự an ủi. Mọi việc đã xảy ra quá nhanh, chỉ trong vài tuần lễ, cuộc đổi đời đến với miền Nam Việt Nam, xóa tên một quê hương, tiêu diệt một dân tộc. Những con người mất nước, không lý lịch, nay sắp được gọi chung là dân tỵ nạn Việt Nam, đang nối tiếp nhau, leo thang dây xuống các tiểu đỉnh Hoa Kỳ để được chuyên chở vào vịnh Subic Bay. Họ được di chuyển vào tạm trú tại các căn lều vải quân đội, xây cất tươm tất, để lập thủ tục giấy tờ và chờ chuyến bay qua trại tỵ nạn ở các hòn đảo xa lạ, mang tên đảo Wake, đảo Guam... nằm chơ vơ giữa biển Thái Bình Dương.

Sau khi đứng chờ trong hàng dài người tỵ nạn làm thủ tục đầu tiên, Diễm Tú đi quanh trại tìm xem bố mẹ và hai em Toàn, Thắng có ở tại đây không. Khi đi ngang qua căn lều lớn dùng làm nhà ăn, nàng ghé lại nhận thực phẩm phân phối từ các anh chàng lính thủy Hoa Kỳ. Tay bưng khay thức ăn gồm đủ thứ trái cây, bánh mì sandwich ... nước ngọt, nàng kiếm một chỗ ngồi ngoài sân cỏ với hy vọng gặp được người quen. Diễm Tú ăn ngon lành những thức ăn Mỹ và nàng đưa mắt nhìn quanh khu đất rộng dùng làm trại tỵ nạn cho dân Việt Nam. Những căn lều vải quân đội được dựng lên san sát dưới chân đồi nhiều cây thông không cao lắm. Mỗi căn lều vừa đủ cho một gia đình khoảng sáu bảy người. Trên con đường dẩn qua các lều vải, dân tỵ nạn vừa mới tới hay đã đến đây từ một hai ngày trước, tay ôm tay xách những món quà do cơ quan Hồng thập tự và những drap, gối, khăn lông... do quân đội Mỹ cung cấp. Trong lều đã có sẵn các tấm nệm cho dân di tản nằm. Thật quá đầy đủ, hèn gì mà người ta nói nước Mỹ giàu có là phải. Diễm Tú nghĩ đến những sự kiện vừa xảy ra cho đất nước mình mà phải đi đến kết luận đây là một kế hoạch có tính toán, điều nghiên và chuẩn bị kỹ lưỡng của chính phủ Hoa Kỳ. Từ việc tổ chức Hạm đội Hải quân Việt Nam di tản tập thể, đoàn công voa được chiến hạm Mỹ tiếp tế nhiên liệu, dầu nước ngoài khơi đảo Côn Sơn rồi chỉ định tàu hộ tống và can thiệp với Phi Luật Tân chấp nhận trả các chiến hạm này cho Mỹ, rồi đến việc lo lắng chu đáo, tươm tất, sẵn sàng nuôi hàng vạn người Việt tỵ nạn. Tất cả đã được Hoa Kỳ sắp đặt từ lâu chứ không phải chỉ mới phản ứng khi nghe ông Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng vào sáng ngày 30 tháng 4 vừa qua.

Càng nghĩ nàng càng cảm thấy thương hại cho các nước nhược tiểu như quê hương mình, luôn luôn bị ảnh hưởng và chi phối bởi các đại cường quốc như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga Sô, Trung Cộng... Họ nghĩ rằng vì vận mạng và định mệnh mà các quốc gia nhỏ bé phải gánh chịu, nhưng đây chỉ là lý do tâm lý để người dân khốn nạn và thiếu may mắn bám víu để tự an ủi mình thôi. Tất cả đều là con cờ trên ván bài quốc tế mà trong đó phần thắng cuối cùng, quyền lợi sẽ thuộc về các đại cường quốc.

Đang suy tư với ý nghĩ trong đầu, chợt Diễm Tú nghe tiếng ai gọi tên mình thật lớn một cách ngạc nhiên:
“ Chị Diễm Tú, trời ơi đúng là chị đây mà, thật là may mắn quá...”
Diễm Tú nhận ra Lan, người bạn gái học dưới nàng một lớp và gia đình cha mẹ, ông bà Hoán, cũng ở gần nhà trên đường Công Lý, nàng quá mừng rỡ vì gặp được người quen trên đất tỵ nạn. Nàng đứng dậy, chạy ra nắm tay Lan, hỏi rối rít:
“ Ô kìa Lan, may mắn quá. Tôi đang sợ sẽ không gặp ai quen biết. Đến đây hồi nào? Hai bác và em Thi đâu?”
Lan cũng vui mừng không kém, nàng để mấy đồ đạc vừa đi lãnh từ hội Hồng thập tự xuống đất rồi hai tay ôm Diễm Tú:
“ Lan và gia đình cũng vừa đến sáng hôm qua. Có gặp hai bác và cả Toàn với Thắng, trưa qua tại căn nhà ăn. Nghe đâu hai bác dự trù sẽ đáp một trong vài chuyến bay đầu tiên đi qua đảo Wake vì bác trai nói với ba của Lan là bác muốn vào Mỹ càng sớm chừng nào, tốt chừng đó để bắt đầu cuộc sống mới. À mà Lan nghe bác gái nói là Diễm Tú quyết định không đi theo hai bác, bỏ trở về để chờ anh Phan mà, sao lại đổi ý và làm thế nào qua đây được vậy?”

Diễm Tú kéo tay bạn đến ngồi tại chiếc bàn ăn, nàng rất vui và yên lòng khi biết bố mẹ và hai em đã ra khỏi Việt Nam bình an, nhưng nàng cảm thấy buồn vì nay lại phải mất một thời gian nữa mới gặp lại gia đình:
“Câu chuyện dài lắm, mình sẽ kể cho Lan nghe sau. Diễm Tú hy vọng sẽ gặp anh Phan tại đây vì anh ấy thế nào cũng tháp tùng các chiến hạm Hải quân ra khỏi Sài Gòn khi biết Diễm Tú theo bố mẹ xuất ngoại. Vì thế Diễm Tú sẽ ở lại đây một thời gian nữa để chờ anh Phan rồi sẽ tính chuyện xin qua đảo Wake sum họp với bố mẹ sau.”
Lan móc trong túi áo ra đưa cho Diễm Tú một miếng kẹo cao su, nàng cũng lấy cho mình một cái, vừa nhai vừa kể chuyện:
“ Gia đình Lan đi quá giang trên một thương thuyền Việt Nam từ bến Thương cảng rời Khánh Hội sáng ngày 28, chạy thẳng qua Subic Bay không có gì trở ngại hết. Đến đây là được phép vào trại tỵ nạn lập thủ tục ngay. Lan nghe nói nhiều người bị chết trên biển lúc chuyển tàu lắm. Họ kể là có một thanh niên vì quá mừng rỡ, leo nhanh lên thang dây khi xà lan cặp vào chiến hạm lớn, trật tay té xuống biển bị tàu và xà lan kẹp lại, chết ngay tại chỗ. Ngoài ra nghe tin là có nhiều phi công trực thăng nhảy ra trước khi hạ máy bay xuống biển, bị chết chìm. Còn thật nhiều chuyện thương tâm nữa, Lan nghĩ thật quá tội nghiệp và thấy mình rất may mắn đến được Phi bình an chứ không như những người bất hạnh này.”

Hai người lau nước mắt khi nói về tai nạn đã xảy ra cho người Việt trên chuyến hải trình di tản tìm Tự do. Sau đó Lan hướng dẩn Diễm Tú về căn lều tạm trú dành cho gia đình và một cặp vợ chồng trẻ chưa có con. Mẹ của Lan cũng mừng lắm, bà lấy cho Diễm Tú một ít đồ dụng cụ cá nhân và bảo nàng cứ ở tạm với gia đình bà, cho đến khi nào quyết định rời Subic Bay qua đoàn tụ với cha mẹ tại đảo Wake. Diễm Tú cám ơn hai bác và cảm thấy được an ủi một phần nào. Nàng yên tâm hơn, đi theo Lan lên văn phòng làm thủ tục, ghi danh cho các chuyến bay di chuyển dân tỵ nạn qua hai đảo Wake và đảo Guam đồng thời để hỏi nhân viên làm việc tại văn phòng này xem Phan đã đến đây hay đã chuyển sang các trại tỵ nạn khác chưa?
*****
Chiếc Dương vận hạm loại mới nhất của Hải quân Hoa Kỳ với vận tốc cao và biển êm đã vượt biển Nam Hải và đến Phi Luật Tân chưa đầy 3 ngày. Trong chuyến hải trình, dân di tản ngủ ở boong dưới, trên sàn tàu bằng sắt. Họ được phân phối các tấm cạt tông để lót lưng cho khỏi lạnh, mỗi ngày ăn ba bửa, vừa được phân phát cereal, sửa tươi, cam...để điểm tâm là chuẩn bị ăn trưa, rồi ăn tối. Cánh cửa “ramp” phía sau lái được mở ra thường trực, có màn che làm phòng vệ sinh cho đàn bà, con gái. Mỗi buổi sáng thủy thủ đoàn lấy ống xịt nước biển chùi dọn tươm tất, họ vui vẻ khi làm công việc giúp đở người tỵ nạn, luôn luôn với nụ cười thân thiện và cứ nói “hello”, “hi”, chào ông, chào bà, chào em... không bỏ dấu theo dọng nói của người Mỹ. Có lẽ các người lính thủy trẻ tuổi này đã học lóm được vài tiếng Việt từ các chiến hữu của họ trước đây đã phục vụ tại Việt Nam.

Trong thời gian tàu hải hành, Phan cố tìm quên và qua thời giờ rảnh rỗi hoặc bằng giấc ngủ chập chờn, đọc sách hay viết những lá thư dài không địa chỉ người nhận, trải hết tâm tư mình gửi đến Diễm Tú . Anh mong chiến hạm chóng đến Subic Bay để anh có thể xin qua Guam tìm kiếm gia đình Diễm Tú. Qua những câu chuyện với ông Đại tá, Phan được biết gia đình của ông đã di tản bằng máy bay quân sự của DAO và có thể sẽ đến Guam, nơi mà ông được biết là trung tâm tỵ nạn chính được dùng để đón nhận dân miền nam di tản. Ông cũng khuyên Phan tháp tùng ông vì anh còn độc thân, cần có gia đình và người quen để khỏi cảm thấy cô đơn nơi xứ lạ quê người. Ngoài ra ông rất quý trọng và cám ơn Phan đã giúp cho toàn thể dân di tản trên chiếc tàu, điều khiển và sửa chữa máy tàu, đưa mọi người an toàn đến gặp tàu Mỹ. Phan đã nói cho ông biết lý do chính của Phan là nhất định phải tìm cho được gia đình Đại tá Quả để tái ngộ vớiø Diễm Tú. Ông Đại tá tin rằng họ đã đến Guam nếu đã đáp máy bay của DAO ra khỏi Việt Nam.

Thế rồi khi tàu đến Subic Bay, sau khi làm thủ tục và chứng kiến cảnh tượng nhục nhã khi phải sắp hàng dài, chờ đến phiên mình bị cắt bỏ cấp bậc, huy hiệu trên chiếc áo trận, cùng với các Sĩ quan khác của một Quân đội nổi tiếng oai hùng ngày nào, Phan chán nản không muốn ở lại một ngày nào nữa. Lòng mong muốn sớm gặp lại Diễm Tú nung nấu tâm tư, nên anh theo ông Đại tá lên chiếc xe buýt màu xám Hải quân Hoa Kỳ ra phi trường quân sự, đáp chuyến máy bay tối hôm đó, theo một trong những đợt di tản đầu tiên đưa dân tỵ nạn qua đảo Guam. Nhìn bầu trời màu tím trải dài vô tận ngoài cánh phi cơ qua chiếc cửa sổ nhỏ, Phan cảm thấy tâm hồn trống vắng, cô đơn. Anh buồn nhớ chuỗi ngày theo tàu tuần tiểu trên vùng biển quê hương, ghé thăm các bán đảo đầy hàng dừa xanh rũ bóng trên bờ cát trắng ngà, viếng các danh lam thắng cảnh khi ghé bến, đi bờ. Tất cả kỷ niệm đẹp nay chỉ là dĩ vãng trong tiềm thức. Không biết ngày nào Phan mới tìm lại được giây phút êm đềm bên người yêu, thả bước bên rừng thông bát ngát của đồi vọng cảnh nhìn xuống bờ Hồ Xuân Hương, như lần lên thăm gia đình Diễm Tú tại Đà Lạt một năm trước đây khi Đại tá Quả làm việc ở xứ hoa anh đào.
Hy vọng gặp Diễm Tú tại Guam như ông Đại tá tiên đoán làm cho anh lên tinh thần và nhắm mắt lại cố hình dung khuôn mặt khả ái, mái tóc ngắn, nụ cười xinh xắn của người yêu, rồi chìm dần vào giấc ngủ theo tiếng máy rì rầm của chiếc máy bay chuyên chở quân sự C-130, Hercules của quân đội Mỹ đang xé màn đêm bay về hướng hòn đảo nhỏ nằm trên biển Thái Bình dương.

Chuyến phi vụ bay liên tục không ngừng, trên những cuộn mây trắng dày dặc dưới cánh bay, cuối cùng Phan thấy thất thoáng giữa bầu trời thiên thanh, một vùng đất màu lục đậm có hình dáng như một quả bóng hình bầu dục, dần dần hiện ra trên biển xanh thẳm. Chiếc máy bay lượn vòng trên các ngôi nhà mái bằng phẳng được xây cất như muốn giảm bớt sự thiệt hại do bão tố thường xảy ra tại Guam trong mùa biển động. Sau đó chiếc vận tải cơ khổng lồ đáp xuống phi đạo chạy dài trước các nhà vòm bằng nhôm như tại căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất hay Đà Nẳng mà Phan đã thấy trước đây khi đáp phi cơ quân sự ở Việt Nam.

Máy bay chạy vòng vào bải đáp, cánh cửa “ ramp” phía sau từ từ hạ xuống, mọi người cảm thấy hơi nóng thổi vào mặt khi nối tiếp nhau đi xuống chiếc “ramp”, ánh sáng mặt trời miền nhiệt đới chói chang phản chiếu nền xi măng bằng phẳng nóng bỏng dưới bước chân đi. Những chiếc xe buýt quân đội sắp hàng dài chờ đón người Việt tỵ nạn đang ngơ ngẩn, thẫn thờ bước lên. Đợt thứ nhất này được chở đến trú ngụ trong các căn lều vải quân đội rộng lớn, dựng trên bờ cát, được bao quanh bởi dây kẽm gai, tại một nơi gọi là Orote Point. Từng hàng dài người tỵ nạn có lẽ đến đây những ngày trước đang sắp hàng lảnh thức ăn, lơ đảng nhìn dân di tản mới đến, vài người nhón chân, đưa tay vẫy về phía đoàn xe buýt chạy ngang qua, về phía Bộ chỉ huy trại. Tại đây, mọi người lần lượt bước ra khỏi xe buýt và có người vui vẻ khi nghe tiếng người quen gọi tên mình từ đám đông đang đứng chờ tìm kiếm thân nhân, bạn hữu. Vợ con ông Đại tá cũng có mặt trong những người này. Họ mừng rỡ chạy ra, ôm nhau, hôn hít vì quá sung sướng được đoàn tụ, hỏi thăm rối rít về cuộc hành trình di tản. Phan cố tìm xem có gia đình của Đại tá Quả hay không, nhưng thất vọng thấy toàn khuôn mặt xa lạ. Phan tần ngần, cầm chiếc xách tay, đứng cạnh bên rồi cũng cảm thấy vui cho ông Đại tá và gia đình. Anh không biết phải đối xử hay phản ứng như thế nào, định bước đi về phía cửa văn phòng lập thủ tục giấy tờ thì ông Đại tá như chợt nhớ ra, chạy đến, kéo tay anh về phía vợ và ba đứa con, hai trai một gái, tuổi chừng 16, 17, rồi vui vẻ giới thiệu anh với gia đình:
“ Bố giới thiệu đây là Chuẩn úy Phan, người đã giúp bố và các người quá giang trong chuyến vượt biển vừa rồi. Anh Phan không có thân nhân nào đi tỵ nạn hết, vì thế sẽ tạm thời ở với gia đình mình cho đến khi anh quyết định đi lập nghiệp tại các tiểu bang Mỹ.”
Bà vợ mau mắn chào hỏi và tiếp lời chồng:
“ Chào anh Phan, tôi và các cháu vui lắm nếu anh tạm thời ở chung trại với gia đình chúng tôi. Đã quen với ông nhà tôi thì là người nhà, cứ tự nhiên nghe.”
Hai cậu trai thì quá mừng vì thêm người bạn nữa. Riêng đối với Phan, anh cũng cảm kích và thấy mình cũng cần có vài người quen biết cạnh bên để nói chuyện cho đỡ buồn, nên anh vui vẽ theo ông Đại tá về căn lều mà vợ con ông đã sống hơn ba ngày qua, từ khi được máy bay chở đến đây. Sau đó hai đứa con trai dẫn ông Đại tá và Phan lên lảnh thêm đồ đạc, áo quần được nhân viên tình nguyện từ nội địa Mỹ qua giúp hội Hồng thập tự tại Guam. Những bà già Mỹ vui vẻ, nhanh nhẹn chào đón và hướng dẫn người tỵ nạn Việt Nam. Họ phân phối các đồ dùng vệ sinh cá nhân, trả lời các câu hỏi với nụ cười thường trực trên môi, làm cho mọi người cảm thấy khâm phục những tấm lòng vàng của người dân Mỹ đang tham gia vào công việc từ thiện.

Phan hỏi một bà già làm việc tại đây về thể thức và làm thế nào để liên lạc tìm thân nhân trên đảo. Bà ta vui vẻ hướng dẫn và đưa cho Phan một mẫu giấy để ghi chi tiết rồi treo tại bản thông báo tìm người. Cho đến giờ phút đó, Phan mới biết rằng gia đình Đại tá Quả chưa qua đến đảo Guam. Anh rất thất vọng và tự trách mình quá hấp tấp không ở lại Subic Bay thêm vài ngày nữa trước khi qua Guam. Tuy nhiên anh được bà này cho biết hầu hết các người tỵ nạn sẽ đến đây lập thủ thục giấy tờ di trú trước khi được xuất trại vào các trung tâm tỵ nạn khác, đã được thành lập rải rác tại các tiểu bang trong nội địa Hoa Kỳ. Bà già mỉm cười khuyên Phan hãy kiên nhẫn, thế nào cũng gặp lại những người thân nếu họ đã may mắn thoát ra khỏi Việt Nam.

Thế rồi chuổi ngày tỵ nạn kéo dài lê thê trên hòn đảo xa lạ. Mỗi ngày từng đoàn xe buýt chở dân di tản nhập trại càng nhiều, những dãy nhà lều lần lượt đầy ấp với người tỵ nạn vừa được chuyên chở đến từ các phi cơ, thương thuyền cặp bến tàu cách trại không đầy 10 phút. Phan cảm thấy thì giờ sắp hàng đứng chờ vào nhận thức ăn ngày ba bửa tại một trong 8 phạn xá rộng lớn, trên bãi cát nóng, cơn gió oi bức và dưới ánh nắng chói chang của mặt trời miền nhiệt đới, càng lâu thêm vì “ line” dài hơn trước. Những lớp dạy căn bản Anh ngữ cũng được nhiều dân tỵ nạn ghi danh theo học để chuẩn bị cho cuộc sống mới khi vào đất liền. Phan cũng ghi danh học cho qua thì giờ và cũng nhờ vậy mà anh gặp lại được những người bạn Hải quân độc thân khác vừa đến trại Orote Point. Họ kể cho nhau những điều tai nghe mắt thấy trong chuyến hải trình tìm tự do vừa qua, ngán ngẫm cho sự đời vì hành vi hèn nhát của các cấp chỉ huy; khinh bỉ khi nhìn thấy bộ mặt thật, xấu xa của những người trước đây luôn luôn ăn trên ngồi trước, hưởng thụ vật chất đầy đủ vì giàu có và nắm giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền Sài Gòn.

Khoảng gần hai tuần lễ sau đó, chiếc tàu Việt Nam Thương tín chở hàng trăm người tỵ nạn từ Phi Luật Tân qua đến Guam. Phan nhớ lại khi chiếc tàu đánh cá di tản chạy ngang qua Căn cứ Yểm trợ Tiếp vận Nhà Bè vào 2 giờ chiều ngày 30 tháng 4, anh nghe là Việt Cộng phục kích tác xạ vào chiếc Việt Nam Thương tín này và nhà văn Chu Tử đã bị tử thương trên đó. Đây là một thương thuyền lớn nhất của Việt Nam, đầy đủ tiện nghi, có khả năng xuyên đại dương mà Hàng hải thương thuyền Việt Nam đã xữ dụng chuyên chở hàng hóa đường quốc ngoại trong thời gian mấy năm vừa qua.

Gia đình ông Đại tá đối xử với Phan rất tốt, xem anh như người thân trong nhà, chia xẻ đủ thứ. Ông ấy còn giúp Phan một ít tiền dollars để mua đồ lặt vặt tại các xe bán hàng, ngoài những thứ được phân phát, cung cấp mỗi ngày kể cả thuốc hút. Dù vậy, Phan vẫn cảm thấy buồn và chán nản với cuộc sống kéo dài lê thê, vô vị, nhất là vì không nhận được tin tức gì về người yêu của mình. Anh thất vọng mỗi lần lên chờ đoàn người mới nhập trại, vì gặp toàn cả khuôn mặt xa lạ, riêng gia đình ông Quả thì vẫn biệt tăm biệt tích. Tiếng loa phóng thanh loan mục nhắn tin càng làm cho Phan mất dần niềm hy vọng. Anh thắc mắc không biết Diễm Tú đang ở đâu? Có gặp trở ngại gì vào giờ phút cuối hay không.

Phan nghe bạn bè nói còn có đảo Wake, nằm về phía tây của Guam, cũng được dùng làm nơi thâu nhận các dân tỵ nạn Việt Nam và họ đề nghị anh liên lạc gửi thư tìm kiếm xem có may mắn gì không. Vì thế anh cũng đã nhờ Hồng thập tự nhắn tin tìm Diễm Tú, rồi hằng đêm, nằm trên chiếc ghế bố quân đội, nghe gió biển thổi luồn qua căn lều vải, tay gác lên trán, đăm chiêu suy nghĩ, chán đời, thầm trách người yêu và cảm thấy bất mãn với chính mình.

Thời gian chầm chậm trôi qua, đã gần một tháng kể từ ngày Phan nhập trại Orote Point , những người tỵ nạn đến rồi đi. Có những người muốn xuất trại sớm, họ thức dậy từ sáng sớm, khi trời còn tối thui, sắp hàng dài trước phòng di trú, làm đơn ghi tên xin vào Mỹ, tại một trong bốn trại tỵ nạn đã được xây cất tại các tiểu bang California, Arkansas, Pennsylvania và Florida. Nhiều người có thân nhân ở Pháp, Gia Nã Đại, Úc châu... cũng xin được đoàn tụ với gia đình tại đệ tam quốc gia này.

Ngày hôm nay, khi đi ngang qua văn phòng di trú, anh chú ý đến một số nhân viên Hải quân, thuộc thủy thủ đoàn của những chiến hạm di tản, bị theo tàu khi Hạm đội Hải lực khởi hành từ Côn Sơn ngày 1 tháng 5 qua Phi Luật Tân, đang sắp hàng dài trước một văn phòng mới như chờ làm giấy tờ. Đây là những quân nhân độc thân hoặc gia đình vẫn còn sinh sống ở Việt Nam, không muốn đi Mỹ, họ muốn ghi danh xin giúp phương tiện trở về đoàn tụ với vợ con, cha mẹ tại quê nhà. Văn phòng Cao Ủy Liên Hiệp quốc này vừa được thành lập thâu nhận đơn và lập thủ tục cho những người muốn trở về. Phan gặp vài người Sĩ quan và Hạ sĩ quan quen từ trước, họ có vẻ rất vui vì có cơ hội và hy vọng được rời khỏi trại tập trung khổng lồ và về gặp lại gia quyến.

Cuối cùng tin vui chợt đến với Phan khi anh thấy trên danh sách tại hội Hồng thập tự tên của Đại tá Quả đã được máy bay chở đến tạm trú ở đảo Wake vào ngày 4 tháng 5 năm 1975. Phan mừng rỡ như điên, chạy về báo tin cho bạn bè và gia đình ông Đại tá. Mọi người đều mừng rỡ và chia vui cùng anh. Sau đó anh lên văn phòng di trú xin nhắn tin cho ông bà Quả và cho Diễm Tú... Ba ngày sau, anh nhận được một tin làm anh quá sửng sốt và đau khổ đến tận tim cang. Ông Quả cho biết là vào giờ phút cuối, Diễm Tú đổi ý không theo gia đình xuất ngoại và quay trở về tìm kiếm Phan. Trong thư hai ông bà chua cay trách móc Phan và nói rằng có lẽ giờ này Diễm Tú vẫn còn ở lại Sài Gòn để chờ Phan đến đón nàng.

Thế là hết hy vọng, Phan cảm thấy oán hận đời, trách mình đã làm cho Diễm Tú phải kẹt lại. Anh bất mãn, uất ức và rồi khi nghe hai người bạn Hải quân khuyến khích, Phan lên văn phòng Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp quốc, ghi đơn xin theo thủy thủ đoàn chiếc tàu Việt Nam Thương tín để trở về tìm Diễm Tú ở Sài Gòn.
*****
Cuộc sống tại trại tạm trú Subic Bay càng ngày càng lắng xuống khi số thuyền nhân tỵ nạn do tàu Mỹ cứu vớt ngoài khơi biển Nam Hải ít dần, sau một thời gian kể từ khi quân Cộng sản lái xe tăng T-54 ủi sập cổng vào dinh Độc lập trưa ngày 30 tháng 4. Dân tỵ nạn được sắp đặt và chuyên chở trên các phi cơ hay thương thuyền lớn qua trại tập trung trên đảo Guam hoặc trên các chuyến bay quân sự qua đảo Wake.

Diễm Tú vẫn kiên lòng chờ đợi Phan, nàng tin rằng sau khi nhận được thư của nàng để lại nhờ chú Năm trao cho anh, thế nào Phan cũng tìm phương tiện ra khỏi Sài Gòn trước khi miền Nam thất thủ. Không ai biết rõ tính tình người yêu bằng Diễm Tú, luôn luôn thích ứng với mọi hoàn cảnh, rất tháo vác và dễ yêu.

Gia đình của Lan đã đi đảo Wake tuần vừa rồi, sau khi ở dưỡng sức và chờ bà con thân thuộc gần hai tuần lễ, ba của Lan nói với mọi người là không có gì gấp rút phải đi ngay, vì còn gia đình chú tư, cô sáu trên đường qua Phi Luật Tân. Tính tình của người thương gia, sống thoải mái với công việc buôn bán hàng ngày, không vội vàng và tính toán đã làm cho bác ấy có vẻ bình thãn với biến cố xảy ra. Bác nói với Diễm Tú là nếu thua lỗ keo này bác sẽ bày keo khác, có gì mà phải lo. Thật khác hẳn với tính tình của bố Diễm Tú, lúc nào cũng vội vã, nóng nãy, mọi việc phải làm ngay tức khắc.
Diễm Tú có nhờ Lan mang theo lá thư của nàng viết cho bố mẹ, trong đó nàng giải thích và xin bố mẹ tha lỗi về hành động vừa qua của nàng, vì nàng không thể làm gì khác hơn. Nàng quá yêu Phan và nhất quyết phải ở lại đây chờ Phan và sẽ là người cuối cùng rời trại tạm trú tại Subic Bay. Diễm Tú hẹn sẽ gặp cha mẹ trên đảo Wake trong thời gian gần đây. Nàng rất mong lá thư này được Lan chuyển tới tay bố mẹ khi gia đình Lan đến Wake.

Ngày tháng trôi qua chậm chạp, thời tiết trở nên nóng hơn và thỉnh thoảng mưa rào buổi chiều càng làm oi bức thêm. Diễm Tú vừa được cho biết là chỉ còn vài chuyến bay chở số người tỵ nạn còn lại qua đảo Guam mà thôi và tất cả dân di tản phải ghi danh trên các phi vụ này. Nàng ghi tên vào chuyến sắp đến, rồi sữa soạn hành trang và viết cho cha mẹmột lá thư cho biết là nàng sẽ phải đi Guam thay vì qua đảo Wake.

Chuyến bay C-130 Hercules sơn màu rằn ri khởi hành khi bình minh vừa ló dạng trên vùng biển màu xanh. Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Subic Bay nhỏ dần rồi bị che khuất dưới đám mây trắng sau đuôi máy bay. Hơn một tháng đã trôi qua kể từ ngày Diễm Tú rời Sài Gòn trên chiếc Dương vận hạm của Hải quân Việt Nam. Thời gian chờ đợi Phan ở trại tỵ nạn này làm cho mặt mày nàng trở nên sạm nắng. Những điều nhận xét trên chuyến hải trình tìm Tự do làm nàng suy nghĩ suốt đêm thâu và cảm thấy lớn lên từ thể xác đến tâm hồn. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, một cô sinh viên được cha mẹ nuông chìu, sống trong tiện nghi đầy đủ, nay trở nên tháo vát, tự lập và đầy khả năng sinh tồn cá nhân. Nàng nhìn thế giới và nhân loại dưới đôi mắt khác hơn trước khi chứng kiến những gì xảy ra chung quanh mình. Nàng cảm xúc trước tâm hồn vị tha, đầy nhân đạo của nhân viên thiện nguyện làm việc với hội Hồng thập tự, những quân nhân Mỹ vui tính, sẵn sàng giúp đỡ các dân Tỵ nạn, những y tá, bác sĩ tận tụy , chữa bệnh các em bé, người già cả... Ngược lại cuộc đổi đời cũng làm cho người con gái Việt di tản nhận thấy bộ mặt thật của các nhân vật, trước đây sống trên nhung lụa, ăn trên ngồi trước, lợi dụng cuộc di tản, công khai bỏ vợ, bỏ con đem theo tiền của, dẫn bồ bịch, vợ bé chạy ra ngoại quốc.

Câu chuyện tranh giành lên tàu, ý định xô thiếu nữ xuống biển của một thanh niên di tản để choán chỗ, tượng trưng cho sự khiếp nhược của các thành phần tham sinh úy tử. Khi sắp hàng chờ làm thủ tục giấy tờ xuất trại, họ nhảy hàng tỉnh bơ lại còn lớn tiếng sừng sộ khi người đứng phía sau bực mình, lên tiếng chỉ trích.

Diễm Tú chìm đắm với ý nghĩ đang quay cuồn trong đầu khi máy bay đạt lên cao độ ấn định, vượt biển Thái Bình dương trực chỉ về bán đảo nhỏ nằm giữa biển khơi cách gần một ngày bay. Trên chuyến bay này có một cặp vợ chồng trẻ ngồi cạnh bên, người vợ mang thai, có lẽ khó chịu vì bào thai hành hay sao mà thỉnh thoảng Diễm Tú thấy anh chồng cứ xây qua nói nhỏ và xoa bụng vợ hoài. Một lúc sau, anh ra hiệu xin người lính không quân Mỹ đang đứng gần cửa “ramp”, một ly nước lạnh cho người vợ trẻ.

Khoảng năm sáu giờ từ khi phi cơ rời Subic Bay, Diễm Tú lại thấy cô này nhăn nhó và anh chồng gọi người lính cho biết vợ anh đang chuyển bụng đẻ. Người lính Không quân gọi máy báo cáo cho phi công biết và chỉ vài phút sau, từ trong phòng lái phía trước, một Sĩ quan, có lẽ là phi công phụ và hai người khác trong bộ áo quần bay màu ô liu nhạt, vội vàng chạy ra đến gần hỏi thăm hai vợ chồng. Sau đó họ dìu cô vợ trẻ đưa ra khu vực nhỏ phía sau phòng lái. Mọi người đều lo lắng và cầu nguyện cho bà mẹ tương lai. Thế rồi khoảng một giờ sau, hòa lẫn với tiếng động cơ máy bay, hành khách nghe thoang thoảng tiếng trẻ con khóc oe oe. Người chồng chạy ra tin cho mọi người biết vợ mình vừa sinh một bé trai kháu khỉnh nhờ tài đở đẻ của người phi công phụ. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm và không khí trên máy bay trở nên thân mật hơn vì biến cố bất ngờ này.

Cũng vì sức khỏe của hài nhi và người vợ trẻ không mấy khả quan, vị Sĩ quan phi công trưởng gọi máy về Bộ chỉ huy, báo cáo sự kiện và trường hợp khẩn cấp, xin được phép đáp xuống phi trường đảo Wake thay vì phải bay qua Guam, với thời gian còn dài, có thể nguy đến tính mạng của hai mẹ con. Bộ chỉ huy chấp thuận, do đó sau khoảng một giờ tiếp tục bay trên biển, chiếc C-130 hạ cánh xuống phi đạo chạy dài dọc theo bờ biển đảo Wake. Khi cánh cửa “ramp” mở ra, ngọn gió chiều mùa hè thổi vào mát rượi, Diễm Tú thấy chiếc xe Hồng thập tự và y tá đang chờ sẳn, bên cạnh ba chiếc xe buýt sơn màu xám Không quân. Hai mẹ con được y tá đặt nằm trên băng ca đưa ra xe cứu thương, anh chồng tay xách vai mang hành lý chạy theo, miệng cám ơn người tỵ nạn rối rít.

Mọi người lần lượt xuống khỏi máy bay và được thông báo vì trại còn trống chỗ sau khi nhiều đợt dân tỵ nạn đã di chuyển vào các trại ở nội địa Hoa Kỳ, do đó nhân tiện cấp cứu cho hài nhi, những người trong chuyến bay này sẽ tạm trú tại đây thay vì tiếp tục qua đảo Guam. Diễm Tú quá mừng rỡ vì hy vọng gia đình mình còn ở tại đây, chưa được di chuyển vào đất liền.

Đoàn người di tản lại một lần nữa xách hành trang, nối đuôi nhau lên xe buýt và đến văn phòng di trú cách đó chừng không đầy mười phút xe chạy. Hai bên đường những căn nhà gạch xinh xắn, nhỏ nhắn nằm san sát nhau. Trước sân nhà là các cây miền nhiệt đới như cây “bồ hòn” thấp lè tè. Trên vệ đường từng đám người tỵ nạn Việt Nam, lũ lượt chậm rãi đi trong ánh nắng buổi chiều. Họ lơ đãng, không chú ý nhìn ba chiếc xe buýt cuốn bụi mù, chạy ngang qua, có lẽ họ đã quen thấy cảnh người đến, kẻ đi trong thời gian cư trú tạm thời tại một bán đảo xa xôi mà trước đây ít người Việt Nam biết đến.

Xe buýt dừng lại trước căn nhà lớn, có đề dòng chữ viết bằng Việt ngữ “ Văn phòng lập thủ tục”, nơi chào đón dân di tản mới tới. Sau khi làm giấy tờ nhập trại, nhận phiếu ăn để nhận thực phẩm tại một trong hai phạn xá lớn, họ được chỉ định nơi tạm trú tại các căn nhà gạch trước đây nghe nói dùng làm nơi cư ngụ cho gia đình của các quân nhân Không quân đồn trú tại hòn đảo hẻo lánh này. Nay bỏ trống vì quân số giảm thiểu, cũng như vị trí và điều kiện thiên nhiên của đảo Wake, chỉ có thể liên lạc với thế giới bên ngoài bằng phương tiện hàng không. Rừng san hô bao quanh đảo không thuận tiện cho tàu lớn ra vào. Trên đảo không có nước ngọt nên Không quân đã xây những hồ xi măng lớn để chứa nước mưa và dùng máy hơi nước để chế nước ngọt dùng cho việc nấu ăn và uống. Người tỵ nạn tắm rửa bằng các vòi nước biển tại các phòng tắm công cọng rải rác sau những dãy nhà.

Việc đầu tiên sau khi Diễm Tú đi về căn nhà tạm trú là đi tìm gia đình. Nàng đã được cho biết một trung tâm điều hành có đầy đủ danh sách của người tỵ nạn và nơi cư ngụ của họ. Trung tâm này cũng cách nơi nàng ở không xa lắm. Tại đây nàng gặp nhiều người quen cho biết gia đình bố mẹ đã được bảo trợ bởi “sponsor”, mà bố nói với họ là nhà thờ của Cố vấn Mỹ cũ. Gia đình rời bán đảo Wake cách đây hơn hai tuần, nghe đâu họ di chuyển đến trại tỵ nạn ở đất liền Camp Pendleton, California. Gia đình Lan cũng vừa xuất trại ngày thứ bảy vừa rồi để qua Forida. Thế là thêm một lần nữa, định mệnh trớ trêu lại thử thách sự kiên nhẫn của người con gái sắp ăn mừng sinh nhật lần thứ 21. Nàng ngồi lặng người trên chiếc ghế gỗ trước văn phòng điều hành, hai tay ôm đầu thất vọng và bất mãn với chính mình.

Lần này Diễm Tú không muốn ở lâu nơi trại tỵ nạn này và quyết định đi vào ghi danh xin đoàn tụ gia đình ở Camp Pendleton. Như một ngã rẽ của cuộc đời và do cơ duyên sắp đặt trước, sau khi trình giấy tờ chứng minh sự liên hệ với gia đình Đại tá Quả, nàng được chấp thuận ưu tiên trong phi vụ chuyển dân Việt Nam đi tìm Tự do vào lục địa Hoa Kỳ sáng ngày hôm sau.

Diễm Tú cầm giấy tờ về chuyến bay, thờ thẫn lê bước trên con đường dọc theo bờ biển đầy gành đá, tâm tư trống vắng và như muốn buông thả với dòng đời. Nàng đã chạy theo định mệnh và bị chối bỏ. Diễm Tú cảm thấy lòng kiên nhẫn và niềm hy vọng gặp lại Phan ở Sài Gòn cũng như tại nơi này, từ nay đã tan thành mây khói.

Ngước mặt lên nhìn bầu trời xanh đã ngả qua màu tím nhạt, Diễm Tú để đôi dòng lệ lăn tràn qua khóe mắt, chảy dài trên gò má sạm nắng. Nàng lầm lũi đi trong bóng xế hoàng hôn về nơi vô định..
*******
Chương Ba
Danh sách thủy thủ đoàn đã được thành lập để điều hành và chuẩn bị cho chuyến hồi hương trên chiếc thương thuyền Việt Nam Thương tín. Những người tỵ nạn muốn trở về Việt Nam theo sự can thiệp của Văn phòng Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc trong đó có Chuẩn úy Phan lo chạy máy tàu cùng với các Sĩ quan Hải quân ngành cơ khí khác. Hạm trưởng được chỉ định là một cựu Hạm trưởng có nhiều kinh nghiệm đi biển, hải nghiệp giỏi. Ông đã chỉ huy chiến hạm qua Guam sửa chữa tàu nên biết lộ trình về Việt Nam. Sau đó tất cả những người xin hồi hương này được dời về ở tại các căn trại riêng biệt , xa các dân tỵ nạn khác, vì các cuộc tranh đấu yêu cầu được chấp thuận cho họ về gấp. Những ưu tiên, tiếp xúc, thư từ liên lạc với người ngoài cũng không được bình thường như lúc còn ở chung trại với các dân di tản khác.

Cuộc thương thuyết giữa Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp quốc, Hoa Kỳ và chính quyền Cộng sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng sau cùng gần 1700 người trên chiếc Việt Nam Thương tín vượt chuyến hải trình kéo dài 10 ngày vào đến hải phận Việt Nam. Tưởng rằng sau khi thẩm vấn xong xuôi, mọi người sẽ được cho phép trở về nhà đoàn tụ với gia đình nên ai nấy háo hức khi tàu vào neo tại vịnh Vũng Tàu. Phan cũng vậy, anh đứng trên boong tàu thích thú và bâng khuâng khi nhìn vào Bãi trước, nơi cách đây không bao lâu, trước ngày 30 tháng 4, anh cùng Diễm Tú, tay trong tay dạo chơi trong ánh nắng vàng. Anh quá thất vọng khi thấy sinh hoạt đã đổi khác, không còn cảnh tưng bừng náo nhiệt ngày nào, ghe thuyền đánh cá, thương thuyền Việt Nam, ngoại quốc vắng bóng tại cửa biển chính của Sài Gòn.

Thế rồi anh lại được lệnh xuống hầm máy, điều khiển máy tàu khi tàu nhổ neo đi về hướng bắc. Sau gần hai ngày lênh đênh trên vùng biển quen thuộc, tàu Việt Nam Thương tín thả neo trước cầu Đá Nha Trang và toàn thể mọi người rời tàu lên bờ. Phan chỉ thấy dinh Bảo Đại khi ngồi trên chiếc thuyền nhỏ vào cập cầu Đá, chứ sau khi bị lùa lên các xe bịt bùng, anh không thấy gì bên ngoài và cũng không biết mình sẽ được đưa về đâu.

Hy vọng về Sài Gòn để gặp lại người yêu đã tan thành mây khói khi anh được biết, mọi người phải đi học tập cải tạo để trở thành công dân lao động tốt trước khi có thể được thả về hội nhập với cuộc sống mới của Xã hội chủ nghĩa.

Những chuỗi ngày tù đày kéo dài theo thời gian, Phan bị chuyển trại nhiều lần. Anh không có cơ hội gặp những người khác trên tàu Việt Nam Thương tín ngoại trừ các người ở chung toán. Thư từ anh gửi về địa chỉ của Diễm Tú, sau khi chờ đợi gần ba bốn tháng, bị trả lại vì không có người nhận. Mỗi ngày lê chân trên con đường đất đi vác củi, đốn cây, anh cảm thấy thân thể cường tráng ngày nào, ngày càng trở nên ốm yếu vì lao động thiếu dinh dưỡng. Mỗi ngày một củ khoai, củ sắn, bo bo, lâu lắm vào những ngày lễ của đảng hay Tết âm lịch mới được ăn thịt mở, canh rau...

Sau gần bảy năm ở tù cải tạo tại Tuy Hòa, anh được thả về lại Sài Gòn. Anh tìm đến nhà của Diễm Tú thì được biết cán bộ đã tịch thu và cấp phát cho một tên cán bộ cao cấp Cộng sản sau khi chúng chiếm Sài Gòn. Chú Năm đã vượt biên cùng gia đình qua Thái Lan. Phan thất vọng lang thang trên các vĩa hè thành phố quen thuộc ngày xưa, nay đã trở thành dơ dáy, bụi bậm nghèo nàn.

Ngày hôm đó, Phan ngồi buồn bã trên băng ghế đá trước công viên bến Bạch đằng ngày nào, đang thờ thẫn nhìn tượng Thánh tổ Hải quân như muốn nhớ lại kỷ niệm đã đánh mất. Phan cố tìm trong dĩ vãng hình ảnh người yêu năm nào, tươi cười lúc thấy anh bước lên cầu tàu, chào đón khi nàng đến thăm. Không biết lúc này nàng ở đâu và đang làm gì, có còn nhớ đến anh hay không?

Anh đứng dậy bước về phía con đường thân yêu bảy năm trước, một con bướm màu sắc rực rỡ như giật mình vỗ đôi cánh đẹp vượt lên cao, về hướng sông Sài Gòn, hướng mặt trời mọc. Phan ngẩn ngơ nhìn theo cánh bướm như muốn gửi hồn mình bay theo.
*****
Tin về việc gần 2000 người dân quân cán chính xin trở về Việt Nam được loan truyền trong dân tỵ nạn tại Camp Pendleton, California. Diễm Tú đã gặp và đoàn tụ với gia đình Đại tá Quả cách đây hơn hai tuần lễ. Hàng ngày nàng trông mong nhận được tin của Phan từ đảo Guam. Nàng có gửi thư qua trại Orote Point nhưng không có hồi âm. Diễm Tú rất buồn vì theo lời của bố mẹ, trước đây Phan có viết thư gửi qua đảo Wake tìm nàng. Tuy nhiên nàng cũng lo lắng vì Phan được bố mẹ cho biết, nàng đã không theo gia đình bay ra ngoại quốc và sau đó Diễm Tú đã quay trở về Sài Gòn tìm kiếm Phan.

Sáng hôm nay nàng lại lên văn phòng Hồng Thập tự nhờ gửi điện văn gấp để tìm Phan và hy vọng anh không ở trong nhóm những người xin hồi hương. Trong bức điện văn nàng cho biết nàng yêu Phan và sẽ chờ Phan suốt đời.

Trên con đường đất dẫn về căn lều tạm trú, chung quanh nàng, người tỵ nạn lui tới tấp nập, tiếng cười đùa vang trong nắng ấm của California. Những người này đang chờ các cơ quan thiện nguyện tìm “sponsor” bảo trợ gia đình để đưa họ ra khỏi trại, vào hội nhập với đời sống mới tại các tiểu bang khắp nước Mỹ. Đời sống trong trại tỵ nạn Camp Pendleton bình thãn với người nhập trại, xuất trại mỗi ngày. Ai ai cũng mong sớm hội nhập với xã hội mới để khởi đầu hành trình tranh sống, xây dựng tương lai cho chính bản thân và gia đình. Gánh nặng con cái và trở ngại ngôn ngữ là hai vấn đề chính mà các đấng làm cha mẹ rất lo lắng. Riêng về phần ông bà Quả, điều thứ nhất không được ông quan tâm lắm vì Diễm Tú tuổi gần 21, Toàn và Thắng cũng 16, 17 tuổi nên có thể ghi danh đi học các lớp Anh văn và tự lo cho cá nhân của mình được.

Ông Quả vẫn còn giận Diễm Tú về câu chuyện cũ, khi nàng trái lời cha mẹ, trở về để chờ đợi một thanh niên cứng đầu, mà ông cho là không xứng đáng làm rể gia đình. Tuy vậy trong thâm tâm, ông biết Phan và Diễm Tú yêu nhau say đắm, không có gì làm thay đổi mối tình của hai người được. Vì thế ông rất bực mình mỗi lần nghĩ lại câu chuyện xảy ra năm ngoái. Ông nhớ hôm đó Phan đến thăm Diễm Tú sau chuyến công tác tuần tiểu ngoài Phú Quốc trở về. Ông bà thương Diễm Tú, muốn Phan và con gái làm lễ thành hôn. Phan đã nửa đùa nửa thật nói với mọi người là với đồng lương Chuẩn úy nghèo nàn, anh không có tiền để cưới Diễm Tú. Ông Quả nói với Phan là ông bà sẽ lo chi phí tất cả và sau khi làm đám cưới xong, Phan có thể về ở tại đây với Diễm Tú vì ông muốn Diễm Tú tiếp tục học xong bằng cử nhân. Phan đã lặng nhìn Diễm Tú một hồi lâu, rồi hình như anh bất mãn vì tự ái bị tổn thất , anh đứng lên xin lỗi ông bà Quả, nói rằng nếu anh muốn lập gia đình, anh có thể tự lo lấy, khong phải nhờ vã đến người nào cả. Sau đó anh chào Diễm Tú, ra phóng chiếc honda, rú máy chạy nhanh không thèm ngoái đầu nhìn lại. Diễm Tú chạy theo, mặt tràn đầy nước mắt. Phan không hồi âm thư của Diễm Tú trong gần hai tháng hải hành ngoài khơi và khi ghé Hà Tiên. Thế rồi chiến hạm trở về bến Bạch đằng, hình ảnh người con gái có mái tóc ngắn, dễ thương xâm chiếm tâm tư người lính biển thèm khát tình yêu, Phan đến tìm gặp Diễm Tú tại trường đại học Văn khoa.

Ông bà Đại tá Quả rất giận nhưng biết tính tình lãng mạn của cô con gái đầu lòng nên đành chịu. Tuy nhiên trong tâm tư, ông bà hoàn toàn không đồng ý về việc Phan và Diễm Tú trở lại với nhau. Nay mọi sự đã thay đổi, ông bà rất mừng và cố tình tránh né nhắc đến tên Phan mỗi lần nói chuyện về dân tỵ nạn ở Orote Point trên đảo Guam xin trở về Việt Nam. Về việc họ treo cờ đỏ sao vàng, hình Hồ Chí Minh, biểu tình, tranh đấu đòi Văn phòng Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, xúc tiến nhanh và chấp thuận việc hồi hương của họ, làm mọi người tỵ nạn khác bất mãn.

Riêng đối với Diễm Tú, nàng thay đổi nhiều, luôn luôn oán trách mình và định mệnh về các hành động hấp tấp thiếu đắn đo của mình và tất cả mọi sự kiện, biến cố xảy ra từ buổi chiều ngày 28 tháng 4 vừa qua. Diễm Tú gắt gỏng, cau có ngay cả với Toàn và Thắng làm hai cậu em rất ngạc nhiên về tính tình của người chị, trước đây ôn hòa và hay nuông chìu hai em trai. Nàng thường bỏ đi từ sáng sớm, có lẽ lên hội Hồng thập tự hay Văn phòng đại diện sở Di trú Hoa Kỳ, rồi khi bà Quả bảo Toàn, Thắng đi tìm, hai cậu này thấy Diễm Tú ngồi ôm đầu trong các lớp học, Anh ngữ, nghề giữ trẻ, uốn tóc, cách thức xin việc làm tại Mỹ...v...v... Khi trời tối mịt và gió đêm lạnh từ biển Thái Bình dương thổi vào khu đất rộng lớn, nàng mới thờ thẫn trở về căn lều vải, nằm dài trên chiếc ghế bố, trùm kín đầu không muốn nói chuyện với gia đình.
Ông Quả có vẻ rất bực mình vì cử chỉ và hành động khác thường của cô con gái. Bà Quả phải khuyên ngăn vì bà biết tính nhà binh của chồng mình, qua đây mà ông nổi nóng, đập con thì có nước đi tù, như các bà giáo dạy trong lớp học nói về luật lệ của chính phủ Hoa Kỳ bảo vệ con cái và trẻ nít trên đất Mỹ.

Gia đình ông Quả đang được nhà thờ của người bạn Cố vấn cũ lập thủ tục giấy tờ bảo trợ đưa lên vùng Seattle, thuộc tiểu bang Washington. Nơi mà bà Quả nghe mỗi năm mưa dầm dề sáu bảy tháng như ở Huế, vì thế bà có vẻ không hứng khởi gì mấy. Tuy nhiên với đời sống buồn tẻ và chán ngấy, thiếu tiện nghi ở trại Camp Pendleton này, ngày ba buổi sắp hàng dài đi lảnh thức ăn, đêm về nằm nghe gió hú trên căn lều vải quân đội, bà Quả cũng rất mong xuất trại càng sớm càng tốt. Hôm qua là ngày sinh nhật thứ 21 của Diễm Tú. Không giống như khi còn sống ở Sài Gòn, mỗi lần sinh nhật con cái, thôi thì tiệc tùng vui vẻ, nay bà chỉ đi mua mấy gói mì Đại hàn, nấu cho mỗi người một tô, bỏ vào vài lát hành tây, ăn vội.

Ngày tháng tiếp tục chầm chậm trôi qua trong chờ đợi của những người di tản Việt Nam, tìm Tự do tại vùng đất hứa này. Bước đầu tỵ nạn làm nhiều người dần dần mất đi niềm tin vào cuộc sống mới gồm nhiều chông gai, thử thách đến với họ. Từ trước đến nay, phần đông những người tuổi trung niên, khi còn ở tại quê nhà, không mấy ai nghĩ là sẽ có một ngày nào đó phải học tiếng Anh để đi làm việc với người Mỹ, phải học nghề mới có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Hầu hết đều tưởng rằng vì chính phủ Mỹ làm chúng ta mất nước nên đón nhận dân tỵ nạn Cộng sản qua đây, cung cấp nhà cửa, nuôi sống hàng ngày và lo cho con cái họ ăn học.

Sau các cuộc nói chuyện mà họ phải nhờ thông dịch viên giải thích, mọi người mới nhận thức đời sống vật chất tại Mỹ không hào nhoáng như dân tỵ nạn mơ tưởng. Họ được biết người Mỹ tự trọng, làm việc hùng hục để trả thuế và trả “ bill”, một tuần lễ làm ít nhất là 5 ngày, mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ, hoặc hơn nữa, họ làm đủ thứ nghề, kể cả nghề đổ rác, bồi bàn... mà hai vợ chồng đều phải lao động mới đủ tiền chi phí trong gia đình.

Tối hôm nay, sau khi đi học lớp Anh văn về, ông Quả cho gia đình biết vấn đề thủ tục đã xong và thứ ba tuần tới gia đình sẽ được xuất trại, đáp chuyến bay dân sự từ phi trường Los Angeles lên Seattle.

Ông nhìn Diễm Tú đang lơ đểnh lắng nghe:
“ Diễm Tú nằm trong danh sách riêng vì con vừa đúng 21 tuổi, theo luật của Hoa Kỳ, con đã trưởng thành, có thể tự lập, làm chủ lấy mình... Tuy nhiên nhà thờ cũng bảo trợ cùng với bố mẹ và Toàn, Thắng. Mỗi người được cấp 10 dollars tiền đi đường và ông Cố vấn cho biết vợ con ông cũng như đại diện nhà thờ sẽ ra phi trường Seattle đón gia đình mình. Ông George sẽ không có mặt vì ông đang làm việc tại Ngũ giác đài- Pentagon.”
Diễm ngồi lặng im, không trả lời bố, hình như nàng đang suy nghĩ điều gì trong đầu. Bà Quả tiếp lời chồng:
“ Ông George có viết thư nói là khi gia đình mình lên đến Seattle, nhà thờ sẽ thuê nhà cho ở và ghi danh cho các con tiếp tục đi học, Toàn và Thắng sẽ vào Trung học và Diễm Tú sẽ xin vào trường Đại học Cộng đồng.”
Nhìn chung quanh căn lều, nơi có những gia đình khác đang cư ngụ chung, ông Quả thấy không có ai để ý, mọi người đang sửa soạn đi xem chiếu bóng ngoài trời:
“ Thành phố Seattle là nơi có khí hậu tốt, cảnh rất đẹp và nhiều hồ như ở Đà Lạt, mặc dù mưa nhiều nhưng gần biển nên mau tạnh chứ không dầm dề và cũng không buồn như Huế đâu. Ngoài ra công ăn việc làm nghe nói cũng dễ kiếm và dân địa phương cũng khá thân thiện, không kỳ thị với người tỵ nạn như phần đông các thành phố tại miền Nam nước Mỹ. Bố tin tưởng là gia đình mình sẽ thoải mái tại đây”
“ Trường học có chương trình Anh ngữ dành cho người tỵ nạn không vậy bố?”
Thắng có vẻ lo âu hỏi vì cậu này biết mình sẽ vào học lớp 11 với số tuổi của mình. Ông Quả lắc đầu như không chắc chắn về vấn đề này:
“ Theo chỗ bố biết, các trường đều có chương trình Anh ngữ dạy cho những người nói tiếng khác- English as a second language- Tuy nhiên bố cũng không rõ là có dạy tại các lớp đệ nhị cấp hay không. Khi nào lên đến đó và ghi danh, bố sẽ trình bày và hỏi các hướng dẫn viên giáo dục về vấn đề này.”

Diễm Tú vẫn giữ nguyên thái độ cũ, nàng nghĩ có nên cho bố mẹ biết là sáng hôm nay, nhân đi ngang Văn phòng hội Hồng Thập tự, nàng vào hỏi tin tức tại đảo Guam về tình trạng các người tỵ nạn xin hồi hương, nàng được thông báo là tàu Việt Nam Thương tín sẽ chỡ những người này về Việt Nam trong thời gian gần đây. Nàng xin trở lại đảo Wake, họ nói ngoài thẩm quyền và có lẽ sẽ không được chấp thuận.
Sau đó vị đại diện hội khuyên nàng nên xúc tiến việc xuất trại và bắt đầu đời sống mới tại Hoa Kỳ. Vị này cũng giới thiệu nàng với cơ quan thiện nguyện lo về việc tìm người bảo trợ. Diễm Tú được hội cho biết có một gia đình hai vợ chồng già về hưu, con cái đã lớn ở nơi khác, muốn bảo trợ một cô gái độc thân tuổi trên dưới 20 để sống chung cùng hai vợ chồng này tại San Diego, thành phố cạnh bờ biển, phía nam Camp Pendleton. Diễm Tú đã điền đơn và tình nguyện xin được bảo trợ. Vị đại diện hội cho biết họ sẽ liên lạc với Diễm Tú tại địa chỉ của nhà thờ “sponsor” của ông Quả ở Seattle sau khi hội ý với gia đình ông bà Charles Peterson về việc bảo trợ này.
Diễm Tú suy nghĩ và quyết định sẽ cho bố mẹ biết về quyết định của mình trong trường hợp được ông bà Peterson nhận đỡ đầu cho nàng.

Sáng sớm thứ ba tuần lễ kế tiếp, gia đình ông bà Quả xách hành trang ra trạm tiếp tân, nơi có từng đoàn xe buýt dân sự đậu dài, lần lượt chuyên chở người tỵ nạn Việt Nam xuất trại ra phi trường đáp các chuyến bay về nơi định cư với người bảo trợ của mình. Chiếc xe chỡ ông bà Quả, Diễm Tú và hai đứa con trai Toàn, Thắng chạy dọc theo xa lộ dẫn đến phi trường Los Angeles. Hai bên đường những ngôi nhà đang ngủ say trong sương mù còn lảng vãng trên bầu trời; tường nhà xây bằng đất nện, mái ngói cong màu đỏ, theo kiểu nhà của dân Mễ Tây Cơ. Những cây dừa miền nhiệt đới, không có trái, lá cây xòa lớn như cánh quạt, khác với cây dừa ở Việt Nam. Trước sân nhà, chủ nhà trồng hoa đủ màu, bãi cỏ xanh mướt thật xinh.

Xe buýt bắt đầu rời xa lộ rộng lớn vào thành phố, chạy về ngã phi trường L.A. Trên lộ trình hàng trăm loại xe, chạy trên đường nhựa ba bốn “lane” như then cửi, nhưng rất trật tự và không nghe tiếng còi xe hơi inh ỏi như ở Sài Gòn. Ngoài ra mọi người cũng không thấy bóng dáng cảnh sát viên tại các ngã tư đường phố, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng còi xe cảnh sát hụ lớn, chớp đèn xanh đỏ vượt qua xe buýt, hối hả chạy về phía trước mặt.
Khi đến trạm hàng không “Trans World Airline”, mọi người xuống xe, lấy hành lý và được hướng dẫn viên của hội thiện nguyện đưa vào ghi tên chuyến bay rồi ngồi trong căn phòng chờ, rộng thênh thang, sạch sẽ, ghế bọc nệm da màu xanh Hải quân. Vào khoảng một giờ sau, gia đình ông Quả theo hành khách của chuyến bay, lên phi cơ bay đến thành phố Seattle, nằm cạnh ngọn núi tuyết “Mount Rainier”, gần biên giới Hoa Kỳ-Gia Nã Đại và bắt đầu cuộc sống mới tại quốc gia tự do.

Một tháng sau khi đến thành phố nhiều mưa này, Diễm Tú từ giã mẹ và hai em trai tại phi trường Seattle, bay trở về San Diego và sống với ông bà Charles Peterson. Ông Đại tá Quả giận dỗi không đưa con gái đi. Ông bảo rằng Diễm Tú bất hiếu, cứng đầu, ngang ngạnh và ông không bao giờ nhìn mặt nàng cho đến khi ông nhắm mắt lìa trần. Ông cũng trách Phan đã làm con gái thay đổi tính tình, không nghe lời cha mẹ, tự quyết định những việc làm thiếu suy nghĩ. Riêng bà Quả vì thương con gái, bà chỉ thầm trách số mạng và định mệnh đã gây nên biến cố mất nước, phải xa lìa quê hương. Bà hy vọng Diễm Tú đã chọn con đường đi đúng cho đời mình và biết rằng trong tương lai sẽ gặp lại con gái. Bà cũng thầm trách Phan đã chi phối tâm tư và ảnh hưởng đời sống tình cảm của Diễm Tú.

Mặt trời tháng 10 đã lên cao, tỏa tia nắng dịu trên vịnh Seattle. Những khóm mây màu xám nhạt từ biển lơ lững trôi về đất liền trong khi chiếc máy bay chỡ Diễm Tú rời phi đạo trực chỉ hướng nam.
*****
Căn nhà sang trọng, xinh xắn nằm trên một ngọn đồi nhỏ nhìn xuống eo biển La Jolla, ánh sáng ban mai tràn ngập những cây dừa rũ bóng chung quanh vườn đầy hoa lá màu sắc rực rỡ. Đây là nhà của ông bà Charles và Millie Peterson, đôi vợ chồng già tuổi cũng sấp sỉ 68, 69, vừa nghĩ việc về hưu khoảng hơn ba năm nay. Ông Charles là một cựu giáo sư Đại học Cộng đồng Mesa và bà Millie làm thư ký cho một văn phòng luật sư nổi tiếng tại “downtown San Diego”. Hai ông bà chỉ có một con trai 45 tuổi, ly dị vợ và không có con cái gì cả, đang sinh sống làm việc ở phía đông Hoa Kỳ tại thủ đô Hoa thịnh đốn.

Diễm Tú đến cư ngụ với ông bà Peterson được hơn hai tháng nay và vẫn chưa có dịp gặp con trai hai ông bà, chỉ được xem hình ảnh của anh này trong Album gia đình. Nàng đã ghi danh vào học trường Đại học Cộng đồng tại đây, vềà “Accounting” với ước mong trong tương lai sẽ chuyển qua Đại học 4 năm. Diễm Tú cũng có ý định nhờ ông bà Peterson hướng dẫn tìm một việc làm “part time”, sau giờ học.

Hôm vừa mới đến phi trường San Diego, Diễm Tú thấy hai vợ chồng đón tại phòng chờ, ông chồng tươi cười nói “hello” còn bà Millie cầm một bó hoa hồng màu vàng mà bà nói là tượng trưng cho Việt Nam, âu yếm ôm hôn vào má và trao bó hoa cho nàng. Khi về đến nhà, Diễm Tú thấy trước cửa, một tấm bảng viết tay có hàng chữ “Welcome to the Peterson’s”. Nhà của ông bà thuộc loại “rambler” một tầng. Nhà có ba phòng ngủ, bà Millie đã dọn cho nàng một phòng nhỏ nhìn ra hướng biển, gió mát rượi khi mở cửa sổ. Tiếng sóng rì rào vọng từ chân đồi nhắc nhở Diễm Tú về chuyến hải trình tìm tự do vừa qua và nhất là gợi lại kỷ niệm êm đềm với người yêu lính biển trong các lần ra viếng Vũng Tàu trước đây. Vào những buổi xế chiều khi mặt trời từ từ lặn dưới chân trời màu tím, tâm hồn người con gái tha hương lắng xuống. Diễm Tú thổn thức, âm thầm gạt đôi dòng lệ thấm ướt bờ mi. Có nhiều lần quá chán nãn, với trạng thái điên loạn, nàng muốn buông trôi, muốn chấm dứt cuộc đời. Những đêm dài không ngủ với ý nghĩ chán chường, cô đơn, trống vắng quay cuồn trong đầu, tự trách mình vội vã, thiếu kiên nhẫn từ việc này qua việc khác. Rồi cơn nhức đầu, chóng mặt liên tục chợt đến, rồi tan biến, Diễm Tú nhận thức đây là hậu quả của tai nạn xảy ra chiều tối ngày 28 tháng 4, khi nàng bị bật tung ra khỏi chiếc xe Jeep tại Thị Nghè.

Ông bà Peterson rất vui kể từ ngày Diễm Tú về ở chung. Ông bà không có con gái, cô dâu Mỹ thì đã ly dị cậu con trai Paul sau khi hai người chung sống gần 24 năm vì nhiều lý do. Thiếu tá Paul, một Sĩ quan Hải quân trừ bị, ngành tiếp liệu cũng đã phục vụ tại Đà Nẳng trong hai năm 1969- 1970, ở căn cứ “Deep Water Pier”, cạnh chân núi “Monkey mountain” gần bãi biển Tiên sa. Ông trở về Mỹ, đi tàu biển thêm ba năm và xin giải ngũ, vì nghiện rượu nặng. Chỉ sau một năm, hai vợ chồng bỏ nhau và ông mở một công ty nhỏ cung cấp vật liệu xây cất tại Washington D.C, phía đông Hoa Kỳ. Một năm hai lần, anh Paul về thăm cha mẹ vào dịp lễ Độc lập Hoa Kỳ, mồng 4 tháng 7 và mùa Thanksgiving hay Giáng Sinh, ở chơi vài ngày rồi từ giã và chỉ giao dịch bằng điện thoại hay thư từ, nên tình cha mẹ con cũng không thắm thiết lắm.

Chỉ còn một tháng nữa là lễ Tạ Ơn, Thanksgiving và ông bà Peterson cho Diễm Tú biết là con trai sẽ về San Diego chơi, nhân dịp này gặp Diễm Tú luôn thể. Bà Millie cũng giải thích cho nàng biết về Thanksgiving và bửa ăn truyền thống đầy lịch sử tính trong ngày lễ này. Ông Charles thì suốt ngày hết sửa chữa đồ dùng trong nhà đến đóng vật dụng khác, bận rộn chăm sóc khu vườn nhỏ; cắt cỏ, tưới cây và cuối tuần xem Football. Chiều chiều ông bà bắt ghế ra hành lang trước nhà nhìn thiên hạ qua lại. Thật đúng là hai người già về hưu, hưởng thời gian còn lại của cuộc đời sau nhiều năm tháng làm việc, tranh sống trong xã hội nhiều đòi hỏi tiện nghi vật chất. Khí hậu điều hòa quanh năm ở vùng này rất tốt cho người lớn tuổi, không nóng lắm mà cũng không lạnh nhiều, bầu trời xanh biếc, không khí trong sạch và khô ráo làm cho San Diego trở thành là nơi nghỉ mát cho dân Mỹ giàu có và là thành phố lý tưởng cho những cặp vợ chồng già hưu trí như ông bà Peterson.

Mẹ của Diễm Tú thỉnh thoảng vào cuối tuần, gọi điện thoại thăm hỏi và cho biết tin tức gia đình. Toàn và Thắng đã đi học, ông bà lãnh tiền trợ cấp hàng tháng, bà đi học nghề uốn tóc còn ông thì ghi danh đi học Đại học Cộng đồng. Với khả năng Anh văn tương đối khá thông thạo và nhất là ông đã du học tại Mỹ về khóa Tham mưu Cao cấp ở Fort Levenworth năm 1969, ông Quả ít gặp trở ngại với việc giao thiệp hàng ngày. Ông vẫn còn giận Diễm Tú rất nhiều vì tính tình thay đổi và hành động khác thường trong thời gian gần đây, ông nói với vợ có lẽ nàng bị khủng hoảng tinh thần và cần đi Bác sĩ điều trị. Tuy nhiên trong thâm tâm, vợ chồng Đại tá Quả cũng thương hại cho cô con gái của mình vì tai họa chiến tranh và định mệnh trớ trêu nên mối tình của Diễm Tú và Phan đã không thành đạt.

Thế rồi mãi mê trong việc sinh kế hàng ngày với cuộc sống mới tại Hoa kỳ, ngày tháng trôi qua như then cửi, thấm thoát Toàn và Thắng đã tốt nghiệp Đại học và xin được việc làm tại San Jose, California và ông Quả đã hưởng tiền hưu trí theo về ở với hai con trai tại thành phố San Francisco.
*****
Diễm Tú cầm tay bé Caroline từ trong bệnh viện FairFax tiến về hướng gầm garage nơi chiếc xe du lịch Toyota Camry của nàng đang đậu. Mùa xuân tại Virginia với nắng ấm và hoa đủ màu nở đầy trên khắp ven đường, cạnh lối đi. Mùi thơm hoa anh đào trinh nguyên và hoa cúc vàng thoang thoảng bay theo gió nhẹ.

Hai mẹ con Diễm Tú vừa vào bệnh viện thăm Lan, người bạn gái láng giềng tại Sài Gòn mà nàng đã gặp tại trại tỵ nạn Subic Bay, trong chuyến hải trình tìm tự do cách đây 15 năm. Hai người bạn thân tái ngộ sau một thời gian qua Mỹ, trong lễ cưới của Diễm Tú với Paul, con trai của ông bà Peterson, được tổ chức đơn giản tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Sau đó hai người cùng làm cùng một công sở tại đây cho đến khi Diễm Tú sinh bé Caroline. Lan cũng đã có gia đình, chồng nàng là một thương gia, có tiệm bán tạp hóa tại khu chợ Việt Nam ở Arlington, Virginia. Họ cố gắng mãi nhưng vẫn chưa có đứa con nào và đến nay thì với căn bệnh ung thư mà Bác sĩ điều trị vừa mới phát giác, Lan khó có thể sinh sản được.

Diễm Tú thương bạn và càng buồn thêm khi nghỉ đến hoàn cảnh của mình. Cách đây không đầy sáu năm, sau khi bé Caroline ra đời được năm tháng, Paul bị tử thương trong tai nạn xe hơi, trên đường về từ Norfolk. Diễm Tú trở thành góa phụ nuôi đứa con lai xinh đẹp. Caroline là món quà quí giá mà thượng đế đã ban cho cuộc đời bất hạnh của nàng, là một an ủi lớn lao giúp cho Diễm Tú tiếp tục còn ham muốn sống còn. Nàng cảm thấy có bổn phận với con gái mình, nên đã tìm niềm vui trong việc chăm sóc nuôi nấng Caroline trong suốt sáu năm qua.

Thỉnh thoảng ông bà Đại tá Quả từ miền tây bay qua thăm con gái và cháu ngoại, ở lại chơi khoảng vài tuần lễ rồi trở về với hai đứa con trai cũng đã lập gia đình tại San José.

Tin tức phổ biến gần đây trong cộng đồng người Việt Nam tại khu chợ Eden, trung tâm thương mại của dân tỵ nạn ở Falls Church, Virginia, nơi hội họp của tập thể người Việt trong những ngày cuối tuần, loan báo về chương trình H.O. Đây là một chương trình nhân đạo đã và đang được Hoa Kỳ cũng như chính phủ Hà nội áp dụng cho các Sĩ quan tù nhân chính trị vừa được phóng thích của chính quyền Việt Nam Cọng Hòa đã bị Cộng sản cầm tù ở trại cải tạo, sau khi họ chiến đoạt miền Nam. Những tù nhân bị giam giữ trên 5 năm sẽ được xuất ngoại qua Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ của thân nhân hoặc cơ quan thiện nguyện hay các đoàn thể chính trị Việt Nam tại Mỹ.

Những cựu Sĩ quan thuộc mọi quân binh chủng của Quân đội Việt Nam Cọng Hòa được xếp hạng ưu tiên đi theo diện H.O, lần lượt qua đến các thành phố lớn Hoa Kỳ. Họ được các người đồng hương giúp đở tận tình để có thể hội nhập với đời sống và xã hội mới. Phần đông những người này đã có tuổi và với trình độ Anh ngữ bị giới hạn, các cựu Sĩ quan H.O gặp nhiều trở ngại trong công việc làm với các xí nghiệp Mỹ. Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn, đời sống họ cũng được ổn định giống như những người tỵ nạn Việt Nam qua Mỹ năm 1975. Những Sĩ quan H.O bắt đầu viết sách, ra báo, xuất bản thơ văn ghi lại những kỷ niệm vui buồn, câu chuyện thương tâm, anh hùng, dã man... xảy ra trong các trại tù tập trung cải tạo của Cộng sản. Những địa danh trại ở miền thượng du Bắc Việt, Thanh Hóa... được nhắc nhở nhiều trong các tác phẩm của các văn nhân thiếu may mắn nhưng đầy ý chí và lòng kiên nhẫn cũng như sức chịu đựng tột cùng của những người thua cuộc, trong một ván cờ của cuộc chiến đã được sắp đặt trước.

Phan là một trong những cựu tù nhân chính trị sẽ đi theo diện H.O vào khoảng ba tháng tới. Anh chuẩn bị hành trang và đi thăm viếng vài người bạn cũ trước khi lên đường. Phan vẫn còn nhớ đường đi đến căn nhà lúc xưa của anh bạn năm Hòa, chú của Diễm Tú bên Khánh Hội. Anh muốn ghé lại tìm Hòa và đồng thời hỏi thăm tin tức của Diễm Tú mà anh biết chắc chắn Hòa có thể cung cấp cho mình.

Phan rú tay ga thật mạnh, tăng thêm tốc độ chiếc honda, phương tiện nuôi sống Phan trong suốt thời gian từ ngày anh được Cộng sản phóng thích. Anh trở về đời sống dân sự, làm nghề sửa chữa xe gắn máy, lây lất sống qua ngày trên đường phố đầy bụi bặm, ô nhiểm của một di tích huy hoàng tráng lệ mang tên “ Hòn ngọc Viễn Đông” ngày nào.
Phan cố gắng tìm lảng quên và không muốn ý nghĩ tủi nhục đang xâm chiếm hồn anh. Với lòng mong muốn qua Mỹ và niềm hy vọng gặp lại Diễm Tú chỉ một lần cuối, Phan cảm thấy phấn khởi, anh quên hết cơn nóng oi bức, đưa tay gạt những giọt mồ hôi đang chảy dài xuống gò má gầy sạm nắng.

Buổi tiệc Tân niên do Hội đoàn quân nhân cán chính tổ chức linh đình tại Trung tâm sinh hoạt cộng đồng thành phố San José, để chào mừng các cựu Sĩ quan tù nhân chính trị qua Mỹ theo diện H.O. Tình chiến hữu giữa các quân nhân thuộc mọi Quân Binh chủng trước đây đã cùng sánh vai, chiến đấu cho lý tưởng Quốc gia, Dân tộc bây giờ trở nên khắn khít hơn. Những vòng tay thân mật, những lời chào hỏi ân cần, những câu chuyện buồn vui, kỷ niệm chiến trường, sưởi ấm lại tâm hồn các người bạn cũ. Giọt nước mắt ân tình tự động chảy dài trên gò má cằn cỗi, những mái tóc bắt đầu điểm sương chụm vào nhau, nức nở khóc cho những đồng ngũ đã tức tưởi ngã gục trong các trại tù dã man của chế độ đang thống trị quê hương yêu dấu của mọi người.

Phan đến thật sớm để nói chuyện và gặp lại các người bạn cũ bị giam cùng trại tù với anh. Sau đó anh trở về ngồi cùng bàn với vợ chồng người bạn Hải quân đã bảo trợ anh qua sinh sống tại Hoa Kỳ ba tháng trước đây. Bạn của Phan cho biết thế nào tối nay anh cũng được gặp Đại tá Quả vì ông này giữ một chức vụ trong ban chấp hành của hội đoàn tiếp đón các chiến hữu qua Mỹ theo diện H.O. Vợ chồng anh bạn còn cho Phan biết sơ về các biến cố xảy ra trong 15 năm qua, về cuộc đời Diễm Tú, nay đã trở thành góa phụ và đang sống độc thân nuôi đứa con gái vừa vào học lớp 1 trường tiểu học tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Quả thật như lời người bạn nói, Phan đã nhận ra ông Quả với dáng dấp đi đứng chững chạc, đầu tóc hói, có vẻ như già hơn trước tuổi, khi ông này tiến vào hội trường bên cạnh bà Quả, da dẻ hồng hào, trong chiếc áo dài màu lục đậm. Phan cảm thấy nhịp tim mình đập mạnh hơn và gò má trở nên nóng bừng như anh vừa uống vào một ly rượu mạnh. Đi theo sau lưng ông bà Quả là Toàn và Thắng và hai cô gái trong chiếc áo dài Việt Nam, có lẽ là con dâu của ông bà Quả. Phan cố nhìn để xem Diễm Tú có hiện diện trong đám đông người hay khong, nhưng rồi anh thất vọng.

Buổi tiệc tiến hành theo như thông lệ với lời chúc mừng giới thiệu và văn nghệ giúp vui. Trong lúc thực khách thưởng thức những món ăn do các bà nội trợ khoản đãi, Phan lấy hết can đảm và chuẩn bị trước những thắc mắc mà anh sắp hỏi cha mẹ Diễm Tú. Anh ngỏ lời xin lỗi vợ chồng bạn mình rồi đứng lên, đi về phía chiếc bàn tiệc của gia đình Đại tá Quả đang ngồi.

Toàn và Thắng ngạc nhiên đến sửng sốt và vô cùng mừng rỡ khi nhận ra Phan, trong bộ âu phục màu xám nhạt, vẫn cao lớn và bảnh trai như thuở nào. Ông bà Quả hơi ngượng nghịu trong vài giây phút ban đầu, rồi cũng vui vẻ không kém, ông vội vàng giới thiệu với hai cặp quan khách ngồi cùng bàn về lý lịch của Phan và sự liên hệ của Phan với Diễm Tú, trưởng nữ của ông bà; trong khi Toàn và Thắng cũng kề tai nói cho vợ mình biết.

Thế rồi sau nhiều buổi gặp gở đầy nước mắt và nhiều nụ hôn đắm đuối, vào đúng một năm sau ngày Phan qua Mỹ và đoàn tụ với người yêu muôn thuở, Phan và Diễm Tú trở thành vợ chồng, cùng nhau dọn về sống tại San Diego với bé Caroline trong ngôi nhà “rambler” khang trang, nhỏ nhắn của ông bà Peterson, đã qua đời, di chúc để lại cho con dâu và cháu nội gái của hai ông bà.

Thời gian xa cách nhau hơn 15 năm, với những biến chuyển và thăng trầm của cuộc đổi đời, tình người lại một lần nữa chứng tỏ rất cần thiết cho phần tử của một dân tộc bất hạnh, đã phải xa lìa vùng đất ấm, tranh sống trên quê hương xa lạ. Căn bản đạo đức, truyền thống và niềm kiêu hảnh của người Việt Nam, tình thương yêu đồng bào, tình chiến hữu, tình bằng hữu, nghĩa vợ chồng... là sợi giây vô hình thiêng liêng gắn bó dân Việt tỵ nạn Cộng sản lại với nhau. Mọi người xóa bỏ tất cả tị hiềm riêng tư, vị kỷ cá nhân trong quá khứ và hiện tại, đoàn kết ngồi lại với nhau, duy trì niềm tin để chờ ngày trở về quê hương dấu yêu, tay trong tay xây dựng ngôi nhà Mẹ Việt Nam đã và đang đổ nát dưới cơn bão lốc định mệnh.

Lê Bá Thông
Tiểu Bang Virginia, Đầu Thu Năm Đinh Hợi 2007

No comments:

Blog Archive