Sunday, January 4, 2009

Món quà đặc biệt đầu năm

Lê Bình, Jan 03, 2009

Cali Today News - Ông Mười cười ngất khi bạn bè đến thăm vào dịp “giao thừa” năm mới Dương lịch. Ông nói “Mèn ơi, coi nè, tui nhận được món quà cuối năm ngộ ghê.”
Nhiều câu hỏi nổi lên “Sướng nhá, mà cái gì vậy. Đâu đưa coi coi.”; “Mà ai tặng mới được chớ?”…v.v.

Ông Mười được bạn bè tặng cho danh “quái kiệt”, “quái nhân”, “lập dị”. Chả là ông nầy hay sống với cái quá khứ, như con rùa khi ở dưới nước, khi ở trên cạn; lúc thì ông ăn cơm mới nói chuyện cũ, khi đang vui bỗng chợt buồn ngang, ăn miếng thịt ngon, tô hủ tíu đúng điệu…là ông ngơ ngẩn lầm bầm về chuyện xưa tích cũ ở Việt Nam. Khi con cháu đổ bỏ thức ăn dư thì ông càm ràm. Ông hay kể chuyện ở tù “cải tạo”, kể chuyện “buôn lậu” miếng vải mùng, chiếc căm xe đạp, cái ghi đông xe…sau năm 75. Ôi thôi biết cơ man nào mà kể. Đứa con gái hay cười “Tía cháu khùng”. Đứa con nói hỗn” mà ông vẫn cười. Ông cười rồi ông đọc thơ, những câu thơ Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, Tản Đà…mà đứa con đâu có hiểu.

“Tụi nhỏ nhà tui nói đâu có hiểu gì đâu. Nghĩ mà tội cho tụi nó. Đâu có được như tụi mình.” Điều “như tụi mình” được ông giải thích “Tụi nó đâu có được cắm câu, lội nước lụt, tắm sông, ăn trái bần, tát đìa bắt ca, bẩy chim…” Cũng theo ông, tụi nhóc ở Mỹ biết nhiều “chiện” hơn cái lớp tuổi của tụi mình, nhưng tụi nó không khôn. Mà khôn là biết sống, biết lẽ phải, hiểu nhơn quần, xã hội…những điều phong tục của người xưa. Ông dứt khoát là tụi nhóc tì trẻ con ở Mỹ “bị què quặt” tuổi thơ.

Trở lại, món quà đầu năm. Ông Mười mời mọi người ăn trưa, cơm trưa. Võn vẹn trên bàn ăn là dĩa rau sống, dưa chuột, nồi mắm kho, dĩa thịt heo luộc, và dĩa mắm thái Châu Đốc.

”Trời ui ui như vầy mà ăn cơm với mắm thái, rau ghém với mắm kho, thịt heo là hết sẩy nha bà con.”

Ông đưa cho mọi người coi món quà ông nhận được. Hai keo mắm: Mắm Sặt, Mắm Thái Châu Đốc.

Người bạn nào đó của ông đã biếu ông 2 keo mắm. Ông mời mọi người ngồi vào bàn, khui chai rượu Hennessy. Rót chất nước màu vàng hổ phách vào những chiếc ly có chân, ông nói “Nhậu với mắm phải uống "đế" mới đúng điệu, nhưng không có Gò Đen, Bà Quẹo thì mình dùng tạm “đế” Tây. Mà nè, uống vậy thôi nghen, đừng đá điếc, soda gì ráo.”
Mắm Thái kèm với thịt heo luộc, có chút gừng và mấy lá rau thơm ăn hòai không biết ngán. Càng ăn càng thấm.

Vừa ăn vừa nghe ông “cà kê” chuyện quê hương, những câu hò tiếng hát. Bên ngoài trời có chút mưa Xuân bay phất phới, những giọt mưa li ti bay ngang cửa sổ; nhìn ra xa trần mây dường như xuống thấp. Mấy ngày cuối năm thung lũng có những trận mưa.

Nhắc đến Việt Nam, những món ăn đồng nội thì người ta phải kể đến miệt vườn, miệt ruộng Lục Tỉnh Nam Kỳ. Những vùng quê từ Mỹ Tho đổ lên Châu Đốc, dọc theo sông Tiền những vườn cây ăn trái sai hoằn, những con mương, đìa cá…

Ở miệt vườn thì đồ ăn, thức uống lúc nào cũng sẵn, bất kỳ ở đâu: Trong vườn, ngoài đồng. Muốn rau ghém ư? Cứ đi quơ quào quanh vườn có liền tay rổ rau ngon lành, bắt mắt. Đến mùa nước nổi, khoảng tháng 8 Âm lịch, nước tràn vào đồng, ao, đìa, mương vườn cá sinh sôi nầy nở. Ngồi ở góc vườn chỉ cần tấm lưới nhỏ có thể có bữa ăn ngon lành tươi mát. Đời sống ở miệt vườn không cao lương mỹ vị nhưng món ăn thì “tuyệt cú mèo”. Cá mắm nhóc ở quan nhà. Nào cá linh, cá sặc, cá mè, cá lóc, cá trê…Ngán cá thì có ốc: Ốc bưu, ốc hương, ốc gạo. Món ốc luộc mà chấm mắm me, ăn với chuối chát, khế, sả, ớt thêm vài cọng ngò thơm hết chỗ chê.

Ông Mười cà kê đủ chuyện. Rượu được vài tuần, thịt luộc mắm thái rau thơm. Ông bỏ đủa xuống, chỉ nồi mắm kho chép miệng: “Mắm kho phải ăn với bông súng, rau dừa. Nhưng ở đây đào đâu ra, thôi đành chịu vậy. Mắm kho phải ăn kèm dưa leo hay bông súng mới đã thèm. Hổng có thì tạm với chuối non, rau chua, bạc hà…vậy nha.”
Nói đến miệt ruộng phải kể đến mắm. Mắm thì có nhiều loại như: Mắm thái, mắm linh, mắm lóc, mắm trê, mắm sặc, , mắm tép...và mắm ruột . Tết đến, người dân quê miệt vườn, miệt ruộng thường ăn mắm chưng hột vịt, thịt bằm và nồi thịt kho dưa cải. Mắm phải chưng cách thủy, có gia vị tiêu, hành, tỏi, tóp mỡ, đường... càng nhiều càng ngon. Thông thường thì người ta bằm nhuyễn mắm rồi trộn với thịt ba chỉ, trứng vịt và các thứ gia vị đem chưng.

Để có một nồi mắm kho cho bữa ăn chỉ cần khoảng nửa ký mắm (mắm sặc, mắm linh...). Bỏ mắm vô nồi cùng nửa lít nước, nấu cho mắm rả hết thịt, lược bỏ xương. Bắt trở lại lên bếp thêm thịt ba chỉ, cà tím (còn gọi là cà dái dê) xắt miếng, cá ba-sa, cá bông lau, sả bằm nhuyễn, nấu cho chín mềm rồi nêm nếm tiêu đường hành lá…v.v. (muốn ăn với rau ghém thì nhiều nước, muốn ăn cơm, bún thì ít nước). Ăn nóng, để trên bếp nhỏ lửa, hoặc đựng trong lẩu.

Như đã nói, ăn mắm phải có rau sống, càng nhiều càng ngon, (ở miệt vườn là các loại rau đồng và đọt non của một số loại cây ăn được như xoài, xộp, lụa, bằng lăng, bông súng, bông điên điển, rau muống, rau nhúc, rau mác, tai tượng, cà dĩa, dưa leo, giá sống, tỏi, ớt, gừng...)

Ăn mắm sống thì con mắm được xắt nhỏ ra trộn sả bằm, ớt, gừng, ăn với rau như húng lủi, ngò gai, cần, sả và thịt ba chỉ.

Có một loại thuộc hàng quý hiếm, mắm ruột (cá lóc) chỉ những nhà sản xuất mắm thái mới có nguyên liệu đủ làm 1-2 ký mắm ruột để dành ăn hoặc biếu cho người thân, loại mắm nầy không ai bán ngoài chợ. Ông Mười hãnh diện tuyên bố “Ở Mỹ dễ gì có mắm ruột mà ăn?” Ông cười híp mắt, mặt đỏ hồng vì men rượu.

Ngày cuối năm, cả nhóm đi thăm bằng hữu ở miệt Con Cò (Concord). Khi chiếc xe qua khỏi Milpitas, lên dốc đổ xuống đèo vào vùng Pleasanton, cảnh vật bắt đầu đổi khác. Ngày cuối năm bên nầy núi có chút nắng ấm lúc 10 giờ sáng. Ơ Pleasanton lúc này không còn sương mù và mưa phùn như lúc chúng tôi qua thành phố Milpitas. Nắng vàng và bầu trời như trong và xanh hơn, không khí thật sạch. Xa xa về phía bên phải xa lộ, từ trên cao nhìn xuống…hao hao cảnh trí Việt Nam.

Những căn nhà mới xây thành từng chòm, chung quanh là những cánh đồng hoang dã, cánh đồng chỉ còn trơ gốc “rạ” thật giống cánh đồng Sóc Trăng (Ở đoạn qua khỏi Phụng Hiệp-dọc theo con kinh của huyện Mỹ Tú)
Ông bạn khều nhẹ ông Mười đang lắc lư “đi mây về gió” sau mấy ly “đế” hennessy.
“Ông có nhìn thấy chỗ kia không?”
“Chỗ nào?”
“Nè sắp đến ngả ba Sóc Trăng rồi nghen ông.”
“Phá hoài cha nội. Thiệt hông? Ông có mớ hông đó”
“Thiệt mà. Ông mở mắt ra mà coi.”
Ông Mười gật gù, mở mắt.
“Mẹ họ. Phá hoài. Đang đi Con-Cò mà.”
“Vậy cũng còn tỉnh đó chớ.”
Cả nhóm cùng cười. Ông Mười coi bộ hơi “quê”, ông lầu bầu.
“Mẹ họ, cho nó ăn rồi mà có còn cười kêu ngạo tui chớ. Đầu năm chớ hông thôi tui chữi cho mà vuốt mặt hổng kịp.”

Chiếc xe qua khỏi ngả ba “giáp nước” của 2 xa lộ 680 và 580 phon phon về hướng Con Cò.

Ngày đầu năm có chút gì đó vui vui trong lòng mấy ông già đang xa quê hương.

Tài liệu tham khảo: Văn Hóa và Nghệ Thuật Ăn Uống (Việt Nam)

No comments:

Blog Archive