Thursday, January 29, 2009

Những Mảnh Đời Đầu Đường Xó Chợ
(Một câu chuyện có thực)

* Xuân Vũ TRẦN ĐÌNH NGỌC

Đã mồng ba Tết, một năm đầu thập niên 90, đó là năm Tân Mùi. Tại quận Cam Cali, tiết trời lạnh nhưng dễ chịu, ba ngày Tết vẫn có ánh mặt trời. Chợ hoa tại đường Bolsa ba ngày Tết và sau đó vẫn vui, vẫn có nhiều kẻ cầu may bán hết mớ hàng đã mua vào trong năm còn tồn đọng. Người mua khá đông, từng nhóm bạn bè, từng gia đình rủ nhau du Xuân thấy giá hời mua thêm về ngắm cho thỏa lòng ao ước. Giá cây cảnh, hoa tươi sau Tết hạ hơn giá trong năm nên người mua dễ dàng mở ví hơn là năm ngoái.

Bạn bè, họ mạc đến chơi trong ba ngày Tết đã về cả. Cuộc du Xuân, du thủy đầu năm của gia đình tôi cũng đã xong. Giờ này tôi đang nghĩ đến một cái hẹn, một cái hẹn khá quan trọng không thể bỏ tối nay.

Vào căn bếp, loay hoay lục tìm mấy món quà Tết trong tủ lạnh cho vào vài cái bao ni-lông, tôi bỏ hai cái bánh chưng lớn và một đòn bánh tét vào bao. Đây cây giò thủ và một thanh chả quế bự. Một gói tôm khô, một bịch đậu phọng rang, mấy cái bánh đa vừng sản xuất ở San Diego do một bạn cho, một gói lớn lẫn lộn các thứ mứt bí đao, bí ngô, mãng cầu, sầu riêng, hạt sen, mứt gừng, chuối sấy; một gói lớn hạt dưa và một...tôi hơi ngần ngừ nhưng rồi nhặt bỏ đại vào. Đó là chai Courvoisier, tôi vẫn thích thứ này, và sau cùng là sáu chai soda Perrier, vốn song hành với rượu mạnh.

Hai tay hai xách nặng, tôi khệ nệ bỏ ra xe trong lúc vợ tôi từ trên lầu đi xuống:

“Anh đi đâu đó?”

“Như hôm qua anh đã nói với em, anh đi thăm mấy đứa nhỏ bụi đời, đưa cho chúng vài món quà Tết. Em đi chơi với anh không?”

“Mấy người anh nói họ vào sở gặp anh để nhờ anh kiếm cho việc làm ấy hả?”

“Đúng. Tết nhất mình cũng nên làm cái gì cho họ vui vẻ một chút.”

Nàng có vẻ suy nghĩ một chút, rồi ngần ngừ:

“Em muốn đi chơi với anh thăm họ luôn nhưng em vừa nghĩ ra.Vân với Tranh hẹn đến tối nay. Em phải ở nhà đón chúng. Thôi, anh đi đi! Nhớ về sớm, nghe anh!”

Vân,Tranh là hai chị em con người chị họ nhà tôi. Tôi bấm nút cho cửa ga-ra cuốn lên và lái xe ra. Trời mùa Đông nên mới 5 giờ chiều đã sẩm sẩm tối. Bọn trẻ hẹn tôi tối đến mới vui, mới có mặt đông đủ. Chuyện hẹn hò gặp mặt đã sắp xếp từ ba tuần trước vì mấy cô cậu choai choai này nói muốn được hưởng hương vị Tết Việt Nam nhưng không dám về nhà, sợ gia đình la mắng. Đó là một nhóm bụi đời chính hiệu đã lang bạt kì hồ, lâu ngày cũng có, mà mới dăm ba tháng cũng có.

Đó là Tony Nguyễn, anh chàng có học nhất trong đám với hai năm đại học Cộng đồng Orange Coast College. Đó là Jane Đào, một cô gái khá xinh xắn và lanh lợi, học xong lớp 11 thì bỏ dở để đi bụi đời. Đó là Tommy, thanh niên có hai dòng máu, sang đây bằng chương trình con lai, chỉ biết đọc biết viết tiếng Việt nhưng nói và hiểu được chút ít tiếng Anh do sự giao thiệp hàng ngày với dân homeless Mỹ. Đó là Jaco Phạm, Tuyết gầy, Tuyết mập, Phóng sùi, John Phùng, Hùng, Trương, Phước v.v...cả thảy hơn một chục mạng đầu còn xanh, tuổi còn rất trẻ trong một cái băng bụi đời sinh hoạt khắp mọi đầu đường xó chợ. Tôi gọi băng vậy cho gọn mỗi khi đám người trẻ này gặp tôi chứ thực ra, họ liên kết riêng biệt từng nhóm nhỏ hai, ba người một, chính những người trong nhóm nhỏ mới là bạn, là “đồng chí”, còn những người khác chỉ là quen biết, sơ giao.

Tôi đậu xe ở lề đường căn nhà Tony Nguyễn đã cho biết trước. Căn nhà này nằm trong khu dân cư bình thường không quá tồi tàn nhưng cũng không phải là lọai khá giả. Tôi bấm chuông. Một người đàn bà khoảng dưới 40 tuổi mở cửa.

“Xin lỗi chị. Đây có phải nhà anh Sương?”

Người đàn bà tỏ vẻ niềm nở, chị mở rộng cửa:

“Có phải chú là chú Vũ?”

“Phải.”

“Xin mời chú vào. Chồng cháu là Sương. Anh ấy đi có công chuyện một lát sẽ về. Tony và Tommy nói mời chú vào ngồi chơi một chút, chúng sẽ về liền.”

Tôi để hai bao ni-lông quà trên bàn ăn kế với bếp theo sự chỉ dẫn của chị Sương rồi lại sofa ngồi. Một cành mai tứ quí cắm trong cái bình thủy tinh để giữa bàn ngay trước mặt. Mai ở Hoa Kỳ thời gian đó chưa có giống mai đẹp. Nó hoa nhiều nhưng nhỏ, cánh nhỏ và mau tàn trái với một cây mai tôi mua được ở Sàigòn chơi dịp Tết Ất Mão 1975 (rồi di tản) cao 80cm, gốc to như cái li uống nước, toàn hoa với nụ, mỗi hoa có 12 cánh, vô cùng đẹp, cứ ngồi ngắm cây mai không chán.

Vài cuốn báo Xuân với hình thiếu nữ Việt ở bìa mầu sặc sỡ để lăn lóc đó đây. Vỏ hạt dưa rải rác mọi chỗ; cái gạt tàn đầy mẩu thuốc lá còn nằm trên thảm kế cái giá T.V.(vietnamexodus.org Văn học “Những kỷ niệm không phai mờ” cùng tác giả.)

Chị Sương như có vẻ ngượng ngùng vì căn phòng bừa bộn, lôi thôi quá.

“Trong năm cháu không kịp quét dọn, qua Giao thừa chồng cháu cấm thu quét đến hết mồng ba, thành ra nhà bê bối quá.”

Tôi nói để chị yên lòng:

“Không sao đâu, chị Sương. Ngày Tết phải có mầu mè mới vui.”

Tôi ngồi khỏang mười lăm phút thì mấy cô cậu choai choai về.. Tony đi đầu, trông thấy tôi trước tiên, tỏ vẻ rất mừng rỡ:

“Kìa chú Vũ đã tới. Cháu mừng tuổi chú. Chúc chú mạnh khỏe, sáng tác hăng say, giúp được nhiều bà con có việc và vạn sự như ý trong năm nay.”

Tôi đứng bắt tay Tony,Tommy, Hùng, Phóng, Trương, Phước...và chúc chung:

“Chú cũng chúc các cháu nhiều điều may mắn trong suốt năm.”

Tommy hỏi:

“Tết năm nay chú có gì vui đặc biệt không, chú Vũ?”

“Chỉ có một điều đặc biệt, ngay tại đây, giờ này, với các cháu.”

Jane lanh miệng:

“Chúng cháu cám ơn chú thật nhiều. Chú Nhà Văn có khác. Cái gì chú nói cũng trơn đi.”

“Như miệng có bôi mỡ, phải không cháu?” Tôi tiếp lời làm cả bọn cùng cười, không khí cởi mở và thân vui bắt đầu. Chị Sương giơ tay mời:

“Chú Vũ và các em ngồi chơi đi.”

Tôi ngồi ngay giữa, đám trẻ ngồi xung quanh, đầy kín hai cái sofa và love seat, có mấy đứa ngồi ngay trên thảm . Tôi bảo cả bọn:

“Chú có mang bánh chưng và hạt dưa tới. Chị Sương có thể cho chú cháu tôi họp mặt tân niên tại đây một lát được không?”

Sương đáp ngay:

“Vợ chồng cháu đã dành cái nhà này buổi tối nay cho chú và các em. Xin chú cứ tự nhiên.”

Đám con gái đứng lên cùng chị Sương xuống bếp để bóc và cắt bánh, cắt giò, nướng bánh đa, bày biện. Phòng ăn và bàn ăn quá nhỏ không đủ chỗ ngồi nên chị Sương đề nghị ngồi ngay tại phòng khách, thức ăn bày trên cái bàn thấp la liệt một bàn. Ba, bốn cô cậu lại thích ngồi trên thảm, khoanh chân như ngồi thiền. Tommy và Tony đang lui cui nhóm lửa trong lò sưởi, năm sáu thanh củi nỏ, chắc để bên cạnh, từ từ sẽ vào lò. Mấy thanh củi tạ trong lò đang bắt lửa bốc cháy nhờ những mảnh củi thông nhỏ làm ngòi, tiếng tí tách reo vui cùng với những đốm than hồng bắn ra như những chiếc pháo thăng thiên tí hon.

Mọi người an tọa. Chén đũa đầy đủ sẵn sàng. Tôi bảo chị Sương:

“Chị gọi phone cho anh Sương về họp mặt cho vui!”

“Thưa chú, chồng cháu đi về bất tử lắm. Có lẽ ảnh đến ông bà nội hoặc một người bạn. Ảnh có dặn cháu mời chú tự nhiên đi, xong công việc ảnh sẽ về ngay.

Con gái uống nước ngọt, còn đám con trai và tôi thì rượu mạnh pha soda. Đậm, lạt tùy ý thích. Jane uống “consommation” chứ không chịu nước ngọt. Jane thích cảm giác mạnh và cũng mạnh mẽ như con trai. Con bé trông khá xinh. Nó với Vanessa, con bé lai Mễ chỉ mới 18 tuổi, là nổi đình đám trong bọn con gái. Tôi gọi chị Sương:

“Chị Sương ơi, chị ngồi liên hoan cho vui đi!”

“Dạ, cháu ngồi ngay đấy chú. Mời chú với các em tự nhiên đi!”

Tôi nâng li và bảo tất cả:

“Nào, ta uống để mừng Năm Mới. Một năm thật vui vẻ hạnh phúc cho tất cả...”

“Mời chú.”

“Mời chú.”

Tất cả đều nâng li. Sau ngụm rượu đầu, hình như cô cậu nào cũng cảm thấy hừng chí và mềm môi. Giò thủ và củ kiệu được chiếu cố tận tình. Mấy đứa con gái không uống được rượu thì bắt đầu vẽ bánh chưng.

Củi trong lò sưởi cháy mạnh.Tony có sáng kiến là đốt hai cây nến có mùi thơm và tắt ngọn điện trên trần. Mọi người đều đồng ý. Lửa bập bùng lúc sáng lúc mờ rất nên thơ và hơi ấm tỏa khắp căn phòng, trái với không khí bên ngòai thật lạnh, lạnh dưới 40 độ Farenheit.(tinvui.org Văn học)

Có tiếng chuông gọi ở cửa. Chị Sương đứng lên ra mở. Jaco và một người bạn tên Lưu đến chào, bắt tay và xin lỗi đã đến trễ.

Tôi nói:

“Tiệc mới bắt đầu thôi! Hai cháu thích uống gì cứ tự nhiên.”

Tony quay nhìn tôi, bắt đầu:

“Hôm trước tụi cháu có hứa với chú là trong dịp họp mặt tân niên hôm nay, chúng cháu sẽ tâm sự với chú ít nhiều về những hòan cảnh đã đưa đẩy tụi cháu đến ngày nay. Vậy cháu xin là người kể trước cho chú nghe về cháu.”

Tôi gât đầu tỏ ý bằng lòng. Tiếng nói tiếng cười im bặt chỉ còn nghe vài tiếng cắn hạt dưa lách tách cho câu chuyện thêm đậm đà. Tony châm điếu thuốc, rít một hơi dài thở ra rồi nói:

“Nhà văn nào trong văn chương Việt đã nói:”Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu” vậy chú Vũ? À, nhà văn chuyên viết phóng sự Vũ trọng Phụng, cám ơn chú đã nhắc. Cháu nghĩ câu này cũng có thể áp dụng cho cháu. Gia đình cháu có 5 anh em mà cháu là lớn nhất. Đứa em gái nhỏ nhất của cháu năm nay đã 20 tuổi trong khi cháu đã 30 rồi. Ở bậc trung học, cháu học rất khá, điểm tháng nào cũng straight A khiến ba má cháu rất vui. Nhưng rồi cái sự chăm chỉ dần dần bỏ cháu mà đi như những cánh én mùa thu lạc loài.

Cuối năm lớp 12, do một số bạn bè rủ rê hút xách, chơi bời, không còn nghĩ gì đến tương lai nữa cả. Sém chút nữa cháu không được cấp High school Diploma vì cháu thiếu điểm. Ba má cháu tuy không li thân, li dị như rất nhiều gia đình bạn bè của cháu ở trường nhưng ông bà say mê “cờ bịch” quá đỗi. Làm được bao nhiêu, ông bà đem nướng ở các sòng bài Las Vegas và Bicycle hết. Nào chỉ có thế. Ông dành tiền nhiều để đi chơi cho đã thì bà cũng không kém. Khi thua, người nào cũng muốn gỡ. Muốn gỡ phải có tiền. Tiền hỏi ai đây? Ông hỏi bà, bà bị sài lắc. Bà hỏi ông, ông cấm khẩu trong khi đang say mê gỡ. Thế là có chuyện.

Một lần cháu đi chơi với ba má cháu ở Las Vegas. Má cháu thua hết nhưng lúc đó ba cháu đang được. Bà xòe tay hỏi ông chút đỉnh để gỡ. Ông cứ làm như không nghe, không thấy. Hình như những người chơi bài có dị đoan. Đồng tiền mình đang đỏ không giữ lấy, đem cho kẻ xui, dù là cho vay thì mình cũng lây cái xui đó. Mình sẽ cạn láng và kẻ kia sẽ lấy hết cái hên của mình. Đi chơi bài chơi bạc, ai dại thế! Cháu nghĩ ở trường hợp ngược lại, má cháu cũng sẽ không đưa cho ba cháu đâu, mà có lẽ ông nội bà nội, ông ngọai bà ngọai có hỏi ba cháu cũng lơ.

Má cháu xòe tay một lần không được, có lẽ cũng biết rất khó vay trong trường hợp này nên lại lùi ra, ẩn nhẫn đi trở lại cái bàn vừa nãy coi ké. Nhưng chỉ được nửa tiếng bà bồn chồn muốn gỡ vì thấy nước bài nãy giờ mình đoán trúng phóc. Má cháu quay trở lại chỗ ba cháu:

“Ông đưa tôi vay $200, về nhà tôi trả ngay.”

Ba cháu tỉnh bơ, cứ tiếp tục đánh. Má cháu hỏi đến lần thứ hai cũng vẫn thế. Bà thò tay chộp lấy nắm phỉnh và tiền. Ba cháu chộp lấy tay bà gỡ tiền ra. Thế là có màn la ó, giằng co. Má cháu làm rất dữ. Bà xỉa xói vào mặt ông và thốt ra những lời tục tằn, bất nhã mà thường ngày không ai dám xài. Hai tay an ninh sòng bài tới lôi má cháu ra và dọa nếu má cháu còn làm mất trật tự nữa thì sẽ bị đuổi ra khỏi Casino.

Từ đó cho tới lúc về, ba má cháu không hề nói với nhau nửa lời. Về nhà rồi còn giận cả tháng. Không li thân, li dị nhưng còn khổ hơn li dị li thân.”

Tony với li rượu uống một hớp cho thấm giọng rồi lại kể:

“Chú Vũ ạ. Mấy ông bà lớn lớn tuổi qua đây, những cặp vui vẻ với nhau cháu thấy ít nhưng những cặp sinh đủ thứ chuyện trong gia đình thì chẳng thiếu gì. Tật của ông đầy mình mà tật của bà cũng một đống. Rút đi rút lại cũng chỉ vì tiền mà tình nghĩa nhạt phai. (hon-viet.co.uk Văn học)

Người ta nói trai gái, bồ bịch mới nặng, mới dễ tan cửa nát nhà vì thiếu đi lòng trung thành, sự chung thủy. Đàng này, ba má cháu chỉ cờ bạc chứ không có đi ngang về tắt. Vậy mà gia đình cũng nát. Cháu nghiệm ra, chú ạ, cờ bạc cũng dữ dằn y như ma túy. Ai đã lỡ sa chân vào con đường cờ bạc thì nó cứ bám riết cho đến chết mới thôi. Hết tiền thì hết chơi, nhưng hễ góp nhóp có chút tiền thì phải đi thử thời vận, không đi không chịu được, như cơn ghiền đến cữ, mà hễ đi thì nắm chắc phần thua, Casino nó có 80% may mắn, mình chỉ có chừng 20% thôi, làm sao ăn được nó hả chú? Lúc muốn có tiền để gỡ thì có thể bán vợ, đợ con, bán nhà, bán cửa nếu có người mua, thực không còn điều gì tồi tệ mà không dám làm.

Gia đình đã xào xáo, cháu lại bị bạn bè rủ rê, thế là cháu bỏ học mặc dù đã ghi danh Đại học. Cháu vào băng đảng, tập tành xì ke ma túy và làm những việc phi pháp như bán xì ke ma túy cho mấy đứa nhỏ tuổi lớp 9, lớp 10 trở lên để có tiền sinh sống.

Chắc chú Vũ muốn hỏi cháu đã bị vô tù chưa? Không, cháu rất may. Cháu chưa có ngày nào trong tù vì cháu lanh hơn Cảnh sát, vả lại nếu cháu có bị thộp thì Cảnh sát cũng không khám thấy cần sa, bạch phiến trong người cháu. Dù vậy, cháu vẫn không có tiền để sống.

Đi chơi nhiều, rồi cháu quen được dăm, sáu cô gái Mỹ có, Đại hàn có, Việt có, Mễ, Tàu có, cả nhũng cô sau này được bạn bè giới thiệu đến cháu chẳng biết quốc tịch là gì, hoặc lai lung tung nhiều đời. Bọn cháu đồng ý làm ăn với nhau. Chú biết làm gì không? Các bạn cháu ở đây ai cũng đều biết. Người ta nói “đói ăn vụng, túng làm liều” là vậy chú ạ. Cháu mướn áp-pác-mân và đi kiếm mối những kẻ mua hoa, những kẻ tham thanh chuộng lạ. Chúng cháu chia tứ lục. Cháu 60% bao gồm phòng ốc luôn, các cô gái 40, nếu có tiền “tip” họ hưởng. Làm ăn cũng khá. Cháu có cái xe nhỏ để đi giao thiệp. Ngày nào tốt mối và khách chịu chơi, cháu kiếm mấy trăm. Nhưng có cái kẹt không ở nơi nào lâu được vì động ổ. Gái vị thành niên rất có giá, ít cũng gấp đôi nhũng cô đã hăm mấy, ba mươi. Nhưng nếu bị thộp, tội nặng gấp mấy bọn gái kia. Một thằng bạn cháu đang ở tù vì tội đó, xỉu xỉu bóc 12 cuốn lịch thôi. Sau đó cháu phải bỏ nghề vì sợ tù cũng có mà nhiều hơn là vì má cháu đi tìm cháu khóc lóc, năn nỉ cháu về nhà.”

Tôi thấy không khí nghiêm quá nên tìm cách cho vui lên:

“Kìa các cháu, nghe chuyện Tony quên cả rượu, nước ngọt và bánh chưng giò thủ sao? Cứ rỉ rả ăn uống đi. Cả Tony cũng thề. Đêm nay chú cháu mình là đêm không ngủ, lo gì!”

Những bàn tay lại cầm đũa, cầm li họat động trở lại. Bánh đa dòn tan bẻ rôm rốp, nhai với đậu phọng rang, bùi ơi là bùi. Những miếng bánh chưng, những nhát chả quế, những con tôm khô đi chung với củ kiệu lại được chiếu cố tận tình. Tôi nhìn đám người trẻ mà lòng bùi ngùi thương cảm, nhưng tôi chưa thấy lóe ra một ý kiến nào khả dĩ giúp chúng mặc dù tôi đang là Counselor/Job Developer giữ hồ sơ của chúng tại Sở Xã Hội với nhiệm vụ hướng dẫn chúng đi kiếm việc làm để thoát ra khỏi cảnh nghèo, cảnh ăn trợ cấp của chính phủ.

Phóng xé một miếng khô mực cầm ở tay:

“Chú ơi, cuộc đời của Tony cũng chính là cuộc đời của tụi con đó. Tụi con nghe Tony nói mà cứ rưng rưng nước mắt vì cảm thấy đau khổ cho chính bản thân mình...”

Tony lại tiếp:

“Má cháu năn nỉ mãi rồi cháu cũng phải về. Cháu nhìn thấy má cháu đau khổ cháu không chịu được. Ba cháu cũng tốt với cháu. Ông không nói nặng nói nhẹ gì, chỉ bảo có thân phải lo kẻo sa vào vòng lao lí rồi hối không kịp mà chẳng ai giúp mình được. Ông khuyên cháu đi kiếm việc làm. Nhưng hỡi ơi! Nào có hãng xưởng nào mướn cháu! Cháu bị xì ke nặng quá. Hơn một năm bụi đời cháu đã lậm với nó. Lúc làm ra tiền, cháu hít no nê, mấy cô gái cũng phê với cháu, rồi đùa giỡn, làm tình rôm rả. Mà lạ thật chú ạ, có thử mới biết, xì ke nó làm cho tình dục của tụi cháu hưng phấn lạ lùng. Mấy đứa con gái cứ chết mê chết mệt vì cháu, cháu lại càng hăng hái hơn nữa. Cháu xin lỗi chú, tuổi trẻ, chú lạ gì. Chơi cạn láng cũng cam tâm. Nhưng khi cạn, tụi cháu phải pha heroine và cocaine với nước. Chích. Chú coi tay cháu đây, nát bấy những mạch máu ra hết. Mấy con nhỏ kia cũng thế.”

Tôi ngắt lời Tony vì muốn biết thêm sự thực:

“Nếu cháu và các bạn cháu thử nhịn không chích, được không?”

Tony tròn mắt nhìn tôi:

“Chú chưa ghiền xì ke nên chưa biết. Đến cữ mà không có cho nó thì nó vật có thể chết được. Chú cứ tưởng tượng nó bắt ngáp chảy nước mắt nước mũi như người bị cúm nặng, toàn thân đau như dần, như người bị đánh nhừ tử, mỗi khớp xương là mỗi đau đớn chịu không thấu. Lại cũng có lúc như trăm ngàn con kiến bò, như đàn dòi bọ đang ăn trong xương, đang đục khóet từng khúc tủy. Có khi là đau bụng quặn lên toát mồ hôi như đàn bà đau đẻ, mắt hoa như ngàn ánh chớp rọi vào, đầu nhức như có ai đang lấy búa nện, người ớn lạnh muốn ói mà ói không ra, đứng lên lọang chọang muốn té. Tóm lại là nó vật cho nhược người, kì cho phải có chất heroine hay cocaine vào máu nó mới chịu yên cho.

Tại sao tụi chàu phải chích? Có thể chú nghĩ thế. Vì dose mỗi ngày mỗi nặng lên, hít, hút không thấm vì khói qua phổi mới vào máu, cần một lượng lớn, lượng lớn thì tiền đâu nên phải chích cho nó vào ngay máu. (dunglac.org)

Chắc chú cũng muốn hỏi, khi đã đủ dose thì người ghiền cảm thấy như thế nào? Cháu có thể lấy một ví dụ để chú dễ hiểu. Trai gái làm tình với nhau đê mê ngây ngất thế nào thì phê nó sung sướng như thế ấy. Có thể hơn thế nữa. Cháu cũng xin nhắc lại một lần nữa, có ma túy làm tình dẻo dai, ác liệt lắm chú ạ!” Tony nhìn vào mắt tôi cười cười:” Bữa nào chú thử cái coi, thiếu gì người thử. Vì nó quá hấp dẫn như thế nên dễ ghiền lắm. Cái cảm giác nó mang lại cho mình không thể tả bằng lời hoặc bằng giấy bút mà hết được. Vì vậy người ta nói không sai, mả bố ở đâu bảo đào lên để có tiền phê cũng đào. Ma túy ghê gớm vậy đó.”

“Thế Tony đã thử cai chưa?” Tôi hỏi.

Mặt Tony rầu rầu, dáng điệu một kẻ bại trận:

“Cháu ghiền rồi cai, cai rồi ghiền lại, không biết mấy lần nữa. Lần đầu tiên, ba má cháu cho tiến đi cai ở một Trung Tâm Detox Center. Nộp đơn đóng 25 đô-la, sau đó mỗi ngày phải đóng 13 đô-la trong 21 ngày. Sau 21 ngày chữa trị, có nghĩa họ cho cháu cái dose từ từ nhẹ dần cho đến lúc hoàn toàn không còn ma túy, cơ thể của cháu có thể nói là sạch sẽ, tẩy rửa gần hết chất ma túy trong người.

Tuy nhiên, xét về mặt tâm lý, cháu thấy vẫn thèm ma túy, chỉ bớt hơn hồi chưa vào đây., nếu cháu có ý chí cương quyết thì có thể bỏ được. Nhưng cháu đã yếu linh hồn vì sau đó đi chơi với chúng bạn bị chúng bạn rủ rê, nhất là mấy đứa con gái, khi chúng muốn hưởng cả hai cái thú đi mây về gió và tình dục. Thế là cháu lại ghiền trở lại mà lần này nặng hơn. Sau đó, cậu cháu bỏ tiền giúp cháu, đưa cháu trở lại Detox Center, người ta không ngạc nhiên chút nào. Lại bắt đầu 21 ngày và sau đó về nhà.

Sau ba tháng chữa trị, với sự giúp đỡ tận tình của ba má và cậu mợ, cháu dứt được cái nghiệp báo truyền kiếp kinh hoàng. Cháu đi xin được một công việc salesman cho một hãng điện thoại, chỉ ngồi phone cho khách hàng mời đăng ký với company của mình, lương hơn lương tối thiểu một tí. Hùng chí lên, cháu nghe ba cháu khuyên đi học thêm mấy lớp ban tối về Computer và sau đó cháu lấy được mấy chục units, xong được cái AA degree.”

Tôi thấy Tony ngừng bèn nâng ly bảo bọn trẻ:

“Nào chú cháu mình nhấp cho vui đi!”

Jaco, có cái bớt nâu to như cái trôn chén ở ngay bên má phải, tươi cười với tôi:

“Chăm phần chăm đi chú Vũ!”

Mấy thằng con trai giơ ly trước mặt, mấy đứa con gái thì giơ nước ngọt. Tôi nói:

“Ừ thì chăm phần chăm!”

Mọi khi tôi đâu dám uống nhiều, nhất là còn phải lái xe về. Nhưng hôm nay phá lệ vì bọn trẻ. Ngồi uống còn ké né mất vui đi. Bọn trẻ uống rất khá, chai Courvoisier trên tay Jaco với những giọt cuối cùng. Tôi bảo:

“Chú có tiền đây. Cháu nào chịu khó đi mua Bud?”

Jane Đào đứng lên:

“Chú để con đi mua cho. Con ngoài 21 rồi.”

Tôi trao tiền cho Jane. Tuyết mập đứng lên theo, đi nướng thêm mực và lấy thêm củ kiệu trộn đường, nước mắm, ớt. Tony đằng hắng một cái rồi lại tiếp:

“Khi cháu lấy xong AA và được nhận đi làm, chú có thể tưởng tượng ba má cháu mừng đến thế nào không? Má cháu mua hoa đi tạ ơn Đức Mẹ đã xuống phúc cho cháu, hai ông bà cùng đi với lòng thành của một tín đồ vô cùng ngoan đạo. Rồi má cháu làm một bữa cơm thịnh soạn có đủ những món cháu thích, nào gỏi sứa tôm thịt, càng cua tẩm bột chiên, súp măng tây cua, tôm hùm mua sẵn ở tiệm K.S. nổi tiếng ngon v.v...Bia Heineken uống thả dàn. Và ngày hôm sau, một buổi sáng đẹp trời, cháu đến hãng làm.

Nhưng xưa nay trời không chiều lòng người, chú ạ. Cháu làm được hai năm, lương lên đến $8.00/giờ thì bị lay off. Cháu lại đi kiếm tiếp, việc gì hợp sức là làm, không nề quản. Nhưng mỗi việc chỉ được dăm tháng, có khi ba tháng là bị nghỉ. Cháu buồn không ở nhà nữa mà đi lang thang, tấp với đứa này mấy ngày, đứa kia một tuần, có lần cháu sém nghiện lại do một đứa con gái đưa cocaine và cần sa cho cháu phi. May cháu bấm bụng từ chối mặc dù nghĩ đến mùi thơm của nó cháu còn rất thích. Cháu hiểu vì sao có người nghiện đi nghiện lại, cai đi cai lại nhiều lần không khỏi. Hai tháng nay cháu chơi với Jane và rồi cháu lên sở chú xin trợ cấp cũng như xin chú kiếm giúp cháu việc làm.”

Jane cũng về tới. Tiệm 7-Eleven ở ngay đầu đường, đi bộ ra mấy phút. Jane khệ nệ ôm vào cái bao đựng 2 pack 12 chai Bud đã ướp lạnh. Bọn trẻ reo lên, mỗi đứa nhặt một chai. Bia sắp đầy ra mặt bàn vốn đã ngổn ngang với bánh, mứt, giò chả...Lại nâng chai cùng những tiếng cười dòn dã.

Tôi đoán chuyện Tony đã hết, lại thấy Tommy có vẻ muốn nói. Tôi nâng chai Bud nhấp một ngụm, hỏi Tommy:

“Tommy muốn nối tiếp Tony không? Kể cho bà con nghe!”

Tommy nhìn tôi rồi nhìn mọi người:

“Cháu kể không thứ tự như Tony đâu vì cháu ít học. Cháu nói sự thực, không thêm mắm, thêm muối. Nhìn nước da cháu, chú cũng thấy ba cháu là Mỹ đen, đi lính sang Việt Nam. Cháu ra đời năm 1970 nên ngày quân Bắc Việt vào Sàigòn, cháu còn nhỏ lắm. Má cháu quê ở Cần Thơ, Sađéc gì đó cháu không nhớ nhưng khi cháu mới 3, 4 tuổi thì má cháu đã giao cháu cho bà ngoại và đi mất tăm mất tích. Hồi trước 75, cháu muốn đi đâu thì đi, không ai chế nhạo, làm khó làm dễ cháu. Nhưng sau 30-4-75, dường như có một phong trào bài Mỹ mà nạn nhân trực tiếp là những quân nhân, công chức làm việc cho Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa và những đứa con lai như cháu. Cháu đi tới đâu bị đám người lớn, trẻ con cười chê, chế nhạo như một thứ tội phạm ăn cướp, giết người. Họ còn thêu dệt những điều tồi tệ về má cháu mà cháu biết rõ là họ cố tình đặt điều bôi xấu. Có những đứa trẻ xô đuổi cháu và muốn hành hung. Cháu chỉ đứng khóc. Bà ngoại kêu cháu về và nhốt cháu trong nhà không cho ra chơi với lũ trẻ trong xóm nữa.

Tình trạng đó kéo dài mấy năm nhưng rồi bỗng nhiên, lệnh cho con lai và thân quyến được làm giấy tờ đi Mỹ ban ra. Cháu tự nhiên lại có giá. Ngoại cháu cũng có giá. Người ta đến thăm hỏi mỗi ngày với quà bánh ê hề, cháu và ngoại cháu ăn không hết, phải chia cho lối xóm. Nghĩ đến cái hồi bị xua đuổi, rẻ rúng, thua con chó ghẻ, cháu tức cười. Con người không biết gì hơn ngoài những mối lợi. Dù không được đi học và đầu óc quá thô sơ, cháu cũng hiểu được cái xã hội xung quanh, xã hội chỉ nhìn thấy tiền và lợi nên cố luồn lách để sống. Con người không còn biết hổ thẹn, mắc cở vì làm những điều xấu, điều ác. Con ngưòi cũng chẳng còn tình người mà chỉ còn lại những gì là độc ác, kiêu căng, xu phụ, dua nịnh và lừa đảo. Con người đạp lên kẻ khác để sống hoặc để được sung sướng. Ngay những đứa con nít bằng tuổi cháu cũng thế, đã mất hết tuổi ngây thơ hồn nhiên và lòng thương người mà chỉ còn lại những gì là độc ác, vô cảm và ích kỷ.

Người ta ùn ùn kéo đến thương lượng, mặc cả, dàn xếp, bày mưu tính kế với bà cháu miết, có ngày năm, bảy người, nhưng bà cháu không muốn rắc rối vì khai gian để những người chi tiền nhận họ nhận mạc đi theo hai bà cháu sang Mỹ. Bà cháu đã nói không bằng lòng với họ ngay từ đầu nhưng họ không nản chí. Đô-la xanh giấy trăm và những lạng vàng đỏ choé la liệt trên cái bàn cũ mèng hai bà cháu dùng ăn cơm. Người ta trưng đủ thứ ra cho bà cháu choáng ngợp, ham hố nhưng trước sau bà vẫn giữ nguyên ý định: không gian dối. Người ta nói với ngoại cháu họ có thể làm lại giấy khai sinh cho cháu thành ra con ruột người đàn bà nào đó (mà họ muốn) khi xưa đã lấy ông Mỹ đen sinh ra cháu mà không cần biết đến người mẹ thiệt của cháu là ai (mẹ cháu đã bỏ cháu đi mất tiêu, như cháu đã nói).

Thời gian này Sàigòn như lên cơn sốt, chú ạ! Người ta tìm mọi cách để xuất ngoại, nhất là những người giầu có, thừa tiền dư bạc. Đi chính thức thế này thì sướng lắm vì không sợ đắm tầu, chết đói chết khát, hải tặc hay bị bắt lại. Ngay như đi chui, trăm phần nguy hiểm mà cháu nghe nói vẫn còn những tầu, thuyền vượt biển dài dài sang Mã lai, Hồng Kông, Nam Dương, Singapore, Thái Lan. Một gia đình khá giả trong xóm cháu tự nhiên bỏ nhà khóa trái cửa, đi đâu không biết, luôn cả gia đình vì cháu quen mặt một thằng con trai ở trong nhà đó, trạc tuổi cháu, cả tháng không thấy nó đâu nữa. Mấy tháng sau nghe đồn rằng cả gia đình đó đã đắm thuyền chết cả rồi. Còn nhà thì công an đến chiếm ngụ và niêm phong, cháu đi qua không dám nhìn vào.

Cháu cũng nghe người ta nói má cháu đi theo một người đàn ông nào đó vượt biển nhưng hình như con tầu đó chỉ có vài người sống sót viết thư từ bên đảo về cho thân nhân, mấy người này kể cho ngoại cháu nghe, cháu thấy ngoại ngồi khóc mấy ngày sưng cả mắt, khan cả cổ nhưng khi cháu hỏi thì ngoại không nói. Ngoại cháu chỉ bảo:
”Má mày theo người ta đi rồi.”
Cháu hỏi:” Đi đâu ngoại?” thì bà làm thinh.

Ngoại cháu và cháu sống ngất ngơ ngất ngưởng như thế bằng tiền ngoại đi làm mướn cho người quen đến giữa năm 1986 thì có giấy đòi hai bà cháu phải tới “văn phòng con lai” ở Thủ Đức làm giấy tờ. Chờ chực suốt một ngày, mãi đến 5 giờ chiều, hai bà cháu mới được gọi vào. Họ hỏi đủ thứ và bà cháu cứ thực khai ra. Họ bắt bà cháu và cháu lăn tay, ký tên xong cho về.

Ra khỏi văn phòng, một người đàn bà ăn mặc sang trọng đi theo, ngỏ ý muốn nói chuyện với bà cháu. Bà ta mời ngoại và cháu vào một quán nước bên đường, kiếm một cái bàn, gọi nước ngọt cho hai bà cháu uống. Ngoại cháu hỏi thưa bà có việc gì thì bà ấy nói mớm mớm muốn ngoại cháu bằng lòng cho một người đàn bà của bà ấy làm mẹ cháu để đi Mỹ. Bà ấy cũng nói cho bà xin địa chỉ và sẽ đến nói chuyện, tiền bạc không thành vấn đề. Ngoại nghe qua biết ý định của bà ấy (cũng giống như những người đã đến gặp ngoại trước kia) nên khước từ ngay, nói không dám làm gian dối, e bị tù. Bà nói không sao đâu vì bà có thần thế lắm nhưng ngoại một mực không chịu và nói phải về kẻo sắp tối. Bà ấy thấy ngoại cương quyết như vậy đành để ngoại và cháu đứng lên ra khỏi quán sau khi bảo ngoại rằng bà ấy đã biết địa chỉ của ngoại và sẽ có ngày đến thăm ngoại, mong ngoại đổi ý.

Trời đã gần tối, cháu và ngoại phải đi bộ đến bến xe Lam đáp xe về Sàigòn - Bến Bình Đông, Chợ Lớn.

Vừa đi được một quãng ngắn, bỗng có một đám con trai 7, 8 đứa, đứa lớn hơn, đứa bé hơn, đứa bằng cháu, nói chung là từ 15 đền 18, 19 tuổi. Chúng nhìn cháu với dáng điệu dữ dằn từ đàng xa. Chúng nhận ra ngay cháu là con lai Mỹ đen vừa từ văn phòng làm giấy tờ ra. Khi đến gần, một thằng chửi thề và giơ nắm đấm ra dứ dứ vào mặt cháu: “Đ.M...mày con lai?”
Nhân lúc Tommy ngưng lại lấy hơi, tôi bảo bọn trẻ:
“Đêm còn dài, cứ từ từ Tommy. Nào, bánh chưng, giò thủ, chả quế, dưa món. Các cháu lai rai đi chứ!”

Cả bọn lại cầm đũa. Tommy cũng ăn. Hùng, thằng con trai nhỏ nhất trong đám con trai, nó mới 21, 22 gì đó, vừa nhìn tôi vừa nói:
“Thú thực với chú Vũ, ba ngày hôm nay cháu nhớ nhà quá chỉ ngồi khóc, chẳng buồn ăn uống gì. Tối nay chú và các bạn làm cho cháu cảm thấy chút gì yêu đời chứ ba ngày qua, cháu chỉ muốn tự tử cho rồi.”
“Sao cháu không về với ba má cháu, hả Hùng” tôi hỏi Hùng.

Hùng đưa li bia lên tợp một ngụm:
“Ba cháu nóng tính lắm, thưa chú, nóng như Trương Phi vậy. Ổng trông thấy cháu là dượt đánh cho bằng chết không ai can ra được. Ba cháu đã bị Cảnh sát còng một lần vì tội đánh cháu nhưng ông vẫn không chừa...”

Trương, một anh con trai đầu tóc bùm xùm như tổ quạ để dài đến vai, mặt xanh như tầu lá, giờ mới góp chuyện:

“Ba thằng Hùng y như ba cháu, thưa chú. Có lần ông đánh cháu đổ máu mũi. Đã vậy má cháu cũng vào phe với ông đuổi cháu đi khỏi nhà. Bà nói:”Cho mày ra đường lê la dăm bữa là mày biết thân ngay. Con chẳng con thì đừng. Biết thế hồi đẻ mày tao bỏ ở cái nhà lồng chợ cho ai lượm mày thì lượm!” Cháu đi từ hồi đó không trở về. Có lần đứa em gái kế cháu đi tìm năn nỉ cháu về. “Chắc má không chửi anh nữa đâu, còn ba đi San Jose chơi với bạn một tuần nữa mới về. Về nhà đi anh Trương!” Nhưng cháu làm thinh!”

Tommy đã ăn xong miếng bánh chưng, hớp một ngụm la-de, đằng hắng vài cái rồi kể tiếp:
“Một thằng chửi thề và giơ nắm đấm dứ dứ vào mặt cháu khi cháu tới gần. Bà ngoại vẫn đi trước, có thấy tụi nó nhưng làm lơ. Chắc ngoại nghĩ cái cảnh này trước đây thường xẩy ra cho cháu với những lời trêu ghẹo, chửi bới. Nhịn nhục đi là xong.
Không ngờ chúng tấn công cháu thình lình. Cháu né được cú đấm của một thằng, tính chạy vụt đi thì bị thằng khác ngáng chân làm cháu té sấp.. Thế rồi cả bọn đấm, đá, đạp, xé quần áo của cháu, đánh bề hội đồng như đòn thù. Cháu la lên một tiếng :”Ngoại ơi! Nó đánh con.” rồi ngất xỉu.

Ngoại kể lại là ngoại chạy đến thì chúng chạy hết vì tưởng cháu đã chết. Có vài người đi đường vào nhà gần đấy xin nước dội lên mặt cháu, cháu tỉnh dậy. Ngoại ngồi bên vệ đường một lúc với cháu cho hoàn hồn rồi mới lò dò ra bến xe. Trễ quá không còn chuyến nào về Bến Bình Đông, ngoại và cháu phải đi bộ ra chợ Thủ Đức, chui vào mấy cái sạp chợ ngủ qua đêm.(hon-viet.co.uk Văn học)

Cháu bị đánh quá đau, chảy máu mũi và gẫy một cái răng hàm, chân đi cà nhắc. Ngoại vào hàng hủ tiếu xin nước cho cháu uống và mua cho cháu một tô hủ tíếu nhưng miệng cháu đau quá không nhai được, dù bụng đói. Sáng hôm sau mới về đến nhà, ngoại săn sóc tận tình cho cháu, cả hai tháng sau cháu mới hồi sức. Cháu nghĩ nếu không có ngoại, cháu đã chết rồi.

Đầu năm 1990, ngoại và cháu được đi Hoa Kỳ. Lúc này, cháu vừa 20 tuổi, khoẻ mạnh và năng hoạt động. Cháu chỉ muốn tìm ra ba cháu và có một việc làm vừa sức để nuôi thân. Nhưng chú thấy đó, đâu có dễ gì. Má cháu bỏ cháu đi không để lại một tấm ảnh, số quân hoặc một giấy tờ gì liên quan đến ba cháu. Nếu ông còn sống, chắc giờ này ông đã già và không ngờ con ông đang ở trên đất Hoa Kỳ, nơi quê hương ông. Cháu buồn day dứt vì không có cha, không biết cha là ai nhưng cháu nghĩ không ai có thể giúp cháu tìm ra ba cháu. Cháu rùng mình khi nghĩ đến phải chịu cái điều bất hạnh này suốt đời. Cháu không thể tưởng tượng một người lại không có cha, ít là trong thời niên thiếu.Vậy mà, oái oăm thay, có thằng bạn cháu hiện giờ có ba nhưng không hề bao giờ về thăm ba và cũng chẳng nhắc đến ba. Sao ngược đời vậy chú?

Tới Mỹ được 5 tháng, đang khi ngoại với cháu lãnh trợ cấp xã hội, phút - tem (food stamps) và phiếu Y tế 12 tháng cho diện con lai thì một biến cố xẩy ra, một biến cố trọng đại vô cùng làm thay đổi cuộc đời của cháu.

Tommy ngưng nói, mắt nhìn xuống đất, mặt buồn so. Tôi thấy Tommy đưa tay quệt nước mắt. Tất cả chúng tôi đều ngồi yên lặng, ngưng ăn, ngưng uống như thông cảm với Tommy. Tommy sụt sùi giọt vắn, giọt dài:
“Chú và các bạn biết không? Ngoại của cháu đã bỏ cháu ra đi sau 3 tuần nằm bệnh viện. Dù là Mê-đi-keo Chính phủ cho, một nhóm bác sĩ sáu, bảy ông cũng chữa tận tình cho ngoại nhưng lúc đó ngoại gần tám chục, mất sức từ hồi còn ở Việt Nam nên các bác sĩ nói đã cố gắng hết sức nhưng không kết quả. Ngoại bị bệnh phổi lâu ngày không chữa trị, bệnh phổi có nước.

Chỉ có hai bà cháu với nhau, ngoại mất đi làm cháu hụt hẫng không còn nơi bám víu. Trước lúc ra đi, ngoại cầm tay cháu trối trăng rằng, cháu phải cố gắng mà sống. Đừng buồn vì ngoại bỏ cháu nhưng hãy sống xứng đáng là con người, con người lương thiện, con người thành thật, đừng lừa đảo, dối gạt ai, đừng ăn cắp ăn trộm, hãy chịu khó làm việc để nuôi thân dù là công việc thấp hèn còn hơn sống ỷ lại, sống bám xã hội hoặc du đãng, trộm cướp mà sống. Ngoại nói nhiều, cháu chưa từng nghe ngoại nói nhiều như vậy bao giờ. Hình như ngoại biết chẳng còn gặp cháu nữa nên có điều gì xưa nay chưa nói thì ngoại nói cho bằng hết. Ngoại có nhắc đến má cháu môt lần, cháu thấy ngoại chảy nước mắt. Những lời của ngoại không bao giờ cháu quên. Sau đó, ngoại ra đi thanh thản.

Cháu buồn khổ vô kể chỉ muốn chết cho rồi nhưng không lẽ tự nhiên đi hủy hoại đời mình nhất là ngoại không muốn cháu chết! Trái lại, ngoại muốn cháu sống nên người tốt trong xã hội. Quận Cam cho ngoại tất cả những tốn phí như tiền nhà thương, hòm và hoả thiêu, cháu không phải lo một tí gì. Vả lại, cháu có tiền đâu mà lo? Có vài ba người quen biết cùng với cháu dự lễ hỏa thiêu cho ngoại xong cháu mang ít tro lên chùa, nhờ thầy cho để vào bàn thờ hương linh mà cháu không tốn tiền. Nhưng nếu thầy lấy tiền, cháu cũng chẳng có để trả.

Sau đó, cháu được thím Dần, trước đây quen với ngoại, đưa cháu đến làm tại một nông trại trồng rau và nuôi gà vịt bán cho các chợ Việt Nam. Nông trại này của thím. Thím hứa với cháu sẽ trả lương nhưng sau 6 tháng làm việc, thím chẳng trả cháu một xu lại giữ thẻ an sinh xã hội của cháu và đuổi cháu ra khỏi nông trại. Vì thế mà cháu phải tới gặp chú ở Sở Xã Hội.”

Tiếng tí tách cắn hạt dưa lại bắt đầu. Hình như tuổi trẻ không buồn lâu được. Họ hoạt động và yêu đời dù gặp nghịch cảnh. Họ dễ quên những thất bại để hướng đến tương lai, hướng tới thắng lợi.

Tôi yêu tuổi trẻ. Tôi cũng đã có một thời như họ và bước lên từ những vũng bùn của chiến tranh, thất học và nghèo đói. Quê hương tôi thật đẹp với ruộng lúa, dòng sông, lũy tre và tiếng sáo diều lơ lửng trên từng mây. Nhưng cũng quê hương đó là nơi đã xẩy ra những tranh chấp, biến động, đẩy làng xóm, những người thân yêu của tôi và chính tôi vào trung tâm của cơn bão dữ, khốc liệt và bạo tàn.

Tôi đã phải lặn dưới ao bèo (rất sẵn đỉa) khi mới hơn chục tuổi đầu để tránh những lằn đạn hai bên - Pháp và Việt Minh - thanh toán nhau ở trong làng. Tôi đã phải ngồi dưới hố sâu hàng giờ hồi hộp nghe những quả đạn trọng pháo và mortier câu vào làng, ục một cái ở nơi phát xuất, đạn đi ngang trên không “xẹt xẹt” xé gió nghe lạnh mình và tiếp theo đó là tiếng nổ “đoàng đoàng” đinh tai nhức óc ở một nơi gần với chỗ mình đang núp. Một hoặc nhiều mạng người đã ngã ra! Những tiếng rên la xé lòng! Những tiếng hét thất thanh của những đứa trẻ mất cha mất mẹ, những tiếng khóc bù lu bù loa của những người cha người mẹ mất con!

Tôi cũng đã nằm trong những bụi tre gai ban đêm, có khi suốt đêm, hỏa châu soi sáng rực một góc trời, tai nghe đại liên và trung liên bắn liên tu bất tận như mưa bấc, ngoài bắn vào, trong bắn ra, cùng với những tiếng nổ chát chúa đinh tai nhức óc của đại bác, của hỏa tiễn, của bích kích pháo, của súng phóng lựu. Tôi cũng đã nhiều lần nằm trên ruộng, trên đường phố cho máy bay Pháp bắn từng loạt liên thanh và bỏ bom, cái chết đến chỉ trong đường tơ kẽ tóc.

Tôi đã đi đoàn Văn Công thời kháng chiến (1946-1947) hơn năm trời, đi khắp nơi, đồng bằng đến núi cao, chỉ bằng đường bộ, cuốc bộ, vất vả, cực khổ bằng tiền và gạo của gia đình tiếp tế vì đoàn không có quĩ, không có tiền, chỉ trông vào tình thương của nhân dân mà sống nhưng nhân dân, lúc đầu còn ủng hộ, sau này chính họ cũng thiếu đói lấy gì ủng hộ đoàn Văn Công đi diễn kịch?

Tôi đã từng chịu đói cả ngày, nhiều ngày, chịu khát, chịu lạnh, chịu đủ thứ thiếu thốn, đi bộ chà chã ngày này sang tháng khác hết vùng này đến vùng kia, vai đeo ba lô nặng, đau khổ vì chiến tranh trường kì, đồng không nhà trống, tiêu thổ kháng chiến, không học không hành, không nghề không ngỗng, cuộc đời toàn một mầu đen, tuyệt mù hi vọng.

Tôi cũng đã cận kề nhiều lần với cái chết, tinh thần và thể xác hoảng hốt đến cực độ và nếu không có những may mắn đặc biệt, tôi cũng đã trở thành người thiên cổ như nhiều người khác, như nhiều thằng bạn hoặc ít nhất cũng què cụt, tàn phế cả một kiếp người... Có lẽ Tony, Tommy, Trương, Hùng, Jane...tất cả đang ngồi trước mặt tôi đây chưa có khổ như tôi đâu. Tony, Tommy tự chọn lấy cái khổ, còn tôi, tôi chịu khổ vì những nguyên nhân ngoại lai xui khiến, những nguyên nhân mà ngày nay nhiều người VN vẫn còn mù mờ.

Tôi còn đang mơ màng hồi tưởng những hình ảnh tàn khốc của chiến tranh, của đau thương tang tóc lồng vào những hình ảnh thân yêu nơi quê hương thì giọng Tommy lại lôi tôi ra khỏi giấc mộng.
“Cháu không còn gì trên tay ngoài bộ quần áo mặc trên người và đôi giày cà-là-tàng với chiếc mũ này. Chú có thể tưởng tượng, để đuổi cháu đi, người ta đã phải nói dối.

Sáng hôm đó, bà Dần bảo cháu lên xe chở ra Bolsa (ở quận Cam, Cali) ăn phở. Bà ấy với cháu vào một tiệm phở ăn sáng; bả còn kêu thêm cho cháu li cà-phê sữa, bảo ăn uống xong cứ đi thả bộ coi tiệm tùng cho đã con mắt. Sau 2 giờ đồng hồ nghĩa là vào lúc giữa trưa, cháu phải đứng đợi bả ở ngay trước cửa tiệm phở để lên xe về. Hầu như hai tháng hơn cháu mới được xuống phố một lần, cảm thấy cuồng cẳng nên sau ly cà phê, cháu phơi phới đi ngó hết tiệm này đến tiệm kia. Cái gì cũng đẹp, cũng ham mà trong túi không có đến 10 đồng, cháu đứng ngó trân những đôi giầy, những cái áo sơ-mi đủ mầu, những quần jean, nón mũ, những cái khăn lông vàng trắng trưởng giả, tưởng tượng tắm xong được lau đầu, mình bằng nó rồi có làm cực mấy cũng cam. Cháu lại liên tưởng đến cảnh sống sáu tháng nay từ ngày qua Mỹ, cháu đã làm nông trại cho bà Dần với biết bao công việc. Nào sơn cho bà mấy cái nhà cả trong và ngoài, bắc cầu gỗ qua con lạch, đóng lại chuồng ngựa, chuồng gà v.v...nhưng cháu vẫn chưa được trả đồng nào để mua quần áo và vài món lặt vặt cần thiết như cháu đang nhìn chúng trước mắt cháu đây.

Nhìn đồng hồ treo trong cửa tiệm, cháu thấy đã gần đến giờ, cháu bương bả trở lại đứng trước cửa tiệm phở. Người qua lại trên đường Bolsa lúc này thiệt đông, nườm nượp đủ cỡ tuổi, đủ thứ áo quần, xe cộ nhưng có lẽ tuổi trung niên là đông nhất. Đứng một chỗ coi bộ không êm vì có mấy người đứng nhìn cháu trừng trừng, nhất là mấy người trong cửa tiệm. Có lẽ họ nghi cháu muốn trổ mòi ăn cắp chăng vì quần áo cháu đang mặc không lấy gì làm khá so với những bộ quần áo trung bình. Mà người ở bất cứ đâu cũng đánh giá con người qua quần áo.

Cháu lảng ra xa xa một chút đứng nhìn lại tiệm phở để canh chừng bà Dần tới. Một tiếng đồng hồ qua đi. Rồi hai tiếng. Hoàn toàn không thấy tăm hơi bả đâu. Cháu nửa muốn đi vòng vòng quanh khu và ra cả chỗ đậu xe xem có may mắn gặp bà ấy không, nửa muốn đứng nguyên đó vì e bả trở lại không gặp cháu. Mãi tới 5 giờ chiều, cháu cầm chắc bả không trở lại đón cháu nữa, cháu mới bỏ đi và chua chát nghĩ bả đã bỏ rơi cháu rồi. Dù mệt và đói - mệt tinh thần thì đúng hơn - cháu phải ra thùng rác gần đó kiếm một mảnh cạc-tông, nhờ ông thợ hớt tóc biên lên mấy chữ:”Work for Food” và ra đầu đường chỗ ông đi qua bà đi lại, trân mình đứng xin tiền làm kế độ đường. Cháu mới được vài người đi trên xe hơi chìa tay cho vài đô-la khi họ bị đèn đỏ dừng lại thì có một ông khoảng trên, dưới 60 đến bảo cháu:
“Mày homeless đứng ăn xin hả? Xin thế đâu có được bao nhiêu. Lại đây tao cho xấp báo đi bán, có tiền hơn.”

Cháu theo ông ta lại xe. Ông ấy đưa cho cháu khoảng ba, bốn chục tờ cầm trên tay trái, cổ vẫn đeo cái bảng cạc-tông Homeless, còn tay phải thì cầm tờ báo chìa ra cho người trong xe hay khách bộ hành. Quả nhiên phương pháp này hiệu nghiệm trông thấy. Thay vì trả 25 cent cho một tờ báo, họ đã cho cháu 50 cent hoặc 1 đô-la, 2 đô-la, có khi 5 đô-la.

Khi cháu bán hết 2 xấp báo thì trong túi cháu toàn tiền là tiền. Cháu mừng quá đem đến xe người đàn ông, bốc nắm tiền trong túi ra cho ổng đếm. Ổng lấy một ít nói là tiền báo, còn lại 30 đô-la ông ấy trao cho cháu. Cháu vào ngay hàng bánh mì mua hai ổ bánh mì thịt và một lon nước ngọt, xong ra chỗ vắng sau Phước Lộc Thọ ngồi nhai ngấu nghiến vì quá đói. Chú ạ, chưa bao giờ từ hồi sang Mỹ, cháu được ăn một bữa bánh mì ngon đến thế.”

Tôi thấy có vẻ khuya bèn xen vào hỏi mọi người:
“Có ai buồn ngủ không? Hay chúng ta tạm ngưng ở đây để mọi người ngủ, anh chị chủ nhà cũng cần ngủ nữa, rồi sẽ họp lại tối mai, tối mốt nghe tiếp?”

Cả đám nhao nhao lên:
“Chưa ai buồn ngủ cả, chú. Chú có buồn ngủ thì về ngủ, còn tụi cháu đêm nay là đêm không ngủ. Vả lại câu chuyện Tommy kể đang đến hồi gay cấn. Ngủ gì nổi!”

Anh Sương chủ nhà, đã nhập tiệc từ lúc nãy, cũng nói:
“Tụi cháu chưa buồn ngủ đâu, chú Vũ! Chú để Tommy kể tiếp, ngày mai ngủ bù!”

Những ly bia lại sủi bọt. Những miếng bánh chưng và những miếng chả quế cũng theo nhau tìm chỗ núp trong những cái bao tử ăn không biết no. Chai Courvoisier và những chai soda rỗng tuếch nằm lăn lóc ở góc sàn. Nhiều đứa còn ngồi nhưng có mấy đứa nằm xoài ra thảm thật thoải mái, mắt vẫn mở trao tráo. Giọng Tommy lại đều đều:
“Cháu ăn gần xong hai ổ bánh mì thì bỗng có một bà tuổi khoảng bốn, năm mươi, quần áo trang điểm thật đẹp, rất lịch sự đi ngang với cái xách tay bằng ni-lông của những tiệm bán bách hoá như Macy, Robinson-May, Sears v.v...trong để cộm cộm một số quần áo và đồ nhỏ nhỏ ý chừng bà ta mới mua trong Mall. Mặt mày đẹp đẽ, trông bà có dáng một mệnh phụ phu nhân hoặc người có địa vị cao trong xã hội. Khi bà đến gần cháu, mùi nước hoa đắt tiền thơm tưng thơm lừng. Bà ngó kỹ cháu mấy giây rồi hỏi, giọng sang cả:
“Này anh kia, anh làm gì ở đây?”
Cháu đoán bà này có lẽ chủ phố vì giọng bà hách dịch. Cháu phải tỏ ra lễ độ:
“Thưa bà, tôi đi làm cho nông trại nhưng bà chủ của tôi không hiểu sao để tôi ở đây đi đâu không thấy trở lại đã 3, 4 tiếng đồng hồ.”
“Chắc anh con lai phải không?” Đôi mắt sắc của bà ngó cháu lom lom.
“Dạ, phải.”
“Thế cha mẹ anh đâu?”
“Cha tôi người Mỹ, không cách gì tìm ra. Còn má tôi chết rồi!”
“Bây giờ anh có muốn đi làm cho tôi không?”
“Thưa bà, làm cái gì?”
“Cũng làm trong nông trại hoặc tôi bảo việc gì, anh làm việc đó.”

Chú và các bạn nghĩ coi. Cháu đã đến đường cùng vì vậy cháu đành phải theo bà ta ra xe chứ thực tình cháu đã sợ các bà kiểu này rồi. Nhưng cháu không còn con đường nào khác, đánh liều vậy thôi. Xe bà ta rất sang, bà bảo cháu trải một cái khăn lớn để sẵn trong xe và ngồi lên đó vì bà sợ quần áo cháu dơ làm dơ bộ ghế da sang trọng của bà.

Quả nông trại thiệt. Khi chiếc xe của bà vào tới đó, trời cũng sắp tối. Bà dẫn cháu vào một cái nhà, tường mái rất đơn sơ như kiểu làm tạm, trong chia ra ba, bốn phòng. Bà chỉ cho cháu một chỗ ngủ, chỗ nấu nướng và cả phòng tắm. Xong bà giới thiệu tên bà là Lệ, Bích Lệ và hỏi cháu tên gì, biết làm những cái gì, muốn được trả lương bao nhiêu? Cháu nói ở nông trại trước, cháu đã làm những việc như săn sóc súc vật, dọn dẹp, sơn tường, trồng rau cải v.v...Bà Lệ nói trả cháu 200 đồng /tháng, nuôi ăn ở và mỗi năm bà mua cho cháu mấy bộ quần áo đủ mặc.

Nông trại mới, ở cách xa thành phố hơn nửa tiếng lái nên không thuận tiện đi lại. Một tuần, bà Lệ tới vài lần đem đồ ăn cho cháu, ở lại một lúc để dặn dò công việc rồi lại lái xe đi. Hình như bà Lệ không có chồng nhưng có mấy người con đều đã lớn cỡ tuổi cháu, một người con gái lang bạt kì hồ, thỉnh thoảng dắt boyfriend đến ngủ trong cái phòng bên cạnh phòng của cháu, phá phách thật dữ, rượu chè say sưa, hát xướng, nhảy múa suốt đêm và một người con trai, em cô này, đi chung với một bọn cháu đoán là “gang” đảng, du đãng vì đứa nào cũng có súng dắt lưng quần.(vietnamexodus.org Văn học “Những kỷ niệm không phai mờ” cùng tác giả)

Khi cháu làm được khoảng hơn hai tháng thì một đêm, lúc ấy cháu đã lên giường, bỗng nghe tiếng súng nổ ở ngoài cổng, rồi tiếng chân người thình thịch nện giầy trên lối đi đổ xi măng và những tiếng la, tiếng chửi thề bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Người đuổi nhau rầm rập và tiếng súng bắn thêm nhiều phát nữa khiến cháu sợ phải trườn xuống nền nhà nằm úp sấp trong góc. Tiếng đạp cửa rầm rầm ở phòng bên cạnh làm cháu càng hoảng sợ và cuối cùng là tiếng la thét của người bị thương, rồi sau đó im hẳn tiếng súng.

Đợi cho êm hẳn, cháu mới mở cửa lóp ngóp bò ra, còn nhìn thấy một chiếc xe du lịch với tiếng thắng ken két rợn người phóng thẳng ra cổng, để lại khói bụi mù mịt ở phía sau.

Vào trong căn phòng có tiếng rên la, cháu thấy một thây người nằm úp sấp bất động trên sàn nhà và ở góc kia, cậu con trai con bà chủ đang rên la vì vết thương nơi đùi, máu chảy lênh láng trên sàn nhà.

Lập tức cháu gọi phôn cho bà Bích Lệ báo cáo sự việc, xong cháu đi xé vải và kiếm bông băng, băng bó cho David, con bà. Cháu còn đang luống cuống thì nghe tiếng còi rú của xe Cảnh Sát, cả thảy 5 xe Cảnh sát ập vào. Cháu không đủ tiếng Anh nói cho họ nghe nhưng David còn đủ tỉnh táo để trình bày vài câu ngắn, gọn để Cảnh Sát làm biên bản. Hơn nửa giờ sau, bà Bích Lệ và cô con gái tới. Bà thấy xác chết nằm trong nhà và thằng con bà rên la thì sợ mất hồn, bà cứ đứng như trời trồng mà khóc lóc.

Xe cứu thương tới quấn mền trùm mặt người chết mang ra xe. Họ cũng băng bó cho David và mang ra xe chở đi. Bà Bích Lệ và cô con gái lên xe theo họ. Cảnh Sát bắt cháu đi theo làm chứng. Họ thẩm vấn cháu, qua một thông dịch viên người Việt, cháu phải kể ra những gì mắt thấy tai nghe, xong họ cho cháu về.

Cháu ra khỏi sở Cảnh Sát vào lúc rạng sáng - họ làm việc cả đêm. Cháu không biết làm thế nào để trở lại nông trại, đường đi xe bus cháu cũng không biết mà bà Bích Lệ và cô con gái rời sở Cảnh Sát đi lúc nào cháu không hay.

Đứng ở góc đường, cháu nghĩ lung hết sức. Giả sử bây giờ bà Bích Lệ đưa cháu về trại thì chắc chắn việc đầu tiên bà bắt cháu làm là thu dọn, tẩy rửa những vũng máu. Nhưng cháu đã quá sợ cảnh bắn giết, máu me đêm qua nên cháu nghĩ không nên về nông trại đó nữa là hơn, mặc dù cháu còn giấu 100 đô-la trong kẹt giường và vài bộ quần áo cháu mua sau khi bà Lệ trả lương là 200 đô-la cho cháu tháng thứ nhất.

Trời đã sáng rõ, xe cộ chạy rải rác trên đường. Từ trước cổng cơ quan Cảnh Sát, cháu băng qua đường đi lang thang trên vỉa hè, trong đáy túi còn mấy đồng tiền cắc và vài đô-la vì đâu có ngờ cuộc bắn giết lại xẩy ra như vậy.

Sáng sớm nên người đi bộ còn thưa thớt. Cháu chợt chạm mặt thằng Vilay, một thằng cũng lai da đen như cháu, đang đi với con nhỏ cháu biết tên là Liz, Mỹ trắng ròng. Hai đứa này bụi đời, homeless, trước đây cháu đã có dịp gặp chúng một đôi lần. Bạn homeless gặp nhau tay bắt mặt mừng, còn mừng hơn những người bình thường vì sao chú biết không? Vì bọn cháu cô đơn, buồn tủi và thiếu thốn đủ thú, những kẻ sống ngoài lề xã hội, đi đâu cũng bị khinh rẻ. bạc đãi nên đồng hội đồng thuyền là thương nhau thiệt tình. Hai đứa này rủ cháu đi theo chúng. Cháu không suy nghĩ, đi liền.

Trưa hôm đó, ba đứa tụi cháu vào một hội quán của người cao niên ở Santa Ana phụ bếp và rửa chén, xong họ cho ăn trưa chứ không có tiền bạc gì. Còn một tháng lương bà Bích Lệ chưa trả cháu. Lại còn 100 đồng và cái túi xách trong có mấy bộ quần áo để tại nông trại, cháu nghĩ chán ra mà không biết làm sao trở lại trại lấy được tiền và quần áo. Giờ này phải đi kiếm thêm cái mặc vì chỉ có một bộ và đôi giầy bata trên người. Bọn này rủ cháu đến sở Xã hội quận Cam và cháu đã gặp chú ngay hôm ấy. Chú đã dẫn cháu vào kho quần áo cũ sở Xã Hội quận Cam cho cháu lựa hai bộ đồ và một đôi giày, một cái túi ngủ. Sau đó mấy hôm thì cháu nhận được tiền trợ cấp và chú đã dẫn cháu đi kiếm việc làm.

Buổi tối đó, ba đứa tụi cháu lên xe bus ở một địa điểm đón homeless để họ chở về khu Salvation Army ngủ đỡ. Cháu gặp con Têrêsa người Mễ - nó cũng là khách hàng của chú mà, chú có nhớ ra nó không? Nó để tóc dài, hay mặc cái áo thung mầu vàng nhạt, cái quần đen, lúc nào cũng toét miệng ra cười đấy chú! Cháu với nó nhanh chóng trở thành boyfriend, girlfriend chỉ sau vài tối gặp nhau ở chỗ ngủ tạm.
Thú thật với chú, cái gì chứ sex thì homeless không dài dòng mất thì giờ tả oán như người bình thường đâu, chú ơi! Các bạn của cháu ngồi đây đều biết điều đó. Gặp nhau một lúc, sau vài câu chào hỏi rồi xáp vào với nhau dễ như ăn bi-già. Hễ con gái ưng là nó cho ngay, chẳng ỉ ôi lôi thôi mất thì giờ, nó cũng chẳng mất mát gì, mà nếu nó đòi hỏi thì tụi cháu có gì để cho nó chứ? Đứa nào cũng chỉ có cái xác tả tơi, vả lại, chú nghĩ coi, nào nó có mất vốn mất lời gì? Đây cũng là một điểm tâm lý làm nhiều anh, nhiều chị mê homeless, thích bụi đời. Gái homeless rất sẵn chú à! Đẹp chim sa cá lặn thì không có chứ mát mắt, trẻ trẻ, thiếu gì. Còn xấu xấu hay tạm được thì sẵn lắm!

Trở lại với con Teresa, lẽ ra tối nay nó cùng đi với cháu đến đây nhưng vì nó có đứa em trai từ Mễ sang kiếm nó, bảo nó về Mễ mấy ngày thăm bà già bị đau nặng; vả lại nó nói nó không nghe được tiếng Việt, còn tiếng Anh chỉ lõm bõm. Lúc nào nó cũng nói tiếng Xì (Tây ban Nha) và khi cháu học lóm được vài câu, cháu bảo nó:”Tu eras bonita” (Cô đẹp lắm) thì nó thích chí, cười rũ rượi.

Chỗ ngủ của tụi cháu là một cái nhà lớn suông đuột không chia phòng ốc chi hết mà kê giường từng hàng, cả sáu, bảy mươi giường, trai gái không phân biệt, mỗi người một giường kiểu giường lính. Sau 11 giờ đêm thì tắt đèn, còn từ 6 giờ đến 11 giờ thì có thể đọc báo, ra đường hút thuốc hoặc tắm rửa trong các nhà tắm công cộng ngay tại đó, cả chục người một lần nhưng đàn ông riêng, đàn bà riêng. Lúc ngủ, ai nằm đâu cũng được nhưng phần nhiều đã có xí chỗ; bạn bè, bồ bịch tìm cách nằm gần nhau để còn rủ rỉ thầm thì được thêm ít phút trước khi ngủ. Và khi đèn tắt rồi thì nhiều cặp “nóng máy quá” chịu không nổi bò qua với nhau. Súp-pơ-vai-dơ có biết đấy nhưng không cấm đoán. Hôm-lớt đã khổ quá rồi, ban đêm có bồ có bịch lại cũng khổ, cũng cấm đoán nữa sao? Miễn là đừng rên la, trửng giỡn, làm ồn ào quá khiến người xung quanh chịu hổng nổi phải ngứa ngáy hoặc đi thưa cấp trên.

Hai đêm đầu, cháu cứ ngay tình nằm xa Teresa nhưng đến đêm thứ ba thì nó dành chỗ kế bên giường cháu. Cháu không đoán được tuổi và gốc gác của nó nhưng trông cũng dễ coi, sạch sẽ và có lẽ cũng khoảng tuổi cháu hay ít hơn. Khi có đồ ăn, đồ uống gì, nó cũng tìm cháu để “she” với cháu.
Đêm đó khi đèn vừa tắt, mới nằm êm được dăm phút, nó trở mình trên giường quay sang gọi cháu:
”Tommy, anh còn thức không?”

Tụi cháu nói tiếng Mỹ bồi với nhau, ba xí ba tú, miễn hiểu thì thôi kể cả giơ tay giơ chân chứ học hành gì mà nói đúng văn phạm, hả chú? Cháu trả lời “Yes, yes.”.
Nó đưa lưng cho cháu:
”Làm ơn cởi giùm cái móc áo nịt ngực phía sau lưng.”

Nó nói mãi cháu cũng không hiểu nó muốn cái gì? Nó bèn cầm tay cháu đặt vào cái móc sú-chiêng và nói:
”Tôi muốn anh giúp tôi cởi nó ra kẻo nóng quá.” Chú ơi, cái lưng trần của nó quả nóng hâm hấp thiệt. Cháu cởi cái móc cho nó rồi, nó tuột hết áo ra, xoay người nhìn lại cười cười với cháu, hàm răng trắng nhởn trong bóng tối. Thế là...thế là... cháu chỉ còn nhìn thấy nó nhờ nhờ trong căn phòng với khuôn ngực trắng nhễ nhãi, vun cao mời mọc và đôi môi của nó ở ngay kế môi cháu, ngoài ra cháu không còn nhìn thấy cái gì nữa cả...Cháu vừa nhẹ nhàng trườn sang giường nó thì nó vồ vập, xiết cứng lấy cháu, hôn như mưa bấc trên mặt, trên ngực cháu như người khát tình chết đói đã lâu ngày... Cháu chỉ sợ cái giường yếu quá khuỵu xuống trong khi nó cọt kẹt và rung lên dào dào! Cháu nghĩ có lẽ Teresa thương cháu thiệt tình!

Khi cháu rời nó trở sang giường cháu để ngủ thì có lẽ cũng đã khuya lắm. Dăm, ba tên có tật ngáy, rống như sấm và mấy phút sau đó cháu cũng đi vào giấc ngủ dễ dàng.

Bảy giờ sáng hôm sau lúc cháu thức giấc thì Teresa vẫn còn ngủ li bì. Bảy rưỡi nó vẫn không đụng đậy, vẫn ngủ ngon lành, nét mặt phơi phới đầy thỏa mãn như một đứa trẻ no sữa. Cháu phải đánh thức nó để đi sở Xã Hội xin oeo-phe và phút-tem. Nó nằm duỗi dài trên giường nhìn cháu cười hiền, đôi mắt long lanh coi bộ rất happy, rất thoải mái chẳng có nét gì của đứa hôm-lớt đang thiếu thốn mọi thứ trên đời. Và rồi cháu với nó đi gặp chú đấy. Cũng kể từ đêm đó, nó quấn riết lấy cháu, ngày cũng như đêm; nó sợ cháu mê đứa con gái khác bỏ nó. Thú thiệt với chú, như các bạn đây đều biết, gái hôm-lớt nhiều lắm mà đứa nào cũng chịu chơi!”

Tôi nhìn bàn tay Tommy thấy có vết sẹo lớn ở mu bàn tay, bèn hỏi:
“Teresa có làm gì cháu không mà bàn tay cháu bị sẹo?”
“Teresa có làm gì cháu đâu chú. Nó cưng cháu hết mức. Có cái gì ăn, có cái gì uống, nó cũng chia cho cháu. Nó còn bảo nó muốn có đứa con với cháu. Cháu nghe mà lạnh mình. Còn cái sẹo này? Cái sẹo này là do một thằng Mỹ trắng khùng khùng điên điên. Tên nó là Mitt. Thằng Mitt ghét cháu vì thấy cháu lai đen nhưng có vẻ sướng hơn nó nhiều trong khi nó cô độc không đứa con gái nào muốn chơi với nó vì cái tính kì cục của nó. (hon-viet.co.uk Văn học)

Nó lừa một đêm cháu đang ngủ, nó bật quẹt đốt tay cháu. Khi cháu giật mình thức dậy thì bàn tay đã bị cháy, đau đớn vô cùng. Cháu dượt nó thoi được nó vài đấm cật lực vào mặt. Dưới ánh đèn hành lang, cháu thấy miệng nó chảy máu và nó nhổ ra một cái răng. Ngay lúc đó, Súp-pơ-vai-dơ can ra. Bàn tay cháu bị làm độc vì thiếu trụ sinh, cháu đau đớn cả tháng trời, mãi sau đi bệnh viện xin được mấy viên trụ sinh mới đỡ.”
Mấy đứa mải nghe chuyện cứ ngồi im, tôi lại bảo:

“Tommy hãy nghỉ một chút. Nào, các cháu, bánh chưng và chả quế còn khá nhiều. Làm thêm cho vui đi,” Quay qua con bé Mễ lai Việt trẻ nhất và đẹp nhất bọn, tôi hỏi nó:
“Vanessa, do you understand what he said?” tôi nghĩ nó không biết tiếng Việt nhưng nó gật đầu. Jane bảo:

“Nó nghe nó hiểu hết đấy chú, chỉ không nói được thôi. Tính nó hiền lành dễ thương lắm, nó sắp xong High school rồi đấy. Cháu không hiểu sao nó đi bụi đời, rõ phí! Thứ hai tới, cháu sẽ dẫn nó vào sở chú, chú cho nó vài cái quần áo nhé!”
“Ừ, gọi phôn trước cho chú!”

Nghĩ về chuyện Tommy vừa kể, thằng tên Mitt đốt tay nó, tôi chợt nhớ hai câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng:

Những tưởng đầu đường thương xó chợ
Ai ngờ xó chợ chẳng thương nhau!

Bùi Giáng nhiều lần đầu đường hôm-lớt nhưng cái anh xó chợ kia thì không. Bùi Giáng trách là trách cái tình văn nghệ mà xử tệ với nhau. Anh kia cũng là một nhà thơ nhiều người biết tiếng, như Bùi Giáng viết là Nguyên Sa, nếu tôi không lầm. Cổ học tinh hoa bảo, Hồ li xưa nay mới ghét, mới làm hại hồ li, chứ khác giống, ai lí tới?

Tôi lại hỏi Tommy:
“Sao có nhiều người Mỹ làm như họ thích homeless? Người ta thường gọi những người này là “homeless by choice” tức là tự chọn cho mình cuộc sống vô gia cư. Điều đó có đúng không?”

Tony xen vào:
“Để cháu trả lời thay Tommy. Đúng đấy chú! Cháu thấy có nhiều lắm. Hôm-lớt rồi sinh con đẻ cái ra trong lúc đang hôm-lớt cũng có nữa. Có một anh chàng này cháu biết, chỉ hôm-lớt về đêm. Anh ta có vợ con đàng hoàng. Ban ngày vợ đi làm thì anh ta ở nhà coi vài đứa con và nấu ăn để tối vợ về ăn. Vợ làm thư ký phát tiền cho Ngân Hàng. Tối đến, khi ăn uống xong, hắn để vợ con đó và đi bụi đời, khi hắn ngủ trong xe, khi ngủ góc đường, ngủ gầm cầu, ngủ trong mấy nhà của hôm-lớt như cháu đã kể. Gặp đàn bà hợp ý, hắn cặp cho vui, cũng là loại đầu đường xó chợ, hôm-lớt cả, nào có thứ khá. Sáng sớm hôm sau hắn lại trở về nhà coi nhà và con cho vợ đi làm. Buổi tối, lại tiếp tục. Cháu không hiểu người vợ có phản ứng gì không nhưng đã mấy năm, cháu thấy hắn vẫn sống phây phây như thế.”

Tôi trầm ngâm:
“Nếu các cháu không nói có lẽ chú không biết có những cảnh đời như vậy.”

Jane và Hùng cùng nói như sợ tôi không hiểu:
“Còn nhiều cảnh cười ra nước mắt đấy chú. Phải trải qua như tụi cháu mới biết nó như thế nào. Nhưng dù cay đắng, chúng cháu ít tự tử hơn người được sung sướng. Chú là Nhà Văn, chú nên ghi lại cho mọi người trong xã hội biết được ít nhiều về tụi cháu, bớt đi những thành kiến với tụi cháu. Tụi cháu chưa làm được nhưng thề sẽ đứng lên làm lại cuộc đời...”

Tôi khuyến khích:
“Các cháu nghĩ thế là phải lắm. Con người dù vào đường cùng thế nào cũng không nên thất vọng mà cứ kiên trì chiến đấu, ắt có ngày thành công, chẳng lớn thì nhỏ. Tin chú đi! Và chính đức kiên trì ấy làm nên giá trị con người.”

Anh Sương góp thêm:
“Người ta nói đời là tranh đấu phải không chú? Đời không tranh đấu còn có nghĩa gì nữa. Những người giầu có thừa phương tiện do cha mẹ lo cho đâu có hãnh diện bằng những người tự lực cánh sinh, phải không chú?”
“Rất đúng, anh Sương. Sách cũng nói:”Chiến đấu không cam go, chiến thắng không vinh dự” cùng ý nghĩa đó. Chú rất mừng nghe các cháu có nhiệt tình như thế, người Mỹ gọi là positive hay optimistic.

Tommy tợp thêm một ngụm bia:
“Đúng như Jane và Hùng nói. Còn nhiều cảnh đời hôm-lớt bi ai lắm chú, nhưng cháu mỏi miệng không muốn kể nữa. Chú cho tụi cháu một dịp khác chú cháu mình lại gặp nhau.”

Tôi giơ tay nhìn đồng hồ. Ba giờ hai mươi. Tôi bảo cả bọn:
“Thôi, chúng ta chấm dứt ở đây. Còn vài, ba giờ nữa thì sáng. Mỗi người ngủ một chút mai còn làm việc. Có dịp chúng ta lại tiếp tục một đêm khác. Đêm nay thật là một đêm đáng ghi nhớ. Xin cám ơn anh chị Sương chủ nhà. Cám ơn các cháu tất cả nhé!”

Anh Sương nói thay cả bọn:
“Chúng cháu cám ơn chú rất nhiều. Chú đã mang hương vị Tết quê hương và niềm vui, phấn khởi, yêu đời đến cho chúng cháu.”

Tôi đứng lên ra xe, tiếc là nhà tôi không có mặt để nghe câu chuyên sống và thực. Anh chị Sương và cả bọn đi theo ra tiễn. Tôi bảo anh chị Sương và tất cả vào ngủ nhưng họ chờ cho xe tôi lăn bánh mới trở lại nhà.

Khí lạnh về sáng làm tôi khoan khoái. Vừa lái, tôi vẫn còn như nhìn thấy trước mắt những mái đầu xanh đang vật lộn với đời, với nghịch cảnh, với nhiều cám dỗ, mê hoặc, để kiếm sống và để vươn lên với rất ít phương tiện trong tay. Nhưng cái sức vươn lên ấy thật đáng khâm phục khi ta biết rằng, còn rất nhiều thiếu niên khác dư phương tiện, dư điều kiện nhưng vẫn ỷ lại vào cha mẹ hoặc người thân, không từng cố gắng cho cuộc đời mình một chút ý nghĩa, ý nghĩa của một cuộc đời làm một con người, giữa những năm cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21.

No comments:

Blog Archive