Sunday, January 11, 2009

Đôi Mắt

Trần Trung Đạo, Jan 10, 2009

Đôi mắt. Vâng, đôi mắt của người con gái đứng bên kia hàng song sắt nhìn về phía tôi. Cô gái vẫn đứng đó mỗi đêm để nghe tôi hát. Một khoảng cách không xa lắm nhưng tôi và cô như đang thuộc về hai thế giới khác nhau. Cô gái đang bị giam trong khu nữ hình sự tối tăm, và tôi ở bên ngoài, còn một chút tự do. Mấy tuần trước đó, tôi chỉ nhận ra bóng mờ của cô gái qua đôi mắt sáng. Mãi cho đến đêm trăng rằm, khi bóng một người con gái với mái tóc học trò chấm ngang vai dần dần hiện ra rõ nét, soi nghiêng nghiêng trên bờ tường vôi loang lỗ của một trường tiểu học được sửa thành trại giam thị xã, tôi mới biết cô là một cô gái còn rất trẻ. Những đêm trăng như thế, tôi thấy bóng cô gái ngã dài ra ngoài song sắt, đôi tay nhỏ vịn vào thanh sắt rỉ, khuôn mặt trái soan nhu hòa đang nhìn về phía có tiếng đàn của tôi.

Giòng sông nào đưa người tình đi biền biệt
Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ
Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư
Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió
Sáng lung linh hồn ta khóc bao giờ….

Bài Thu Hát Cho Người của Vũ Đức Sao Biển đi theo tôi từ những ngày còn ở Đà Nẵng. Thành phố đó, ngày xưa, những buổi chiều tôi thường ngồi dưới gốc đây cây đa trước sân phường Thạc Gián, bên hẻm 220 Hùng Vương và khóc tuổi thơ bay.

Khi tôi lớn lên, bài hát theo tôi vào đại học. Những đêm hè không ngủ được trong căn gác trọ trên đường Kiều Công Hai, tôi thường ôm đàn ra ngoài hiên ngâm nga Thu Hát Cho Người. Bài hát có sức thu hút đến nỗi cả phòng bọn tôi đứa nào cũng thích và tập bài hát đó. Một tên bạn cùng phòng, Trần Thanh Liêm, cũng nhờ bài Thu Hát Cho Người mà quen được cô gái cưng con ông chủ một pharmacy đầu phố đẹp tuyệt vời. Sau 1975, Liêm cưới cô ta làm vợ và đưa nhau về lại Đà Nẵng. Tôi ở lại Sài Gòn, kéo lê lết cuộc đời sinh viên trong “thiên đường xã hội chủ nghĩa” với khoai mì và bo bo cho đến 1979 thì bọn tôi bảy đứa cùng rủ nhau vượt biên qua ngã Bạc Liêu.

Dĩ nhiên như đã kể, cả bọn chúng tôi đi hụt và bị bắt một lần. Công an phường Bảy, thị xã Bạc Liêu trói cả nguyên băng đưa về trại giam thị xã, chờ làm thủ tục giải đi trại Cây Dừa. Má tôi từ Sài Gòn khó khăn và tốn kém lắm mới đến thăm được một lần. Tôi khuyên má tôi đừng xuống nữa: “Ở tù thời gian con sẽ về. Thời buổi này, vượt biên ở tù như đi chợ, chẳng phải tội trạng gì nặng nề, má đừng đi xa vất vả”. Má tôi tạm yên tâm ra về. Bọn tôi bảy đứa, cùng với 40 tù nhân khác, bị giam trong một phòng học. Bọn tôi là những kẻ đến sau nên bị tên tù trưởng, tiếng lóng để gọi tên Trật Tự Phòng, xếp nằm sát thùng cầu. Mùi hôi thối bốc lên. Mấy ngày đầu không ăn được, đêm không thể nào chợp mắt được.

Thông thường, sau khi làm xong thủ tục, tù vượt biên bị chuyển hết về trại Cây Dừa, một trại tù thật sự, nổi tiếng khắt khe ở miền Tây, có dạo nhốt cả chục ngàn tù vượt biên. Nghe đâu hình phạt đầu tiên trong ngày nhập trại là cạo trọc đầu. Nếu không biết cách đút lót cho đám cán bộ, công an tỉnh, mỗi tù vượt biên sẽ bị giam từ sáu tháng đến một năm trước khi được trả tự do. Nhiều tù vượt biên bị nhốt cả hai ba năm, đơn giản, vì tù quá đông nên tên trong sổ sách tù nhân nhiều khi bị thất lạc.

Không hiểu sao, lần đó, trại trưởng trại giam thị xã đổi ý giữ bọn tôi lại. Một buổi sáng, trại trưởng Nguyễn Văn Ninh tập trung bọn tôi trong sân trại, với giọng Bắc nặng chịch, lên cơn giảng huấn một hồi, đại ý: “Các anh có học và còn quá trẻ, chỉ vì nghe lời dụ dỗ và lường gạt mà cam tâm bỏ tổ quốc ra đi. Lẽ ra các anh bị đưa đi Cây Dừa giam và lao động một năm, nhưng sau khi đọc các bài tự kiểm, nhận thấy các anh có ý thức, biết việc làm sai trái của mình, chúng tôi khoan hồng và giữ các anh lại để lo công việc của trại. Các anh được ở trong căn nhà lá cuối trại, được phân công lao động và kiểm soát lẫn nhau. Sau một thời gian, ít nhất là 4 tháng, nếu các anh chứng tỏ hành vi tốt, lao động tốt, chúng tôi sẽ đề nghị lên Ủy Ban Nhân Dân Thị Xã trả tự do cho các anh”.

Trại trưởng Nguyễn Văn Ninh ngừng vài giây trước khi gằn giọng: “Điều quan trọng các anh phải ghi nhớ, bất cứ người nào trong số các anh trốn trại, số còn lại sẽ bị còng 3 tháng trong phòng tối và chuyển đi Cây Dừa. Nếu kẻ trốn trại mà bị bắt chúng tôi sẽ bắn bỏ ngay tại chỗ”.

Thế là nhờ tài viết lách khéo mà bài tự kiểm của bọn tôi lọt được vào mắt xanh của trại trưởng. Trong trường đại học, bọn sinh viên chúng tôi là một nhóm văn nghệ, làm thơ viết lách nên nếu cần phải lách để sống còn, bọn tôi lách không đến nỗi tệ lắm. Nhớ lại mấy tuần trước đó, bảy đứa bị xếp ngồi một hàng dài như thuở đi thi tú tài, trong văn phòng ban quản lý trại, vừa viết tự kiểm vừa nhìn nhau cười. Một băng bảy thằng gian mắc nạn bóp trán nghĩ ra mọi điều hợp lý và thê thảm nhất trên đời để trả lời câu hỏi số một và quyết định “động cơ nào đã làm cho anh bỏ tổ quốc ra đi”. Không giống như các tội chống phá cách mạng phải biện luận quanh co, liên hệ đến người này người khác, chuyện vượt biên chỉ quanh đi quẩn lại những lý do nghèo nàn, cha mẹ già em đông, chén cơm manh áo, bị bạn bè rủ rê mà bỏ tổ quốc ra đi, bây giờ thì hối hận ơi là hối hận, chỉ mong được cách mạng khoan hồng, thề sẽ làm lại cuộc đời, tình nguyện đi thanh niên xung phong, làm thủy lợi, an phận học hành, làm đúng khẩu hiệu “góp phần xây dựng đất nước tươi đẹp hơn mười lần hôm nay”, sẽ không bao giờ tái phạm, v.v…và v.v… May mắn thay, dù viết toàn là chuyện vô hại mà kết quả lại thành công ngoài sự tưởng tượng. Về sau, tôi cũng biết thêm, ngoài lý do viết lách, bọn công an còn tin tưởng rằng nếu được phân công nấu ăn, phân phối cơm nước, bọn tôi sẽ không ăn cắp thức ăn như đám tù hình sự đầu trộm đuôi cướp đói rách đã làm từ trước tới nay.

Trại giam chúng tôi ở chỉ có 3 phòng giam, một dành cho nữ và hai phòng dành cho nam. Tổng số tù nhân chỉ vào khoảng 100 người. Trại thuộc quyền quản lý của thị xã và là nơi giam các tội hình sự nhẹ như trộm cắp vặt, đĩ điếm, đánh lộn, buôn bán gian lận chợ trời, móc túi. Những tội đại hình, tội chống phá chính quyền đều bị chuyển qua các trại tù xa xôi trong vùng U Minh rừng sâu nước độc, được gọi bằng cái tên vô cùng nhân hậu là “trại cải tạo” và trực tiếp đặt dưới quyền quản lý của Bộ Nội Vụ Cộng Sản. Việc canh gác ở trại thị xã cũng không có gì gọi là quá chặt chẽ. Mỗi ngày tù nhân phải đi lao động từ sáng đến chiều. Đàn ông thì đi làm ruộng, đàn bà thì nhổ cỏ, tưới rau. Suốt hai mươi bốn giờ, công an thay phiên ngồi canh phía ngoài sân trại. Thỉnh thoảng, anh chàng đứng dậy, thả bộ dọc hành lang mỗi phòng để coi ngó đám tù. Mặc dù an ninh lỏng lẽo nhưng từ ngày trại được thành lập đến nay chưa xảy ra một vụ trốn trại nào. Lý do vì đa số tù nhân là người trong làng, trong xóm, trong thị xã. Từ công an cho đến tù nhân đều biết nhau. Nhiều khi lại còn là bà con giòng họ với nhau nên dù có trốn lên trời cũng không thoát. “Đi mô rồi cũng về Hà Tĩnh” như đám tù nhân thường nói. Hoàn cảnh bọn tôi còn tệ hơn thế. Trốn cả đám bảy thằng thì không được, trốn từng đứa thì không khó nhưng làm sao nỡ bỏ bạn bè ở lại chịu đòn. Mai mốt về Sài Gòn còn mặt mũi nào ngó nhau. Trại trưởng Nguyễn Văn Ninh đã từng cảnh cáo trước đó sao, cứ một thằng trốn được thì cả bọn còn lại mang tội thay. Không đứa nào muốn bị còng 3 tháng và đày đi Cây Dừa thêm một năm. “Phải an toàn rút về lại Sài Gòn rồi mới bày keo khác”. Cả bọn đồng ý như thế và nghoé tay nhau ở lại cho đến ngày được trả tự do.

Tôi ốm yếu nhất trong bọn nên được giao cho công việc dắt người đi nhổ cỏ rau muống. Ban đêm, nếu trời không mưa, tôi thường ngồi trên bệ đá phía cuối sân trại, tay gõ muỗng, miệng ngâm nga những bài hát cũ cho đỡ buồn. Một cán bộ người miền Nam, tên Hoàng, có máu văn nghệ, nghe tôi hát, cũng tới gần nghe. Dĩ nhiên trong những lúc như thế tôi thường hát những bài dân ca hay tình ca vô tội vạ. Khi được đề nghị đóng góp một bài, anh chàng công an gốc du kích Bạch Liêu, chơi ngay bài “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ” với gọng Chế Linh đặc sệt. Tôi buồn cười thầm nghĩ anh chàng này không biết và cũng không hiểu gì về nội dung của bài hát. Dù là du kích trở thành công an xã, anh ta sinh ra và lớn lên ở miền Nam, và đương nhiên vẫn thích hát nhạc miền Nam hơn là những giọng ca the thé miền Bắc mà chính anh cũng có lần tâm sự: “tôi không hiểu họ đang hò hét chuyện gì”.

Mấy ngày sau, anh chàng công an Hoàng ngứa nghề, ra xóm tìm một cây đàn guitar đem về nhờ tôi dạy anh đàn. Cây đàn cũ, từ lâu không ai sử dụng, chủ của nó chắc đã vượt biên, đóng đầy bụi nhưng nghe cũng xốn xang trong những đêm khuya thanh vắng. Và cũng từ bệ đá đó, tôi nhận ra đôi mắt Bích Vân như hai ánh sao đêm hiện ra từ khung tối.

Đúng, tên cô gái là Bích Vân. Tôi biết tên nàng trong một buổi chiều đưa đám nữ tù đi nhổ cỏ ở bãi rau muống sau trại. Cô không đẹp như sự tưởng tượng quá sức phong phú của tôi qua ánh trăng lung linh huyền ảo đêm nào nhưng là cô gái dễ thương, đẹp nhu hòa pha một chút hồn nhiên của thời học trò chưa qua hết. Tôi không hỏi nhưng đoán chừng cô ta khoảng hai mươi tuổi. Bích Vân nhìn tôi: “Anh hát rất hay. Bích Vân nghe đến thuộc lòng nhưng không biết bài hát đó tên gì?” Tôi đáp: “Đó là bài Thu Hát Cho Người của Vũ Đức Sao Biển”. Bích Vân nhỏ nhẹ: “Bài hát hay, người hát hay và tên của người viết bản nhạc cũng hay”.

Những người bạn tù của Bích Vân hình như đã biết chuyện cô ta thường đứng cửa sổ nghe tôi hát nên mỉm cười nhìn chúng tôi với ánh mắt trêu chọc. Một bà đứng tuổi buột miệng: “Hèn chi mấy ngày nay cổ tình nguyện làm cả công tác đổ cầu tiêu để được ra ngoài”. Bích Vân đỏ mặt cúi đầu.

Và cứ thế, mỗi chiều nhổ cỏ rau muống, trên đường đưa nhóm nữ tù về lại phòng, chúng tôi có vài phút nói chuyện với nhau. Vì sợ công an bắt gặp, chúng tôi không dám nhìn thẳng nhau lâu chứ đừng nói gì là một cái nắm tay. Hai đứa giả bộ nhìn trời và nói những câu ngắn ngủi: “Anh quê ở đâu? ” Tôi đáp:” Quảng Nam Đà Nẵng”. Nàng lại hỏi: “Xa quá nhỉ. Gia đình em cũng gốc miền Trung nhưng vào Nam từ khi em mới ra đời. Ba mẹ anh vẫn còn ngoài Quảng hay đã vào Sài Gòn?”

Tôi lại đáp: “Sài Gòn”. Cứ thế, cô ta như một cô giáo đang hỏi bài học trò. Từ chuyện gia đình cho đến chuyện trời mưa trời nắng. Bích Vân thích hỏi nhưng không thích trả lời. Cô không thích nói về mình. Nhiều khi nếu phải nói, cô ta không bao giờ khẳng định, chỉ ầm ừ cho qua chuyện.

Một buổi chiều trong giờ giải lao, dựa lưng vào tường, Bích Vân chợt khám phá ra những dòng chữ trẻ con còn in dấu dưới hàng rêu trên bờ tường trại giam, mắt nàng chợt sáng lên một cách hồn nhiên đưa tay chỉ vào hàng chữ nguệch ngoạc đã nhạt nhòa theo năm tháng: “Anh biết không, đây là trường tiểu học cũ của em.

Hàng chữ kia làm của đám bạn bè em viết hồi lớp năm”. Giọng nàng trầm xuống trong cay đắng: “Trường bây giờ là nhà tù và em về ngồi trong lớp học nhưng không phải là học trò cũ mà như một tù nhân. Mỉa mai quá anh nhỉ?” Nếu đây là quán café hay trong sân trường đại học, có lẽ câu chuyện trường học biến thành nhà tù là một đầu đề để máu Quảng tôi sôi lên, thao thao bất tuyệt về cách mạng, nhân quyền, cơm áo. Nhưng trước mặt Bích Vân, tôi nghẹn lời không nói được. Trước mắt tôi không phải là một đề tài, một câu chuyện, một viễn ảnh mà là một thực tế, một con người bằng xương bằng thịt, một người con gái tuổi hai mươi đang chịu đựng nỗi bất hạnh của một giai đọan lịch sử thảm khốc. Những nạn nhân vô tội đầy thương tích đang quằn quại trong màn cuối của một vở thảm kịch quê hương. Tôi cố làm vơi bớt chút đau xót trong lòng cô bằng những triết lý vụn học được trong những quán café ngoài Thư Viện Quốc Gia ngày nào: “Không ai biết chắc những gì sẽ xảy ra cho đời mình, nhưng một điều mà anh và em có thể biết được, làm được trong hoàn cảnh này là tìm cho mình một hy vọng để sống và phải sống trọn vẹn cho hy vọng đó. Sự kỳ diệu không bao giờ đến nếu không có hy vọng”. Bích Vân trả lời trong lúc vẫn nhìn đăm đăm vào hàng chữ: “Cám ơn anh, em sẽ nhớ những điều anh dặn, hãy hy vọng và rồi sự kỳ diệu sẽ đến”. Tôi muốn cầm tay nàng nhưng không dám. Hai đứa đứng bên nhau dưới chân tường trại giam và cũng là trường học cũ của Bích Vân, lắng nghe tiếng vịt kêu và thầm mong những tia nắng của buổi chiều vàng thơ mộng kia đừng bao giờ tắt.

Một lần trong lúc chờ Bích Vân rửa tay sau buổi chiều nhổ cỏ: “Tại sao Bích Vân phải vào đây?” Bích Vân vẫn cặm cụi rửa tay như không nghe tôi hỏi, mãi đến khi tôi lập lại câu hỏi lần thứ hai, nàng mới đáp thật nhanh và thật nhỏ: “Em buôn thuốc tây và bị bắt”. À ra thế, tôi yên tâm tự nhủ. Một người con gái nhỏ nhắn, xinh đẹp và hiền hậu như Bích Vân không thể nào đi ăn trộm ăn cướp của ai để bị bắt. Thấy tôi không nói gì thêm, nàng ngước mặt: “Anh đang suy nghĩ gì, không tin em sao?” Tôi vồn vã ra mặt: “Anh tin chứ, anh tin chứ, anh tin một người như em không thể làm chuyện gì thương luân bại lý, còn chuyện buôn thuốc tây, rủi gặp xui thì bị bắt, có gì mà ngại, ra tù đi buôn tiếp”. Vai nàng chợt rung lên và hai hàng lông mày cong của nàng nhíu lại nhưng không nói gì. Chuyện ở tù của tôi, Bích Vân hình như đã biết đám sinh viên bọn tôi bị bắt vì tội vượt biên, nên nàng không hỏi lý do, thay vào đó, Bích Vân hỏi về những dự tính sau khi tôi được thả: “Ra tù, anh có tìm cách vượt biên nữa không?” Tôi chẳng chần chừ: “Đương nhiên. Anh không còn đất sống nào khác nữa. Giấy tờ bị tịch thu, hộ khẩu bị cắt. Anh không còn là dân của nước này nữa. Anh chỉ còn một con đường là đi cho đến khi nào đi được mới thôi”. Bích Vân trầm ngâm không nói. Nàng ngước nhìn đám mây xanh như tên nàng đang bay vô định trên bầu trời, mãi một lúc sau mới hỏi: “Anh ước mơ gì nhất bây giờ?” Tôi suy nghĩ khá lâu rồi đáp: “Anh có quá nhiều ước mơ và tất cả gần như đồng hạng”. Và tôi nhìn thẳng vào đôi mắt Bích Vân hỏi nàng một cách nghiêm trang: “Ra tù anh sẽ tìm cách để đi tiếp, Bích Vân, em có thể cùng đi với anh không?” Nàng lắc đầu, nói như vừa đủ tôi nghe: “Không, em còn mẹ và ba đứa em nhỏ. Ba em không biết sống chết nơi đâu. Em phải ở lại để lo cho mẹ và các em”. Và nàng nghẹn ngào: “Anh có biết rằng anh đang tàn nhẫn một cách hồn nhiên không?” Bích Vân không chờ tôi phản ứng hay biện bạch, nàng xoay người bước đi, cố giấu hai giọt nước mắt đang lăn tròn từ đôi mắt buồn như mùa đông. Nàng vội vã bước vô phòng giam nữ như đi tìm một chỗ yên tĩnh để được khóc một mình.Hai tháng sau, Bích Vân được thả. Trong cảnh nhộn nhịp của ngày thả tù, tôi không nói với Bích Vân được gì nhiều. Vả lại, chẳng biết gì để nói. Tôi còn không lo nổi cho tôi thì còn lo cho ai khác được. Lời hứa hẹn của một tên tù thì có gì giá trị. Hai đứa đứng trong sân trại. Bích Vân nói bâng quơ: “Anh thích được tự do không?” Tôi khẳng định: “Dĩ nhiên, anh cần ra khỏi nơi này gấp”. Bích Vân lắc đầu: “Em thì khác, bỗng dưng em thích ở lại. Anh bảo em phải tìm hy vọng nhưng chẳng thấy hy vọng nào dành cho em phía bên kia hàng rào. Ít ra ở đây em còn có anh”. Tôi đáp: “Em còn mẹ, còn các em, còn tương lai đang chờ Bích Vân. Em phải hy vọng và sống với hy vọng đó”. Bích Vân chua chát: “Tương lai ư, em không thích chữ này, nó có thể là ngày mai và cũng có thể không bao giờ đến”. Nàng nói tiếp như đang mơ: “Em thuộc lòng bài hát rồi. Mai này em sẽ tự hát lấy, không cần anh nữa”. Và nàng một mình hát nhỏ: “Giòng sông nào đưa người tình đi biền biệt”. Tôi nhìn Bích Vân hát và ước gì chúng tôi biến thành hai con chim họa mi, cùng bay ra khỏi nơi này mà không ai hay biết. Chúng tôi sẽ bay đi thật xa, băng qua khu rừng già, đến bên một dòng suối mát, nơi đang có đàn nai tơ đang sống hiền hòa, nơi có những đồi sim tím ngắt, không một bóng con người, nơi đó không có nhà tù, không có chém giết, không có máu chảy. Như sực nhớ ra điều gì hệ trọng, Bích Vân bước thêm một bước gần hơn và nói như dặn dò: “Em sẽ gởi cơm nước cho anh mỗi ngày”. Tôi lắc đầu: “Cám ơn Bích Vân nhưng anh không thiếu lắm..”. Tôi chưa nói hết câu, Bích Vân vụt quay người hôn thật nhanh vào mặt tôi và bước đi ra khỏi cổng trước khi tôi kịp nói năng gì.

Những ngày sau đó, mỗi ngày tôi đều nhận được thức ăn do một người nấu cơm tháng trong thị xã đem đến. Nhưng Bích Vân thì không. Người đàn bà đứng tuổi mang cơm cho tôi biết Bích Vân ghé tiệm cơm của bà, đặt tiền nấu cơm và đem cho tôi hàng tháng. Ngoài ra, nàng không dặn dò gì khác. Bích Vân, người con gái có đôi mắt sáng và buồn hiu hắt như hai bóng sao đêm đó đã không còn trở lại.

Từ đó tôi cũng không còn ngồi hát một mình trên bệ đá cuối trại giam. Tôi không biết đó có phải là tình yêu hay chỉ là tình người, tình thương hại. Tôi chưa bao giờ được hôn nàng, thậm chí chưa một lần cầm lấy bàn tay xinh xinh nhỏ nhắn của nàng. Nhưng lòng tôi, mỗi lúc đêm về, vẫn thấy nhớ dáng Bích Vân trong những buổi chiều, nhớ chiếc nón lá rách viền trên luống rau muống, nhớ mái tóc học trò bay trong chiều vàng, nhớ những giọt mồ hôi chạy dài trên vầng tráng rộng, và nhớ mùi hương tóc nồng nàn. Mỗi đêm, tôi vẫn thẫn thờ nhìn về phía cửa sổ trại giam như để tìm đôi mắt Bích Vân, nhưng hai ánh sao trời kia đã tắt.
Tháng sau tôi được thả. Tuần trước đó, khi vừa được công an Hoàng báo tin, tôi năn nỉ người đem cơm tìm dùm Bích Vân và báo cho nàng biết tôi sẽ chờ nàng ở quán nước của dì Năm ngoài cổng trại sau giờ thả. Người đem cơm hứa sẽ giúp tôi. Nhưng ngày tôi ra tù, Bích Vân vẫn không đến. Tôi ngồi một mình đem tâm sự trang trải cùng dì Năm. Dì Năm lắng nghe chăm chú. Bà nói với tôi bằng tất cả cảm thông và hiểu biết: “Cậu về để tìm cách mà đi. Đừng nghĩ đến cô ta nữa. Tôi cũng biết Bích Vân. Hoàn cảnh cô ấy rất đáng thương nhưng không phải cô ta vì bán thuốc Tây mà bị bắt đâu”. Dì muốn nói tiếp nhưng như chợt biết mình vừa lỡ lời nên dừng lại, khoát tay: “Thôi, sắp hết xe về Sài Gòn rồi. Cậu về đi. Chúc cậu bình an trong lần đi tới. Tôi tin Bích Vân sẽ không bao giờ gặp cậu, dù cậu có ngồi đây suốt đêm nay, hay đi tìm khắp thị xã cũng thế thôi. Hai cô cậu chẳng ai có lỗi gì. Cũng vì hoàn cảnh thôi. Nếu là cậu, chắc cậu cũng không có chọn lựa nào khác. Gặp nhau để làm chi. Cậu chắc hiểu ý tôi”. Tôi đứng dậy trả tiền ly nước. Dì Năm không nhận. Bà dúi tờ giấy bạc vào tay tôi, ôn tồn: “Cậu giữ để uống nước dọc đường”.

Chuyến xe đò chót về Sài Gòn trong khi trời đã tối. Trên bầu trời đầy mây đen, bỗng xuất hiện lên hai ngôi sao rất xa và rất nhỏ. Vâng, đôi mắt Bích Vân, đôi mắt người con gái đáng thương, đáng yêu đang nhìn xuống tôi. Tôi mỉm cười nhìn sâu vào đôi mắt nàng và thầm hát như chỉ để mỗi nàng nghe: “Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó, để hái dâng người một đóa đẫm tương tư”.

No comments:

Blog Archive