Monday, June 9, 2008

TẤM GƯƠNG TRƯỚC MẮT

Long Quân

Dưới thời Tổng Thống Roldald Regan, ông Mikhail Gorbachev thuở ấy còn đang giữ chức Tổng Bí Thư ĐCS Liên Bang Sô Viết đã mở cuộc viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên với rất nhiều kèn trống. Hàng triệu con mắt trên toàn thế giới đều chăm chú nhìn vào sự đi đứng của con người này. Vì ông ta đang hưa hẹn đem đến một sự đổi thay vô cùng quan trọng không những cho Liên Bang Sô Viết mà còn cho khắp hoàn cầu. Ngoài những cuộc tiếp xúc chính thức hoặc không chính thức với chính quyền Reagan và các tổ hợp tài chánh vĩ đại cuả nước Mỹ, không ai dám ngờ lãnh tụ Gorbachev còn có một cuộc "đi đêm" bí mật với một nhóm người "tị nạn cộng sản" đang có mặt ngay trên đất nước này! Nhóm người ấy là ai mà có cái vinh dự hãn hữu được Gorbachev dành thì giờ quý báu cho phép gặp mặt như thế?

Xin thưa, đó là một phái đoàn đặc biệt gồm các lãnh tụ chính trị và kinh tế đại diện cộng đồng tị nạn Cuba, có trụ sở đặt tại một nơi không được tiết lộ thuộc tiểu bang Florida, mảnh đất gần gũi nhất với xứ sở cuả họ.Khá lạ lùng ở chổ ngay như làng báo Hoa Kỳ cũng không sao khám phá nổi phái đoàn kia vận động bằng cách nào, qua trung gian nào, để có thể thực hiện lời yêu cầu diện kiến Gorbachev. Càng ngạc nhiên hơn nữa, là sau khi mọi sự đã xong, dư luận mới biết nhóm người Cuba kể trên không cầu cạnh gì hơn với Gorbachev, mà chỉ xin Gorbachev vui lòng "Bỏ rơi chế độ cộng sản cuả Fidel Castro". Và để đền bù lại, họ cam kết "sẳn sàng cung ứng tiền bạc trả nợ thay cho chế độ ấy về tất cả các món nợ mà chế độ Fidel Castro chưa có khả năng thanh toán với Liên Bang Sô Viết". Quả là biến cố chính trị có một không hai dưới bầu trời tự do này. Một cuộc hôị ngộ vô tiền khóng hậu. Một yêu sách liều lĩnh. Một cam kết phi thường cuả nhóm người cùng chung lý tưởng với cộng đồng lưu vong Việt Nam hiện nay. Không cần biết lãnh tụ Gorbachev có hứa hẹn giúp đỡ gì hay không, mà chỉ biết câu chuyện kể trên đã thật sự xảy ra, theo như báo chí phanh phui sau đó.

Dù có xem xét vấn đề dưới lăng kính nào đi nữa, người ta cũng phải khâm phục sự thành cộng ngoạn mục cuả người tị nạn Cuba, qua cái giá trị thực tiễn cuả nhóm người đại diện không hề khoe khoang tên tuổi, qua cái khả năng thuyết phục của họ, nó mãnh liệt,nó hấp dẫn như thế nào, đến có thể bắt buộc một nhân vật lừng danh thế giới như Mikhail Gorbachev phải thuận tình tiếp kiến họ, ngay giữa lúc ông ta cần bàn bạc nhiều vấn đề trọng đại với chính quyền chống cộng Ronald Reagan!

Biến cố kể trên cho thấy những gì về thế đứng cuả người tị nạn Cuba? Họ đã dấn thân làm một cuộc vận động phiêu lưu. Dù chẳng thành công đi nữa,họ cũng để lại một tiếng thơm với đời, trên con đường phục vụ chính nghiã dân tộc. Lời cam kết trả nợ thay cho chế độ Fidel Castro nhất thiết không phải là lời hứa suông. Trái lại, nó được bảo đãm và được chứng minh bằng một hệ thống ngân hàng thiết thực, vững mạnh và đầy hiệu quả. Có thế họ mới dám cam kết trước mặt Gorbachev. Và hệ thống ngân hàng ấy là ai? Nó là mồ hôi và nước mắt, là sự tình nguyện đóng góp chung cuả tất cả những người kháng chiến chống cộng Cuba, những thành phần đã tham dự và đã hy sinh tính mạng trong cuộc cách mạng đẫm máu mang tên "Vinh Con Heo" hồi 1961.

Nếu phải đem so sánh cộng đồng Cuba với cộng đồng Việt Nam hiện thời, thì về mặt thời gian, họ chỉ già dặn hơn ta có "15 tuổi gia vong thất thổ" mà thôi. Họ có mặt trên đất nước này từ năm 1960, ngay sau khi Fidel Castro cướp chính quyền rồi thành lập chế độ Mácxít. Nhưng về mặt nhân số, thì người tị nạn Cuba trong thời gian ấy chỉ bằng một phần ba con số người Việt định cư trên khắp nước Mỹ. Dù chỉ hơn nhau có 15 năm "nếm mật nằm gai" mà người Cuba đã xây dựng được một thế đứng vững mạnh khác thường, một lãnh đạo hợp nhất đầy uy tín, và một đường hướng đấu tranh rỏ rệt. Nhờ vậy, họ đã khiến các giới chính quyền Mỹ, cả Dân Chủ lẫn Cộng Hoà, đều phải đem lòng kính nể, không dám thay đổi chính sách luôn cứng rắn với chế độ fidel Castro.Có một hệ thống tài chính vững vàng để làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh dài lâu chưa đủ. Người Cuba còn làm chủ cả một tổ chức hàng không dân sự riêng biệt, đặt trụ sở tai Florida. Tổ chức hàng không này được ủy nhiệm thi hành công tác thăm dò nội tình chế độ thù nghịch ở trong nước và trên hết chăm lo việc theo dõi thường xuyên những người Cuba vượt biển đi tìm tự do, tự mình ra tay cứu vớt, đem vào bờ, vận động xin cho hưởng quy chế tị nạn một cách nhanh chóng, mà không chờ đợi ai khác bảo trợ cả. Hơn một lần, Fidel Castro chỉ vì hống hách bắn hạ hai chiếc phi cơ đang làm nhiệm vụ nhân đạo kể trên mà bị Hoa Kỳ thẳng tay trừng phạt bằng một đạo luật phong toả khắc nghiệt, làm chấn động dư luận thế giới như ai nấy cũng đều biết rõ.

Nay trông lại tình trạng rời rạc, chia rẽ, bất lực, vô kỷ cương,vô tình vô nghiã với nước non củ cộng đồng tị nạn Việt Nam, ắt không khỏi có người băn khoăn đặt câu hỏi: "Ta nên làm gì đây?" Chúng tôi thiết nghĩ câu trả lời đã lồ lộ nhãn tiền, hà tất còn phải đi tìm kiếm đâu xa nữa. Thật vậy, chúng ta hãy mau mau dẹp đi lòng tự ái, nếu quả có tự ái, và hãy thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta đang có một "Tấm gương trước mắt", một tấm gương sáng chói để noi theo. Ấy là tấm gương Cuba đó vậy! Bài học đấu tranh cho quê hương của người Cuba đã quá rỏ đường nét, khiến ta không thể sửa đổi được gì hơn. Chỉ cần một chút thành tâm, một phút giây tỉnh ngộ, một ý chí vươn lên cho kịp người, một tấc lòng nhân nhượng lẫn nhau trong cảnh tha hương lữ thứ, và một nổi thiết tha với tiền đồ Tổ Quốc, chúng ta hãy còn thời giờ làm một cuộc cách mạng canh tân bản thể, xoá tan đi cái hình ảnh rạn nứt xấu xa, thay vào đó bằng một mái tranh khiêm tốn nhưng không dột nát. Dưới mái tranh ấy, ta bó gối ngồi với nhau trên mắt đất lạnh, cùng nhau hài hoà kính trên nhường dưới, soát xét lại một cách cặn kẻ hai chữ "Tị Nạn", rồi xây đắp lại nền tảng cho con đường chính nghiã đang lở lói, đang bị che lấp bởi bao nhiêu rơm rác và bụi bặm.

Tiền nhân ta há chẳng từng dạy bảo: " Đường đi tuy khó, nhưng không khó vì núi sông cách trở, mà khó vì lòng người ngại núi e sông" đó sao?  Chúng ta hãy thắp đuốc lên mà tìm kiếm nhau với tiếng kêu gào "Đoàn Kết" vang vọng khắp bốn phương trời, bất cứ nơi nào có bóng dáng người Việt tị nạn. Tìm kiếm nhau về để tính chuyện nước non, chứ không phải để hạch hỏi nhau xem ai trên ai dưới. Bởi vì tất cả chúng ta đều mang chung mối nhục đánh mất quê hương vào tay giặc, thì dù ai đó ẩn tích mai danh nhưng có khả năng, có uy tín thu phục nhân tâm trong đại nghiã phục thù, thì ta ngần ngại gì mà chẳng tôn vinh người ấy lên làm minh chủ? Anh hùng áo vải xưa nay không phải hiếm. Vậy ta hãy cố gắng lên, thế nào cũng sẽ có một "Lê Lợi" chém gươm trên đá,dẹp tan giặc thù!

No comments:

Blog Archive