Sunday, June 29, 2008

Holly: bộ phim cảnh giác về nạn buôn bán trẻ gái VN vào đường mãi dâm

Tác giả: Thanh Trúc, RFA

Poster Phim Holly.
Courtesy of Priority Films

Phim Holly, hoàn cảnh tuyệt vọng của một em gái Việt 12 tuổi, bị mẹ bán cho một chủ chứa ở Campuchia, làm khán giả bàng hoàng chấn động như nhận định của báo Newsday, và là câu chuyện khó quên mà tờ New York Sun khẳng định.

Đề tài hôm nay, bộ phim Holly, hoàn cảnh tuyệt vọng của một em gái Việt 12 tuổi, bị mẹ bán cho một chủ chứa ở Kampuchia. Trình chiếu lần đầu tiên tại New York trước khi qua vùng Washington và những nơi khác, Holly được đánh giá tuyệt vời theo cách nói của phóng viên Hollywood, làm khán giả bàng hoàng chấn động như nhận định của báo Newsday, và là câu chuyện khó quên mà tờ New York Sun khẳng định.

Một thực tại kinh hoàng
Chạm vào Holly là chạm vào một vết thương đang rỉ máu, chạm vào một thực tại kinh hoàng mà người xem thấy nghẹn ngào, đau xót, bất lực. Chị Thu Trang, nha hoạt động xã hội trong lãnh vực trẻ đường phố ở Việt Nam, đang thực hiện một tài liệu nghiên cứu về tệ nạn buôn người phụ nữ và trẻ em vào đường mãi dâm, kể lại cuốn phim Holly chị vừa xem qua.

Nguyễn Thị Nhung Thuỷ đến với phim Holly sau khi đóng vai phụ trong bộ phim Vượt Sóng của Hàm Trần, đạo diễn Mỹ gốc Việt . Nhập vai Holly lúc mười bốn tuổi, đến giờ Thuỷ mười bảy, học lớp Mười Hai tại trường trung học ở Quận Cam tiểu bang California. Cảm nhận của Thuỷ trước và sau khi đến với phim Holly như thế này:

"Trước khi qua Kampuchia thì em cũng có tập khoảng một tháng, học thuộc các lời thoại . Phim Holly đúng ra là chuyện thật ở ngoài đời, rất là tội nghiệp chị à. Qua Kampuchia đóng phim em cũng có dịp gặp một vài người con gái mà bây giờ họ sống trong những nhà trú ẩn tức những nơi giúp đỡ họ.

Em lại đẳng nói chuyện với chị này,chị là người Việt nhưng mà ở bên Kampuchia, từ từ chị kể cho em nghe chị đã bị cha ghẻ hiếp rồi tới cậu tức là những người trong gia đình hãm hiếp . Sau đó chị bị bán vô một nhà chứa, sau này chị được cứu ra rồi bây giờ sống tại cái nhà đang giúp những người giống chị vậy đó."

Được hỏi nhập được vai Holly chắc cũng khó khăn lắm, Thuỷ chia sẻ: "Khó lắm, cảnh nào em cũng khóc, em cảm thấy con người em nó thay đổi tại vì em đã có cơ hội đóng phim này rồi gặp rất là nhiều người, hiểu được cảnh khổ mà người Việt của mình đang sống bên Kampuchia. Nói chung người Việt mình ở Kampuchia rất là nghèo, cuộc sống họ rất là khổ nhưng mà cha mẹ tự đem con đi bán thì cái đó quá đáng. Họ nghèo quá họ phải làm vậy thôi."

Thuỷ kể cô đã khóc, khóc và khóc không dứt khi diễn tả cảnh Holly đứng nhìn Patrick bị cảnh sát dẫn đi: "Buồn lắm chị, tại vì chỉ có một mình Patrick là người có thể cứu được Holly thôi nhưng mà bây giờ người đó cũng đi luôn rồi cho nên vừa rất là thất vọng vừa rất là đau buồn."

Cơ duyên
Cơ duyên nào khiến câu chuyện đầy nước mắt của Holly, cũng là hoàn cảnh tủi nhục của biết bao em gái Việt trong những động mãi dâm thiếu nhi hoặc gái vị thành niên bên Kampuchia, được đưa ra ánh sáng ? Ông Guy Jacobsen, đạo diễn phim Holly, thổ lộ:

"Cách đây hơn năm năm tôi đi du lịch ở Châu Á. Ngày nọ, khi tản bộ giữa trưa trên một đường phố ở cây số Mười Một trong thủ đô Kampuchia, tôi thấy mình bị vây quanh bởi chừng mươi mười lăm em gái cở năm sáu hay bảy tuổi gì đó thôi. Chúng hăm hở mời chào tôi đi với chúng như những cô gái giang hồ chính hiệu.

Đã ý thức từ trước rằng tệ nạn mãi dâm thiếu nhi đang là căn bệnh lây lan trên toàn cầu, trẻ con tại nhiều nước trên thế giới đang bị khai thác và lạm dụng tình dục, ngay lúc đó tôi quyết định rằng điều hay nhất tôi có thể làm được là dựng một cuốn phim nói về vấn nạn buôn người, với hy vọng rọi tia sáng vào cái thế giới tăm tối đó cho tất cả mọi người nhìn thấy."

Bằng cách nào đạo diễn Guy Jacobsen biết những em gái đáng thương đó là người Việt? Ông kể: "Sau đó tôi tìm hiểu và biết ra rằng từng em gái tôi gặp ở nơi chốn đặc biệt ấy đều là người Việt. Cả vùng đó còn được gọi là Svey Pak, những kẻ sống ở đó là người Việt Nam.

Và khi đối diện với tình huống đó tôi lại hiểu thêm rằng từ lâu mình đã không hay biết bao nhiêu chục ngàn cô gái nhỏ đang sống tủi cực đau đớn thế nào, tôi không chắc các em nhỏ tới cở nào nhưng tôi nhận thức vấn đề buôn thiếu nhi vào đường mãi dâm ở Kampuchia và trên thế giới nó khủng khiếp ra làm sao. Tôi nghĩ do có rất nhiều người không biết nên tôi phải dựng phim rồi tận dụng sức mạnh của truyền thông để gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh trước vấn nạn này.

Lúc soạn thảo cốt truyện, tôi không muốn tạo ra một kiểu người hùng phương tây đến góc trời này để giết chết hàng loạt những kẻ bất lương rồi giải phóng cho một em nhỏ bị hành hạ, một kết cục thật là có hậu. Tôi muốn dựng phim theo cái nhìn của một nạn nhân Việt Nam.

Thế là tôi giả dạng thành một khách làng chơi, tìm vào một động mãi dâm ở Kampuchia, tìm cách lân mẫn làm quen với không khí và những cô gái trẻ Việt Nam ở những nơi ấy trong vài tuần lễ, với sự hướng dẫn của một thanh niên chuyên dắt mối cho khách mua hoa. Tôi gắng quan sát, tìm hiểu, ghi nhận hình ảnh, cơ bản là những điều thật việc thật.

Thế rồi tôi tạo ra nhân vật Patrick do tài tử Mỹ Ron Livingston thủ diễn, một du khách bình thường, có phần xoàng xỉnh là đằng khác. Khi Patrick đến cây số Mười Một, tình cờ gặp Holly là em gái Việt Nam 12 tuổi phải bán mình trong một nhà chứa trá hình, cuộc đời Patrick thay đổi, anh băn khoăn triền miên trong ước vọng giải thoát cho Holly và những nạn nhân bất hạnh như Holly.

Phim Holly ra đời là bước đầu của sự minh chứng rằng chuyện bán trẻ em vào đường mãi dâm là có thực, hy vọng khi biết được thì cũng là lúc tìm biện pháp ngăn chận. Nếu không làm gì thì vấn đề còn tồn tại mãi.

Bộ phim Holly còn nhắc chúng ta rằng ngày nào còn những kẻ bỏ tiền để mua trinh bán trinh và chung đụng với trẻ vị thành niên thì ngày ấy còn không biết bao nhiêu em gái nhỏ bị mua bán một cách bất nhẫn như Holly vậy, đó là luật cung cầu mà.

Về biện pháp nào ấy, chúng tôi đã tung lên Internet một chiến dịch cổ vũ nhân quyền thiếu nhi có tên là RedLightChildren.org, tập trung vào việc cảnh giác và phòng chốngnạn buôn thiếu nhi, kêu gọi áp dụng và thực hành luật bảo vệ thiếu nhi, làm sao tận dụng phương tiện và nguồn thông tin để lôi kéo sự quan tâm của mọi người.

Khi tôi dàn dựng cảnh Patrick vì bức xúc trước những tên dắt mối rồi ẩu đả với chúng đến nỗi bị cảnh sát bắt, cô bé Holly thì đứng khóc khinhìn anh bị dẫn đi xa dần, thì ý tôi muốn cho mọi người thấy Holly trơ trọi như thế nào, và người tốt như Patrick cũng không thể hành động một mình mà cần sự tiếp tay của pháp luật và những người khác. Tôi muốn nói rằng chấm dứt nạn buôn bán em gái nhỏ vào đường mãi dâm là trách nhiệm của từng người trong chúng ta."

Nỗi gian truân của đoàn làm phim
Vừa rồi là đạo diển Guy Jacobsen trình bày về nhân vật, nội dung và mục đích cuốn phim Holly. Priorityfilms là cơ sở sản xuất phim Holly. Mời quí vị nghe bà Adi Ezroni, giám đốc nhà sản xuất Priorityfilms nói về nỗi gian truân của đoàn làm phim trên đất Chùa Tháp:

"Thật muôn phần vất vã cho nhóm quay phim quốc tế như chúng tôi muốn khai thác một vấn đề hiện hữu ở đất Chùa Tháp.Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, bởi điều chúng tôi làm nhiều phần đụng chạm đến các tổ chức mãi dâm và buôn người bên đó. Gần như có thể nói không có gì bảo đảm cho tính mạng của đoàn làm phim.

Có những kẻ không mấy thiện cảm khi biết mục đích của chúng tôi. Chúng tôi nhận nhiều cú điện thoại với lời lẽ hằn học đe dọa, di chuyển thì dụng cụ quay phim bị giữ lại để kiềm tra, rồi thì tiền hối lộ tiền lót tay nếu muốn được việc cho nhanh chóng.

Sau khi hoàn tất phần quay và chuẩn bị rời Kampuchia, bản thân tôi bị giữ lại Kampuchia trong hai tuần lễ như một con tin. Nói chung là đủ chuyện rắc rối xảy ra với mục đích sau cùng là nạo tiền của chúng tôi đấy.

Như Guy Jacobsen đã trình bày, qua phim Holly và qua mạng RedLightChildren.org chúng tôi mong những kẻ có lòng quan tâm đến nạn khai thác tình dục nơi thiếu nhi, giảm thiểu và chấm dứt những hoạt động buôn bán trẻ con vào đường mãi dâm, hãy qua mạng RedLoghtChildre để gởi thư ngỏ bằng ngôn ngữ quí vị đang sử dụng đến cho dân biểu nghị sĩ, cho những tổ chức bảo vệ trẻ, yêu cầu họ góp tiếng và hành động mạnh để chấm dứt điều gọi là nạn nô lệ mới trong thời hiện đại "

Đối với chị Thu Trang, hoạt động trong lãnh vực trẻ đường phố và hiện đang soạn thảo những tài liệu về nạn buôn người trên thế giới, cái nhìn của chị. Một khán giả ở New York, ông John Kelly, nhà nghiên cứu chính trị xã hội ở New York, bày tỏ rằng phim Holly quá buồn thảm và điều khiến ông trăn trở là những hình ảnh trong phim chính là đời thực của nhiều em gái non nớt ngoài đời.

"Để chấm dứt những tình huống bi thảm ấy thì tôi nghĩ ngoài luật pháp, ngoài chính phủ, ngoài sự quan tâm của từng ca nhân thì có lẽ cần hướng tới một sự thay đổi tư duy, có nghĩa là thay đổi cái gọi là văn hoá mà không còn hợp thời nữa, cái văn hoá nam trọng nữ khinh, cái quan niệm đàn bà con gái là thứ yếu và đàn ông có thể làm tất cả những gì họ muốn miễn là có tiền.

Điều này hoàn toàn sai lầm, nếu không trừng trị những kẻ thừa hành pháp luật mà lại lợi dụng quyền hành để buôn trẻ lấy tiền, hoặc kẻ bất lương bệnh hoạn bỏ tiền ra mua trẻ để thỏa mãn thú tính thì mãi mãi không bao giờ có thể giải quyết nạn buôn thiếu nhi vào đường mãi dâm được. Phải trả những đưa bé như Holly về với thế giới tuổi thơ của chúng, đó là bổn phận và trách nhiệm của từng chính phủ, từng đất nước, từng con người."

Bộ phim Holly sẽ được trình chiếu tại Washington DC ngày 28 tới đây. Sau buổi chiếu là phần hỏi đáp với đạo diễn, nhà sản xuất và các vai chính trong phim.

Đạo diễn Jacobsen cho Thanh Trúc bíêt ông còn ấp ủ và sẽ thức hiện thêm hai bộ phim khác về nạn buôn người hầu đẩy mạnh cho chiến dịch RedLightChildren chống buốn bán thiếu nhi mà ông và Priorityfilms phát động.

Thanh Trúc kính chào tạm biệt. Xin hẹn tái ngộ quí thính giả tối thứ Năm tuần tới.

No comments:

Blog Archive