Sunday, May 25, 2008

Bài tham luận Đại hội Chuyên gia Úc châu 2008

Phan Văn Hưng

May 19, 2008

Vấn đề “kiểm soát” các hội đoàn cộng đồng, hay tầm quan trọng của sự minh bạch

Kính thưa qúy vị và quý bạn,

Tôi xin cảm tạ Hội Chuyên Gia đã cho tôi cơ may này để chia xẻ cùng quý vị và quý bạn một vài ý nghĩ của tôi về chủ đề đại hội năm nay, là tìm những phương hướng phát triển cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Đề tài này rất rộng, gồm có nhiều lãnh vực và có thể được nhìn từ nhiều góc cạnh khác nhau, và chắc chắn các diễn giả khác trong đại hội này sẽ đưa ra nhiều quan điểm cá biệt.

Riêng tôi thì mong chúng ta ngồi đây hôm nay hãy cùng nhau suy nghĩ và bàn thảo về một vấn đề mà tôi coi là có tầm hệ trọng đặc biệt. Đó là vấn đề mà vì không có danh từ nào ngắn gọn hơn, tôi xin tạm gọi là khuynh hướng của một số tổ chức hay đảng phái chính trị muốn “kiểm soát” các hội đoàn sinh hoạt trong cộng đồng người Việt Nam chúng ta tại hải ngoại.

Tôi cũng biết rằng ngồi trong cử toạ hôm nay có những thành viên hay đảng viên của một số tổ chức chính trị, cho nên tôi xin nói ngay là tôi sẽ đề cập vấn đề này trong một tinh thần tôn trọng đối với các tổ chức chính trị, bởi vì các tổ chức này có những mục tiêu hoạt động hoàn toàn chính đáng và hữu ích trong lãnh vực của họ, nhưng khi những mục tiêu đó chồng tréo với những nhu cầu sinh hoạt của các hội đoàn cộng đồng và sự quan hệ không được nhận định một cách trong sáng và rõ ràng, thì tôi e rằng cả hội đoàn, cộng đồng lẫn tổ chức chính trị sẽ đều bị thiệt hại.

Tôi cũng biết thừa rằng đây là một đề tài có tính chất “nhậy cảm”, và một số người sẽ cho rằng tôi không nên nói ra, nhưng tôi cảm thấy đã đến lúc phải nói ra một cách công khai – dĩ nhiên là trong tinh thần tương kính – vì đây là một vấn đề đã gậm nhấm nhiều đoàn thể người Việt trong thời gian qua, và sẽ còn tiếp tục làm ung thối một số mối quan hệ, trong khi trái lại, những mối quan hệ này có thể xảy ra một cách tốt đẹp hơn.

Trong phần trình bày này, tôi sẽ dùng danh từ “hội đoàn” (HĐ) hay “hội đoàn cộng đồng” (HĐCĐ) để chỉ những đoàn thể, tổ chức, những nhóm sinh hoạt trong cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại nói chung và tại Úc nói riêng. Thường những HĐ này nhằm phục vụ một thành phần cá biệt nào đó của cộng đồng, hay một nhu cầu chuyên ngành nào đó, ví dụ như phụ nữ, thanh niên sinh viên, người cao niên, cựu quân nhân, thương gia, nông gia, nhân quyền, v.v. hoặc cũng có khi bao trùm nhiều thành phần khác nhau, mà điển hình là các Cộng đồng Người Việt Tự do Liên bang cũng như tại các tiểu bang tại Úc. Nói chung, tổng thể của những HĐ này cũng có thể được gọi là một xã hội dân sự - là xã hội dân sự của người Việt tại quốc gia định cư.

Qua danh từ “tổ chức chính trị” (TCCT), tôi muốn nói đến những tổ chức, đảng phái có chủ trương chủ yếu là cổ võ và tranh đấu cho một đường lối chính trị nào đó cho Việt Nam hay cho quốc gia định cư.

Để chúng ta nhìn thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề này, tôi xin đưa ra ngay một ví dụ; tuy chỉ là một ví dụ chung chung nhưng quý vị chắc chắn đã thấy nó xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới chứ không phải chỉ ở một nơi. Một HĐ nọ đang sinh hoạt bình thường thì bỗng nhiên người ta biết được người chủ tịch, hoặc một số thành viên chấp hành của hội, là những thành viên của một TCCT nào đó. Khi nhìn vào những việc làm của HĐ này, người ta nhận thấy phần lớn những việc làm trong quá khứ của hội đã tỏ ra thiên vị, có lợi cho TCCT nói trên. Lập tức, một bầu không khí nghi kỵ bao trùm HĐ này, và những phe nhóm được thành hình, không những giữa những người thân hoặc chống TCCT kia mà ngay cả giữa những người coi vấn đề độc lập của HĐ là quan trọng hay không quan trọng. Những thành viên của TCCT nằm trong hội bị coi là “tay trong” của tổ chức đó, được đưa vào hội nhằm kiểm soát, lèo lái, theo dõi, lợi dụng hay áp đảo hội đoàn đó. Chẳng bao lâu khi sự nghi kỵ lan tràn, HĐ này rơi vào tình trạng phân hoá, xong chia rẽ, và giữa các phe nhóm thì không còn sự hợp tác như trước nữa. Hoặc HĐ này bị lên án, cô lập bởi cộng đồng chung quanh, hay bị chỉ trích là một “bộ phận ngoại vi” của TCCT kia – nghĩa là không bị tê liệt bên trong thì nhiều phần cũng bị tê liệt bên ngoài.

-o0o-

Ở đây chúng ta cần đào sâu từ “chia rẽ”. Từ này có nhiều cách định nghĩa, nhưng tôi đề nghị chúng ta nhìn vấn đề như thế này. Sống trong xã hội dân chủ ở quốc gia định cư, việc bất đồng quan điểm là một chuyện không những hoàn toàn bình thường mà lại còn được người ta khuyến khích nữa. Nếu chỉ có bất đồng quan điểm, bất đồng chủ trương hay đường lối, hay ngay cả bất đồng với nhau về một cá nhân nào đó, thì đó vẫn không thể gọi là chia rẽ. Phải gọi đó là sự đa dạng thể hiện một sinh hoạt cởi mở và dân chủ, nhất là khi xã hội dân chủ nơi chúng ta sống cho chúng ta những phương tiện để bày tỏ công khai sự đa dạng của chúng ta. Chỉ khi nào sự bất đồng đã đóng băng thành những phe nhóm chống đối nhau với bất cứ giá nào, khi sự bất đồng vượt quá mọi khuôn khổ quan điểm để chỉ còn dựa trên sự ưa ghét lẫn nhau, và được phát biểu bằng những lời lẽ ưa ghét nhau, thì tình trạng chia rẽ mới xảy ra.

Nếu muốn giản dị hóa tối đa vấn đề, ta có thể nói rằng chia rẽ xảy ra khi tình cảm lấn át lý trí. Và trong ví dụ vừa kể ở trên, tình cảm đóng một vai trò chủ chốt bởi vì theo lẽ thường, một hành động bị quần chúng cảm nhận là lừa dối, giấu giếm hay bội phản, là một hành động đáng ghét. Và ngược lại đối với TCCT nói trên, khi hành động của mình bị ghét bỏ thì lại cho ngay rằng người ta ghét mình. Thành thử căn nguyên của vấn đề nằm ở việc làm lừa dối tiên khởi, khiến cho sự bất đồng vượt ra ngoài phạm vi quan điểm để rơi vào tâm trạng chia rẽ.

-o0o-

Thật ra, sự kiện các TCCT tìm cách chi phối các đoàn thể quần chúng không phải là mới mẻ. Nếu nhìn lại nền chính trị của Việt Nam trong lịch sử cận đại, chúng ta sẽ thấy cách sinh hoạt này đã ăn sâu vào tâm thức sinh hoạt chính trị tại Việt Nam, và có lẽ cũng đã ăn sâu vào con người Việt Nam, khiến cho chúng ta, ngay cả khi sống tại một nước dân chủ, vẫn chưa thực sự sinh hoạt dân chủ. Tôi xin tạm gọi cách sinh hoạt này là “chính trị kiểu xưa”.

Trước năm 1975 tại miền Bắc Việt Nam, cả miền Bắc nằm hoàn toàn dưới sự thống trị của Đảng Cộng sản. Tất cả các tổ chức gọi là đoàn thể, tổ chức quần chúng đều do đảng này dựng lên. Hoàn toàn không có bất cứ một loại đoàn thể nào khác – giản dị là như thế.

Tại miền Nam trước 1975, các sinh hoạt dân sự sinh động hơn nhiều, nhưng vẫn có nhiều nỗ lực từ các đảng phái chính trị và đặc biệt là đảng cầm quyền để đưa người mình vào nắm các vai trò then chốt trong một số HĐ, hoặc cũng có khi tự mình dựng lên những tổ chức HĐ này. Tuy nhiên nỗ lực của họ không đạt được quy mô vì ý thức của người dân khá cao, đặc biệt là của giới truyền thông, văn nghệ sĩ, giới trẻ, các tổ chức văn hoá, xã hội, v.v.

Sau năm 1975 tại Việt Nam và nhất là trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến một hiện tượng mà có người đặt cho một cái tên khá chính xác, là “xã hội dân sự quốc doanh”. Như quý vị cũng biết, xã hội dân sự của một nước là tổng thể các tổ chức, đoàn thể, các nhóm phi chính phủ hoạt động nhằm mục đích phục vụ người dân, nhưng không phải là nhà nước và cũng không phải là các doanh nghiệp. Xã hội dân sự bình thường gồm có các hội từ thiện, nghiệp đoàn, tổ chức tôn giáo, văn hoá nghệ thuật, tranh đấu xã hội và chính trị, v.v. nhằm bênh vực hay phục vụ cho quyền lợi rộng lớn của một thành phần xã hội nào đó. Nhưng ở Việt Nam, tất cả những tổ chức này đều nằm dưới sự kiểm soát của Đảng CSVN, với tầng lớp lãnh đạo gồm toàn đảng viên CS có cấp, và với mục đích là vận dụng quần chúng để hỗ trợ cho quyền lực của Đảng CS. Nói tóm là một xã hội dân sự giả tạo, quốc doanh. Bình thường ở một quốc gia dân chủ, xã hội dân sự là một yếu tố tiến bộ, nhưng ở Việt Nam, nó trở thành một yếu tố củng cố quyền lực cho chế độ dưới những chiêu bài phục vụ người dân.

Bây giờ nhìn qua người Việt tại hải ngoại, tuy sinh sống tại các nước dân chủ nhưng hình như chúng ta vẫn chưa hoàn toàn rũ bỏ được cái tinh thần làm “chính trị kiểu xưa”. Các TCCT, có lẽ vì không đủ sức thuyết phục được số đông người Việt hải ngoại theo quan điểm của mình, hoặc cũng có thể vì không muốn bỏ ra quá nhiều công sức để thực hiện cuộc thuyết phục rất cần thiết đó, cho nên một số TCCT đã chọn con đường tắt, hoặc nói đúng hơn là con dường mòn, bằng cách kiểm soát một số HĐ, đặt người của mình vào trong đó để hướng dẫn đường lối của HĐ mà không cần phải mất công thuyết phục. Hoặc có khi TCCT cũng dựng ra những HĐ lệ thuộc vào mình.

Đây là cách sinh hoạt theo kiểu xưa, và dĩ nhiên đã sinh hoạt như thế thì kết quả nếu đạt được cũng không ngoài một kết quả “quốc doanh” mà thôi. Khi một TCCT cố dựng lên một mạng lưới gồm nhiều những HĐ do mình nắm giữ hoặc ảnh hưởng để đẩy mạnh đường lối riêng của mình, và nếu các sinh hoạt dân sự bị thu về một mối như thế thì chúng ta có một hiện tượng mang tính chất “quốc doanh” ngay tại hải ngoại này.

-o0o-

Bây giờ hãy thử lược qua một số điểm lợi và điểm hại của cách sinh hoạt này đối với hải ngoại.

Trong số những điều lợi, xin ghi ra một vài điểm như sau.

§ Trong quá khứ và nhất là trong những buổi đầu của cuộc tranh đấu nhằm lật đổ bạo quyền Cộng sản của người Việt hải ngoại, người ta không thể chối cãi được tầm quan trọng của các TCCT trong cuộc đấu tranh này. Thời đó, tựu trung tất cả các TCCT thường có cùng một chủ trương tranh đấu, nếu có khác nhau thì chỉ trong những phương trình được đem ra áp dụng và các nhân sự lãnh đạo mà thôi. Ngay cả các HĐCĐ, tuy phục vụ quyền lợi chuyên ngành của hội viên mình, vẫn tự đặt mình vào trong cuộc tranh đấu chung. Do sự hoà nhập giữa các sinh hoạt cộng đồng và các sinh hoạt đấu tranh, ít ai đặt vấn đề nhân sự nào là của TCCT và nhân sự nào là của HĐ. Hai loại nhân sự gắn bó rất chặt chẽ với nhau.

§ Cái lợi cho HĐ là HĐ được nhận sự trợ lực của TCCT, cả về nhân lực lẫn các phương tiện khác, và đồng thời HĐ cũng được dịp vươn lên theo đà cuộc tranh đấu chung. Song song đối với TCCT thì TCCT được “muợn danh” HĐ để đẩy mạnh các mũi dùi phát triển của mình, được xử dụng môi trường sinh hoạt của HĐ làm đất dụng võ và kết nạp thêm nhiều thành viên, và quan trọng hơn cả, hướng dẫn các sinh hoạt đấu tranh theo ý mình.

§ Nếu ta hỏi các thành viên các TCCT thì có lẽ đa số sẽ trả lời rằng TCCT của họ đã góp phần mang lại sức sống cho HĐ và đã giữ vững “tiền đồ” cộng đồng đối đầu lại với CSVN. Tuy không hoàn toàn sai, nhưng tôi cho đó là một nhận định có nhiều phần chủ quan.

Sau cái buổi đầu “nhất thống” đó thì những nhược điểm của tình trạng kể trên bắt đầu hiện ra một cách rõ ràng. Lý do theo tôi cũng khá dễ hiểu: tình trạng đó tựu trung là sự phản chiếu của cái hệ thống quốc doanh nhất thống tại Việt Nam mà người Việt tỵ nạn chúng ta vì chán ghét nó nên mới bỏ xứ ra đi, vậy mà chúng ta lại vô tình đem nó theo qua tới bên đây; do đó làm sao mà có thể chấp nhận một cách lâu dài được? Những điểm lợi mà tôi vừa kể ở trên thật ra là những điểm lợi giả tạo chỉ có thể nở rộ trong một hệ thống quốc doanh khép kín, chứ khi đem cấy vào một xã hội mở cửa như ở phương Tây thì nó không thể sống còn, vì nó mang quá nhiều nhược điểm căn bản khiến cho bất cứ một HĐ nào mà cho phép nó tồn tại thì sẽ khó thoát khỏi sự tan vỡ, nhất là ở một thời điểm khi mà không còn một đường lối tranh đấu duy nhất nữa mà có thể có tới mấy đường lối khác nhau.

Và đây là những nhược điểm hiển nhiên nhất:

§ Như tôi có trình bày ở trên, khi một vài cá nhân nắm giữ HĐ bị cảm nhận là “tay trong” của một TCCT và hành xử thiên vị cho TCCT đó, không khí nghi kỵ lẫn nhau sẽ lập tức xuất hiện, không thể tránh được. Một khi sự nghi kỵ trùm xuống, ngay cả những người có tinh thần trong sáng, độc lập cũng bị kéo lây vào trong “vòng chiến”. Đây là liều thuốc độc cho bất cứ HĐ nào, bởi vì sự tin tưởng lẫn nhau là căn bản sinh hoạt của mọi HĐCĐ, và mất lòng tin ở nhau thì không còn căn bản nào để làm việc gì với nhau nữa.

§ Một HĐ bị một TCCT chi phối có nguy cơ đánh mất chức năng của mình là phục vụ các quyền lợi chuyên ngành của hội viên mình, chẳng hạn như một HĐ sinh viên mà không phục vụ cho sinh viên, chỉ độc nhất phục vụ cho những chương trình riêng của một TCCT duy nhất, thì sẽ bị đánh giá là một HĐ giả danh.

§ Nếu vì quyền lợi của TCCT mà các thành viên của tổ chức này bao che cho nhau một cách quá lộ liễu, nhất là khi có vấn đề bao che sai trái, thì hậu quả tự nhiên sẽ là sự thành lập những phe nhóm chống đối, bởi vì khi có một số người cư xử theo nhóm thì đương nhiên những người còn lại cũng sẽ tụ lại thành nhóm. Từ đó sẽ phân hoá rồi chia rẽ.

§ Tình trạng phân hoá sẽ khiến cho những người có lòng nhiệt tình phục vụ thật sự, đặc biệt là giới trẻ, sẽ xa lánh HĐ. Về lâu về dài, HĐ bị kiệt quệ vì không có sinh khí mới nữa. Và khi HĐ càng ít người tham gia thì TCCT cũng càng dễ bề đưa thêm người mình vào, càng chiếm lấy thế thượng phong trong HĐ.

§ Điều chúng ta cần thấy rõ là, không phải chỉ có HĐ mới bị thiệt hại mà ngay cả TCCT cũng bị thiệt hại không kém. Trước tiên là thành viên do mình đặt vào trong HĐ sẽ bị các hội viên khác cô lập, vô hiệu hoá và có khi mất cả uy tín lẫn tầm ảnh hưởng của mình. Thứ nhì, ngay chính TCCT cũng sẽ mất uy tín vì bị cảm nhận là đã hành xử “lừa dối”. Và thứ ba, HĐ mà họ mong “chiếm hữu” được thật ra sau một thời gian, sẽ chỉ còn lại là một cái xác bị trút mất thực lực, không còn giúp được gì cụ thể cho công cuộc mà TCCT muốn thực hiện nữa. Như vậy, đứng trên bình diện cuộc tranh đấu chung, chúng ta không những đã mất đi một HĐ khi HĐ đó trở thành vô hiệu; chúng ta không những bị tiêu hao lực lượng chung, mà chúng ta còn bị mất đi tiềm năng đóng góp của TCCT khi uy tín của tổ chức này xuống dốc.

Nói tóm lại khi sự việc xảy ra, tất cả mọi người đều bị thiệt cả. HĐ bị thiệt là lẽ dĩ nhiên, ai cũng thấy được. Cộng đồng và cuộc tranh đấu nói chung bị thiệt; điều này cũng tương đối dễ thấy. Nhưng TCCT cũng bị thiệt hại rất nặng, thế mà điều này thì dường như các tổ chức đó lại không ý thức được.

-o0o-

Vậy thì chúng ta có giải pháp nào không cho vấn nạn này? Trong cương vị nhỏ bé của chúng ta là những cá nhân sinh hoạt trong cộng đồng, tôi thiển nghĩ chúng ta cần đặt cho mình một số tiêu chuẩn hành xử:

§ Trước hết, chúng ta cần ý thức rằng lối làm “chính trị kiểu xưa” đã hết thời ở xã hội dân chủ nơi chúng ta đang sống. Ở Việt Nam thì khác: nơi đó Cộng sản tiếp tục thống trị với lối cai trị độc đoán u tối của chúng. Nhưng ở đây, chúng ta cần phải cởi bỏ đầu óc nhất thống quốc doanh để cư xử cho minh bạch và thực hiện được một xã hội dân sự đúng nghĩa chứ không giả nghĩa.

§ Thứ nhì, chúng ta hãy khuyến khích những người có tinh thần bình đẳng và độc lập ra cáng đáng công việc của các HĐCĐ. Điều này không những cần thiết để phát huy khả năng kết hợp của HĐ mà còn cần thiết vì không có tinh thần này thì giới trẻ sẽ không bao giờ nhập cuộc trong các sinh hoạt HĐ, hoặc nếu có nhập cuộc thì cũng chỉ được một thời gian xong rồi sẽ chán ngán bỏ đi. Tôi chắc chắn trong kỳ đại hội này sẽ có những diễn giả khác nhấn mạnh đến nhu cầu phải có người trẻ, và theo tôi, tinh thần làm việc không thiên vị là điều kiện không thể thiếu được nếu chúng ta muốn thế hệ thứ hai đứng ra gánh vác các HĐCĐ.

Đối với các TCCT thì tôi chỉ xin có lời kêu gọi:

§ Trước hết, quý vị nên từ bỏ các phương thức tiêu cực mà tôi vừa mô tả. Những đồng hương nghiêm khắc sẽ kết tội quý vị là đã gây chia rẽ trong cộng đồng. Riêng tôi thì không tin rằng các TCCT cố tình muốn gây chia rẽ, nhưng tình trạng phân hoá do sự thể này gây ra thì ai cũng có thể thấy được. Tôi kêu gọi các TCCT hãy đừng đem người vào các HĐ để nắm giữ HĐ nữa. Cách hành xử này như chúng ta đã thấy, mang lại nhiều điều nguy hại cho cộng đồng hải ngoại và làm lợi cho CSVN.

§ Thứ nhì, khi cho bất cứ một người nào của mình vào tham gia các HĐ, các TCCT phải có can đảm nói thật công khai, và phải chứng minh bằng hành động, rằng: đây là đảng viên (hay thành viên) của chúng tôi, anh này (hay chị này) tham gia vào HĐ với mong muốn duy nhất là phục vụ HĐ chứ không phải phục vụ tổ chức của chúng tôi. Có làm như thế thì các hội viên khác mới mở tâm đón nhận và từ đó mới có đủ lòng tin để làm việc với nhau một cách không hậu ý.

§ Thứ ba, khi một thành viên của TCCT ra ứng cử một chức vụ nào trong một HĐ có nhiều hoạt động chính trị, chẳng hạn như các Cộng đồng Người Việt Tự do tại Úc, thành viên này phải nói rõ: tôi là thành viên của TCCT đó với lập trường chính trị như thế này, xin đồng hương bầu cho tôi và cũng ủng hộ lập trường của TCCT của tôi. Sự minh bạch vào thời buổi này không còn là một thứ xa xỉ phẩm nữa rồi; nó là điều kiện sống còn của sinh hoạt dân chủ.

Tất cả những điều vừa rồi, tôi mong quý vị và quý bạn đón nhận như những lời đề nghị xây dựng và thành tâm của tôi. Đối với các thành viên của các TCCT có mặt hôm nay, hoặc được đọc bài này, xin quý vị tha lỗi cho tôi nếu tôi có làm phật lòng quý vị điều gì, vì quý vị cần hiểu rằng đây là những điều không thể im lặng mãi mà cần phải được nói lên, không những vì tương lai của cộng đồng hải ngoại mà ngay cả vì tương lai phát triển chính đáng của tổ chức quý vị.

Tôi rất mong rằng sự ý thức của mỗi người và mỗi tổ chức sẽ giúp cho cộng đồng chúng ta tiến được cái bước phát triển kế tiếp vô cùng cần thiết.

Xin cảm ơn tất cả quý vị và quý bạn.

No comments:

Blog Archive