Tháng 5 mùi xoài
Tháng Năm ở đây là dấu hiệu của mùa Hè. Mùa Xuân quá ngắn, chỉ vỏn vẹn 2 tháng rồi chạy mất và không gian bắt đầu ướm mùi xoài trong các khu vườn miền nhiệt đới. Xoài trên cây cũng tỏa hương dù mùi hương ấy rất nhẹ, nhẹ hơn cả hương bưởi, hương cam, phải cẩn thận lắm mới ngửi được hương xoài giữa mùi đất còn âm ẩm.
nguồn: Fast Growing Trees
Xoài là món trái cây phe ta ưa chuộng, mấy chục năm rồi vẫn không đổi. Yêu thích nên vài lần Dế Mèn lặn lội đi dự ngày hội Xoài, Mango Festival, ở tuốt Miami, 4 tiếng lái xe chỉ để nhìn ngắm và thử đủ món xoài. Tất nhiên là ở những nơi khác cũng có Mango Festival kể cả Saudi Arabia, nhưng xa xôi quá nên mối yêu thích kia cũng chịu xếp xó trong lòng!
Hồi còn nhỏ ở quê nhà phe ta ăn xoài hà rầm nhưng là loại xoài tượng kia, chua chua, ngọt ngọt và nhất là miếng xoài giòn, nhai rào rạo giữa hai hàm răng. Mấy gánh, mấy sạp hàng quà vặt gần sân trường bán xoài ngâm cam thảo, xoài sống quẹt thêm chút mắm ruốc nhưng Dế Mèn chỉ ăn không với chút muối dầm ớt; mắm ruốc nặng hương vị thế kia làm sao mà nếm được vị xoài hở bạn? Thủa nhỏ đã… kén chọn như thế mà bây giờ phe ta vẫn chưa chịu đổi thay khi ăn xoài. Không biết vì xoài hay vì bản chất ít thay đổi?
Bây giờ lớn rồi, già rồi nên phe ta chẳng những thưởng thức xoài mà còn mày mò tìm hiểu xem thượng đế đã ban tặng trần gian món xoài kia như thế nào.
Theo sách vở, xoài là “trái cây” (drupe) có vỏ bọc bên trong là “thịt” và chính giữa là [một] hột nên cũng có tên là “stone fruit”. Xoài được trồng cấy từ 5,000 năm trước tại Ấn Độ nên có tên sách vở là Mangifera indica. Cây trái địa phương nên người Ấn dùng xoài theo thói quen sinh sống: Xoài là hình tượng của tình yêu, tặng nhau một giỏ xoài để bày tỏ tình bạn. Kiểu mẫu “paisley” trong tranh vẽ dựa trên hình dạng của trái xoài. Ngay cả cổ tích Ấn Độ cũng cho rằng Đức Phật tọa thiền dưới tàn cây xoài. Không lạ là 75% lượng xoài trên thế giới xuất phát từ Ấn Độ.
Có câu chuyện cho rằng xoài bà con với hạt điều (cashew) và hạt pistachio mà phe ta chưa tìm ra chúng liên quan như thế nào (?), qua hột xoài chăng? Hay là qua tên gốc cùng họ Anacardiaceae như hai giống cây cho hạt kể trên?
Hột xoài theo chân thương nhân đến Trung Đông, Đông Phi và Nam Mỹ trong thế kỷ II-III, kế tiếp là Âu Châu. Người Tây Ban Nha khuân xoài qua thuộc địa Nam Mỹ và Mễ Tây Cơ trong thế kỷ XVII, và đến năm 1833 thì xoài đến Florida, Hoa Kỳ.
Theo truyền thống, cư dân thế giới đã từng dùng vỏ cây, lá, vỏ trái, thịt và cả hột xoài làm vị thuốc suốt mấy trăm năm.
Bắt đầu từ gốc rễ, cây xoài sinh sống trong vùng nhiệt đới, không chịu được lạnh, khi nhiệt độ xuống khoảng 30 độ Fahrenheit là cây xoài ngắc ngoải rồi chết ngỏm. Ở Huê Kỳ, xoài “khôn lớn” tại Florida, California, Hawaii và Puerto Rico nhưng thế giới là một mặt phẳng nên ta tha hồ quanh năm thưởng thức xoài trồng ở những nơi khác.
Cây xoài mọc cao cả trăm bộ Anh, tán xòe rộng che chở khoảng trời rộng cỡ 35 bộ Anh nên có thể trồng để lấy bóng mát (miễn là ta có thể rộng lòng mà tha thứ cho đám sóc tinh quái, hễ xoài ươm ươm đỏ là chúng ăn trước người trồng, vừa ăn vừa phá!) và ngửi hương xoài thoang thoảng. Đất khô nhưng ẩm và nắng nuôi cây xoài sống hùng sống mạnh. Cây xoài có thể sống lâu lắm, đến cả 300 năm kia tùy theo thổ nhưỡng. Như con người, xoài cũng có giống cây lùn, cho trái nhỏ hơn loại cây bình thường. Khoảng 3 tuổi thì cây bắt đầu cho hoa [rồi] trái. Khoảng 120 ngày thì hoa xoài “tụ” thành trái. Hoa xoài mọc từng chùm, hoa nhỏ cánh trắng tỏa mùi hương rất nhẹ. Tiếc là cả mấy trăm chùm hoa kia chỉ khoảng 1% tụ thành trái bằng không thế giới sẽ đầy rẫy xoài và thành nạn xoài… mãn?
Lá xoài xanh đậm, dáng thuôn thuôn và dai nên không dễ xé cho rách. Dế Mèn biết rõ như thế vì hồi nẳm từng leo cây hái xoài xanh, cạp bỏ vỏ và đã từng dùng lá để chia chút muối ớt với bạn bè, một đám con nít rắn mắt thích leo trèo!
Trái xoài thì muôn sắc muôn vẻ, to nhỏ khác nhau tùy theo chủng loại. Xoài tượng thì xanh và to lắm, to hơn bàn tay mở rộng của phe ta, vị chua chua ngọt ngọt và giòn rụm. Xoài cát thì vàng ươm dạng bầu dục, vỏ mỏng và thịt mọng nước. Mấy thứ thường thấy ở quê mình. Qua đây Dế Mèn mới làm quen với xoài Tommy Atkins, trái mập tròn, vỏ xanh lẫn sắc đỏ, nhưng thịt thì ngon ngọt lắm, ngọt như xoài cát của mình nhưng không thơm bằng.
Tùy theo khẩu vị mà bá tánh lựa xoài. Muốn ăn xoài thiệt ngọt thì chọn xoài chín tới, có mùi thơm ngọt ở cuống. Ưa xoài chua chua nhưng ngọt hậu thì mua xoài còn xanh, cầm trong tay trái xoài còn cứng chứ chưa mềm hẳn. Tạm hiểu là xoài ăn “được” từ lúc còn xanh cho đến khi chín mềm và ta chọn xoài theo cảm nhận từ việc sờ mó thay vì màu sắc.
Được buôn bán kịch liệt nên xoài có cả một “hội đồng” thẩm định, The National Mango Board, định trị giá và định cả hương vị của 6 loại xoài phổ thông nhất tại Huê Kỳ: Tommy Atkins, Haden, Keitt, Kent, Ataulfo/Honey và Francis. Bá tánh cứ theo như thế mà buôn bán, không sợ “hớ”?!
Tommy Atkins
Một trái xoài chín chứa khoảng 14% đường, 0.5% acid. Theo tác giả Toby Amidor, chuyên viên dinh dưỡng, trị giá dinh dưỡng của xoài gồm: 1 cup (8 oz) xoài chín ngọt chứa khoảng 107 calories, 28 grams tinh bột, 3 grams chất xơ, và 20 loại sinh tố (A, C, B-6, K và E) cũng như các khoáng chất khác nhau.
Xoài chín ăn “tươi” đã ngon lắm rồi nhưng bá tánh còn tạo ra cả trăm công thức nấu nướng xoài mà phục vụ ông thần khẩu, từ bánh trái đến đủ loại thức uống, những món “chấm” như mango salsa, chutney, slaw … và kem! Xoài xanh ta muối chua để ăn kèm với các món nhiều mỡ như burger cho đỡ ngán.
Phe ta chỉ biết sơ sơ về mấy món xoài, khẩu vị chưa “tới” nên tạm ngưng chuyện ăn uống xoài ở đây. Cứ ngẫm nghĩ về xoài, bây giờ tháng Năm, mùi xoài thoang thoảng, không biết Dế Mèn đang nhớ nhà hay nhớ xoài?!
Trần Lý Lê
No comments:
Post a Comment