Tulsi Gabbard Explains Who Actually Runs The Government
Tuesday, July 30, 2024
Viêm Phổi Ở Người Già
Mùa đông năm nay có vẻ sẽ lạnh hơn những năm khác. Mọi người vẫn hay khuyên nhau giữ ấm, nhất là người già, để tránh bị viêm phổi. Tuy nhiên, người già còn có thể viêm phổi vì 1 lý do khác, không phải do trời lạnh!
Mùa đông năm trước, Mẹ tôi bị viêm phổi, phải đi cấp cứu rồi nằm viện 10 ngày. Bản thân tôi và mọi người xung quanh đều nghĩ rằng Mẹ bị viêm phổi vì trời lạnh. Tuy nhiên, nguyên nhân thật sự lại không phải như vậy. Hôm nay tôi muốn kể lại để chia sẻ với mọi người một trải nghiệm mới mà tôi tin rằng có nhiều người chưa từng nghe nói.
Đợt đó, Mẹ tôi bị ho kéo dài, khò khè, và ho có đàm. Sợ Mẹ bị viêm phổi, tôi lấy hẹn đưa Mẹ đi bác sĩ. Nghe phổi của Mẹ, ông bác sĩ gia đình (bs Việt Nam) khẳng định chỉ là ho bình thường thôi, không phải viêm phổi. Bác sĩ không kê toa mà biểu tôi ra mua thuốc over the counter (là thuốc mua tự do, không cần toa bác sĩ). BS dặn là thuốc này làm loãng đàm, sẽ khiến bệnh nhân ho nhiều, nhưng không có gì đáng lo.
Cả đêm, Mẹ tôi ho suốt. Tới gần sáng thì Mẹ bắt đầu bị đau mạn sườn bên phải. Cơn đau càng lúc càng nhiều, cử động cũng đau, đi hay đứng, hay nằm cũng đau. Tôi gọi xe cứu thương. Họ tới nơi, kiểm tra mọi triệu chứng, nghe tim nghe phổi, rồi đưa Mẹ đi cấp cứu. Tới bệnh viện, họ lập tức chỉ định thử máu, chụp CT, chụp X quang, đo điện tim vv... Nói chung là mọi loại xét nghiệm cần thiết đều được thực hiện trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Không bao lâu sau, họ có kết luận ngay là Mẹ tôi bị viêm phổi. Đến chiều, sau khi thực hiện thêm vài bước kiểm tra nữa, họ nói trong phổi có nước (fluid). Tuy nhiên, do lượng fluid không nhiều lắm nên họ không cho rút ra, chỉ điều trị bằng trụ sinh.
Đến ngày thứ 3, họ cho chụp hình lại, và thấy fluid vẫn còn y nguyên. Quyết định đưa đi rút fluid trong phổi ra. Tiếc là, fluid trong phổi Mẹ tôi quá đặc, ông bác sĩ dùng hết sức bình sinh kéo ống xy lanh mà chỉ có thể kéo ra 1 giọt fluid bé xíu. Vậy là ông bác sĩ đành chịu thua, chỉ ráng gửi 1 giọt fluid đó qua lab để họ coi thử coi có kết luận được gì không.
Ngay sau đó, họ chuyển Mẹ tôi qua 1 phòng chụp hình khác. Ở đây, Mẹ được ngồi trước 1 cái máy chụp quang tuyến có nối thẳng với màn hình. Thay vì chỉ chụp hình, máy sẽ truyền hình ảnh lên màn hình trước mặt để chính bệnh nhân có thể nhìn thấy cùng với 2 vị bác sĩ chuyên môn. Vì Mẹ không rành tiếng Mỹ, cần có thông dịch, nên tôi cũng được có mặt trong phòng lúc đó. Họ nói họ muốn theo dõi phản xa nuốt của Mẹ tôi.
Họ cho Mẹ nhai bánh, uống dung dịch đặc, và uống nước lọc. Mỗi khi Mẹ cắn, nhai, và nuốt (hay uống nước, rồi nuốt), màn hình sẽ hiện lên hình ảnh thực quản và khí quản của Mẹ. Bánh hay nước thì được thể hiện bằng màu đỏ. Nhìn lên màn hình, người ta có thể thấy đường đi của bánh hay nước (màu đỏ), đi thẳng vô thực quản hay không.
Lúc Mẹ ăn bánh, và uống dung dịch đặc thì đường màu đỏ đi thẳng vô thực quản. Đến lúc Mẹ tôi uống nước thì có một ít nước bị lọt qua khí quản. Cả 2 vị bác sĩ cùng gật gù, và yêu cầu Mẹ uống lại lần nữa. Lần này, trước khi uống, Mẹ được yêu cầu cúi đầu xuống, để cằm hướng vô cổ. Trong tư thế đó, Mẹ tôi uống nước, và nước chảy trọn vô thực quản, không còn “đi lạc” qua khí quản nữa.
Sau đó, họ giải thích lại cho tôi hiểu, rằng khi chúng ta uống nước, thỉnh thoảng cũng có nước chảy lạc qua khí quản. Theo phản xạ tự nhiên, chúng ta sẽ SẶC. Nhưng người già có khi mất phản xạ SẶC. Khi đó, những tia nước nhỏ đi lạc vô khí quản sẽ đi thẳng xuống phổi và nằm lại đó. Lâu dần, nó gây ra viêm phổi. Và đặc biệt là nó gây tổn thương cho phổi bên phải. Vì vậy, Mẹ tôi mới bị đau bên mạn sườn bên phải, nơi có vết fluid trong phổi.
Như vậy, trận viêm phổi đợt đó của Mẹ tôi không phải là do bị nhiễm lạnh mà ra. Nguyên nhân thật sự LÀ DO UỐNG NƯỚC VÀ NƯỚC ĐI LẠC VÔ KHÍ QUẢN, mà Mẹ tôi thì MẤT PHẢN XẠ SẶC.
Để khắc phục tình trạng này, bác sĩ dặn Mẹ tôi mỗi khi uống nước nhớ cúi đầu xuống. Cách tốt nhất là uống nước bằng ống hút. Vì khi uống bằng ống hút, tự nhiên mình sẽ cúi đầu xuống để ngậm uống hút.
Dĩ nhiên, không phải người già nào viêm phổi cũng vì lý do này. Nhưng đây cũng là 1 lý do.
Đã được nghe các bác sĩ giải thích, được tận mắt chứng kiến quá trình bác sĩ kiểm tra và kết luận, tôi muốn kể lại mọi người cùng biết. Ví dụ như một lúc nào đó các bạn nhận ra cha mẹ già của mình không còn hay bị sặc nữa, thì có lẽ cũng nên khuyên ông bà uống nước bằng ống hút cho an toàn, nếu không thì cũng chú ý tư thế cúi đầu xuống, hướng cằm vô cổ khi uống nước ... Hay nếu thấy người thân ho mà đau mạn sườn bên phải thì bạn cũng có thể đề nghị bác sĩ cho làm test kiểm tra theo hướng này.
Một chút chia sẻ để bạn bè cùng biết. Mong các vị thân sinh của chúng ta luôn được bình an, mạnh khỏe, vui vầy cùng con cháu.
Monday, July 29, 2024
Ma Cũ Ma Mới
Đồng hương đồng xóm đồng làng
Đồng nào cũng chẳng to hơn đồng tiền.
Vì quê nhà đổi chủ, nên bà con mới phải lưu lạc xứ người. Ma cũ là người qua trước. Ma mới là người đến sau, “trâu chậm uống nước đục “.
Những người may mắn thoát được trước ngày tan hàng, đã ổn định đời sống từ lâu. Kế đến là những thuyền nhân vượt biên sớm. Còn người kẹt trong các trại tù cải tạo mới được qua sau này, hầu hết toàn con cháu bà Cả đọi, được chính phủ Mỹ cho qua theo diện tị nạn, đa số đều lớn tuổi, tiền bạc eo hẹp. Bởi vậy khi có người lân la hỏi thăm có nhận giữ trẻ không? Họ sẽ trả tiền mặt. Tôi như chết đuối vớ được ván.
Tôi nào có biết giữ trẻ là nghề “rất hiếm “, dễ gì kiếm ra, vì chẳng ai thèm làm. Lúc đó tiền giữ một đứa trẻ là 75 đồng/ tuần, bắt buộc phải trả nguyên tuần, tôi là “ma mới” không hề biết. Ngơ ngơ ngác ngác mới qua theo diện tị nạn, được chính phủ giúp chút đỉnh tạm thời để ổn định đời sống. Buổi tối học nghề, ban ngày giữ trẻ kiếm được đồng nào hay đồng nấy. Ma cũ là những người qua trước chắc cũng qua cảnh này, nên rành sáu câu, “ép giá” chỉ trả 10 đồng/ ngày, giữ ngày nào trả ngày đó. Giống y như tiền “bố thí”.
Người nọ rỉ tai người kia: Bà này giữ tốt lắm. Thế là họ bỏ mối cũ (mắc) mang cho tôi giữ 8 đứa con nít, “ngày đực ngày cái “, không có gì bảo đảm có đủ 8 đứa mỗi ngày. Tiền “bố thí “ hay tiền cho ăn mày, cũng không khác nhau mấy. Theo như “giao ước“ cha mẹ mang thức ăn tới, nhưng chỉ được vài hôm lúc đầu. Sau đó vì “bà này tốt quá “, thế là sau khi ôm đứa trẻ vô cửa, họ quăng cái vèo một gói popcorn, hay một gói nui khô (macaroni and cheese), một lọ baby food nhỏ xíu cho một đứa trẻ 2 tuổi ăn nguyên ngày.
Dù sao cũng phải nấu ăn cho hai thằng con. Mà thức ăn ở Mỹ rẻ rề. Chẳng lẽ cho con bé xíu chưa đủ răng ăn bắp nổ trừ cơm. Ngày xưa mẹ vẫn nói “thương con người thì mới mát con mình “, thương người như thể thương thân. Thế là sau mấy tháng đứa nào đứa nấy tròn quay, ngoan ngoãn nghe lời răm rắp.
Khi mẹ hay ông ngoại tới đón, ai cũng tròn mắt ngạc nhiên khi thấy con cháu ngồi ngay ngắn chung quanh bàn ăn, trước mặt là chén cơm có canh nóng đàng hoàng. Đứa biết múc thì tự ăn, đứa chưa biết thì bà vú đút, dỗ dành cho tới khi chén nào cũng không còn một hột.
- Trời ơi! Ở nhà nó toàn ăn kẹo. Chẳng bao giờ chịu ăn cơm có canh, chẳng bao giờ chịu ăn rau.
Tại sao lại “chẳng bao giờ? “ Cái gì cũng phải tập, con nít mà. Bà già này còn dạy được cả má nó, huống gì nó. Mẹ túi bụi đi làm, để cho bà ngoại ngồi xe lăn trông chừng, hễ cháu khóc là quăng cho cục kẹo. Không có bánh kẹo bày ra trước mắt, lấy gì đòi?
Nhà khác để ông ngoại trông cầm cự cho tới khi cha mẹ cháu về. Ông chở cháu đi vòng vòng mua thuốc lá, vé số, tiện thể mua cho cháu những chai nước có màu xanh đỏ tím vàng, uống cho tiện, kèm theo một gói fastfood. Thức ăn hàng ngày của cháu là French fries, gà chiên, pizza. Ăn no rồi cháu lăn ra ngủ, mẹ làm nails tới 10 giờ đêm mới về, thế là yên chí. Ăn quen fastfood, tới khi có giỗ chạp, tiệc tùng, thức ăn nấu ở nhà, cháu không chịu ăn.
Chỉ mấy tháng bà vú giữ, mọi thói hư tật xấu biến mất. Không có bánh kẹo, chỉ có trái cây, sữa, juice, cơm canh. Vậy mà sau 2 năm bà vú giải nghệ, vì đã học xong đi làm. Trở về với cha mẹ, vẫn bổn cũ soạn lại. Bận bù đầu lại mua fast food làm món ăn hàng ngày. Cuối cùng gặp lại, cháu nào cũng ú na ú núc.
Ma mới làm thợ mà cứ “ló đuôi “ thầy. Chẳng qua đọc được tiếng Anh, nhưng nghe chưa quen, chỉ loạng quạng lúc đầu thôi. Sau một thời gian ngắn có nhiều người rỉ tai nhau, mang giấy tờ tới nhờ ma mới đọc giùm, vì hoàn toàn miễn phí.
Lúc đó người Việt cũng bắt đầu đông, không phải như trước kia chỉ có vài chục người. Mất nước gần 5 thập niên, ma cũ nhất là những người thoát được vào giờ thứ 25. Tới giai đoạn thuyền nhân rất nhiều người trong số đó sống ở ven biển ít học, may mắn đi được. Tới khi định cư nơi không có người Việt, họ gặp nhiều trở ngại. Tôi tới năm 94, họ nói 15 năm trước, ở đây chỉ có 5 gia đình người Việt. Lúc đó ma cũ là những người giỏi tiếng Anh, bắt nạt ma mới, chỉ nhờ điền một trang giấy khi xin thẻ xanh, nhưng “chặt đẹp” mỗi người phải trả 50$ tiền mặt, gia đình bao nhiêu người cứ việc nhân lên.
Có trường hợp giúp mua nhà còn “rùng rợn” hơn. Người mua không biết chữ, vì cùng là đồng hương nên nói sao nghe vậy. Có được căn nhà mừng rối rít, trả ơn trả huệ. Nhà chưa trả xong nên ngân hàng thu luôn cả tiền thuế nhà (property tax) và nợ ngân hàng. Người mua chỉ biết mỗi tháng trả đúng số tiền qui định, không hề biết chi tiết. Bí mật chỉ lộ ra khi nhờ tôi làm giấy tờ cho con đi học mẫu giáo. Sau khi đưa bằng khoán căn nhà (Deed), họ còn đưa cho tôi xem toàn bộ hồ sơ mua bán nhà. Khi tôi đọc cho họ nghe tiền down chỉ có 5%, người vợ ôm mặt khóc mếu máo nói đưa đủ 20%. Dĩ nhiên họ không hề biết phải trả thêm PMI (pre mortgage insurance) cho tới khi trả đủ 20% mới xoá.
Nghĩ mình may mắn vì được chính phủ giúp đỡ ban đầu, nên tôi cũng không hề phiền hà bị ép giá khi giữ trẻ, miễn có thêm chút đỉnh để cầm cự lúc ban đầu. Giữ trẻ chỉ tạm thời “chữa cháy“, nên tôi không ganh ghét với họ, mà còn tội nghiệp cảnh “vặt đầu cá vá đầu tôm“ quay cuồng trong sinh kế.
Cha mẹ của những đứa trẻ tôi giữ đều kiếm sống bằng những nghề lao động. Dần dần cũng có người trở thành chủ tiệm ăn, tiệm nails, tiệm giặt. Hầu như các tiệm có chủ người Việt mở cửa suốt tuần, vì tiền thuê tiệm trả đủ 30 ngày/ tháng. Phải ráng cày để bù đắp mọi chi phí. Luật qui định 13 tuổi trẻ em mới được ở nhà không có người lớn giám sát. Nhưng rất nhiều trẻ em chỉ chừng 7 hay 8 tuổi mỗi sáng đã tự lên xe bus tới trường, khi về cũng tự về nhà. Cha mẹ còn bận trông nom cửa tiệm, về nhà rất khuya, lúc đó con đã đi ngủ.
Con học hành ra sao cũng chẳng biết. Cứ mỗi năm lên lớp, hết trung học cũng có tờ chứng nhận học xong. Tuổi thiếu niên (teen) là tuổi “nguy hiểm” nhất, rất cần sự quan tâm của cha mẹ. Nhưng họ lại thở phào coi như nhẹ gánh. Con gái dính bầu, con trai vướng ma túy. Tôi sửng sốt khi nghe tin con bé ngày xưa tôi giữ, khóc nhèo nhẹo cả ngày, sắp sửa sanh mà bà mẹ không hề hay biết.
Cuộc sống nơi xứ người chỉ khó khăn lúc ban đầu. Nếu cha mẹ làm ít lương, ngoài tiền học miễn phí từ mẫu giáo tới hết lớp 12, chính phủ còn cho thêm tiền ăn trưa, đi học thì có xe bus đưa đón.
Mọi người thường nhìn “nghề“ ở xứ tạm dung làm “ tiêu chuẩn” đánh giá. Nha sĩ thứ thiệt, khi em bảo lãnh qua theo diện chị em (12 năm) đã khá lớn tuổi, nên đành đi làm nails. Cô giáo từng là giám khảo chấm giáo viên dạy giỏi, qua Mỹ một nách hai con nhỏ và ông chồng già tù tội, đành ở nhà giữ trẻ, tối đi học tóc. Ông cựu tù đi học sửa xe, chấp nhận đổi “một lấy hai (Master)“ bị người ta khi dễ, coi thường. Không thể đi học lại đại học, thì làm thợ, nhưng hai con sẽ ăn học nên người, đó là đổi “một lấy hai“.
“Don't judge the man by his looks.” Ma mới là người không có lực mà cũng chẳng có thế, nên bà nha sĩ và bà cô giáo ráng “nín thở qua sông“ cho hết cơn bỉ cực. Ép giá cũng chẳng khác chi lường gạt. Bớt xén những đồng tiền nhỏ nhoi của người đang gặp khó khăn, tức là đang tự hạ giá trị của mình đó. Đừng quên chẳng có gì giấu mãi dưới ánh sáng mặt trời.
Lại thị Mơ
TẠI CÁI ĐIỆN THOẠI
-Tiên sư cái điện thoại.
- Điện thoại làm gì mà anh chửi nó?
- Tao nghe mấy đứa bảo có đien thoai thông minh vào mạng chơi facebook vui lắm, nghe bùi tai, tao bán con bò 70 cân, rước cái điện thoại đây này.
- Anh thấy thế nào?
- Ừ, vào phây tao quen được một em U50, chát chít tâm đầu ý hợp, rồi gửi ảnh cho nhau, em đó hình thức cũng đẹp, nói chuyện có duyên, tao đâm phải lòng, hôm nào không gặp là nhớ. Rồi khao khát hẹn gặp nhau.
- Thế có gặp mặt lần nào chưa?
- Rồi, thống nhất tối ngày 24/12, tại quán càfe Chiều Tím, uống nước xong dắt tay nhau đi dự lễ Giáng Sinh.
- Ôi lãng mạn thế.
- Tao đến, quán vắng nhìn mãi không thấy em nào U50, chỉ có bà dì đang bấm điện thoại, tao lịch sự đến hỏi:
- Xin lỗi bà cho hỏi... mới nói đến đó bà ta reo lên.
- Ô, anh Băm, em đây, em Đào Hồng Tơ đây, hẹn anh tối nay, giờ này tại quán này, sao anh không nhận ra em à?
Tao hơi bất ngờ, nhưng lịch sự chìa tay ra bắt. Ngồi xuống bàn, tao gọi cốc chanh muối, còn em kêu ly cam vắt.
Qua phút dạo đầu, em kéo ghế ngồi sát lại gần giơ điện thoại lên.
- Anh ngạc nhiên lắm hả? Này nhé, em chụp chân dung xong, bấm vào chỉnh sửa, kéo sang làm đẹp. Anh thấy hiện lên chữ làm mịn không? Em kéo làm mịn, anh thấy chưa? Da em nhăn nheo, giờ mịn màng chưa? Tiếp đến làm trắng này, da em nâu nâu thơm mùi bánh mật, kéo một cái trắng tinh chưa anh! Mịn màng trắng trẻo như da em bé, tiếp đến chỉnh mắt to, mắt sáng long lanh, mi dài, lông mày đen cong vút, mũi cao, cằm Hàn Quốc, môi trái tim tô màu đỏ chót, hay anh thích môi em màu gì? Màu cánh sen nhá, ra màu cánh sen ngay. Anh thấy chưa? Bây giờ em xinh lung linh.
- Em làm đẹp để thả thính hả?
- Muốn cá đến đông phải có thính thơm, muốn zai săn đón phải làm hình đẹp, thấy gái đẹp, thằng nào chả ngây mặt ra.
- Thì ra trong thính có độc?
- Có chứ, nhưng em pha tỷ lệ nhựa cây lá ngón ít thôi, đủ để nó say, chứ pha nhiều cá nổ bong bóng chết nổi phềnh phềnh lấy ai mà chơi.
- Em làm bao nhiêu anh say rồi?
- Hình như anh là người thứ 41
- Nghe quen giống tên bộ phim?
- Đúng rồi, phim Liên Xô kể về tình yêu tréo ngoe giữa cô chiến sĩ hồng quân với anh bạch vệ đẹp trai. Thằng bạch vệ trốn chạy bị cô hồng quân giương súng. Bòm!
- Bây giờ anh quay lưng em có bòm không?
- Em tin rằng anh không quay đi, vì bên ngoài em xấu, nhưng kết cấu nội thất em rất đẹp, anh có chiêm ngưỡng không?
- Con lạy mẹ, điện thoại chỉ có thể chỉnh sửa được khuôn mặt, chứ quả mướp khô bố máy nào làm tươi lên được?
VietBF@sưu tập
Kỳ lạ thành phố không có mưa suốt 600 năm
Người dân thành phố Lima ở Peru không phải dùng tới dù hay áo mưa bởi nơi này gần như không có mưa suốt 600 năm qua. Thậm chí, nhiều nhà không làm mái che.
Trong suốt 600 năm, thành phố Lima hầu như không có mưa nhưng kỳ lạ ở chỗ khí hậu nơi đây luôn mát mẻ quanh năm. Do đó, nhiều nhà không làm mái che. (Ảnh: IT)
Lượng mưa ở Lima chỉ khoảng 10 - 15 mm/năm nên vùng đất nổi tiếng này còn được đặt danh hiệu là 'thành phố không mưa'.
Quan sát Lima từ trên cao, bạn có thể thấy rằng thành phố này được bao quanh bởi sa mạc, bờ biển và cát vàng. Tại đây, mưa không rơi xuống từng hạt, từng cơn như những nơi khác. Thay vào đó, lượng lớn sương mù bao phủ khắp thành phố và đọng lại trên nền đất khiến chúng ẩm ướt.
Thêm nữa, thành phố kỳ lạ này quanh năm không xuất hiện sấm chớp, không có băng, tuyết hay những cơn bão dữ dội. Do vậy, Lima không có các cống thoát nước trên đường phố. Thậm chí, nhiều gia đình xây dựng nhà cửa mà không có mái che.
Người dân nơi đây hầu như không cần dùng tới dù, áo mưa. Nhiều người dân địa phương cho hay chưa từng nhìn thấy mưa kể từ khi sinh ra.
Theo các chuyên gia, sở dĩ Lima có đặc điểm đặc biệt như trên là do xuất phát từ đặc điểm khí hậu ôn hòa và đặc điểm địa lý.
Thành phố Lima chủ yếu nằm ở sườn đông của dãy núi Andes - ngọn núi cao nhất Nam Mỹ. Tại khu vực này, luồng không khí chìm xuống, hướng gió cơ bản thổi hướng song song với mực nước biển.
Không khí ven biển tiếp xúc với mặt nước lạnh bị dòng khí lạnh chặn lại nên không thể ngưng tụ thành các đám mây vũ tích. Vậy nên, không thể gây mưa, hơi nước chỉ có thể tạo thành sương mù.
Nhờ đó, Lima quanh năm mát mẻ, nhiệt độ thấp nhất là khoảng 16 độ C và nhiệt độ cao nhất không quá 23 độ C. Bốn mùa ở Lima đều giống như mùa xuân.
Dù không có mưa nhưng người dân Lima không gặp khô hạn hay thiếu nước sinh hoạt vì có thể sử dụng nước từ sông Aprikh hình thành do sự tan chảy băng tuyết ở dãy núi Andes và sông Remark với trữ lượng nước dồi dào.
Tiếng Anh Chưa Rành, Tiếng Việt Đành Quên
Mấy năm gần đây bên Việt Nam người ta nói tiếng Việt độn tiếng Anh nhiều lắm.
Nhưng Mỹ hay người Anh đâu có mở công ty gì ở Việt Nam như người Đại Hàn, Đài Loan, Nhật và nhiều nước khác mà người Việt không độn mấy ngôn ngữ kia rồi cứ độn tiếng Anh vô mỗi câu nói hàng ngày, sao không độn tiếng Pháp tiếng Đức và nhiều ngôn ngữ khác.
Theo một chuyên gia thì việc nói độn do thói quen từ sau năm 1975 : Sau năm này thì dân chúng ăn cơm độn bo bo, độn khoai lang, khoai mì khô thành thói quen nên bây giờ nói cũng nói độn, mà độn tiếng Anh.
Có lần tôi đi chợ thấy bà bán cá nói với người mua :
- Cá của tui Ô KÊ lắm, tươi rói. Mai mốt không rảnh thì tui cho SÍP tới nhà luôn, nhưng phải gọi PHÔN rồi O ĐƠ trước nha, cho mấy xe RÁP chuyển giùm cũng được. Bữa tới nhà chị rồi, nhà có cái VIU đẹp lắm. Thôi BÁI BAI chị, XI DU Ờ GHEN. THÁCH KHE nha.
Trong một câu nói mà một nửa là tiếng Anh rồi, mà bà bán cá nói đó nha. Đủ biết trình độ dân mình cao lắm thay,...tôi nghe mà mừng rớt nước mắt.
Có lần tôi qua Miên, Lào, thấy dân chúng nói không độn tiếng Anh được đâu, vì trình độ không có.
Theo một thống kế mới nhất của Hội ngôn ngữ quốc tế thì : Việt Nam nói tiếng Anh hàng ngày nhiều hơn mấy nước khác và trong 30 năm nữa thì người Việt trong nước nói toàn tiếng Anh mà không độn tiếng Việt.
Bây giờ ở Việt Nam rất nhiều người Việt lấy tên Mỹ lắm.
Nhưng nói đi thì phải nói lại, là rất nhiều người trong nước mình độn tiếng Anh, nhưng kêu viết ra thì viết không được, bởi vậy :
*Tiếng Anh chưa rành, tiếng Việt đành quên.
Dzung Nguyen.
Có Khi Sông Là Biển
Tranh Cẩm Tâm
Tôi không phải là thi sĩ, nhưng chắc cũng giống như những thi nhân của đất Việt, thường gửi gấm tâm tình u uất vào những vần thơ của mình. Những bài thơ viết xong, tôi cặm cụi chép vào nhật ký, xen vào những lời than thân trách phận, hờn mây khóc gió. Cuốn nhật ký, tôi cất kỹ trong ngăn kéo ở cái table de nuit cũ kỹ bên cạnh chiếc giường nhỏ trong phòng ngủ. Cũng may là má chưa lục ra đọc lần nào. Nếu không, chắc má đã lắc đầu ngao ngán khi đọc thấy những câu thơ yếm thế của đứa con gái tội tình mà tuổi chưa đến đôi mươi:
Ngày tháng này là những trưa mắt đỏ
Nghe gió luồn qua những lối thân quen
Ngóng chim về bên thềm vắng, mái hiên
Và nắng đổ trên sân vàng thương nhớ
Ngày thì rộng, tháng thì dài, tôi biết làm sao cho hết, nên phải tìm quên bằng cách lao vào những “sinh hoạt phường khóm” ở địa phương mà trước đây tôi thường tìm cách trốn tránh như khai bệnh, hay viện cớ phải ở nhà phụ má chăm sóc ông ngoại đang trở bệnh nặng. Tôi ghi tên vào nhóm dạy “bình dân học vụ” trong khóm của mình để khỏi phải đi “lao động” mỗi tháng. “Học trò” của chúng tôi phần lớn là phụ nữ, chỉ có một vài người đàn ông, tuổi từ trung niên đến cao niên, ngày xưa chắc vì cơm áo không được học chữ, nay “cách mạng” bắt phải đi học i tờ, nếu không thì sẽ bị cắt phần gạo và nhu yếu phẩm hằng tháng. Tôi đi dạy như vậy, mỗi tháng cũng mua được mấy ký gạo, chứ không có lương lậu gì cả.
Nhóm “thầy cô giáo” tay ngang này, ngoài tôi ra còn có hai anh chàng cùng trang lứa là Thanh và Thu. Hai anh này nhà ở gần nhau, và chỉ cách nhà ông ngoại tôi chừng mấy trăm thước. Từ nhà chúng tôi đến lớp có thể đi bộ được, qua vài con đường im ắng, có những hàng cây sum sê tàng lá hai bên vệ đường, thoang thoảng mùi gió từ đại dương, vì chỗ chúng tôi ở không xa biển là mấy. Lớp học nhóm vào buổi tối, học trò chỉ lèo tèo năm sáu người, đi học thật trễ, lại hay xin về sớm. Lớp học là trụ sở của khóm, có dựng một tấm bảng đen dã chiến tựa vào vách tường, bên cạnh là vài viên phấn vụn. Những người lớn tuổi, sau một ngày mệt nhọc để kiếm sống qua ngày trong xã hội “mới”, thường than mệt nhọc, mắt mờ, cả người mỏi mê, học làm sao vô, họ bảo vậy.
Tụi tôi thì mệt kiểu khác, đang còn tuổi ham chơi mà phải đi làm, nhất là vào ban đêm, tuy mỗi tuần đến lớp chỉ có hai lần. Mấy người lớn nói tiếng Việt dẻo quẹo, nhưng không biết đọc, thấy việc gắn âm vào chữ, hay nhìn chữ cho ra âm, sao mà khó vậy. Ba vị thầy cô thì thi nhau mà đọc như cuốc kêu cho học trò nghe, giảng giải, sửa giọng, tập viết cho học trò cũng chẳng kém phần vất vả. Thanh, Thu và tôi lớn lên ở miền Nam tự do, được hấp thụ nền giáo dục nhân bản, văn minh của chế độ cộng hoà, được dạy bảng mẫu tự tiếng Việt một cách thanh tao, đọc a, bê, xê, dê, đê... đàng hoàng đâu vào đó, chẳng thua kém gì bảng mẫu tự tiếng Tây. Bây giờ mấy ông ở rừng ra, bắt phải đọc và dạy học trò là a, bờ, cờ, dờ, đờ... nghe thật chướng tai và đọc thật ngượng miệng, vậy mà phải theo cách đó, không thôi bị dán nhãn “phản động” thì cũng rầy rà. Chẳng hạn như ngày xưa chúng tôi được dạy đánh vần chữ “Việt” là vê... i... vi... ê... vê... tê... viết... nặng... việt, thì bây giờ mấy ông bảo phải đánh vần theo kiểu i... ê... tờ... iết... vờ... iết... viết... nặng... việt, chúng tôi phải đau khổ mà làm y như vậy.
Niềm vui của ba đứa chúng tôi là... lúc lớp học kết thúc, học trò lục tục ra về, miệng thì ngáp dài liên tục, trong lúc ba thầy cô giáo hân hoan chạy ra khỏi trụ sở khóm, hít hà mùi thơm của cây lá trong đêm tĩnh lặng. Ba chúng tôi sánh bước đi bên nhau, lúc nào tôi cũng đi giữa, Thanh và Thu đi hai bên, tựa như vô tình làm “gạc-đờ-co” cho cô giáo nhỏ nhắn là tôi. Giữa hai anh chàng, Thanh đẹp trai hơn Thu, lại có vẻ “sang” hơn một chút, ăn mặc lúc nào cũng chỉnh tề, có phần chải chuốt, dù chỉ là để... đi dạy bình dân học vụ. Thu, trái lại, có vẻ “trung bình về mọi phương diện”, xuề xoà, giản dị. Thanh hoạt bát, dí dỏm, còn Thu ít nói, không thích đùa. Tôi là người đứng giữa, cố dung hoà cá tính khác nhau của hai người bạn mới này. Những lúc cùng đi đến lớp với nhau, cùng dạy học (theo ba nhóm nhỏ), hay cùng đếm bước về nhà, tôi thấy tạm quên đi nỗi buồn lúc nào cũng canh cánh trong lòng. Mỗi lần như vậy, hình ảnh của Việt như mờ đi một chút trong tôi, vì tôi đang bận bịu nói cười rôm rả với hai “đồng nghiệp” bất đắc dĩ.
Chẳng biết tôi có giàu tưởng tượng hay không, nhưng tôi có cảm tưởng là hai anh chàng này cũng có cảm tình với tôi, một loại cảm tình “đặc biệt” chứ không phải thứ cảm tình suông của một người với một người. Với tưởng tượng đó, tôi thấy lòng mình lâng lâng vui sướng, nghe như tự ái được vuốt ve, sau mối tình buồn với Việt. Không có gì làm tổn thương nặng nề bằng cảm giác mình bị phụ tình, bị “bỏ”, hay nói thẳng thừng ra là bị “đá”. Tôi chưa bao giờ quên câu Em là gái trời bắt xấu, vốn là tựa đề tập thơ nổi tiếng của nữ sĩ Lệ Khánh, mà cũng là nỗi niềm của riêng tôi. Ngặt một điều là khi yêu, chắc ai cũng quên đi chính mình, cũng tan vào cảm xúc, chỉ thấy hai tâm hồn quyện vào nhau mà không còn nhớ tới dung nhan của ai là ai. Ngày trước, Việt có vượt qua được bề ngoài tầm thường—nếu không muốn nói là xấu xí—của tôi thì anh mới yêu được tôi, tôi vẫn thường nghĩ vậy. Bây giờ, thấy Thanh và Thu dường như cũng nhìn thấu đến tâm hồn của tôi hay sao mà hai anh chàng cùng đối xử với tôi thật dịu dàng, đằm thắm.
Một hôm, Thanh, người hoạt bát, như muốn tỏ ra rằng mình có khiếu nhận xét, nói với Thu, nhưng chắc là cốt để tôi nghe:
“Thuỳ Linh là người sống nội tâm, phải không Thu?”
Thu, người điềm đạm, đủng đỉnh trả lời:
“Ông khỏi cần nói tôi cũng biết!”
Tự hồi nào, hai anh chàng này đã bắt đầu “cạnh tranh” với nhau, và đối tượng của sự cạnh tranh đó không ai khác hơn là tôi. Những lời qua tiếng lại giữa hai anh chàng, tuy không có gì nặng nề, vẫn toát ra những ý tứ ngầm khích bác nhau, hay cố tỏ ra một cách gián tiếp cho tôi thấy, mỗi người trong bọn họ mới là kẻ “trên cơ”, đáng để cho tôi chú ý đến hơn người kia. Chẳng hạn, khi tôi vừa nói lên điều gì, Thu thường mau mắn trả lời trước, trái với tính hay trầm ngâm cố hữu của anh ta. Về phần Thanh, hắn cũng nhận thấy sự thay đổi đột ngột này của “đối phương”, lại như càng trở nên hoạt bát hơn trước. Chỉ có tôi ở giữa là vui vẻ thấy mình cũng không đến nỗi tệ, đang được là mục tiêu nhắm tới của hai chàng trai mới lớn. Nỗi buồn lâu nay tạm lắng xuống, bên cạnh những niềm vui nho nhỏ với hai người bạn mới này.
Những đêm cùng đi dạy với nhau về, Thanh và Thu là người chia tay với tôi trước, vì nhà của họ gần hơn, còn tôi phải đi thêm một đoạn đường nữa mới về đến nhà mình. Những câu chuyện chúng tôi trao đổi với nhau thường về các đề tài không ăn nhập gì đến cuộc sống ngột ngạt lúc bấy giờ, mà hướng về những chuyện xa vời như văn chương, âm nhạc hay phim ảnh, như những lối thoát khỏi thực tế sần sượng hằng ngày. Có lúc tôi nhắc đến nền thi ca tiền chiến và những thi sĩ nổi tiếng thời đó như Xuân Diệu, Huy Cận hay Chế Lan Viên, thì Thanh nhanh nhẩu ứng khẩu ngay:
“Ồ, tưởng gì chứ tôi thuộc lòng nhiều câu thơ của những nhà thơ này lắm! —Rồi hắn đổi giọng ngâm nga, mà lại dám cả gan đổi lời của tác giả—Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá, ba người nhưng chẳng bớt bơ vơ...
Hắn tiếp tục, chuyển sang mục... bình thơ:
“Huy Cận diễn tả chỗ này thật tuyệt. Tình yêu là không bao giờ cảm thấy đủ cả, lúc nào cũng muốn tràn đầy, muốn thêm nữa, thêm nữa...”
Thu phá ra cười:
“Thôi đi ông cụ non, nhưng mà là bé cái lầm! Hai câu này là của Xuân Diệu chứ Huy Cận cái nỗi gì!”
Thanh tỉnh bơ, tỏ ra không hề hấn gì khi bị đối thủ tấn công, nói tiếp:
“Xuân Diệu với Huy Cận, tuy hai mà một, tuy một mà hai mà lị. Ông không nhớ mấy câu Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine, hai chàng thi sĩ thoáng hơi men, say thơ xa lạ mê tình bạn, khinh rẻ khuôn mòn bỏ lối quen... hay sao chứ?”
Thu cảm thấy mình cũng phải trổ tài:
“Xuân Diệu hay Huy Cận có lãng mạn mấy cũng không bằng cái lãng mạn vò xé, khắc khoải trong tình yêu của Chế Lan Viên: ...Nàng không lại, và nàng không lại nữa, cả thân ta dần tan trong hơi thở, một đêm nay lòng hỡi biết bao sầu!”
Không dưng tôi biến thành “cô giáo”, tủm tỉm cười, thầm cho điểm hai chàng trai đang hào hứng tranh tài. Con đường về khuya thật thanh vắng, sương đêm mát lạnh, chỉ có tiếng nói cười vô tư, dòn dã của bọn tôi vang lên trong cõi đêm.
o O o
Rồi cuối cùng hình như tôi đã quyết định “chấm điểm” cho hai anh chàng đó. Tôi cho Thu điểm cao hơn, dù anh ta rõ ràng là thua kém Thanh về nhiều phương diện. Không hiểu sao, bản tính lầm lì, im lặng của Thu lại lôi cuốn tôi hơn là sự hoạt bát, ồn ào của Thanh. Bề ngoài bình dị của Thu một hôm bỗng trở thành thứ yếu đối với tôi, khi tôi biết ra anh chàng này, ngoài tài thuộc làu thơ phú, còn biết sáng tác nhạc và có nét chữ viết tay thật đẹp, thật bay bướm. Thanh biết chơi đàn, nhưng làm sao so sánh được với kẻ biết soạn nhạc như Thu. Hơn nữa, Thanh như một cuốn sách mở, bao nhiêu trang giấy, chữ nghĩa phơi bày ra rõ rệt, còn Thu không khác gì một cuốn sách cũ, khép kín, phủ đầy bụi, nằm im lìm chờ đợi một bàn tay nào đó giở ra, lần theo từng trang giấy để khám phá ra những tâm tình chôn giấu trong đó.
Dần dần, tôi hiểu rõ Thanh và Thu hơn, vì chúng tôi đã bắt đầu gặp mặt, đi chơi với nhau ngoài những lúc cùng nhau dạy học. Thanh thì lúc nào cũng cởi mở, vui vẻ. Còn Thu thì dường như có một tâm sự, một nỗi buồn gì mà anh ta không thố lộ được. Làm việc và đi chơi với nhau một thời gian, tôi mới thấy ra rằng thật sự cảm tình của Thanh và Thu đối với mình cũng không hẳn là đặc biệt như tôi đã lầm tưởng. Chắc phải tách tĩnh từ “đặc biệt” ra khỏi danh từ “cảm tình” của họ dành cho tôi thì đúng hơn. Biết được vậy, tôi cũng hụt hẫng và thoáng buồn đôi chút, nhưng rồi cảm xúc đó cũng qua đi. Đổi lại, tự dưng tôi thấy một chút gì háo hức muốn chinh phục hai người, không, chinh phục Thu—không phải Thanh— mới đúng.
Tôi trở nên lãng mạn bất ngờ. Lãng mạn một mình thôi, không có người nào bên cạnh, nhưng cũng đủ ngây ngất để thỉnh thoảng lại đi ra biển, ngồi trên bãi cát, chỉ để ngắm màu xanh ngăn ngắt của đại dương, để nghe tiếng sóng vỗ bờ, để nghe hàng dừa reo trong gió, như những ngày xưa còn yêu Vũ. Lãng mạn chưa bao giờ chết trong tôi. Tôi đã quên mất biển trong một thời gian dài, vì sau Vũ, tôi đã có dòng sông khác xuất hiện trong đời, và tôi có Việt. Tôi nghe như mình đang thầm thì xin lỗi biển. Biển đã hiện diện trước mắt tôi từ thuở ấu thời, nên nhiều khi tôi coi thường nó, coi như chuyện đã đành. Nhưng ngẫm lại, cũng chính biển đã đem lại cho tôi bao nhiêu cảm xúc dạt dào, như đại dương bao giờ cũng dạt dào, mênh mông. Có một thời, tôi đã mải mê tìm đến những dòng sông, như tìm đến những cảm xúc mới lạ. Rồi những dòng sông đó đã phụ tôi, để cuối cùng tôi đã trở về với biển cả. Cũng như tôi đã tìm ra những người bạn mới trong chuỗi tháng ngày nhạt nhẽo của mình.
Một hôm, tôi quyết định đến nhà Thu chơi mà không báo trước. Hôm ấy là một ngày trong tuần, tôi biết ba má Thu đã đi làm nên mới mạnh dạn đến nhà anh ta. Đứng trước cửa nhà Thu, tôi hồi hộp nhìn cái chuông, một hồi sau mới dám đưa tay ra bấm nút. Thu ra mở cửa, khá ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Hồi giờ lúc nào chúng tôi cũng gặp nhau cả ba người, đây là lần đầu tiên chỉ có Thu và tôi. Anh nói, như không tin vào mắt mình:
“Ủa, Thuỳ Linh đến có chuyện gì vậy?”
Tôi hơi ngượng, ừ, mình đến có chuyện gì vậy nhỉ. Vài giây đồng hồ sau, tôi mới đáp:
“Ơ... Linh đi ngang nhà Thu, tự dưng muốn ghé chơi vậy mà!”
Như một phản xạ, Thu nhìn sang nhà Thanh cách đó vài căn, hỏi tiếp:
“Thanh có thấy Thuỳ Linh ghé đây không?”
“Linh không biết—tôi cắn môi—mà Thanh có thấy hay không cũng có sao đâu!”
Chắc Thu thấy mình nói hớ, mở rộng cửa, mời tôi vào, không nói gì nữa. Tôi e dè bước vào nhà, không dưng thấy cảm động vì được đứng trong nhà của Thu, trong thế giới rất riêng tư của anh, mà hồi giờ tôi chưa bao giờ mường tượng ra. Bỗng dưng, cả hai đứa cùng luống cuống, không biết nói gì, làm gì nữa, mặc dù mọi lần đi chung với Thanh, chưa bao giờ chúng tôi có cảm giác đó. Sau một thoáng im lặng nặng nề, Thu cất tiếng phá tan bầu không khí ngột ngạt bằng một giọng cố làm ra vẻ tự nhiên:
“Thuỳ Linh ngồi chơi ở đây nhe. Tôi chạy ù ra đầu đường mua một bao thuốc lá. Hết thuốc rồi, sáng ra chưa có cà phê cà pháo gì cả! Về rồi tôi sẽ pha cho hai đứa mình hai tách cùng nhâm nhi cho vui.”
Tôi chưa kịp ừ hử gì thì Thu đã biến mất ra ngoài đường. Tôi khẽ khàng ngồi xuống cái sofa, nhìn quanh quất trong phòng khách. Gian phòng tĩnh lặng một cách lạ thường. Đúng là mỗi nhà là một thế giới khác, chứa đựng biết bao nhiêu điều, bao nhiêu bí mật, mà người ngoài không thể hiểu nổi. Trên vách không có tranh ảnh gì cả, chỉ có một bức hình của ba má Thu đặt trên cái tủ chè nằm im lìm trong góc phòng. Thu là con một trong gia đình, tôi chỉ biết có vậy thôi.
Tôi ngồi lóng ngóng một mình chưa đầy năm phút thì Thu đã về. Anh ào vào trong nhà như một cơn gió, tay cầm một điếu thuốc đang cháy dở. Hôm nay tôi mới biết là Thu hút thuốc, trước đây chưa bao giờ thấy anh phì phèo thuốc lá cả. Có điếu thuốc, Thu như tỉnh hẳn ra, và vui vẻ nữa:
“Thuỳ Linh đợi có lâu không? Để tôi vào pha cà-phê uống nhe. Linh uống đen hay có sữa?”
“Cho Linh chút sữa”—tôi e dè nói, không còn tự tin như mọi lần.
Thu vào bên trong một chốc rồi trở ra với hai tách cà-phê trên tay. Anh nhẹ nhàng đặt hai cái tách xuống bàn rồi lên tiếng mời tôi. Khi tôi với tay nâng cái tách lên, Thu lại đánh diêm mồi thêm một điếu thuốc nữa.
“Hồi giờ Linh có thấy Thu hút thuốc đâu!”—tôi nói, giọng như có một chút trách móc.
Thu rít một hơi thuốc dài, mắt lim dim nhìn làn khói trắng anh vừa nhả ra, khoan khoái, nói với giọng hờ hững:
“Tôi còn nhiều điều Thuỳ Linh chưa biết lắm.”
Tôi không biết đáp lại câu đó làm sao lên chỉ im lặng hớp một ngụm cà-phê sữa cho khỏi thấy trống trải. Sau đó thì tôi biết mình có thể nói gì:
“Thu pha cà-phê sữa khéo lắm. Không quá đắng, không quá ngọt.”
“Ước gì đời mình cũng được thăng bằng như vậy”—Thu tiếp lời tôi nói.
“Sao Thu có vẻ chán đời như vậy?”—Lần đầu tiên tôi mới nhận thấy Thu có đôi mắt thăm thẳm, như chứa đựng nhiều điều u uất.
“Đời đáng chán hay không đáng chán, cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm”—Thu đọc lên hai câu thơ như để trả lời tôi, mà cũng như cùng tác giả hỏi một câu đầy triết lý đó—“Thuỳ Linh có biết ai là tác giả hai câu này không?”
“Chịu!”—tôi lắc đầu—“Nghe câu này đâu đó mà Linh không biết là của ai.”
“Của Tản Đà đó Linh. Cả trăm năm trước mà ông đã hỏi câu này rồi!”—Thu nói, như đang ở một nơi nào khác.
Chợt như trở về với thực tại, Thu nhìn tôi soi mói:
“Tại sao hôm nay Thuỳ Linh lại ghé chơi? Có phải là vì Linh nghĩ tôi có ý gì với Linh không?”
Bị một câu hỏi quá bất ngờ, tôi nghe lạnh cả mình. Tôi không dè Thu lại hỏi thẳng thừng như vậy. Phản ứng, ngôn từ trong tôi bay đi đâu mất cả. Tôi ngồi ngây ra như tượng, chẳng nói chẳng rằng. Chắc thấy tôi tội nghiệp quá, Thu hạ thấp giọng, dịu dàng nói:
“Xin lỗi Thuỳ Linh nhiều. Tôi ăn nói đường đột quá. Tôi không có ý làm Linh buồn.”
Bấy giờ, tôi đã trấn tĩnh lại phần nào, nói rời rạc:
“Thu đâu có lỗi gì. Thu chỉ nói lên những gì Thu nghĩ mà. Người đường đột mới chính là Linh đây.”
Thu nói, như đang trong một giấc mơ:
“Ừ, mà Thuỳ Linh nói đúng đó. Tôi có ý gì với Linh thật. Tôi quý Linh lắm, quý hơn Linh có thể tưởng tượng được. Nhưng... tôi không dám tiến xa hơn chút nào nữa, vì... vì... vì một lý do mà tôi không muốn cho Linh biết. Chẳng có ích lợi gì cả. Chẳng có ai sửa đổi được gì đâu.”
Tai tôi như ù đi, không còn nghe Thu nói nữa. Tôi loạng choạng đứng lên, lúng búng mấy lời từ giã, rồi quay ra cửa, đi như trốn chạy. Con bé lọ lem ngày nào lại chạy như ma đuổi, như lịch sử vẫn muôn đời lặp lại. Có khác chăng là tôi không làm rớt lại chiếc giày nào, vì dẫu có thế, cũng chẳng ai buồn nhặt lên để tìm lại chủ nhân của nó chi cho phiền toái. Buổi trưa hôm ấy trời nắng gắt, mà hồn tôi nghe lạnh lẽo tựa mùa đông.
o O o
Ngày tháng như khoác lại bộ cánh buồn bã cũ, còn tôi mang lại chiếc mặt nạ ngậm ngùi tưởng đã quên đi. Tôi hí hoáy mấy dòng thơ vào trang nhật ký tội tình:
Con lòng tong nhỏ trôi đi
Bâng khuâng buồn lại phương phi giữa trời
Thêm một lần bước rong chơi
Thấy trang kinh ấy là lời hư không
Sau hôm ở nhà Thu về, tôi lên văn phòng khóm xin nghỉ dạy bình dân học vụ. Họ bắt tôi phải chuyển qua đi lao động hai tháng một lần. Tôi nhận lời ngay, không nghĩ ngợi gì cả. Thôi thà lâu lâu phải đi ra khỏi thành phố, làm việc tay chân, có lẽ cũng tốt cho đầu óc khỏi vướng bận gì. Tôi còn muốn trốn chạy luôn thành phố này. Nhưng sao lúc nào tôi cũng phải trốn chạy hoài vậy nhỉ. Tôi còn biết đi đâu đây. Nơi này là nơi chôn nhau cắt rốn, tôi có trốn được nó thì cũng đâu thể nào trốn tránh chính mình. Tôi là nạn nhân của chính tôi chứ nào phải của ai.
Không biết tự lúc nào, tôi trở lại với thói quen đạp xe đi loanh quanh thành phố. Thành phố thân quen, im lìm, chịu đựng này mà tôi đã tạm thời quên bẵng lâu nay, bây giờ như ôm choàng lấy tôi, bao dung, vỗ về. Thành phố không giận tôi, còn tha thứ cho tôi, còn thương xót cho tôi nữa. Tôi đạp xe đi miên man, từ con đường này qua con đường khác, đi dưới những tàng cây rậm rạp toả bóng mát, hay băng qua nhiều con phố chỉ toàn là các dãy nhà sừng sững hai bên đường, không có lấy một bóng râm. Đi trong thành phố mà hồn tôi thả tận đâu đâu, trong đầu chỉ hiện lên hình ảnh những dòng sông—dòng sông tôi đã thấy, dòng sông tôi chưa bao giờ thấy, và, chợt tôi nghiệm ra rằng sông có khác gì biển đâu. Sông cũng tràn đầy nước và nước như biển cả, cũng dạt dào cảm xúc, nhớ thương, buồn giận, cam chịu, lặng lờ. Sông ngọt ngào, trầm lắng; biển mặn mà, đôi khi thịnh nộ. Nhưng con sông nào rồi cũng quay ra biển, hoà nhập vào vùng nước mênh mông, mang lại nhiều hương vị pha trộn lạ lùng, khó hiểu.
Ngày trước, lẽ ra tôi đã nói với Vũ:
“Linh biết dòng sông này sẽ chảy về đâu rồi Vũ ạ.”
Vũ sẽ hỏi:
“Về đâu hở Linh?”
Tôi sẽ khẽ vuốt những sợi tóc bay trong gió, đang mơn man gương mặt mát rượi của mình, mỉm cười đáp:
“Về biển cả. Và khi ra đến biển rồi thì không còn đâu là biên giới nữa. Ở Nha Trang, Linh cũng có thể ‘cảm’ được đoạn sông này của dòng sông Dinh.”
Hay tôi đã hỏi Việt:
“Anh có biết vì sao Ti không muốn ra dòng sông Tắc với anh không?”
Rồi tôi sẽ tự trả lời câu hỏi của mình:
“Vì Ti không muốn bị thất vọng. Nếu Ti chưa bao giờ thấy dòng sông, nó sẽ mãi mãi đẹp và huyền ảo trong trí tưởng tượng của Ti.”
Nếu Việt có hỏi gì, chắc tôi cũng chỉ khẽ cười và đổi sang đề tài khác.
Với Thu, chắc tôi sẽ không bao giờ có dịp nói chuyện với hắn nữa. Nhưng giả dụ có một lần nào đó được ngồi bên Thu (tôi phác hoạ ra hình ảnh Thu đang cầm hững hờ một điếu thuốc trên tay. Gương mặt hắn xấu xí nhưng đầy nét quyến rũ như nhà văn Jean-Paul Sartre), tôi sẽ hỏi Thu:
“Nhà Thu ở gần biển hơn nhà Linh. Biển có đóng một vai trò gì trong đời sống của Linh không?”
Tôi hình dung ra vẻ trầm tư của Thu, mờ ảo sau làn khói thuốc. Hắn sẽ chậm rãi trả lời:
“Sao Thuỳ Linh hỏi một câu bất ngờ quá vậy? Làm như Linh biết được cảm xúc của Thu vậy. Quả tình là biển rất quan trọng đối với Thu. Biển là người bạn thầm lặng mà Thu có thể gởi gấm hết tâm tình, về những điều Thu không thể nói với bất cứ người nào khác.”
Tôi sẽ hỏi bằng một giọng thật dịu dàng:
“Sao Thu lại u uất đến dường ấy? Linh không thể san sẻ một chút gì với Thu sao?”
Tất nhiên là Thu sẽ lặng yên, và để thay câu trả lời, hắn sẽ đưa điếu thuốc lên môi, rít một hơi thật dài. Đốm lửa trên đầu điếu thuốc sẽ loé sáng lên, rực rỡ, và Thu sẽ thở ra những vòng khói trắng, bay mênh mông vào không trung. Và tôi sẽ ngậm ngùi im lặng theo, ngất ngây, say nhè nhẹ trong mùi thuốc lá, tưởng chừng như người ngồi đó là Việt. Như quá khứ chưa bao giờ mất đi, như những cảm xúc của tình yêu vẫn muôn đời còn đó.
Thu ngồi đó, mà như ngồi ở đâu đâu. Tôi ngồi bên cạnh, mà như ngồi ở một tinh cầu khác. Mỗi chúng tôi là một thế giới hết sức riêng tư, không tài nào bước vào được. Ồ không, không chỉ là một thế giới, mà là cả một vũ trụ, thăm thẳm, khó hiểu, trải dài đến vô cùng vô tận. Mỗi chúng tôi là một cái chấm nhỏ trong vũ trụ bao la, mà cũng chứa đựng cả một vũ trụ bất tuyệt trong lòng của mỗi đứa.
Chiều hôm trước, trong ánh nắng vàng nhàn nhạt, buồn bã đang phủ nhẹ lên cả thành phố, tôi lại đạp xe đi rong. Chiếc xe đạp cũ kỹ của tôi kêu lên ken két, thật trái ngược với nỗi niềm câm nín nặng nề trong tôi. Lúc xe rẽ qua đường Yersin, đi qua trước bệnh viện thành phố, tôi chợt thấy Thu và mẹ từ trong cổng bệnh viện đi ra. Thu đang dìu mẹ đi, nét mặt người mẹ như thất thần, mệt mỏi, bệnh hoạn. Tôi muốn dừng xe lại, xuống chào mẹ Thu và hỏi thăm hai mẹ con, nhưng chợt quyết định thật nhanh rồi tiếp tục đạp xe về phía trước. Chắc Thu đang bận bịu, không nhìn thấy tôi. Có lẽ hai mẹ con cũng không lòng dạ nào để chào hỏi tôi lúc ấy. Nhưng... chắc vì mẹ Thu bị bệnh nặng hay sao mà Thu có những thái độ. lời lẽ khó hiểu dành cho tôi hôm tôi đến nhà chơi, phải chăng là như thế. Thốt nhiên, tôi thấy thương Thu quá đỗi. Hoá ra Thu đang buồn vì bệnh tình của mẹ mình nên tỏ ra yếm thế, lạnh nhạt với tôi. Tôi đến thật không phải lúc. Nghĩ đến mình, tôi thầm cảm tạ ơn trên đã cho tôi thật nhiều may mắn. Ba má, anh chị em trong gia đình tôi vẫn mạnh khoẻ, bình an. Tuổi mới lớn của chúng tôi phải được vô tư, phải được hưởng những ngày xanh tươi mát, hồn nhiên, chứ đâu phải nặng lòng với những nghịch cảnh trong gia đình.
o O o
Thấy tôi vắng mặt trong buổi dạy tuần trước, Thanh ghé nhà tôi hỏi thăm vì sao. Tôi bình thản trả lời:
“Tự nhiên chán dạy rồi, Thanh ơi! Thuỳ Linh xin nghỉ luôn rồi.”
Thanh nhìn tôi, dò xét:
“Thuỳ Linh với Thu có chuyện gì không, mà tôi thấy hắn thay đổi lắm. Buồn hẳn ra, lầm lì còn hơn trước nữa.”
“Ai biết được!”—tôi nhún vai, cố làm ra vẻ thản nhiên, bất cần. Tôi muốn kể cho Thanh nghe mình có thấy Thu và mẹ trước cổng bệnh viện, nhưng nghĩ sao lại thôi. Chắc Thu cũng không muốn ai biết chuyện này.
Thanh lại hỏi:
“Hay là Linh giận tôi?”
Tôi bật cười, giả lả:
“Trời đất ơi, Thanh có làm gì để Linh giận đâu chứ!”
Thanh không để ý đến câu trả lời của tôi lắm. Hắn nói, giọng trầm ngâm:
“Thật ra thì... Thu với tôi đang... giận nhau, Thuỳ Linh à.”
Tôi tròn mắt:
“Hai ông mà giận nhau? Đàn ông con trai mà cũng bày đặt giận với hờn nữa sao?”
Thanh cười cười:
“Ai nói phụ nữ được độc quyền giận dỗi há?”—ngừng một chốc, hắn thấp giọng nói—“Nói giận thì cũng không đúng, chỉ là... mất hứng nói chuyện với nhau thôi.”
Tôi tò mò:
“Nhưng tại sao lại có chuyện như vậy?”
“Vì Thuỳ Linh đó!”—Thanh buông thõng câu trả lời.
“Vì Linh?”—tôi lại trợn mắt lên—“Chuyện gì kỳ cục vậy?”
Thu ngó lên tàng cây nhãn trong vườn nhà ông ngoại để tránh ánh nhìn của tôi:
“Vì tôi hỏi Thu có thích Thuỳ Linh không.”
Lần này thì tôi không biết nói gì nữa, chỉ tiếp tục nhìn Thanh, chờ nghe tiếp câu chuyện, hai mắt vẫn tròn xoe.
“Hắn không trả lời, mà hỏi lại tôi y như vậy.”
Tôi thấy vui vui, khoanh hai tay lại, đợi câu trả lời cho câu hỏi của mình:
“Rốt cục thì ai là người trả lời câu hỏi đó?”
Thanh mím môi:
“Không ai cả. Mà đâu có cần ai phải trả lời. Bộ Linh không tự biết được sao?”
Bây giờ thì tôi thấy luống cuống. Im lặng một lúc lâu, tôi mới nói, ngượng ngùng:
“Chỉ có vậy thôi mà hai ông giận nhau?”
“Rồi tôi hỏi tiếp,”—Thanh nói như thầm thì—“Bộ ông ghen hả? Nói xong, tôi nhìn thẳng vào mặt Thu. Hắn cười gằn, khoanh hai tay lại trước ngực, nói rõ từng tiếng ‘Ông ghen với tôi thì có!’”
Tôi nghe những lời đối đáp do Thanh kể lại mà gần như nín thở. Niềm kiêu hãnh được hai đứa con trai cãi nhau vì mình chợt nhường cho nỗi lo sợ. Tôi nóng ruột hỏi:
“Rồi sao nữa? Hai ông không... đánh nhau chứ?”
“Suýt nữa thì có chuyện lớn, Thuỳ Linh ạ,”—Thanh cười nửa miệng—“Cái bản mặt của Thu lúc ấy tôi thấy sao mà đáng ghét thế, chỉ muốn tát cho một cái mới hả. Nhưng tôi kiềm cơn giận lại kịp, chỉ bỏ đi một mạch, không thèm nhìn lại. Đêm đó là đêm cuối cùng Linh còn đi dạy với tụi tôi, sau khi Linh đã chia tay đi về nhà.”
Tôi thở dài:
“Chắc hai ông hiểu lầm nhau đó thôi. Bạn bè như tụi mình mà giận nhau thì đáng tiếc lắm.”
Tôi còn muốn nói thêm— “Vả lại, hình như gia đình Thu đang có chuyện không vui,” —nhưng tôi chỉ đứng làm thinh một hồi lâu. Thanh cũng không nói gì nữa, lặng lẽ gật đầu chào tôi rồi ra về.
o O o
Nhưng chỉ một tuần sau đó, Thanh lại hộc tốc chạy đến nhà tôi:
“Thuỳ Linh biết gì chưa? Thu chết rồi!”
Tôi nghe mà rụng rời tay chân, lắp bắp hỏi lại Thanh:
“Thanh nói gì? Ai chết? Tại sao Thu lại chết?”
Thanh không trả lời. Hắn đứng khóc ròng. Lần đầu tiên tôi thấy Thanh khóc. Nước mắt tôi cũng giàn giụa từ lúc nào. Hôm tôi đến chơi với Thu, không biết câu chuyện ngày hôm đó có liên quan gì đến cơ sự này không. Tôi lại hỏi:
“Mà tại sao Thu chết mới được?”
Thanh mếu máo đáp:
“Nó tự tử, Thuỳ Linh à. Uống mấy chục viên Chloroquine lận!”
Trời như đang sụp lên đầu. Đất như sụt dưới chân. Tôi vẫn lắp bắp:
“Tại sao lại tự tử?”
Thanh đã bình tĩnh lại một chút, nhưng giọng hắn vẫn đầy nước mắt:
“Thu bị một chứng nan y. Nó chọn cách tự mình quyết định mạng sống. Ba má nó cho tôi biết như vậy.”
Hai mắt tôi lại nhoà đi. Thanh ra về lúc nào, tôi không hề hay biết. Những lời nói của Thu hôm nào, có ngờ đâu là những lời cuối cùng tôi nghe được. Bây giờ. nghĩ lại, tôi thấy đó nghe ra như những lời trăn trối. Thu còn trẻ quá, trẻ quá... mà sao... mà sao... Tôi cảm thấy mình như chợt trở thành một chứng nhân bất đắc dĩ, nghe được những lời tâm sự của Thu, mà không có can đảm kể lại với ai, vì chính mình cũng đóng một vai trò khó nói trong câu chuyện đó.
Tôi bị sốc nặng. Những ngày tháng kế tiếp, tôi không còn nhớ ra khi nào là khi nào nữa. Tôi chỉ kể lại vắn tắt cho má nghe câu chuyện của Thu, cắt bỏ phần có mình trong đó. Ngày cử hành tang lễ của Thu, tôi chỉ dám đứng xa xa nhìn, không dám lại gần một sự thật vô cùng khủng khiếp. Người nào, kể cả Thanh, biết được tôi quen với Thu ra sao mà không đến nói được một lời chia buồn với ba má Thu, hẳn phải cho tôi là kẻ hết sức vô tình, quá đỗi bạc bẽo. Nhưng tôi không thể nào làm gì khác nữa.
Khoảng một tháng sau, vào một buổi trưa nắng gắt, tôi đang ngồi rầu rĩ bó gối trên chiếc giường của mình, ngó mông ra cửa sổ, thì má ghé đầu vào phòng tôi, bảo:
“Thuỳ Linh, có ba của Thu ghé, muốn gặp con.”
Tôi hết hồn, nhớn nhác đứng dậy, vuốt vội mái tóc, bước vội ra khỏi phòng.
Ông Quy đang đứng trước hàng hiên. Má mời ông vào phòng khách, rồi xuống bếp mang lên tách trà nóng:
“Mời anh dùng nước. Xin chia buồn với anh chị nhiều về chuyện cháu Thu. Anh ngồi đây nói chuyện với Thuỳ Linh nhé.”
Ba Thu nói lời cám ơn với má. Bà rút lui vào trong, còn lại tôi ngồi lóng ngóng, đối diện với ba của Thu. Tôi thu hết can đảm, nói với ông:
“Thưa bác, cháu xin lỗi bác thật nhiều đã không đến tiễn đưa anh Thu. Vì cháu... cháu...”
Tôi nghẹn ngào không nói tiếp được nữa. Ông Quy vội nói, giọng bùi ngùi:
“Bác thông cảm, cháu không cần giải thích. Hôm đó bác có thấy cháu đứng từ xa nhìn đến. Bác đoán cháu cũng có lý do riêng, nhưng bác tôn trọng cháu. Không có gì đâu.”
Tôi nhìn ông với ánh mắt biết ơn, hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Ông Quy ái ngại nhìn tôi. Hai mắt ông ráo hoảnh. Chắc ông đã khóc hết nước mắt, hay cũng có khi ông không nhỏ được giọt nào, để cho niềm đau khổ còn tăng lên biết bao nhiêu lần.
“Chắc cháu cũng thắc mắc vì sao hôm nay bác lại đến đây gặp cháu,”—ông Quy hắng giọng—“Thu nó mất đi, để lại hai lá thư, một lá cho vợ chồng bác, còn một lá là dành cho cháu đây.”
Ông móc túi lấy một phong thư dán kín, chìa ra cho tôi. Tôi sững sờ đưa tay ra đón lấy cái phong bì, đầu óc vô cùng hoang mang. Tôi không mở miệng ra nói được một lời nào. Mọi cảm xúc của tôi như đang đông cứng lại, tôi không biết phải vui hay buồn, phải cười hay phải khóc.
Giọng ông Quy vang lên đều đều trong buổi trưa vắng lặng:
“Bác đoán Thu phải có cảm tình rất đặc biệt với cháu nên mới để lại lá thư này, ngoài lá thư dành cho hai bác. Bác muốn cám ơn cháu, vì đến đây để đưa lá thư này cho cháu, tự nhiên bác có một cảm giác thật ấm áp, như một niềm an ủi trong nỗi đau buồn sâu đậm của bác, như một níu kéo điều gì đã mất, dầu là trong tuyệt vọng.”
Ông Quy đứng lên:
“Cháu mở thư ra đọc nhé. Mong là Thu không làm cháu buồn thêm qua những lời lẽ nó viết trong đó. Bác về đây.”
Tôi thẫn thờ đứng lên tiễn ông Quy ra ngoài cổng, lí nhí lời chào và cám ơn ông. Nhìn dáng ông đi xiêu vẹo trong nắng trưa buồn bã, tôi nghe như nát tan trong lòng, và sực nhớ ra là mình đã quên mời ông uống nước.
Tôi quay vào trong nhà. Má đứng dưới bếp ngó lên, không nói gì. Chắc má cũng nghe loáng thoáng những gì ba của Thu nói với tôi. Bà đứng yên, không bước lên nhà trên, để mặc tôi chạy vào phòng. Tôi ngồi xuống giường, hồi hộp mở phong bì ra, đọc lá thư của một người đã không còn nữa.
Nha Trang ngày... tháng... năm...
Thuỳ Linh rất quý mến,
Chữ nghĩa sẽ còn mãi mãi, cho dù người viết chúng ra sẽ không còn nữa. Tôi viết ra những dòng này mà cũng thấy rợn cả người vì ý nghĩ đó. Ngay lúc này, tôi có một tâm tình rất ư là mâu thuẫn. Một mặt, tôi ước ao rằng Thuỳ Linh mến, không, rất mến tôi, và còn hơn như vậy nữa... để khi tôi ra đi cũng còn được một chút niềm vui cuối cùng mà cuộc sống đã tặng tôi. Mặt khác, tôi cũng mong là Thuỳ Linh chỉ... thích tôi một chút, một chút xíu thôi, để khi tôi không còn trên cõi đời này thì nỗi buồn của Linh dành cho tôi sẽ chỉ nhẹ như một làn gió thoảng.
Tôi không muốn nói rõ hơn điều gì nữa, vì lá thư này tự nó đã nói lên tất cả những tình cảm của tôi dành cho Linh. Giờ phút này, tôi còn ngồi đây viết những dòng chữ mà Thu đang đọc cũng đã là một cố gắng quá sức của tôi. Vì đáng lẽ ngay bây giờ phải là lúc tôi sám hối, gục đầu chịu tội bất hiếu không biết đến kiếp nào mới gột rửa được đối với ba má tôi.
Nhưng tôi vẫn mong ba má tôi cuối cùng rồi cũng hiểu được quyết định tàn nhẫn của tôi đối với mạng sống của chính mình. Bác sĩ đã cho tôi biết tôi không còn bao lâu nữa. Vậy thì tại sao tôi phải tự giết lần giết mòn mình vì bị nỗi sợ hãi gậm nhấm từng phút, từng giây? Nói khác đi, tôi đã thách đố định mệnh trớ trêu bằng cách chứng tỏ cho nó thấy chính tôi, chứ không phải nó, mới là người định đoạt số phận của mình. Tôi mong Thuỳ Linh, bằng cách này hay cách khác, cũng sẽ hiểu được điều này.
Xin lỗi Linh về những lời nói sống sượng của tôi trong lần gặp nhau của tụi mình, lần đầu mà cũng là lần cuối. Tôi cố tình làm cho Linh ghét tôi để quên tôi đi, và cũng để cho tôi không có lý do gì để gặp lại Linh nữa. Bây giờ thì có lẽ Linh đã hiểu tại sao hôm đó tôi lại ăn nói như vậy.
Cuối cùng, tôi muốn cám ơn Thuỳ Linh thật nhiều, thật nhiều, đã mang lại cho tôi niềm vui, dù rất đỗi mong manh, trong những ngày tháng còn lại của tôi (mà chắc Linh cũng không ngờ đến). Tôi không mất đi tất cả, vì tôi vẫn còn tình thương vô bờ bến của ba má tôi, còn tình cảm của Linh dành cho tôi, dẫu nhiều, dẫu ít.
Cũng nhờ Linh chuyển lời xin lỗi chân thành của tôi đến Thanh. Thanh là một người bạn rất tốt mà tôi đã gặp, dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Không biết Thanh có kể lại chuyện đáng tiếc giữa hai đứa tôi cho Linh nghe chưa, nhưng tôi phải mến Thanh nhiều hơn thay vì bực hắn mới phải. Dầu gì đi nữa, chúng tôi cũng cùng chí hướng, cùng yêu mến một người, chẳng khác gì hai kẻ có cùng khiếu thưởng ngoạn văn chương hay nghệ thuật vậy.
Thuỳ Linh ở lại, sống cho thật tràn đầy, thật vui vẻ nhé. Chúc Linh đạt được những mộng ước của mình, ở nơi này, hay ở một phương trời xa xôi nào đó.
Người bạn thoáng qua đời Linh,
Thu
Vài giọt nước mắt của tôi rớt xuống lá thư. Tôi rưng rưng gấp tờ giấy lại, ấp vào lồng ngực của mình hồi lâu. Trong một thoáng, tôi thấy mình lớn hẳn ra, không còn là con nhỏ Thuỳ Linh vô tư ngày xưa nữa. Nhưng hình như tôi cũng ngậm ngùi từ giã hồn nhiên từ lâu rồi mà, từ lúc xa Vũ, xa Việt—và bây giờ—xa Thu mãi mãi. Tôi lẩn thẩn tự hỏi, giữa một người còn sống mà mình sẽ không bao giờ gặp lại, và một người đã mất đi thật sự, có gì khác nhau không. Hay với tôi, tất cả những kẻ đó đều đã chết hẳn, và đối với họ, tôi cũng đã chết từ lúc chúng tôi chia tay nhau.
Một chiều nọ, má đi đâu vắng. Tôi ở nhà một mình, thấy ngôi nhà như rộng hẳn ra, và tôi thì tự dưng nhỏ bé hẳn lại. Tuổi vừa lớn, tôi say mê khám phá những tình cảm mới lạ, mà tình cảm nào rồi cũng đem lại cho tôi những ê chề và bẽ bàng. Lâu nay tôi như quên mất má, quên đi một tình thương không bờ bến, không điều kiện. Tôi thấy thương má quá, và có lỗi với má thật nhiều. Tôi chỉ ích kỷ chạy theo những hình bóng xa vời, hiếm khi để ý đến má, săn sóc má. Thấy bà còn đi ra đi vô, còn nói nói cười cười, còn làm việc này việc nọ, tôi đã ỷ y quá đáng, coi như chuyện đã đành. Thốt nhiên, tôi giật mình nghĩ đến ngày má sẽ ra đi. Chẳng lẽ đến lúc đó tôi mới biết thương má hay sao.
Tôi ứa nước mắt, nhủ thầm lát nữa má về, tôi sẽ sà vào lòng má, sẽ hôn lên cái lưng gầy gò nhẫn nhục của bà. Chắc má sẽ vui lắm, nhưng bà sẽ làm bộ như bực mình, nhéo cho tôi vài cái rõ đau, và miệng thì càu nhàu:
“Cái con này! Lớn rồi mà cứ nhõng nhẽo như mới lên năm lên ba!”
Tôi giụi mắt, đến gần cái bàn học trong phòng, kéo cái hộc ra, cầm lên cuốn nhật ký của mình. Ngồi xuống giường, tôi lần giở ra những trang giấy chép đầy những dòng chữ, lúc nắn nót, lúc ngoằn ngoèo, như những tâm trạng khác nhau của tôi. Những dòng chữ như nhảy múa, toát ra nhiều âm thanh khác nhau, khi thì bi tráng, lúc thì cuồng nộ hay nức nở. Và những câu thơ buồn bã, ai oán, trách móc, chen vào những lời văn chất đầy tâm sự sâu kín.
Tôi đó sao, tôi của những năm đầu đời không may mắn với những mối tình qua mau như một làn gió biển mong manh, ngỡ ngàng khám phá những ngõ ngách tối tăm của đời sống, để rồi quay lại bên ngày tháng cũ, bên người mẹ khoan dung, trong căn nhà thường là chứng nhân của những tiếng thở dài kín đáo.
Tôi nhìn lại cuốn nhật ký lần cuối cùng, rồi đi ra bếp, tìm cái hộp diêm. Tôi mang cuốn vở ra phía sau nhà, bỏ nó vào một cái chậu hoa bỏ không rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa từ từ liếm từng trang giấy. Cuốn vở cong oằn lên trong cơn thiêu đốt. Tôi lại rớt nước mắt, không biết khóc cho cuốn nhật ký, cho Thu hay cho chính mình.
Má đã về từ lâu. Bà không thấy tôi đằng trước nên ra phía sau tìm tôi. Tôi biết má đang đứng sau lưng nhưng không quay lại, sợ bà thấy gương mặt đẫm nước mắt của mình. Tiếng dép lẹp xẹp của má xa dần, chắc bà đã quay lại nhà trên. Tôi ngồi nấn ná thêm một chút, đợi cho nước mắt khô rồi sẽ chạy vào nhà, ôm lấy má như đã hẹn với lòng...
... Rồi một hôm tôi xuống thuyền vượt biên. Ngồi trên chiếc ghe nhỏ nhốn nháo gần cả trăm người ép vào nhau như cá hộp, tôi ngoảnh lại nhìn đất liền từ từ xa trong tầm mắt. Hờn núi sông anh lạc xứ xa miền. Câu thơ của Bùi Giáng chợt hiện lên trong đầu tôi ngay trong giây phút đó. Ừ, tôi đang hờn núi sông, hờn luôn cả những ai đã làm tôi sầu héo, hờn luôn chính mình cũng cam làm kẻ bội bạc. Xin giã từ quê hương yêu dấu. Giã từ Nha Trang. Giã từ Phước Thiện. Giã từ Võ Cạnh. Giã từ luôn vùng biển quê nhà và những dòng sông năm cũ.
-- Trần C. Trí
Subscribe to:
Posts (Atom)
Blog Archive
-
▼
2024
(1363)
-
▼
July
(99)
- Tulsi Gabbard Explains Who Actually Runs The Gover...
- Viêm Phổi Ở Người GiàMùa đông năm nay có vẻ sẽ...
- Ma Cũ Ma MớiĐồng hương đồng xóm đồng làngĐồng nào ...
- TẠI CÁI ĐIỆN THOẠI-Tiên sư cái điện thoại.- Điện t...
- Kỳ lạ thành phố không có mưa suốt 600 nămNgười dân...
- Tiếng Anh Chưa Rành, Tiếng Việt Đành QuênMấy ...
- Có Khi Sông Là BiểnTranh Cẩm TâmTôi không phải là ...
- Bão và Mất ĐiệnHình do tác giả cung cấp Chuyện bão...
- TIN TỨC - 27/7/2024DƯ ÂM ÁM SÁT HỤTGiám đốc Sở Mật...
- CÂU CHUYỆN CHỐNG CỘNGTuần rồi đã xuất hiện một ema...
- ĐẢO CHÁNH KIỂU MỸChuyện phải tới đã tới, không có ...
- Medicare Dưới Đại Nạn Di Dân Lậu - Phần 2Chẳng phả...
- ĐÁ NỞ HOATuyệt tác của thiên nhiênNhững viên đá mà...
- NấmNgười Huế mỗi năm cứ đến mùa nấm tràm thì ré lê...
- Nhà dưỡng lão Thanh TâmHồi những năm 1976-1985, là...
- Nhớ giọng hát trầm ấm của quái kiệt Trần Văn Trạch...
- Di cư vào Nam…Máy bay quân sự Việt Nam bay qua đám...
- Tháng 5 mùi xoàiTháng Năm ở đây là dấu hiệu của mù...
- Dr. Ben Carson: The Left’s Worship of Kamala Harri...
- Chỉ có thể là truyện ngụ ngôn trong sách vởChuyện ...
- Măng cụt.Hồi đó... !Lại hồi đó Qui-nhơn không có m...
- Những Cô Học Trò Và Đôi Điều Khó NóiHoàng ChínhTrư...
- Thứ nào sẽ tốt hơn cho cổ họng của bạn - mật ong h...
- Cách Phòng Ngừa Tốt Nhất cho Người Lớn Tuổi Có Ngu...
- Bên Bờ Tử SinhTác giả Đỗ Dung*****Buổi sáng thứ bả...
- Thảm Họa Đập Tam Hiệp Đưa Tàu Cộng Xuống Vực Sâu |...
- Tại sao thực phẩm động vật lại tốt cho trí óc? Khẩ...
- LẨM CẨM TUỔI GIÀ CỦA TÔI...Chuyện của bạn cũng ch...
- Âm mưu giết Trump lên đến đỉnh điểmTác Giả : Cliff...
- Hoa Thiên Lý Đâu Rồi?Tôi để hai túi xách lên trên ...
- BÀ GIÀ TAO LÀ MỘT PHỤ HUYNH TUYỆT VỜI1. Từ lúc mới...
- Đoạn trường ... cơm chỉ!Ở khu Quận Cam này thì có ...
- Biden, một thây ma biết đi, một con người vô cùng ...
- Joe Biden và Ðảng Dân Chủ Ðang đưa Dân Mỹ vào tay ...
- DI CƯ 1954Ngày này cách đây 70 năm, gia đình tôi c...
- CHƯA HẾT THỦ ĐOẠN ĐÂU!Chúng ta đang chứng kiến một...
- Lời cầu nguyệnKhông biết các bạn ở Mỹ đang nghĩ gì...
- Trần Hoài Thư và Ngọc Yến với con chim chằng nghịc...
- TIN TỨC - 20/7/2024DƯ ÂM ÁM SÁT HỤTTrump thoát chế...
- Medicare Dưới Đại Nạn Di Dân Lậu - Phần MộtTuần qu...
- CON RỐI BIDEN VÀ CHỦ TRƯƠNG XÃ NGHĨA HÓAChính trườ...
- Cái tánh Miền Nam không cònChợ búa Miền Nam ngày n...
- Cái miệng Cái miệng có hai chức năng chánh: ăn và ...
- Nghề thụ phấnFB Tam AnEm có cây gấc ươm từ hạt, nó...
- Mít Mã Lai Mỗi quả mít này có thể nặng trung bình ...
- "Nessun Dorma"FB Le HoangTrong ngày cuối cùng của ...
- 10 Tín Hiệu Cảnh Báo “Vỡ” Mạch Máu Não Không Nên B...
- "IS THIS TREASON"
- Cương lĩnh chính trị của đảng Cộng Hòa được thông ...
- Thất Thập Cổ Lai HyNhà tôi treo một "lốc" lịch ...
- Báo Thái Lan: ‘Nữ Việt kiều Mỹ đầu độc giết 5 ngườ...
- Thông điệp của phu nhân tổng thống Melania Tru...
- Tucker Carlson’s Republican National Convention FU...
- TRUMP-VANCE
- Phiên phiến tuổi giàBạn tôi, có ông tự xưng là Hai...
- AI ĐÃ GÂY RA VỤ ÁM SÁT NÀY? ĐẢNG DC VÀ TRUYỀN THÔN...
- Bóng Ma Trong Sòng Bàihình tác giả cung cấp Sau nh...
- Củ ChiTưởng Năng TiếnCuối đời, tôi hơi hốt hoa...
- "Ráng Nên Người Nhe Con"Năm con gái được 16 tuổi, ...
- TRUMP BỊ BẮNTrump bị bắn trong mít-tinhGhi chú: Bà...
- CÓ VỢ ĐẸP NHỜ EURO CUPGiải Euro Cup 2024 chủ nhật ...
- AI “MỜI” JOE BIDEN RA LẦN NỮA?“Ai mời Joe Biden ra...
- 13JUL24 | KHOẢNH KHẮC TT TRUMP THOÁT CHẾT TRONG GA...
- TIN TỨC - 13/7/2024DƯ ÂM TRANH LUẬN: BIDEN NGÀY CÀ...
- CÁC ỨNG VIÊN PHÓ CỦA TRUMPĐầu tuần tới, thứ Hai 14...
- Tổng thống Macron có điên không?Tác Giả : Nguyễn T...
- 18 năm tù cho thầy dạy võ gốc Việt tàng trữ ảnh ấu...
- " THORN IN THE HEART "THORN IN THE HEART là một tá...
- TÌNH THƯƠNG LÚC NÀO CŨNG NHIỆM MẦUTôn giáo nào cũn...
- Gặp người TPB-VNCH ở khu phố Tàu Bangkok - Chinat...
- Dược thảo độc hạiNhiều người bệnh Tiểu Đường lâu n...
- GẢ THIẾP VỀ VƯỜNHỒ TRƯỜNG ANMe mong gả thiếp về vư...
- Hoa Kỳ Mừng Ngày Độc LậpNăm nay dân Mỹ mừng ngày đ...
- DEEP FAKE LÀ GÌ?Trí tuệ con người đang dần dần bị ...
- Basilica de la Sagrada Família ở Barcelona, Tây Ba...
- Một thanh niên ở Bắc Hàn bị tử hình vì nghe nhạ...
- Biden có vấn đề gì vậy – Jill Biden, cũng vậy?Tác ...
- Tin VắnFB Le Hoang-Liên minh cánh tả Mặt trận Nhân...
- Ăn chayNhững thay đổi trong cơ thể người khi bắt đ...
- Chuyện khác thường về vài ‘chủ nhân’ Tòa Bạch ỐcTò...
- Bài thuốc chữa xoang đơn giản và hiệu nghiệm:- 1 b...
- 8 công dụng của vỏ chanhVắt chanh đừng vội bo...
- NGƯỜI NGHỆ SĨ CHÂN CHÁNH: VÂN HÙNGCa Sĩ Thanh Thúy...
- BÁC SĨ GỐC VIỆT ĐƯỢC VINH DANH LÀ “BÁC SĨ PHẪU THU...
- Gói Kẹo Tết Nó cùng tuổi với tôi, nó gọi tôi b...
- CƯƠNG LĨNH CHÍNH TRỊ CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ VÀ ĐẢNG CỘNG...
- CẦN ĐỔI NGỰA BIDEN?Tuần rồi, cả nước và cả thế giớ...
- TIN TỨC - 6/7/2024MỘT TUẦN ĐẠI THẮNG CỦA TRUMP26/6...
- Khoảnh khắc của hoài niệmCafe Tùng cách đây tầm 60...
- Rắc rối cuộc đời!Đời người quả là rắc rố...
- You'll NEVER guess who's pulling Biden's strings!
- Câu chuyện về nước míaFB Tam AnNước mía đối với ng...
- Tin VắnFB Le Hoang- Bà Le Pen đến Lebanon để gặp c...
- Hoa Kỳ trục xuất công dân Trung Quốc trong chuyến ...
- Thị trưởng Dân chủ của Oakland Sheng Thao bị cáo b...
- Ba Tôi Công cha như núi Thái SơnNghĩa mẹ như nước ...
- HỌC ĐỂ LÀM GÌ ?https://khongquanc130.blogspot.com/...
- Bắt nhóm đưa người sang Úc trái phép dưới vỏ bọc ‘...
- "Tucker Carlson’s Warning to Australians | Melbou...
-
▼
July
(99)