Friday, April 30, 2021

Vị Chua Nước Me
(Ký ức tháng Tư đen)

Nếu nói rằng suốt gần mười năm ba tôi phải ở trong cái gọi là "trại học tập cải tạo" tôi chỉ được vào thăm ba duy chỉ có một lần ở trại Hàm Tân Z30C là không hẳn chính xác. Hè năm 1975, tôi đã được mẹ dắt vào thăm nuôi ba tôi ở Năm Căn. Và hôm đó tôi còn được vào bên trong trại với ba tôi cho dù chỉ mấy tiếng đồng hồ.

Trạc sáu bảy tuổi, tôi còn quá nhỏ để hình dung hết mọi việc. Nhưng tôi còn nhớ như in việc mẹ tôi rất lo lắng không biết họ giam ba tôi ở đâu. Thế rồi chú Trang, một nhân viên cũ của ba tôi, tìm ra được là họ giam giữ ba tôi ngay trong sở ba tôi làm, Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Vùng 4, mà sau này lớn lên, tôi mới biết, nằm cạnh bắc Cần Thơ. Nhờ chú Trang giúp, mẹ tôi đã men đến hàng rào khi ba tôi bị họ bắt đem rác đi đổ. Nhờ vậy ba tôi mới kịp nhắn cho mẹ tôi biết chưa biết chừng nào mới được tự do và hãy đem các con về Sài Gòn.

Thế là mẹ tôi tất tả đưa chúng tôi về Sài Gòn. Sau nhiều tháng biệt tăm tích của ba tôi, chúng tôi nhận được lá thư đầu tiên ba tôi gửi, kèm theo tin mẹ tôi có thể vào thăm và đem theo một đứa con. Vì em út của tôi còn quá nhỏ, tôi là đứa may mắn trong bảy anh chị em được mẹ cho đi cùng.

Đường về miền Tây khá xa. Tôi nhớ man mán là đi mất cả ngày trời, rồi kiếm nhà trọ ở tạm qua đêm. Sáng hôm sau hai mẹ con dậy thật sớm, đi xe lôi đến cổng trại giam. Họ vẫn chưa cho vào vì còn sớm nên mẹ dắt tôi vào quán nước ngay ngoài cổng trại giam. Chưa kịp ngồi xuống ghế, cô chủ quán đã nhận ra mẹ tôi và tôi.

- Ủa, bà chủ đi thăm ông hả?

Té ra là chị Mến, người vú em và cũng là người làm trong gia đình tôi trước đây. Tôi nghe mẹ tôi trả lời giọng e dè.

- Mến ơi, bây giờ mà còn chủ tớ gì nữa. Xưng mợ cháu như xưa đi. Tin, chào chị đi con.

- Chèn đéc ơi, con quay lại tìm cậu mợ mà họ nói gia đinh đã dọn đi. Con cứ tưởng cậu mợ đi nước ngoài rồi.

- Đâu có. Cậu bị giam bên Cần Thơ, giờ mới chuyển qua đây nè.

- Sao mợ lại nói chữ bị giam nghe ghê vậy? Đảng và nhà nước có chủ trương khoan hồng. Cậu làm đúng chính sách sẽ được tha bổng sớm thôi.

Nghe đến đây, tôi không còn chút cảm tình với chị Mến. Nhưng rồi chị kể cho mẹ tôi biết, chị được chú Trang giới thiệu vào làm người ở thật ra là để... theo dõi ba tôi. Chị là du kích theo phe Mặt Trận Giải Phóng gì đó. Chị ta còn nói do ba tôi ăn ở đàng hoàng, nên chị đã đề nghị họ bắt cóc một vị thiếu tá khác để trao đổi tù binh với nữ tỉnh ủy Hậu Giang phe cộng sản lúc đó bị bắt.

Mẹ tôi bàng hoàng. Hèn gì bây giờ chị ấy có thể mở cái quán to như vầy. Chị tự tay bưng điểm tâm ra cho mẹ con tôi rồi hỏi mẹ tôi có cần gì chị giúp không. Mẹ tôi ấp úng từ chối. Rồi chị không thu tiền ăn sáng mà nói rằng ba mẹ tôi đã đối xử tốt với chị, nên chị luôn nhớ ơn.

Cảm ơn chị chủ quán, mẹ con tôi khệ nệ mang hai chiếc giỏ lác đầy đồ ăn khô và thuốc men, xếp hàng vào thăm ba tôi.

Cả nhà gặp nhau sau mấy tháng, tay bắt mặt mừng. Lẽ ra ba tôi ngồi một bên, mẹ con tôi ngồi đối diện, còn người công an mặc bộ đồ vàng kha ki, đội nón cối và đeo súng, đứng ở đầu bàn theo dõi, nhưng ba tôi xin cho tôi được ngồi với ba. Và tay công an trẻ kia gật đầu đồng ý.

Ba mươi phút sao mà ngắn ngủi. Ba và mẹ tôi đều khóc. Tôi nghe mẹ tôi dặn dò ba tôi giữ sức khỏe vì mẹ thấy ba ốm và tiều tụy hẳn đi.

Bỗng nhiên tôi liếc thấy chị Mến xuất hiện trong phòng chờ. Chị nói gì đó với mấy tay công an. Một người trong số họ bước đến chào và hỏi ba tôi:

- Anh được phép đem cháu vào bên trong, đến 4 giờ thì chị đến mà đón nó.

- Dạ... cảm ơn cán bộ. — Ba tôi trả lời mà vẫn còn ngạc nhiên.

Và thế là tôi được ba dẫn vào bên trong trại. Bên trong một căn nhà không có bàn ghế và các cửa sổ được đóng kín, mỗi người có một chiếc chiếu để lót nằm ngay dưới sàn. Tôi nhìn quanh và khoanh tay chào các bác, các chú. Tôi nhận ra khá nhiều người đồng sự cũ của ba tôi. Bác thiếu tá Anh. Chú đại úy Toàn. Hai chú trung uý Việt và Liêm. Mọi người xúm lại hỏi han như thể tôi là con họ vậy. Có người thắc mắc sao ba tôi có thể xin cho tôi vào được và ba tôi thật thà nói ông cũng không hiểu. Thật ra mẹ tôi chưa hề kể cho ba tôi nghe về chị Mến. Ba tôi xoa đầu tôi mà nói đùa:

- Chắc tại Tin "học tập cải tạo" giỏi.

Mọi người cười ồ, rồi có ai đó đã ra dấu nhắc im lặng, đừng cười lớn.
Giờ cơm trưa, tôi theo ba và mọi người đi xếp hàng lãnh xuất ăn. Tôi không nhớ rõ bữa ăn có gì, nhưng chỉ nhớ rằng ba nhường cho tôi ly nước me dầm đá chua chua ngọt ngọt. Tôi chưa bao giờ được uống loại nước này nên háo hức thấy sao nó ngon quá. Ba tôi nói hôm đó cả trại không phải đi làm rẫy và được uống nước me là món đặc biệt.

Rồi thì tôi nằm chèo queo trên chiếc chiếu của ba tôi mà ngủ trưa ngon lành cho đến khi ba tôi kêu dậy.
- Tin ơi, dậy con. Đến giờ rồi.

Tôi còn ngái ngủ, chào chia tay các bác các chú. Ba tôi ẵm tôi đi ngược trở lại khu thăm nuôi khi sáng. Dọc đường đi ba dặn dò tôi phải ráng học cho giỏi và nghe lời mẹ và các anh chị.

Sau cuộc chia tay bịn rịn đầy nước mắt, mẹ đưa tôi về lại nhà trọ để sáng hôm sau về lại Sài Gòn. Cả tôi và mẹ đều không biết rằng từ cuộc gặp gỡ đó, ba tôi bị chuyển ra Bắc mãi cho đến năm 1980 mới được chuyển về trại Hàm Tân Z30C.

Có một chi tiết nữa đáng nhớ là đêm đó tôi bị ngộ độc thực phẩm và bị tiêu chảy cả đêm. Tội nghiệp mẹ tôi nửa đêm chạy các nhà thuốc gác để tìm mua thuốc. Tôi lơ mơ nhớ về cái ly nước me dầm khi trưa. Ôi cái vị chua như quãng đời gần mười năm cha con cách biệt sau đó mà có khi mình không lường được sự đau đớn đến dường nào...

Tháng 4, năm 2020
Nhớ về Ba Mẹ

Tì Chương

BẪY ĐẠO ĐỨC.

"Nếu vợ và mẹ đều bị rơi xuống sông, thì bạn sẽ cứu ai trước?"

1. Chẳng cứu ai hết, mà hãy táng vào mồm đứa nào hỏi bạn câu đó. Vì nó chỉ muốn làm nhục bạn thôi, chứ nó đâu cần biết câu trả lời.

Táng nó xong, nhớ mắng thêm :
"Sao mẹ mày không rơi xuống sông, mà mày cầu cho mẹ tao té sông hả mày ?”

Bởi vì :

Nếu bạn trả lời là cứu vợ trước.
- A ha! Thằng bất hiếu !

Nếu bạn trả lời cứu mẹ trước.
- A ha! Thằng mất dạy vô cảm, ai yêu phải mày đúng là khổ một đời làm dâu làm vợ thằng ích kỷ !

Câu trả lời nào cũng vi phạm đạo đức làm người. Vậy rõ ràng, kẻ hỏi bạn câu này chỉ muốn bạn rơi vào "bẫy đạo đức", chứ nó đâu thực sự cần quan tâm bạn sẽ cứu ai.

2. Bạn không cần băn khoăn tìm câu trả lời cho vấn đề đó. Bởi vì tất cả mọi nhân viên cứu hộ, cứu nạn trên đời này đều có một nguyên tắc :

- Cứu người gần nhất trước,
- Cứu người dễ cứu nhất, thuận tiện để cứu nhất,
- Mọi sinh mệnh đều đáng giá như nhau.

Nghĩa là khi rơi xuống nước, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu đã biến mất.

Trên máy bay, áo phao cấp cứu của khoang thương gia hay khoang phổ thông đều giống nhau.

Nếu cứu nạn, người gần nhất được cứu trước, người dễ cứu nhất, tốn ít thời gian để cứu, sẽ được ưu tiên cứu trước. Không bao giờ có chuyện, xuồng cứu hộ bỏ mặc 10 người chấp chới ở gần để bơi ra cứu 1 người ở xa trước.

Vì thế, nếu trong thực tế, ai ở gần hơn sẽ được cứu trước. Và người trả lời câu hỏi ấy, không phải bạn. Bạn chỉ cần hành động theo lương tri và trực cảm thôi. Mặc mẹ những kẻ ôm áo phao đạo đức đứng trên bờ.

3. Nhưng nếu bạn không đấm được người hỏi, chỉ vì : Người yêu bạn hỏi câu ấy.

Cô ấy, thật xui xẻo, đã hỏi bạn :
- Nếu em và mẹ anh rơi xuống sông, thì anh cứu ai ?

Cô ấy lấy một thứ giả định tàn nhẫn để bắt bạn phải chứng tỏ tình yêu.
Chia buồn với bạn. Việc duy nhất bạn phải làm, không phải là trả lời câu hỏi ấy, mà là chia tay với cô gái ngu ngốc ấy.

Hãy nhớ lại mệnh đề duy nhất đúng : Kẻ đưa ra câu hỏi ấy, không phải vì muốn nghe câu trả lời của bạn, mà họ chỉ muốn đẩy bạn vào một tình cảnh trớ trêu.

Đáng sợ hơn, nếu đó là một cô gái, thì mô thức tư duy trong đầu cô ấy, rút cuộc chỉ là : "Em và mẹ anh, anh chọn ai ?”

(Sưu tầm).

Câu chuyện về Jacky Ly

MẠNH KIM

Apr 23, 2021
Jacky Ly bên cạnh một xe tăng Liên Xô ở chiến trường Afghanistan (ảnh nhân vật cung cấp)

Khó có thể biết Lý Vĩnh Thắng – tên tiếng Việt của Jacky Ly – sẽ trở thành người như thế nào nếu Thắng và gia đình vẫn còn ở một ngôi làng nghèo miền núi ở Phó Bảng, Hà Giang. Có thể Thắng là một “học sinh nghèo vượt khó” xuất sắc nhưng cũng có thể Thắng chỉ là một anh nông dân chăn bò, làm nương rẫy, như thời niên thiếu, và chôn cuộc đời ở một ngôi làng nhỏ đến mức thậm chí gần như “không có tên” trên bản đồ các tỉnh vùng núi phía Bắc Việt Nam. Câu chuyện về Jacky Ly là trường hợp điển hình của vô số gia đình Việt Nam trong đó việc quyết định tìm kiếm tự do bằng con đường vượt biên là chọn lựa duy nhất và quyết định đó đã mang lại những bước ngoặt thay đổi khó có thể ngờ…

Băng rừng vượt biên
Việc chuẩn bị được thực hiện chu đáo và cẩn thận. Trước khi đưa cả nhà đi, ông Lý Hội Quyền – cha của anh Lý Vĩnh Thắng – đã một mình lẻn sang Vân Nam-Trung Quốc để dò xét và tìm chỗ ở tạm. Một đêm năm 1987, Thắng – lúc đó 10 tuổi – cùng hai chị và đứa em gái được bố mẹ chở trên xe đạp. Hành lý mang theo chỉ là vài bộ đồ và ít thức ăn. Họ bắt đầu cuộc hành trình bí mật. Phải kín đáo và thận trọng tuyệt đối. Chỉ một dấu hiệu đáng ngờ, họ cũng có thể bị hàng xóm trình báo và bị công an bắt. Đây là lần thứ hai họ vượt biên. Lần thứ nhất, đi từ Hải Phòng, trước đó vài năm (1979), đã thất bại. Sau chuyến đi không thành đó, gia đình ông Lý đến sống ở Tân Mỹ, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Họ lầm lũi sinh nhai bằng nghề nông. Tuy nhiên, ông Lý vẫn âm thầm tìm cách thoát. Hành trình vượt biên lần thứ hai khởi hành từ đây, cách biên giới Việt-Trung đến 400 km.
Jacky Ly cùng bố và em gái (ảnh nhân vật cung cấp)

Băng qua biên giới một cách an toàn là điều không đơn giản. Vết tích cuộc chiến Việt-Trung 1979 vẫn còn in đậm. Cả hai bên biên giới đều đầy mìn và bẫy chông. Để tránh bị phát hiện bởi lính biên phòng của cả hai bên, gia đình ông Lý phải len lỏi đi trên những con đường mòn nhỏ, xuyên rừng. Có những đoạn ông Lý phải cõng đứa con gái sáu tuổi gần như suốt ngày lẫn đêm (sau này khi kể lại, ông nói rằng nếu không phải là cô con gái của ông mà là khối vàng thì ông cũng sẵn sàng vất bỏ vì quá cực nhọc).

Sau 14 ngày, gia đình ông Lý vào đất Vân Nam-Trung Quốc. Thở phào. Nhưng chưa nhẹ nhõm. Không giấy tờ tùy thân, họ có thể bị nghi ngờ, tố giác và bị công an Trung Quốc bắt đuổi trở về Việt Nam. Cả nhà ông Lý phải di chuyển liên tục và có khi phải chia ra ở rải rác. Họ chỉ tá túc một chỗ trong vài tuần rồi lại tìm nơi khác. Cuối cùng, họ đến Phòng Thành, Quảng Tây. Tại đây, ông Lý cùng một số người Việt khác, cũng vượt biên trốn khỏi Việt Nam, tìm cách đi khỏi Trung Quốc. Họ tìm được một đầu mối giới thiệu mua thuyền và thuê tài công. Họ dự tính thoát đến Macau. Nếu Macau từ chối nhận tỵ nạn, họ sẽ đi Hong Kong. Nếu Hong Kong khước từ, họ sẽ đi Nam Triều Tiên. Nếu lại bị từ chối, họ sẽ đi Nhật Bản!

Ngày 18-6-1988, 72 người tỵ nạn, trong đó có sáu thành viên gia đình ông Lý, lục tục xuống chiếc thuyền đánh cá cũ nát. Con thuyền dài 12m-rộng 3m chỉ có mái che sơ sài cho khoang động cơ. Mọi người mang theo lương thực cho khoảng 30 ngày và phó mặc số phận cho hai tài công. Sau vài ngày lênh đênh, giữa cái nắng lột da và những cơn đói dữ dội, họ bị một trận bão dập tơi bời, những tưởng thuyền bị lật úp và tất cả chết đuối giữa biển. Khi đến Bắc Hải, thành phố phía Tây Nam Trung Quốc, họ lại bị một “cú sét đánh” thậm chí choáng váng hơn: qua radio, họ biết tin Macau lẫn Hong Kong vừa tuyên bố ngưng nhận người tỵ nạn Việt Nam. Bất kỳ người tỵ nạn Việt Nam nào đến Hong Kong sau ngày 16-6-1988 đều bị đưa vào trại tập trung để trả lại quê nhà. Không lẽ quay về? Họ liều mạng đi tiếp.
Ảnh ID của Vĩnh Thắng-Jacky tại trại tỵ nạn Hong Kong (ảnh nhân vật cung cấp)

Sau 13 ngày “nướng” mình dưới nắng biển, họ đến gần Macau. Hai tài công rời thuyền. Họ được thuê chỉ để đưa mọi người đến đây, như thỏa thuận. Một người Việt, tên Thái, bất đắc dĩ trở thành người lái thuyền. Sự thiếu kinh nghiệm đi biển lập tức được “trả giá” sau đó khi thuyền va vào đá ngầm. Hỗn loạn và sợ hãi. Thật may là họ được cảnh sát biển Macau phát hiện và cứu. Sau khi giúp sửa thuyền, cảnh sát Macau yêu cầu tất cả rời đi. Mọi người lại ra khơi, gần như trong vô vọng. Cuối cùng, ngày 1-7-1988, thuyền đến Hong Kong. Đây là con thuyền thứ 47 của người tỵ nạn Việt Nam đến sau khi Hong Kong ban bố chính sách mới dành cho người tỵ nạn kể từ ngày 16-6-1988.
Jacky Ly (đi hàng đầu) vào thời điểm chỉ huy một đại đội nhảy dù (ảnh nhân vật cung cấp)

Những năm tháng ở trại tỵ nạn Hong Kong in sâu ký ức Thắng. Nếu không được bố mẹ và hai chị dạy bảo và che chở, Thắng rất có thể đã trở thành đứa bé hư hỏng đi theo đám băng nhóm giang hồ thuộc thành phần tỵ nạn đến từ các tỉnh khác của Việt Nam. Trại tỵ nạn chật chội, đông đúc, với đủ thành phần phức tạp, đã tạo thành một xã hội Việt Nam thu nhỏ nơi người ta không chỉ giành giật miếng ăn mà còn gây ra những hành vi tội phạm. Hãm hiếp và đâm chém xảy ra như cơm bữa. Sau hơn hai năm sống trong cảnh nhốn nháo, gia đình ông Lý cuối cùng được Chính phủ Mỹ đồng ý cho tỵ nạn. Họ được đưa qua Philippines sáu tháng để học tiếng Anh trước khi đến Mỹ…

Bắt đầu từ tay trắng
Nước Mỹ. North Carolina. Cuộc hành trình dài đã đến đích. Tuy nhiên, một chặng mới lại bắt đầu. Tất cả đều chỉ có hai bàn tay trắng. Họ đã rời con thuyền rách nát số 47. Họ đã rời khu ổ chuột tỵ nạn Hong Kong. Họ đang đặt chân đến một vùng đất xa lạ và tiếp tục đi trên những con đường thậm chí khó khăn và khó lường hơn cả những con đường mòn vượt rừng xuyên bóng đêm băng qua Vân Nam ngày nào. 

Phần tiếp theo của câu chuyện là chuỗi nỗ lực điển hình của gần như mọi người Việt tỵ nạn giai đoạn đó. Chen chúc trong căn nhà nhỏ được cấp tạm cho người tỵ nạn, gia đình ông Lý lao vào xã hội Mỹ với vốn liếng tiếng Anh gần như bằng không. Ông Lý phải làm ba “job” để giúp gia đình. Ban ngày ông làm thợ hàn. Ban đêm ông làm công nhân xưởng lắp ráp. Và cuối tuần ông làm nhân viên phục vụ nhà hàng. Trong khi đó, vợ ông lãnh quần áo gia công về nhà may; và hai chị của Thắng-Jacky đi làm nail sau khi học xong trung học. Jacky cũng phải đi làm thêm vào cuối tuần, từ chạy bàn đến rửa chén, cho đến khi vào đại học và vào quân đội…
Jacky Ly thời gian đóng quân ở Afghanistan (ảnh nhân vật cung cấp)

Jacky Ly và Bộ trưởng Quốc phòng (lúc đó) James Mattis (ảnh nhân vật cung cấp)

Jacky Ly (phải) thời gian làm việc tại Việt Nam (gần bốn năm) với nhiệm vụ Chánh Văn phòng hợp tác quốc phòng (ảnh nhân vật cung cấp)[ thời gian này..Jacky Ly là Trung Tá ] (Vị Đại tá.. hình như là Tôn Thất Tuấn.. Tùy Viên Quân Sự thuộc tòa ĐS/ HK)

Khó có thể biết ông Lý Hội Quyền nghĩ gì về tính mạng của mình cũng như vợ con vào thời điểm ông quyết định đưa cả nhà đi vượt biên. Nhưng có điều chắc chắn rằng ông không thể tưởng tượng có ngày mà cậu con trai duy nhất của ông, Vĩnh Thắng – Jacky, lại thành đạt hơn cả sự mong đợi, với không chỉ hai bằng master (từ National War College và Đại học Johns Hopkins), mà còn trở thành một sĩ quan cấp cao quân đội Hoa Kỳ. 

Ông Lý Hội Quyền (từ trần năm 2012) – người mà Jacky luôn xem như là tấm gương vĩ đại đối với mình – cũng khó có thể tưởng tượng một ngày mà con trai ông trở về lại Phó Bảng với tư cách một sĩ quan quân đội Mỹ, ở cương vị Chánh Văn phòng hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt, thực hiện các dự án hợp tác và tìm kiếm cơ hội hỗ trợ những gia đình nghèo miền núi Việt Nam, nơi có bóng dáng những đứa trẻ lếch thếch hệt Vĩnh Thắng ngày nào…

Tôi phải cố gắng, luôn cố gắng, phải “work extra hard” – Jacky nói. Ngày 1-1-2021, Jacky Ly trở thành đại tá quân đội Hoa Kỳ (lễ gắn lon chính thức được tổ chức chiều ngày 23-4-2021). Sau hơn 20 năm phục vụ quân đội Mỹ, Jacky Ly vẫn muốn tại ngũ. 42 tuổi, Jacky sẽ còn đi xa, thậm chí có thể xa hơn cả những điểm đến mà người cha không bao giờ có thể nghĩ tới, khi ông cõng cô em gái của Jacky lên đường trong đêm tối cùng gia đình ra đi chỉ với một thôi thúc: tìm kiếm tự do và một tương lai sáng sủa hơn cho các con của mình.

*****
Đại tá Jacky Ly

Từng chỉ huy đại đội lính nhảy dù mũ đỏ (thuộc 82nd Airborne Division) và tham gia chiến trường Afghanistan, Iraq, cũng như công tác tại Hàn Quốc, Hawaii…, cuộc đời Jacky Ly gắn liền với binh nghiệp. 

Nhập ngũ năm 18 tuổi khi vào Vệ binh North Carolina với dự tính ban đầu chỉ phục vụ quân đội ba năm nhưng sau đó Jacky không rời bộ quân phục. Jacky tốt nghiệp bằng cử nhân quản trị doanh nghiệp về hệ thống thông tin máy tính từ Đại học Appalachian State. Trong thời gian quân ngũ, ngoài những khóa đào tạo chuyên biệt trong quân đội, Jacky còn học National War College, Đại học Johns Hopkins, và Trường tham mưu quân sự Malaysia. 

Từng là Chánh Văn phòng hợp tác quốc phòng (Chief of the Office of Defense Cooperation) trực thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Jacky còn là cố vấn quân sự cấp cao và chánh Văn phòng Hợp tác An ninh trực thuộc Phái bộ Hoa Kỳ tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Jakarta, Indonesia. Đại tá Jacky Ly sắp nhận nhiệm vụ mới tại Đông Nam Á với tư cách tùy viên quốc phòng.
Jacky Ly trong lễ tuyên thệ và gắn lon đại tá, với sự chủ trì của Thiếu tướng Lương Xuân Việt (qua màn hình video từ Nhật) vào chiều 23-4-2021 (ảnh MK)

Đại tá Jacky Ly cùng vợ và con (ảnh MK)

Mẹ và em gái út của Jacky (ảnh MK)

(Trái sang) Đại tá Jacky Ly cùng mẹ vợ, chị của mẹ vợ và Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn trong lễ gắn lon của Jacky (ảnh MK)

Ba phụ nữ quan trọng trong cuộc đời Jacky Ly (trái sang): mẹ ruột, mẹ vợ và vợ (ảnh MK)

Chuyện ngắn

1- Chuyện thứ nhất: Duyên nợ đời người.
Xưa, có một chàng tên Thư Sinh, anh và bạn gái đã đính ước và chuẩn bị hôn lễ. Thế nhưng trước đó ít ngày, cô gái lại lấy người khác. Thư Sinh bị lâm bệnh nặng. Vừa khi đó, một du khách đưa Thư Sinh chiếc gương soi. Thư Sinh nhìn thấy xác một cô gái trôi dạt vào bờ biển, trên người cô ta không một mảnh vải che thân.

Người đầu tiên đi qua chỉ thoáng nhìn, lắc đầu rồi...đi. Người thứ 2 đi qua cởi chiếc áo khoác đắp lên người cô gái. Người thứ 3 đi qua bèn đào hố và xây mộ cho cô gái và cho biết cô gái xấu số đó chính là bạn gái anh ta trong kiếp trước.

“Anh là người qua đường thứ 2 đã đắp áo cho cô gái. Đến nay, cô gái gặp chỉ là để trả..nợ lòng tốt của anh thôi! Còn người mà cô ấy phải báo đáp cả đời đó chính là người thứ 3 đã chôn cất cô cẩn thận, người đó chính là chồng hiện tại của cô gái“.. Thư Sinh nghe xong liền tỉnh ngộ mọi chuyện.

2- Chuyện thứ 2: Tấm lòng trẻ thơ.
Một bà mẹ đơn thân vừa chuyển nhà, bà phát giác hàng xóm là một gia đình nghèo với bà góa và hai con. Một hôm bị cúp điện, bà đành thắp nến cho sáng. Lúc sau, có tiếng người gõ cửa, bà mở cửa ra...thì chính là con của hàng xóm. Đứa bé nói: “Kính chào Dì, Dì có thêm cây nến nào không?” Bà ta thầm nghĩ: “Gia đình này nghèo đến nỗi cả nến cũng không có ? Tốt nhất không cho, vì cứ cho như thế họ sẽ ỷ lại không chịu mua”.

Bà liền trả lời : “Không có!”. Đúng lúc bà ta đang đóng cửa, đứa bé cười và nói: “Con biết là nhà dì không nhiều nến..". Nói xong, nó lấy trong túi 2 cây nến và thưa: “Mẹ con sợ dì sống một mình thiếu nến..và sai con đem tặng dì 2 cây vì cúp điện lâu lắm"... Bà ta vừa tự trách vừa cảm động rơi nước mắt ôm chặt đứa bé!

3- Chuyện thứ ba: Chúng ta chỉ bất tiện khoảng 3 giờ thôi!
Ngày nọ...tôi may mắn mua được vé về quê ngoại cùng chồng, nhưng khi lên xe thì nhìn thấy một cô đang ngồi ở ghế của chúng tôi. Chồng tôi bảo tôi ngồi ở cạnh cô đó và chàng thì đứng. Tôi phát giác chân phải của cô này bị tật..có chút trở ngại, lúc đó tôi hiểu ra tại sao chồng tôi làm như thế. Chồng tôi đứng như vậy từ Đà Nẵng ra Huế mà không hề đòi lại chỗ của mình.

Khi đến nơi tôi nói với giọng điệu buồn xót xa: “Nhường ghế là việc nên làm, thế nhưng đường quá xa... sao anh không nói cô này luôn phiên đổi chỗ đứng và anh ngồi một lúc chứ?”.Chồng tôi nhẹ nhàng nói: Cô này bị tật sẽ chịu cả đời.. còn anh chỉ mỏi chân có 3 tiếng thôi mà em!

Nghe chồng nói vậy, tôi quá xúc động tự nghĩ:" Được chồng vừa tốt bụng vừa lương thiện là mãn nguyện lắm rồi!".. và lòng tôi trở nên ấm áp thêm nhiều.

4- Chuyện thứ 4: Luật nhân quả.
Một đêm khuya đầu Xuân, lúc mọi người đều ngủ say thì đôi vợ chồng tuổi đã cao bước vào khách sạn, đáng buồn.. là khách sạn hết phòng.

Nhân viên tiếp tân không đành lòng để cặp vợ chồng này phải lủi thủi tìm khách sạn khác, anh liền dẫn họ vào căn phòng và thưa: “Đây không phải là phòng tốt nhất nhưng ít nhất 2 bác cũng không phải đi tìm nơi khác nữa”. Cặp vợ chồng thấy căn phòng tuy nhỏ nhưng sạch nên quyết định ở lại.

Hôm sau, khi trả tiền phòng thì anh nói: “Hai Bác không cần trả tiền...vì phòng đó là phòng của cháu! Xin chúc hai Bác có cuộc du lịch vui vẻ”.

Thì ra, anh ta đã ngủ qua đêm tại quầy tiếp tân và nhường phòng cho họ. Cặp vợ chồng cảm động và nói: “Chàng trẻ à, cậu là nhân viên khách sạn tốt nhất mà chúng tôi gặp...Cậu sẽ được đền đáp”. Chàng trai cười rồi tiễn cặp vợ chồng.. và nhanh chóng quên chuyện này.

Bỗng một ngày, anh ta nhận được bức thư, trong đó có tấm vé đi du lịch New York, chàng xin phép chủ và đi. Khi đến đúng địa chỉ ghi trong thiệp là căn biệt thự to lớn sơn mầu xanh. À thì ra... 2 người mà anh ta tiếp đón trong đêm khuya đó chính là vợ chồng nhà tỷ phú! Ông bà này còn mua tặng một tiệm rượu lớn giao cho anh làm quản lý.

Kết luận:
NHÂN-QUẢ đều do mỗi người nắm giữ, khi chưa xác định được mục tiêu của đời.. thì hãy dùng tấm lòng của mình để làm việc gì đó. Mỗi một cá nhân đều là một nhân viên phục vụ, những điều lớn lao đều bắt nguồn từ việc ta phục vụ cho người khác: Phục vụ người khác nhiều bao nhiêu thì kết quả chúng ta nhận được càng nhiều bấy nhiêu!

Trên đường đời, có lúc ta cười sảng khoái, nhưng cũng có khi buồn đến nhỏ lệ!. Vui lúc thành công.. thì xin đừng tuyệt vọng khi gặp thất bại.

Giàu sang phú quý đến.. thì vui nhưng xin đừng khổ đau buồn chán khi thất bại nghèo túng! Trên đời không cần điều quá cao, chỉ cần làm việc bằng sự chân thật là đủ:

- Nếu muốn có bạn tốt, thì ta phải đối tốt với người khác.

- Nếu muốn vui vẻ và hạnh phúc, xin hãy cố gắng làm việc thiện giúp người khác, không lâu bạn sẽ nhận ra mình cũng đầy đủ và sung sướng!

Yêu người, yêu đời, cho đi yêu thương thì nhận lại thương yêu và rồi "nhắm mắt ra đi" trong thương tiếc của nhiều người.... 

Nông dân mát-xa, bật nhạc trồng loại dưa có giá đắt như vàng

Sau hơn 10 năm thử nghiệm, ba người nông dân đã thực hiện thành công vườn dưa lưới Nhật đắt đỏ ngay tại quốc gia xứ nóng Malaysia.

Ba nông dân tại công ty Mono Premium Melon ở Malaysia đã áp dụng phương thức canh tác mới: thường xuyên mát-xa trái dưa lưới mới đậu bằng vải hoặc găng tay mềm; cho chúng nghe nhạc cổ điển mỗi ngày.

Phương pháp này được gọi là "tama-fuki", được cho là có thể tăng hương vị và có tác dụng kích thích tăng trưởng cho dưa lưới.

Những quả dưa lưới Nhật Bản đầu tiên sản xuất thành công tại Malaysia đã được bán với giá 168 ringgit (tương đương 40,70 USD)/ quả, bằng khoảng một phần ba giá trị loại dưa bản địa ở Nhật Bản.

Mỗi quả dưa Nhật được trồng tại Malaysia được bán với giá khoảng 900.000 đồng.

Dưa lưới vốn là loại trái cây được trồng trong nhà kính có xuất xứ từ Nhật Bản. Giống dưa lưới trứ danh này được một số nông dân Nhật Bản trồng từ thế kỷ trước theo phương thức đặc biệt, để tạo ra những trái dưa được đánh giá cao cả về hương vị và hình dáng.

Ngay cả tại Nhật Bản cũng không có nhiều nơi trồng được loại dưa đặc sản này. Do số lượng giới hạn nên chúng chỉ được bán trong các cửa hàng cao cấp như một mặt hàng xa xỉ.

Seh Cheng Siang - giám đốc kiêm đồng sáng lập công ty Mono tại thành phố Putrajaya, cho biết: "Mỗi trái dưa lưới Nhật mà bạn nhìn thấy trong trang trại của chúng tôi đều giống như một tác phẩm nghệ thuật".

Người nông dân thực hiện mát-xa cho trái dưa lưới.

Ông Seh cho biết: "Chúng tôi phải đảm bảo các khâu dinh dưỡng, tưới nước và bón phân sao cho tối ưu và chính xác nhất có thể, đồng thời đã trồng thử nghiệm tới hơn 10 loại dưa cùng họ của Nhật Bản, trước khi tìm ra được loại phù hợp nhất".

Việc đem dưa lưới Nhật về trồng tại Malaysia không đơn giản. Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Malaysia khác xa với điều kiện ôn hòa ở Nhật Bản.

Những người nông dân Malaysia đã đến các trang trại của Nhật Bản để học hỏi các phương pháp canh tác và áp dụng trồng thử tại Malaysia. Họ đã nhiều lần thử nghiệm thất bại để xác định và tìm ra thành phần dinh dưỡng tối ưu nhất đối với cây dưa.

Chiếc loa phát nhạc trong trang trại dưa lưới.

Cuối cùng, sau một thập niên, vượt qua nhiều trở ngại, lô hàng 200 quả dưa chọn lọc đầu tiên của công ty Mono đã được chào hàng và bán hết veo ngay khi được đưa lên trang bán hàng trực tuyến.

Elaine Chow, một khách hàng cho biết: "Thật tuyệt vời khi biết rằng nông dân chúng tôi đã có thể trồng được giống dưa Nhật Bản trên đất Malaysia".

Việc trồng thành công giống dưa lưới Nhật Bản tại Malaysia được xem là thành tựu của những người nông dân của quốc gia này.

Hương Thảo 

30/4/1975-30/4/2021 Chứng nhân Lịch Sử, Đứa Bé 9 Tuổi Nay Đã Già


CHO CON ĐI VƯỢT BIỂN

Như đàn ong vỡ tổ, người miền Nam túa chạy tán loạn, cái chết xem ra còn nhẹ nhàng hơn sống với cộng sản.

Bạn thử đặt mình vào nỗi lòng của một người Mẹ cho con vượt biên, vượt biển sau 1975...

Cả nhà đang vui mừng anh Thi tôi thi đậu vào đại học Tài Chính chưa được bao lâu thì anh phường đội ghé nhà đưa giấy báo tin anh Thi đã… trúng tuyển nghĩa vụ quân sự.

Mẹ tôi “quen” với anh phường đội, mời anh vào nhà thì thầm to nhỏ xin anh hủy tấm giấy gọi này như lần trước anh đã từng làm và hậu tạ anh, nhưng lần này anh phường đội nói không thể vì chỉ tiêu quận đưa ra rất cao phải gom đủ số.

Cả nhà cùng lo âu, chiến tranh biên giới Việt Nam và Campuchia đang diễn ra từng ngày, những đợt nghĩa vụ quân sự nối tiếp nhau lên đường.

Cầm tờ giấy báo nghĩa vụ trong tay mẹ tôi nước mắt rưng rưng nhưng cả quyết:
- Đi nghĩa vụ là… chết. Không, nhất định là không.

Mẹ ra phường… khiếu nại với hai tờ giấy, một giấy báo đậu đại học và một giấy báo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, xin cho con được đi học đại học vì giấy báo này đến trước, thì ông chủ tịch phường đã nhiệt liệt chúc mừng con trai bà được trúng tuyển cả hai thứ. Nhưng nghĩa vụ quân sự thiêng liêng cao cả hơn anh Thi phải thi hành trước. Ông hứa hẹn khi nào hoàn thành nghĩa vụ anh Thi sẽ vào học đại học.

Mẹ tôi cay đắng nghĩ thầm con tôi đi bộ đội có khi chết mất xác ở Campuchia hay nếu sống sót trở về, lời hứa hôm nay của ông cũng theo gió bay mà thôi. Thế là anh Thi tôi phải dẹp mộng bút nghiên lên đường vào bộ đội tại quân trường Quang Trung Hốc Môn.

Mẹ tôi chưa chịu thua, mẹ an ủi con trai:
- Con cứ vào trại Quang Trung, mẹ sẽ tìm đường cho con đi vượt biển tìm cuộc sống tự do và yên chí ăn học đàng hoàng.

Tôi ngây thơ cũng đòi đi vượt biển cùng với anh thì mẹ mắng:
- Đi vượt biển vui lắm sao mà đòi đi chung? Nhà mình không có nhiều tiền, mẹ sẽ dốc hết tài sản lo cho anh con. Mày là con gái… không quan trọng.

Sau 1975 gia đình tôi mất tất cả tiền bạc gởi trong Ngân hàng Việt Nam Thương Tín và sau hai lần đổi tiền tài sản vốn liếng càng teo tóp lại. Bố tôi là công chức thì mất việc. May nhà mặt tiền nên mẹ mở cửa hàng tạp hóa nho nhỏ sống tằn tiện qua ngày với hộ khẩu 4 đầu người gồm cha mẹ và anh em tôi. Người chị Cả của tôi đã lập gia đình ở riêng.

Anh Thi vào trại Quang Trung được hai tháng thì mẹ đã có mối đi vượt biển. Một ngày cuối tuần anh được phép về thăm nhà. Anh đã không trở về trại mà đáp xe đò đến Cần Thơ bắt đầu cuộc hành trình tìm đường vượt biển.

Những ngày đầu ở Cần Thơ anh Thi cùng chủ tàu và vài người khác sống trên ghe giả làm người đi buôn than củi. Cũng như họ, anh Thi mặc bộ quần áo bà ba đen, đầu đội chiếc mũ tai bèo, bèo nhèo cũ rích. Bọn họ vừa đi buôn vừa… thực tập lái ghe, lúc từ từ trong lòng sông hẹp hay lúc tốc độ nhanh khi ra sông Cái cho thật thuần thục. Từ Cần Thơ đi Sóc Trăng, Bạc Liêu và xuống tuốt luốt Cà Mau, qua lại mấy đồn kiểm soát gần trạm biên phòng cho chúng quen ghe, quen mặt, chờ thời cơ sẽ xuất phát lên tàu lớn ra biển luôn.

Người đội trưởng của anh Thi ở Quang Trung kết hợp cùng công an phường mấy lần đến tận nhà truy tìm anh Thi, kết tội anh đào ngũ, nếu gia đình bao che sẽ bị tội nặng, nhưng cha mẹ tôi vẫn một mực kêu oan, không biết con trai bỏ đi đâu.

Ở nhà đêm nào gia đình tôi cũng coi tin thời tiết trên ti vi, thấy biển êm thì mừng thầm, thấy “biển động đến động mạnh” hay “gió giật mạnh cấp 6 cấp 7” trở lên là hoang mang lo lắng. Gió cấp này ngư phủ cũng không dám ra khơi đánh cá. Gia đình tôi sợ chính quyền và sợ cả thời tiết nắng mưa. Chỉ biết cầu nguyện cho anh Thi được mọi sự bình yên.

Thế mà một đêm khuya nghe tiếng gõ cửa, bố tôi ra mở và kinh hãi thấy một người mặc áo khoác dài tới chân đứng lù lù trước cửa. Người đó vội thì thầm lên tiếng ngay:
- Bố ơi con là Thi đây.

Chuyến đi đã thất bại ngay lúc ra quân, người từ các ghe nhỏ chưa kịp lên ghe lớn thì bị công an ập tới, một số người bị bắt, một số người chạy thoát. Anh Thi phải chi tiền nhờ người dân địa phương giúp đỡ mới thoát ra khỏi vùng sông nước chằng chịt Cần Thơ trở về Sài Gòn, anh đợi nửa đêm mới dám về nhà mình vì sợ hàng xóm phát hiện. Cả nhà cùng bàng hoàng lo sợ. Nhốt anh ở trong nhà một ngày sau cha mẹ tôi đã gởi anh xuống Bà Chiểu ở nhờ nhà bác ruột tôi vì nếu ở ngay nhà mình thì sớm muộn gì hàng xóm cũng biết, hàng xóm biết thì chính quyền sẽ biết. Anh về nhà nửa đêm và ra đi cũng nửa đêm như tên tội phạm.

Mẹ tôi mang đến nhà bác tiêu chuẩn 9 ký gạo, một ký cá khô và một ký lạp xưởng để khỏi phiền bác thời buổi bao cấp gạo thịt khó khăn. Cha mẹ tôi sốt ruột lại đi tìm nhiều mối vượt biên khác, nếu chỗ này không xong thì còn chỗ kia.

Hai tuần lễ sau bỗng bác trai đạp xe xuống nhà tôi, mang theo gạo, cá khô, lạp xưởng vẫn còn y nguyên và ngại ngần nói với mẹ tôi:
- Chúng tôi mang trả lại chú thím phần thực phẩm này, chưa dùng đến…

Mẹ tôi ngạc nhiên:
- Chẳng lẽ anh chị nuôi không cháu Thi à, nó còn ở nhờ nhà bác mà?

- Thím thông cảm cho, con cháu thương thì thương nhưng… bà nhà tôi lo lắm, không dám chứa chấp cháu trong nhà sợ mang họa, nó vừa tội đào ngũ vừa tội phản động vượt biên. Hai tuần cháu ở, chúng tôi phải che giấu, không dám khai báo với tổ dân phố có người tạm trú, nuôi cháu thế là đủ rồi, chú thím làm ơn… mang cháu về.

Ông bác ra về rồi mẹ tôi ngồi thẫn thờ chẳng biết tính sao thì bố tôi đi đâu cũng vừa về đến, không kịp nhìn thấy những món hàng thực phẩm còn để trên bàn, bố tôi vội vàng vào đề ngay:
- Có chuyến đi ngay đêm mai, tối nay tôi phải đến bác đón thằng Thi về và mang đến điểm hẹn. Chuyến của Tư Lùn mà bà từng tin cậy và mong đợi đấy…

Mẹ tôi mừng rỡ:
- Đám này tổ chức chuyến nào là thành công chuyến ấy. Đợi chuyến của họ lâu mà chắc. Nhà mình gặp vận hên rồi.

Mẹ tôi chỉ túi gạo:
- Bác trai vừa đến và không chịu chứa thằng Thi kìa… chuyến đi thật đúng lúc. Chắc là trời… giúp.

Tối hôm đó bố tôi đến nhà bác đón anh Thi về và mang anh đến điểm hẹn. Hôm sau anh đã có mặt ở Bến Tre. Chuyến tàu sẽ xuất phát ở cửa biển Bình Đại.

Một tuần lễ trôi qua, tin từ nhóm tổ chức Tư Lùn cho biết tàu đã ra khơi rồi.
Cả nhà cùng vui mừng, tàu ra khơi sẽ ra đến hải phận quốc tế thì không sợ bị bắt nữa, số phận con tàu chỉ trông vào biển cả và thời tiết. Chúng tôi lại coi ti vi phần tin thời tiết và cầu nguyện cho chuyến tàu thuận buồm xuôi gió đến bến bờ tự do.

Một tháng trôi qua cả nhà đang khấp khởi mừng thầm bỗng có người phụ nữ lạ tìm đến nhà, hỏi đúng tên và địa chỉ nhà tôi, bà đi thăm nuôi con bị tù ở Long Đất Vũng Tàu, thằng con nhờ bà chuyển lá thư này cho người bạn cùng tù với nó tên là Thi.

Trời ơi, thì ra chuyến tàu vừa ra khơi đã bị công an đuổi theo bắt lại trọn gói, cả đám thuyền nhân vào trại tù ở Long Đất. Mẹ tôi suy sụp, vì thương con, vì số vàng chắt chiu để dành cho con đi vượt biển hai chuyến đã cạn túi rồi, tương lai đen tối đang chờ đón anh tôi ở phía trước. Bố tôi là điểm tựa chính của gia đình, bố nén thương đau, vẫn bề ngoài điềm nhiên, mỗi khi có hàng xóm nào hỏi thăm về Thi thì bố vẫn giữ vững lập trường đáp nó bỏ đi từ dạo đó nhà vẫn chưa có tin tức gì.

Bố tôi đi Long Đất thăm nuôi anh Thi, khi về ông còn mua một quả mít to bán ở dọc đường, mít Vũng Tàu nổi tiếng múi dày thơm ngon. Mẹ tôi chán chường:
- Ông còn tâm trí thưởng thức mít được hả? Ông ăn hết đi, tôi quyết chí…không ăn.

Hàng xóm có kẻ tò mò hỏi tôi:
- Bố cháu đi đâu mà mua mít về, người lại nắng gió ngăm ngăm ra…

- Bố cháu đi thăm họ hàng ở Vũng Tàu.

Bà hàng xóm lửng lơ:
- Không phải đi thăm thằng Thi hả…

Thế là lần sau bố tôi lặng lẽ đi thăm anh Thi và nhất là không mua mít dù bố tôi khen rẻ và ngon, sợ hàng xóm biết, không lẽ lại nói đi thăm họ hàng ở Vũng Tàu lần nữa?

Ở tù hơn một năm thì anh Thi được thả ra, lần này đành phải mang anh Thi về nhà chị Cả tôi, dù gia đình chị ở xóm bên, cách xóm tôi không xa. Nhà chị có lầu, cho anh lên tầng trên ở một phòng. Đứa con chị còn bé mới lên ba chẳng biết gì, không cho nó lên tầng trên là được. Hy vọng công an khu vực không nghi ngờ và xét hỏi như thời gian đầu anh Thi mới đào ngũ nữa.

Cha mẹ tôi không biết cách nào xoay ra tiền để lo cho anh Thi tiếp tục đi vượt biên, anh không thể trốn chui trốn nhủi mãi trong một góc nhà ngày đợi hai bữa cơm như một thằng tù giam. Cha mẹ tôi có lúc tuyệt vọng bàn nhau hay là mang anh ra phường tự thú đã trở về nhà sau một thời gian… đi hoang, để khỏi phiền lụy đến gia đình, để mở ra cho anh một con đường sống trên cõi đời, dù sống với một xã hội mà mình từng toan tính bỏ chạy, muốn lìa xa nó.

Tôi 17 tuổi, bắt đầu thi vào đại học, đơn xin vào đoàn trường của tôi mang về phường bị uỷ ban phường nơi tôi cư trú nhận xét những lời tệ hại “có anh phản quốc đào ngũ…” làm tôi khóc quá chừng, không vì tiếc mình chưa được là đoàn viên của trường sẽ ảnh hưởng đến kỳ thi này mà vì chạnh lòng thương anh Thi tôi. Người ta sỉ nhục anh như một tội phạm nhưng anh vẫn là ngôi sao sáng của gia đình và của tôi. Các môn toán, lý hóa tôi đều khá là nhờ có anh kèm. Vậy mà tôi thi rớt đại học, chỉ được chuyển xuống nguyện vọng hai là trường trung cấp sư phạm. Tôi không hề thích nguyện vọng này, chỉ ghi cho có lệ mà thôi vì tin tưởng khả năng mình sẽ vào đại học.

Một hôm người bạn tù Long Đất rất thân anh Thi đến nhà tôi tìm anh.(người mà trước kia mẹ anh đã đến nhà đưa thư anh Thi ở trong tù) Tôi kín đáo dẫn anh đến nhà chị tôi. Hai người bạn lên tầng lầu nói chuyện rất lâu. Người bạn tù này cùng vài người bạn tù khác cũng ở Long Đất đã rủ nhau tổ chức vượt biển, người có khả năng lái tàu, người là hoa tiêu. Họ bàn nhau mua chiếc ghe nhỏ, dài chừng 8-9 mét, động cơ máy cũng…nhỏ, chừng 1 block. Chi phí cây nhà lá vườn kiểu “con nhà nghèo” chừng 5 - 6 cây vàng là đủ. Nếu anh Thi muốn tham gia thì góp 1 cây vàng để sắm đồ, đưa vàng trước đi sau.

Cha mẹ tôi nghe đều run sợ hơn là mừng, ghe đi biển trung bình dài 15 mét, ghe nhỏ dài 8-9 mét này đi ra biển thì làm sao chịu nổi sóng gió?, lại chỉ có vài mống trên ghe lấy đâu ra người tài giỏi để giúp đỡ lẫn nhau? Hơn nữa nhà đã hết tiền, một cây vàng bây giờ cũng là gia tài lớn, đưa vàng trước, ghe chưa chuẩn bị xong bị bắt thì coi như mất toi cây vàng.

Anh Thi chỉ biết khích lệ tinh thần bố mẹ:
- Các bạn ấy đều cùng tuổi trẻ, cảnh ngộ ra tù lông bông, con đường sống và tìm tương lai duy nhất là đi vượt biển nên ai cũng cố gắng hết sức mà tìm vận may cho đời mình.

Mẹ tôi đau trĩu lòng cũng đành gượng cười:
- Để bố mẹ tính, chưa quá tam ba bận mà.

Bố tôi tán thành:
- Bước đường cùng rồi… con cứ đi theo các bạn.

Tôi lại đòi đi theo:
- Anh Thi cho em đi theo anh với. Em không được vào đại học, chán lắm.

- Nếu cha mẹ đồng ý thì em đi cùng không mất tiền đâu, ghe còn rộng chỗ mà.

Mẹ tôi gạt phăng:
- Thân phận anh Thi đang dầu sôi lửa bỏng. Hai đứa đi một lúc nếu …

Mẹ tôi tự bịt miệng lại, kiêng cữ không dám nói tiếp nếu… sợ xui xẻo cho chuyến đi sắp tới. Bố mẹ đã vay mượn họ hàng mỗi người một ít cho đủ một cây vàng để chơi ván bài chót, mặc cho số phận muốn ra sao thì ra. Mẹ cũng không quên đưa riêng anh Thi chiếc nhẫn mỏng 5 phân vàng để anh… có tiền đánh điện tín về nhà báo tin vui. Anh Thi lần thứ ba rời khỏi nhà trên đường đi tìm tự do. Lần này anh đi bằng cửa biển Gành Hào Bạc Liêu...Bố tôi đưa anh đến Bạc Liêu và ở lại nhà người thân của người bạn cùng chuyến với anh để nghe ngóng tin tức, mấy ngày sau, khi chiếc ghe nhỏ bé ra khơi không nghe động tĩnh gì thì bố yên tâm ra về.

Cả nhà tôi lại rơi vào vòng lốc xoáy của thấp thỏm chờ đợi và nghe ngóng thời tiết. Hỡi những cơn gió đừng giật mạnh. Hỡi biển đừng động mạnh cho chiếc ghe nhỏ bé kia ra khơi và đến nơi đến chốn nhé.

Mỗi một ngày trôi qua là một ngày căng thẳng với gia đình tôi, chân như đạp trên chông gai, người như ngồi trên chảo lửa, tim gan ruột phổi như đảo lộn tùng phèo. Họ đang lênh đênh trên biển hay đang ra sao có trời mà biết??

Được 3 tuần là mẹ tôi bắt đầu chờ mong… tờ điện tín, ngày nào mẹ cũng mong giờ người đưa thư qua nhà, anh đưa thư trẻ tuổi chạy xe đạp vèo qua cửa thì mẹ tôi thở dài thất vọng, anh ngừng lại đưa thư, nhưng lại là thư từ miền Bắc gởi sang mẹ tôi càng chán thêm, chìa tay nhận lá thư mà chẳng buồn nhìn mặt anh đưa thư, làm như anh cũng… có tội khi không có một tin tức gì của anh Thi tôi.

Mẹ tôi đau xót đếm từng ngày và thở than:
- Được một tháng rồi mà chẳng có tin. Con ơi là con ơi!

Thấy mẹ buồn tôi cũng buồn theo, tôi bi quan như mẹ, tưởng tượng ra bao cảnh hãi hùng. ghe… lạc đảo hoang, ghe đang… hư máy hay… hết xăng dầu lênh đênh trên biển và khủng khiếp nhất là ghe… đã chìm vào biển khơi?!

Có hôm mẹ tôi nằm ác mộng thấy anh Thi hiện về đứng ở đầu giường, anh mặc chiếc áo kẻ ca rô màu xanh hôm anh ra đi. Mẹ tôi kêu rú lên:
- Thi ơi, con đâu rồi? con đâu rồi?

Nghe mẹ kể tôi và mẹ lại òa khóc tiếp cứ làm như vừa được tin anh Thi tử nạn ngoài khơi. Bố tôi phải gắt:
- Hai mẹ con bà làm gì mà sầu bi thế. Từ Gành Hào đến Thái Lan là gần nhất, nhưng biết đâu ghe nó lạc đường tới Mã Lai nên chưa có tin về??

Mẹ tôi giãy nảy lên:
- Ống còn muốn nó đi lạc đến Mã Lai à, sao ông không cho nó đi lạc đến Philippines, Hồng Kông luôn đi cho tôi đợi chờ thêm vài tháng nữa, chết dần chết mòn thêm nữa.

- Tôi chỉ… thí dụ thế thôi để mẹ con bà yên tâm chờ đợi.

Sang tuần lễ thứ năm, tuần lễ thứ sáu thì mẹ tôi đã kiệt sức trông thấy, gầy hốc hác, phờ phạc như một nhánh cây khô, mẹ như một người không có hồn. Chị tôi phải đưa mẹ đến tư gia của một y tá để truyền nước biển. Đôi lúc tôi bắt gặp vẻ buồn rầu thất vọng trên gương mặt người cha luôn tỏ ra cứng cỏi với vợ con. Bố tôi cũng lo buồn lắm đấy nào dám nói ra. Cả nhà tôi âm thầm cùng gánh chịu một niềm đau.

Anh đưa thư trẻ vẫn nhởn nhơ đi qua nhà mỗi ngày, nhưng trưa nay anh quẹo thẳng vào sân nhà tôi và hớn hở:
- Mời nhà ra nhận thư nè…

Tôi nhanh chân từ trong nhà phóng bay ra ngoài sân, thấy tôi anh đưa thư mới khoan thai chậm rãi móc trong cái túi vải đeo ngang vai đầy ắp văn thư và lôi ra một mảnh giấy gì đó:
- Điện tín từ Thái Lan của Nguyễn Quang Thi nè.

Chữ “nè” của anh đưa thư vừa chảnh chọe vừa dễ thương làm sao.
Tôi mừng vui cuống quýt, líu ríu nhận tờ điện tín, mẹ tôi đang mệt mỏi nằm dưỡng sức trong nhà cũng xồng xộc đi ra, mặt mẹ tươi rói như hoa mới nở. Phép lạ nào mà nhiệm màu đến thế với người đàn bà hôm qua còn nằm thiêm thiếp để truyền nước biển? Giọng mẹ rổn rảng như hồi chuông đổ hàng xóm bên cạnh cũng có thể nghe thấy:
- Có điện tín Thái Lan à? Cám ơn cháu nhé…

Mẹ móc hết tiền lẻ trong túi áo đưa tặng anh đưa thư mà không cần đếm.
Quả nhiên, bà hàng xóm bên cạnh bấy lâu hay tò mò thắc mắc đã bước sang, chẳng biết bà vui cùng hay là ganh tị:
- Có tin thằng Thi đến đảo rồi hả, thích nhỉ? Tôi đoán đúng mà, nó đi vượt biển chứ còn đi đâu, giấu ai chứ chẳng qua mắt được tôi…

Cả nhà tôi đã hồi sinh. Vài ngày sau nhận thêm lá thư của anh Thi. Lá thư viết trước tờ điện tín dù nó đến sau. Anh kể chiếc ghe nhỏ bé chở 12 người đã may mắn trong biển êm gió lặng sau 7 ngày thì đến Thái Lan, 5 phân vàng mẹ đưa anh đã tặng cho người dẫn đường chiếc ghe nhỏ của anh khi ra đến cửa biển nên anh không có tiền đánh điện tín về nhà ngay. Nhưng anh tin là chờ mong càng dài thì niềm vui mừng càng tràn đầy. Trời ơi, anh Thi đâu biết là anh để cho chờ mong khủng khiếp này dài thêm chút nữa là cả nhà càng thêm sống dở chết dở…

Mẹ tôi mỉm cười hạnh phúc trách yêu thằng con trai đang bình yên nơi xa:
- Có mấy phân vàng mang theo phòng thân mà cũng cho người ta…

- Biết đâu nhờ anh rộng lượng tử tế nên trời thương.

Mẹ tôi kể công:
- Nhờ mẹ đi coi bói và đi chùa cầu nguyện nữa chứ.

Bố tôi phản đối:
- Chuyến nào của nó bà chẳng đi coi bói chẳng đi chùa cầu nguyện, vậy mà hai chuyến trước thất bại còn vào tù hơn năm trời.

Mẹ tôi bỗng quay ra nhìn tôi và tiếc rẻ:
- Nhưng chuyến này Trời Phật thương, biết thế mẹ cho con đi cùng với anh Thi, chẳng tốn thêm tiền lại được thêm một đứa.

Bố tôi hù dọa:
- Nhưng nếu nó đi thì sẽ thành 13 người là con số không may đấy.

Tôi nũng nịu với bố mẹ:
- Thôi, mẹ đã bảo con gái… không quan trọng mà. Anh Thi đi được là cả nhà mình trút được gánh nặng sầu lo, con cũng đang sung sướng hạnh phúc lắm đây….

NTTD (April,2021)

CHỢ ĐỜI 1975

Chị Bông ngồi trước cửa hàng bán cà phê nước giải khát của nhà mình, cái bàn bày vài chai bia, chai nước ngọt, hũ chanh muối và vài món ăn vặt kèm cho người uống bia là chùm nem chua, là hũ đậu phộng rang. Bên cạnh bàn là một tủ thuốc lá.

Thời buổi bao cấp sau 1975 hàng quán quốc doanh hay tư nhân đều lèo tèo xơ xác như nhau. Nhất là hàng quốc doanh món nào có gía thì nhân viên cửa hàng và con buôn vơ vét trước, còn những mặt hàng hoặc xấu kém chất lượng hoặc đắt hơn gía ngoài chợ đen thì vẫn nằm chình ình trong cửa hàng ngày nọ tháng kia như hàng… triển lãm...

Những chai bia, nước ngọt được sản xuất từ những hẻm nhỏ vô danh nào đó của quận Phú Nhuận, quận Gò Vấp. Người ta đồn rằng bia này được làm từ lên men trái cây, có tin độc địa hơn là làm từ lên men vỏ trái dứa, trái thơm vứt ê hề ngoài đường ngoài chợ. Chẳng ai biết thực hư ra sao nhưng nhìn các loại bia lên men mang nhãn hiệu đàng hoàng nào Hải Âu, Lúa Vàng, Hướng Dương, Trường Sơn...v.v... vẫn đẹp mắt, rót bia ra ly vẫn sủi bọt với màu vàng óng ánh, uống vào có mùi bia và say xỉn như bất cứ loại bia chính hiệu nào.

Lại nghe đồn một nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975 cũng sản xuất loại bia trái cây lên men này ở quận Phú Nhuận. Nếu đúng như thế thì ông viết nhạc hay mà làm bia cũng tài, chị Bông bán bia của ông với lòng ngưỡng mộ cả hai thứ: nhạc và bia.

Còn những chai nước ngọt cũng đủ màu đủ mùi vị cam vàng, bạc hà, nước chanh và không cần nhãn hiệu vẫn đắt hàng vì nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhà nước đã xử dụng lại hãng B.G.I trước kia thành nhà máy quốc doanh sản xuất nước ngọt nhưng không là bao lại nắm quyền quản lý chỉ thỉnh thoảng bán giới hạn theo tiêu chuẩn đầu người trong cửa hàng bách hóa, người mua phải mang cái ca nhựa hay bất cứ thứ gì có thể đựng được, cô nhân viên bán hàng sẽ khui chai nước ngọt tại chỗ đổ ra ca nhựa cho người mua để họ giữ chai không lại.

Uống được chai nước ngọt phải vất vả tủi hờn thế mà tháng có tháng không thì chẳng thấm thía vào đâu cho nên cả người bán lẫn người mua đều vui vẻ với bia nước ngọt ngoài luồng do tư nhân sản xuất. Thỉnh thoảng báo chí đăng tin có ông uống bia trái cây lên men quá nhiều lăn đùng ra ói mửa ngất ngư, nhưng ai sao kệ ai, người ta vẫn cứ uống và còn dí dỏm gọi bia lên men là “Bia lên cơn”. Bia lên men chị Bông lấy về vẫn được khách hàng ưu ái gọi mua mỗi khi đến quán.

Ngoài những loại bia rẻ tiền ấy quán chị Bông có bán bia 33 nhưng khách hàng dành cho loại bia đắt tiền này không là bao. Khách hàng là những công nhân nhà máy Z751, X28, Z755 và cư dân quanh khu vực này. Những nhà máy hãng xưởng mang tên những con số và chữ nghe như mật mã ký hiệu của điệp viên tình báo là tên mới của những xưởng quân cụ, xưởng quân nhu và truyền tin cũ trước 1975.

Bà Tư Cam từ xóm trong bưng mâm bánh bông lan le te đi tới quán chị Bông ghé vào mời chào như thường ngày:
- Cô Bông, hai mẹ con mở hàng giùm tui hai miếng bông lan đi.

Thường thì thằng cu Bi con út chị Bông hay luẩn quẩn ở đây, chị Bông mua bánh bông lan hai mẹ con ăn, hôm nay nó ở nhà trong không ra cửa hàng chơi với mẹ.

Bà Tư Cam đon đả:
- Cô Bông mở hàng là tui bán lẹ lắm. Mua hai miếng nha cô Bông?

- Thằng cu Bi không có đây, bác bán cho tôi một miếng thôi

Thế là chị Bông mua một miếng bánh cho bà hàng xóm vừa lòng. Bà Tư Cam đã xoay đủ nghề sau 1975. Nhà nghèo khổ, con đông, ít vốn, nghề của bà chỉ là gánh hàng rong, ban đầu là gánh bánh canh, vốn teo lại không đủ tiền mua giò heo bà bán bún riêu cua cho nhẹ vốn, sau cụt vốn chỉ còn mâm bánh bông lan mà nghe nói tiền đường tiền bột làm bánh bà còn mua thiếu chị chạp phô trên chợ. Bà Tư Cam làm ra bánh bông lan đẹp tài tình, chị Bông đã có lần ngồi chầu chực xem bà làm bánh bông lan để bắt chước, bà đập trứng vịt ra cái thố đất và dùng cái lò so đánh trứng khá lớn nên đánh một hồi là trứng nổi xốp lên. Sau khi trộn đường bột, bột nổi bột thơm vani bà nướng bánh bằng nồi gang, để than dưới nồi và trên nắp nồi, khi bánh chín tỏa ra mùi thơm phức, ổ bánh màu vàng nở phồng, bà Cam để nguội cắt ra từng miếng để bán lẻ.

Bà Tư Cam đưa miếng bánh cho chị Bông và hỏi một câu… muôn thuở:
- Thằng nhỏ đi thăm ba nó lần nào chưa?

Bà Cam chắc là muốn hỏi chuyện cho đẹp lòng chị Bông để trả công ngày nào chị cũng mua mở hàng cho bà đắt hàng, bà nhà quê thật thà chân chất, vụng về không biết nói câu gì khác hoặc trong thâm tâm bà luôn áy náy thương cảm cho cảnh người chồng người cha đi tù cải tạo nên bà đã hỏi câu này mấy lần mà hôm nay lại hỏi, ý bà muốn nói thằng Bi, chị Bông đã sinh nó tháng 8 năm 1975 khi chồng đang đi tù cải tạo:

- Cháu còn bé đi đường xa sợ mệt, chắc sang năm tôi cho cháu đi thăm bố bác Tư ạ

Bà lại than một câu mà chị Bông cũng đã nghe mấy lần:
- Thiệt là tội, con mấy tuổi mà cha con chưa biết mặt nhau.

Bà Tư Cam lại bưng mâm bánh bông lan đi te te về phía cổng nhà máy, chỉ vài tiếng là sạch mâm bánh bà lại về nhà lấy tiếp ổ bánh khác ra bán kiếm thêm đồng lời phụ với lương công nhân ít ỏi của ông Tư Cam. Quán không có khách, chị Bông vừa ăn bánh vừa nghĩ lời bà Tư Cam vô tình còn vương lại trong lòng chị làm chị chạnh lòng suy nghĩ thêm....

Những gia đình có chồng, con em đi “học tập cải tạo” mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người phải kiếm sống theo hoàn cảnh của mình.. Bà chị họ tên Xu than thở và so sánh với chị Bông may mà chị Bông có nhà mặt tiền còn có chỗ bán hàng kiếm đồng ra đồng vào chứ nhà chị Xu trong xóm chẳng biết làm ăn gì, trước kia chị là công chức sau 1975 bị thôi việc vì chồng là sĩ quan “nguỵ”. Suy nghĩ đủ kiểu chị Xu nghĩ ra “nghề” cầm đồ ngay tại nhà, chẳng cần mặt tiền mặt bằng gì cả.

Chị Xu đã mạnh dạn bán mấy lạng vàng làm vốn, không ngờ khách càng ngày càng đông, ban đầu là hàng xóm gần rồi tới hàng xóm xa, chị Xu phải bán thêm mấy lạng vàng nữa mà cũng không xuể, chị nói đám người nghèo đông như muỗi rừng và dai như đỉa đói, có món mình không muốn cầm thế mà họ cứ ngồi lì, năn nỉ ỉ ôi cho tới khi mình phải… cảm động và chịu thua. Nhà chị chứa nào là xe đạp, radio, ti vi và cả quần áo cũ nữa, dù món quần áo cũ đen cầm chẳng được là bao.

Quá hạn 6 tháng, sau chục lần chị Xu nhắn gọi chủ đến chuộc quần áo về vẫn bặt vô âm tín vì tiền vốn và tiền lời đã cao gấp mấy lần trị gía món đồ, thế là chị Xu tự tin thu gom mớ quần áo cũ của người dưng đem ra chợ trời Tân Bình bán hết cho rộng tủ và lấy lại đồng nào hay đồng ấy thì một hôm có một cô gái đến đòi… chuộc lại bộ quần áo, cô nói đó là bộ quần áo ân tình của người yêu cô tặng khi xưa, quá nghèo, quá túng quẩn cô mới tạm cầm cố nó, khi biết chị Xu đã bán đi, cô ta khóc lóc ăn vạ như Chí Phèo làm chị Xu phải… móc túi đền tiền cho cô theo gía cô đòi hỏi. Cầm tiền trong tay cô gái đã hớn hở sáng mắt lên, giá mà chiếc áo ân tình có tìm thấy cũng không làm cô vui mừng đến thế.

Và có lần một bà mang cái dây chuyền đến cầm, chị Xu đã từ chối vì không muốn cầm vàng bạc, chị nào biết cách thử vàng, sợ cầm vàng giả, thế mà bà kia năn nỉ cách nào chị Xu lại mủi lòng đồng ý. Chỉ một tháng sau không thấy bà ta đến chuộc hay trả tiền lời chị Xu liền mang sợi dây chuyền ra tiệm vàng nhờ thợ xem giùm mới biết là vàng giả.

Biết nhà cửa tên tuổi bà lừa đảo, có giấy tờ biên nhận người cầm đồ ký tên đầy đủ mà chị Xu không dám thưa kiện ra phường xã vì bà ta đã ngang ngược đe dọa thách đố chị Xu có giỏi thưa tôi thì chị vô tù trước vì chị là vợ sĩ quan ngụy, là “tư sản mại bản” có tiền ngồi mát ăn bát vàng, cho vay lời cắt cổ bóc lột người nghèo khổ như tôi. Người càng nghèo, càng bần cố nông thì tờ lý lịch càng sáng sủa đẹp đẽ. Bà này đang tận dụng cái lý lịch nghèo “vẻ vang” của mình để quỵt tiền chị Xu…

Thế là chị Xu chán nản dẹp “nghề” cầm đồ luôn. Tổng kết lại vừa bị lừa, bị mất và vì đồng tiền mất giá so với giá vàng chị Xu mất toi mấy lạng vàng. Chị Xu xót xa tiền đã khóc và héo hon một thời gian. Khi chị Xu đi thăm chồng trong trại cải tạo, nghe chuyện anh Xu đã an ủi chị:

- Xưa nay em có biết nghề này đâu bị thất bại là phải rồi, tại hoàn cảnh chứ nào tại em, chúng ta đã mất nhiều thứ qúy gía hơn tiền bạc, chỉ cầu mong chúng ta còn khỏe mạnh cho đến ngày đoàn tụ là anh vui rồi.

Chị Bông đang nghĩ ngợi lan man thương cho chị Xu thì thấy khách bước vào quán, là anh công an khu vực:
- Cho ly cà phê đen chị Bông.

- Có ngay đây anh Lu.

Chị Bông bưng ra một ly cà phê đen nóng và cái dĩa nhỏ có đựng điếu thuốc 555 với cái bật lửa gaz. Đây là món quen của anh Lu.

Tủ thuốc lá của chị Bông là “hai khung trời cách biệt” tầng trên ưu tiên bày những gói thuốc ngoại, hình dáng bao bì đẹp đẽ sang trọng, thuốc 555, Dunhill, Kent là những mặt hàng phương tây từ Thái Lan sang Campuchia và con buôn Việt Nam lại buôn lậu từ Campuchia về Việt Nam. Thuốc lá ngoại người ta mua lẻ từng điếu, gặp khách sang hay cần thuốc để xã giao người ta mới mua cả gói. Tầng dưới thì khiêm nhường với những gói thuốc lá nội địa Hoa Mai, Đà Lạt, Vàm Cỏ, Lao Động vỏ bao xấu xí và khá hơn một chút là thuốc lá Du Lịch “có cán” đầu lọc.

Trước khi có các mặt hàng thuốc lá ngoại phương tây thì thuốc lá Samit của Thái Lan đã đủ sang cả so với các loại thuốc nội địa Việt Nam. Người ta dùng thuốc Samít để xã giao nên có câu: “ Samít nói ít hiểu nhiều” và ngược lại “Hoa Mai nói hoài không hiểu”.

Chị Bông cầu trời khấn Phật cho anh Lu uống cà phê và hút xong điếu thuốc ba số và rời khỏi quán cho rồi, anh ngồi rề rề ai đó đi qua chào hỏi anh công an khu vực lại hào phóng lịch sự mời vào quán, lại thêm ly cà phê, thêm điếu thuốc ba số thì chị Bông buồn biết mấy vì lần nào dù chỉ một mình anh hay khi anh mời bạn thì khi đứng dậy rời quán anh Lu đều lịch sự nói:
- Chị Bông ghi sổ giùm tôi.

Và chẳng bao giờ anh Lu hỏi tới những món nợ mà anh đã bảo chị Bông ghi vào sổ cả. Lúc nào, với ai, anh công an khu vực cũng lịch sự tử tế thế, chị Bông cũng… lịch sự chẳng dám nhắc nhở, chẳng dám đòi. Khi anh công an đi rồi thì bên kia đường trước cửa quán của chị có mấy chiếc xe GM dậu lại, những chiếc xe vướng đầy cát bụi đường xa. Chị Bông mừng rỡ, bộ đội từ xa về thế nào cũng có gạo…Các bà hàng xóm đã tinh mắt không thua gì chị Bông, khi các anh bộ đội vừa ra khỏi xe, mặt mũi còn phờ phạc vì mệt thì các bà đã xúm lại hỏi:
- Có gạo không các chú bộ đội ơi?

- Mang gạo xuống xe cho chúng tôi xem nào…

Một anh bộ đội quát nhưng vẫn không quên chào hàng:
- Các chị xê ra cho chúng tôi thở cái đã, gạo nàng Hương chợ Đào từ Cần Thơ đây.

Vài anh bộ đội cổ quấn chiếc khăn mặt bước vào quán chị Bông:
- Chị cho chúng tôi rửa nhờ mặt mũi, bụi đường và nóng kinh qúa !!

Họ xuống nhà sau mở nước rửa ráy ào ào ầm ĩ xong lên nhà kêu bia và đĩa lạc rang vừa uống những ly bia lạnh vừa ngã giá các loại gạo với các bà.

Xóm cổng nhà máy đã quen thuộc với những chuyến xe bộ đội về đây công tác, lương thực, thực phẩm bị cấm chợ ngăn sông họ không bỏ lỡ thời cơ, “tranh thủ” mua gạo từ miền tây về thành phố bán chợ đen kiếm lời và… ”tranh thủ” rút cả xăng dầu trong xe ra bán chợ đen luôn. Sau màn bán gạo thì tới màn bán xăng dầu, họ có những mối manh sẵn, các chị mua xăng lậu sẽ xách can xăng nặng 20 lít chạy te te nhanh như chớp kẻo công an thấy... Đúng là sức mạnh của đồng tiền. Ấy thế mà họp tổ dân phố tới mục đi làm thủy lợi, bà nào, cô nào cũng than chân yếu tay mềm, ốm đau không làm được việc nặng.

Chị Bông mua được 30 ký gạo ngon, số gạo này chị sẽ để dành khi nào có “sự kiện” vui hay quan trọng sẽ nấu ăn, thường ngày thì ăn gạo tổ, gạo mua theo sổ lương thực, để được biết thế nào là nhặt thóc, nhặt sạn, nhặt bông cỏ và được ăn cả bột mì, mì sợi, khoai lang khoai mì cho biết mùi đời, mùi đời 1975.

Bán được hàng và mua được gạo chị Bông quên xót xa ly cà phê đen với điếu thuốc ba số đã biếu không anh công an khu vực lúc nãy.

***********************
Buổi chiều sau những giờ các nhà máy tan ca thì hàng quán chị Bông cũng chậm lại, là lúc chị Bông thảnh thơi mang sách truyện ra đọc. Chị mua được từ chợ trời đồ cũ cuốn sách dịch của Stefan Zweig gồm vài truyện vừa, không ngắn để gọi là truyện ngắn cũng không đù dài để là truyện dài, xuất bản trước 1975. Chị đã đọc dè chừng từng truyện một từ hôm qua đến giờ vì chị Bông muốn tìm lại những giây phút thú vị xưa với văn chương, muốn tận hưởng những cảm giác mộng mơ giữa cuộc sống đời thường nhiều lo toan và cay đắng.

Sau khi đọc truyện “24 giờ trong đời một người đàn bà” chị đang đọc đến truyện kế tiếp “Lá thư của người đàn bà không quen” là câu chuyện mà chị yêu thích đã lấy của chị nhiều giọt nước mắt khi lần đầu tiên đọc nó năm 17 tuổi.

Những sách truyện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa chị Bông chưa quen, đây là cuốn truyện hay và nổi tiếng chị Bông đã đọc từ trước 1975 nên chị Bông cảm thấy bồi hồi sung sướng như người ta gặp lại cố nhân sau những phong ba của cuộc đời.

Chị thảnh thơi nằm ra chiếc ghế mấy đu đưa vừa đọc truyện vừa coi hàng. Bây giờ câu chuyện “Lá thư của người đàn bà không quen” lại làm lòng chị thổn thức lần nữa, chị mê mải đi theo câu chuyện, hết trang sách này lật đến trang sách khác. Giá mà lúc này có kẻ trộm đến bưng đi hũ đậu phộng rang, lấy đi chùm nem chua chắc chị Bông cũng không hay biết.

Đang ngậm ngùi rơi nước mắt vì những lời tình tha thiết đắm đuối của cô gái viết cho người đàn ông vô tình, người cô từng yêu thầm nhớ trộm mà anh ta không hề biết đến, thì một tiếng nói thô lỗ vang lên:
- Thịt heo, thịt heo đây… cô Bông ơi…

Chị Bông giật mình ra khỏi giấc mộng tình lãng mạn trở về thực tế. Chị ngỡ ngàng gấp sách lại, chùi vội đôi mắt ướt và nhìn bà Chuông với thúng thịt sỗ sàng vừa buông xuống mặt đất.

Bà Chuông vừa lấy chiếc nón lá vừa quạt mát và than thở:
- Hôm nay ế quá, đi rạc cả chân, mời mỏi cả miệng mà thịt vẫn còn.

Chị Bông tiếc rẻ cuốn truyện dở dang nên từ chối ngay:
- Thôi tôi không mua đâu, giờ này nhà đã nấu cơm chiều rồi.

Bà Chuông nhìn cuốn sách như nhìn ra sự việc, trách móc:
- Cô mải đọc truyện chứ gì, mọi lần cô có nói thế đâu mà đã vội vàng mở thúng ra xem hàng... Thịt mang đến tận nhà mời chào thế này là bán giá rẻ từ lỗ vốn ít đến nhiều đấy cô ạ

Rồi bà Chuông xuống giọng nài nỉ:
- Tôi vừa bán cho bà Na bên cạnh nhà cô một ký thịt mông, còn một ký ba rọi cô lấy nốt tôi cám ơn, rang mặn ăn được mấy ngày.

Chị Bông biết thế nhưng mua một lúc cả ký thịt thì tốn tiền quá nên tần ngần:
- Sao bác không mang thịt về rang mà ăn có hơn không, nhà bác đông con….

- Ối giời, nói như cô thì ba ngày là hết vốn buôn bán, cả nhà tôi đói nhăn răng, thà bán rẻ lấy lại tiền có lỗ một ít còn hơn ăn hết.

Chị Bông hiểu hoàn cảnh nhà bà Chuông lắm, người chồng trước kia làm việc trong ngân hàng, sau 1975 bị đuổi việc ra ngoài làm những nghề không tên để kiếm sống rồi tìm cách đi vượt biên mấy lần đều thất bại và mất tiền bạc. Lần vượt biên sau cùng thì bị bắt vào tù ở mãi Cà Mau. Bà Chuông đi buôn bán thịt chợ đen, bà ra xa cảng miền Tây mua thịt heo về xóm bán, chắt chịu từng đồng vừa nuôi con vừa thỉnh thoảng đi thăm chồng. Chị Bông thầm cám ơn xa cảng miền Tây và cám ơn các con buôn chợ đen đã mang gạo, thịt về thành phố không thôi người ta chết đói chết thèm vì thiếu thốn chúng. Chị Bông cầm miếng thịt ba rọi lên ngắm nghía, cả ngày nay miếng thịt đã qua tay không biết bao nhiêu người, kẻ cầm lên người để xuống, bây giờ miếng thịt vẫn nằm lì ăn vạ ở đây.

Sợ chị Bông chê, bà Chuông dụ dỗ:
- Cứ lấy thịt đi, tôi bán… giá sỉ, giá lỗ vốn và vài hôm sau trả tiền cũng được. Thịt bán rẻ quá mà, thử ngày mai cô đi chợ liệu có chen lấn nổi với người ta để vào phản thịt mà mua vài ba lạng thịt tiêu chuẩn không chứ, chưa kể nó cân thiếu còn mắng khách hàng chan chát.

Chị Bông xuôi lòng:
- Vâng, bác gói thịt cho tôi…

Chị Bông trả tiền cho bà Chuông, chốc nữa chị dọn hàng về và làm món thịt ba rọi rang mặn. Hôm nay ngày gì mà chị Bông hên thế, vừa mua được gạo ngon lại mua được thịt rẻ, chị cao hứng ngày mai sẽ “phung phí” cho cả nhà được một bữa bồi dưỡng, một bữa ăn ngon mà không cần có lý do, cơm gạo thơm với thịt ba rọi rang mặn.

Không biết chị Bông … có duyên gì mà bà Tư Cam ngày nào cũng mời chị là người đầu tiên mua bánh bông lan mở hàng và bà Chuông thì vẫn chọn chị làm người khách cuối cùng, mời chị mua nốt chỗ thịt ế, bất kể là vài lạng hay một hai ký để kết thúc một ngày bán hàng mòn mỏi. Bà Tư Cam là dân Nam kỳ, bà Chuông là Bắc kỳ 54 , cả hai không hẹn hò mà cùng chung ý tưởng, cùng chọn chị Bông làm người khách hàng tín nhiệm của mình.

Chị Bông cất cuốn truyện của Stefan Zweig vào tủ để dành ngày mai đọc tiếp, ngày mai thổn thức tiếp. Những miếng thịt ba rọi bây giờ bỗng lên ngôi làm chị thích thú hào hứng hơn cả thú văn chương. Chị dọn dẹp hàng quán để về nhà trong, một ngôi nhà yên tĩnh trong xóm. Nơi bán hàng là căn nhà mặt tiền của cha mẹ không cách xa nhà trong xóm của chị là bao, chị Bông đã bán hàng giải khát như từ trước 1975 cha mẹ chị cũng bán hàng giải khát nơi đây.

Một ngày chị Bông bán hàng đã qua đi, những chuyện lặt vặt thường ngày như hôm nay từ bà Tư Cam bán bánh, bà Chuông bán thịt heo, chị Xu cầm đồ hay chị Bông bán cửa hàng cà phê bia nước ngọt bình dân đến anh công an khu vực, anh bộ đội lái xe, những người của bên thua cuộc hay bên thắng cuộc đã là một xã hội nhỏ, một cảnh chợ đời 1975, sau những tháng, những năm đầu của miền Nam Việt Nam sụp đổ.

Nguyễn Thị Thanh Dương, Dec. 01- 2015

Blog Archive