Sunday, December 19, 2021

LẠM PHÁT BIDEN GIẾT DÂN NGHÈO

Không đầy một năm dưới tài kinh bang tế thế siêu việt của cụ Biden, vật giá đã leo thang tới mức kỷ lục chưa từng thấy trong suốt 40 năm qua, từ ngày còn gia tài cụ Carter để lại cho hậu thế.

Đã có không ít tranh cãi về nguyên nhân và hậu quả của lạm phát Biden, một cuộc tranh cãi dựa trên tính phe đảng chủ quan nhiều hơn là dựa trên những dữ kiện khách quan hay lý luận khoa học.

Tuần này, ta thử nhìn toàn bộ vấn đề cho rõ hơn.

Thống kê chính thức của Nhà Nước Biden cho biết trong một năm qua, từ tháng 11/2020 tới tháng 11/2021, vật giá đã gia tăng 6,8%. Đây là kỷ lục cao nhất từ đầu năm 1982, một năm sau khi TT Reagan lên cầm quyền, hay chính xác hơn, lên lãnh đạn sau khi TT Carter bị dân Mỹ cho về nhà trồng đậu phộng tiếp tục. Trong 4 năm Carter, lạm phát đã tăng từ 5,2% đầu năm 1977 khi ông nhậm chức; lên tới 6,8% đầu năm 1978; rồi 9,3% đầu năm 1979; rồi 13,9% đầu năm 1980; và cuối cùng 13,5% cuối năm 1980 trước khi ông bàn giao cho tân TT Reagan.
Tỷ lệ lạm phát hàng tháng dưới 4 năm Carter (1977-80) và 8 năm Reagan (1981-88)

Nhìn vào bảng thống kê trên, ta thấy rất rõ ràng lạm phát bộc phát mạnh từ khi ông Carter bắt đầu nắm quyền, để rồi tiếp tục leo thang không ngừng nghỉ, và chỉ giảm hạ khi TT Reagan lên thay thế đầu 1981.

Quý độc giả tinh ý sẽ thấy tháng 11/1977, 10 tháng sau khi ông Carter nhậm chức, lạm phát leo lên tới 6,7%; trong khi tháng 11/ 2021, 10 tháng sau khi cụ Biden nhậm chức, tỷ lệ lạm phát cũng ở ngay mức tương tự tuy cao hơn một chút, 6,8%.

Những tỷ lệ của Carter là những tỷ lệ cao kỷ lục mà 6 đời tổng thống CH cũng như DC sau đó đều không đạt được. Chỉ có cụ Biden mới có hy vọng có được biệt tài bắt kịp. Muốn thấy tỷ lệ lạm phát cao hơn thời Carter, phải trở lại những năm ngay sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, 1946-1947.

Đó chính là lý do tại sao ông Carter chỉ làm tổng thống có một nhiệm kỳ. Và với sự tài ba của cụ Biden, ngay cả CNN cũng phải tính chuyện cụ Biden chỉ thọ một nhiệm kỳ.

Tình trạng hiện hữu
Như trên đã viết, nói chung vật giá tháng 11 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, đã tăng 6,8%, cao kỷ lục trong bốn thập niên qua. Tháng 10 trước đó, tỷ lệ lạm phát đã là 6,2%.

Đó là chỉ dấu hàng tiêu thụ. Còn về giá sản xuất thì tháng 11 vừa qua đã tăng 9,6% so với năm ngoái, nghĩa là trong những tháng tới, chỉ dấu lạm phát hàng tiêu thụ sẽ tăng nữa.
Lạm phát trong 20 năm qua

Dưới đây là bảng thống kê giá cả gia tăng trong năm qua của một vài món nhu yếu phẩm quan trọng nhất.

Nhìn vào các con số trên, thực tế mà nói, người dân khó có thể mường tượng được toàn bộ câu chuyện lạm phát như vậy nghĩa là gì. Một kinh tế gia cấp tiến đã ‘diễn dịch’ tỷ lệ 6,8% đó ra vài con số khác mà nhiều sẽ hiểu rõ hơn: có nghĩa là trung bình, mỗi gia đình trung lưu Mỹ năm nay sẽ phải tốn thêm khoảng 4.000 đô một năm hay gần 350 đô một tháng cho các chi tiêu gia đình, trong khi lương chỉ tăng chưa bằng một nửa. Tất cả mọi người đều lỗ to!

Cái ác là lạm phát đó đánh mạnh nhất vào 3 trọng điểm lớn nhất trong ngân sách gia đình, nhất là gia đình trung lưu và nghèo: xăng, tiền nhà và thực phẩm.

Tất cả quý bà đi chợ Việt cũng đều thấy giá gạo, giá nước mắm,… tăng như thế nào, nhưng tôi không viết lên đây được vì không có các con số chính thức. Chỉ biết giá thực phẩm Á Đông tăng khá mạnh vì toàn là nhập cảng qua Thái Bình Dương và phần lớn hàng đã hoặc còn đang bị kẹt tại các bến tầu Cali.

Nguyên nhân
Như tất cả mọi vấn nạn nào khác, đã có không biết bao nhiêu nguyên nhân được nêu ra, và dĩ nhiên, tất cả đều bị tranh cãi tới bến.

Gia tài của Trump hay gói quà 1.900 tỷ của cụ Biden?
Nhiều người nặng tính phe đảng dĩ nhiên đã biện giải cụ Biden thừa hưởng gia tài của Trump thôi. Anh nhà báo vẹt Mai Phi Long viết rất oai: “Nhìn con số $6.1 ngàn tỷ mà Tổng Thống Trump chi tiêu với $1.9 ngàn tỷ của Tổng Thống Biden ký, để nói rằng lạm phát tăng là do Biden thì quả là ấu trĩ vì sự so sánh quá khập khiễng và…trật lất!”

Trước hết, kẻ này không có thời giờ đi kiểm chứng các con số của MPLong, nhưng thôi thì cứ chấp nhận những con số đó là đúng đi. Chỉ đọc câu viết trên thì thấy anh vẹt này không phải kinh tế gia mà vẫn thích bàn chuyện kinh tế.

Có thể TT Trump đã tung hơn 6.000 tỷ, gấp 3 lần số tiền 1.900 tỷ của cụ Biden, nhưng phải hiểu hai hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Dưới thời Trump, không kể một nửa số tiền là để cứu trợ COVID, số tiền còn lại là cần thiết để nuôi kinh tế, trong khi số tiền của cụ Biden mang tiếng là để cứu trợ COVID nhưng hậu quả là tiền bơm vào kinh tế trong khi kinh tế đóng cửa. Để hiểu vấn đề cho rõ hơn, kinh tế như chiếc xe hơi, phải đổ xăng để chạy dưới thời Trump, và đó chính là lý do chi tiêu hơn 6.000 tỷ, để cả vạn hãng xưởng mở cửa lại, để hàng chục triệu người có công ăn việc làm lại. Sau khi COVID tấn công thì chiếc xe bị khựng lại, không chạy nữa, kinh tế đóng cửa, mà cụ lờ mờ Biden vẫn tiếp tục đổ xăng vào, khiến xăng tràn ra ngoài, tức là lạm phát. Chẳng những vậy mà quái lạ thay, cụ Biden vẫn nhất quyết tiếp tục đổ xăng nữa, qua gói quà gần 2.000 tỷ mà cụ đang vận động quốc hội phê chuẩn.

Anh vẹt MPLong viết lý luận gói quà 1.900 tỷ của cụ Biden gây lạm phát là … “ấu trĩ, khập khiễng và trật lất” thì xin anh nếu đủ khả năng thì đi tranh cãi với các ông Steven Rattner và Larry Summers đi. Gói quà 1.900 tỷ hoàn toàn thừa thãi, chỉ đưa đến kết quả là tung tiền vào thị trường, đẻ ra nạn vật giá leo thang khi số tiền lưu hành có quá nhiều so với tình trạng ứ đọng kinh tế vì COVID đóng cửa kinh doanh cũng như gián đoạn đường giây cung ứng hàng hóa. Đó chính là nhận định của hai ông Steven Rattner và Larry Summers.

Ông Rattner là người chịu trách nhiệm cứu toàn bộ kỹ nghệ xe hơi Mỹ dưới thời TT Obama, và ông Summers là chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế của TT Obama, trước đó là bộ trưởng Ngân Khố của TT Clinton. Hai ông này … “ấu trĩ và trật lất”, chỉ có MPLong là trưởng thành và đúng???

Biểu đồ dưới đây sẽ cho quý độc giả thấy rõ lạm phát hiện hữu bắt đầu từ khi nào:

Biểu đồ trên cho thấy rõ nguyên nhân tức thì và trực tiếp của lạm phát hiện hữu không gì khác hơn là gói quà cứu trợ COVID 1.900 tỷ cụ Biden tặng cho dân Tháng Ba năm nay, ngay sau khi cụ vừa nhậm chức, đúng như nhận định của hai ông Rattner và Summers.

Người ta nói “quản trị tức là tiên liệu”. Biểu đồ trên chứng minh rõ ràng chính quyền Biden mù tịt, chẳng tiên đoán nổi một tiếng đồng hồ nữa chuyện gì sẽ xẩy ra chứ đừng nói tới chuyện mấy tháng nữa hay một vài năm nữa.

Khi thuốc ngừa được chích vào cả mấy trăm triệu người thì tất nhiên là dịch sẽ giảm, kinh tế có thể mở cửa lại và dân chúng có nhu cầu đi mua những thứ họ cần mà không có được trong cả năm trời. Trong khi đó, hàng hóa tạm ngưng sản xuất cả năm trời, tất nhiên sẽ thiếu hụt, và sự thất cân bằng này tất nhiên sẽ khiến vật giá leo thang. Lửa lạm phát bốc cháy. Khi lửa đang cháy, người ta cần phải đổ nước lên để dập tắt lửa. Nhưng thay vì vậy, cụ Biden đổ 1.900 tỷ thùng dầu và ép Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang bồi thêm cả trăm tỷ khúc gỗ vào để làm gì? Hệ quả sẽ ra sao, trẻ con mẫu giáo cũng biết.

Ở đây, phải nói ngay, chỉ là kinh tế học mẫu giáo mà tất cả các cố vấn và phụ tá của cụ Biden cũng như các quan chức trong ngân hàng trung ương đều biết rõ. Nhưng họ đã bất chấp hậu quả kinh tế vì họ quyết định theo nhu cầu chính trị tặng quà cho dân để kiếm hậu thuẫn chính trị, chứ không phải để đáp ứng nhu cầu kinh tế.

Kẹt cung ứng trong khi bộ trưởng Giao Thông bận thay tã cho con
Cả triệu tấn hàng hóa đang kẹt cứng tại các bến tàu, các nhà ga xe lửa, các kho hàng, không đến tay người tiêu thụ được, phần lớn vì không có đủ nhân viên chuyển hàng, không có đủ tài xế xe chở hàng. Tiền vào tay dân ào ào trong khi không có hàng để mua, hệ quả tất nhiên là vật giá leo thang.

Hiển nhiên đây là vấn đề giao thông vận tải. Là lãnh vực trách nhiệm của ông bộ trưởng Buttigieg. Ông này đã làm gì?

Trong khi khủng hoảng kẹt đường giây cung ứng hàng hoá lên tới cao điểm thì ông Buttigieg đang nghỉ phép ba tháng để cùng ‘ông chồng’ lo cho hai đứa con song sinh vừa ra đời qua một bà được thuê mang thai giùm. Hình chụp hai ‘vợ chồng’ ông Buttigieg cùng ngồi trên giường hớn hở ôm hai đứa con, tuyệt đối chẳng có một ly ưu tư nào về nạn kẹt hàng. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc ca tụng ông Buttigieg đã là một gương sáng về tinh thần trách nhiệm của một ông bố lo cho con. Bị chỉ trích là rảnh hơi lo thay tã cho con, ông Buttigieg hùng hổ cãi “bộ tưởng trông con mới sanh dễ lắm sao? Đó là ‘làm việc’ mà làm việc rất cực!”.

Thưa ông, không ai nói nuôi con dễ hay khó gì hết, vấn đề là chúng tôi đóng thuế trả lương cả trăm ngàn cho ông không phải để ông lo cái chuyện lăng nhăng vớ vẩn trong đời sống riêng tư của ông, mà là để ông lo cho chúng tôi không thấy cảnh giao thông kẹt cứng, không có nhu yếu phẩm cho chúng tôi.

Những bào chữa
Trước đại họa lạm phát, chính quyền Biden, với sự hỗ trợ tích cực của những cái loa phường CNN, Washington Post, New York Times, … và đám vẹt tị nạn u mê, đã vặn trẹo lưng để bào chữa, phần lớn là ngụy biện, phần nhỏ là lừa bịp, và phần phụ nữa là tiếu lâm.

Lạm phát như hiện tượng nhất thời
Trước hết, chính quyền Biden cố trấn an bằng cách khẳng định lạm phát hiện nay chỉ là hiện tượng nhất thời, có tính cách ‘chuyển tiếp’, và sẽ qua thôi.
Theo lập luận này, kinh tế phục hồi quá nhanh dưới sự lãnh đạo tài ba của cụ Biden khi cầu vượt xa cung. Cầu lên mạnh vì dân có tiền xài, trong khi cung ứng không theo kịp vì các hãng xưởng không sản xuất kịp vì nhân công trước đó bị nghỉ làm quá nhiều để tránh COVID, cũng như hàng nhập cảng bị kẹt tại các bến tầu vì thiếu nhân công chuyển hàng. Tất cả chỉ là hệ quả nhất thời của việc kinh doanh mở cửa lại.

Trên căn bản, lý luận ‘lạm phát nhất thời’ kiểu này không sai lắm. Dĩ nhiên, trên cõi đời này, hầu như chuyện gì cũng chỉ là nhất thời thôi, tất cả rồi cũng qua. Ngay cả cuộc sống cũng chỉ là nhất thời, ai sinh ra rồi cũng chết thôi.

Vấn đề là sớm hay muộn, và khi vấn nạn chưa qua thì ta có chịu nổi không.

Một cách cụ thể, giá thịt bò có gia tăng 100% mỗi năm trong 100 năm liền thì ông tỷ phú Bill Gates cũng vẫn có thể ăn thịt bò kobe của Nhật một ngày ba lần cho tới đời cháu chắt nội ngoại, chứ gạo tăng ví dụ 1% mỗi tháng trong 6 tháng thôi, thì dân tị nạn cũng đủ rã rời tứ chi rồi.

Lạm phát như vấn đề của giai cấp thượng lưu
Ông Ron Klain, chánh văn phòng cụ Biden, rất oai hùng, trấn an dân khố rách áo ôm không có gì phải lo sợ lạm phát hết vì lạm phát chỉ là một vấn đề của giai cấp thượng lưu.

Công bằng mà nói, ông Klain chỉ là lập lại nguyên văn nhận định của một giáo sư Harvard, ông Jason Furman. Theo ông Furman, giá cả gia tăng vì dân có công ăn việc làm, có tiền trợ cấp, có sung túc, nên mới có tiền mua hàng quá nhiều, đưa đến tình trạng giá cả gia tăng.

Đây rõ ràng là lý luận của loại ‘học giả’ -chứ không phải học thật-, chỉ biết ăn ngon mặc đẹp ngủ kỹ, làm việc trong phòng máy lạnh, qua việc đọc sách đọc báo mỗi ngày. Không bao giờ rảnh ra cửa sổ nhìn ra bên ngoài xem chuyện gì đang xẩy ra.

Xin lỗi ông Furman và ông Klain, chứ tôi đi làm cật lực, lương không tăng mà đổ xăng mỗi tuần 60 đô thay vì 40 đô như trước đây, thì đó là vấn nạn cực lớn, trong khi đối với ông Bill Gates chỉ là chuyện muỗi đốt gỗ, sao có thể nói đó là “vấn đề của giai cấp thượng lưu”? Quý ông nói những người có lợi tức thấp hay lãnh tiền già cố định sẽ được Nhà Nước lo, xin hỏi quý ông khi giá xăng tăng 60%, Nhà Nước có tăng trợ cấp hay tiền già lên 60% không? Tôi là người sống bằng tiền già, Nhà Nước sẽ tăng thêm 6% tiền già SSA cho năm tới, như vậy có đủ trả tiền xăng phụ trội không? Chưa kể Nhà Nước cho tay này, lấy lại tay kia khi tăng tiền đóng góp vào bảo hiểm y tế Medicare.

Cái thực tế hiển nhiên nhất là lạm phát chỉ giết đám dân nghèo thôi. Càng nghèo càng chết nhanh, chứ đám thượng lưu sẽ chẳng có ma nào chết vì xăng tăng giá lên một hai đô một ga-lông hay tiền thuê nhà tăng một hai trăm đô một tháng. Các đại gia vẫn ung dung đi chơi bằng máy bay riêng như thường, bất kể giá xăng tăng bao nhiêu.

Lạm phát như công thức bình đẳng
Anh bình loạn gia Andrew Sorkin của đài tivi CNBC phùng mang tung hô lạm phát là hình thức tạo công bằng, san bằng bớt bất công giai cấp.

Thú thật kẻ này không hiểu cái lý này, ngoại trừ lý do lạm phát khiến tất cả mọi người nghèo đi, đưa đến tình trạng ‘lý tưởng’ của xã nghĩa là tất cả đều ‘công bằng trước chén bo bo’.

Xin lỗi, kẻ này vắt chân lên cổ trốn chạy cái xứ ‘đỉnh cao của khỉ Trường Sơn’ chính vì không muốn sống trong tình trạng công bằng trước chén bo bo này.

Lạm phát vì các tổ hợp sản xuất
Lý cớ bào chữa mới nhất: phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc đổ thừa giá thịt thà tăng vì các tổ hợp sản xuất thịt cùng nhau thông đồng tăng giá. Vâng, cũng như xăng tăng giá vi các hãng sản xuất dầu xăng thông đồng, giá xe cũ tăng vì các công ty sản xuất xe thông đồng, giá nước mắm tăng vì dân đánh cá Phan Thiết thông đồng,… Tất cả là lỗi của… bốn phương tám hướng.

Vẫn cái tật đổ thừa bốn phương tám hướng. Mỹ có luật rất gắt chống các tổ hợp thông đồng giá cả [anti-cartel laws hay anti-gouging prices laws], sao bộ Tư Pháp chưa truy tố các tổ hợp đó đi?

Biện pháp
Trước hiện tượng lạm phát giết dân, chính quyền Biden đã, đang, và dự tính làm gì?

Về tăng giá xăng
Những trí thức cấp tiến cuồng nhất tìm cách biện giải cho việc tăng giá xăng. Họ cho đó là việc tốt vì thiên hạ sẽ bớt xài xăng, bớt gây ô nhiễm khí hậu, bớt hâm nóng địa cầu. Và giải pháp rất dễ cho mọi người tất nhiên là đi xe điện, đừng đi xe hơi đổ xăng nữa.

Xin lỗi quý vị trí không thức, đây là loại lý luận của các vị trưởng giả, thừa giấy vẽ voi. Tôi là thứ dân hạng bét, cần có xe đi làm lao động lãnh lương xấp xỉ cỡ dưới tối thiểu, có được mức tối thiểu 15 đô một giờ thì coi như đã trúng số rồi. Có tiền lương vào để có gạo ăn mỗi ngày là phúc đức rồi, làm sao tôi rảnh hơi nghĩ chuyện trái đất bị hâm nóng vài trăm thế kỷ nữa? Cụ Al Gore chê cái xe Toyota tôi mua thời ông Reagan còn làm tổng thống, là thải khí hại nhiều quá trong khi một chuyến đi đánh gôn bằng máy bay tư của ông Al Gore đã thải khí độc bằng tôi lái xe đi làm cả năm. Mua xe điện ư? Tôi còn cái xe thời Reagan là đã quá ngon rồi, tiền đâu bảo tôi mua xe điện bạc trăm ngàn của tỷ phú Elon Musk?

Rõ là vớ vẩn!

Về kẹt cung ứng
Kẹt hàng là một vấn nạn cực kỳ lớn lao, lớn hơn xa tầm tay của ông Buttigieg mà yếu tố chính được bổ nhiệm làm bộ trưởng là … cái ‘can đảm’ dám công khai hôn ông chồng đồng tính.

Trên nguyên tắc, bộ Giao Thông ở Mỹ là cái bộ nhàn rỗi nhất, chẳng có gì để làm vì phần lớn vấn đề giao thông trên các xa lộ, đường phố,… thuộc thẩm quyền tiểu bang hay thị trưởng, quận trưởng, trong khi các ngành hàng không, giao thông biển đều đã có thủ tục luật lệ thông dụng từ hồi nào tới giờ. Do đó, cụ Biden muốn lấy điểm với dân đồng tính, đã bổ nhiệm anh Buttigieg làm bộ trưởng Giao Thông, với ý nghĩ chẳng có hại gì cho dù anh này kinh nghiệm chẳng có gì, ngoài việc làm thị trưởng một thành phố nhỏ tí không ai biết ở đâu.

Cái không may hay chính xác hơn, cái dở của cụ và anh Buttigieg là không tiên đoán trước được COVID sẽ đánh mạnh vào đường giây cung ứng như thế nào, nên bổ nhiệm một anh lờ mờ lo chuyện tải hàng.

Bà bộ trưởng Thương Mại Gina Raimondo còn siêu hơn nữa. Bà rất ‘hoành tráng’ tuyên bố chuyện giải quyết nạn kẹt hàng không phải trách nhiệm của chính quyền, mà đó là chuyện của khu vực tư doanh. Ủa vậy sao? Vậy thì xứ Mỹ này có bộ trưởng Thương Mại, bộ trưởng Giao Thông để làm gì? Để làm cảnh như cả lô ủy viên linh tinh ngáp gió trong các hội đoàn trong cộng đồng tị nạn ta sao?

Một vài anh chị cấp tiến bóp trán tìm cách biện giải, đã chế ra một cách bào chữa rất sáng tạo. Họ cho rằng nguyên do sâu xa của vấn đề là dân Mỹ ăn xài quá lố, do đó, dân Mỹ nên tập ăn xài bớt đi, mua hàng bớt đi, sẽ hết kẹt cung ứng ngay và vật giá sẽ hết leo thang ngay. Phải rồi, dân Mỹ nên tập sống theo dân Zimbabwe hay dân Việt ta thời khỉ bao cấp, cái gì cũng không có, mua gì cũng không được, để rồi giải thích tất cả đều là dư thừa không cần thiết. Triết lý ‘dân giàu nước mạnh’ ngày nay đã bị coi như triết lý hủ lậu, mà nhân sinh quan mới phải là ‘dân nghèo nước yếu’ thì mới là hợp thời trang. Dân Mỹ đã cố tình bầu cho cụ Biden để được nghèo và yếu đi mà, phải không?

Về gói quà BBB
Lúc đầu, cụ Biden trấn an dân, nói lạm phát là chuyện nhất thời thôi. Nhưng rồi sau đó, các chuyên gia thứ thiệt như bà bộ trưởng Ngân Khố Yellen và cả ông chủ tịch ngân hàng trung ương Powell, đều đã đổi giọng, nhìn nhận lạm phát sẽ kéo dài khá lâu. Cụ Biden bèn đổi chiến thuật, không còn nhấn mạnh lạm phát chỉ là tai nạn ngắn hạn, mà xoáy mạnh vào lập luận mới: lạm phát có thể kéo dài thật, nhưng cụ Biden đã có sẵn vũ khí cực hữu hiệu để chống lạm phát: đó chính là gói quà BBB hơn 2.000 tỷ.

Thượng viện, dưới áp lực của cụ Biden, đang điều đình, trả giá, đổi chác gì đó trong hậu trường để thông qua gói quà cụ Biden gọi là luật ‘Tái Xây Dựng Lại Tốt Đẹp Hơn’ -Build Back Better hay BBB.

Trước hết, phải nói ngay, gói quà này còn trong vòng trả giá nên chưa ai biết cuối cùng sẽ là bao nhiêu, có gì trong đó. Tuy nhiên dựa trên đề nghị của cụ Biden và gói quà hạ viện đã phê chuẩn, có thể sẽ lên tới trên dưới 2.000 tỷ (so với 3.500 tỷ như đề nghị ban đầu), và gồm rất nhiều loại trợ cấp và chi tiêu của Nhà Nước.

Theo cụ Biden, BBB sẽ có đủ thứ lợi như gia tăng việc làm, phục hồi kinh tế, cắt giảm lạm pháp, mang lại phúc lợi cho dân, … Một loại thuốc đặc biệt trị bá bệnh mà Hoa Đà chỉ có thể mơ ước trong mộng. Mà đặc biệt như cụ Biden quảng bá, hoàn toàn từ trên trời rơi xuống như món quà của ông Già Noel tân thời, tất cả miễn phí, không ai phải trả xu nào, không tăng thuế, không vay mượn,… Quá hay, quá tốt, đến độ mà Mỹ gọi là ‘too good to be true’, quá tốt đến độ không thể có thật được.

Tất cả những kết quả tuyệt hảo đó được cụ Biden long trọng hứa hẹn, nhưng đáng tiếc thay, chỉ có những người phe đảng mù quáng nhất mới tin.

Mặt trái của gói quà đó là cái giá dân Mỹ sẽ phải trả mà cụ Biden không đủ lương thiện để nói thẳng ra: đổ dầu và thêm gỗ vào đám lửa lạm phát, tăng thâm thủng ngân sách, tăng công nợ, giảm giá trị đồng đô, tăng thâm thủng cán cân ngoại thương. Theo Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội -Congressional Budget Office- không thuộc đảng nào, gói quà như cụ Biden đề nghị sẽ đưa đến thâm thủng ngân sách khoảng 3.000 tỷ đô trong một thập niên tới.

Điểm tiếu lâm nhất là trong khi tất cả các chuyên gia kinh tế đều nhìn nhận gói quà khổng lồ này sẽ không khác gì dầu hỏa và gỗ bỏ vào đám lửa lạm phát, thì cụ Biden khư khư khẳng định tung tiền ra như vậy sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm lạm phát. Trong 5 người dân Mỹ, chỉ có 1 người tin cụ Biden. Trong đó có vài con vẹt tị nạn bảo hoàng hơn vua!


Kết
Nói lạm phát nghe có tính cách trừu tượng, chuyên môn kinh tế, nhiều người sẽ không hiểu rõ hệ quả của lạm phát đối với chính mình. Nói một cách giản dị và dễ hiểu hơn, đó là tình trạng ‘người dân nghèo đi’, hay nói cách khác cụ thể hơn, là trong một năm với cụ Biden, tất cả mọi người đều đã bị trừ lương hay bị cắt bớt tiền già, không hơn không kém. Tuy số tiền nhận được không giảm, có thể gia tăng chút đỉnh, nhưng cùng với số tiền đó mà mua được ít hàng hơn, ăn được ít hơn, sắm được ít quần áo hơn, đi lại ít hơn, đổ được ít xăng hơn, ... thì đó nếu không phải là nghèo đi thì là gì?

Nếu đúng như cụ Biden khẳng định, lạm phát chỉ là hiện tượng nhất thời, cho là kéo dài hai ba tháng, thì công bằng mà nói, khó ai có thể trách cụ Biden được. Nhưng nếu lạm phát trầm trọng hơn hay kéo dài hai ba năm, thì đừng ai lấy làm lạ nếu cụ Biden chỉ là tổng thống một nhiệm kỳ giống như TT Carter thôi.

Đối với kẻ này, thú thật chuyện cụ Biden làm một nhiệm kỳ hay nửa nhiệm kỳ hay ba nhiệm kỳ chẳng có gì phải đau đầu quá nhiều, mà cái đáng đau đầu là khi nào thì tiền già không còn đủ để mua thịt cá, để phải bị ăn chay trường bất đắc dĩ.

Vũ Linh

ĐỌC THÊM

Lý do vật giá gia tăng – New York Magazine:

Tòa Bạch Ốc coi thường lạm phát – Spectator World:

Thượng lưu mù quáng – Real Clear Politics:

No comments:

Blog Archive