Cây Giáng Sinh Của Bà Nancy
22/12/2021
Nguyễn Thị Thanh Dương
(nguồn: www.pixabay.com)
Bà Nancy đang nằm trên giường khi tôi đến gần bà nắm tay tôi, giọng thều thào mừng vui:
- Sandra, con đến thăm mẹ phải không?
Tôi gỡ tay bà ra, đẩy cái xe lăn lại gần bà hơn. Giọng bà vừa vui vừa rên rỉ:
- Con của mẹ ! Sao con im lặng?
Tôi đáp dịu dàng nhưng như một cái máy ra mệnh lệnh:
- Chúng ta hãy xuống phòng ăn lunch.
Trong lúc tôi dìu bà ngồi vào xe lăn và seat belt, bà ngoan ngoãn làm theo mọi sự sắp đặt của tôi nhưng miệng vẫn không ngớt lẩm bẩm:
- Sandra! Sandra! Con đang về thăm mẹ phải không?
Và dường như bà cũng mệt mỏi vì những câu hỏi liên tục của bà không được trả lời, bà im lặng, sự im lặng chìm đi trong không gian căn phòng hẹp chỉ có hai người, tôi và bà Nancy.
Công việc làm trong Nursing home rất vất vả, suốt 8 tiếng một ca, hầu như phải đi liên tục, hiếm khi được ngồi nghỉ, ngay cả giờ ăn lunch cũng chưa chắc được yên, lúc nào tiếng chuông ở các cửa phòng cũng có thể ring lên và cái đèn hiệu nhấp nháy như thúc giục.
Hết người này gọi, đến người khác kêu, nhiều khi chẳng có chuyện gì cần thiết cả, có bà đói bụng, đòi một ít snack, có bà – khi tôi vội vàng chạy tới - thì nói tao đâu có gọi mày, tại tay tao lỡ đụng vào cái nút alarm !
Bà Rose là nhân vật điển hình của chuyện bấm chuông…vô tội vạ, 10 lần thì hết 8 lần bà bảo tao buồn quá, tao muốn tâm sự với mày một chuyện, rồi bà thao thao nói, như một căn bệnh lên cơn không thể dừng lại được:
- “ Ngày xưa, tao và anh Derek ở cùng một town nhỏ, ở đấy có một khu rừng, hai chúng tao thường hẹn hò vào những buổi chiều, rừng chiều rất đẹp…”
Tôi đã phải ngắt dòng tâm sự của bà và đi đến đọan cuối luôn, nếu không thì bà sẽ kể cho đến tối cũng chưa xong chuyện hẹn hò :
- “ Biết rồi, bà đứng đợi Derek dưới một gốc cây, anh ta sẽ chạy đến với một bó hoa dại trên tay mà anh vừa hái ở một bụi cây bên đường. phải không ?.”
Và bao giờ Rose cũng nhìn tôi mỉm cười mãn nguyện :
- “ Mày đã biết chuyện tình tuyệt vời của tao. Phải rồi, Derek yêu tao lắm !”.
Bà già gần đất xa trời, tâm trí ngơ ngẩn và vụng dại như trẻ con, câu chuyện bà kể tôi nghe hàng mấy chục lần, quanh đi quẩn lại có bấy nhiêu làm gì tôi không thuộc.
Còn bà Nancy, cũng lẩn thẩn như thế, chẳng hiểu sao cả tháng nay bỗng gọi tôi là Sandra, tên con gái bà. Mỗi khi gặp tôi, bà cứ khăng khăng rằng tôi là Sandra, bà làm phiền tôi quá, tôi mất rất nhiều thì giờ khi làm việc với bà, bà níu áo, níu tay, hỏi han đủ thứ, làm tôi không dứt ra được trong khi còn nhiều công việc khác đang chờ. Tôi không nỡ gắt gỏng với bà, vì trong thâm tâm, tôi vẫn còn nợ bà một món nợ khó trả, dù bà không biết, không bao giờ đòi lại món nợ đó.
Hôm nay cũng thế, tôi đẩy xe bà lên phòng ăn rồi, những người còn lại tôi làm không kịp, nên một co-worker phải chạy lại giúp tôi để tất cả có mặt trong giờ lunch.
Tôi mới vào làm việc ở Nursing home này được 3 tháng. Tính nhanh nhẹn, láu táu cộng thêm cả sự…xớn xác của tôi, ngay mấy ngày đầu đã xảy ra hai “accident”.
Cứ mỗi khi đến giờ ăn, tôi có bổn phận nhắc nhở họ, hay dìu họ, đẩy xe lăn cho họ xuống phòng ăn. Có một lần, tôi vào phòng thì ông Thomas đang nằm ngủ ngon lành, tấm chăn mền đắp lên tới cằm, ông ngáy khò khò, tôi gọi ông không nghe, tôi liền… tốc mền lên cái “rụp”. Tức thì…Trời ơi ! ông phản ứng làm tôi kinh hoàng nhảy xa ra vài bước, ông ngồi nhỏm dậy, mắt trợn tròn đầy tức giận và quát tháo một tràng, tôi chỉ nghe loáng thoáng cũng biết ông đang…chửi tôi. Ông Thomas bị tê liệt chân, không thể đi đứng được, nếu không thì ông ta đã nhảy bổ xuống giường, cho tôi vài cái tát là lẽ đương nhiên.
Chuyện thứ hai, xảy ra cho chính bà Nancy, cái bà hay níu kéo tôi, làm phiền tôi. Có lẽ trời…quả báo tôi thế? Hôm ấy, bà ngồi xe lăn để tôi đẩy ra phòng ăn, hai tay bà để lên hai bên thành ghế, tôi len lỏi giữa những dãy bàn làm sao mà đụng vào cạnh bàn một cú thật mạnh, bà già chỉ kêu lên một tiếng “ow!” yếu ớt, rồi thôi, nhưng nét mặt bà nhăn nhó đầy vẻ đớn đau. Tôi nhìn thấy mu bàn tay bà sướt một đường dài và chảy máu. Tội nghiệp! da tay người già mỏng manh, vậy mà tôi giáng cho bà một cú đau điếng, nếu như bà còn tỉnh táo, thì chắc chắn bà cũng sẽ…chửi tôi như ông Thomas và kèm theo vài cái tát mới đích đáng.
Lương tâm cắn rứt và áy náy, nếu tôi không nói thì chẳng ai biết lỗi tại tôi cả, nhưng tôi với tâm hồn đau đớn và tuyệt vọng, lên gặp bà supervisor, trình bày lại sự việc ông Thomas và bà Nancy để …xin thôi việc. Tôi cảm thấy không đủ khả năng và kiên nhẫn làm công việc chăm sóc những người già.
Bà supervisor đã dịu dàng khuyên tôi, ai làm việc cũng có sơ xuất, biết sai và sửa thì sẽ tốt thôi. Lần sau, nếu người ta đang ngủ thì đừng gọi dậy, hoặc họ sẽ xuống ăn sau, hoặc ta sẽ mang đồ ăn lên phòng cho họ.
Tôi đã nghĩ thầm, ở Nursing home mà “ oai” quá chừng, được tôn trọng, hầu hạ như ông bà chủ..
Mấy tháng trôi qua, công việc quen dần, tôi thấy yên tâm hơn, ông Thomas, chắc rằng trí nhớ chẳng bền lâu để mà oán ghét tôi đã làm một cái việc thô lỗ tốc mền khi ông đang ngủ say sưa nữa. Và bà Nancy thì càng không nhớ tí nào, nhưng hàng ngày nhìn vết sẹo nhỏ trên mu bàn tay bà, tôi vẫn cảm thấy day dứt một món nợ không biết phải trả bằng gì cho hết.
Mùa Giáng Sinh đang đến, ngoài đường phố, chợ búa, và các cửa hàng đã tấp nập những màu sắc xanh đỏ, tươi vui. Trong cái Nursing home nhỏ bé này người ta cũng góp phần với niềm vui chung của mọi người, mọi chốn. Tại phòng khách lớn người ta vừa dựng xong một cây Giáng Sinh, trang trí những chiếc đèn đủ màu và những cây kẹo cong cong xinh xắn. Các ông bà già hàng ngày thường tụ tập nơi đây để cùng coi ti vi hay nói chuyện với nhau, còn hơn là nằm bẹp trong phòng riêng, coi ti vi một mình thì buồn chán quá!
Gặp người nào tôi cũng đều báo với họ là có cây Giáng Sinh tuyệt vời ở phòng khách.
Và tôi đã đọc thấy trên những nét mặt già cỗi hay ngơ ngơ, ngác ngác của họ loé lên một niềm vui. Nhưng có một người không vui tí nào, mà lại rơi nước mắt, bà khóc oà như một đứa trẻ con, đó là bà Nancy, khi tôi mời bà xuống phòng khách coi cây Giáng Sinh, bà nức nở:
- Không, đó không phải là cây Giáng Sinh của Sandra !
Những giọt nước mắt của bà vỡ oà cả vào tim tôi, làm tôi bối rối, và tôi lại chạy đi “mét” với bà supervisor ( bà hiền lành và tôi là người mới vô làm nên bà thương tôi, sẵn sàng giúp đỡ, chỉ dẫn tôi).
Bà supervisor của tôi kể:
- Tội nghiệp Nancy ! Mày mới, nên không biết thôi, Nancy nằm ở đây gần 10 năm rồi, người thân duy nhất là con gái tên Sandra, vẫn thường vào thăm hay mang bà về nhà chơi vào mỗi mùa Holiday. Sandra luôn luôn làm một cây Giáng Sinh thật đẹp để đón bà Nancy trở về, nhưng đã hai năm nay, Sandra không đến nữa, cô ấy đã chết vì dùng drug quá liều.
Sandra không chồng, không con.Thế là bà Nancy trở thành kẻ cô độc, một mình trên thế gian này. Bây giờ tôi đã hiểu vì sao Nancy luôn gọi tôi là Sandra, tôi là người Việt Nam, con gái bà người Mỹ, chẳng có gì giống nhau cả, nhưng với tâm thần lẩn thẩn, cộng với lòng thương nhớ con, nên bà đã nhìn tôi mà tưởng tượng ra Sandra.
Tôi chào bà supervisor và biết mình phải làm gì, tôi xăm xăm đi về phía phòng bà Nancy, nhưng đang đi thì nghe tiếng chuông cửa bà Rose gọi, tôi ghé vào, hi vọng lần này không phải nghe bà kể lể câu chuyện tình, ngày xưa hai đứa hẹn nhau trong khu rừng vắng của bà nữa, vả lại, tôi cũng muốn mời bà đi coi cây Giáng Sinh. Tôi mở cửa phòng:
- Chào bà Rose, bà cần gì?
- Ồ ! Mày đến thật đúng lúc. Giọng bà hớn hở.
Bà gọi tôi chứ tôi có ngẫu nhiên đến đây đâu mà bà bảo đúng lúc.Mà thôi, hơi đâu lý sự với mấy bà già lẩm cẩm.
- Mày ngồi xuống đây.Bà Rose chỉ vào một cái ghế.
Tôi vẫn đứng yên và hỏi:
- Bà lại muốn kể chuyện gì thế?
Đôi mắt hom hem của bà nhấp nháy để trôi về một quá khứ mộng mơ:
- Ngày xưa, tao và Derek……
Tôi đã “bội thực” vì câu chuyện tình của bà rồi, tôi lại ngắt lời bà:
- Tôi biết bà và Derek yêu nhau lắm, nhưng sao hai người không lấy nhau?
Bà Rose mỉm cười móm mém, có lẽ trong đầu óc của bà đang rối tung vì bao nhiêu hình ảnh, những cuộc tình, những buồn vui trong một đời người. Nhất là người Mỹ, yêu nhiều, đám cưới cũng nhiều, khi đã về già, lẩn thẩn, thì còn nhớ ai với ai?
Bà Rose đi ra closet lấy cái bóp xách tay như sắp sửa đi đâu, hay bà muốn đi coi cây Giáng Sinh? Nhưng không, bà nói:
- Tao phải đi ra khu rừng đây, Derek đang chờ tao ở đó. Tao sẽ nhận bó hoa dại thật đẹp từ tay anh ấy cùng với một nụ hôn.
Trời ơi, ai bảo người già gần đất xa trời không lãng mạn? Lại là một người già đầu óc ngơ ngẩn nữa chứ. Bà Rose ơi, anh Derek của bà bây giờ hoặc đã nằm im trong lòng đất, hoặc nếu còn sống thì cũng đang già nua, lù khù và nhếch nhác trong một Nursing home nào đó như bà thôi. Ví thử bây giờ ông cụ Derek có đứng ngay trước mặt bà, với bó hoa rừng trên tay, chưa chắc bà nhận ra, có khi còn…chửi lộn với ông, vì tưởng là một kẻ xa lạ nào. Vậy mà bà cứ chờ mong gặp gỡ như ngày xưa bà vẫn từng chờ mong.
Thôi, tôi hãy để bà Rose yên ổn với giấc mơ, bất quá bà chỉ đi lang bang trong khu Nursing home này thôi, sẽ chẳng bao giờ bà đến được khu rừng trong quá khứ cả. Ngoài cửa Nursing home có security, ai nỡ để bà đi lạc ra ngoài .
Tôi sang phòng bà Nancy, bà đang nằm ngủ, kinh nghiệm đầy mình nên tôi không dám đánh thức bà dậy, lặng lẽ đứng nhìn vẩn vơ khắp phòng, bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ hơn những tấm hình bà treo trên tường và để trên bàn. Hình thời con gái của bà,mái tóc quăn uốn lượn, khuôn mặt thon dài, xinh xắn . Đôi mắt đuôi dài đa tình thăm thẳm kia chắc đã một thời làm bao người say đắm. Cái miệng cười quyến rũ kia đã từng nhận bao nụ hôn yêu? Thuở ấy, cô Nancy yêu đời, yêu người, không bao giờ nghĩ đến ngày hôm nay, khi về già da mồi, tóc bạc, nằm bẹp dí, nhìn cuộc đời tàn dần trong Nursing home, giữa tình thương vay mượn của thiên hạ.
Tôi bỗng chạnh lòng nhìn lại mình, những gì tôi có ngày hôm nay, biết đâu cũng sẽ tan biến đi và ngày mai sẽ có thêm một bà già ngớ ngẩn, sống mà không biết mình đang sống, đang làm gì như những người già trong Nursing home này .
Khi tôi định quay ra thì bà Nancy mở mằt, nhìn thấy tôi, đôi môi bà mấp máy, kêu khe khẽ:
- Sandra! Con đến thăm mẹ, phải không?
Lần đầu tiên tôi trả lời bà khi câu hỏi có liên quan đến Sandra, tôi ngồi xuống mép giường:
- Vâng, con là Sandra đây.
Bà giơ tay lên, nhưng không đủ sức để ôm tôi, giọng bà lạc đi:
- Sandra, Sandra.! Mẹ biết mà, rồi con sẽ đến thăm mẹ.
Tôi nắm lấy cánh tay gầy yếu của bà, âu yếm:
- Mẹ ơi, mẹ có biết là Giáng Sinh đang đến không?
- Thật vậy sao? Sandra, con đã làm xong cây Giáng Sinh chưa?
- Xong rồi mẹ ạ. Mẹ có muốn đi với con để ngắm cây Giáng Sinh không?
Bà gật đầu. Tôi đỡ Nancy ngồi dậy, chải tóc cho bà, khi tôi mở closet lấy quần áo, Nancy bảo tôi, có lẽ một phần trí nhớ đã trở lại với bà trong khỏanh khắc hiếm hoi :
- Con lấy cho mẹ cái áo có hai màu xanh đỏ, mặc mùa Giáng Sinh.
Tôi thay quần áo cho bà, khi cầm bàn tay phải của bà lên, trông thấy vết sẹo nhỏ, dài, tôi cúi xuống hôn tay bà như một lời xin lỗi. Nhưng bà cảm động vì một lẽ khác, bà nói lan man đầy vui sướng :
- Ôi Sandra!, con vẫn còn nhớ tới mẹ, con vẫn thương mẹ, phải không? Đừng bao giờ bỏ mẹ một mình Sandra nhé ?
Tôi dìu Nancy ngồi vào xe lăn và đẩy xuống phòng khách, ở đó đã có nhiều người, họ đang ngồi đầy các dãy ghế sofa, hay lù khù ngồi trong chiếc xe lăn, trước mặt họ là cây Giáng Sinh, to, cao rực rỡ.
Có lẽ trong đầu óc, trong ký ức xa xăm của mỗi người, đều có một mùa Giáng Sinh riêng, với gia đình, cha mẹ, với người yêu, với chồng con của họ…Hoặc chính tay họ đã từng đi mua, từng trang hoàng cho cây Giáng Sinh trong căn nhà ấm cúng khi cơn gió Đông về, khi mùa lễ đến.
Tôi đẩy xe bà Nancy đến gần cây Giáng Sinh và hỏi bà:
- Mẹ có thích nó không?
Tôi nhìn thấy trong đôi mắt một thời đẹp lộng lẫy của bà rạng ngời niềm vui. Bà thì thầm như sợ niềm vui mong manh sẽ biến mất :
- Sao lại không! Chính tay con đã làm cây Giáng Sinh này và đón mẹ về với con mà, Sandra !
Tôi cũng thì thầm:
- Phải, con yêu mẹ. Hãy vui vẻ đón lễ với cây Giáng Sinh này, mẹ nhé.
Tôi tin rằng tôi đã trả xong món nợ cho bà Nancy và cây Giáng sinh trong phòng khách này là của riêng bà, của đứa con gái yêu quý Sandra đã tặng cho bà khi mùa Giáng Sinh đến.
Nguyễn thị Thanh Dương
No comments:
Post a Comment