Wednesday, December 15, 2021

Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, lòng tự hào bị đánh cắp?

-14/12/2021

LS Lê Quốc Quân (gởi VOA từ Hà Nội)

Trong suốt 20 năm qua Nhà nước đã hy sinh lợi ích cộng đồng, tạo điều kiện ưu đãi rất nhiều cho các doanh nghiệp phát triển thành tập đoàn lớn. Nếu các tập đoàn chuyển công ty ra nước ngoài thì mối quan hệ đó như thế nào?

Câu chuyện này đã xảy ra từ nhiều năm nay nhưng thực sự bùng nổ khi công ty FICUS Consultancy Pte Ltd thành lập tại Singapore ngày 19/1/2015 quyết định đổi tên thành Vinfast Singapore Pte Ltd với số ĐKKD: 201501874G có trụ sở tại Tòa nhà INTERLACE, số 206 Depot Road, Singapore, họp Hội đồng cổ đông và quyết định chuyển dịch một số vốn lớn của tập đoàn Vingroup (12,425,941 cổ phần) và Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Nam (8,074,059 cổ phần) sang công ty ở Singapore, chuẩn bị cho vấn đề IPO tại Hoa Kỳ.

Tôi cho rằng đây là bước đi nguy hiểm, có tác động tiêu cực lớn hơn chúng ta tưởng. Bởi đây là hành vi chuyển nhượng những lợi nhuận có được nhờ vào khai thác quyền “sở hữu toàn dân’ để rồi đưa ra nước ngoài. Sau Vinfast sẽ là ai? Sungroup, Viettel, TH hoặc Massan đã tiến hành đến đâu rồi? Đã công khai chưa?

Trên thế giới chúng ta đều thường thấy có các công ty bình phong (Shell company hoặc Off-shore companies). Bản thân các công ty này không bất hợp pháp nhưng nó thường được sử dụng với những mục đích không trong sáng để tiến hành các phi vụ thâu tóm đối thủ hoặc phát hành trái phiếu ra công chúng (1).

Trước đây các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam (hoặc một quốc gia kém phát triển và bất ổn nào đó trên giới) thì đều thành lập các công ty bình phong tại những đảo quốc như BVI, Panama, Bermuda, Belize… rồi tiến hành đầu tư vào Việt Nam. Mục đích của việc này là tránh thuế và tránh rủi ro cho công ty mẹ.

Nhưng giờ đây, một xu hướng khác ngược lại, đó là các nhà tư bản đỏ, ở những quốc gia độc tài đang phát triển (Việt Nam, Trung Quốc), tận dụng được cơ hội bất bình đẳng về việc tiếp cận nguồn lực quốc gia, đã trở nên giàu có, sau đó tìm kiếm sự ổn định ngược lại ở các quốc gia phát triển hơn. Vinfast là một ví dụ khi họ tìm kiếm quốc tịch mới là Singapore. Nơi hệ thống pháp lý ổn định hơn và thuế thấp hơn. (Thuế thu nhập doanh nghiệp Singapore là 17% còn Việt Nam là 22%. Thuế thu nhập cá nhân ở Singapore từ 0 đến 20% trong khi ở Việt Nam là 5-35%).

LỢI NHUẬN TỪ ĐẤT ĐAI CÓ NGUỒN GỐC ‘SỞ HỮU TOÀN DÂN’
Trong tất cả các hoạt động kinh doanh của Vingroup thì lợi nhuận từ Kinh doanh Bất động sản (Vinhomes) là lớn nhất, còn các mảng khác đều thua lỗ, đặc biệt là Vinfast ở mục sản xuất trong biểu đồ dưới đây. Theo báo cáo của tập đoàn Vingroup vào năm 2019 thì tất cả các mảng khác đều thua lỗ ngoại trừ Bất động sản với mức lãi khổng lồ lên đến: 64.501 tỷ VNĐ.

Năm 2020 thì lợi nhuận của tập đoàn Vingroup chỉ đạt 4.546 tỷ đồng trong khi công ty con Vinhomes đạt đến 28.206 tỷ đồng, gấp 6 lần công ty mẹ. Cũng theo Vingroup công bố năm 2021 dự kiến công ty con Vinhomes có lãi gấp 8 lần công ty mẹ (Vingroup) (2). Mặc dù chưa biết con số chính xác lợi nhuận của Vinhomes và lợi nhuận gộp của cả toàn tập đoàn trong năm nay nhưng điều đó có nghĩa là các mảng khác lỗ nhiều hơn.
Trong tất cả các hoạt động kinh doanh của Vingroup thì lợi nhuận từ Kinh doanh Bất động sản (Vinhomes) là lớn nhất, còn các mảng khác đều thua lỗ, đặc biệt là Vinfast.

Điều 4, Luật đất đai quy định: “Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng”

Do là sở hữu toàn dân cho nên, xét về mặt hình thức pháp lý, mỗi người dân vẫn có một chút quyền lợi về những mảnh đất mà Vingroup đang nắm giữ. Hay nói cách khác, hơn 100 triệu dân này lẽ ra cũng có một chút li ti trong hơn 100 ngàn tỷ đồng từ doanh thu các thương vụ đất đai của Vinhomes vào năm 2021 này.

Vấn đề bất công trong tiếp cận nguồn lực nằm ở vế thứ 2: “Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng”. Ở Việt Nam, đất đai đang được coi là nguồn lực phát triển lớn nhất các doanh nghiệp đều tìm cách tiếp cận đến đất và dùng đất để kinh doanh. Vinhomes là người được nhà nước giao đất, cấp đất nhiều nhất trong tất cả các doanh nghiệp.

Có thể nhiều người sốc khi biết rằng những dự án bất động sản mà Vingroup đã và đang xây dựng chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số quỹ đất mà Vingroup hiện đang nắm giữ. Không chỉ nắm giữ các mảnh đất vàng nơi đô thị, mà những vùng bờ xôi ruộng mật của nông dân và từng mảng rừng quốc gia rộng lớn đã nằm trọn trong tay Vingroup (Ví dụ như Safari Phú Quốc, rừng đước Cần Giờ TPHCM (3) hoặc khu đất đai bao la mà VinEco đang giữ làm nông nghiệp ở Tam Đảo. Toàn những vị trí vô cùng đắc địa cho tương lai và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường của đất nước.

Do Luật đất đai 2013 chia thành 18 loại đất khác nhau cho nên giá trị cũng theo đó mà vô cùng khác nhau. Một mảnh đất hôm trước còn là “đất nông nghiệp” hôm sau bỗng trở thành “đất ở đô thị”. Mặc dù vị trí và chất đất vẫn như vậy nhưng giá trị của nó đã tăng lên hàng trăm đến hàng ngàn lần nhờ những chữ ký của quan chức trong chính quyền.

Những vùng đất đai rộng lớn như Dương Nội, Ecopark, Thủ Thiêm, Cần Giờ, An Hải…. chứa bao nhiêu nước mắt đau khổ của nhân dân. Như chiếc cân công lý bị lệch, nơi nào mà bất công nhất thì lợi ích nghiêng về phía chủ doanh nghiệp nhiều nhất. Phần lớn người dân đều đau buồn nhưng họ sẵn sàng hi sinh cho lợi ích lớn lao là “lòng tự hào dân tộc”.

VẤN ĐỀ KỸ THUẬT” THỰC CHẤT LÀ GÌ?
Trả lời phỏng vấn của báo Vnexpress về việc chuyển công ty Vinfast sang Singapore, Bà phó chủ tịch của Vinfast là Lê Thị Thu Thủy, nói rằng đó “đơn thuần là vấn đề kỹ thuật” (4) và chê những người đặt vấn đề về chuyện Vinfast mở công ty ở Singapore là ‘thiếu thông tin và thiếu hiểu biết”. Ngôn ngữ trả lời bài báo (link bên dưới) thể hiện một thái độ trịch thượng và xem thường người đọc.

Ở đây chúng ta nhìn thấy lộ trình đi của Vinfast là rất rõ và nó đã được tiến hành.
Sau khi đã hoàn thành phát hành ở thị trường nước ngoài, công ty ở Singapore có thể quay trở lại mua và sở hữu doanh nghiệp Vinfast ở Việt Nam, biến Vinfast thành một công ty nước ngoài có trụ sở tại Singapore và sở hữu doanh nghiệp Vinfast sản xuất trong nước.

Nó sẽ được tập trung vốn vào và phát hành trái phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore hoặc thị trường chứng khoán Mỹ. Khi đó nó buộc phải góp vốn vào, tức là chuyển lợi nhuận từ công ty mẹ (tại Việt Nam) sang công ty con của nó ở Singapore để chứng minh đã hoạt động hơn 3 năm và có vốn hóa lên đến trên 300 triệu đô la. Hay ngắn gọn là phải chuyển được những lợi thế và ưu đãi chính sách của nước Việt Nam để làm cho công ty nước ngoài có lãi từ đó tạo động lực để phát hành trái phiếu, vay tiền tiếp.

Sau khi đã hoàn thành phát hành ở thị trường nước ngoài, công ty ở Singapore có thể quay trở lại mua và sở hữu doanh nghiệp Vinfast ở Việt Nam, biến Vinfast thành một công ty nước ngoài có trụ sở tại Singapore và sở hữu doanh nghiệp Vinfast sản xuất trong nước. Khi đó “con” đã biến thành “mẹ” và mọi quyền lợi và nghĩa vụ là thuộc về Vinfast Singapore. Tất nhiên, xét về pháp lý, mọi sản phẩm và thương hiệu là của công ty Vinfast có quốc tịch Singapore.

Đối với các tập đoàn lớn ở nước ngoài, đặc biệt của Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, họ phải xác định thành công ở trong nước trước tiên. Họ cố gắng để có một sự sáng tạo, một sản phẩm chuyên biệt và tốt để phục vụ nhân dân nước nhà. Họ tâm niệm phụng sự tổ quốc của họ sau đó mới nghĩ đến việc đầu tư ra nước ngoài. Mà đầu tư ra nước ngoài là để cuối cùng họ cũng mang lại lợi nhuận về cho tổ quốc, ở Vinfast, vào thời điểm này chúng ta chúng ta đang thấy điều ngược lại.

LÒNG TỰ HÀO DÂN TỘC CÓ BỊ ĐÁNH TRÁO ?
Ngày Vinfast giới thiệu 2 mẫu xe điện tại Hoa Kỳ tôi vẫn cứ bị ám ảnh bởi câu bình luận của một dư luận viên trên trang Bolsa TV rằng “Hôm nay bọn tao đưa 2 cái xe điện hiện đại đập trước mắt bọn cờ vàng cho sáng mắt”. Bạn ấy đã nói về 2 chiếc xe điện VF e35 và VF e36 của tập đoàn Vinfast tại triển lãm Auto Los Angeles mà như nói về chính chiếc xe của chính tổ quốc mình và chính trị hóa nó đến mức cực điểm.

Lòng tự hào dân tộc thật đáng khen nhưng không biết giờ đây bạn sẽ nghĩ gì khi Vinfast thành lập công ty con tại Singapore và chuyển lợi nhuận của mình sang đó. Lợi nhuận có được từ tập đoàn địa ốc, vốn là tài sản của nhân dân Việt Nam, đang chuyển sang cho chính quyền Singapore. Những người nông dân đã hiến đất cho Vin xây dựng nhà máy, những quan chức mong mỏi Vin đóng thuế cho địa phương Hải Phòng, có thể giờ trở nên chưng hửng.

Bà Lê Thị Thu Thủy bây giờ trở nên không biết xấu hổ khi nói rằng “VinFast không được hưởng bất kỳ ưu đãi đặc biệt nào từ Nhà nước”. Trong lương tâm, Bà không thể phủ nhận rằng do có Vinfast mà khu công nghiệp Đình Vũ ở Hải Phòng có những chính sách ưu đãi cực khủng cho nhà đầu tư (5). Khi trả lời truyền thông Bà vẫn vòng vo nói về “lòng tự hào dân tộc nên phải vươn ra thế giới”. Không một thế giới nào giới hạn lòng tự hào dân tộc Việt Nam cả!

Và điều tôi lo ngại hơn là, theo chân Vingroup, sẽ có bao nhiêu công ty tiếp tục tận dụng chính sách của Việt Nam để trở nên giàu có rồi chuyển sang quốc tịch mới?





(5) Được hưởng mức thuế thu nhập Doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% cho 9 năm tiếp theo, cùng hang loạt các ưu đãi khác nằm trong nội khu, đặc biệt là thuế VAT và thuế XNK.

No comments:

Blog Archive