Saturday, August 8, 2020

Hercules trong câu chuyện dụ ngôn về Đức hạnh và Lạc thú


Eric Bess

Có những người, mỗi khi thức dậy vào buổi sáng, họ lại cố gắng coi ngày hôm đó là cả cuộc đời mình, là một bức tranh thu nhỏ của kiếp nhân sinh. Cổ ngữ có câu: “Đời người sớm còn tối mất”, vì thế người minh trí sẽ luôn tự hỏi “Ta nên sống thế nào trong ngày hôm nay?” để đến khi nhắm mắt lại, trái tim họ vẫn tràn ngập sự bình yên và tôn nghiêm của một đời. 

Trong bức “Hercules giữa Đức hạnh và Lạc thú” (Hercules Between Vice and Virtue), Gérard de Lairesse đã mô tả một khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời người anh hùng vang danh Thần thoại Hy Lạp, nhưng dường như ẩn đằng sau đó, ông muốn nhắn nhủ rằng mỗi chúng ta đều đang thường xuyên đối mặt với những lựa chọn tương tự, hàng ngày, hàng giờ, trong cuộc sống, một cách không tự biết.
File:Gerard de Lairesse - Hercule entre le Vice et le Vertu.JPG
Bức “Hercules Between Vice and Virtue” của Gérard de Lairesse, nửa sau thế kỷ 17. Tranh dầu, chất liệu vải. Lưu trữ tại Bảo tàng Louvre, Paris. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

“Sự lựa chọn của Hercules” là một câu chuyện dụ ngôn trong Thần thoại Hy Lạp, bắt nguồn từ triết gia Prodicus xứ Ceos. Chuyện kể rằng Hercules là một người anh hùng bán Thần, có mang trong mình dòng máu của Thần linh. Một lần nọ khi còn trẻ, Hercules lặng lẽ suy ngẫm về con đường tương lai của bản thân mình.

Trong khi Hercules đang ngồi suy ngẫm, có hai người phụ nữ cao lớn tới bên anh. Người phụ nữ đầu tiên trang phục giản dị, toát ra một bầu không khí đường hoàng và khiêm nhường. Cô ấy bước đến từ từ, giống như bản tính của mình, chân thành, tự nhiên và tôn nghiêm.

Người phụ nữ thứ hai mềm mại và tròn trịa hơn. Cô cố tình để lộ làn da nõn nà, cách ăn mặc cũng phơi bày ra vẻ đẹp của thân thể. Người phụ nữ này quan tâm đến ấn tượng mà bản thân tạo ra cho người khác, bởi vì điều cô muốn là thu hút sự chú ý từ họ.

Người phụ nữ thứ hai chào Hercules trước người phụ nữ thứ nhất. Cô cố gắng thuyết phục Hercules sánh bước cùng mình. Cô nói rằng cô có thể làm cho cuộc sống của anh “dễ chịu và vui vẻ hơn” và rằng Hercules “sẽ được tận hưởng mọi niềm vui của cuộc sống và thoát khỏi mọi phiền toái và rắc rối”.

Hercules hỏi tên người phụ nữ và cô trả lời: “Bạn tôi gọi tôi là Hạnh phúc, nhưng kẻ thù của tôi, thật hài hước, lại thích gọi tôi là Lạc thú.”

Lúc này, người phụ nữ đầu tiên cũng bước đến bên Hercules và bắt đầu nói: “Tôi, Đức hạnh, sẽ không lừa dối anh bằng những từ ngữ tươi sáng như cô ấy. Điều tôi đặt ra trước mắt anh là bản chất của sự vật và luật lệ của các vị Thần. Trong tất cả những điều tốt đẹp mà thiên đàng đã ban cho chúng ta, mỗi thứ đều phải thông qua nỗ lực khắc khổ và làm việc chăm chỉ mới có được…”

Lạc thú ngắt lời và nói với Hercules rằng cô đến từ thiên đàng, và cô có một lối tắt đưa anh đến hạnh phúc.

Đức hạnh nhìn sang Lạc thú và nói: “Đúng vậy, cô đến từ thiên đàng, nhưng chẳng phải cô đã bị trục xuất khỏi thiên đàng sao? Hơn nữa kể từ đó, cô đã bị tất cả những người đáng kính nhất trên thế gian này từ chối. Những ai đi theo cô sẽ cạn kiệt năng lượng khi còn trẻ và thiếu khôn ngoan khi về già. Lúc còn trẻ, họ đã quen với lạc thú, nên họ sẽ có đủ mọi nỗi đau khổ và lo lắng khi về già.”

Đức hạnh cũng nói rằng: “Những người cùng tôi đi đều cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi nhìn lại những gì họ đã làm trong quá khứ và rất hài lòng với hiện tại. Họ được các vị Thần chúc phúc, được bạn bè yêu mến, được miền đất của họ vinh danh. Vào cuối đời, họ sẽ không bị thế giới lãng quên một cách đáng xấu hổ.”

Câu chuyện dụ ngôn về Hercules đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ, gồm cả Gerhard de Lairesse. De Lairesse là một họa sĩ thời kỳ hoàng kim của hội họa Hoà Lan trong thế kỷ 17. Trong những ngày đầu, De Lairesse bị ảnh hưởng sâu sắc bởi họa sĩ Rembrandt. Thời kỳ sau đó, trước khi thị lực của ông suy giảm hoàn toàn, phong cách hội họa của De Lairesse lại thiên về xu hướng tân cổ điển của Nicolas Poussin.

Trong bức “Hercules giữa Đức hạnh và Lạc thú” (Hercules Between Vice and Virtue), De Lairesse đã sử dụng nhiều yếu tố tân cổ điển. Ông nhấn mạnh về hình dạng nhiều hơn màu sắc, và màu sắc cũng tương đối ảm đạm. Bức tranh cũng sử dụng các chủ đề và trang phục cổ điển.

Không giống như nguyên tác, phiên bản của De Lairesse có thêm hai nhân vật, tổng cộng có một nam và bốn nữ. Trong bức họa, nữ Thần Đức hạnh ở bên trái, nhìn Hercules, tay chỉ lên trên. Chiếc váy của cô đơn giản mà trang trọng.

Đằng sau nữ Thần Đức hạnh là một người phụ nữ khác, đôi mắt cô liếc nhìn Hercules. Cô khẽ ngẩng đầu lên, trông rất trang nghiêm và cao thượng, tay phải cầm một ngọn đèn nhỏ. Có thể tưởng tượng, cô tượng trưng cho phẩm giá và lương tri.

Nữ Thần Lạc thú ở bên phải Hercules.. Cô ăn mặc phóng đãng, đôi bàn tay vuốt ve Hercules và cố gắng quyến rũ anh. Cô nhìn Hercules, đôi mắt toát lên sự mong chờ.

Đằng sau vai của nữ Thần Lạc thú, một bà già khác đang đứng, tay đặt trước miệng, như muốn ra hiệu giữ bí mật. Đôi mắt bà hướng thẳng vào người xem tranh.

Hercules ở vị trí trung tâm của bức tranh, trong tay cầm một cây chùy. Sự sắp xếp ánh sáng và tư thế của Hercules tạo ra độ tương phản cao, tăng cường sự chú ý của người xem tranh vào chủ thể quan trọng nhất của bức tranh.

Ngôn ngữ cơ thể của Hercules cho thấy sự lựa chọn cuối cùng. Anh đẩy tay nữ Thần Lạc thú và khẽ quay sang nữ Thần Đức hạnh bên phải. Anh cầm một cây chùy trong tay, cho thấy rằng mình đã sẵn sàng đối mặt với bất kỳ thử thách nào trên con đường phía trước.

Ở một ý nghĩa nào đó, người phụ nữ đứng sau nữ Thần Đức hạnh là thể hiện chân thực của Đức hạnh. Đi theo nữ Thần Đức hạnh, cho dù chúng ta sẽ phải đối mặt với những tình huống khó khăn và đen tối như thế nào, lương tri và phẩm giá sẽ luôn đi trước chỉ dẫn cho chúng ta, ngay cả khi ngọn đuốc hướng về phía quang minh ấy có vẻ yếu ớt.

Còn bà già đứng sau lưng nữ Thần Lạc thú là biểu hiện chân thực của Lạc thú. Nói cách khác, đây chính là diện mạo của nữ Thần Lạc thú: “cạn kiệt năng lượng”, “đủ mọi nỗi khổ đau và lo lắng khi về già”. Bởi vậy, bà già mới nhìn về phía người xem, và yêu cầu họ giữ bí mật.

Từ đây, chúng ta thể hội sâu sắc được sự tương phản mạnh mẽ giữa nữ Thần Đức hạnh và nữ Thần Lạc thú:

Một người thắp sáng tương lai cho chúng ta, trong khi người kia bí mật che giấu sự thật đằng sau cuộc hành trình.

Hercules và người xem (chúng ta) có những điểm tương đồng ở một mức độ nào đó: Anh phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Anh nhìn chúng ta, như thể chia sẻ chính khoảnh khắc này với chúng ta. Đó là bởi vì tất cả con người sống trên thế gian này đều có những khoảnh khắc như vậy trong cuộc sống của mình. Ánh mắt của Hercules như thể đang nói: “Còn bạn, bạn có chọn Đức hạnh hay chăng?”

Hercules không chỉ chia sẻ lựa chọn của mình với chúng ta, mà còn thông qua đó khiến chúng ta phải suy ngẫm sâu sắc về hậu quả từ hành động của mình.

Tất cả chúng ta đều có khả năng chọn cách sống mỗi ngày trong cuộc đời. Tất cả chúng ta đều có cơ hội lựa chọn Đức hạnh hoặc Lạc thú. Đôi khi chúng ta sẽ bước lạc lối, nhưng xin đừng bao giờ từ bỏ con đường được dẫn dắt bởi nữ Thần Đức hạnh.

Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống có một sức mạnh đáng kinh ngạc, bởi chúng có thể chỉ ra những thứ vô hình, từ đó gợi mở cho người xem: “Điều này có ý nghĩa gì với tôi và mỗi khán giả?” “Nó ảnh hưởng đến quá khứ như thế nào và ảnh hưởng đến tương lai ra sao?” “Làm thế nào để chúng ta bước tiếp trên cuộc hành trình nhân sinh của chính mình?”

Theo Epoch Times
Tác giả: Eric Bess
Mạt Lị biên tập

No comments:

Blog Archive