Người Phi Công
Huy Sơn
Muốn trở thành một phi công trong Quân Đội V.N.C.H. thì điều kiện đầu tiên là phải có sức khỏe tốt. Chữ tốt ở đây có nghĩa là mắt phải nhìn được 20/20, tai phải nghe được 100/100, răng phải đủ và không bị sâu, cao tối thiểu 1 thước sáu mươi hai, nặng tối thiểu 48 ký và nội tạng gồm tim, gan, phèo, phổi đều tốt cả. Ngoài những yếu tố đó, người phi công còn phải có một vóc dáng dễ coi.
Khách quan mà nói Thượng Đế đã ban cho những tác phẩm của ngài vào lúc này, ở trong tình trạng thật là hoàn hảo mà người đời dẫu có tiền rừng bạc bể, khi cần cũng không mua được. Nguyên do của sự đòi hỏi khó khăn này cũng dễ hiểu, vì rằng nếu thân thể có khỏe mạnh thì trí óc mới minh mẫn, để có được những quyết định sáng suốt và chính xác cho việc hoàn thành tốt mỗi phi vụ. Chẳng hạn như người phi công lái máy bay vận tải, ngoài nhiệm vụ của họ là điều khiển những chiếc máy bay giá trị hàng trăm triệu Đô la, họ còn chịu trách nhiệm về sự an toàn cho nhiều hành khách. Thêm vào đó, họ luôn tuân theo luật lệ nghiêm ngặt của ngành hàng không, hầu tránh được các tai nạn. Còn về phi công tác chiến thì khỏi nói, ngoài sự việc cao cả là sẵn sàng hy sinh mạng sống của chính mình, để bảo vệ sự an toàn cho Lãnh thổ mỗi khi có giặc xâm lăng, chính phủ còn tin vào khả năng của họ, để giao phó điều khiển những chiếc máy bay rất qúy giá.
Chương trình đào tạo các phi công rất tốn kém, nó bao gồm các chi phí về huấn luyện lý thuyết lẫn thực hành. Lý thuyết gồm có: cách cấu tạo của phi cơ, khí tượng và cách thức điều khiển máy bay. Thực hành là lúc học trò được thầy chỉ dẫn cách thức bay bổng ở trên không. Hình ảnh này cũng hơi giống con chim mẹ dìu dắt chim con tập bay khi nó mới ra ràng. Chương trình này thường kéo dài từ một đến hai năm. Đa số các Phi công của miền Nam Việt Nam đã tốt nghiệp từ các trường dạy lái máy bay nổi tiếng tại Pháp hay Hoa Kỳ, thời gian cho mỗi khoá học kéo dài từ một đến hai năm. Tại quốc nội, căn cứ Không Quân Nha Trang có trường đào tạo ra những Phi công Quan sát và đến năm 1973, thì có thêm khoá đào tạo Phi công Trực thăng, sau này căn cứ Không Quân Phan Rang cũng mở trường dạy bay T-37.
Trong cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của Việt Cộng, dân tộc Việt Nam đã mất đi nhiều anh hùng Không Quân tên tuổi. Một trong những anh hùng đó là phi công Phạm Phú Quốc, anh tốt nghiệp khoá Phi công bên Pháp, về nước anh phục vụ trong một phi đoàn khu trục A-1, Skyraider, anh đã bị bắn và mất tích trong một phi vụ Bắc Phạt vào năm 1965. Để thương tiếc anh, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết bài ca “Huyền Sử Ca Một Ngừơi Mang Tên Quốc”, rất nổi tiếng được nhiều người ưa thích, qua tiếng hát truyền cảm của nam danh ca Duy Khánh. Bài hát này cũng đã đi sâu vào lòng người nhiều luyến tiếc cho một người phi công thời chiến, một lần cất cánh bay đi và không bao giờ về lại…
Một người anh hùng Không Quân khác tên là Đại Úy Trần Thế Vinh, anh là phi công A-1 thuộc phi đoàn 518, danh hiệu Phi Long. Anh đã anh dũng hy sinh trong một phi vụ chận đứng hàng loạt những xe tăng, ồ ạt từ miền Bắc xâm nhập miền Nam vào mùa Hè Đỏ Lửa, năm 1972. Để vinh danh anh, một bài hát rất cảm động “Vòng Hoa cho Trẩn Thế Vinh” do danh ca Thanh Tuyền hát, đã được nhớ mãi trong lòng mọi người, về sự can đảm của một người phi công gan dạ, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho tổ quốc.
Cuối năm 1971, Tôi mãn khoá học bay tại Hoa Kỳ, về nước và được bổ nhiệm phục vụ phi đoàn tác chiến 520, danh hiệu Thần Báo, phi đoàn đồn trú tại căn cứ Không Quân Bình Thủy, thuộc tỉnh Cần Thơ. Những ngày đầu ở phi đoàn, tôi còn đang chân ướt chân ráo, may thay tôi được một Đại Úy phi công trẻ tên là Nguyễn Minh Sơn, trùng tên với tôi và phòng của anh ở ngay cạnh phòng của tôi trong cư xá Sĩ Quan Độc Thân. Anh đã tận tình giúp đỡ tôi từng đường đi, lối bước, cho tôi chóng thích hợp với đời sống ở nơi Tây Đô dễ thương này.
Đến năm 1972 tôi phải chia tay anh để đi đến phục vụ phi đoàn tân lập 532, danh hiệu Gấu Đen, đồn trú tại căn cứ Không Quân Phù Cát, thuộc tỉnh Bình Định. Bẵng đi ba năm, tôi tình cờ gặp lại anh vào một buổi sáng tại Tân Sơn Nhất, khi các phi đoàn A-37 tụ tập tại đây trong tháng cuối của cuộc chiến. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, hứa hẹn với nhau đủ thứ cho những ngày sắp tới. Trước khi chia tay, tôi hỏi anh đã lập gia đình chưa, anh cho biết là anh sắp làm đám cưới với cô xướng ngôn viên của đài Truyền Hình Cần Thơ và chắc chắn tôi sẽ có tên trong danh sách khách mời. Sang ngày kế tiếp, bất chợt tôi được thông báo là anh đã đền nợ nước trong một phi vụ vừa mới được điều động, đánh tại Quận Thủ Thừa Tỉnh Long An. Nghe xong chân tay tôi bủn rủn như người mất hồn, cổ họng bị nghẹn như có vật gì chấn ngang, hai mắt thấy nhoà đi bởi những giọt nước từ từ lăn dài trên má, có lẽ tôi đang khóc…
Cái cảm giác phải mất đi một người anh, một người đồng nghiệp thân thương, ôi! nó đau đớn vô vàn, nhưng nếu đem so sánh với cái nỗi khổ đau của những người thiếu nữ có người yêu hay chồng là những Phi công và nếu không may có một ngày, người yêu hay chồng của họ bị gẫy cánh trên chiến trường, không gian đã ấp ủ hình hài, thì chắc chắn cái nỗi đau đó sẽ còn to lớn hơn nhiều… Tôi thầm cầu mong Thượng Đế, xin Ngài luôn ban cho những người thiếu nữ kém may mắn này nhiều phước lành cho quãng đời còn lại của họ.
Huy Sơn
No comments:
Post a Comment