Thursday, August 20, 2020

12 Năm Tình Lận Đận  

Điểu Du Nguyệt

Ngày 30/04/1975, lúc Ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi đang ở khu định cư dành cho dân Phước Long ở quán chim Long Thành, tôi rất buồn và cũng rất bình tĩnh hơn bất cứ lúc nào, sẵn sàng đón nhận mọi bất trắc có thể xảy ra!

Trước đó một tuần, tôi cùng một số cán bộ đã ra Vũng Tàu, không hiểu tại sao tôi lại có quyết định trở lại Quán Chim để rồi không ngờ cầu Vạn Kiếp và Long Thành bị đánh, tôi kẹt ở giữa?

Sau đó tan hàng, hồn ai nấy giữ! Súng được tháo ra vứt mọi nơi, trà trộn vào đám người chạy loạn về Saigon…. Cũng nhờ thẻ sinh viên mà tôi còn giữ lại nó đã giúp tôi qua bao trạm du kích địa phương trên đường về Saigon.

Khủng khiếp nhất là quãng đường ở làng cô nhi Long Thành, những xác chết trên đường trong lô cao su, quần áo vương vãi khắp nơi, mùi hôi tanh nồng nặc, khiến tôi lợm giọng!

Tôi đã từng bị trận Phước Long nhưng chưa thấy hình ảnh nào khủng khiếp như thế! Cái giá của Hòa Bình khủng khiếp thật!

Về đến Saigon, ở nhà anh tôi tại chợ Nancy, đi vòng vòng thì gặp thằng bạn học cũ, Mai Phát Vĩnh, nó đạp xe chở tôi ra chợ Bến Thành nhìn dòng đời thời CS, những tên 30/04 đeo băng đỏ, chạy đôn đáo, chỉ điểm; những đứa con nít mới 13-14 tuổi cầm súng bắn vô tội vạ, những mâu thuẫn cá nhân cũng được giải quyết không cần luật pháp của cái buổi giao thời!

Những tay bộ đội miền Bắc mới vào ngơ ngơ ngáo ngáo!

Đi ngang qua dinh Độc Lập, bộ đội tắm rửa trên sân cỏ, phơi đồ bất cứ chỗ nào họ thích…v…v… Mân mê chiếc xe đạp; âu yếm cái đài; vuốt ve cái đồng hồ 3 que, 2 cửa sổ, 12 đèn; ngồi kiểu nước lụt bên ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc”! Tội cho họ, một chủ nghĩa đã đẩy lùi cả một thế hệ! Nhưng tôi vẫn ghét hơn cả là lũ theo đóm ăn tàn 30/04.

Một tuần lễ sau, họ phát loa phóng thanh kêu gọi trình diện, tôi trình diện tại Trường Trần Hưng Đạo trên đường Trần Hưng Đạo Sàigòn.

Mọi người tấp nập trình diện, không khí nặng nề, ngờ vực, nghi kỵ; biết nhau nhưng coi như người xa lạ! Những bộ đội Bắc cầm AK-47 đứng canh từng góc trường. Lên lầu hai, họ phát cho mỗi người mỗi tờ giấy học trò.. người cán bộ nói như một cái máy “…với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà Nước, Các anh phải thành thật khai báo với Cách Mạng….”.

Ai nấy cũng cắm đầu viết, tôi viết ngắn gọn, mà tôi cũng chẳng có gì để viết! Một năm làm việc không bằng thời gian mấy xếp tôi nghỉ bịnh. Nhìn trong phòng toàn là tướng, tá… ; tổng giám đốc, giám đốc của các phủ, bộ… Có ông Lê Hồng Tuấn, Tổng Giám Đốc Bộ Phát Triển Sắc Tộc mới ở Mỹ về chưa được một năm!

Chờ cho vài người nạp bản tự khai rồi tôi mới nạp. Người cán bộ đọc xong bản tự khai rồi yêu cầu tôi ở lại và ngồi chờ.

Tôi thầm nghĩ, không biết chuyện gì đây? Tôi biết tôi nên khai những gì? Khoảng 20 phút sau, tôi được gọi ra ngoài hành lang thì thấy để sẵn một cái bàn nhỏ và hai cái ghế, một người cán bộ già trạc tuổi trên 60, đeo cái xắc-cốt cũ lâu năm lên nước bóng loáng, lưng đeo cây K-59 ở giữa mông!

Ông ta ăn nói rất lịch sự, mời tôi ngồi và chìa hộp thuốc lá 555 bằng thiếc đã bạc màu, nhưng bên trong là những điếu thuốc lá đen.

Tôi từ chối vì không biết hút thuốt lá, sau một hồi vòng vo, ông có vẻ hiểu rành về Phước Long và hỏi tôi về những viên chức tại Phước Long. Nhưng tôi trả lời tôi làm ở cơ quan sắc tộc, chỉ lo những vấn đề xã hội liên quan tới đồng bào sắc tộc. Ông nói: “tôi không tin nó đơn giản như vậy?”. Sau hai giờ không khai thác được gì, ông cho tôi về suy nghĩ lại và ngày mai lên gặp tiếp?

Sau ba lần, cũng chỉ có thế! Ông trao cho tôi một tờ giấy đã trình diện do tướng Cao Đăng Chiếm, chủ tịch quân quản thành phố Saigon ký và nói tôi phải trình diện tại địa phương.

Hai ngày sau tôi đón xe lam về Bình Dương, xe chạy đường trong. Nhìn hai bên đường, thỉnh thoảng thấy những bộ đồ lính, cả những nón sắt vứt ven đường, lòng đau như cắt! Nhìn đám lục bình trôi, bên trên đám ruồi bay nhặng xị, mùi hôi thối nồng nặc vì những xác người chết; tôi biết đó là những kết quả của những cuộc thanh trừng tại địa phương!

Về đến Bình Dương, Mẹ tôi ôm tôi khóc nức nở! Chiều đó trời mưa nhiều, chị hàng xóm bắt được một số cóc, đem nấu cháo. Lần đầu tiên trong đời ăn cháo cóc, ngọt và ngon thật. Phải chăng vì sự thiếu thốn hay không của những ngày đầu thống nhất!

Vài ngày sau, tôi quyết định về Bình Long vì tôi biết Bình Dương với tính cực đoan của dân Phú Hòa Đông, những cuộc thanh trừng thù oán cá nhân đã xảy ra hằng ngày!

Trên chuyến xe đò về Bình Long, những dấu vết chiến tranh vẫn còn vương vãi bên đường qua cuộc di tản! Những người ngồi trên xe im lặng, mỗi người một tâm trạng lo âu, nghi kỵ, sợ sệt!

Không biết cuộc đời sẽ về đâu? Qua Lai Khê, rồi Chơn Thành, ngã Ba Xa Cam…Người đầu tiên mà tôi gặp là Thành mập(Phạm Ngọc Thành) đang leo trên cổng bằng sắt trước khi vào Bình Long treo cái bảng “Không có gì quý hơn Độc lập Tự Do”.

Đến bồn nước tròn ở chợ cũ, tôi tạm trú tại nhà chị Tư Bê, hôm sau cùng anh Sửu, bảy Đại lấy xe lam đi gỡ tôn để làm nhà, trên mảnh đất của Trường Tiểu Học Thượng. Ngày nào cũng nghe tiếng nổ, cũng nghe tin có người chết hay bị thương vì nổ trái vỉ. Bình Long là vùng đất của bom đạn còn lại trong chiến tranh.

Tôi gặp những người bị lùa trong cuộc chiến 1972, còn gọi là bộ đội “Khóc”, họ nhìn tôi với cặp mắt đầy nghi kỵ như người xa lạ, mặc dù đã biết nhau học cùng trường THBL hay cùng lớp!

Trình diện Năm Thanh, Hai Tấn chủ tịch quân quản huyện Bình Long thời đó, họ tịch thu giấy của Cao Đăng Chiếm và nói tôi không được đi ngoài khu vực phạm vi huyện Bình Long. Ngày lại ngày, cơm với cá khô đù, đọt ổ qua rừng chấm mắm nêm.

Hai tuần lễ sau, một thằng nhỏ du kích tới thông báo ngày mai đến nhà thờ Bình Long để đi học tập cải tạo, quán triệt chính sách và đường lối của Đảng và nhà nước. Đêm đó, tôi và Mẹ tôi trằn trọc không ngủ trên tấm ván lượm được, nhìn lên mái nhà lỗ chỗ những mành đạn pháo, thấy tương lai mù mịt! Tôi thầm nghĩ thôi thế thì thôi, cứ thả nổi theo giòng đời!

Ngày 20 tháng 05 năm 1975, vào Lúc 8 giờ, tập trung trong nhà thờ Bình Long. Sau khi điểm danh xong, đoàn người trật tự leo lên hai chiếc xe GMC. Trong chuyến áp tải có cả Hồ Sĩ Đạt, đeo cây M-79, mặc bộ kaki vàng, quấn chiếc khăn rằng với mũ tai bèo. Nó là bạn cùng lớp, bị bắt đi bộ đội năm 1972.

Bên kia đường, trước nhà thờ là những thân nhân đứng tiễn người đi. Tôi thấy Mẹ tôi đang đứng chỗ sạp bà Ba Rổ, ngóng tìm tôi cho tới khi đoàn xe mất hút!

Đoàn xe di chuyển, mọi người ngồi dưới sàn xe, không ai được đứng dậy, được lệnh “nếu ai đứng dậy sẻ bị bắn bỏ”.

Đường dằn dữ dội, có những lúc xe như nhẩy nhổm lên! Chỉ biết xe đi hướng Lộc Ninh, rồi qua Bù Đốp, gần đến cầu Hoàng Diệu, xe quẹo vô rừng. Không biết họ làm gì đây, đi học tập hay đi tàu suốt như Huế năm Mậu Thân? Không có gì họ không dám làm! Thôi tới đâu thì tới!

Lúc đó khoảng ba giờ chiều, trong rừng già trời âm u. Mọi người xuống xe, tôi đơn giản với bộ đồ bà ba đen (đồ CB/PTST), cái bao vải đựng vài bộ đồ, cái võng lính (qua Mỹ tôi vẫn còn mang theo), lon gô mắm ruốc xào xả ớt, tất cả bày ra để cán bộ kiểm tra…Bỗng có tiếng “Thằng Mười vô rồi!” đây là thứ của tôi, nhìn qua thì thấy thằng Chí, ở ấp Thánh Mẫu, nó bị bắt năm 1972, rồi vô CA.

Kiểm soát xong, tôi được vô trại.

Thật kinh khủng, nhìn những tù cũ, da thì xanh xao vàng vọt, thân như những bộ xương cách trí! Gặp anh tôi, anh ấy về Lộc Ninh trước nên vô trước! Trại giam được làm bằng lồ ô, mái lợp lá trung quân.

Gặp nhân viên cũ, họ cho tôi mấy ống lồ ô, hai ngắn (đi cầu), hai dài (một đựng nước, một đi tiểu). Vô phòng, có trưởng phòng hướng dẫn nội quy. Tối ngủ phải cùm, cùm là một thanh cây có khoét lỗ tròn đút cổ chân vào, có một thanh cây nữa chận bên trên, được khoá ở ngoài cửa. Phòng được đốt một đống lửa, nếu cháy phòng không biết sao mà chạy, vì chân bị cùm!

Vào trại, cùng các giáo sư: thầy Huấn, thầy Bê và thầy Lai….sau này thầy Huấn bị điên, bị nhốt dưới hầm sâu (đó là một cái hầm đào cạnh phòng giam, nó được đào giống chữ L, sâu khoảng 3.5 m, dưới lót ván, can phạm ngồi phải khom, chân bị còng chữ U bằng sắt). Mỗi lần nổi cơn điên, thầy Huấn lấy phân trét cùng đầu, mình mẩy. Họ cho thầy làm bộ!

Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau mà thôi. Thành phần hỗn hợp, phe ta, phe địch, chiêu hồi, gián điệp… Gặp Sương Lộc Ninh, làm thợ rèn, bị bắt sau khi Lộc Ninh bị chiếm năm 1972, biết nhưng chỉ dám nhìn nhau!

Sáng, gõ kẻng thức dậy, ăn sáng, đi làm. Thức ăn chỉ khoai mì lát mốc meo vẫn phải ăn và chỉ ăn với nước muối pha loãng! Không có muối hột vì họ sợ dự trữ để trốn trại. Cái đói và cái sốt rét ác tính, đây là hai bài học phải học đến chết với những người tù tại trại giam C-5 sông Măng này!

Lúc đó, ông Năm Hùng làm trưởng trại, Hải (hậu cần),Hận (chấp pháp). Không biết có ai còn nhớ đến người bán cà-rem, chạy xe đạp, tính tình vui vẻ, mỗi lần dừng xe hay nhổng đầu xe đạp và quay 1 vòng, có lần bán trước trường tiểu học An Lộc bị ông Hai Bon, bán nước cho học trò, đánh lỗ đầu vì cạnh tranh mua bán.

Tay Hận này vẫn nhịn nhục. Nhà ở khu bánh bèo Biên Thùy, sau đó bị bắt đưa ra Côn Đảo và được trao trả Tù Binh tại Lộc Ninh; giờ về làm chấp pháp Trại C-5 sông Măng.

Mỗi sáng, sau khi gõ kẻng, CB đừng trước phòng điểm danh, mọi người phải la to “thưa ông cán bộ có”, phải gọi CB bằng “Ông”! Mở cùm, tuần tự ra khỏi phòng, dẫn đi vệ sinh, khu vực phía sau trại. Sau đó, tập họp, ăn sáng gồm một chén khoảng 6 miếng khoai mì lát! Xong, phân công từng toán đi làm: phát rừng, làm rẫy, khiêng cây về cho đội cưa xẻ trong trại, 8 người khiêng một khúc cây, khiêng không nổi bớt còn 6 người!

Những bước đi xiêu vẹo trên những thân xác đói ăn, bệnh hoạn, vì sốt rét ác tính! Tất cả các bịnh chỉ có thuốc “Xuyên Tâm Liên”.

Anh Ngô Công Vì, thuộc cán bộ XDNT/BL, coi võ đường Hắc Long gần quán bánh bèo Biên Thùy và rất nhiều người khác chết ở trại nầy khiến Năm Hùng phải đổi hướng cổng trại.

Tôi còn nhớ có người lính BV, trung úy CS, tên là Nguyễn Xuân Trường, kỹ sư hóa chất, tốt nghiệp tại Trung Quốc; cha là CB cao cấp trong ngành ngoại giao ngoài Bắc, bị tội giết người vì bị kiểm điểm! Lúc nào cũng đội cái mũ biệt kích mà anh rất thích. Sau anh bị bịnh sốt rét, nằm một chỗ, hai mông lở loét, bị nhiễm trùng, sau đó bị khoét sống to bằng miệng chén, chịu không nổi, phải chết! xác được quấn chiếu, chôn cô đơn một góc rừng già!

Có một hôm, CB trại gọi tôi lên làm việc. Thắng, CB trại dẫn đi ngang qua cái chòi, tôi biết chòi này đặc biệt nhốt mục sư Điểu Huynh, đến nhà CB Hận chấp pháp, sau 1 lúc trò chuyện không đâu, hắn mang tô cơm có cá kho tiêu cho tôi ăn và ngon chưa từng có! Sau những tháng ngày chỉ khoai lát nước muối! Xong, hắn cho tôi về trại, thằng Thắng đưa tôi về… đơn giản có thế sao? Đến giờ nghĩ lại, tôi còn “lạnh gáy”, dọc theo đường
nó bắn và cho rằng tôi trốn chạy thì sao?

Khoảng 3 tháng sau, trại được chuyển về sở Nhỏ gần Bù Đốp, tôi cùng một người được đặc biệt đi xe GMC, còn những người khác phải đi bộ! Trại này thoáng hơn, xung quanh là rừng cao su.

Hôm đó, tôi đang lên cơn sốt rét nằm ở phòng, bỗng nghe tiếng gọi “Mười đó hả?”. Mấy chục năm rồi tôi vẫn nhìn ra “nó”, từ ngày nó vô rừng! Ngó quanh quất rồi nói “thôi mầy ráng cải tạo tốt rồi về”, và thảy cho tôi hai gói Sàigòn Giải phóng, thời điểm đó thuốc này rất hiếm!

Một tuần lễ sau, Năm Hùng gọi tôi lên văn phòng trại thì không ngờ gặp Mẹ tôi đến thăm. Tôi là người đầu tiên được thăm, nhìn Mẹ tôi với khuôn mặt khắc khổ, già nua, tóc bạc đi rất nhiều! Những giọt nước mắt của tôi từ từ chảy xuống, không hiểu tại sao? Tôi đã bị những trận tận cùng nhất, tôi cũng chưa bị như vậy!

Hỏi thăm cuộc sống bên ngoài thế nào? Tôi biết Mẹ tôi dấu tôi! Trò chuyện chừng 20 phút, tôi được báo hết giờ! Không hiểu sao họ không cho anh tôi được ra thăm Mẹ tôi? Ra ngoài, tôi sững sờ thấy người lái xe Honda chở Mẹ tôi là anh T. bị kẹt lại Lộc ninh năm 1972?

Ở sở Nhỏ hai tháng tôi, anh tôi cùng một số chọn lọc được chuyển về khám đường Bình Dương, trên đường về xe ghé Bình Long. Xe đậu ngay chỗ tiệm sửa xe Thanh Hải cũ, ngồi dưới sàn xe nhìn qua khe hở của tấm bạt, tôi thấy vài người quen nhưng không dám gọi.

Khám đường Bình Dương là trung tâm cải huấn Bình Dương cũ, gần tòa hành chánh BD cũ, nay là VP/UBND tỉnh BD, trại giam này do Ngô văn Thới (Ba Thới) làm chủ ngục, Hai Khánh (Khánh Thọt)làm chấp pháp. Vào bên trong trại, mọi người xếp hàng kiểm tra, họ tịch thu mọi thứ: dao, đũa, dây… những thứ có thể gây thương tích hay tự sát.

Hơn 80 người trong một căn phòng nhỏ, dài 8 m, ngang 5 m. Phải ngủ ngược đầu hay ngủ ngồi. Có những lúc trời nóng, phải cởi trần hay ở truồng, mùi thối vì hơi người, quần áo giặt không cần phơi cũng khô! Trong phòng có những lúc phân, nước tiểu tràn ra phòng! Chính CA cũng phải bịt mũi mỗi lần nhìn vô phòng để kiểm tra. Chúng tôi còn tệ hơn súc vật! nước uống mỗi người 0.75 lít/ngày, khoai lát hoặc bo bo, bắp cải luộc nước muối trường kỳ kháng chiến!

Một tháng sau ai nấy ghẻ cùng người, cả hai bàn tay cũng bị! Khi tắm phải lấy bao nilon bao lại vì nước vô rất rát! Chỉ trị ghẻ bằng nước thuốc lào! Mỗi sáng thức dậy, giũ chiếu, quét phòng, mày ghẻ gom lại cả hơn hai chén cơm! Và điều khủng khiếp nhất là có người đói quá không chịu được đã lấy mày ghẻ dấu để ăn như ông tên là Thiêm!

Có hai người bị án tử hình, chưa đem bắn đã bị suy nhược đói và chết như: Socnuoi (nghi là gián điệp Pol Pot, thật ra anh này Pol Pot nhưng lấy vợ VN, đưa vợ về Bù đốp vì sợ Pol Pot giết, sau đó trở lại tìm vợ thì bị bắt), còn Điểu Bluc, xã đội trưởng du kích Đức Phong, bị nghi là tình báo Mỹ? Còn tôi cũng bị Hai Khánh đặc biệt quan tâm. Có lần hắn gọi tôi lên thẩm tra, cho rằng không thật thà khai báo!

Trong phòng hắn hỏi “Mầy biết B- 52 không?”, xong hắn lấy bao nilon đốt cho chảy rồi nhễu từng giọt xuống các đầu ngón chân, trong khi hai chân đang bị cùm! Lúc đầu rát điếng người, tê dại hai chân… Hắn cười rất khoái chí, cái nụ cười dã man của một con thú đội lốt người! May tôi là tù đã trình diện cải tạo, không thì xong đời! Tuần lễ sau được trả về phòng lớn, hai chân bị liệt, tê dần từ đầu ngón tay lên vai; hai chân thì từ đầu ngón chân lên tới rốn!

Có lần được đưa ra phơi nắng cùng người đã già tên là Mai vượt biên đường Bù Đốp bị bắt. Những người được đem phơi nắng là sắp “Vẫy tay chào em!”, lúc đó anh đút cháo cho tôi, đút vào cháo lại trào ra; đôi lúc mê sảng, cũng may Trời cứu!

Một tuần lễ sau tôi được chuyển Trại đi K-3 Gia rai, Long Khánh, gồm 13 người và được mệnh danh là 13 con ma, vì mình ghẻ lở, được bôi Lưu huỳnh cho tróc mày ghẻ, ai nấy cũng đen còn hơn cả những đặc công!

Trên chuyến xe chuyển đi K-3 Gia ray, Long Khánh, lên xe đã thấy có anh Võ Tấn Vinh (Phó Tỉnh BL, sau về làm PTT/BD) từ trại nhà Đỏ BD nhập chung. Trại K-3, nằm trên đồi tên Phượng Vỹ, thuộc Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 52, Sư Đoàn 18BB.

Vô trại, tôi được chuyển lên trạm xá, cũng nhờ anh Lê Phước Chỉ(đại úy) tận tình giúp đỡ và châm cứu, 15 ngày sau tôi chống gậy đi lại được. Một tháng sau tôi được thăm nuôi, anh tôi vẫn phải cõng tôi xuống núi! Gặp Mẹ tôi, nhìn Mẹ với 2 hai hàng lệ chảy dài trên đôi má nhăn nheo của Mẹ già, lòng tôi đau như cắt! 15 phút trôi qua như gió thoảng, thế rồi giã từ qua tiếng nghẹn ngào của Mẹ tôi! (Phó Tỉnh BL, sau về làm PTT/BD) từ trại nhà Đỏ BD nhập chung. Trại K-3, nằm trên đồi tên Phượng Vỹ, thuộc
Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 52, Sư Đoàn 18BB.

Hai tháng sau, anh tôi được chuyển ra Bắc, qua ngã Tân Cảng, bằng Tàu Sông Hương, tôi được ở lại vì còn bị liệt hai chân!

Rồi bỗng một hôm, trực trại gọi tôi có thăm nuôi, anh tù phụ trách thăm nuôi dìu xuống núi, nhìn cuối bàn thăm nuôi thì không ngờ gặp lại cô ấy, tôi không ngờ! Cả hai đứng như trời trồng không nói nên lời!

Thì ra T., nhìn hai dòng lệ trên khuôn mặt lam lũ, phải bon chen giữa dòng đời nghiệt ngã của buổi giao thời. Nhưng đôi mắt vẫn buồn và đẹp như thuở nào…“…Cậu Mợ khỏe không?”, “Cuộc sống em thế nào? ”, “Không biết bao giờ anh về? Hãy coi nhau như người bạn tốt…”, “Em nên lấy Chồng…!”. Nắm đôi bàn tay không còn mềm mại như ngày nào! Lâu rồi đời mình cũng quên, nhưng có quên được đâu!

Cán bộ đặc trách thăm nuôi báo hết giờ, thế rồi phải bịn rịn giã từ! Lên lưng chừng đồi nhìn xuống, cô ấy đang thiểu não bước đi về ga xe lửa. Hôm thăm nuôi, vì là ngày thường nên ít người đi thăm nuôi.

Đêm đó trằn trọc ngủ không được! Nhớ ngày đầu tiên lên Phước Long nhận nhiệm sở, chiếc P-6 Porter của Air America mầu trắng sọc xanh biển, xuống phi trường tỉnh lỵ PL, phi trường nằm trước tòa HC tỉnh PL, là tỉnh nhỏ, vui… 

Lần tham dự lễ phát phần thưởng tại Hội Trường PL, tôi nhìn thấy cô bé học lớp 12 lên lãnh phần thưởng, bỗng hớp hồn tôi ngay! Quay sang hỏi người bạn, là thổ địa, cho biết và khuyên đừng nên coi chừng 72 (mã số Đại Tá Lưu Yểm) đang theo, Đ/u Thành Alo bên KQ và nhiều tay nữa? Sợ ai, dân Bình Long Anh Dũng mà… Tối đó, vô thẳng Quán Coffee H.T, khi tính tiền, chỉ trả tiền khi nào cô ấy ra tính, kiểu đẹp trai không bằng chai mặt! Thế mà được việc!

Rồi cuộc chiến Phước Long, tôi đến với gia đình T. như người nhà và cho đến mãi bây giờ, tôi về và vẫn đến thăm như người bạn tốt, vợ tôi cũng biết! Người ta có thể thương nhiều người nhưng YÊU chỉ có một người.

Một hôm, trại nhận một toán từ Cà Tum đưa về, ai nấy cũng chạy tới hỏi thăm để tìm người quen, tôi nhận được thầy Vạn, với nước da ngâm ngâm dưới cằm có vết thẹo, thầy dạy tôi năm Đệ Ngũ, hai thầy trò ôm nhau mừng trong ngẹn ngào! Chiều đó, cả hai lại gặp nhau ăn cơm chung, trại tương đối dễ đối với tù chính trị.

Trại này nhốt chung với tù hình sự nhưng được ngăn bởi hàng rào kẽm gai kiên cố cao hơn 2m. Bên kia hàng rào, là đám hình sự gồm trộm cướp, xì- ke, ma túy… đám xì ke lên cơn nằm phơi nắng! Không được điều trị, vả thuốc có đứa chết! CA trại đánh đập không thương tiếc!

Trại Z-30A do trung tá Trịnh xuân Tích coi, tôi còn nhớ sáng đó khoảng 4 giờ, nghe bắn báo động(?). Sáng hôm sau, toàn trại tập họp điểm danh, thì được biết 37 người Thượng theo tổ chức Fulro đã trốn trại, chỉ còn 5 người già cả bịnh tật ở lại! Cả trại mừng thầm cho họ, trốn vô rừng đối với người Thượng như hổ thả về rừng, khó mà tìm!

Trước đó tôi có nói chuyện với họ, hỏi thăm bằng tiếng Rahde’, tôi biết chút ít lúc lên Pleiku ở Trung Tâm Huấn Luyện Pleku; họ sống rất im lặng, kêu làm thì làm, kêu cuốc thì cuốc, không than vãn, không thăm nuôi, rồi âm thầm đi…Chỉ có núi rừng mới hiểu những gì họ muốn? Từ trưởng trại đến cán bộ trực đêm đó bị kỷ luật, cả tuần lễ sau vẫn còn thấy trực thăng bay lòng vòng hướng sông La Ngà… của Núi Rừng nên trả lại cho Núi Rừng.

Hai tuần sau, toàn trại được lệnh kiểm tra. Tôi cùng một số khoảng 200 người được tách riêng, mang hành lý chuyển trại đi trại mới. Anh tôi đi trước và tôi đoán mình sẽ đi đâu?

Chiều hôm đó, Thầy Vạn đứng bên kia hàng rào nói “…Em lấy ít đồ ăn, vì đi trại mới, biết bao giờ mới được thăm nuôi!”. Tôi không nhận, vì gia đình Thầy cũng không khá mấy! Hai Thầy trò nhìn nhau qua hàng rào kẽm gai làm tôi nhớ phim “Giờ Thứ 25” mà tôi coi ở rạp Eden của Saigon năm nào!

Khuya đó, mọi người được lệnh lên xe “Zin”, từng nhóm khoảng 30 người ngồi chồm hổm trên xe, nếu chuyển trại bình thường họ không chuyển ban đêm? Lúc tập họp, tôi để ý chiếc xe đầu tiên ngụy trang chở củi. Xe chạy chừng nửa giờ, tôi lấy con dao nhỏ bằng thép mà tôi dấu trong lon Guigoz cơm, rất bén, rạch tấm bạt nhìn bên ngoài, những căn nhà tranh lụp xụp yên lặng… rồi những dãy phố nhưng chẳng biết là đâu? Nhìn bên ngoài, tôi dấu không cho ai biết, vì không thể tin ai!

Đó là ngày 24 tháng 4 năm1977, đến khi xe dừng lại, tấm bạt được mở ra, mọi người tuần tự xuống, thì thấy trước mặt là một bến tầu! Trên cảng đầy CA và bộ đội, có cả chó; chiếc tầu to sừng sững mang tên SÔNG HƯƠNG, tầu màu đen sọc nâu.

Mọi người trật tự leo lên tầu bằng cái thang gỗ, xuống hầm tầu là một cái khoang chứa hàng đầy bụi than đá, mà trong Nam đâu có than đá! Chắc tầu chở từ Bắc vào, sau này tôi mới biết chiếc Sông Hương chính là chiếc Việt Nam Thương Tín! Chiếc này đã chở những người qua Guam muốn hồi hương về VN, họ cũng bị vô tù như chúng tôi, lại một sai lầm!

Chúng tôi bị nhốt như những con gấu trong sở thú! Thức ăn chỉ mì gói, nước, thùng chứa phân câu lên và thả xuống như trong hầm nuôi thú ở thảo cầm viên Saigon! Nắp hầm được mở ra khi chúng tôi bị ngộp vì thiếu không khí! Có người xỉu, phải la lên thì mới được kéo ra! Hai người bị còng chung một cái còng tự chế chữ U của trại, may mà tay tôi nhỏ nên rút ra dễ dàng.

Có lúc sóng nhồi dữ dội, đa số ói mửa nằm la liệt, tôi đi tới đi lui nên không sao! Đi được một ngày, mấy ông cấp tá Hải Quân đoán đi hướng này là ra Phú Quốc hay Côn Đảo? ! Sau đó tôi liều, mò theo hành lang lên tàu, nhìn qua khe cửa hở, nhưng bị khóa bởi sợi xích sắt, tôi thấy những cánh buồm 3 lá, mà ở miền Nam tôi chưa bao giờ gặp! Xuống nói cho mọi người biết, ai nấy cũng bán tín, bán nghi. Tôi nghĩ chỉ ngoài Bắc mới có loại ghe này.

Hơn hai ngày thì tầu dừng lại, lúc đó khoàng 4- 5 giờ chiều, mọi người được lệnh xuống tầu, trên boong nhìn xuống, những cái container của Mỹ, rất đông CA áo vàng lẫn một bầy chó! Hàng chục chiếc xe ca xếp hàng… tiếng loa phóng thanh vang dội “…Đây là Miền Bắc XHCN, nơi có đủ điều kiện để cải tạo các anh!”. Rồi mỗi toán 30 người lên xe, dọc theo đường họ tổ chức những đám hô to, chửi rủa, ném đá vào xe…

Bấy giờ trời cũng đã tối, đi ngang qua Hà Nội, thành phố thậtyên lặng, vắng vẻ… Mọi người đang ngủ, ánh đèn đường treo đong đưa giữa đường, mập mờ như ánh đèn cầy (nến). Đi ngang Viện Bác Cổ (Viện Bảo Tàng), vẫn cái mầu vàng, những mảng tường loang lổ không được sơn lại hay sửa chữa như thuở nào theo những người lớn tuổi cho biết.

Đoàn xe qua cầu Long Biên, xuôi về hướng Nam (?). Ngoài trời tối đen như mực. Xe di chuyển lên xuống, chỉ đoán là đi vào vùng đồi núi.

Khoảng 1 giờ sáng đến trại, xuống xe tập họp từng toán 40 người, theo hướng dẫn của quản giáo vào từng phòng; phòng được xây bằng gạch, mỗi phòng có hai tầng: trên bằng gỗ, tầng dưới xi măng. Tôi leo lên lầu mệt quá, vứt balo, rồi nằm ngủ mê mệt! Sáng hôm sau thức dậy, vén cửa sổ được che bằng chiếu, qua song sắt nhìn những ngọn núi đá vôi sừng sững chen lẫn trong đám sương mù như trong phim kiếm hiệp.

Khoảng 8 giờ ra khỏi phòng, mỗi người được phát một chén bột mì pha loãng với nước muối rồi ra sân trại tập trung nghe ban chỉ huy trại nói chuyện; cho biết đây là trại Nam Hà (25A/TD 63 Hà-Nam-Ninh) do trung tá Xuyên làm trưởng trại, thiếu úy Thịnh trực trại.

Trại gồm 3 phân trại: trung úy Huy làm trưởng phân trại A; phân trại B do Trần Tấn Nguyệt; phân trại C do Đ/u Trần Tân. Tôi ở phòng 7, chung phòng mà đa số là tổ chức phục quốc, giáo sư Lưu Việt Cương làm trưởng phòng, có cha Nguyễn Hữu Lễ, Mai ngọc Y…Đội này nổi tiếng cứng đầu, còn gọi là đội trọng điểm.

Trại này trực thuộc Bộ Công An quản lý, đa số tướng, đại tá…Gặp ông Lộ công Danh, cựu Tỉnh Trưởng BL, ĐT Thọ nhảy dù, ĐT Huấn 81 BCD.. cựu Thủ Tướng Tâm, thời tổng thống Ngô Đình Diệm, các bộ trưởng cũng đều tập trung tại đây; có cả ông Vũ Hồng Khanh Chủ Tịch VN/Quốc Dân Đảng (người bắt tay Hồ chí Minh tại vịnh Hạ Long trong VN thiên sử truyền hình; sau bị tiểu ra máu được tha về 1979, vì sắp chết, họ sợ mang tiếng).

Trại Nam Hà còn gọi là trại Đầm Đùn vì phía dưới chân núi là đầm đùn, đất sình lầy không có dấu chân người, trốn bị lún lầy cũng chết! Mùa mưa nước dưới đầm như biển hồ. Ngoài Bắc có hai trại nổi tiếng từ thời Pháp là Đầm Đùn và Lý Bá Sơ ở Thanh Hóa!

Hằng ngày xuống đầm làm thủy lợi, đắp đê… bằng những cái mai xén đất thành từng cục, như cục gạch, rồi bừa đất cho nhão bằng cái bừa 12 răng, cứ ba người một cái bừa, kéo thế trâu!

Người cầm bừa phải khỏe, nhấc bừa lên để người kéo đỡ mệt. Có trâu nhưng họ không cho dùng. Trời mùa đông lạnh như cắt da, bụng thì đói, con người bị hành hạ thua súc vật, nhưng chỉ được bồi dưỡng bát cháo bột mì loãng pha nước muối! Bữa ăn một ngày chỉ khoai lát, hay cục bột luộc, muỗng cà phê mắm cáy thối hơn cả cống Sàigòn! Vẫn phải ăn không thì lấy gì để ăn!

Kiệt sức, phòng tôi có ngày chết 5 người do sốt vì ngâm nước lâu ngày dưới đầm! Gọi là sốt Strepto vì chích Streptomicine mới hết! Đang ngồi nói chuyện bỗng lên cơn sốt, đưa lên trạm xá thì vài giờ sau chết! Sau đó trại ngưng không cho xuống đầm.

Rồi bị tiêu chảy chết một mớ nữa, may mà tôi không bị gì! Sau đó, đến mùa Đông trời lạnh, trâu chết, trại làm phở trâu bán, lại một số người chết vì trúng thực, đói không nhịn được, ăn nhiều quá! Cùng cực, không chịu nổi, chúng tôi biểu tình, tuyệt thực…không quan trọng, họ cho nhịn luôn, coi ai chết!

Sau đó 13 người bị cho chuyển đi trại Hà Giang Cổng Trời, trong đó có Cha Lễ!

Đêm Noel 1979, thời gian ở Trại A tôi gặp lại sư Lê Kế Tông, người mà tôi thấy ở khu định cư đồng bào Phước Long ở quán Chim, Long Thành; ông ấy lái xe Jeep A-2 sơn màu vàng và là trụ trì chùa Long Vân kế đường ở khu định cư, chở nhóm phóng viên Bắc Việt vào quay phim, lúc ở tù mới biết ông làm cho phủ đặc ủy trung ương tình báo thời VNCH.

Sau đó, khoảng 100 người cũng được lệnh chuyển trại. Đoàn người lục đục gồng gánh xuống núi đi Trại C cách 3 Km dưới đồng bằng; do Đại Úy Trần Tân làm trại trưởng, chuẩn úy Trụ trực trại. Về trại này gặp anh Trần Văn Côn(chồng chị Nhàn lò bánh mì), Bùi Đình Vàng-Xa Cam.

Hai tháng sau, tôi bị chuyển đi trại B, lại đi ngược vô núi, ngang trại A, vô sâu trong núi đá vôi! Ngoài Bắc, vùng núi đá vôi cây chồi thấp, ít trồng trọt. Cả thời gian tôi ở tù chỉ công an giam giữ; CA chỉ giữ người là chính. lao động thì chỉ làm thủy lợi, vác đá!

Trại B do đại úy Trần Tấn Nguyệt làm trưởng trại, là dân miền Nam tập kết ở lại, thượng sĩ Thúy làm trực trại, Đ/u Hoa (nữ) còn gọi là Kim Hoa Bà Bà… Đ/u Soạn an ninh liên trại A,B,C. Tên nàygian ác, người đã đưa trung tá Trọng (không quân) và Đ/u Sanh đi và mất tích cho đến bây giờ; nghe nói bị đập chết (vợ anh Trọng đã qua Mỹ!).

Có những ngày đi lao động sâu vào chân núi cách trại B chừng 2Km thì gặp trại cùi. Chỉ có hội trường là xây, còn nhà mái bằng vầu (lồ ô), vách đất, nhìn những ngón tay bị rụng vẫn phải cuốc, tay được cột vào cán cuốc, phải tự mưu sinh. Nhà nước một năm đến một lần, không thuốc men, sống chết mặc bây!

Lúc đầu ra Bắc, người dân Bắc bị tuyên truyền nên có thái độ hận thù, nhưng sau này tiếp xúc, họ có thái độ thân thiện hơn; đã có những trường hợp móc nối dân rồi trốn trại thành công…

Ở tù lưu đày, chính sách cải tạo của Bắc Việt đã đưa con người đến cái tận cùng của con người! Những cuộc thanh toán “Anten” hay là “292” là bọn cũng tù, nhưng làm tay sai cho trại! Nhớ mỗi chủ nhật tôi mang giày “Botte de Saut” (tôi còn giữ lúc ở Nam) vào là bọn 292 ngồi run! Không ai muốn làm điều này, vì họ hết thuốc trị! Muốn về sớm mà bước lên thân xác người khác; báo cáo lấy điểm, để được hưởng những đặc quyền của trại!

Đến khoảng tháng 10, 1980 được lệnh chuyển trại, mọi người biết sẽ về Nam… Lên xe Zin chuyển ra ga Phủ Lý, Hà Nam Ninh…Dọc theo đường ra Phủ Lý, dân đứng hai bên đường, họ đã biết trước, mọi người ném mùng, mền, chăn, chiếu cho họ…Tội nghiệp, họ rất nghèo! Chúng tôi cũng như nhà tù nhỏ trong một nhà tù lớn! Bây giờ họ hoan hô chúng tôi,
không còn như những ngày mới ra Bắc!

Trên người ai cũng măc bộ đồ bông lính, có đóng dấu tên trại, lấy từ kho quân nhu! Rồi cũng hai người một cái còng chữ U lên xe lửa xuôi Nam.

Trên xe lửa… Đến Huế, xe lửa dừng lại tại ga Huế; họ đậu xe lửa có xe lửa khác đậu che không cho dân thấy! Một số người bán hàng vào được, thấy mặc đồ lính biết tù phe ta họ ném bánh, kẹo…mà không lấy tiền. Tội lắm, họ cũng nghèo, đưa tiền không lấy!

Đến ga Lăng Cô, tầu dừng lại chờ tầu phía Nam ra qua hầm đèo Hải Vân… Dân lại chạy ra cho quà, nhìn những người khổ mà rơi nước mắt, đưa tiền họ không nhận! Trong một xã hội thời bấy giờ mọi người đều bần cùng và bươn chải trong cuộc sống.

Qua hầm Hải Vân, đến ga Diêu Trì đoàn tầu dừng lại và họ chuyển 1 nửa tù đi trại Gia Trung, xong lại tiếp tục xuôi Nam. Đến ga Hàm Tân, đoàn tù được chuyển lên xe Zin vôTrại Z-30 D, Hàm Tân, Thuận Hải.

Trại Z-30D Hàm Tân, Thuận Hải cách Rừng Lá mà dân Bình Long định cư khoảng hơn 1 Km. Trại này do thiếu tá Đoàn Mạch làm trưởng trại; thiếu tá Phúc phó trại; trung úy Nhu làm tài vụ (sau lên đại tá, liên đới vụ Năm Cam nên bị cách chức).

Vô đến trại, tập họp, phân loại thành phần, vào phòng. Tôi và 80 người vào phòng 1, đội 37; đội 36 vào P.2. Đội 37 gọi là đội trọng điểm, còn nghỉ dưỡng quân, đi vòng vòng kiếm anten đập… như Long Cóc, tên trật tự gian ác nhất Z-30D, một trận chí tử! Đa số tù miền Nam “hiền” vì được thăm nuôi đầy đủ nên an phận!

Gặp lại xếp cũ, ông Paul Nur, bộ trưởng bộ PTST đầu tiên(sau mất ở trại này), Trung Tá Nguyễn Tùy (LLĐB), Thiếu Tá Nguyễn Cẩm (Lôi Hổ, em Đại Tá Nguyễn Bé ở trung tâm XDNT Vũng Tàu), gặp ở Pleiku trước 1975… từ trại Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh chuyển về, biết trước 30/04/1975, trái đất tròn ….

Một tuần lễ sau, xảy ra vụ khi ra cổng trại của đội tôi không chịu lấy nón ra; CA trại bắn xuống đất thị uy, mảnh đá văng trúng tay Lê Văn Bút chảy máu (L.V. Bút nguyên Trung tá Không Quân). Chúng tôi biểu tình, một sự kiện chưa từng xảy ra trong các trại giam CS. Trại ra lệnh báo động, bộ đội bao chung quanh, có cả tăng! Nội bất xuất, ngoại bất nhập! Tr/T Vũ Xuân Thông(LĐ 81 BKD) cũng chung phòng; lúc đó mẹ anh Thông mất,  chỉ xé miếng vải trắng lượm được quấn đầu!

Ngày 30 tết âm lịch năm 1981, phân loại và đưa khoảng 30 người đi trại giam Chí Hòa. Vài ngày sau, từng người bị gọi lên thẩm vấn… tôi cũng bị gọi lên, gặp một người da ngâm đen, khoảng trên 50 tuổi, mặc đồ dân sự.. mời tôi ngồi nói chuyện rất lịch sự, thái độ của một cán bộ cao cấp (sau mới biết là Cục phó Cục Trại giam miền Nam). Sau hơn 3 giờ tâm tình (!), chính sách…., vòng vo tam quốc, không khai thác được gì, cho tôi về, mặt cũng vui vẻ.

Tôi biết bàn tay sắt bọc nhung như thế nào, từng người bị đưa vào nhà kỷ luật!

Nhà kỷ luật ở Z- 30D nằm phía sau hội trường trại, đó là một cái nhà bình thường, mái bằng tole fibrociment, bên trongxây những chiếc hộp cũng bằng ciment; mỗi phòng có hai bệ đá để nằm, hai cái cùm gắn chặt dưới nền ciment; một cái thùng đạn đại liên 50 dùng để đi cầu hay tiểu tiện, mỗi sáng có tù trật tự mang đi đổ; ngoài Bắc cũng vậy, mẫu chung của cả nước!

Mỗi ngày, một lon guigoz nước (0,75 litre), cả tắm! Ăn, chén bằng sắt tráng men, chỉ được nửa chén, lẫn lộn sạn đá; họ bỏ nhiều muối cho thật mặn, phải đổ nước rồi gạn ra cho bớt mặn. Khổ nhất là khát! Cái đói và cái khát song hành! Không có phân, nếu có thì cứng như phân dê! Vì có gì để ăn đâu, phải chịu thôi! Một tháng được dẫn ra tắm một lần! Ai nấy đều đi không nổi, phải vịn vách mà đi. Da trắng bệch như xác chết! Hai chân tôi chuyển bại thành liệt!

Ba tháng sau, ai nấy đều gần chết, mắt tôi bắt đầu mờ vì sống trong tối… Sau đó, cả đám được đưa ra phòng tập thể, cũng là phòng kiên giam! Chung quanh phòng kiên giam, họ (CA) rào thêm cây cao hơn 4m, sau khi được nghỉ dưỡng một tuần cho lại sức, họ lại lôi vào nhốt tiếp!

Nhốt chung có anh Trần Hồng Văn, một Đảng viên CS kỳ cựu theo CS từ năm 1945; dân có học nói được tiếng Pháp, dân trường Bưởi Hà Nội, làm báo chí, có tư tưởng xét lại, nói chuyện lôi cuốn; hiểu quá nhiều về CS (sau này ra tù, qua nước Anh, thỉnh thoảng có phone cho tôi, viết văn với bút hiệu Việt Thường).

Nhốt mãi rồi cũng thả, năm 1984 chúng tôi được chuyển ra phòng tập thể, cũng là phòng kiên giam, tuy hết cùm nhưng vẫn biệt lập với các đội khác, vẫn bị cấm thăm nuôi! Tội nghiêp Mẹ và chị tôi, tôi đã nhắn đừng thăm, bao giờ tôi nhắn mới thăm…Trời sinh Trời nuôi, đường ta, ta cứ đi….

Đến năm 1984, đội được cho đi lao động, là đội trọng điểm, ưu tiên đi trễ về sớm, tất cả các đội khác không được tiếp xúc! Rồi cũng trong đội có một tổ riêng biệt gồm những kẻ cứng đầu nhất, trong đó lại có tôi!

Nhớ những mùa thu hoạch, được vác bắp, đậu… trên đường về kho của đội, tôi cho hết những người dân nghèo đi “mót”! Tù đã khổ, gặp họ còn khổ hơn, họ là những dân bị đi Kinh tế mới, như thế được khen là lao động tốt…

Có một lần, trại phát động phong trào thi đua, Thành “Hí”, cán bộ quản giáo đội, tập họp yêu cầu ai đăng ký tên “vượt chỉ tiêu”, tôi giơ tay trước, CB/QG Thành nói:

– “Các anh thấy chưa, anh Nguyệt là người chây lười lao động của đội, nay đã trở thành đội viên gương mẫu!”.

Ai nấy đều không biết tôi giở trò gì? Đến chiều nghiệm thu, đội trưởng là Diệp Phiêu, một tên hán gian (Đ/u huấn luyện viên Trường SQ/TĐ ) báo cáo, tôi cuốc chỉ được 2m, thay vì chỉ tiêu ngày cuốc tới 10m, ngang 2m.

Quản giáo Thành nói tại sao? Thì tôi nói tôi chỉ cuốc phần đăng ký vượt chỉ tiêu thôi! Ăn đói, đi không nổi thì tội gì mà làm cho lắm vào! Lập biên bản, tôi không ký rồi cũng xong! Cũng vì đây là đội kỷ luật, tận cùng rồi nên chẳng sợ ai!……

Rồi gặp Vũ Mộng Long, tức nhà văn Duyên Anh, quét dọn xung quanh phòng chúng tôi, bị bắt vì vụ Hồ Con Rùa! Lấm la lấm lét không dám nói chuyện, sợ vì đây là đội kỷ luật!

Sau Duyên Anh qua Pháp, có lần qua Mỹ, bị đánh gần chết ở California Bolsa, trước nhà sách Tú Quỳnh, tội nghiệp! Thuở nhỏ tôi rất mê chuyện Duyên Anh… Vô tù mới biết được ai ra sao? Vàng thật hay vàng giả, nghĩ mà buồn!

Bông trạng nguyên trước sân phòng giam chuyển màu đỏ thắm, chúng tôi biết Tết sắp về.. Lại mười mấy cái Tết xa nhà! Ngoài kia, toàn trại được tập họp ở hội trường để nghe gọi tên về, còn tôi thì không bao giờ ra để nghe tên, từ Nam ra Bắc! Đang ngồi lim dim bên ống thuốc Lào, thì nghe Phú cán bộ giáo dục và Cung “Củ Đậu” gọi tên “Nguyệt, anh có tên về đấy!”. Tù lâu quá, tôi vẫn lạnh lùng, dửng dưng! Leo xuống theo ra hội trường, cả hội trường cười ồ lên …

-“Nguyệt nó được về kìa!”.

Ký tên, lăn tay, lấy giấy ra trại do bộ Nội Vụ ký 06/01/1987. Về Phòng lấy đồ, tôi cho hết… chỉ mang cây đàn guitar được làm trong tù, cái võng lính mà nó đã theo tôi cả đời tù, cái balô, chỉ thế thôi. Đi ra cổng trại gặp cán bộ quản giáo tên Hiền, hắn ngoảnh mặt không thèm nhìn, vì hắn từng nói
“Anh chỉ có mọt gông!”. Lên cơ quan nhận lại những món đồ mà tôi gởi lúc mới vào trại C-5 Sông Măng.

Một cửa sổ của căn phòng NHỎ được mở ra và căn phòng LỚN bị khép lại! Trong một xã hội mà những người tù của chế độ cũ, chúng tôi bị coi như là công dân hạng ba (3 đời), bạn bè quen biết e ngại không dám gần!

Ra khỏi trại, đầu óc trống rỗng, buồn hơn là vui! Vì phải xa những người bạn, tù lâu quá nên quen! Đi khỏi trại chừng hơn 1km, gặp Rừng Lá, nơi mà dân Bình Long xưa kia được đưa đi định cư, gặp vài người tôi nhớ mặt, họ nhìn biết tôi tù mới ra và có vẻ e ngại!

Hỏi thăm người quen, người ta chỉ và tôi tìm được đó là thầy giáo Mọi Thuận, ba của chị Mọi Thị Lan và Mọi Phước. Thầy Thuận là người cùng thời Ba tôi, dạy trường Tiểu Học Thượng và cũng dạy tôi năm lớp 3. Gia đình rất mừng, tôi ở lại chơi và ăn nhậu một tuần, chồng chị Lan cũng Trung Úy Sư Đoàn 23, sau này cũng qua Mỹ ở Florida.

Ở nhà thầy Thuận được một tuần, gia đình cho tiền về Sàigòn, lên xe chủ xe cũng không lấy tiền; đến bến xe Miền Đông, đón xe cyclo đạp về Quận 8, Chánh Hưng, nhà chị tôi, gặp người đạp cyclo đạp, phe ta cũng không lấy tiền, nói chuyện mới biết anh ấy là Đại Úy Sư Đoàn 7, đưa tiền nói cách mấy cũng không nhận! Về Saigon, ở nhà bà chị, sửa sang lại dung nhan, 1 tuần sau mới về Bình Long.

Lên xe về Bình Long, nhìn dọc theo đường, mọi thứ đều xa lạ! Trên xe mọi người im lặng? Không khí nặng nề!!! Không còn như ngày nào, bươn chải bon chen trong cuộc sống! Con người tôi cảm thấy lạc lõng giữa dòng đời xuôi ngược bởi cuộc đổi đời! Về nhà, Mẹ tôi ôm tôi khóc mà sao tôi vẫn dửng dưng! Có lẽ mười mấy năm tù, con người tôi đã xuống cái tận cùng của địa ngục, chẳng còn nước mắt nào để mà khóc! Tim tôi như tan vỡ từng mảnh!

Thế rồi ngày qua tháng tới, sống trong căn nhà mái tôn lỗ chỗ miểng pháo từ những năm1972! Làm ruộng, ngày ngày bán lưng cho trời, bán mặt cho đất! Cũng không yên thân, lâu lâu gọi trình diện, hết xã tới huyện; còn riêng tôi phải trình diện công an tỉnh Bình Dương, (lúc đó BL thuộc BD).

Rồi tôi cũng lấy vợ, tôi cũng cám ơn người vợ đầu tiên của tôi, người đủ can đảm lấy tôi, bất chấp tất cả vì tôi là công dân hạng 3; lo cho tôi tất cả! Vợ tôi sinh được đứa con gái, ba tháng sau, Mẹ tôi mất trên tay tôi! Lần đầu tôi khóc sau ngày 30 tháng 4 năm 1975!

Khi có chương trình H.O, tại Bình Long, Mục sư Điểu Huynh không đi, ở lại phục vụ các tín đồ người dân tộc S’tiêng BL. Tôi cùng anh tôi được gọi dầu tiên, nhưng vì không biết thủ tục “đầu tiên”(?), rồi cũng được gọi phỏng vấn và cho đi rất dễ dàng.

Gặp người Mỹ già phỏng vấn hỏi tôi:

– “Làm việc hơn một năm, tại sao bị giam lâu vậy?”.

Tôi trả lời ngắn gọn:

– “Ông nên hỏi Đảng và Nhà Nước!”.

Tôi biết hầu hết những người Mỹ phỏng vấn đều biết tiếng VN và bà thông dịch trả lời:

– “Ông Nguyệt làm trong cơ quan CIA trá hình”.

Người phỏng vấn cười và tuyên bố tôi được chấp thuận đi Mỹ; gia đình tôi đi H.O 19. Giã từ gia đình, bạn bè ngày 24 tháng 8/1993, lên Thai Air Way, máy bay taxi ra piste rồi tống ga…

Máy bay cao dần, những căn nhà của Saigon nhỏ dần qua khung cửa máy bay; những đám mây lặng lẽ trôi, bỗng những giọt nước lăn dài trên má! Tôi khóc, không phải vì được đi Mỹ mà vì phải bỏ lại quê hương nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên.

Cali 09/24/2015.

Điểu Du Nguyệt.
(Trích Biên Khảo Tỉnh Bình Long)

Nguồn:vantuyen.net/2016/01/27/dieu-du-nguyet-12-nam-tinh-lan-dan/

No comments:

Blog Archive