Viên chức của nhiều quốc gia mua "hộ chiếu vàng" từ Cyprus
Theo Al Jazeera, các cá nhân nộp đơn xin quốc tịch Cyprus đến từ khắp nơi trên thế giới với tổng số hơn 70 quốc gia. Các quốc gia có số lượng người nộp đơn cao nhất là Nga (1.000 người), Trung Quốc (500 người) và Ukraine (100 người). Tuy nhiên, cũng có những người đến từ Anh, Mỹ, Mali, Morocco, Israel, Palestine, Nam Phi, Hàn Quốc và Saudi Arabia.
Al Jazeera cũng cho biết có một số doanh nhân Việt Nam nổi tiếng nằm trong danh sách những người mua hộ chiếu Cyprus.
Bộ phận điều tra của Al Jazeera đã tiếp cận được với số lượng lớn tài liệu mật bị rò rỉ của chính phủ Cyprus. Những tài liệu mật này cho thấy có hàng chục viên chức cấp cao và gia đình đã mua "hộ chiếu vàng" của Cyprus từ 2017 cho đến cuối 2019.
Để nhận được "hộ chiếu vàng", người nộp đơn xin quốc tịch phải bỏ tiền đầu tư một khoản ít nhất là 2,5 triệu USD vào Cyprus.
Trong số những người mua hộ chiếu, có chính trị gia của một số nước, thành viên hội đồng quản trị các tập đoàn nhà nước TQ và anh em của cựu Thủ tướng Lebanon.
Các viên chức này, hay người có liên quan tới chính trị (PEP), được quốc tế công nhận là những cá nhân có dính líu đến vấn đề tham nhũng vì họ hoặc các thành viên gia đình họ nắm giữ vị trí quan trọng trong chính phủ.
Mua quốc tịch Cyprus
Việc ông Mir Rahman Rahmani được bầu làm chủ tịch Hạ viện đã gây nên cuộc tranh cãi tại Quốc hội Afghanistan. (Ảnh: Reuters).
Thông tin này được đưa ra một ngày sau khi bộ phận điều tra của Al Jazeera hôm 23/8 tiết lộ rằng Cyprus đã bán hộ chiếu cho tội phạm và những người trốn tránh pháp luật.
Sau loạt bài, Bộ Nội vụ Cyprus ra thông báo cho biết nước này đang xem xét những thông tin được tiết lộ. Bộ cũng nói thêm rằng họ đã thực hiện những thay đổi đáng kể với chương trình đầu tư trong vài năm gần đây.
Nhiều chính trị gia nổi tiếng
Một trong những người mua hộ chiếu là Mir Rahman Rahmani, Chủ tịch Hạ viện Afghanistan. Ông Rahmani không chỉ mua quốc tịch Cyprus cho bản thân, vợ và ba con gái mà còn mua thêm hộ chiếu của Saint Kitts và Nevis, một trong nhiều quốc gia ở vùng Caribbean bán quốc tịch, cho cả gia đình.
Ông Rahmani từng là tướng quân đội. Sau đó, ông trở thành doanh nhân rất thành công trong việc xử lý các hợp đồng vận tải và cung cấp nhiên liệu giữa chính phủ Afghanistan và quân đội Mỹ.
Việc ông được bầu làm chủ tịch Hạ viện đã gây ra cuộc tranh cãi lớn ở Quốc hội Afghanistan. Các đối thủ tuyên bố ông Rahmani đã gian lận phiếu bầu.
Hai viên chức khác mua hộ chiếu Cyprus là ông Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM, và ông Igor Reva, cựu Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga, theo Al Jazeera.
Các PEP như ông Rahmani và ông Reva thường có quyền tiếp cận số tiền thuế khổng lồ, bà Laure Brillaud của tổ chức chống tham nhũng Transparency International nói với Al Jazeera.
"Họ có quyền tiếp cận của công, nắm giữ các hợp đồng của chính phủ và có quyền đưa ra quyết định", bà Brillaud cho biết.
Các tài liệu Al Jazeera có được không chứng minh hành vi sai trái của bất cứ nhân vật PEP nào.
Tuy nhiên, phát hiện này dẫn đến câu hỏi vì sao một người được giao chức vụ trong bộ máy chính quyền lại muốn mua quốc tịch thứ hai cho bản thân hoặc gia đình của họ.
Ngoài ra, các viên chức này làm sao có được ít nhất 2,5 triệu USD để đầu tư vào Cyprus, một trong những yêu cầu để có được "hộ chiếu vàng", cũng là vấn đề khiến nhiều người thắc mắc.
Sự chỉ trích từ châu Âu
Hộ chiếu Cyprus là thứ đáng thèm muốn ở nhiều quốc gia vì người nắm quốc tịch đảo quốc này có quyền đi lại, làm việc và sử dụng ngân hàng trên khắp Liên minh châu Âu (EU).
EU đã nhiều lần chỉ trích chương trình này là có nhiều rủi ro an ninh kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 2013. Do đó, EU coi Cyprus là "cửa sau vào khối cho những nhân vật chính trị từ các quốc gia khác".
Dưới áp lực của EU, Cyprus đã thay đổi các quy tắc tham gia chương trình đầu tư của mình vào năm 2019.
Tuy nhiên, Al Jazeera phát hiện nhiều nhân vật PEP đã trở thành công dân Cyprus trước khi những thay đổi này có hiệu lực.
Taka Mikati (phải) cùng người anh em của mình, cựu Thủ tướng Lebanon Najib Mikati. (Ảnh: Al Jazeera)
Những người trong danh sách đó bao gồm Mohammed Jameel, người có mặt trong cơ quan quản lý đầu tư của Saudi Arabia, ông Tang Yong, Chủ tịch một tập đoàn năng lượng nhà nước Trung Quốc, và Apurv Bagri, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Dịch vụ Tài chính của Dubai.
Cựu Thượng nghị sĩ Nga Vadim Moskovitch, cựu thành viên cơ quan lập pháp Ukraine Volodymyr Zubky và tỷ phú Taha Mikati, anh em của cựu Thủ tướng Lebanon Najib Mikati, cũng nằm trong danh sách này. Hai anh em nhà Mikati đều là những người giàu nhất Lebanon.
Vào tháng 7, Cyprus thông qua điều luật mới cho phép tước quyền công dân đã cấp cho bất cứ ai được coi là "gây tổn hại cho lợi ích quốc gia của Cyprus".
Mặc dù theo quy định mới, các PEP không đủ điều kiện để trở thành công dân của Cyprus, vẫn còn nhiều trường hợp "có rủi ro cao". Bất cứ người nào đã trả 2,5 triệu USD đều giữ lại được "hộ chiếu vàng" vì các quy định mới không có tính chất hồi tố.
Trao đổi với Al Jazeera, Bộ trưởng Nội vụ Cyprus Nicos Nouris không trả lời lý do điều luật mới cho phép nước này thu hồi quyền công dân lại không áp dụng cho các PEP.
Ông Nouris cho biết hiện tại có "một Ủy ban gồm ba thành viên độc lập xem xét và đánh giá tất cả thông tin liên quan đến những người đã được cấp quốc tịch Cyprus".
Hộ chiếu vàng" của đảo Cyprus và cuộc di cư bí mật của giới nhà giàu TQ
Có hơn 500 người Trung Quốc đã bí mật mua "hộ chiếu vàng" từ Cộng hòa Síp trong khoảng thời gian từ năm 2017-2019
Ngày 24/8, hãng tin Al Jazeera (hãng tin của chính phủ Qatar) đã công bố loạt bài điều tra về chính sách mà họ gọi là "mua bán hộ chiếu châu Âu" của Cộng hòa Síp (Cyprus) từ năm 2017 đến năm 2019.
Với tên gọi "The Cyprus Papers" (Hồ sơ Síp), Al Jazeera cho biết chương trình hộ chiếu của Síp cho phép những ai bỏ tiền đầu tư ít nhất 2,15 triệu Euro (khoảng 2,5 triệu USD) để có thể nhận hộ chiếu nước này với tư cách là công dân.
Theo bảng xếp hạng hộ chiếu năm 2019 (Passport Index), hộ chiếu đảo Síp đứng thứ 8 trong danh sách 10 hộ chiếu nhiều quyền lực nhất thế giới vì cho phép người đứng tên hộ chiếu được phép đi lại, làm việc và giao dịch ngân hàng trên khắp châu Âu. Những người giữ hộ chiếu Sip cũng có thể đi lại tự do đến 174 quốc gia mà không cần xin thị thực (visa).
Theo Al Jareeza, hàng chục quan chức cấp cao một số nước và gia đình của họ đã mua thứ gọi là "hộ chiếu vàng" này. Đa số các cá nhân này nằm trong diện dính líu đến các vụ tham nhũng cao, vì có sở hữu tài sản "khủng".
Tài liệu được Al Jazeera công bố cho thấy Trung Quốc là nước có công dân nhập quốc tịch Síp theo chương trình "hộ chiếu vàng" đông thứ 2 thế giới. Al Jazeera đã không công bố đầy đủ danh sách của hơn 500 người này, chỉ nêu ra 8 cái tên nổi bật, trong đó có Yang Huiyan, người được tạp chí Forbes hồi tháng 3/2020 đã vinh danh bà là nữ tỷ phú giàu nhất châu Á và giàu đứng thứ 6 trên thế giới với khối tài sản trị giá 20,3 tỷ USD tại thời điểm đó. Hiện bà Yang sở hữu 28,5 tỷ USD.
Bà Yang là con thứ 2 trong số 3 người con gái của ông Yang Guoqiang, nhà sáng lập tập đoàn bất động sản Country Garden Holdings nổi tiếng của TQ. Ông Yang Guoqiang cũng là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), cơ quan hiệp thương chính trị hàng đầu của Bắc Kinh.(Lại 1 tên đảng viên "nồng cốt"!)
Năm 2005, ông Yang Guoqiang quyết định rút lui khỏi thương trường và giao lại toàn bộ sự nghiệp cho con gái. Thời điểm đó, bà Yang Huiyan nhận 70% cổ phần của Country Garden Holdings từ cha mình và chính thức trở thành nữ tỷ phú trẻ tuổi nhất Trung Quốc. Hiện tại, bà Yang Huiyan chỉ còn nắm sở hữu 57% tổng cổ phần của tập đoàn này.
Cá nhân thứ hai bị tiết lộ danh tính trong tài liệu của Al Jazeera là ông Lu Wenbin. Ông Lu Wenbin hiện là đại biểu của Hội đồng Nhân dân thành phố Thành Đô, đồng thời là Chủ tịch của Sichuan Troy Information Technology, một công ty công nghệ có trụ sở ở Thành Đô. Theo các tài liệu mà Al Jazeera cung cấp, ông Lu có hộ chiếu Síp vào tháng 7/2019.
Cái tên tiếp theo mà Al Jazeera tiết lộ đã nhập quốc tịch Síp là là Chen Anlin, một thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân TQ tại Vũ Hán (Hồ Bắc), đồng thời là CEO của CECEP Central China Industry Development, công ty con của Tập đoàn Bảo vệ Môi trường và Bảo vệ Năng lượng TQ thuộc sở hữu nhà nước. Ông này được cấp quốc tịch Síp vào tháng 7/2018.
5 cái tên còn lại đều là những lãnh đạo doanh nghiệp lớn hoặc làm việc trong các cơ quan nhà nước TQ.
Công dân TQ nộp đơn xin thường trú hoặc nhập quốc tịch ở nước ngoài là hợp pháp. Tuy nhiên, một khi một công dân TQ có quốc tịch nước ngoài, điều đó có thể dẫn đến việc họ tự động mất quyền công dân TQ, vì TQ không công nhận hai quốc tịch.
Thêm vào đó, Bắc Kinh có những quy định đặc biệt nghiêm ngặt với nhân viên các cơ quan nhà nước và tổ chức công cũng như các giám đốc điều hành, người lãnh đạo tại doanh nghiệp nhà nước.
Hồi tháng 7 vừa qua, Bắc Kinh đã ban hành luật mới, quy định cán bộ làm việc trong lĩnh vực công có thể bị sa thải nếu bị phát hiện có quốc tịch nước ngoài hoặc không khai báo thường trú tại nước ngoài.
Những tiết lộ mới của Al Jazeera cho thấy một xu hướng mới trong giới thượng lưu TQ, đó là xu hướng nhập tịch nước ngoài. Hộ chiếu thứ hai giúp họ thuận lợi trong việc di chuyển đến các quốc gia khác, chuyển tiền ra nước ngoài hoặc thậm chí là bỏ trốn trong trường hợp xảy ra biến động trong nước.
Theo vietbf
No comments:
Post a Comment