Dành Gửi Cho Ai Một Nụ Cười
Từ Sơn
Hình minh họa
1.
Đô thành Saigon là nơi tôi lớn lên, ký ức về Saigon của tôi chứa đầy kỷ niệm tuổi thơ. Saigon có những buổi chiều gió mưa, đạp xe đi học về, người ướt đẫm. Saigon có nhiều bạn bè, trong những ngày vui liên hoan cuối năm học. Saigon có một người con gái tóc dài, tôi từng mến yêu trong lứa tuổi học trò.
Năm đó là năm 1966, tôi mới 17 tuổi, đang học lớp Đệ Tam trường Pétrus Ký, thứ hạng trong lớp không tệ, nhưng tôi đã chập chửng vào đời bằng những bước chân rất rụt rè. Vì là con nhà nghèo, tôi không dám có nhiều hoài bão tuổi trẻ như bao nhiêu bạn bè khác. Chúng nó, đứa muốn làm bác sĩ, đứa muốn làm kiến trúc sư, trong khi đất nước còn chiến tranh loạn lạc. Nếu trong lúc đó có ai hỏi tôi ước mơ gì không, tôi sẽ không trả lời được.
Dù còn là học sinh, dù cuộc sống rất khó khăn, nhưng tôi vẫn là đứa con trai đang lớn, đã bắt đầu biết mộng, biết mơ, biết nhớ một ánh mắt, biết mong một nụ cười.
Ánh mắt nụ cười ấy từ một người con gái có cái tên thật đẹp và giản dị: Hà.
Hà bằng tuổi tôi, rất xinh xắn, ngây thơ. Cô đang bán bánh mì ở khu xóm lao động sâu trong hẻm đường Trần quang Khải mà gia đình tôi đang cư ngụ. Hà cùng với Mỹ ( là em gái của Hà) đều là học sinh trường trung học Văn Hiến nổi tiếng trong khu vực. Ngoài giờ học, Hà bán bánh mì, chắc là phương tiện sinh sống duy nhất của gia đình.
Tôi bị Hà thu hút bằng tấm lòng hiếu thảo và ý chí vươn lên của một cô gái nhà nghèo, nghèo cũng giống như tôi. Đi học về, xe đạp của tôi thường dừng lại ở xe bánh mì. Tôi lấy cớ mua bánh mì để nhìn ngắm mái tóc óng mượt, đen nhánh, xoả dài qua vai, mái tóc tôi cho là đẹp nhất trên thế gian.
Tôi với Hà ban đầu là quen biết, sau là bè bạn. Em gái của Hà thường nhờ tôi hướng dẫn bài vở, nên sự lui tới của tôi, người lớn không ngăn cấm. Thỉnh thoảng tôi có ghé nhà thăm viếng khi mẹ Hà bị bệnh, hoặc đến chúc mừng gia đình những dịp lễ tết. Rồi thì, tôi đã yêu thích Hà lúc nào tôi cũng không hay.
Tôi nhớ tôi đã cùng một số bạn thành lập một nhóm văn, và tôi tập tành viết truyện làm thơ. Bài viết nào của tôi cũng đề “tặng Hà” như là không để người khác dành phần. Tôi viết nhiều bài về Hà như là để trút nỗi niềm yêu.
Và tôi đã thật hạnh phúc với những ổ bánh mì không tốn tiền khi nghe Hà nói: “Tôi mới vừa đọc một bài của anh nhắc đến tôi, hôm nay tôi không lấy tiền, đừng nói ai nghe nha, bà già đánh tôi chết”.
Sau hơn một năm quen biết, tình yêu của tôi đối với Hà càng lúc càng sâu đậm. Ngày nào không gặp Hà, tôi đứng ngồi không yên. Tôi hay canh đón Hà tại nơi nhận bánh, để trao Hà những phong thư, trong thư tôi gửi những lời nhớ nhung và những mơ ước về tương lai rực rỡ sau khi thành danh. Hà chưa hề viết thư đáp trả. Chắc con gái dễ e thẹn nên chưa viết đó thôi.
Có một đêm khoảng mười giờ, tôi đang học bài trên căn gác, khi nhìn xuống thấy Hà và em gái đang đứng trước nhà mà không dám gõ cửa. Không hiểu cách nào mà hai chị em biết đường đến nhà tôi.
Mừng rỡ tôi chạy xuống mở cửa, vì trời tối tôi không tiện mời Hà vào nhà. Hà nói Hà đến thăm tôi và gửi tôi lá thư. Trời ơi, đây là lần đầu tiên Hà gửi thư cho tôi. Tôi đứng sửng như người không hồn, nhận thư của Hà, sau đó thì Hà từ giã. Tôi quên hẳn tôi đang ở đâu, lặng lẽ rất lâu mới bước chân trở lên gác.
Lá thư ấy là lá thư duy nhất tôi nhận của Hà trong suốt cả cuộc đời. Tôi giữ mãi lá thư trong nhiều năm sau này, đến khi có những biến cố làm thất lạc. Trong thư Hà thân mật nói chuyện với tôi cả bốn trang giấy học trò, nói rất nhiều điều, khuyên tôi ráng học, Hà sẽ luôn ở bên tôi an ủi khuyến khích, hy vọng tương lai tôi rực rỡ. Hà có nói câu này: “Nếu không ráng học, người ta không còn thương nữa, ráng chịu”.
Tôi nghĩ như thế là Hà đã yêu tôi. Con gái thường e lệ mà. Tâm hồn tôi từ đó tràn ngập niềm vui.
Môt buổi chiều mùa hè năm Mậu Thân 1968, tôi gặp Hà báo tin tôi đã thi đậu Tú Tài 2, Hà nói với tôi: “Chúc mừng anh nha, tối nay tụi mình đi chơi đi”.
Trời ơi, tôi như trên trời rơi xuống, vừa được tin thi đậu, vừa được người yêu hẹn đi chơi. Tôi vui như điên dại, cứ trông mau đến tối, ra ngõ trên đường Nguyễn Huy Tự để đón Hà.
Tôi không nhớ mình đã xoay sở cách nào mà đã có sẵn một mớ tiền trong túi, cũng đủ đưa Hà đi ăn uống, cùng san sẻ niềm vui thành công đầu tiên của tôi khi bước vào đời. Tôi dự định sẽ tìm một quán cà phê thanh vắng, tâm sự đến khuya, hứa hẹn những điều còn đang ấp ủ.
Đây là buổi hẹn hò đầu tiên trong cuộc đời con trai của tôi, sao hôm nay, tôi được làm vai chính mà lại hồi hộp đến như vậy.
Tôi co ro, vì lần đầu tiên trong bộ đồ Tây bỏ thùng với giày da, tim đập thình thịch khi nhìn thấy Hà từ trong ngõ bước ra, cũng với chiếc áo dài trắng, tóc xoả dài qua vai, giản dị, nhưng đẹp lộng lẫy hơn bao giờ hết. Tôi vẫy gọi chiếc taxi mà các ngón tay run bần bật. Tôi mở cửa sau cho Hà vào xe, rồi bước lên ghế trước, vì nhớ xem trong một phim nào đó, người ta đã làm vậy. Nhưng anh tài xế ngăn lại: “Em ra sau ngồi đi, ai lại ngồi phía trước”.
2.
Tôi nghe lời anh tài xế, bẽn lẽn mở cửa sau phía bên kia vào xe, ngồi bên cạnh Hà. Hà không dùng nước hoa mà sao mùi da thịt toả ra thơm ngát. Khi xe chuyển bánh, có hơi lắc lư, vai tôi chạm nhẹ vào vai Hà, sao mà êm ái đến ngất ngây.
Chạy được một quãng, anh tài xế ngừng xe hỏi, các em muốn đi đâu. Tôi gợi ý Hà cùng đi ăn tiệm. Hà trả lời không muốn đi ăn, chỉ muốn đi chơi ở công viên.
Cũng để chìu ý Hà, tôi nhờ anh tài xế cho xe đến công viên Phan đình Phùng góc Pasteur. Sở dĩ tôi biết công viên này vì tôi đạp xe đi học ngang qua đây hàng ngày.
Trời đêm tháng tám nhiều gió, mát mẻ. Ánh trăng chỉ được nhìn thấp thoáng qua các ngọn cây, Ngõ vào công viên mới chừng hơn tám giờ tối mà tôi thấy trai thanh gái tú dập dìu. Tôi và Hà cùng bước đi rất chậm trên con đường lát sỏi. Tôi có cảm giác vô cùng sảng khoái và hạnh phúc, thỉnh thoảng lại nhìn xuống chân để thưởng thức thật lâu cái hình ảnh tôi và Hà đang song hành sánh bước. Cầu trời cho chúng con sánh bước trọn đời. Con đường lát sỏi giống như đường lên cõi bồng lai. Tôi chưa thể nói với Hà câu gì, vì còn đang bận nuốt từng giọt hạnh phúc vào sâu tận đáy tim.
Suốt đoạn đường hai đứa tôi đi qua, các ghế đá đều bị chiếm chỗ bởi các cặp tình nhân, họ đang hẹn hò tình tự với nhau. Tôi hy vọng cũng được tận hưởng một buổi hẹn hò tuyệt vời hôm nay, dù ở chừng mực thế nào cũng vui.
Đi đến cuối con đường lát sỏi, cũng là cuối công viên, bên kia hàng rào là đường Phan Thanh Giản, tôi chọn được một ghế đá vừa vắng vẻ, vừa sạch sẻ, hai đứa cùng ngồi xuống vì thật ra đã mõi chân rồi.
Những câu nói tôi sắp sẵn trong đầu tự nhiên bay đâu mất. Từ lâu tôi có ước mơ được hôn lên mái tóc óng ả của Hà, nhưng hôm nay không tài nào tôi dám thực hiện. Tôi nhìn Hà, nhìn thật lâu, tôi nghĩ là Hà cũng đang rất vui cũng như tôi đang rất vui. Tôi chờ đợi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của Hà, đánh dấu ngày kỳ ngộ của hai đứa.
Nhưng không, ô kìa, Hà đang khóc. Tôi nhìn thấy rõ hai giọt nước mắt dưới ánh đèn yếu ớt của công viên. Tôi vừa lo âu vừa thắc mắc, không biết đã xảy ra chuyện gì, sao bỗng dưng Hà lại khóc?
Hà dùng khăn tay chậm nước mắt, rồi nói: “Mình không lấy nhau được, anh ơi, mẹ tôi nói mẹ không gã tôi cho anh”.
Tôi nghe như lùng bùng trong lỗ tai. Lặng thinh một hồi thật lâu tôi mới lên tiếng: “Chuyện gì vậy Hà? Tôi có lỗi gì sao?”
“Không anh, gia đình tôi đã nhận lời anh Ngô, anh ấy đóng quân ở chi khu Hoài Nhơn, chúng tôi đã làm đám hỏi hai tháng nay rồi”.
Tôi nghe rất rõ từng lời nói của Hà. Trời ơi, sao đột ngột vậy trời. Gió đêm lồng lộng mà mồ hôi tôi tuôn ra như tắm. Bao năm vun đắp hy vọng, lẽ nào trong chốc tất cả đều tan biến, có lẽ nào?
Tôi cảm thấy có một cái gì nghẹn nghẹn trong cổ họng, cố gắng lắm mới gượng hỏi: “Sao hai tháng nay Hà không nói cho tôi biết, lúc nào cũng cười đùa với tôi, làm tôi hy vọng, sao ác với tôi vậy?”
Hà vừa khóc vừa phân trần: “Tôi sợ anh buồn ảnh hưởng kỳ thi, mẹ tôi ép làm đám cưới ngay, nhưng tôi đâu chịu. Tôi đòi chờ anh thi đậu xong, mới ra Bình Định làm đám cưới. Tôi đòi dữ lắm, mẹ tôi mới chìu tôi”.
Trời ơi, chết tôi rồi. Tôi thật sự không thể kềm chế hai dòng nước mắt tuôn xuống má. Rất lâu, tôi vẫn ngồi chết lặng, tứ chi rã rời.
Hà bớt khóc và nói nhiều điều sau đó, những lý do mà gia đình Hà không chấp nhận tôi, vì công việc làm của gia đình tôi có điều gì đó mâu thuẩn với gia đình nhà Hà, vì ba má tôi con đông, vì … Nhưng tôi có cần phải giải bày gi không, khi Hà đã làm đám hỏi cả hai tháng nay rồi? Hà càng nói, nước mắt tôi càng chảy, được một lúc thì hai đứa đều lặng thinh, không ai nói lời nào nữa.
Sau đó, Hà nói chị Ba chị Sáu của Hà cũng quý tôi, nhưng không thể vượt qua quyết định của gia tộc. Tôi kể cho Hà nghe rất nhiều đêm tôi nhớ Hà không ngủ được. Tôi hỏi: “Nếu tôi thi không đậu, Hà có đi lấy chồng không?” Hà bảo: “Tôi tin rằng anh thi đậu, mới xin gia đình nán lại ngày về quê”…
Rất nhiều điều chúng tôi kể cho nhau nghe, không thể nói hết.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, đồng hồ tay của tôi chỉ hơn 12 giờ đêm, hai đứa đều đã tỉnh táo không còn khóc nữa. Mọi chuyện đến nước này phải chấp nhận thôi.
Tôi đề nghị đưa Hà về, Hà lắc đầu: “Kể từ ngày mai mình không được phép gặp nhau nữa rồi, anh để tôi ngồi với anh thêm chút nữa nha”.
Tôi hỏi lại: “Ở nhà không chờ sao?” Hà trả lời: “Thì, mặc kệ đi”.
Tôi chống tay gục đầu nghe theo, vì đúng là ngày mai tôi không còn lý do gặp Hà nữa rồi, tôi cũng không biết làm sao tôi vui sống nếu không được nhìn thấy Hà. Sao mà hoàn cảnh nghiệt ngã thế này?
Theo yêu cầu của tôi lần cuối, Hà đưa bàn tay cho tôi nắm một lần, một lần trong cuộc đời, vì mãi về sau này, tôi không còn có cơ hội nào nữa. Bàn tay mịn màng ấm áp này của Hà mãi mãi sẽ không bao giờ thuộc về tôi.
Đến hơn 1 giờ sáng, xe cộ không còn nữa. Tôi và Hà quyết định đi bộ cùng nhau về nhà. Hai đứa rảo bước chầm chậm trên đường phố Saigon tĩnh mịch vào giữa khuya, dù lòng nặng trĩu, nhưng cũng cố gắng lôi kéo thêm giây phút còn được nhìn thấy nhau, qua những bước chân song hành.
3.
Việc Hà đi chơi tối với tôi hình như được mẹ cho phép, nhưng hơn nửa khuya Hà chưa về nhà, đã làm cho gia đình rất lo lắng. Mẹ và chị Hà không biết dùng phương tiện gì để đi tìm Hà nhiều nơi, kể cả nhà một số bạn bè, thầy dạy. Chuyện này về sau tôi mới biết, là do chị Dung, con của thầy Ái dạy sử địa, hôm gặp tôi chị khóc ròng và kể lại tôi nghe.
Sau đó, tôi không biết Hà đã làm đám cưới như thế nào, còn tôi thì bắt đầu thèm cuộc sống đi nắng về sương, cà phê và khói thuốc.
Tình yêu tan vỡ nhất thời làm sao tâm trí có thể mờ phai. Vóc dáng ngây thơ, mái tóc mềm mại của Hà hàng ngày vẫn hiện diện trong nỗi nhớ khốn khổ của tôi. Có một buổi chiều lang thang, tôi cảm thấy như vũ trụ vỡ tan khi nghe những lời nhạc của Phạm Duy rót mạnh vào lòng:
“Em đã chết cho anh vào cuộc tình
Cuộc tình ta nơi thế giới bên kia
Anh theo em vào cõi chết chốn mây mờ
Vì cõi chết không ai dành em nữa…”
Thật sự tôi đã không thể dành giật được Hà trong cõi sống hôm nay.
Lúc này, chiến sự trong nước gia tăng. Bộ Quốc Phòng có lệnh tổng động viên.
Tôi quyết định nhập ngũ, chấm dứt những ngày thật dài không định hướng, nhưng có lẽ cũng để được sớm lìa xa đô thành, không còn phải nhìn thấy những hàng cây, con đường, góc phố, in dấu tích kỷ niệm đau lòng của thuở từng yêu đương trong lứa tuổi học trò.
Những tưởng mưa nắng quân trường sẽ làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đã cố luyện tập để quên những chuyện buồn quá khứ, nhưng thật sự, việc đó không dễ dàng. Nhớ nhung là bệnh nan y, nó cứ đeo bám theo tôi trong từng giấc ngủ.
May thay, tôi vẫn còn có nhiều niềm vui từ bạn bè trong khoá học, và từ những lá thư thăm viếng của gia đình. Những niềm vui đó cũng tạm ấm lòng trong những ngày tháng bơ vơ đất khách.
Tình yêu đã chắp cánh bay từ lâu. Nhưng trong những giây phút lắng đọng tâm hồn, tôi vẫn không thể nào quên chiếc áo dài trắng thơ ngây ngày xưa, với những khi chuyện trò, đùa nghịch. Nhớ rất nhiều những hôm tôi đến nhà Hà thăm viếng rụt rè, nhớ những bữa cơm đạm bạc chị Ba mời, nhớ những buổi chiều tôi giúp Mỹ làm bài tập …
Nhớ quá, rồi không biết có động lực vô hình nào đó, xui tôi viết thư thăm mẹ và các chị em Hà, những người đã đối đãi rất tốt với tôi trong những ngày tháng cũ.
Và không ngờ, tôi nhận được thư hồi âm của Mỹ.
Thư Mỹ viết, tựa như thư của một đứa em ruột, gửi cho người anh trai đang ở phương xa: “Hôm thư anh được gửi đến nhà, chị Hà có về thăm mẹ và đọc thư, chị ấy bảo em viết hồi âm, nhắn lời chị hỏi thăm anh”.
Trời ơi, Hà vẫn còn nghĩ đến tôi. Trải qua bao nhớ mong, lời nhắn của Hà giống như là ánh sáng qua kẽ lá, giúp kẻ lữ hành như tôi tìm được lối đi trong màn đêm mù mịt.
Tôi liền viết tiếp thư cho Mỹ, ngoài việc chúc Mỹ thi cử thành công, tôi còn có dụng ý cố tìm biết ít nhiều tin tức của Hà, dù cũng vẫn hiểu rằng Hà đang hạnh phúc bên chồng.
Những điều tôi viết trong thư, không phải tôi chỉ viết riêng cho Mỹ, mà tôi cố ý muốn gửi gấm về Hà. Tôi hy vọng là Hà vẫn nghe được tiếng lòng tôi. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc, mặc dầu có chen lẫn ít nhiều đớn đau.
Những khi vừa tan buổi tập, nhìn tia nắng lãng đãng trên bầu trời, tôi vẫn cứ muốn biến thành cánh thiên nga kia, tung tăng tít trên chín tầng mây, hoàng hôn bay về tận quê xưa, để được nhìn mặt người yêu, dù nay đã thuộc về người.
Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau.
Với nỗi nhớ nhung tột cùng, bỗng nhiên tôi khát khao được làm người thân hay họ hàng của Hà. Như câu chuyện được viết, có chàng Jérome trở về nông trang xưa, qua một khung cửa hẹp, như một người làm vườn, để được lén nhìn người tình Allisa, mà số phận vĩnh viễn không thể còn gặp gỡ. Đó cũng là hạnh phúc, cho dù hạnh phúc chỉ trong giây phút rồi tàn.
Tôi lại ước mơ được hoá thân, được trẻ lại vài năm, trở thành một chàng thiếu niên mới lớn, được gia đình Hà xem như là em, là cháu của Hà. Lúc đó, tôi sẽ biến thành người trong thân tộc, sẽ được về nông trang, bước qua khung cửa hẹp, và sẽ có hạnh phúc được nhìn thấy Hà hàng ngày.
Có lẽ đó chỉ là một ý tưởng viễn vông, câu chuyện thần thoại, câu chuyện đó không có chỗ đứng cho tôi, cũng không phù hợp với đạo lý thông thường.
Và thế là tôi buông xuôi, bằng lòng hai tay nắm giữ chỉ một vạt nắng, chỉ một vạt nắng thôi, của cả một vầng thái dương, soi thẳng vào hạnh phúc thênh thang của khoảng sân rộng nhà người.
4.
Cuối năm 1972, thấm thoát cũng đã đến ngày mãn khoá. Sau khi mãn khoá tôi sẽ ra chiến trường. Thanh niên trong thời chiến, chuyện tử sinh không còn quan trọng. Dù có trải qua thời gian, nhưng kỷ niệm tình yêu ngày xưa vẫn cứ còn mãi bên mình.
Mỹ có gửi thư chúc mừng ngày tôi ra trường, đồng thời nhắn tin dùm ông anh rể, chồng của chị Ba, mới đổi về thủ đô làm công chức, anh chị có ý định gặp tôi nếu tôi có dịp về Saigon.
Tôi được nghỉ phép ở Saigon 15 ngày trước khi trình diện đơn vị.
Hôm nay với quân phục lính mới, tôi đến nhà anh chị Ba trên đường Ngô tùng Châu Quận 3, theo giờ được mời. Người mở cửa tiếp tôi, rất bất ngờ, lại chính là Hà.
Hà bảo hai đứa con nhỏ ra cúi đầu chào chú. Tôi rụt rè chào Hà, giọng run run vì ngạc nhiên: “Anh Ngô khoẻ không Hà?”
“Dạ vẫn khoẻ”. Hà đáp lời. “Anh Ngô phải đi hành quân xa. Tôi tạm đưa hai đứa con về ở nhà chị Ba”.
Tôi hỏi qua về cuộc sống. Hà bảo tất cả đều ổn. Hà nói thêm, hôm nay gặp nhau cũng chỉ tình cờ nhưng rất là vui.
Tim tôi đập như muốn vỡ lồng ngực. Người vui nhất phải là tôi mới đúng. Không phải bấy lâu nay tôi chỉ muốn được nhìn thấy Hà hay sao? Không phải bấy lâu nay nhớ nhung luôn đè nặng trong các giấc ngủ trằn trọc hay sao? Bây giờ, không phải Hà đang đứng trước mặt tôi bằng xương bằng thịt hay sao?
Gặp lại Hà chính là hạnh phúc. Và tôi đang tận hưởng hạnh phúc ấy qua từng giây. Lòng tôi xúc động bồi hồi. Tôi có nhiều câu hỏi, nhưng tôi không còn nhớ tôi đã hỏi Hà những câu gì. Chỉ nhớ khi hỏi Hà sẽ ở Saigon bao lâu, mơ hồ tôi nghe Hà nói rằng: “Saigon yên ổn hơn, tôi muốn có thời gian dài để săn sóc các cháu”.
Có lẽ vì tôi quá vui nên tôi có hơi mất tự chủ, lúng túng khi đối diện với Hà. Tôi bỗng giật mình khi anh chị Ba bước ra chào tôi, mời tôi vào tiệc ở phòng khách. Tiệc hôm nay lại làm tôi bất ngờ. Chị Ba nói đây là tiệc mừng ngày tôi ra trường. Tôi vô tư cảm ơn anh chị về sự tận tình.
Tôi phải trả lời cho mọi người về rất nhiều câu hỏi về tôi. Tiệc diễn ra cũng khá vui.
Anh Ba hỏi tôi: “chừng nào em lập gia đình?” Tôi thật thà đáp lại: “Chắc cũng sớm thôi anh. Có thể em sẽ làm lễ hỏi ngay trong kỳ nghỉ phép này”. Chị Ba tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi hỏi ngay: “Hai đứa quen nhau lâu chưa em?”
Tôi dài dòng giải thích: “Dạ, bà chị họ của em thấy sắp ra đơn vị sợ không có thì giờ cưới vợ, nên giới thiệu một cô làm cùng ngành. Chị ấy đòi làm lễ hỏi cho em luôn, nhưng em vẫn còn đang suy nghĩ”.
Anh chị Ba và cả Hà đều nói lời chúc mừng tôi. Tôi thấy Hà rời bàn tiệc sớm, đến lo cho hai đứa con. Sau khi tiệc tan, anh chị Ba vào phòng trong, phòng khách chỉ còn tôi với Hà.
Tôi và Hà đang rất gần nhau, nhưng ranh giới thì rất lớn. Có những điều chất chứa trong lòng lâu nay, chỉ chờ có dịp gặp nhau thổ lộ. Bây giờ đã gặp đây rồi, sao không thể nói được gì với nhau?
“Em bây giờ như xa một tầm tay
Biết nói gì khi tình đã vụt bay
Tháng mười hai trời còn mưa muộn
Anh lang thang đứng lặng ở cuối trời” (Vũ Hoàng)
Tôi chỉ nhìn Hà. Tôi cố nhìn cho thoả lòng bao nhiêu ngày mơ ước. Hà không giấu được nét tiều tuỵ của thiếu phụ đang xuân, khi ẳm bồng con nhỏ. Nhìn mái tóc chưa kịp chải gọn, phủ xoà trên vầng trán còn nguyên nét ngây thơ, mà lòng tôi thấy cảm thương vô cùng.
Đôi mắt Hà buồn rười rượi, gợi cho tôi nhớ lại giọt nước mắt đêm hẹn hò ngày nào, dưới ánh đèn hiu hắt của công viên. Giọt nước mắt ấy bao nhiêu năm dài cứ chập chờn trong giấc ngủ của tôi. Kỷ niệm xưa bất giác hiện về, khiến cho người tôi run lên, môi nghe mằn mặn.
Cố nén xúc động, tôi vuốt tóc cháu bé, an ủi Hà: “Hà đừng buồn. Chia cách chỉ một thời gian thôi. Cũng như tôi, vài hôm nữa tôi phải rời đô thành đi vào chiến trường như bao nhiêu người khác”.
Tôi kể cho Hà nghe những câu chuyện về bạn học ngày xưa, chuyện trong quân trường, và cả những dự tính cho cá nhân tôi trong những ngày sắp tới khi ra đơn vị. Hà là người rất dễ xúc cảm, thỉnh thoảng lấy khăn lau nước mắt, sau mỗi câu chuyện kể của tôi.
Chúng tôi chuyện trò lâu lắm như không muốn dứt ra, như người thân lâu ngày mới gặp lại.
Chuyện vãn cũng tàn. Khi Hà đưa tôi ra ngõ để đi về, buổi chiều Saigon nắng muộn, tôi bùi ngùi, tưởng như đang chia tay người yêu bé nhỏ thuở còn tuổi học trò. Nhưng hoàn cảnh hôm nay đã khác, khác ở chỗ, đau đớn hơn, chia tay lần này thật sự là lần chia tay vĩnh viễn.
5.
Thế rồi tôi ra đơn vị, bình thản nhảy vào lửa đạn như bao thanh niên khác. Tôi có rất nhiều may mắn khi phải đối diện với những cơn hiểm nguy ngoài chiến trận. Đến khi nghiệp lính tạm ổn định, tôi lập gia đình, và tôi đã cố quên những kỷ niệm thời tuổi trẻ yêu đương. Nhưng dù có cố quên tôi lại càng nhớ.
Và đã có một sự thật làm cho tôi hết sức bất ngờ, tôi chỉ biết được, sau khi ra khỏi tù cải tạo. Người bạn kể lại rằng trước ngày tôi ra trường, chiến tranh rất khốc liệt tại miền Trung, chồng Hà tử trận, Hà phải đem hai con nhỏ vào Saigon. Hôm gặp lại tôi tại nhà anh chị Ba, vì thấy tôi sắp có hạnh phúc, Hà đã cố tình lặng thinh, không hé lộ hoàn cảnh.
Sự thật đã diễn ra ngay trước mắt, mà người trong cuộc như tôi, lại không thể nào nhìn thấy. Tiếc nuối hay không, thì cơ hội cũng đã qua rồi.
Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt rưng rưng, nét mặt buồn xa xăm của Hà khi tiếp chuyện với tôi trong ngày hôm đó.
“Ai nhớ chăng ai
Những gì tha thiết nhất trong đời
Những gì không nói nên bằng lời
Tim ta thì chơi vơi, hồn ta tìm nơi nơi
Lòng ta luôn nhớ đời” (Hoàng Thi Thơ)
Làm sao tôi có thể quên những việc đã xảy ra trong ngày gặp gỡ bất ngờ này? Và tôi cũng không thể nào hiểu được Hà và tôi đã không duyên nợ nhưng sao kỷ niệm thuộc về Hà suốt đời tôi cứ mãi vấn vương?
Bốn mươi mấy năm qua rồi, hôm nay nhìn lại, trong ký ức tôi, bức tranh tình yêu tuổi học trò ngày nào là một bức tranh tuyệt đẹp.
Câu chuyện giữa tôi và Hà có thể vẫn còn có những điều tôi chưa biết hết, nhưng đến lúc này, những điều đó có còn quan trọng nữa không?
Bây giờ tuổi đã cao. Là con người, ai cũng sẽ phải trở về cát bụi. Cho nên nếu còn gặp lại, Hà ơi, xin hãy dành gửi cho nhau một nụ cười và một tình bạn tri âm tươi đẹp nhất trên thế gian này.
TỪ SƠN
(Tháng 8/2020)
No comments:
Post a Comment