Monday, August 31, 2020

NGƯỜI SANG ĐÂU HẾT?


Nhà văn Dạ Ngân (Fb Trần Định)

Thế hệ có học thời xưa, rất nhiều người sang. Học và đọc, tự nghiệm và tự luận, viết hay nói hay. Nhìn dáng họ, cách nghĩ và lời nói, cả đến khóe cười của họ cũng tao nhã, mực thước. Tây học mà. Văn hóa Pháp thời ấy, đầy sức quyến rũ.

Không dưng mà họ rùng rùng đi theo Việt Minh. Bây giờ nhiều người cho rằng do họ cả tin, ngây ngô. Thiển nghĩ, nói vậy là nói lấy được, thời vận, vận nước và vận hội, số ít thì ta còn có thể nghĩ thế nọ thế kia, khi đa số nhập cuộc, quả nhiên có cả một lớp người dấn thân sang trọng.

Thế hệ con cái họ, sinh trưởng trong chiến tranh nối tiếp chiến tranh, bộ gien của những ông bố giàu học thức có thể chỉ đủ làm xương làm cốt. Những đứa con ấy cũng phải thừa nhận rằng họ không thể nào như cha ông được...

Chúng ta không chỉ không bằng họ mà chúng ta còn phải luôn tự vấn vì sao không dám so với họ. Chiến tranh liên miên, bao cấp sai lầm, hậu chiến đói kém, học hành lôm côm, người đông của khó…v.v và v.v. Còn gì để đổ thừa nữa không? Vô vàn nguyên do. 

Sâu xa, sự đạp đổ văn hóa ngàn đời của dân tộc để làm “con người mới-xã hội mới” đã tàn phá văn hóa và từ đó, văn hóa bị đứt gãy không sao liền lại được. Một người Việt cao sang như chúng ta từng ngưỡng mộ phải đi cùng với thực học, thấm thía triết học văn minh và yêu nước thương người bằng cả tâm hồn thanh sạch của mình.

Ở miền Nam sau 1975, tôi tìm thấy thế hệ hậu sinh từ một số thầy giáo dạy cấp ba bổ túc văn hóa cho tôi. (Chiến tranh khiến tôi chỉ học hết cấp II rồi vào Cứ). Họ là sản phẩm của nền giáo dục khai phóng và nghiêm cẩn. Nhanh chóng, giữa họ và tôi không có khoảng cách giữa “bên thắng cuộc” và người từng phải đi trừ bị Thủ Đức rồi buông súng giải giáp. Họ trao cho tôi tầm mức văn hóa và tôi đón nhận họ với sự cầu thị văn hóa. Sách để đọc, những câu chuyện trải nghiệm để buồn cùng nhau và rồi có “người đi, ừ nhỉ người đi thật”, nhưng cũng có người làm Hiệu trưởng trường phổ thông bằng sự tận tâm không chê vào đâu được.

Ở trường cấp I thời con gái tôi học (cuối thập niên 80s), có một thầy giám thị đứng tuổi, nho nhã, áo luôn trắng, giày luôn chuẩn, dáng đứng bao quát thẳng thớm không ai có thể thay thế ông. Một hôm, khi ấy con gái tôi đang lớp 5, vừa về đến nhà nó òa khóc nức nở (thời đó trẻ con tự đi, gia đình không phải đưa đón): -“Mẹ ơi, mấy bữa nữa thầy giám thị đi theo gia đình sang Pháp luôn rồi mẹ”. Những năm cấp II nó khóc mấy lần nữa, khi thì cô giáo Văn của con vừa vượt biên đó mẹ, khi thì cô dạy Toán đi HO theo chồng sang Mỹ đó mẹ. Phải thừa nhận, một tổn thất ghê gớm cho miền Nam chỉ nói riêng ngành giáo dục.

Kinh tế mở, đời sống bật. Thấy có người giàu chứ không có người sang. Bạn sẽ hỏi, định nghĩa người sang cho tôi nghe đi? Vâng, giàu dễ hơn sang. Muốn sang phải nhiều đời sạch. Học vấn sạch, đồng tiền sạch, nếp sống sạch, từ đó cốt cách sạch tâm hồn sạch, và rồi sẽ có hành vi sạch. Cha truyền và con nối, đứa con được hít thở, học hành, đọc sách và nghĩ ngợi trong môi trường sạch ấy. Nhiều gia đình sạch, sẽ có một thế hệ cao sang, lành mạnh và rồi, những hạt nhân ấy sẽ lan tỏa như ánh sáng như nước nguồn, xã hội sẽ được nhấc lên.

Nhìn vào hệ thống giáo dục bị cho là nát bét hiện nay, chúng ta hy vọng gì. Nhìn vào phụ hynh ưa kèn cựa hạng điểm, ưa chạy trường, ưa khoe con, cũng không dám nghĩ nhà trường sẽ hoàn toàn tự quyết. Và rồi, như một kiểu đồng dao, kỳ nhông ông kỳ đà, kỳ đà cha cắc ké, cắc ké mẹ kỳ nhông, mớ bòng bong ấy: Bộ và Sở - Nhà trường và Phụ huynh - Thầy cô và Học sinh, nếu có giũ ra làm lại hết thì cũng ý thức ấy, tầm văn hóa ấy, những con người ấy, liệu có tốt lên chăng? Riêng chuyện khai giảng sao cho dung dị mà thiết thực còn chưa làm được. Riêng chuyện sách giáo khoa sao cho đơn giản và tiết kiệm mà cũng chưa làm được. Riêng chuyện không để trẻ phải sợ sự bẩn thỉu của khu vệ sinh trong trường, chúng ta còn chưa làm được.

Vậy đó, bày vẽ, phô phang, tốn kém, trục lợi thì sẽ có “nền giáo dục hư học” (lời giáo sư Hoàng Tụy) thì làm sao có được người sang mà dùng?

No comments:

Blog Archive