Cà phê Chuyện Tình
Rất nhiều người trong số chúng ta không có được quyền năng thế tục để có thể đương đầu trực diện với Cộng Sản. Đó là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sức mạnh về tinh thần vĩ đại. Có người vẫn đang đi trên con đường đó, có người đã rời khỏi con đường đó. Nhưng dẫu thế nào, bất kỳ ai từng bước chân trên con đường đó là những người hết sức dũng cảm, bởi trong tâm khảm họ đã nhìn ra được đe dọa lớn nhất đối với thời cuộc. Và tâm hồn của họ dám trực diện gọi tên nó, thách thức nó, và nỗ lực hủy diệt nó.
Chúng ta luôn muốn nghĩ rằng mình là người tốt, trừ khi là sociopath hay psychopath, nhưng đa phần ta luôn có cái suy nghĩ đó trong lòng. Tuy rằng ta vẫn biết rằng ta không hoàn hảo, nhưng sự tốt đẹp trong lòng, nếu không có điều gì thử thách nó, vĩnh viễn nó chỉ là những suy tưởng viển vông không được khảo nghiệm. Anh không thể biết được bản thân anh tốt như thế nào, nếu không đặt trong tình huống anh có thể làm điều xấu.
Jean Piaget là một kỳ tài tâm lý học người Thụy Sĩ, 10 tuổi ông đã viết sách, trí thông minh của ông thuộc hang ngoại hạng. Ông cho rằng muốn biết một người khác như thế nào, thì chỉ cần nhìn vào hành động của họ. Và điều này hết sức chính xác, bởi vì nhiều khi ta có thể cho rằng mình là người ngay thẳng, nhưng đối diện với cám dỗ, người ta có thể giữ mình ngay thẳng được hay không là một chuyện khác.
Rất nhiều người ở Việt Nam thích cách giải thích này: “Cộng Sản ý tưởng là đúng, chỉ có người thực hiện nó làm sai!” Tuyệt đối không có thứ đó. Jean Piaget sẽ phản bác lại rằng không một thứ chủ thuyết nào mà tất cả những người làm theo nó đều sai lầm như vậy. Làm theo đấng Yhwh là khó, khó tới phải giết đứa con trai của mình như tổ phụ Abraham là có, khó tới như Đức Phật khổ hạnh tu luyện là có, khó như lời chúa Jesus từ bi với người đời là có…, nhưng tất cả cái khó đó thực ra không hề hoang đường, bởi có rất nhiều người trong lịch sử đã làm được. Chỉ có Xã Hội Cộng Sản là thứ mà không một ai thành công!
“You are what you do, not what you say you’ll do.” - Carl G Jung
Carl Jung, một kỳ tài tâm lý học khác, lúc chữa bệnh cho các bệnh nhân tâm thần, phân tích giấc mơ của họ. Ông phát hiện ra rằng có một điều hết sức kỳ quái là trước lúc Hitler xuất hiện, rất nhiều bệnh nhân đều có cùng những biểu tượng tương đồng trong giấc mơ. Tương đồng tới mức kỳ quái là các biểu tượng này đều liên hệ tới tình huống hủy diệt. Ông phát hiện ra có một lực lượng ma quỷ đang bước ra khỏi nội tâm của người dân Đức trước Đệ Nhị Thế Chiến. Điều kỳ khôi là thế này, Hitler không phải là một cá nhân hỗn loạn. Không phải như thế, ông là một người hết sức kỷ luật. Ông tắm tới 4 lần trong một ngày. Và công việc hàng ngày được sắp xếp hết sức trình tự. Hitler đặc biệt ghét sự dơ bẩn. Tất cả những điều này được thư ký của ông ghi chép lại trong sách Hitler’s table talk. Nếu như không phải sinh ra vào thời điểm đó, Hitler cũng có thể có một sự nghiệp nhà binh thành công.
Khi nội tâm người Đức để cho sự thù hằn lên người Do Thái xuất hiện, họ cần một người lãnh đạo, một người thiết lập trật tự. Hitler chính là một tài năng như thế, ông có thể làm cho người Đức tin tưởng rằng suy nghĩ thù hằn của họ đối với người Do Thái là chính đáng. Ông áp dụng chủ nghĩa xã hội, lôi kéo đám thanh niên, và tất nhiên, những gì ông làm ở Đức dưới thời Quốc Xã đều được Stalin, Mao, và Hồ bắt chước triệt để.
Người Đức dưới thời Hitler hoàn toàn có thể tạo ra sự hủy diệt, và họ có tốt hay không? Không! Dân Đức lúc đó dùng sức mạnh của mình để tạo ra sự hỗn loạn, và Chief Executive của sự hủy diệt đó, chính là Hitler. Tương đồng với Mao ở Tàu và Hồ ở Việt Nam, tại sao đám thanh niên trong các cuộc vận động chính trị hay cải cách ruộng đất lại ác tới như vậy? Là bởi vì bạn không thể biết được một người tốt hay xấu như thế nào, một khi chưa thấy họ quyết định như thế nào vào lúc họ có quyền năng làm điều ác.
"Nearly all men can stand adversity, but if you want to test a man's character, give him power." – Abraham Lincoln
(Gần như tất cả đều chịu được khó khăn, nhưng muốn khảo nghiệm tâm tính của một người đàn ông, thì cho gã quyền lực.)
Thực vậy, Abraham Lincoln đã đúng. Chủ thuyết Cộng Sản là thứ biện minh cho người ta buông thả ma quỷ của nội tâm, biện minh cho chúng. Để khi chúng có quyền lực và tạo ra sự hỗn loạn, người ta vẫn không thể nào hiểu được cốt lõi vấn đề là ở đâu.
Là niềm tin vào một thế giới đại đồng, không còn đau khổ. Một Utopia mà trong đó người ta có thể không cần có Đức Tin vẫn có thể có đời sống hạnh phúc.
Dostoievsky, cây đại thụ của văn học Nga thế kỷ 19, đã có câu trả lời từ trước khi người Cộng Sản hủy hoại đất nước của ông. Qua Hồi Ức Dưới Hầm, ông khẳng định rằng con người không bao giờ xứng đáng với xã hội Utopia, hay nói chính xác, là xã hội Utopia không xứng đáng với con người.
Tại sao một xã hội không tưởng lại không xứng đáng với con người? Bởi vì điều quý giá nhất của một sinh mệnh chính là sự phát triển của sinh mệnh, sự thành tựu của sinh mệnh chỉ có thể đạt được khi đối diện với khó khăn, với các khảo nghiệm trong đời sống. Giá trị của một con người chính là đối diện với áp lực khó khăn, họ làm được điều gì. Nên Utopia là lời nói dối vĩ đại, bởi vì không thể nào tước đoạt đi vấn đề khỏi đời sống con người. Nếu bạn lấy dao rạch cái kén, đôi cánh bướm không thể nào bung ra trọn vẹn; một đôi cánh không trọn vẹn, làm sao có thể bay?
Dostoievsky đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đó. Nhưng tại sao dân Nga vẫn rơi vào cạm bẫy của người Cộng Sản? Solzhenitsyn, một khôi nguyên Nobel khác, người nhận huân chương dũng cảm vì chiến đấu chống lại quân Đức trong mặt trận phía Đông, bị Đảng bỏ tù vì Article 59 với ly' do âm mưu chống Đảng. Khi ông nằm trên lớp rơm rạ mục nát của nhà tù trong các trại tập trung, ông nhận ra một điều: có lẽ chúng ta không yêu tự do như chúng ta nghĩ. Và bởi vì chúng ta không yêu quý nó, nên ta đã không có trách nhiệm với tình yêu đó. Ông không bi quan nữa, ông trong trại tập trung, nhưng ông quyết định lãnh trách nhiệm với tình yêu của ông – Tự Do. Ông lén dùng bút chì, viết Quần Đảo Ngục Tù. Tác phẩm này được lén gửi ra ngoài, khi xuất bản đã làm rung chuyển hệ tư tưởng thiên tả ở Âu Châu. Các trí thức thiên tả của Âu Châu nhận ra sự ngây thơ của thời cuộc, hiểu rằng Chủ Nghĩa Xã Hội chắc chắn không thể tồn tại.
Dostoievsky trong Đại Pháp Quan Tôn Giáo đã nhắc tới chuyện này. Vị Đại Pháp Quan Tôn Giáo của nhà thờ Catholics mắng chúa Jesus đã hết sức sai lầm về con người. Chúa Jesus cho rằng con người không thể sống chỉ vì bánh mì, viên Đại Pháp Quan Tôn Giáo nói rằng chúa đã sai rồi! Người ta sẵn sàng đem Tự Do đặt dưới chân độc tài để đổi lấy bánh mì. Và Satan thực ra hiểu về con người hơn là Chúa Jesus. Vì thế nên cần phải xây dựng một đế chế độc tài toàn trị trên đất theo ý Satan, chúa Jesus sai lầm hơn nữa vì đã không nhận lời xây dựng đế chế cho Satan. Vì sai lầm của chúa Jesus, Đại Pháp Quan Tôn Giáo tuyên bố sẽ cho chúa Jesus lên giàn hỏa hôm sau. Bởi vì ông tin rằng, chúa Jesus dù yêu thương con người, nhưng ông không tốt cho con người. Và vì vậy, viên Đại Pháp Quan Tôn Giáo không ngại giết chúa Jesus lần nữa. Chúa Jesus im lặng từ đầu đến cuối, rồi hôn viên Đại Pháp Quan, viên Đại Pháp Quan gần như đông cứng, không còn muốn giết chúa nữa. Không biết thế nào, ông lại mở cửa ngục cho chúa Jesus đi.
Ly cà phê sáng này đã dài, và cũng cần phải quay lại làm việc. Nhưng bạn hãy tự hỏi mình một điều thế này: bạn có trách nhiệm với tình yêu của mình chưa? Cậu bé Harry Potter trong tác phẩm của JK Rowling thực ra là một hình ảnh rất đẹp.
Khi mọi người đều sợ hãi chúa tể Voldermort, họ tránh nhắc tới tên Voldermort bằng lối nói kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy. Harry Potter thì không, cậu không sợ, cậu vẫn gọi tên là Voldermort. Điều đó không làm cho Voldermort bớt đáng sợ, nhưng nó làm cậu dũng cảm hơn – sự dũng cảm của Sư Tử Griffindor. Trong Harry Potter có tình yêu đôi lứa, có tình cảm đối với bạn bè, người thân, cậu bé mồ côi liên tục đi qua khó khăn và trưởng thành cùng với những người bạn xung quanh mình.
Cậu không biết rằng sự quan tâm của những người bạn đó là an bài của giáo sư Dumbledore, rằng trong cuộc chiến cuối cùng với Voldermort, cũng phải giết chết Harry Potter, bởi trong cậu lưu giữ một phần của chúa tể hắc ám. Khi nhận ra tình huống đó, cậu hiểu rằng cho dẫu cậu có tình cảm với người thân và bạn bè của mình, kết cục của cậu vẫn hết sức thê thảm. Vậy thì quan tâm làm gì nữa?
Why bother?
Đạo Gia có giảng một tình huống: tướng tùy tâm sinh. Tướng tùy tâm sinh là bởi vì hình tướng của người là kết quả của nội tâm, nhưng bản lĩnh thực ra cũng là kết quả của nội tâm. Đương nhiên ta sẽ gặp rất nhiều thử thách trong đời, có những sự mất mát để lại nỗi đau tưởng chừng vô biên trong lòng, nhưng cuối cùng là ta vẫn phải cao lớn hơn hết thảy các sự tình đó, cao lớn hơn hết thảy các mất mát đó. Chỉ có như thế ta mới nhìn thấy sinh mệnh của mình trưởng thành, thay vì trốn tránh tìm những thú vui khác.
Nên cậu bé chiến đấu tới cùng. Và cậu bé nhìn vào Voldermort: Ta thấy tội nghiệp ngươi! Ngươi không có bạn bè, không có tình yêu…
Chiến thắng Voldermort, hay là chiến thắng ma quỷ nội tâm. Harry Potter không nằm ngoài một hệ thống tư tưởng kinh điển của Âu Châu: dũng sĩ diệt rồng. Khi một người đàn ông chấp nhận đương đầu với khó khăn, tiêu diệt mối nguy hại vĩ đại của thời cuộc, trên con đường đó sẽ có được sự trưởng thành, sức mạnh, tài phú và tình yêu.
Mấy ai trong chúng ta có được dũng khí đó, khi chúng ta dám nhìn vào nội tâm đang bị Cộng Sản lừa dối rằng: Cộng Sản! Ta thấy tội nghiệp ngươi! Ngươi giết đi người thân của mình trong cải cách ruộng đất. Ngươi hủy hoại dân tộc qua chinh chiến liên miên! Ngươi cướp bóc người dân tới đồng xu cuối cùng ngay cả khi họ không ngừng tin tưởng ngươi! Ngươi hủy diệt sinh kế của bao người chỉ để thỏa mãn những ham muốn hết sức trần trụi….
Có rất nhiều chứ! Họ là những anh hùng quốc nội. Có lẽ bạn đã biết ít nhiều. Bài viết này, không ngoài nỗ lực để bạn nhìn vào nội tâm của mình, và tự vấn rằng tại sao mình vẫn còn tin Cộng Sản.
Có lẽ hiện giờ bạn vẫn chưa có dũng khí trực diện đối đầu với nó, nhưng điều tuyệt vời nhất mà bạn có thể làm khi nhận ra vấn đề, chính là minh định trong tâm thái độ với nó. Bởi chỉ điều đó thôi, đã khiến bạn có thể làm gì đó cho tình yêu Tự Do của mình. Solzhenitsyn trong âm thầm ghi lại tội ác Cộng Sản ở trại tập trung là ví dụ như thế, Quần Đảo Ngục Tù sau làm rung chuyển Âu Châu, giới trí thức thiên tả nhận ra rằng có điều gì đó hết sức sai lầm đằng sau những lý lẽ tưởng chừng như thuyết phục của Chủ Nghĩa Cộng Sản.
Solzhenitsyn nhận Nobel Văn Chương năm 1974, Âu Châu nhận ra sự đóng góp cho nhân loại của ông. Bạn sẽ không bao giờ biết được hành động vì tình yêu Tự Do có thể tác động tới thế giới này lớn thế nào. Thế nên hãy hành động dẫu cho đang ở trong xứ Cộng Sản.
Nếu bạn là người cha hay người mẹ, trong âm thầm giáo dưỡng con trẻ về tình huống của Cộng Sản, bạn không biết được rất có thể trong số chúng là chiến binh của Tự Do sau này.
Nếu bạn là người cao niên, hãy kể lại tội ác Cộng Sản mà bạn từng chứng kiến cho thế hệ sau.
Nếu bạn là người trẻ, trau dồi kiến thức mỗi ngày, và nếu có thể, âm thầm duy hộ cho anh hùng quốc nội – những người đang ở tuyến đầu chiến đấu.
FB Andrew Nguyen
No comments:
Post a Comment