Nói đến ngày Quốc-Hận 30-4-1975 phải nói đến nhà tù Phan Đăng Lưu. Đây là nhà tù tuy không lớn nhưng nổi tiếng là khắt nghiệt nhất được Việt Cộng thành lập sau khi cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam. Nhà tù nầy nằm đối diện với chợ Bà Chiểu và sát với tòa tỉnh trưởng Gia Định, Sài Gòn xưa. Địa chỉ nhà tù nay là số 4 đường Phan Đăng Lưu, Sài Gòn.
Sau năm 1975, Việt Cộng dùng nhà tù nầy để nhốt các lãnh tụ tôn giáo miền Nam, các nhà tư bản, các chủ xí nghiệp, các phong trào phục quốc, cứu quốc, những văn nghệ sĩ miền Nam và kể cả các tổ chức vượt biên trốn ra nước ngoài. Tất cả những cá nhân, những tổ chức trên đều được chúng ghép vào tội phản động, tàn dư của Mỹ Ngụy và âm mưu lật đổ chính quyền cộng sản Việt Nam.
Trại có 2 khu là khu biệt giam và khu tập thể.Khu biệt giam với nhiều phòng nhỏ nằm sát nhau, mỗi phòng biệt giam rộng 1m và dài 2m.Mỗi phòng biệt giam có 2 sàn xi măng, sàn trên cao hơn sàn dưới độ 3 tấc. Sàn trên có một cái còng.Như vậy phòng biệt giam có thể nhốt 2 người tù mà bị còng thì chỉ có người nằm trên thôi. Trong phòng biệt giam có một cầu tiêu và một vòi nước khi mở khi không, trước phòng là một cửa sắt, trên cửa có một lỗ thông gió khoảng một tấc vuông dùng để đưa đồ ăn cho tù. Cải lỗ gió nầy được đóng hay mở cũng tùy thuộc cán bộ trực trại.
Lỗ gió nầy khi được mở và khi hành lang không có ai qua lại là niềm hạnh phúc của người tù. Nhờ lỗ gió mà người tù ở các phòng liền nhau có thể liên lạc với nhau dù không thấy mặt nhau. Họ có thể gọi nhau ra nói chuyện, cho nhau miếng bánh, cái kẹo, nhất là điếu thuốc rê đốt sẳn. Qua lỗ gió thấy an toàn, họ gọi nhau bằng cách gõ vào vách tường báo hiệu, xong thò tay qua lỗ gió, hai bàn tay sẽ gặp nhau…
Tôi bị bắt vào Phan Đăng Lưu năm 1983 về tội “ tổ chức vượt biên”.Tôi bị đưa vào phòng biệt giam. Tôi là tài công nhưng Việt Cộng tưởng tôi là tổ chức nên chúng đưa vào biệt giam và còng hai chân chân để tra khảo tôi phải khai tổ chức là ai và tiền, vàng, bạc để đâu. Lúc đầu ở biệt giam một mình, một tháng sau thì có thêm một người nữa. Người nầy là một cán bộ ngoài Bắc, không biết bị tội gì mà đưa vào ở chung với tôi.Một tháng sau, người cán bộ nầy ra thì một người tù khác vào, anh tên Cường có dính dáng đến “ Vụ Án Nhà Lam”.
Cường người Huế, trước 1975 là một thợ chụp hình, khi T 54 của Việt Cộng tiến từ xa lộ Biên Hòa vào thành phố Sài Gòn, Cường đã ra đón và được cho lên xe tăng để chỉ đường cho đoàn xe vào Dinh Độc Lập. Chính anh đã chụp những bức ảnh T 54 ủi sập cổng chính của dinh và nhiều bức ảnh khác của những ngày Ba Mươi Tháng Tư. Cường không phải là ca sỉ nhưng có giọng hát hay mà lại bạo phổi, tối nào anh cũng đưa miệng qua lỗ gió hát lớn cho các tù biệt giam nghe. Cường cũng biết ngâm thơ nhất là bài “Hồ Trường”thì những ai ở biệt giam Phan Đăng Lưu vào những ngày ấy đều không quên giọng ngâm của anh vì tối nào nếu có dịp là anh ngâm, nhất là lúc trời mưa gió bên ngoài. Không may, một hôm anh đang ngâm “Hồ Trường” thì bị cán bộ trực trại phát hiện và anh bị kỷ luật và đưa đi nơi khác.
Sau đó một người tù khác lại vào ở chung với tôi.Người thứ ba nầy là một cựu sĩ quan VNCH, ở chung với nhau một thời gian ngắn, chúng tôi hiểu nhau và chia sẽ mọi thứ cho nhau dù phòng kín chỉ vừa nửa chiếc chiếu, mồ hôi nhể nhải suốt ngày lại thêm muỗi mòng, gián chuột và mùi hôi thối từ lỗ cầu tiêu mục nát bốc lên.Có lúc đang ngủ giật mình thấy gián bò trên bụng hay chuột gậm gót chân.
Bảy tháng sau tôi được đưa qua phòng giam tập thể, phòng nầy dài khoảng 10 mét rộng 5 mét, chứa khoảng gần 80 người tù đủ mọi lứa tuổi và đủ mọi thành phần tù tội.Thấy tôi mới đến, tên trưởng phòng giam là một đại úy công an Việt Cộng bị bắt vì tội “Tổ chức vượt biên” chỉ định tôi nằm gần sát cầu tiêu bên cạnh là một người tù lớn tuổi. Tên nầy đúng là một cai tù. Nó cùng đám tay chân nằm gần cửa ra vào để dể dàng tiếp cận cán bộ trại và hít thở không khí bên ngoài, còn lại tất cả nằm sắp lớp như cá mòi trong hộp. Tất cả đều răm rắp theo lệnh cai tù, cai tù lại theo lệnh của cán bộ trại. Phần đông trước khi vào khu tập thể, người tù nào cũng phải trãi qua biệt giam nên ai cũng gầy yếu, xanh xao, và còn bị cai tù bắt nạt, dọa dẫm đủ điều. Nằm cạnh nhau cả ngày mà tôi chưa dám nói chuyện với bác bên cạnh vì sợ cai tù nghe vu cáo chuyện tù cũ tù mới nhỏ to nói xấu bác, đảng và cách mạng. Đợi lúc cai tù ra ngoài làm việc, bác nằm cạnh tôi nói nhỏ:
- Kệ nó.Tránh voi chẳng xấu mặt nào.
Tôi tự giới thiệu tên rồi hỏi bác:
- Bác tên gì?
- Tôi tên Nguyễn Hoạt
Tôi hỏi lại:
- Có phải Nguyễn Hoạt là Hiếu Chân tiên sinh ?
Bác gật đầu. Tôi hỏi tiếp:
- Bác bị bắt vì tội gì?
- Biệt kích văn hóa.
- Trước bác làm gi?
- Giám đốc Văn Bút Việt Nam
Tôi nói đã đọc nhiều bài viết của bác trên các báo và rất ngưỡng mộ bác.
Từ đó, chúng tôi quen thân nhau, nằm sát nhau rồi ăn chung với nhau. Cũng nhờ đó tôi đã học hỏi từ bác nhiều thứ và xem bác như người thầy. Bác lớn hơn tôi 10 tuổi, sáng nào bác cũng ngồi thiền, chiều lại bác tập “trồng chuối ngược”, tức tập chúc đầu xuống đất, hai chân đưa thẳng đứng lên trời. Bác nói đây là cách tập luyện“Tinh, Khí, Thần”, hằng ngày mình ngồi, đứng nhiều, làm đảo ngược lại sẽ giúp máu xuống tim và lên đầu mạnh hơn.
Tôi lại hỏi bác:
- Bác nghĩ thế nào về văn học miền Nam trước năm 1975.
Bác trả lời:
- Nhiều bước tiến rõ rệt. Bác dẫn chứng, miền Nam Việt Nam trước năm 1954 chưa có gì. Thế mà sau 20 năm, miền Nam có tất cả, dù chưa lớn lắm, nhưng đã hơn nhiều nước ở Đông Nam Á. Bác nói tiếp, bây giờ lại trở về con số không.
Tôi lại hỏi:
- Trong thời kỳ cầm bút, bác thích thú điều gì nhất?
- Tôi thích nhất là lúc gặp nhà văn Kim Dung khi ông trên đường bay từ Singapore về Hồng Kông, ông có ghé qua Tân Sơn Nhất vài tiếng.Vài tiếng nhưng tôi đã nói chuyện nhiều với ông ấy.
Kim Dung là nhà văn nổi tiếng của Hồng Kông, tác giả của những tập truyện kiếm hiệp làm say mê hằng triệu độc giã khắp thế giới. Bác thích nhất câu nói của Kim Dung: “ Chỉ có tự do mới sáng tác hay được”.
Cuối năm 1984 tôi được chuyển lên nhà tù Chí Hòa. Một năm sau tôi lại chuyển lên trại tù Tống Lê Chân thuộc tỉnh Bình Long để phá rừng trồng cây tiêu, cây điều, ba năm sau, cuối năm 1987 mới được thả về. Sau đó tôi được biết bác Nguyễn Hoạt cũng bị đưa lên Chí Hòa và chết tại trại tù nầy, không biết lý do gì.
Nghĩ đến trại tù Phan Đăng Lưu. Gần 40 năm, tôi vẫn còn nhớ đến những bạn tù trong biệt giam cũng như những bạn tù trong phòng giam tập thể.Trong đó có người bạn tù không tên ở bên cạnh phòng biệt giam thường cho tôi điếu thuốc rê đốt sẳn.Tuy nghe giọng nói hằng ngày của nhau nhưng chưa bao giờ thấy mặt nhau, đã làm tim tôi khắc sâu ân tình nầy, tiếp đến là anh Cường, trẻ tuổi, vui tính và nhiệt tình, sau cùng là bác Hoạt tức Hiếu Chân tiên sinh, người đã nằm cạnh và ăn chung suốt nhiều tháng, một nhà văn tha thiết tự do với nhiều mơ ước chưa thành sự thật đã phải từ giã người thân, bạn bè và cây bút của mình trong nhà tù Công sản.
Lúc qua Mỹ, tôi có xuất bản một tập thơ lấy tên “Mẹ và Quê Hương” trong đó có bài thơ ghi lại vài dấu tích với những bạn trong ngục tù Phan Dăng Lưu, một trại tù đã gây biết bao nỗi kinh hoàng cho mọi người vào thời đó. Sau đây là bài thơ “Ngục tù Phan Đăng Lưu”:
Đêm dài không ngủ được
Thời gian đếm bước chân
Nằm chờ nghe tiếng gõ
Đợi nhau qua lỗ gió
Trao nhau điếu thuốc rê
Cho nhau lời thăm hỏi
Những chẳng thấy mặt nhau
Bạn cho ta tiếng hát
Vang lên như tình gọi
Lời ca trong đêm vắng
Thắm tình tù thiết tha
Phòng rộng nửa chiếc chiếu
Thiếu không khí, thiếu mặt trời
Đôi lúc bạn bị còng
Điếu thuốc chẳng chuyền tay
Bài ca đành tắt lịm
Khi cả hai bị còng
Cuộc tình thêm thê thảm
Nằm đợi tiếng gõ vách
Vui quên đời ngục tù
Cám ơn bạn bên kia
Phòng biệt giam T-28
Ngày đêm ta có bạn
Bây giờ bạn ở đâu.
Cali 1-4-2015
Tam Giang Hoàng Đình Báu
No comments:
Post a Comment