Tuesday, April 21, 2015

2 chuyện ngắn cho tháng 4 đen 


CẮT RUỘT THẢ XUỐNG BIỂN ĐÔNG
  
Con thuyền chật cứng lúc bắt đầu ra Bãi Giá. Bây giờ chắc không ai chợt thấy lòng thuyền bỗng rộng hơn. Mọi người đã đói lã, không còn nghĩ gì ngoài cái ăn. Sau 39 ngày lênh đênh trên biển, hơn một nửa đã vắng mặt vì bịnh và vì đói khát. Xác họ đã làm mồi cho cá mập. Cơn đói khát và mất người thân khiến nhiều người phát điên. Chị Út V. ôm cứng con vào lòng bằng tất cả sức lực còn lại của mình. Con bé mới tuổi rưỡi cũng đang thoi thóp. Từ hai hôm nay những người trên thuyền chỉ muốn ăn thịt con bé. Họ nói dầu gì thì con bé không thể sống được. Chị Út V. biết chị không thể nào chống trả hay kêu gọi nhân tính của họ, những người tìm mọi cách để sống còn. 

Nửa đêm chị Út V. lần mò ra trước mủi thuyền, nhẹ nhàng thả con trên lượn sóng biển Đông.

Chị thấy từng đoạn ruột của mình đang rỉ máu trên những ngọn sóng vô tình.

 Houston, để nhớ ngày này hơn 30 năm trước
Trần Bang Thạch
 
CẦU BÀ NỘI
 
Trong mắt bà Tư căn nhà bây giờ bỗng nhiên trống hoác. Nằm trên giường bịnh bà Tư cũng hình dung được  căn buồng bên trái cửa đã đóng kín, cái bàn học kê bên cửa sổ còn xấp bài chưa chấm của con dâu. Chiếc áo lính cũ của con trai còn máng trên vách buồng. Chai sữa nấu bằng gạo rang thằng cháu nội chưa uống hết đang nằm bên cạnh bà đây. Mới hôm qua cả nhà còn đông đủ. Hôm nay chỉ còn một mình bà. Trống vắng. 

Đêm qua trời tối đen như mực, cỗng thằng cháu nội mới hơn 1 tuổi trên lưng, bà Tư lần mò từng bước trên cây cầu khỉ bắc ngang Rạch Bần. Mưa lớn và gió mạnh. Cầu lắc lư hay chân tay bà lão sáu mươi đi đứng không vững? Cha mẹ thằng bé đã đi trước với 2 đứa con và mấy túi đồ ăn, thức uống. Hồi chiều có tin cơ quan xã đã nghe phông thanh chuyến vượt biên này. Mọi người phải chạy đua với xã đội, hối hả xuống "taxi" đang đậu chờ ở ngoài vàm để đi ra "con cá lớn". Khi chiếc ghe nhỏ rời bến, bà Tư trở về. 

Dâu con đã năn nỉ bà cùng đi, bà nói bà phải ở lại để rủi có bề gì thì còn nhà cửa để con cháu trở về. Bà đi thất thểu dưới mưa mà tưởng chừng như mình bay trong gió. Bà thấy thân thể nhẹ tênh mà trái tim thì nặng như chì. Bà Tư đã vừa bứt ruột, nát lòng đưa tiễn những người thân nhứt của bà ra đi. Sống chết thế nào chưa biết. Từ nay một thân già yếu bà Tư cũng không biết mình sẽ ra sao. Bà bước trở lại cây cầu khỉ. Đi mới được nửa cầu, bà muốn đứt hơi, mắt hoa, chân run, bà dựa vào tay vịn để thở. Khi thân cầu gãy, bà Tư mới hoàn hồn, cố gắng hết sức già, bà Tư mới lội được vào bờ, lê lết về  nhà. Cơn sốt bắt đầu ngay sau đó
.
Tin vượt biên thành công của con cháu nhắn gởi từ Songkla bà Tư không nhận được. Bà Tư đã vĩnh viễn ra đi chỉ hai ngày sau cái đêm mưa tầm tả ấy.

Lối xóm nói cơn sốt không thể vật ngã được người đàn bà nhà quê dạn dày sương gió ấy. Chắc chỉ tại nỗi buồn quá lớn khi bà bỗng chốc mất hết những người thân yêu.

Gần ba mươi năm trôi qua, Rạch Bần đã thay bao nhiêu cây cầu khỉ. Xóm giềng vẫn nghèo xác nghèo xơ. Hôm nay cây cầu đúc bắt qua con rạch vừa xong. Không có lễ khánh thành nhưng một số người ở gần đến chờ giờ khai thông cây cầu. Trong làng ai cũng biết cầu này do một kỹ sư cầu đường trẻ nổi danh của Mỹ tự tay thiết kế và xây dựng cả tháng nay. Đứng trước ba má và anh chị, người thanh niên trạc ba mươi tự tay vén tấm vải điều che mặt bia đặt bên này cầu. Người ta đọc mấy chữ trên tấm bia: "BÀ NỘI, con thương Bà".

Từ đó người làng gọi cầu nầy là Cầu Bà Nội. Một cây cầu gãy gần ba mươi năm trước bây giờ đã được bắt lại, đẹp đẽ, vững chắc. Ở một nơi nào đó trên mây, có người đàn bà quê nhìn xuống đàn con cháu, niềm vui bừng sáng một góc trời chiều.
 

No comments:

Blog Archive