Monday, April 20, 2015

Quận Dĩ An thời chinh chiến cũ

 
Nguyễn Khắp Nơi
(Viết theo lời kể của một cô gái Dĩ An)

Nói về địa dư, thì quận Dĩ An thuộc về Vùng III. Từ Sài Gòn đi Biên Hòa, nếu đi đường trong (đường ngoài là đường Xa lộ Saigon - Biên Hòa), chúng ta sẽ tới Thủ Ðức rồi tới Dĩ An và cuối cùng là Biên Hòa.

Mặc dù ở khoảng giữa Saigon - Biên Hòa, nhưng người ta biết đến Thủ Ðức và Biên Hòa nhiều hơn là biết tới Dĩ An, vì hai nơi kể trên có quá nhiều cảnh đẹp, thức ăn và trái cây ngon, như Suối Tiên, nem Thủ Ðức, bưởi Biên Hòa... Dĩ An chỉ là một Quận thuộc về miền quê, không có bất cứ một thứ gì đặc sắc, ngoài cái việc ở kế cận Saigon.

Ðúng vậy, nếu đứng ngay ở quận lỵ Dĩ An, chúng ta sẽ thấy ngôi chợ, bót Cảnh sát, ga xe lửa...

Nhưng qua khỏi ga xe lửa một chút, chừng vài cây số thôi, là chúng ta đã tới miền quê rồi đó, với những cánh đồng lúa và vườn trái cây xanh mướt thấp thoáng những mái tranh đơn sơ. Và trong một vài mái tranh đơn sơ đó, có...Việt Cộng.

Sau Hiệp Ðịnh Genève 1954, phân chia đất nước làm hai miền: Miền Bắc theo Cộng Sản, còn Miền Nam theo tự do, thuộc Pháp. Khi Pháp rút về nước, trao chính quyền lại cho Quốc Trưởng Bảo Ðại. Sau một cuộc trưng cầu dân ý, Bảo Ðại bị truất phế, nhường cho Thủ tướng Ngô Ðình Diệm lên làm Tổng thống. Bọn Việt Cộng ở miền Nam, một số tập kết về miền Bắc, số còn lại rút gân rút cốt thay hình đổi dạng, nằm vùng chờ cơ hội.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành lập Chính phủ Cộng Hòa, lo vãn hồi an ninh trật tự cho Miền Nam tự do, ông cho bắt hết đám Việt Cộng nằm vùng, xây dựng nền kinh tế vững mạnh. Cuộc sống người dân trở lại bình thường, dân Dĩ An nhờ đó, cũng sống rất yên lành.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Dĩ An, chứng kiến những sự việc xẩy ra ở đó qua hai đợt di cư của người miền Bắc vào Nam: Năm 1954 và năm 1975.

Dân di cư miền Bắc, được tập trung sinh sống ở khu Thủ Ðức, Hố Nai, Tam Hiệp... gần Biên Hòa, và đương nhiên là gần Dĩ An.

Thời đó, tôi còn rất nhỏ, mới bắt đầu đi học Tiểu học. Tới trường, hễ nghe đứa nào nói cái giọng khó nghe, thì hiểu liền, đó là dân Bắc Kỳ. Ðang đi ngoài đường, hễ nghe ai đó nói: “Rê Su Ma, nạy Chúa tôi” Là tụi tôi biết liền, đó là dân Bắc Kỳ. Ra chợ, hễ thấy bà nào có hàm răng đen bóng, là bọn chúng tôi biết ngay, đó là dân Bắc Kỳ.

Một vài điều tôi còn nhớ như in vào đầu là, thời đó còn xài tiền giấy xé làm hai. Một đồng xé làm hai thành hai tờ Năm cắc. Những đứa nhỏ Bắc Kỳ cùng học với chúng tôi, tụi nó hiền lành, chỉ nhìn tụi tôi chơi giỡn chứ không bao giờ dám chọc ghẹo tụi tôi cả. Má tôi và những người chòm xóm bán hàng ngoài chợ thì nói những người Bắc Kỳ chịu khó làm việc và rất nhẫn nhịn, cái gì cũng cười. Tôi được má kể lại là, lâu lâu, chính phủ tổ chức chiếu phim thời sự vào buổi tối, ở đầu chợ Dĩ An, để dân chúng đi xem, đông lắm, vui vẻ lắm, thái bình thịnh trị lắm.

Vào thời gian xẩy ra đảo chánh TT Ngô Ðình Diệm và những cuộc đảo chánh kế tiếp, tôi không biết và không nhớ nhiều cho lắm, vì lúc đó tôi chỉ là một đứa nhỏ chín mười tuổi mà thôi. Chỉ có một điều làm tôi nhớ: Mỗi lần chiếu bóng, Việt Cộng thẩy lựu đạn làm đám con nít tụi tôi chết nhiều lắm. Tôi không nhớ năm đó là năm nào, chỉ nhớ rằng, trong lúc đang mải mê xem phim chống bệnh tật: Máu đỏ và máu xanh trong cơ thể chống lại vi trùng xâm nhập vào người, thì nghe một tiếng nổ lớn:
- “Ðùng!”

Nhìn chung quanh, tôi thấy người ta ngã xuống đất, máu chẩy thật nhiều, bọn tôi sợ quá, xúm nhau chạy về nhà. Kể từ đó, ba má tôi cấm đám anh em tụi tôi không được đi xem hát nữa.

Qua một thời gian vài năm không đi coi hát ở chợ nữa, có một bữa, mấy đứa bạn tôi rủ lại đi coi hát ở đầu chợ nữa. Tụi nó nói với tôi:
- Có ông Quận mới về, ổng... sát Cộng lắm, nên tụi nó không dám về thẩy lựu đạn nữa, đi coi hát được rồi.

Nói thì nói vậy, chứ má tôi đâu có dám cho tụi tôi đi coi nữa. Anh em tụi tôi ham coi hát, lén lén đi từ đứa, mỗi đứa coi một khúc rồi về thế cho đứa khác đi coi. May là không có ai thẩy lựu đạn nữa, nên má tôi không biết chuyện này.

Mấy bữa sau, tụi tôi có chuyện đi ra Quận đường. Ðang đi, tôi chợt thấy có một chiếc Xe “Díp” chạy trờ tới. Có một ông mặc đồ rằn ri nhà binh ngồi trên xe bước xuống, chống cây gậy đi chậm chậm. Dưới cặp mắt con nít của tôi, thì ông rất là oai phong. Tôi đâu có biết ông đó là ai, cứ mở bự con mắt ra mà dòm ông. Những người lớn tuổi đi kế bên tôi lao xao nói chuyện với nhau. Một bác đi kế bên tôi nói lớn ra vẻ thích thú:
- Ðó, ông Quận Dĩ An mới về đó!
- Ông Quận đó... sát Cộng lắm đó! Ổng cho lính đi phá hầm Việt Cộng hoài à, kỳ nào cũng giết được mấy đứa, làm tụi nó sợ lắm, trốn hết trơn rồi.
- Ổng là lính Thủy Quân Lục Chiến đó, đánh trận ngầu lắm đó!
- Ổng tên gì vậy?
- Ai biết ổng tên gì! Nghe người ta kêu ổng là Ông Quận Thủy Quân Lục Chiến, vậy thôi, chứ ai mà biết ổng tên gì!

Mấy ngày sau, nhân dịp tết Trung Thu, bọn con nít tụi tôi được đi theo thầy giáo tới Quận đường để lãnh lồng đèn và bánh trung thu. Ðây là lần đầu tiên trong đời, tôi được tới Quận đường và được lãnh quà Trung Thu. Tôi không còn nhớ đã được lãnh lồng đèn kiểu gì? Nhưng còn nhớ rất rõ là được phát một cái bánh dẻo nhỏ bằng ngón tay, ăn có mùi lá dứa.

Nhà tôi ở ngay chợ Dĩ An, mỗi ngày ngoài giờ học và những giờ chạy chơi với bạn bè, tôi đều phụ má bán hàng, nên được nghe nói rất nhiều về Ông Quận Dĩ An Thủy Quân Lục Chiến. Có người kể:
- Tối qua, ông Quận cho lính đi phá hầm, giết nhiều du kích lắm, thằng con của Năm Rê (không phải tên thật) hổng dám dzìa kêu đi đắp mô nữa.

Cũng có người nói:
- Tối bữa trước, thằng Năm con ông Chín Lùa kéo đám trong bưng về chặn đường ông Tám Hó (không phải là tên thật) Hội Ðồng Xã đặng giết. May phước, ông Tám có thằng Nghĩa Quân xách súng đi theo, bắn trả lại rồi chạy thục mạng ra tới Xã ở luôn đó, mấy bữa rồi cũng không dám về nhà.

Một ông già bán sạp đã thật là vui vẻ nói lớn:
- Hổm rày Quận mình yên lắm rồi! Tụi tui và bà con chòm xóm hết bị mấy cái đám ác ôn tối trời về bắt đi đắp mô rồi. Nhớ lại hồi đó, tối bị lùa đi đắp mô, sáng lại phải đi phá mô, hổng còn sức đâu mà làm ăn!

Như tôi đã nói ở trên, từ ga xe lửa Dĩ An đi theo đường cái vô sâu chừng vài cây số, tới vùng Nhị Tỳ, Nhà Ðèn Dĩ An là tới khu ruộng lúa và những đám rừng âm u (chưa tới Ngã Ba Cây Lơn).

Những người đi theo Việt Cộng ban ngày vẫn làm ruộng trồng rau, ban đêm nhập với đám Việt Cộng trong rừng ra, tới từng nhà đòi đóng thuế, hoặc giết những người trong Hội Ðồng Xã. Nhà hàng xóm gần nhau, ai theo Việt Cộng, ai theo Quốc Gia, dân chúng có khi biết nhau hết, nhưng không dám nói ra.

Có một bữa, dân chúng kéo nhau đi coi xác Việt Cộng chết, được ông Quận kéo về để dọc đường rầy xe lửa. Tôi tò mò lén đi coi. Tới nơi, tôi thấy có chừng sáu bẩy cái xác Việt Cộng, đứa thì mặc quần xà lỏn, đứa thì mặc đồ bà ba đen, quấn khăn rằn bị bắn chết, máu chẩy đầy mình. Lính Nghĩa Quân cầm súng đứng gác kế bên. Người ta đi coi đông lắm, tới tận nơi mà dòm. Tôi thấy xác chết thì sợ quá, không dám tới gần, chỉ đứng lớ xớ phía xa.

Có người léo xéo nói với nhau: “Xác đó là thằng... Tám (không phải là tên thật), con của Sáu Lô đó.”

Có người làm gan, tới hỏi anh Nghĩa Quân đứng gác: “Việt Cộng bị bắn chết rồi, sao không đem đi chôn, mà lại đem trưng ra đây? Coi dễ sợ quá, hôi hám quá đi.”

Anh Nghĩa Quân trả lời: “Tụi tôi mới đi phá hầm bí mật của Việt Cộng tối qua đó, ông Quận cho kéo về, chờ làm giấy tờ xong mới đem chôn, cũng để đó đặng cho bà con biết, đừng có đi theo Việt Cộng mà có ngày bị chết thảm như cái đám này đó!”

Tôi lớn lên theo tình hình an ninh của Quận Dĩ An. Ông Quận Dĩ An vẫn còn làm việc ở Quận, tôi không có dịp gặp ông nữa, nhưng nghe dân chúng nói rất nhiều về những điều ông làm. Ông chịu lo lắng cho vấn đề an ninh của dân chúng, chịu hành quân, chịu đi phá hầm, truy lùng Việt Cộng lắm. Vì thế, dân chúng mới đặt cho ông cái tên: Ông Quận Sát Cộng.

Bây giờ thì tôi đã lớn đủ để hiểu Việt Cộng là ai? Và Sát Cộng là gì rồi. Tôi chỉ là một đứa con gái, nhưng tôi cảm thấy phục ông, và lâu lâu vẫn suy nghĩ ông đi đứng chống gậy rất khó khăn, vậy làm sao mà ông có thể đi hành quân phá hầm Việt Cộng hoài hoài như vậy được?

Có một bữa bán hàng, tôi thấy một đám người lạ mặt mặc quần áo đen, đội nón rộng vành, mang ba lô tới ăn ở quán của nhà tôi. Tôi thấy họ mặc đồ bà ba đen và quấn khăn rằn thì sợ lắm, nhất là nhìn thấy cái nón của họ, hơi giống cái nón tai bèo của đám du kích. Nhưng khi thấy họ mang ba lô thì tôi đỡ sợ, vì tuy không đi lính, nhưng tôi cũng biết chỉ có lính Cộng Hòa mới mang ba lô mà thôi. Khi một chú ăn xong, kêu tính tiền, tôi làm gan, hỏi chú là lính gì mà lại mặc đồ đen. Chú này còn trẻ lắm, nhe răng cười trả lời tôi:
- Tụi tui là lính Xây Dựng Nông Thôn mới từ Vũng Tàu về đây (xin gọi tắt là XDNT).

Nghe anh trả lời thì tôi biết vậy thôi, và tôi cũng chỉ gặp họ một lần đó thôi nên cũng quên đi, còn lo bán hàng, lo đi học. Chừng vài tháng sau, tôi nghe dân chợ nói chuyện với nhau:
- Lính XDNT được lắm, họ hổng giống lính Cộng Hòa, họ ở luôn trong Ấp của mình đó, mấy ảnh giúp mình đủ chuyện hết, có bữa còn phụ bà Tám Cái (không phải là tên thật) cấy lúa đó. Ban ngày, đám XDNT này đi vòng vòng giúp bà con, ban đêm họ xách súng đi tìm Việt Cộng mà đánh đó. Tội nghiệp quá, họ làm việc sáng đêm. Tối qua đám này ghé nhà tôi, tía thằng Tâm nói tôi nấu cháo cho mấy chú đó ăn cho no đặng làm việc đó!

Từ đó tôi mới biết lý do tại sao họ không có mặt ở chợ nữa, vì họ ở luôn ở trong làng, trong xã chung với dân. Theo suy nghĩ nông cạn của tôi, tôi cho rằng Việt Cộng nằm vùng sống cùng với dân, muốn diệt trừ bọn này, chỉ có cách là cũng sống cùng với dân như những người lính XDNT này thì mới tìm ra chúng mà đánh thôi. Từ đó, tôi lại có thêm cảm tình với lính XDNT và thêm cảm tình với ông Quận Dĩ An.

Tới tuổi thi tú tài, tôi lo học nhưng cũng thích thơ TTK, Hữu Loan, Hồ Zếnh, và cũng thích đọc The Exodus, Chiến Tranh và Hòa Bình... Một bữa, tôi đang đọc cuốn Trại Ðầm Ðùn thì một ông khách lạ mặc quần áo Cảnh Sát bước vào quán kêu đồ ăn, ông trạc tuổi 45 gì đó. Khi tới quầy trả tiền, liếc mắt thấy tên cuốn sách, ông nhìn tôi ngạc nhiên hỏi, “Con gái mà đọc mấy loại sách này làm chi!”

Tôi trả lời ông: “Cháu đọc cho biết Việt Cộng là như thế nào?”

Lâu lâu ông lại ghé quán của má tôi mà ăn trưa, ăn tối. Tới khi quen rồi, tôi mới biết ông là Cuộc trưởng Cuộc Cảnh Sát Dĩ An. Có bữa, tôi cắc cớ hỏi ông:
- Chú Ba, có khi nào chú bắt được Việt Cộng, rồi cũng tra tấn người ta giống như bọn VC tra tấn dân, giống như trong...Trại Ðầm Ðùn, hay không?

Ông đã cười lớn một lúc rồi mới trả lời tôi:
- Bạo tàn không phải là nghề của Cảnh Sát Quốc Gia! Mình làm gì cũng phải có tình người ở trong đó. Hơn nữa, hỏi cung đám VC là do Cảnh Sát Ðặc Biệt hoặc là An Ninh Quân Ðội phụ trách, chứ không phải là nhiệm vụ của chú.

Từ đó, tôi có cảm tình nhiều hơn đối với ông. Ông kêu tôi là Con Gái và xưng Chú với tôi. Nhà ông ở Saigon, ông đi làm bằng xe Vespa (hay Lambretta gì đó, tôi không nhớ rõ), chứ không lái xe Jeep Cảnh Sát. Người ta kêu ông là Chú Ba, thì tôi cũng theo đó mà kêu, chứ không hỏi và cũng không dám hỏi tên thật của ông.

Tháng Tư 1975, ngày đen tối của VNCH đã đến! Mấy ngày trước đó, thấy tình hình nguy ngập, má tôi lo cho tính mạng của anh Hai tôi đang đóng quân ở Bạc Liêu và anh rể tôi làm Cảnh sát ở Xa Cảng, nhưng đâu có làm gì được hơn. Má chỉ còn cách bảo tôi đi mua gạo trữ phòng khi có biến. Gần cuối tháng, tôi nghe súng nổ thật gần, nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn.

Sáng 30, tôi nghe trên đài phát thanh, Tổng Thống Dương văn Minh đầu hàng Việt Cộng và kêu gọi Binh sĩ các cấp gác súng súng chờ bàn giao.

Má tôi lo cho số mạng của người con trai và con rể. Còn tôi, tôi lo cho số mạng của những bạn bè tôi đã đi lính. Dĩ An ở gần phi trường Biên Hòa, gần cả căn cứ Sóng Thần, nên có rất nhiều thanh niên gia nhập Không Quân và Thủy Quân Lục Chiến, bạn bè tôi ở trong đám này đông lắm. Rồi còn những người lính XDNT nữa, họ còn đang ở chung với bà con trong Xã, Ấp, còn chú Ba cảnh sát, còn ông Quận TQLC Sát Cộng nữa, họ sẽ ra sao?

Mẹ tôi lính quýnh đi tới đi lui trong nhà. Tôi cũng lo sợ, lo sợ cho mẹ tôi, cho chính tôi nữa, cuộc đời mình sẽ ra sao?

Ngay lúc đó, chú Ba bước vào, mặt mày đăm chiêu. Ðiều ngạc nhiên hết sức là chú không mặc bộ quần áo Cảnh Sát thường ngày, mà chú mặc bộ đồ mầu trắng tươi, đeo lon và huy chương sáng ngời. Chú nói với mẹ tôi:
- Tôi chào chị lần cuối, rồi về nhà. Ðầu hàng rồi, nhưng tôi đâu có thua trận đâu mà đầu hàng!

Sáng nay, khi nghe tin Tổng thống Minh đầu hàng, tôi đã tập họp tất cả cảnh sát trong Cuộc lại để làm lễ chào Quốc Kỳ lần cuối cùng, rồi giải tán, ai về nhà nấy. Tôi cũng về đây, thôi, chào chị và cháu gái, hai người ở lại mạnh giỏi.

Mẹ tôi và tôi chưng hửng nhìn chú. Một lúc sau, mẹ tôi mới nói:
- Ðầu hàng rồi, tôi thấy người ta mặc thường phục đi về, sao chú không thay quần áo thường mà lại mặc đại lễ như vầy, lỡ... có chuyện gì thì sao? Con trai tôi còn để mấy bộ quần áo ở nhà, tôi nói con Nhung lấy cho chú bận nhe!

Chú Ba cười chua chát, trả lời:
- Lần cuối cùng của cuộc đời binh nghiệp của tôi mà chị! Tôi phải mặc đại lễ chứ!

Tôi ái ngại nhìn chú, hỏi thêm:
- Chú Ba đi về cùng với anh em Cảnh sát hay về chung với ông Quận? Về chung chắc là an toàn hơn đó.

- Anh em Cảnh sát đa số là dân địa phương, họ tự đi về, còn chú, chú đi bằng xe riêng từ đó tới giờ, nên hôm nay chú cũng về bằng xe riêng. Ông Quận vừa nói chuyện với chú xong, ổng sẽ về sau cùng với những người lính nào ở Saigon.
- Chú Ba, còn cây cờ của mình, sao chú không gỡ xuống, để... người ta xé đi thì tội nghiệp cho lá cờ lắm.
- Chú Ba chỉ có nhiệm vụ thượng kỳ Việt Nam Cộng Hòa mà thôi. Quân đội không dạy chú cuốn cờ bỏ đi, và chú cũng không thể làm chuyện đó được. Trước khi về, chú đã đứng nghiêm chào lá cờ lần chót rồi. Cứ để lá cờ ở đó, trong đầu óc của chú sẽ nhớ mãi hình ảnh lá cờ VNCH tung bay trong gió. Sau này, lá cờ sẽ ra sao? Ðể tương lai trả lời. Rồi chú quay ra, đạp máy xe rồ ga đi thẳng.

Ngoài đường, tôi thoáng thấy những thanh niên mang băng tay đỏ, cầm súng chạy lăng xăng.

Chiều đến, má tôi hốt hoảng nhớ tới bầy cháu ngoại ở Saigon, má nói tôi ráng mang gạo cho chị tôi, để mấy đứa nhỏ đói tội nghiệp. Tôi cảm thấy sợ hãi khi phải đi ra ngoài trong giờ phút này, nhưng cũng chất gạo lên xe Honda chạy ra xa lộ đi về Saigon.

Dọc đường, vẫn còn súng nổ, vẫn còn lính ta chạy tới chạy lui, quần áo lính vứt rải rác khắp nơi, và rất nhiều đàn ông mặc thường phục đi bộ về phía Saigon. Những chiếc xe tăng cắm cờ Xanh dương và đỏ chạy rầm rộ trên đường, chạy qua mặt tôi một cách hung tợn, cũng hướng về Saigon. Tôi sợ lắm, bậm gan rồ ga chạy thục mạng.

Bất chợt, tôi nhìn thấy ở vệ đường, một người lính mặc đại lễ mầu trắng với những huy chương đeo đầy trên ngực áo, nắm bất động, mặt đầy máu, quay về phía đường lộ, bên cạnh chiếc xe Vespa lật nghiêng. Tôi thảng thốt kêu lên:
- Chú Ba Cảnh sát!

Tôi muốn dừng lại, xem có phải thật sự là chú Ba hay không? Chú còn sống hay đã bị bắn chết? Nhưng dòng người xô đẩy, tiếng súng hai bên nổ vang, rồi xe chở lính Việt Cộng chạy tới, xe tăng, thiết giáp bắn nhau qua lại, tôi không thể nào ngừng lại. Tôi bật khóc, nhìn chú Ba một lần chót rồi run rẩy chạy xe đi.

Tôi nhớ lại hồi sáng, sau khi chú Ba đi được khoảng một tiếng đồng hồ thì một đám những tên đeo băng tay đỏ, những tên đội nón tai bèo, đã kéo lá cờ VNCH xuống, xé tan nát đi. Tôi vụt chạy ra muốn giựt lại lá cờ, nhưng vừa mới ra tới cửa, đụng phải một đám đá cá lăn dưa cầm súng chĩa tứ phía, làm tôi sợ quá, dội trở lại. Lúc đó, tôi đã giận chú Ba hết sức, tại sao không kéo lá cờ xuống mà cất đi, để nay bị cái đám người này xé nát. Bây giờ, nhìn chú Ba nằm đó, tôi lại nhớ câu nói cuối cùng của chú:
“Cứ để lá cờ ở đó, trong đầu óc của chú sẽ nhớ mãi hình ảnh lá cờ VNCH tung bay trong gió. Sau này, lá cờ sẽ ra sao? Ðể tương lai trả lời.”

Tôi không giận chú Ba nữa, và nghĩ rằng, chú Ba đã làm đúng! Chú Ba ơi, trong đầu óc chú bây giờ, lá cờ Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn tồn tại, vẫn còn tung bay trong gió, trong vĩnh cửu, phải không chú?

Những ngày sau đó, rất nhiều khuôn mặt xuất hiện. Những khuôn mặt này rất quen thuộc với người dân Dĩ An trước đây, nhưng bây giờ họ đã trở thành khác hẳn. Họ quấn khăn rằn, đội nón tai bèo, hiện nguyên hình Việt Cộng.

Bà con đi chợ nói với nhau: Cái đám này, hồi đó đã bị Cảnh sát chìm, bị lính của Ông Quận mình bắt nhốt hết trơn rồi đó đa. Nhưng bị báo chí nói lung tung là bắt dân vô tội, nên mới phải thả tụi nó ra. Nay thì rõ ràng quá rồi, phải chỉ hồi đó xử tử hết tụi nó đi, đỡ khổ...

Một thời gian ngắn sau đó, những người Bắc Kỳ lại xuất hiện, chúng tôi kêu họ là Bắc Kỳ 75. Những Bắc Kỳ này láu cá và hỗn láo vô cùng, khác xa với Bắc Kỳ 54 xưa. Bắc Kỳ 54 ăn nói nhỏ nhẹ, cái gì cũng cười, thì đám BắAn Kỳ 75 đội nón cối, đi chân đất, luôn miệng chửi thề. Khi nói chuyện, họ xưng ông xưng cha với chúng tôi và sẵn sàng đe dọa: “Ông báo Công an, bắt bỏ cha chúng mày đi bây giờ!”

Mỗi lần ngày 30 Tháng Tư trở lại, tôi lại nhớ tới Quận Dĩ An, nhớ tới ông Quận TQLC Sát Cộng, nhớ tới Chú Ba Cảnh sát. Tôi đã kể cho chồng con tôi nghe về những người này, không biết họ còn sống hay đã chết? Chồng tôi hỏi, tôi còn nhớ tên những người hùng này hay không? Lâu quá rồi, hơn nữa, hồi đó, tôi còn quá nhỏ để mà nhớ. Mỗi lần đi ngang những Ðài Tưởng Niệm Chiến Sĩ VNCH, tôi đều cầu nguyện cho họ.

Bất chợt, một hôm đọc Việt Luận, đọc bài “Cuộc Ðời Ðổi Thay” tôi mới biết ông Quận Trưởng Dĩ An, ông Quận TQLC Sát Cộng, Trung Tá Nguyễn Minh Châu, ông còn sống, đang ở bên Mỹ. Tôi mừng qua, kêu chồng tôi:
- Anh ơi, ông Guậng... Ông Guậng Dĩ Ang nè, ổng còn sống, ổng diếc báo nè! Anh coi hình ổng nè, ổng bận đồ rằn ri, oai hùng lắm nè! Thấy hông, em nói mà!

Chúc mừng ông Quận được bình yên sau những đổi thay của cuộc đời.

Cám ơn ông Quận, đã gìn giữ an ninh trong Quận, đã sát Cộng, để những người dân Dĩ An như tôi có một cuộc sống yên ổn, cho tới ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư 1975.

Người Việt của tôi, là thế đấy!

Nguyễn Khắp Nơi


No comments:

Blog Archive