40 năm Quốc Hận: Nhớ về Vùng Kỷ Niệm
Hồi ức của Sauvanco
Sự thân thiết có lệ thuộc vào thời gian quen nhau ngắn ngủi hay lâu dài không ? Không có câu trả lời chính xác. Và nhận ra nhau có tùy thuộc vào thời gian xa cách nhau ngắn hay dài không ? Cũng không có câu trả lời chính xác. Có điều, khi mới gặp nhau (lần đầu) và gặp lại nhau sau một thời gian xa cách, chúng ta thường có một cảm giác là lạ, khó tả…
Cái cảm giác là lạ khó tả đó, đã đến với tôi nhiều lần và mang những ý nghĩa đặc biệt khác nhau. Sau cái cảm giác - dù thật ngắn ngủi đó - cả một vùng kỷ niệm thân yêu hiện về với tôi. Rồi sau lần gặp lai nhau đó, chúng tôi lại xa nhau. Mỗi người trở về trong cái “vỏ thân phận” riêng của mình. Để rồi, “vùng kỷ niệm” nào đó… của một thời nào đó… lại bất chợt hiện về trong tâm khảm tôi, nói riêng, và chúng tôi, nói chung, một cách nhởn nhơ vô tội vạ.
Xin cám ơn những “vùng kỷ niệm” ấy, bởi đã cho chúng tôi những giây phút được tìm lại những cái thân quen của mình, cái xa lạ với chính mình, cái “ngày xưa đó”, cái không muốn nhớ hay cái tưởng như đã quên… và còn nhiều cái khác nữa. Với tôi, một trong những cảm xúc đặc biệt của một lần gặp lại “cố nhân”, tôi đã phá vỡ được cái ẩn ức đè nén, dấu kín trong bốn mươi hai năm để “lần ấy” được nói với “cố nhân” rằng : “M ơi, câm nín bốn mươi hai năm để một lần bùng vỡ vẫn không đủ phong kín, chôn vùi TY … Bởi kỷ niệm vẫn đang còn trong chúng ta, và như thế TY chúng ta vẫn sống mãi …”
…
Lại một cảm xúc, hay một chấn động, tôi không phân biệt nổi, khi được sống lại “một thoáng chính mình của ngày xưa”. Tôi chợt nhớ đến một lời thơ :
Lại một cảm xúc, hay một chấn động, tôi không phân biệt nổi, khi được sống lại “một thoáng chính mình của ngày xưa”. Tôi chợt nhớ đến một lời thơ :
“Nghìn lần ký ức muốn quên
Thì sao kỷ niệm bỗng nhiên hiện về...”
Cái kỷ niệm bỗng nhiên hiện về … đó, không phải chỉ đến với riêng tôi, mà còn đến với những người quanh tôi, trong lần gặp gỡ ấy…
Lần ấy, năm 1995, sau gần ba năm đến Mỹ, tôi được gặp lại những người cùng Binh chủng trước đây. Đó là lần đầu tiên tôi được đội lại nón xanh Binh chủng sau hai mươi mốt năm vắng bóng. Lúc đó, tôi chỉ kiếm được cái nón xanh rêu (Green beret) có may huy hiệu nón, chứ chưa tìm mua được cả bộ Quân phục cùng với huy hiệu vai 81/BCND-LLĐB... Chỉ với cái nón ấy thôi, cũng gây xúc động cho tôi rất nhiều. Tôi được gặp lại một số các vị Niên trưởng, cùng với bạn bè ngang hàng nhau, cũng như nhỏ tuổi hơn tôi, tất cả cùng chung Binh chủng. Có người tôi quen biết từ xưa, có người không quen biết.
Kỷ niệm sống lại trong tất cả chúng tôi từ lần đầu đáng nhớ đó. Qua nhiều lần gặp gỡ sau đó, từ những tâm tình từ ngày xưa đến ngày nay, chúng tôi, không nhiều thì ít, cũng đôi lần nói đến cái ẩn ức, u uất … cất mãi trong lòng và niềm ước mong nhỏ bé của riêng mình … Tôi xin viết lại lời tâm tình của một vị Niên trưởng nói với chúng tôi trong những lần đầu gặp nhau (năm 1995) :
“Phải thú thực, tuổi đã ngoài sáu mươi, trí nhớ lụt bại, nhưng tôi vẫn ước mong các chiến hữu cùng Binh chủng, nên viết và kể lại những gì mình đã sống và biết về binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt để cho người cùng Binh chủng giữ niềm kiêu hãnh về mầu cờ sắc áo. Xa hơn nữa, cũng là để cho thế hệ con cháu mai sau, hiểu được những thành tích, những việc làm mà ông cha chúng đã thể hiện trong nghĩa vụ chiến đấu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, Dân tộc Việt Nam trước năm 1975 … các chú còn trẻ, hãy thay lớp già chúng tôi làm viên gạch lót đường cho thế hệ mai hậu đi … Cứ viết đi, đừng ngại gì cả …”
Lời tâm huyết đó, tôi ghi mãi trong lòng. Nhưng không biết phải làm gì bây giờ … Cho đến lần gặp các niên trưởng mới mươi ngày trước đây, một niên trưởng lại nhắc lại “tâm tư hoài bão” đó và nói với tôi :
“Chú đừng ngại, cứ viết đi. Viết những gì mà chúng ta đã kể cho nhau nghe, người đi trước kể cho người đi sau nghe và ngược lại … bởi đó là những gì chúng ta đã thân chứng, thực chứng. Hơn nữa, viết mà không đề cao cá nhân nào, không hư cấu thì đâu có gì e ngại, vướng mắc … Dĩ nhiên, viết như thế không mang tính chất tài liệu, hay sử liệu mà coi như tâm tình với nhau hay cũng giống như một đoản bút ký, hồi ký. Chúng ta không thể nhớ rõ hết mọi chi tiết, thời gian v.v… nên không cấp thiết phải viết hoàn toàn y như đã xảy ra. Chúng ta có thể viết thành nhiều mẩu chuyện ngắn, xúc tích, trung thực là được rồi. Đặc biệt, chúng ta cũng rất mong được đón nhận các bài viết về các Binh chủng khác để mở rộng thêm tầm hiểu biết về Quân Lực Việt Nam Công Hòa ……”
Ngưng giây lát, rồi Niên trưởng nói tiếp :
“Chú cứ viết đi, có gì chúng tôi … bổ túc cho … Hơn nữa, chúng tôi biết, chú tuy về Binh chủng sau chúng tôi nhưng chú cũng đã từng nhảy toán Delta (TTHL/HQ/Delta), rồi về trại Biên Phòng (Biệt Kích) và cả Tiếp Ứng Mike Force nữa. Sau đó lại về Tiểu Đoàn 91/BCND và Liên Đoàn 81/BCND. Chú đã ở nhiều chỗ hơn tôi. Thôi viết đi nhe !”
…
Vâng, thưa các Niên trưởng, tôi xin được viết lại những gì các Niên trưởng đã cho tôi biết, kể tôi nghe ….
Vâng, thưa các Niên trưởng, tôi xin được viết lại những gì các Niên trưởng đã cho tôi biết, kể tôi nghe ….
Bằng vào trí nhớ của một vài anh em chúng tôi đã theo học những khóa huấn luyện về LLĐB đầu tiên, những điều ghi lại dưới đây chỉ nhăm mục đích nói lên nhiệm vụ của binh chủng LLĐB/VN trong thời quá khứ. Mong rằng được coi như những câu chuyện chân tình tâm huyết và trân trọng gửi đến người đọc ….
Vì sao và do ai thành lập Binh chủng LLĐB Việt Nam.
Vào khoảng tháng 7, 8 năm 1957, và những tháng sau đó, một số Sĩ quan, Hạ sĩ quan chuyên viên thuộc đủ mọi thành phần quân, Binh chủng trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, được thượng cấp tín nhiệm, gọi đi trình diện cấp thời Bộ Tổng Tham Mưu, lập thủ tục theo học các khóa huấn luyện trong và ngoài nước.
Buổi đầu gặp nhau, chúng tôi, có người đã quen biết nhau, có người không biết vì khác đơn vị, ai ai cũng ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Biết bao câu hỏi được đặt ra như : theo học khóa gì, ở đâu, bao lâu, rồi sau đó về lại đơn vị cũ hay đổi đi đơn vị khác v.v… Không có câu trả lời vì mọi người chỉ biết được gọi về đi học các khóa huấn luyện và không được biết thêm gì nữa.
Có một số anh em suy luận theo hiểu biết riêng của mình như được đi thụ huấn các khóa đặc biệt để trở thành cán bộ nòng cốt cho một đơn đơn vị mới sẽ được thành lập với danh xưng “Lực Lượng Biên Giới hay Đoàn Quân Biên Giới” … Một số anh em khác đã nôn nóng đi hỏi giới chức thẩm quyền cao thì đều được trả lời: “Chúng tôi chỉ biết lệnh thượng cấp gọi các anh về đi thụ huấn thôi. Ngoài ra không biết gì thêm.”. Anh em chúng tôi lúc đó đâu biết rằng tương lai chúng tôi là bộ khung thành lập Binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam.
Là cán bộ Binh chủng LLĐB, ai ai cũng phải trải qua các khóa huấn luyện Nhảy dù, Truyền tin, Quân y, Pháo binh, Công binh, Quân cụ …. Sau đó, đến Cam Ranh để học cách sử dụng các chiến hạm Hải Quân Việt Nam cũng như được huấn luyện về chiến thuật đổ bộ bằng xuồng cao su, phương thức điều khiển hải pháo yểm trợ cũng như tiêu diệt mục tiêu địch. Sau chót về tập trung tại Quân trường Đồng Đế Nha Trang (lúc bấy giờ Quân trường này có danh xưng: “Trường Biệt Đồng Đội và Thể Dục Thể Thao Đinh Tiên Hoàng”). Ở đây theo học khóa Biệt Đồng Đội, Nhảy dù, do toán 3-A Cramer, LLĐB Hoa Kỳ phụ trách huấn luyện. Ngoài ra, hàng ngày, khóa sinh qua Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang để được chỉ dẫn về khả năng các loại phi cơ, đặc biệt thụ huấn khóa Điều Không Tiền Tuyến.
Tất cả các mật khu, chiến khu, căn cứ địa của Việt cộng trong liên tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ban Mê Thuột, đã là căn cứ hành quân của các toán LLĐB, thực tập chiến thuật xâm nhập đường bộ, đường hàng không. Mục đích lục soát, tìm kiếm những đơn vị Cộng sản còn ở lại nằm vùng trong những khu vực nói trên.
Trong thời gian này, Liên Đội Quan Sát số 1 (LĐQS 1) được thành lập. Đây là đơn vị LLĐB đầu tiên. Sau đó cải danh là Liên Đoàn 77 LLĐB Việt Nam.. Tiếp theo, Liên Đoàn 31 LLĐB cũng được dự trù thành lập nhưng phải giải tán vì đồng minh (Hoa Kỳ) từ chối viện trợ cho đơn vị này. Như vậy, trong quá trình tổ chức, LĐQS 1 không những là đơn vị LLĐB đầu tiên và cũng là tiền thân của Binh chủng LLĐB Việt Nam.
Trong hoàn cảnh chiến tranh lúc đó, mọi tình hình chiến sự cũng như các chiến lược, chiến thuật, và các tin tình báo quan trọng … đều được trình báo lên Phủ Tổng Thống. Một lần, sau khi nghe thuyết trình về lực lượng đa năng, đa hiệu, có thể thực thi mọi nhiệm vụ quan trọng trong mọi trường hợp khó khăn, nguy hiểm, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu đã quyết định thành lập Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam. Trên thực tế, một số Sĩ quan, Hạ sĩ quan chuyên viên được gọi đi thụ huấn các khóa chuyên môn mà mới đầu đã dự trù đi học ở Fort Bragg, Hoa Kỳ hoặc ở Okinawa, Nhật Bản, hoặc ở Thái Lan. Nhưng cuối cùng Tổng Thống Ngô Đình Diệm quyết định cho huấn luyện ở Việt Nam. Từ đó, mọi chương trình của các khóa huấn luyện được bắt đầu.
Một buổi trưa nọ, Tổng Thống Ngô Đình Diệm thình lình đến thăm LĐQS số 1 ở Trường Đồng Đế, Nha Trang. Cuộc viếng thăm này chỉ được báo trước hai mươi phút Toàn thể cán bộ LLĐB đang theo học đã nhanh chóng tề tựu tại hội trường để đón tiếp và nghe Tổng Thống nói chuyện. Tổng Thống cho mọi người biết rằng chính phủ và chính Tổng Thống đã rất quan tâm đến việc thành lập LLĐB Việt Nam. Tổng Thống yêu cầu tất cả cán bộ LLĐB phải quyết tâm trau dồi, học hỏi về kỹ thuật, quân sự, văn hóa cũng như đạo đức để trở thành những cán bộ quân sự đa năng, thực hiện chu toàn tốt đẹp mọi trọng trách mà chính phủ hay quân đội giao phó trong tương lai.
Tổng Thống cũng giải thích lý do không gửi khóa sinh cán bộ LLĐB Việt Nam đi thụ huấn ở nước ngoài không phải e ngại hao tốn ngân sách quốc gia mà vì việc học chiến thuật và kinh nghiệm chiến tranh du kích, chống và phản du kích cũng như chống nổi dậy, không đâu bằng huấn luyện ngay tại Việt Nam. Như thế sẽ được làm quen với mọi thủy thổ, thời tiết, khí hậu cũng như thấu hiểu được tâm lý, thói quen, sinh hoạt của dân chúng trong vùng đang bị ảnh hưởng nặng nề do chiến tranh xâm lược gây ra bởi Cộng sản miền Bắc.
Từ ngày thành lập đến ngày đảo chính 1963, binh chủng LLĐB trực thuộc Sở Liên Lạc Phủ Tổng Thống (sau cải danh là Sở Khai Thác Địa Hình) về phương diện chỉ huy và sử dụng lực lượng. Trong thời gian đó, Sở Liên Lạc Phủ Tổng Thống có 3 thành phần:
- Sở Bắc (sau đảo chính 1963 biến cải thành Nha Kỹ Thuật) đặc trách công tác tình báo chiến lược ngoài Quốc gia.
- Sở Nam (sau đảo chính 1963 biến cải thành Sở Liên Lạc) đặc trách công tác tình báo nội địa, chống nội tuyến và các âm mưu phá hoại khác.
- Lực Lượng Đặc Biệt, thành phần cơ động, phản ứng cấp thời những tin tức tình báo do Sở Bắc, Sở Nam cung cấp. Phần khác, LLĐB đơn phương thi hành những nhiệm vụ quan trọng do thượng cấp chỉ định cả trong và ngoài lãnh thổ Quốc gia.
Cũng cần phải nói thêm, trong tiến trình thành lập LLĐB, ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã chuyển gửi đến LLĐB bản dự thảo viết tay do ông viết về kế hoạch : tổ chức, sử dụng các đơn vị mà ông gọi là “Biệt Kích Cách Biệt”.
Tuy là bản dự thảo, nhưng ông cố vấn đã đề ra các phương thức thực hiện hoàn chỉnh để cho các cán bọ LLĐB theo đó làm kim chỉ nam cho mọi phương án áp dụng tổ chức, sử dụng các đơn vị “Biệt Kích Cách Biệt” trong tương lai. Ông cố vấn định nghĩa “Biệt Kích Cách Biệt” là những đơn vị hoạt động sâu trong các vùng địch hoặc trong vùng hậu phương địch. Như thế có khoảng cách xa với sự yểm trợ của các đơn vị bạn. và đặc biệt ngăn cách với dân chúng. Trong những trường hợp khó khăn, họ (Biệt Kích Cách Biệt) có thể phải tự túc mưu sinh kể cả đào tẩu thoát hiểm, trong một thời gian cần thiết.
Khai triển kế hoạch này của ông cố vấn Ngô Đình Nhu, hai đại đội Biệt Kích Dù (BKD) đã nhanh chóng được thành lập tại Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Kích Hồ Ngọc Tảo, Thủ Đức.
Các Sĩ quan, Hạ sĩ quan, Binh sĩ trong hai đại đội này, đa số là những Quân nhân ưu tú, sinh quán ở các Tỉnh miền thượng du Bắc Việt. Kế đến là 48 Hạ sĩ quan thuộc Liên Đoàn Nhảy Dù (LĐND), 54 Hạ sĩ quan thuộc Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) được tuyển chọn. Tóm lại, tất cả đều là những Quân nhân can trường, ưu tú của Quân Đội VNCH và họ hầu hết sinh quán ở miền Bắc.
Các toán LLĐB phụ trách huấn luyện họ tại Trường Bộ Binh Thủ Đức. Sau đó, họ được phối trí vào các Toán “Biệt Kích Cách Biệt”, nhảy dù xuống các tỉnh miền Bắc hoạt động.
Ngoài ra, 3 toán A Lực Lượng Đặc Biệt phát xuất từ Trung Tâm Huấn Luyện Hòa Cầm, Đà Nẵng cũng được thả dù xuống vùng hạ Lào hoạt động lâu dài trong vùng địch. Ba toán LLĐB này có mệnh danh “Toán 42”.
Các đại đội Biệt Kích Dù ngoài nhiệm vụ tiếp cứu toán LLĐB, còn thường xuyên được sử dụng hành quân ngắn hạn, phá hủy, tiêu diệt các mục tiêu địch trong chiến khu hay mật khu của Việt cộng trong cả lãnh thổ Nam Lào. Trong thời gian này, để đáp ứng nhu cầu phát triển của binh chủng LLĐB, hai đại đội Biệt Kích Dù khác được thành lập. Như thế đã có tổng cộng bốn Đại Đội Biệt Kích Dù.
Trong phần hành trách nhiệm, Binh chủng LLĐB đã trợ giúp việc huấn luyện và thiết lập các khu trù mật, ấp chiến lược, ấp chiến đấu trên toàn quốc. Huấn luyện Thanh niên, Thanh nữ Cộng Hòa thuộc các tỉnh miền Trung và miền Nam. Ngoài ra còn đảm trách việc huấn luyện các đơn vị tác chiến cho Quân Đội Hoàng Gia Lào và Cộng Hòa Cambidia cũng như thường xuyên tiếp tế quân trang, quân dụng cho Quân Đội Hoàng Gia Lào và Lực Lượng du kích Vàng Pao để chống lại quân du kích Pathet Lào.
Đặc biệt, Lực Lượng Đặc Biệt cũng trợ giúp huấn luyện một số Đại Đội Biệt Động Quân thuộc Quân Khu IV, hướng dẫn họ tổ chức các toán thám kích đặc biệt hoạt động trong vùng địch.
Quan trọng hơn cả, huấn luyện, trang bị và thả dù các Toán Biệt Kích Cách Biệt xuống các vùng trọng điểm ở khắp lãnh thổ miền Bắc để hướng dẫn các cuộc nổi dậy của dân chúng địa phương đứng lên chống Cộng sản. Đồng thời thi hành kế hoạch đột kích tiêu hủy các kho tiếp tế ở hậu phương địch.
Ngay thời gian đầu thành lập Binh chủng LLĐB, các toán, các Đại đội Biệt Kích Dù đã được thả xuống vùng địch trong và ngoài biên giới. Trách nhiệm thả toán hành quân (nói chung) được giao phó cho các phi hành thuộc binh chùng Không Quân Việt Nam. Từ đó, Binh chủng Không Quân (KQVN) có những phối hợp quan trọng, chặt chẽ trong việc hành quân thả toán. Cụ thể đã có tới hai phi hành đoàn C-47 hy sinh vì nghĩa vụ thả dù Biệt Kích xuống miền Bắc và 2 hoa tiêu khu trục AD-6 đã hy sinh trong phi vụ yểm trợ các toán LLĐB hoạt động bên kia bờ Bến Hải, phía Bắc quận Gio Linh, Quảng Trị. Những chiến sĩ hoa tiêu này, nói riêng, và những hy sinh của các phi hành đoàn (KQVN), nói chung, vẫn mãi mãi in sâu trong tâm khảm các anh em Chiến sĩ LLĐB.
Một nhiệm vụ nữa, Binh chủng LLĐB còn trách nhiệm trang bị, huấn luyện hành quân hàng ngàn đại đội Dân Sự Chiến Đấu (DSCĐ) được phối trí ở các căn cứ biên phòng dọc theo hành lang biên giới Việt - Miên – Lào và các căn cứ hành quân nằm trong lòng các chiến khu Việt cộng. LLĐB cũng đã nhảy dù xuống vùng hoang địa Hải Yến, U Minh Hạ (Cà Mâu), giúp các vị linh mục (cha Hóa) trong việc tuyển mộ, huấn luyện những người địa phương, một số đồng bào di cư sắc tộc Nùng, tổ chức họ thành các đơn vị tác chiến, hầu đáp ứng nhu cầu thành lập chiến khu Hải Yến trong vùng địch. Sau này cải tổ thành Đặc Khu Hải Yến thuộc Quân Khu IV.
Binh chủng LLĐB cũng đã biến đổi các vùng hoang vu trở thành các Trung tâm Huấn luyện Quốc gia cho QĐVNCH. Đầu tiên như Trung Tâm Huấn Luyện (TTHL) Biệt Kích Quân (BKQ) Hồ Ngọc Tảo. Rồi đến Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Kích Quân (BKQ) Hòa Cầm, và Trung Tâm Huấn Luyện LLĐB Động Bà Thìn (Cam Ranh, Khánh Hòa)
Từ 1963 trở về trước, ngoài phần hành trách nhiệm huấn luyện, binh chủng LLĐB đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trong do chính phủ và quân đội giao phó. Phải nói là rất quan trọng trên 3 phương diện : chiến lược, chiến thuật và bảo vệ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa. Đây là thời điểm Binh chủng LLĐB được sử dụng đúng với nhiệm vụ của họ.
Ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã thảo một kế hoạch thiết lập đường ranh bạch hóa phía Nam vĩ tuyến 17, chạy dài từ cửa Việt, dọc theo đường số 9 đến Tchepone, Lào. Đường ranh bạch hóa rộng từ 10 tới 15 cây số. Công binh thiết lập nhiều hàng rào kẽm gai và các bãi mìn chống người, chống chiến xa. Phía sau vùng bạch hóa, sẽ xây dựng các cơ cấu phòng thủ gồm các đơn vị Bộ Binh, Thiết Giáp, Pháo Binh để ngăn chặn mọi sự tấn công tràn ngập của quân đội Cộng sản xuống miền Nam như chiến tranh Triều Tiên. Đặc biệt, ngăn chặn mọi xâm nhập người, chuyển các vật liệu, tiếp liệu cho chiến tranh, của Cộng sản từ Bắc vô Nam.
Các toán LLĐB được giao phó trách nhiệm thám sát địa hình, địa vật và đơn vị địch trong vùng dự trù bạch hóa. Cùng lúc, thi hành thêm nhiệm vụ khác như tìm kiếm những địa điểm an toàn, có thể xử dụng làm nơi chốn chôn dấu vũ khí, đạn dược để đáp ứng cho chiến trường trong tương lai. Các địa điểm chôn dấu, tùy theo địa hình cho phép, có thể từ Quảng Trị đến Thừa Thiên (Huế). Nhiệm vụ trên phải hoàn tất trong thời gian từ 2 đên 3 tháng. Thời gian lúc đó, nhằm tiết mùa đông trời mưa dầm gió bấc, sương mù dầy đặc. Nhưng các chiến sĩ LLĐB chằng nề gian khổ, ngày đêm xuyên rừng, băng núi, vượt sông … để hoàn thành nhiệm vụ giao phó tốt đẹp. Chỉ có một điều đáng tiếc là kế hoạch thiết lập hàng rào chiến lược cho toàn thể chiến trường Việt - Miên - Lào đã không thực hiện được. Bây giờ không còn gì để giải thích lý do tại sao !
Vào những năm từ 1970 trở đi, Quân đội đồng minh thiết lập nhiều căn cứ quân sự khổng lồ ở Khe Sanh, Lao Bảo, Đông Hà v.v… và cho đến lúc đó, họ mới nhận thấy việc thiết lập hàng rào điện tử rất quan trọng, cần thiết, hầu ngăn chặn mọi sự xâm nhập cũng như tấn công của Cộng quân Bắc Việt, thì đã quá muộn. Tình hình chiến sự đã có nhiếu thay đồi; chiến sự đi đôi với chính sự (chính trị). Các thay đổi không chỉ ở chiến trường tiền phương mà còn ở hậu trường chính trị. Tất cả gây ra nhiếu hậu quả bất lợi cho cuộc chiến đấu của chúng ta.
Quan điểm của cấp lãnh đạo Quốc gia thời Đệ Nhất Cộng Hòa là đánh địch và chận đứng mọi sự di chuyển quân và tiếp liệu của địch ngay từ vùng sát ngoài lãnh thổ quốc. Nó có nghĩa không để cho địch xâm nhập vô nhà (vào lãnh thổ miến Nam) rồi mới đánh. Binh chủng LLĐB được giao phó trọng trách đó.
Các toán LLĐB xuất phát từ nhiều căn cứ hành quân ở trong nước sẽ xâm nhập bằng đường bộ; hoặc từ căn cứ Không Quân Udon, Thái Lan, thâm nhập bằng nhảy dù đêm, để hoạt động khắp các vùng biên giới Lào Việt, phần lớn trên lãnh thổ Hoàng Gia Lào. Vùng hoạt động trải rộng từ Bắc xuống Nam. Nói cho rõ hơn, từ phía Bắc vĩ tuyến 17 (Quận Gio Linh), Tchepone, đường số 9, Mường Nông cho đến tỉnh Attopeu. Núi rừng trùng trùng điệp điệp, nơi đâu cũng có gót chân người chiến sĩ LLĐB. Trải qua bao năm tháng, các chiến sĩ LLĐB lấy núi rừng bên kia giới tuyến, một phần lãnh thổ nước bạn vùng tam biên, làm chiến lũy chống giặc Cộng phương Bắc.
Trong chiến dịch hoạt động trên, LLĐB cũng còn áp dụng một kế hoạch hoạt động giả, bằng cách thả dù một số kiện hàng gồm thuốc men và thực phẩm, từ đường số 9 Nam Lào, chạy ngược về phía Bắc để đánh lạc hướng địch, nhằm để địch không chú ý đến các toán LLĐB họat động ở phía Nam. Đồng thời cũng làm cho địch hoang mang, không biết thực lực của LLĐB đang hoạt động như thế nào, và ở các vùng nào.
Tuần lễ đầu, thả dù một ít kiện hàng trong đó có gạo, đồ hộp, thực phẩm tươi và thuốc lá. Trong mỗi kiện hàng bỏ thêm vào những thư từ, hình ảnh giả tạo của gia đình, vợ con, bạn bè … gửi cho chiến sĩ của ta trong vùng hành quân. Nội dung thư từ tả nỗi nhớ nhung người thân yêu và ước mong họ sớm được trở về đoàn tụ với gia đình. Những kiện hàng thả đợt đầu tiên, chủ yếu chủ yếu cho địch thu lượm lấy thuốc men, lương thưc, thuốc lá … để sử dụng, ăn uống, hút sách …. Ba bốn tuần lễ sau đó, tiếp tực thả các kiện hàng như trước, nhưng đã được pha chế đặc biệt để quân lính địch sử dụng sẽ phát bệnh tật không còn khả năng chiến đấu nữa.
Đặc biệt, một số kiện hàng khác, trong đó không có thực phẩm, chỉ có đạn dược mìn bẫy đã được gài sẵn. Ngay khi mở kiện hàng ra sẽ phát nổ, gây nguy hiểm và tổn thất nặng nề cho địch.
Về phần hành liên lạc, phối hợp, chỉ huy, LLĐB thông qua Giám Đốc Sở Liên Lạc Phủ Tổng Thống, trình lên Phủ Tổng Thống, chỉ thị cho tòa Đại sứ Việt Nam ở Vạn Tượng, thủ đô Lào, thường xuyên theo dõi tin tức trên các làn sóng phát thanh của lực lượng Pathet Lào, cùng các đơn vị Cộng sản Bắc Việt trong khu vực rồi gửi báo cáo về Phủ Tổng Thống.
Phủ Tổng Thống nhận được báo cáo với nội dung chi tiết đầy đủ. Riêng về phần kết quả liên hệ đến kế hoạch hoạt động của LLĐB có thể tóm tắt như sau :
...“Bộ Tư Lệnh quân Giải Phóng Pathet Lào và quân Bắc Việt, lưu ý các đơn vị cơ động tác chiến về sự hoạt động của ta trong vùng an toàn của họ. Phải cố gắng phát hiện những đơn vị “địch” Cảnh cáo một số đơn vị thiếu đề cao cảnh giác, đã thu lượm được nhiều chiến lợi phẩm của “địch” thả xuống, không báo cáo về cấp trên và đã tự ý cho cán, binh thuộc quyền sử dụng ăn uống. Kết quả làm cho nhiều cán, binh bị tử vong, nhiều cán, binh khác bị bện nặng phải nằm trạm xá, mất khả năng chiến đấu.”
Khi nhận được bản tin, LLĐB đình chỉ kế hoạch hành quân giả vì biết rằng đã bị lộ, không còn tác dụng nữa.
Một trong những toán LLĐB hoạt động dưới phía Nam đường số 9 Lào, trên lộ trình thám sát địch về hướng tỉnh lỵ Attopeu, thuộc Đệ Ngũ Quân Khu Quân Đội Hoàng Gia Lào kiểm soát, bất ngờ bị một đơn vị Cộng sản Pathet Lào bắt trọn toán. Sở dĩ có chuyện xảy ra như vậy, vì toán LLĐB của ta lầm tưởng đó là Quân Đội Hoàng Gia Lào. Trước đó một, hai ngày, LLĐB Việt Nam đã cử đại diện đến thông báo cho Tư Lệnh Đệ Ngũ Quân Khu Quân Đội Hoàng Gia Lào biết có một toán LLĐB Việt Nam trên đường hành quân sẽ đến nghỉ chân tại Attopeu. Yêu cầu họ cho biết tình hình quân bạn trong vùng để toán LLĐB Việt Nam liên lạc phối hợp yểm trợ khi cần. Tư Lệnh Tư Lệnh Đệ Ngũ Quân Khu Quân Đội Hoàng Gia Lào, lúc bấy giờ là đại tá Kham Khong, đã cùng sĩ quan đại diện LLĐB Việt Nam bay trực thăng quan sát vùng lãnh thổ thuộc quân khu trách nhiệm. Ông ta khoanh trên bản đồ những khu vực có quân bạn hoạt động và chỉ tay xuống những vùng đồi, núi trên địa thế cho sĩ quan LLĐB Việt Nam nhận biết. Trên thực tế, từ nhiều năm trước, quân đội Hoàng Gia Lào đã rút lui, bỏ phế toàn vùng đó. Toán LLĐB Việt Nam được thông báo tình hình quân bạn, lưu ý tránh ngộ nhận trên đường di chuyển vào tỉnh lỵ để nghỉ ngơi. Khi tới một con đường lớn, toán LLĐB Việt Nam đang tìm cách băng sông để vào tỉnh lỵ Attopeu, một đơn vị Pathet Lào mặc quân phục giống quân đội Hoàng Gia Lào xuất hiện, toán LLĐB Việt Nam lầm tưởng đó là đơn vị bạn đến giao tiếp với toán. Một giờ sau, cán bộ quân đội Cộng sản Bắc Việt, chỉ huy đơn vị Pathet Lào đến nói chuyện, lúc đó, toán LLĐB Việt Nam mới vỡ lẽ và đã bị bắt ngay sau đó.
Cán bộ chỉ huy Cộng sản Bắc Việt và Pathet Lào yêu cầu toán LLĐB Việt Nam gửi công điện về xin tiếp tế thực phẩm, thuốc men như thường lệ; coi như toán không bị bắt. Nhưng chúng đâu có biết mật mã truyền tin của ta đã có những ám hiệu riêng để báo về trường hợp toán bị bắt. Nên toán đã gửi công điện xin tiếp tế theo yêu cầu của chúng.
Ngay sau khi nhận được báo cáo về trường hợp toán bị bắt, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã triêu họp cấp thời Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, bàn thảo phương thức hữu hiệu giải thoát toán LLĐB bị địch bắt ở lãnh thổ Lào. Quan tâm nhất của cấp lãnh đạo quốc gia lúc bấy giờ, tình hình chính trị cả trong lẫn ngoài nước, không mấy thuận lợi cho miền Nam Việt Nam, nên không muốn để cho Cộng sản vin vào cái cớ này mà thổi phồng dư luận thế giới, cho là Việt Nam Cộng Hòa bành trướng chiến tranh qua các nước láng giềng. Vì lẽ đó, giải pháp trực thăng vận các đại đội Biệt Kích Dù đột kích cứ toán không được chấp thuận. Cuối cùng, LLĐB được phép sử dụng một phi cơ C-47 không số của Không Quân Việt Nam, phối hợp với 6 phi cơ T-6 võ trang của Không Quân Hoàng Gia Lào ở Savanakheth, thực hiện kế hoạch giải cứu toán LLĐB Việt Nam bị địch bắt ở lãnh thổ Attopeu.
Theo kế hoạch dự trù, đúng ngày giờ ấn định thả dù tiếp tế, C-47 không số thả kiện hàng trong đó toàn là đồ phế thải, kèm theo những trái khói mầu xuống giữa bãi tiếp nhận. Khi C-47 lao xuống thả kiện hàng xong và ngay sau khi bay thoát khỏi mục tiêu, 6 phi cơ T-6 võ trang bao vùng ở phía xa, tức thời nhào tới, xạ kích vào các lùm cây, và cả khu rừng cây quanh bãi thả đồ tiếp tế. Các toán LLĐB Việt Nam đã học chiến thuật vượt ngục đào tẩu nên thừa cơ lúc địch hoang mang, đội ngũ biến động sẽ lẩn trốn ngay. Khi vượt ngục đào tẩu, các chiến sĩ LLĐB thường chậy nhiều ngả để dễ dàng trốn thoát, sau đó theo huấn thị hành quân đặc biệt của toán, họ sẽ tìm gặp lại nhau . Vài ngày sau, toán LLĐB đã về tới tỉnh lỵ Attopeu. Nhưng điều đáng buồn, một chiến sĩ LLĐB của toán đã bị mất tích. Có lẽ, anh bị đã ngộ nạn vì thiếu lương thực, hoặc bị tử thương trong khi một mình lẩn trốn trong rừng.
Những năm tháng sau này, một số người, nhất là phía Cộng sản Bắc Việt, thường nói đến những con đường gọi là “Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn” (còn gọi là Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây) và chúng đã thần thánh hóa những con đường này ngoài sức tưởng tượng của con người.
Trường Sơn Đông, thực ra chỉ là con đường mòn Hồ Chí Minh, phát xuất từ Vinh, Thanh Hóa, cho đến điểm cuối cùng vùng núi Phan Thiết. Con đường này từ điểm xuất phát, xuyên sơn qua những đường đỉnh, hoặc đèo, hoặc thung lũng hay dãy Trường Sơn uốn cong theo biển. Tuy gọi là đường mòn, nhưng có nhiều đoạn mặt lộ rất rộng. Sau lưng nó là lãnh thổ Lào, trước mặt là những tỉnh, thành phố trù phú thuộc miền Nam Việt Nam nằm dưới vĩ tuyến 17. Trước đây, Việt cộng sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh, di chuyển binh lính và đồ tiếp tế từ Bắc vào Nam. Từ những điểm thuận lợi trên đường di chuyển, chúng lén lút xâm nhập xuống vùng đông dân cư của ta, thu mua nhu yếu phẩm cần thiết cho hoạt động quân sự, hoặc để tuyên truyền, móc nối vào các tổ chức Cộng sản nói chung.
Nguyên nhân nào Cộng sản Bắc Việt đã phải từ bỏ đường mòn Đông Trường Sơn, tổn thất không biết bao nhiêu nhân, vật lực, khai phá... để làm con đường mòn mới Tây Trường Sơn ? Có thể, có nhiều người biết; cũng có thể, rất nhiều người không được biết đến.
Thi hành lện thượng cấp, LLĐB Việt Nam đã tung ra một cuộc trường chinh diệt địch lâu dài, chia làm nhiều giai đoạn hoạt động trên đường mòn Hồ Chí Minh. Khởi đi tử bờ Bắc Bến Hải,quận Gio Linh, vượt núi, băng ngàn, qua không biết bao đèo heo hút gió dọc biên giới Lào - Việt. Rồi đến vùng Cao nguyên Pleiku, Kontum, cho đến vùng cận Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết, các toán LLĐB áp dụng chiến thuật du kích, tiêu diệt cán bộ và các đơn vị địch di chuyển lẻ tẻ dù ngày hay đêm. Cạnh đó, còn đặt mìn bẫy cùng khắp mọi nơi trên các đường đỉnh hiểm nghèo, cũng đã gây cho địch tổn thất nặng nề về nhân mạng. Đối với Việt cộng, LLĐB là khắc tinh của chúng, là chúa tể rừng xanh đối với chúng. Vì lẽ đó, quân đội Cộng sản miền Bắc đã phải từ bỏ việc sử dụng đoạn đường mòn Hồ Chí Minh phía Nam vĩ tuyến 17 để mở ra con đường mới Tây Trường Sơn. Nhưng đối với dân chúng sống rải rác các khu dọc đường mòn Hồ Chí Minh, các chiến sĩ LLĐB lại là những người bạn thân thương như tình quân dân cá với nước.
Những địa danh Khe Sanh, Lao Bảo, Bản Phường... không còn xa lạ gì với các chiến sĩ LLĐB. Nói đến Bản Phương, các chiến sĩ LLĐB, dù chỉ một vài lần đặt bước quân hành qua, không ai lại không nhớ đến những cô gái Lào sống trên đất Việt, rất xinh đẹp, hồn nhiên, duyên dáng như những bông hoa trong truyện đường rừng của Lan Khai …
Có nhiều chiến sĩ LLĐB sau các chuyến hành quân chốn biên cương hay nơi đường mòn Hồ Chí Minh, khi nghỉ phép về Sài Gòn hay Đà Nẵng hoặc Huế v.v… đã không quên ghé vào các chợ Bến Thành, chợ Cồn (Đà Nẵng), hoặc Đông Ba (Huế) để tìm mua những món quà nho nhỏ nhưng đượm tình Lào - Việt, trao tặng các “em gái Bản Phường”. Rất tiếc tôi (vị Niên trưởng đã hơn một lần in dấu quân hành trên các địa danh đó), không còn nhớ tên các cô gái Lào ấy. Nhưng tôi tin rằng, một số các chiến sĩ LLĐB, trong đó có các bạn tôi, dù bây giờ tuổi đã xế chiều, song tinh thần vẫn trẻ trung với bao kỷ niệm nơi Bản Phường.
Rồi đến thung lũng Ba Lòng dầy đặc sương mù; Talaou, Tabạt, Tourout… núi đồi quạnh hiu; Ashau, A-lưới hoang vắng … Tất cả vẫn còn đậm dấu trong ký ức người chiến sĩ LLĐB.
Nhảy xuống mật khu Đỗ Xá, Quảng Ngãi, tiêu diệt cơ quan đầu não Quân Khu V Việt cộng. Tiến lên cao nguyên thám sát vùng Dakto, Tân Cảnh, vùng Tam biên hoang địa. Dakto sau này đã trở thành một trọng điểm đồn trú cấp sư đoàn. Có mấy ai biết, trước năm 1959, các toán LLĐB đã có mặt nơi đây. Đổ xuống vùng cận duyên hải Vạn Giả, Tô Bông, Mỹ Đồng, Ninh Hòa … với bao kỷ niệm khó quên. Đập nát mật khu Hòn Khói, chiến khu Đá Bàn, Đồng Trăng, Khánh Hòa. Nhảy dù xuống La Ngà, Định Quán, tiến sâu vào lòng chiến khu D truy lùng địch và trợ giúp việc thiết lập mật khu Phương Lâm. Xâm nhập chiến khu Lê Hồng Phong, Phan Rang, Phan Thiết, triệt hạ các cơ sở giao liên Việt cộng ở vùng đoạn chót đường mòn Hồ Chí Minh.
Các toán LLĐB không phải đã dừng chân ở nơi này. Họ tiếp tục băng rừng cao su đất đỏ Hàm Tân, vượt núi Mây Tào, vượt sình lầy Rừng Sát, vượt sông Lòng Tảo về tạm dưỡng quân tại thành Phú Xuân, Nhà Bè. Tiếp đó, chuyển về thủ đô Sài Gòn, bảo vệ an ninh ngày Quốc Khánh 26 tháng 10 nền Đệ Nhất Cộng Hòa do cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo.
Ngoài phần hành kể trên, LLĐB là đơn vị đầu tiên đã tiến hành hai cuộc trắc nghiệm phương tiện chiến tranh áp dụng cho chiến trường Việt Nam.
Cuộc trắc nghiệm thứ nhất, tổ chức hành quân trực thăng vận vào vùng mật khu Đỗ Xá, Quảng Ngãi của Việt cộng. Mục đích đánh giá về :
- Khả năng chuyển vận của phi cơ trực thăng.
- Kỹ thuật hành quân và phương thức phối hợp liên quân.
- Yếu tố bất ngờ.
Hành quân trực thăng vận nói trên, về mặt diễn tiến hành quân, phối hợp quân binh chủng, Không Quân, Pháo Binh, Bộ Binh rất đúng kế hoạch dự trù. Tuy là lần đầu, nhưng kỹ thuật hành quân của từng đơn vị rất cao. Đáng tiếc “yếu tố bất ngờ” đã không thực hiện được.
Đúng ra, Tư Lệnh Quân Khu I, Tướng X (xin dấu tên), phải trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân trực thăng vận, ông lại ủy quyền cho Đại tá X (xin dấu tên), Tư Lệnh Sư Đoàn I. Không hiểu vì lý do gì, vị Tư Lệnh Sư Đoàn I đã cho hoãn giờ đổ quân lại hai (2) tiếng đồng hồ. Các đoàn phi cơ trực thăng chuyển vận các toán LLĐB và các đại đội Biệt Kích Dù đang lao xuống bãi đáp lại phải bay lên để trở về sân bay Quảng Ngãi đợi lệnh mới. Hai tiếng đồng hồ sau mới đổ quân lại. Thời gian hai tiếng đồng hồ trì hoãn, địch có đủ thời gian di tản khỏi vùng hành quân, hoặc bố trí đội hình tấn công lại các đơn vị của ta.
Cuộc hành quân trực thăng vận dù bị mất yếu tố bất ngờ, nhưng các toán LLĐB và đại đội Biêt Kích Dù vẫn áp đảo mọi cuộc phản kích của địch và đã tịch thu được một số vũ khí cùng máy truyền tin, quân trang và thuốc men của địch để lại trên trận đia. Đặc biệt, đã tịch thu được một số tài liệu, hình ảnh chứng minh sự có mặt của các cán bộ đầu não Bộ Tư Lệnh Quân Khu V Việt cộng.
Một toán A LLĐB, được trực thăng vận xuống một khoảng trống trên sườn núi, cách khu vực hành quân khoảng 2 cây số, nhằm chăn đường rút lui của địch sang biên giới Lào. Không ngờ địa điểm toán đổ quân lại nhằm đúng ngay một bệnh xá Việt cộng. Nơi đây cũng là nơi có mặt một số cán bộ cao cấp Việt cộng làm việc. Toán LLĐB cấp thời lục soát các các dẫy nhà chung quan khu vực để truy lùng địch. Kết quả tịch thu được một số túi quân trang cá nhân còn nguyên vẹn đồ dùng, mấy cái đồng hồ báo thức, một bản phân công tác lịch trình làm việc cho từng cán bộ, treo trên vách và một số hình ảnh cá nhân khác. Đặc biệt, ngay lúc lục soát, trên bàn ăn, có những món ăn như cơm canh … còn nóng, còn bốc hơi.. Điều này chứng tỏ có sự hiện diện của một số cán bộ cao cấp Việt cộng, đã hốt hoảng bỏ chậy trốn vào các khu từng lân cận. Vì quân số có giới hạn và thời gian không cho phép, toán LLĐB đã phải triệt thoái khỏi địa điểm hành quân, sau khi phóng hỏa tiêu hủy toàn thể doanh trại địch.
Cuộc trắc nghiệm thứ hai, đánh giá sức công phá của các loại bom do pháo đài B-52 thả xuống các chiến khu của Việt cộng.
Bốn toán A - LLĐB và 4 đại đội Biệt Kích Tiếp ứng (Mike Force) được trực thăng vận xuống vùng Tam Giác Sắt, phía bắc quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương, đánh giá tại chỗ khả năng oanh tạc của pháo đài bay B-52. Chụp hình các hố bom, sau đó, lục soát kỹ lưỡng trong vùng oanh tạc. Mọi kết quả được ghi nhận đã cho biết những địa đạo bị phá hủy, những thiệt hại về mọi mặt của Việt cộng. Những báo cáo với đầy đủ chi tiết này được gửi lên cấp trên cả hai phía Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh nghiên cứu. Sau cuộc trắc nghiệm ấy, pháo đài bay B-52 được sử dụng yểm trợ cho chiến trường Việt Nam. Sự việc này có thể nói cũng một phần do binh chủng LLĐB đã đóng góp công lao và ý kiến.
Trong quá khứ, binh chủng LLĐB, đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trên phương diện chiến thuật, chiến lược cũng như trắc nghiệm các phương tiện tối tân chiến tranh du kích ở Việt Nam. Đó là những công tác nổi; ai ai cũng có thể biết. Nhưng trong thời gian đó, LLĐB cũng đã thi hành rất nhiều các công tác chìm, độ mật cao, người ngoài ít ai được biết tới, vì những hoạt động đó tính chất tình báo, bí mật. Những nhiệm vụ, những công tác chìm này, nói ra, ai nghe cũng nghĩ là chuyện hư cấu. Chuyện hư cấu là chuyện không có thật; còn với nhiệm vụ, công tác chìm LLĐB đã làm là chuyện có thật, không phải hư cấu. Chẳng hạn như những câu chuyện dưới đây :
Vào những năm tháng gần cuối năm 1960, Phủ Tổng Thống và Sở Liên Lạc Phủ Tổng Thống, nhận được nhiều báo cáo cho biết, một số người trong và ngoài quân đội có âm mưu làm một cuộc binh biến. Sau đó, người ta gọi cuộc binh biến đó là cuộc đảo chính hụt. Trở lại, những người tham gia cuộc binh biến, nghĩ là hành động của mình được bảo mật tối đa. Thực ra, danh tánh những người chủ mưu, những địa điểm hội họp, dù được ngụy trang bằng nhiều vỏ bọc khác nhau, song vẫn luôn luôn bị theo dõi. Đáng lẽ ra, thượng cấp tối cao cho lệnh đập tan âm mưu từ trong trứng nước, nhưng lại lập kế hoạch để mọi việc xảy ra sẽ giái quyết. Ở đây, xin chỉ nói về phần hành của LLĐB thôi.
Một tháng trước ngày binh biến xảy ra, hai phần ba quân số của Liên Đội Quan Sát số 1, đồn trú ở Nha Trang được điều động vào trung ương Sài Gòn. Một số toán LLĐB bảo vệ an ninh Sở Liên Lạc Phủ Tổng Thống, một số toán LLĐB bảo vệ an ninh Trung Tâm Truyền Tin Mật, một số toán LLĐB được phối trí giữ an ninh tại các cơ sở mật trong nội vi Sài Gòn - Chợ Lớn. Tất cả các toán LLĐB này đều mặc thường phục.
Vào sáng sớm ngày có cuộc binh biến, Bộ Chỉ Huy tối cao chống lại cuộc biến động được đặt trong khuôn viên nhà thờ Kỳ Đồng. Có hai toán LLĐB bảo vệ an ninh thượng cấp ở Nhà Thờ Kỳ Đồng. Hai toán LLĐB khác, mặc quân phục như quân phục của các binh sĩ tham gia cuộc binh biến, trang bị vũ khí giảm thanh, súng săn (shotgun) và lựu đạn, di chuyển đến ẩn trú bên trong khu nhà Việt Nam Thông Tấn Xã, bên hông dinh Độc Lập, trên đường Hồng Thập Tự. Theo tin tức ghi nhận, Bộ Tham Mưu Chỉ Huy cuộc binh biến sẽ có mặt ở quãng đường này. Quả đúng như vậy, ngay lúc tảng sáng, họ đã có mặt ở điểm hẹn. Tất cả đứng trên mặt đường Hồng Thập Tự, ngay trước mặt khu nhà Việt Nam Thông Tấn Xã, cách tầm súng của hai toán LLĐB chừng 10 đến 15 mét. Các toán LLĐB, trước khi lên đường thi hành nhiệm vụ, được thuyết trình, phải tiêu diệt những người cầm đầu cuộc binh biến. Tuy nhiên, chỉ được nổ súng khi nào nhận được lệnh của Tổng Thống Phủ hoặc Bộ Chỉ Huy tối cao ở Nhà Thờ Kỳ Đồng. Nhưng việc đó đã không xảy ra. Hai toán LLĐB được lệnh rút lui ra ngã ba đường gần đó, có xe GMC chờ sẵn, chuyển họ về Trung Tâm Truyền Tin Mật nghỉ ngơi đợi lệnh. Sau đó, được biết tình hình biến động được dàn xếp trong ôn hòa, không cần phải áp dụng giải pháp đổ máu nữa. Điều đó thật tốt cho cả hai phía.
Trong khi đó, lúc 4 giờ chiều cùng ngày, Phủ Tổng Thống chỉ thị LLĐB phải cử ngay một toán LLĐB đặc nhiệm, cấp tốc đi Nam Vang, thủ đô của Cộng Hòa Cambodia, để giải cứu những con tin bị bắt đem theo qua đây. Chỉ Huy Trưởng LĐQS số 1 được thượng cấp chỉ định làm trưởng toán đặc nhiệm thi hành nhiệm vụ đặc biệt trên. Toán sử dụng hai xe du lịch, xuất phát từ Sài Gòn lên thẳng Gò Dầu Hạ vào lúc gần tối. Nhân viên Toán được trang bị, cấp phát, vũ khí đặc biệt cũng như các giấy tờ hợp lệ quá cảnh. Trong khi đó, cơ quan tình báo cấp cao thuộc Phủ Tổng Thống, liên lạc với cộng tác viên người bản xứ ở Nam Vang, lái xe xuống điểm hẹn bên kia Gò Dầu Hạ đón toán LLĐB. Khi toán đang chuẩn bị xuồng cao su vượt sông Gò Dầu Hạ, để đến điểm hẹn, toán nhận được công điện hỏa tốc từ Sài Gòn đình chỉ công tác giải cứu con tin, vì việc đó đã được giải quyết trên phạm vi ngoại giao giữa hai chính phủ. Ngay sau đó, toán đặc nhiệm di chuyển về Tòa Tỉnh Trưởng Tây Ninh để nhận nhiệm vụ mới. Đó là phối hợp với an ninh tình báo của Tỉnh Tây Ninh để đối chiếu nguồn tin cho biết Trung Ương Cục Miền Nam của Việt cộng hiện đang hoạt động trong vùng Katum, Bổ Túc và Mimot.
Ngày binh biến chấm dứt, LLĐB được giao phó nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho một số yếu nhân quan trọng, bảo vệ an ninh tư thất cho một số Tổng Trưởng, Bộ Trưởng. Ngoài ra, cũng trách nhiệm giữ an ninh cho các cơ sở trọng yếu và những nơi giam giữ những người chông đối chính quyền đã tham dự ngày binh biến.
Sau năm 1960, tình hình chính truờng Miền Nam có nhiều biến động. Nội bộ quốc gia xảy ra nhiều xáo trộn do một vài lực lượng hoặc đoàn thể nghe lời xúi dục thiếu đúng đắn xuống đường biểu tình đòi hỏi lung tung. Sự kiện này cũng còn do những bọn đầu cơ, lũng đoạn chính trị, trong cũng như ngoài quân đội, nhúng tay vào. Đồng thời, cũng có bàn tay ngoại bang nhúng vào, Miền Nam Việt Nam đã trải qua thời kỳ đen tối và kết quả nền Đệ Nhất Cộng Hòa do chính phủ Ngô Đình Diệm lãnh đạo đã sụp đổ. Sau đó, tình hình chiến sự Miền Nam Việt Nam càng ngày càng khốc liệt, tình hình chính sự rất phức tạp, rối reng, và chỉ mang lại bất lợi cho Miền Nam Việt Nam. Ngày định mệnh đã đến : 30 tháng 4 năm 1975 - ngày nước mất nhà tan !
Bây giờ, sự thật được phơi bày, trong thân phận một nhược tiểu quốc, chúng ta, những quân nhân VNCH, nói riêng, và toàn dân Miền Nam nói chung, chỉ là một nước cờ cho một cuộc đấu cờ do một số các “cường quốc” cấu kết với nhau trong một ý đồ đen tối nào đó. Để rồi ôm mối hận u uất triền miên …
Trở lại thời gian trước tháng 11 năm 1963, Binh chủng LLĐB có nhiệm vụ chính yếu ngăn chặn Việt cộng xâm nhập từ Bắc vào Nam bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Các chiến sĩ LLĐB đã thi hành những trọng trách đó, trong ý niệm “Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm và Dũng Cảm”. Sau này, tình hình chiến sự thay đổi, binh chủng LLĐB cũng có thay đổi về chiến thuật để đáp ứng nhu cầu chiến sự trong thời gian đó.
Nói đến LLĐB là nói đến chiến tranh ngoại lệ, chiến tranh ý thức hệ, chiến thuật du kích và sử dụng các loại vũ khí của địch, tức của khối Cộng sản. Nhưng, trong vùng kỷ niệm với biết bao hình ảnh không bao giờ quên được, tưởng cũng không thể không nhắc đến Khóa học LLĐB – một khóa học có nhiều điểm “đặc biệt” so với các khóa học quân sự khác, nói chung.
Xin trích dẫn bài viết “Kỷ Niệm Khóa LLĐB” trong Đặc San Cánh Dù Bốn Phương của Hội LLĐB/VN – TB/WA. Năm 2002 - của N.K.H. (Trích từ trang 10 – Cánh Dù Bốn Phương) :
... Chúng tôi đến thăm niên trưởng Phùng Văn Đệ vào những ngày cuối năm 2000. Qua khung cửa chính phòng khách, cảnh vật như chìm trong trầm lắng vì nhà niên trưởng Đệ ở khu ngoại ô thành phố Tacoma, tiểu bang Washington. NT Đệ cười và nói ngay :
- Cứ gọi tôi bằng anh đi cho nó thân mật tự nhiên. Chú thấy không, ở cái tuổi bảy mươi này thì rất ngại lái xe đi đây đó. Nhất là đa số anh em LLĐB lại ở những vùng quanh Seattle, còn tôi ở đây, kể ra thì cũng khá xa các anh em khác. Anh em mình còn dịp gặp nhau một năm vài lần như thế là quý lắm rồi.
Tôi gật đầu trả lời : “Dạ phải” và thầm nghĩ mặc dầu NT Đệ tuổi đã cao, nhà ở xa, mà rất nhiệt tình đến họp mặt trong những buổi sinh hoạt của hội
Sau vài câu chuyện linh tinh, tôi hỏi NT Đệ :
- Anh là tiền bối trong LLĐB chắc có nhiều kỷ niệm đặc biệt … lắm phải không anh ? Anh kể cho nghe đi.
NT Đệ nói ngay :
- Để từ từ tôi nhớ lại đã …à này, nói là kể lại chứ không thể nhớ hết mọi chuyện, mọi chi tiết được đâu.
Sau một lúc trầm ngâm, tiếng NT Đệ nhè nhẹ kể lại...
. . .
Khoảng tháng 7, tháng 8 năm 1957, tôi được thượng cấp báo cho biết phải đi trình diện cấp thời Phòng Quân Huấn, Bộ Tổng Tham Mưu để lập thủ tục theo học khóa trong và ngoài nước. Tôi hoang mang lo sợ trước sự việc gọi trình diện đột ngột này. Tôi hỏi thượng cấp về các khóa học như thế nào thì được trả lời rằng đó là những khóa huấn luyện đặc biệt nên những người được gửi đi học phải có khả năng và được tín nhiệm và không cho biết thêm về các khóa học.
Khoảng tháng 7, tháng 8 năm 1957, tôi được thượng cấp báo cho biết phải đi trình diện cấp thời Phòng Quân Huấn, Bộ Tổng Tham Mưu để lập thủ tục theo học khóa trong và ngoài nước. Tôi hoang mang lo sợ trước sự việc gọi trình diện đột ngột này. Tôi hỏi thượng cấp về các khóa học như thế nào thì được trả lời rằng đó là những khóa huấn luyện đặc biệt nên những người được gửi đi học phải có khả năng và được tín nhiệm và không cho biết thêm về các khóa học.
Buổi đầu gặp gỡ nhau thật ngỡ ngàng. Chúng tôi, một số Sĩ quan và Hạ sĩ quan, (không có binh sĩ) từ nhiều đơn vị khác nhau, chỉ biết được gọi về Bộ Tổng Tham Mưu để làm thủ tục đi học nhưng không biết học khóa gì cả. Người thì đoán là thụ huấn khóa đặc biệt để thành lập “Đoàn Quân Biên Giới”, người thì cho rằng sẽ tổ chứa “Lực Lượng Hướng Dẫn Du Kích Chiến và Phản Du Kích Chiến”, có người lại nghĩ rằng sẽ thành lập “Lực Lượng Đặc Biệt VN”. Thực ra, không ai biết đích xác cả.
Trước hết, chúng tôi được đưa đi học Nhảy Dù tại Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù. Tất cả những khóa sinh chấp nhận học khóa này phải tốt nghiệp (cấp bằng nhảy dù) thì mới được theo học những khóa tiếp theo. Còn những người không chấp nhận học nhảy dù sẽ được gửi trả về đơn vị gốc.
Kế đó, những người học xong nhảy dù sẽ tiếp tục các khóa học khác. Tôi không nhớ thứ tự thời gian trước sau của những khóa học. Chúng tôi được huấn luyện nhiều môn học tại nhiều trường, nhiều Trung Tâm Huấn Luyện khác nhau như :
- Trường Truyền Tin : Học cách xử dụng các loại máy truyền tin, mật mã …
- Trường Quân Y : Học về cấp cứu căn bản (first aids), chữa trị và giải phẫu sơ đẳng cấp thời …
- Trường Công Binh : Học về cấu trúc cầu đường, làm và sửa chữa cấp thời, dã chiến …
- Trường Pháo Binh : Học về phần hành của quan sát viên tiền tuyến…
- Trường Quân Cụ : Học về vật liệu trang bị …
- Và còn một số các môn học khác nữa tôi không nhớ hết…
Sau đó, đến Cam Ranh để học về kỹ thuật xâm nhập và đổ bộ bằng xuồng; điều hành hải pháo và phối hợp không yểm v.v… dưới sự yểm trợ của các chiến hạm Hải Quân Việt Nam.
Sau cùng, chúng tôi về tập trung tại Trường Đồng Đế, Nha Trang . Lúc đó trường này mang tên Trường Biệt Đồng Đội và Thể Dục Thể Thao Đinh Tiên Hoàng, để học khóa Biệt Đồng Đội Nhảy Dù.
Chúng tôi được huấn luyện về kỹ thuật xâm nhập và triệt xuất bằng cả ba cách :
- Đường không (máy bay)
- Đường thủy (tầu, thuyền, xuồng)
- Đường bộ.
Chúng tôi cũng còn học về tiếp tế bằng nhảy dù.
Đặc biệt chú trọng đến môn vượt ngục đào tẩu và mưu sinh thoát hiểm. Bởi đó là những bài học tối cần thiết cho người lính LLĐB khi hành quân ngay trong lòng địch, trong hậu cứ hay mật khu địch.
Thời gian huấn luyện Khóa A LLĐB/VN khoảng một năm.
Nói về khóa sinh, có khoảng trên 30 Sĩ quan, và 40 Hạ sĩ quan trong khóa A/LLĐB. Về sĩ qua, người cấp bậc cao nhất là Đại úy Tống Hồ Hàm và Đại úy Bùi Thế Minh (thuộc Binh chủng Nhảy Dù). Còn lại đa số là Trung úy và Thiếu úy. Tôi nhớ một số Sĩ quan trong khóa này với tôi nhưng không nhớ rõ cấp bậc, như các vị dưới đây :
- Phạm Duy Tất (sau này là Chuẩn tướng), Trần Đình Phước, Phan Văn Huấn, Trịnh Văn Viễn, Lê Như Tú, Nguyễn Lộc, Tôn Thất Thuận, Ngô Đình Lưu, Từ Hải Phượng, Tôn Thất Việt Hùng, Nguyễn Xuân Sang, Lê Tất Biên, Nguyễn Viết Tửu, Đào Đăng Đại và trung úy Đàn (ở Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến) v.v….
Đặc biệt là khi trình diễn mãn khóa cho các quan khách cao cấp xem, đại úy Cramer, trưởng toán A/LLĐB/Hoa Kỳ đã tử nạn trong cuộc hành quân phục kích tại đèo Rù Rì, Nha Trang. Do đó, khóa lấy tên Khóa A Cramer để tưởng nhớ Đại úy Hoa Kỳ Cramer, trưởng toán A LLĐB/HK và cũng là huấn luyện viên khóa LLĐB/VN đầu tiên. Về phía khóa sinh Việt Nam, trung úy Đàn cũng bị tử nạn. Điều này cho thấy rõ khóa LLĐB rất cam go, nguy hiểm. Nói cách khác, huấn luyện và thực tập (mãn khóa) cũng chính là hành quân thực sự.
Tiếp theo các khóa A là các khóa B, C, D, Lực Lượng Đặc Biệt. Sau khi các khóa A, B, C, D này hoàn tất, Liên Đội Quan Sát Số 1 được thành lập. Đây được coi như là đơn vị LLĐB Việt Nam đầu tiên. Rồi sau cải danh thành Liên Đoàn 77 LLĐB/VN. Như vậy trong quá trình tổ chức, Liên Đội Quan Sát Số 1, không những là đơn vị LLĐB/VN đầu tiên và cũng là tiền thân của LLĐB/VN sau này.
Chuyện về thời gian đầu của Binh Chủng LLĐB/VN, còn nhiều điểm đặc biệt, kỳ thú nữa … Ở đây, tôi chỉ nói khái quát về khóa A/LLĐB/VN đầu tiên mà tôi được theo học. Còn như chú hỏi cảm nghĩ của tôi … thời ấy ư ? Kể ra cũng khó diễn tả thật ! Có điều, nếu tôi độc thoại - tự nói với chính mình - thì tôi xin mượn ý một lời ca để nói lên bầu nhiệt huyết của tôi, nói riêng và của người lính, nói chung : “…như sóng dâng dâng ngập không bao giờ tàn” … Cái hùng khí chất ngất của tuổi trẻ đó, tôi nghĩ, không phải chỉ ở trong tôi, mà ở trong tất cả người trẻ tuổi, ngay trong tuổi trẻ của chú … Và đặc biệt, tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết của chúng tôi, trong thời gian đó, được hun đúc trong “lò luyện quân đội” bằng những đương đầu, chạm trán hàng ngày với nguy hiểm gian nan đầy hồi hộp, căng thẳng … thì niềm tự hãnh hừng hực trong chúng tôi cũng chỉ là điều tự nhiên, dễ hiểu …
Đôi mắt NT Đệ chợt rực lên rồi trầm xuống như … dư hưởng dĩ vãng vừa đâu đó chợt tan vào … hiện tiền đâu đây ! Rồi NT Đệ tiếp tục giọng trầm trầm :
- Này nhé, chú cứ tưởng tượng xem, học thì đủ các môn học quân sự, đầu óc luôn luôn căng thẳng. Như các môn học về chiến thuật, chiến lược, về xuyên sơn v.v…, chúng tôi nhảy dù xâm nhập xuống vùng rừng núi Đồng Xuân (Nha Trang) rồi di chuyển xuyên rừng, xuyên núi đến Vạn Giả, Tô Bông, Mỹ Đồng … Thời gian kéo dài hàng tháng, và mặc dù đó chỉ là huấn luyện thực tập, nhưng trên thực tế, chúng tôi đang hoạt động, đang hành quân thực sự trong lòng địch. Như thế, chú thấy không, niềm hãnh diện tự phát và lớn mạnh theo năm tháng … Thôi, tôi không nói nữa, tôi không muốn “ca bài ca con cá” … nhất là ở cái tuổi bảy mươi này !
Ngưng giây lát rồi NT nói tiếp :
- Hơn bốn mươi năm trôi qua, biết bao đồi thay ! Sinh ra ở phần đất bên kia Thái Bình Dương, bây giờ, ở bên này Thái Bình Dương. Ôi, xa quá, mà cũng nhanh quá … Một thoáng, ngày xưa ấy … Này chú … (NT mở ngăn kéo bàn trước mặt, lấy ra một tấm ảnh đưa tôi và nói tiếp):
- “Tấm ảnh ngày xưa” đấy. Trên bốn mươi năm rồi. Bây giờ, ở cái tuổi cuối đời này, thoáng đôi lúc, tôi nhìn lại mình hay nhìn lại đời ? Còn gì ? Ngoài một thoáng xa xăm : Ô hô ! “bạch phát thanh bào … ngô lão hỉ !” …
Bỗng NT đổi giọng :
- Chú có nhận ra tôi trong hình không ?
Tôi trả lời :
- Em thấy ngay
Tiếng NT vẫn trầm trầm mà nghe cuốn xoáy da diết :
- Một khỏang không gian, thời gian hun hút đó, ta làm được những gì nhỉ, ta có được những gì nhỉ ? Tôi xin mượn lời của Khổng Tử để nói lên cái “thấm thía của bếp lửa chiều hôm” này nhé :
- “Thiên sinh nhất thế nhân, túc liễu thử nhất thế sự”. Phải, tôi sinh ra cũng “vừa đủ” để lo cho cái đời tôi thôi ! Còn “tính sổ đời” ư ? Thì đây, cứ vắt tay lên trán mà lẩm bẩm: “Duyệt nhân thành thế, duyệt thế thành thân” … Biết chỗ nào, khi nào, là cùng tận của chuyện “duyệt nhân, duyệt thế”, mà cái “thành thân” là kết quả của “duyệt thế” ? Tôi không bi quan, yếm thế để nói với chú rằng cái thời đểm kết thúc việc “duyệt thế” đang chờ đón tôi và cũng chẳng còn bao lăm nữa đâu … Và chỉ ở giây phút đó, tôi mới thấy mình đã làm được gì và có được gì !!!
Tuy nhiên, ngay lúc này đây, và hơn bao giờ hết, tôi muốn tâm tình với chú bằng nhiệt huyết, bằng tâm phúc của người đi trước cho người đi sau, hay thân mật hơn, của người anh cho người em trong gia đình:
- Hãy giữ lấy niềm hãnh diện với chính mình - dù khởi động từ thuở ấy, nhưng nó vẫn hằng mãi, vẫn tư nhiên và tất yếu. Năm tháng chỉ có thể làm phôi phai lớp áo ngoài chứ không thể tan loãng “nồng độ nhiệt huyết”. Ý tôi muốn nói đến “biến thế” và “biến thể”. Với chúng ta, biến thế coi như điều mặc nhiên. Còn biến thể, hẳn là không thể chấp nhận được. Chúng ta không mất con đường chúng ta đi. Chúng ta chỉ “khựng” lại ở một chỗ nào đó. Chỗ đó, không phải đích, là nơi chúng ta muốn tời … Và như thế, chúng ta vẫn cứ đi …
Tôi từ giã niên trưởng Đệ mang theo trong lòng một thoáng gợn buồn lan man. Những lời tâm tình của niên trưởng vẫn theo tôi, vẫn văng vẳng bên tai. Có một cái gì đó, tôi bắt nhận được, trong âm thanh lời kể của niên trưởng, phải chăng bằng cái giao cảm của người đi sau mà cùng khoác một mầu cờ sắc áo ? Trong nỗi buồn gờn gợn đó, tôi thấy hực lên một niềm nao nức của thuở nào … Tôi thầm nhủ, sẽ ghi khắc lời nhắn nhủ đó của người anh cả đã truyền vào tôi. Nó có một mãnh lực kỳ diệu như cái đụng tay giữa hai vận động viên trong một cuộc chạy đua tiếp sức.
Trong nỗi buồn vui lẫn lộn đó, kỷ niệm của khóa LLĐB tại Trung Tâm Huấn Luyện LLĐB Động Bà Thìn, bỗng hiện về với tôi. Kỷ niệm của khóa LLĐB tôi theo học, đã phôi phai theo thời gian trên 30 năm. Còn chăng, những hình ảnh đặc biệt, những nét căn bản của khóa học và những mẩu chuyện “dí dỏm” đầy tiếu lâm ….
Thời gian, năm 1968, cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt, bùng lên khắp các vùng đất miền Nam Việt Nam. Hồi ấy, tôi mới bước qua tuổi … phần tư thế kỷ, mà sao vẫn tưởng như … tuổi ba mươi mà ngỡ như trẻ thơ ! Vai “ba - lô” ngược xuôi qua các vùng chiến thuật, một cảm giác nao nức, hừng hực đang tuôn chảy trong người tôi, khi nghe lời ca: “… trên đầu súng quê hương, Tổ Quốc đã vươn mình …” (bài Trên Đầu Súng Quê Hương - của nhạc sĩ Anh Việt Thu). Có điều, hình như ý thức chiến tranh và hận thù vẫn chưa in dấu ấn sâu đậm hay tác động mạnh mẽ đến cuộc sống tôi, ngay cả lúc ở trong vùng khói đạn, chống chỏi với tử thần, với kẻ thù. Điều này có thể bảo là “đồng hóa” cái không ý thức rõ rệt hận thù với an phận buông xuôi được chăng ? Tôi chịu thua, không biết được ! Nhưng rất có thể nó là tiền thân cho cái … u uất sau này cùa tôi.
Mùa thu năm 1968, tôi được gọi đi học khóa 14 LLĐB tại Trung Tâm Huấn Luyện LLĐB Động Bà Thìn. Kỷ niệm khó quên, in sâu trong ký ức tôi, không chỉ ở những môn học đặc biệt như du kích và phản du kích, tình báo, mật báo viên, vũ khí ngoại lệ, vũ khí của khối Cộng sản, vượt ngục đào tẩu, thoát hiểm mưu sinh, “Lệnh hành quân của LLĐB” … mà còn phải nói đến cái “ướt át dầm dề” - cái ướt át dầm dề của bão lụt kéo dài suốt hai tuần lễ thực tập mãn khóa. Cạnh đó, cái tên “nhóm Caribou” của nhóm chúng tôi, đã coi như một hiện tượng mang tính chất “quậy” và khôi hài !
Riêng về “nhóm caribou”, tôi đôi lời tường tình ủy khúc: một nhóm khóa sinh chúng tôi, ngay từ buổi đầu gặp nhau tại TTHL Động Bà Thìn, đã biểu đồng tình mí nhau rằng … mình không thể không có mặt tại Nha Trang trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật được. Phép hàng tuần chỉ có một ngày: Thứ Bảy hoặc Chủ Nhật, vậy chúng ta phải tự ký thêm một ngày … Cứ “dù” trước cái đã ! Bị phạt thì chịu. Thà bị phạt còn hơn “chèo kheo” ở trung tâm trong ngày nghỉ cuối tuần. Ai chịu … nghéo tay ! Trong tuần đầu khóa học, nhóm “phép tự ký” chỉ có vài ba người. Tuần sau, tăng gấp đôi … rồi sau tăng gấp ba ! Thành phần nhóm có cả Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ.
Kể ra thì nhóm chúng tôi cũng rất … biết điều, nghĩa là, có “dù” ngày Chủ Nhật thì cũng tê nhị đợi tập họp điểm danh chiều Thứ Bảy xong rồi mới “vù” về Nha Trang. Hơn nữa, vào lúc đó, đã quá chiều rồi, điếm canh ngoài cổng TTHL/ĐBT dễ dàng thông cảm cho chúng tôi “nhảy dù không phép”.
Vào thời gian sẩm tối đó, việc đón xe đò về Nha Trang rất khó. Xe nào cũng đông nghẹt. nhiều khi xe quá đông nên chạy luôn, không dám ngừng lại. Để chắc ăn, chúng tôi cử người ra đứng giũa đường khi thấy xe chạy tới. Thường thì xe hết chỗ ngồi nên khi xe ngừng lại, chúng tôi đu toòng tenh ngoài bửng xe, thậm chí có khi phải leo lên mui xe, ngồi chồm hổm với … hàng hóa … Có một anh bạn nào thấy cảnh đó đã ví von là đi “caribou”!. Danh từ khôi hài “nhóm caribou” từ đó, ngẫu nhiên thành cái “tên chết” luôn !
Nhóm caribou chúng tôi chấp nhận hình phạt dã chiến ngay ngày Thứ Hai đầu tuần sau đó và không kêu ca gì cả. Sau lần phạt thứ hai, sĩ quan kỷ luật của TTHL đã biến hình phạt dã chiến thành hình phạt “trường kỳ”, tức phạt kéo dài trong suốt thời gian thụ huấn khóa học). Hình phạt trường kỳ khá … đặc biệt là “nhóm caribou” tự động (khỏi cần ra lệnh) chạy năm vòng sân cột cờ của TTHL ngay sau bữa ăn trưa mỗi ngày. Chuyện lãnh phạt là đương nhiên, dám làm, dám chịu. Rồi một hôm, nhân số nhóm caribou bỗng tăng vọt không ngờ. Khi tập họp lãnh phạt, thấy đông quá, một số anh em nồng cốt, tức hội viên vĩnh viễn của nhóm, nhìn nhau thì thầm: “Thời cao trào … caribou … đã điểm …” rồi cùng nhau cười. Trung úy Ba, Sĩ quan kỷ luật của TTHL, không hiểu tại sao chúng tôi cười nên hỏi tại sao chúng tôi cười … Đợi mãi, không thấy ai trả lời, Trung úy Ba nói:
- Nếu không ai trả lời, tôi tăng chạy gấp đôi, mười vòng. Còn nói, tôi giảm cho, chỉ phải chạy một vòng thôi !
Tôi bấm tay ra dấu anh bạn đứng cạnh trả lời. Trung úy Ba giữ lời hứa và chỉ phạt nhóm chạy một vòng thôi. Tôi thầm nghĩ, chắc ông ông ta còn cái “mửng” nào nữa đây, chứ làm gì có chuyện dễ dãi khó hiểu như vậy. Trong khi anh em về phòng nghỉ, tôi bước tới gần trung úy Ba, cười … cầu tài và nói:
- Khóa LLĐB có môn học đặc biệt về chiến tranh ngoại lệ tức chiến tranh không quy ước, tôi đem áp dụng vào việc đi phép …
Trung úy Ba chưa hiểu ý tôi nên hỏi :
- Thế nghĩa là sao ?
Tôi nói nhanh :
- Ý tôi nói, chúng tôi đi phép ngoại lệ, không quy ước, không có trong … nội quy của TTHL.
Trung úy Ba thổi ngay còi tập họp khóa sinh lại và nói :
- Thiếu úy H. mới cho tôi biết về tương quan giữa chiến tranh ngoại lệ, tức không quy ước và đi phép ngoại lệ, không quy ước, tức không theo nội quy. Để cám ơn nhã ý đó, tôi cũng đáp lại bằng một hình phạt dã chiến ngoại lệ, không quy ước, không có trong nội quy của TTHL dành riêng cho thiếu úy H. là lãnh thêm năm vòng sân cho hình phạt trường kỳ để chứng minh sự tương quan giữa hai thứ ngoại lệ, không quy ước, rất quan trọng. Thiếu úy H. bắt đầu ngay từ hôm nay …
Anh em được một trận cười thỏa thích. Còn tôi, dĩ nhiên phải cắn răng chịu phạt. Một bài học đáng đời cho cái tính điễu cợt không đúng lúc, đúng chỗ !
Khóa 14/LLĐB có khoảng trên mười Sĩ quan, cấp bậc từ Chuẩn úy đến Trung úy; được thành lập thành sáu toán. Hạ sĩ quan khoảng hai chục người, binh sĩ ít hơn, khoảng 20 người. Mỗi toán gồm một Sĩ quan toán trưởng, một Sĩ quan toán phó, ba hoặc bốn hạ Sĩ quan, và ba binh sĩ. Thời gian thụ huấn ba tháng kể cả hai tuần lễ thực tập ra trường (mãn khóa). Chỉ huy trưởng TTHL/LLĐB/ĐBT là Trung tá Huỳnh Văn Thơm, chỉ huy phó là Thiếu tá Khánh.
Về các môn học, chúng tôi được huấn luyện đủ các môn học quân sự, chiến lược, chiến thuật một cách tổng quát vì thời gian thụ huấn chỉ kéo dài ba tháng. Đặc biệt chúng tôi được học về các môn như chiến tranh ngoại lệ, tức chiến tranh không quy ước, chú trọng hơn cả là về du kích và phản du kích chiến; các môn học về vượt ngục đào tẩu, mưu sinh thoát hiểm, tình báo tác chiến; vũ khí ngoại lệ, vũ khí của khối Cộng sản và môn phá hoại, vũ khí mìn bẫy …
Trong các môn học đặc biệt này, chúng tôi rất thích thú và cũng rất hồi hộp khi học và thực tập học Vũ khí & mìn & phá hoại. Môn này do trung úy Từ phụ trách huấn luyện.
Ngay dưới cái bảng “Khu Phá Hoại” (Demolition Area) có ghi câu (tôi không nhớ rõ nguyên văn) đại ý nói : “Với Phá Hoại, không có đùa giỡn lần thứ hai”. Trong lúc thực tập về môn này, rất nhiều anh em chúng tôi rất ngại khi tháo ráp M-72 hoặc cho ngòi nổ vào thuốc nổ … tuy thế, chúng tôi rất thích môn “phá hoại, vũ khí, mìn” này vì học trong phòng ít, mà học và thực tập ngoài bãi thì nhiều. Khi thì lên tận bãi phá hoại gần Xuân Ninh, để thực tập về chất nổ và mìn, đặc biệt, về mìn “claymore” vì sức nổ thụt hậu của mìn “claymore” rất nguy hiểm. Khi thì ra bãi biển Mỹ Ca, gần Cây số 9 Hòa Do, thực tập về C-4 và các loại lựu đạn. Các cuộc thực tập này thật vui vì vừa được đi dạo quanh vùng núi hay biển, hít không khí thiên nhiên đồng quê, và khi thực tập về lựu đạn, chúng tôi thường ra biển … để “ăn có” ném cá … kiếm thêm chút “gia vị hải sản” cho bữa ăn trưa ngoài bãi !
Về các môn học khác như Quản Trị Hành Chánh, do Trung úy Quang phụ trách, Tâm Lý Chiến do Thiếu úy Đặng Lân huấn luyện, Tình Báo do Trung úy Xuân phụ trách, và các môn Du Kích và Phản Du Kích Chiến, Chiến Tranh Ngoại Lệ, Không Quy Ước, các loại Vũ Khí của khối Cộng sản (tôi không nhớ tên huấn luyện viên), đã mang đến cho chúng tôi rất nhiều điều mới lạ, đầy bổ ích. Chúng tôi còn biết “xử dụng” các danh từ đặc biệt chuyên môn của mỗi môn học như “cao trào, thoái trào”, “vỏ bọc”, v.v… và còn biết áp dung ngay vào các chúng tôi như cắt cử bạn này làm “mật báo viên lang thang”, ban kia làm “cảm tình viên” … để đi lấy tin tức cho các cuộc thực tập của các môn chiến lược cũng như chiến thuật. Quả thật, toán nào kiếm được nhiều tin tức tình báo khi thực tập sẽ được điểm cao và khen thưởng.
Về Sĩ quan, tất cả học tổng quát các môn học chiến lược, chiến thuật của LLĐB. Về Hạ sĩ quan, chia làm hai giai đoạn: giai đoạn một, tất cả học tổng quát các môn học; giai đoạn hai, các khóa sinh Hạ sĩ quan phải chọn một trong hai môn: Tình Báo hoặc Phá Hoại. Sau đo học hết giai đoạn hai trở thành chuyên viên Tình Báo hay chuyên viên Phá Hoại của Toán LLĐB.
Riêng về cuộc sống sinh hoạt của khóa sinh chúng tôi lúc đó rất vui vì các khóa sinh nói chung, từ C-I (Vùng I), C-II (Vùng II), C-III (Vùng III), C-IV (Vùng IV), và Bộ Tư Lệnh LLĐB. Đặc biệt không có khóa sinh thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Hành Quân Delta và Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Nhảy Dù vì đây là hai đơn vị Thả Toán và Hành quân Tác chiến đặc biệt của LLĐB nên không thể cử người đi thụ huấn được. Chúng tôi tụ tập về gặp nhau thụ huấn khóa LLĐB trong ba tháng rồi chia tay, mỗi người một ngả. Những câu chuyện từ rất nhiều trại Biên phòng, từ các Bộ Chỉ Huy C, các Bộ Chỉ Huy B, các Toán A LLĐB và Tiếp Ứng … cho tới Bộ Tư Lệnh LLĐB … được kể lại cho nhau nghe suốt khóa mà không chán, không hết.
Một chuyện không thể quên được, chuyện làm sao để “ghi sổ” tại Câu Lạc Bộ vì các khóa sinh từ bốn phương, tứ xứ về học chỉ ba tháng rồi “vù” mất, nếu các món “ghi sổ” chưa thanh toán xong mà đã mãn khóa học, “con nợ” trở về đơn vị cũ … thì bắt ai trả vào đây !
Trung Tâm Huấn Luyện có hai câu lạc bộ, một của Trung Tâm, gọi CLB Trung Tâm. Một của dân sự thầu bán, gọi là Câu lạc bộ A-B. CLB Trung Tâm thì vắng khách, còn Câu lạc bộ A-B rất đông vì lý do dễ hiểu : người thầu Câu lạc bộ có hai cô con gái song sinh, giống nhau như lột, khoảng 17, 18 tuổi, phụ bán luôn trong câu lạc bộ. Tất cả các khóa sinh khóa LLĐB ở Động Bà Thìn trong những năm 1967, 1968, 1969, không ai mà không nhớ đến “cô A, cô B” và ít nhất, họ, cũng đã một vài lần nhận lầm cô A ra cô B, người này ra người kia ! Vấn đề “ghi sổ”, CLB Trung Tâm tuyệt đối không cho. Chỉ còn Câu lạc bộ A-B thôi. Thành ra, khóa sinh nào muốn … ghi sổ (cuối tháng trả), phải có “người bảo kê”, thường là những sĩ quan hay hạ sĩ quan cán bộ hay huấn luyện viên của TTHL mới đứng ra “bảo kê” được thôi. Riêng nhóm khóa sinh sĩ quan chúng tôi được ở một phòng cuối dẫy Câu lạc bộ A-B nên chỉ cần cần … đằng sau quay, đàng trước bước mươi bước thôi là tới ngay trước cửa Câu lạc bộ A-B. Vui thì vui thật, song, hao, cũng kinh khủng lắm. Tôi, năm trước đó, cũng học nhảy dù ở TT, và lại có hai bạn cùng khóa làm huấn luyện viên TTHL nên có “uy tín” để ghi sổ và “bảo kê” cho mấy người bạn khác nữa … Tôi chợt nhớ đến các bạn: Chuẩn úy Tơ, hiền lành như cục đất, toán phó của tôi, Thiếu úy Khánh, Bộ Tư Lệnh LLĐB, Thiếu úy Đoàn Văn Xường, Chuẩn úy Quang, chuẩn úy Hoàng Công Thức … Bạn Thức rất nhỏ con nên chúng tôi gọi bằng “hỗn danh … Hoàng Công Khí Căn”. Sự thực, chúng tôi rất thương nhau nên khi nghe gọi cái tên ấy, bạn Thức chỉ cười hề hề và còn nói: “Gọi tau bằng tên gì cũng được, miễn đừng loại tên tau ra khỏi danh sách công thần …” (ám chỉ danh sách ghi nợ). Chẳng hiểu giờ này bạn Thức ở đâu đây, còn nhớ chuyện cũ không !! Còn một chuyện nữa, thật buồn, bạn Quế, một chuẩn úy trẻ, đẹp trai … nhưng sau khi mãn khóa được dăm tháng, tôi nghe tin Quế đã tử trận trong một cuộc hành quân tại Vùng II. Chuyện vui buồn, còn nhiều nữa, kể sao hết.
Đặc biệt, có một câu chuyện rất kỳ thú về một binh sĩ khóa sinh của Khóa Nhảy Dù cùng thời với gian khóa LLĐB chúng tôi. Khóa sinh nhảy dù đó đã mở dù bụng (trong một “sô” của 7 sô nhảy mãn khóa) vì dù chính không bung. Các khóa Nhảy Dù ở TTHL thường cho nhảy bảy “sô” mãn khóa tại Mỹ Ca hay Xuân Ninh vì ở đây có những bãi khá bằng phẳng, có một số bụi cây nhưng thấp, không nguy hiểm cho nhảy dù. Lần đó, các huấn luyện viên và an ninh bãi nhảy dù (phu trách an toàn bãi nhảy dưới đất) của TTHL, đứng dưới đất theo dõi các khóa sinh nhảy ra khỏi máy bay. Thường thường, khoảng một lúc sau, các dù đã mở bung trên bầu trời … Trông đúng như “hoa dù” đang nở … Thế nhưng có một bóng đen cứ vun vút rơi xuống vì dù lưng không bung. Một hạ sĩ quan an ninh bãi nhảy thấy vậy, không thể đợi lâu hơn được nữa, bèn hô lớn :
- Nghiêm !
Tất cả mọi người đứng dưới đất nghe tiếng hô, vội đứng nghiêm để chào lần cuối … nếu như … không mở dù bụng kịp.
Bỗng dù trắng (dù bụng) bung ra. Tiếng vỗ tay vang dậy. Những tiếng thở phào nhẹ nhõm đầy vui vẻ. Dù trắng tức dù bụng vì đeo trước bụng, nhỏ hơn dù chính đeo sau lưng. Dù bụng (mầu trắng) là dù cấp cứu, chỉ được mở khi dù chính (dù lưng) không bung. Còn nếu dù lưng đã mở mà còn mở dù bụng thì rất nguy hiểm khi đáp xuống đất, người nhảy dù như thế dễ gặp tai nạn và nếu có gió sẽ bị gió lôi cuốn đi rất tai hại, nguy hiểm nhất là với khóa sinh mới học nhảy dù.
Anh chàng khóa sinh nhảy bằng dù lưng đó, ngay khi xuống tới đất đã được khen thưởng cùng với món tiền nhỏ để đi phép cuối tuần vì anh ta đã bình tĩnh và tỉnh táo để mở dù bụng khi dù lưng không bung. Đầu tuần sau đó, khi hết phép, trở về lại TTHL, anh chàng kia bị phạt kỷ luật vì “cố tình” nhảy bằng dù bụng. Khi ở trên máy bay lúc nhảy ra khỏi máy bay, anh khóa sinh kia, không móc khoen chữ D của dù chính (dù lưng) vào dây cáp trên máy bay mà cầm theo khi nhảy ra ngoài nên dù chính (lưng) không bung ra được. Sau đó anh giựt dù bụng. Vì sự an toàn của khóa học nhảy dù, những người gấp dù lưng và dù bụng, được ghi tên, ngày giờ xếp dù … đầy đủ vào giấy tờ để làm hồ sơ lưu sau này nếu như có gì trục trặc, trở ngại trong khi nhảy dù. Do đó, họ mở cuộc điều tra, tìm các bạn bè thân thiết hay người nằm cạnh anh khóa sinh kia thì được biết, anh ta đã “bí mật” nói với bạn mình trước khi lên máy bay … rằng anh ta sẽ nhảy bằng dù bụng để “tìm cảm giác lạ, cảm giác mạnh” ! Dù bị phạt, anh chàng kia cũng rất đắc chí và mọi người đều phục cái lỳ của anh chàng binh sĩ nhảy dù bụng kia.
Ngày tháng trôi đi, cái các khóa sinh LLĐB chúng tôi chờ đợi đã tới : Thực tập mãn khóa trong hai tuần lễ.
Chương trình hai tuần lễ thực tập mãn khóa gồm :
* Tuần lễ đầu tức giai đoạn một:
- Lập căn cứ mật.
- Tuyển mộ, kết nạp, tuyên thệ …
- Lễ xuất quân
* Tuần lễ thứ hai tức giai đoạn hai
- Phát động, tuyên truyền, bành trướng tiềm năng sức mạnh…
- Đánh phá nhỏ: du kích, phục kích …
- Đánh lớn : tấn công đồn bót, các cơ quan …
- Nổi dậy, tổng tấn công …
Khu vực hành quân thực tập mãn khóa là những khu rừng núi, khu eo biển, và khu định cư, quanh TTHL, ở cả hai bên Quốc lộ 1 (QL 1). Từ hướng bên kia QL 1, (phía trước mặt TTHL) chiều rộng, tính tới các vùng eo biển, vào khoảng vài ba cây số. Hướng bên này QL 1, đi sâu về phía rừng núi sau lưng TTHL/ĐBT, xa khoảng bảy, tám cây số. Chiều dài từ Xuân Ninh, qua Cây số 9, Hòa Do, qua bãi Mỹ Ca, TTHL/ĐBT đến các trại Định cư Yên Hòa, Hòa Yên, và có thể xa hơn chút nữa. Như thế, chiều dài khu rừng núi hành quân thực tập vào khoảng mười lăm cây số.
Các toán xuất phát từ TTHL, xâm nhập vùng hành quân bằng ba cách: đường bộ, đường thủy, đường không. Xâm nhập đường thủy tức dùng các xuồng cao su (bơm hơi bằng tay), bắt đầu từ eo biển phía trước TTHL và cách QL 1 khoảng vài ba, cây số, chèo xuồng về hướng Yên Hòa, Hòa Yên rồi đi bộ băng qua QL 1 để vào khu rừng núi phía sau lưng TTHL. Đường không, tức nhảy dù xuống bãi nhảy Xuân Ninh rồi xâm nhập vào khu hành quân. Đường bộ tức đi bộ từ TTHL, len lỏi qua các khu rừng thưa để tiến sâu vào khu hành quân. Các toán xâm nhập bằng đường bộ và đường thủy, xuất phát từ nửa đêm. Riêng với các Toán xâm nhập bằng đường không, vì lý do an ninh, đã được nhảy dù xuống bãi Xuân Ninh từ tờ mờ sáng, thay vì nhảy dù vào lúc nửa đêm. Như thế, các toán thực tập ở rải rác trong khu rừng núi từ Xuân Ninh, qua TTHL đến khu vực trại định cư Yên Hòa và Hòa Yên. Vị trí mỗi toán có thể cách nhau vài ba cây số vô chừng.
Mỗi toán có một Sĩ quan của TTHL đi theo để làm sĩ quan trọng tài và nếu toán gặp việc gì khó khăn, cấp bách, khóa sinh toán trưởng có thể hỏi ý kiến sĩ quan trọng tài và trong trường hợp khẩn cấp, vị sĩ quan trọng tài này sẽ chỉ huy tổng quát. Mỗi toán có một tiểu đội Biệt Kích Quân đi theo để giữ an ninh cho toán trong khu vực hành quân thực tập; và đồng thời cũng đóng vai những “du kích, Nghĩa quân được tuyển mộ, kết nạp” của toán.
Tuần lễ đầu, các toán phải làm các công việc sau: lập căn cứ mật chiêu tập, tuyển mộ, kết nạp, rồi tuyên thệ … Giai đoạn đầu này được kết thúc bằng Lễ xuất quân. Tất cả các việc làm trên phải tuyệt đối bảo mật. Các vị trí, địa điểm của căn cứ mật - tức vị trí đóng quân lúc đó của mỗi toán thực tập - và các việc làm trên (nói chung), nếu để bị lộ, thì bất cứ cán bộ, nhân viên nào của TTHL cũng có quyền đuổi bắt, tiêu diệt, phá hủy. Các toán hành quân thực tập không thể chống lại mà chỉ chạy trốn, đào tẩu. Lý do, các toán còn trong thời kỳ trứng nước, không đủ tiềm lực, khả năng chống đối lại. Họ chỉ còn một con đường duy nhất “bỏ của chậy lấy người” rồi sau đó tìm cách … làm lại từ đầu! Còn nếu khóa sinh nào để bị bắt sẽ bị rớt khóa học.
Riêng tôi, nhờ tìm hỏi kinh nghiệm của các khóa trước qua bạn bè ở TTHL nên ngay khi nhảy dù xuống bãi Xuân Ninh vào lúc tản sáng, tôi dẫn toán đi thẳng vào khu rừng thật sâu, qua cả đường rầy xe lửa, cách QL 1 khoảng năm cây số. Theo tâm lý chung, các cán bộ, nhân viên, huấn luyện viên của TTHL thường ít khi muốn đi xa, đi sâu vào khu rừng rậm âm u để tìm bắt các toán thực tập. Như thế, dù cả toán tôi, ai ai cũng mệt mỏi nhưng lại an toàn, ít bị lộ, và nếu có bị theo dõi hay bị đuổi bắt, toán tôi cũng dễ dàng tẩu thoát vì địa thế rừng sâu, hiểm hóc, dễ lẩn trốn.
Có một toán vô tình bị cán bộ TTHL phát giác, tìm theo dấu vết đến chỗ đóng quân rồi vây bắt. Cả toán chỉ kịp cầm súng và dây đạn trốn chậy, bỏ lại ba-lô, lương khô ... Khoảng nửa tiếng sau đó, chờ tình hình lắng dịu, toán trưởng, toán phó và các toán viên mới dám mò về. Khi về tới nơi thì ôi thôi … mọi thứ trong ba-lô đều bị vất ngổng ngang khắp vị trí đóng quân của toán. Quần áo bị ném xuống các vũng nước cho ướt hết, các đồ hộp bị mở bung ra hết, các gói gạo sấy đều bị đổ đầy nước, các bi-đông nước uống không còn một giọt …! Thật tội nghiệp, lương khô, đồ hộp trang bị cho bảy ngày (cho tuần lễ đầu) thì đã được “làm sẵn sàng” để ăn trong một ngày … ăn không hết đành phải bỏ đi chứ biết làm sao bây giớ !!! Cả toán ai ai cũng ôm đầu méo mặt; trong khi đó, Sĩ quan trọng tài và tiểu đội BKQ nhìn nhau gật gù và nói: “Bài học đầu tiên. Đừng nản, còn nhiều nữa, ráng lên !”. Anh chàng toán trưởng phải cử hai toán viên “xuống núi”, bí mật đến các khu dân cư gần hai bên QL 1 để tìm mua gạo sấy lương khô (mổi người bảy ngày) cho cả toán. Hai anh này tuy được “xuống núi” nhưng chẳng vui gì vì trong lòng nơm nớp lo sợ bị bắt thì cả toán cũng “meo mặt, meo bụng” luôn …
Kỷ niệm nhớ đời của khóa 14 LLĐB là cơn bão lụt rơi ngay vào thời gian thực tập mãn khóa (cuối tháng 10 – 1968). Trời mưa tầm tã ngay từ ngày đầu … xâm nhập ! Mưa dầm dề từ ngày này sang ngày khác. Mưa gió không kéo dài liên tục cả ngày đêm mà đứt đọạn khoảng vài ba tiếng, rồi gió mưa lại … trở lại ! Quốc lộ 1 từ Cam Ranh về Nha Trang bị gián đoạn giao thồng rất nhiều chỗ, trong mấy ngày liên tiếp. Chúng tôi được biết, thành phố Nha Trang nước ngập lên tới đầu gối. Tất cả các toán đang thực tập, đều bị rơi vào cảnh “ướt như chuột lột” vì mỗi khóa sinh chỉ mang trong ba-lô hai bộ đồ hành quân thôi, thế nên, quần áo ướt mà trời không có nắng … làm sao khô kịp !!! Chúng tôi, ai ai cũng phải lấy bao nylon gói thật chặt, thật kín một bộ đồ khô để dành mặc ban đêm. Đến sáng hôm sau, cởi ra gói thật chặt, thật kín bộ đồ khô lại, rồi măc đồ ẩm ướt để tiếp tục hành quân thực tập. Cái “Poncho” trở thành … tri âm tri kỷ của chúng tôi trong suốt thời gian hai tuần lễ “ướt át đầm đìa”. Đầm đìa đến độ thức ăn cũng … đầm đìa nước mưa. Mấy ngày đầu, chúng tôi còn kiếm chỗ trú mưa để ăn uống, sau nản quá, lúc nào đói, ngồi đại xuống chỗ nào đó, mặc trời mưa gió, ngồi khom lưng lại để che qua loa gói cơm sấy, lon thịt hộp … rồi ăn vội ăn vàng cho xong bữa !!!
Một đêm kia, trời mưa rả rích, tôi căng võng, lấy poncho ra, cột chặt chỗ có cái nón và để chung đầu vào, (cho kín lại) rồi treo lên một cành cây ở giữa cái Poncho. Tôi ngồi vào võng, cài các nút quan Poncho lại, ngả lưng nằm ngủ. Cả ngày trong mưa gió, chân tay rã rời, nằm nghe loáng thoáng những tiếng giọt mưa từ những cây lá đọng lại rồi rớt xuống poncho, tôi thấy gờn gợn gai ốc …rồi thiếp đi trong giấc ngủ … Không biết bao lâu sau, trong mơ màng, một cảm giác tê buốt chạy từ đỉnh đầu xuống cổ, xuống vai tôi … Tôi giật mình thức dậy, đưa tay sờ lên cổ, lên vai … Vai đã thấm ướt. Tôi ngồi bật dậy. Bóng đêm vây kín. Tôi nghĩ thầm, mình đã được bó lại trong cái võng, có cái poncho bó kín bên ngoài nữa … thì làm sao ướt được … Tôi sờ lên đầu, mớ tóc phía sau ót cũng thấm ướt. Tôi chợt hiểu, đưa tay sờ lên đầu võng, chỗ sợi giây sỏ qua để mắc võng … cũng đã ướt mèm. Thì ra, nước mưa thấm vào sợi dây cột võng từ trên hai thân cây lớn, chảy theo sợi dây xuống ngấm vào đầu tôi, vào người tôi. Phía dưới chân cũng vậy, cả hai đầu võng đều bị thấm ướt. Tôi nhìn đồng hồ, mới có hai giờ sáng. Tôi bước ra khỏi võng, lấy bộ quần áo ướt để cột toòng teng vào sợi dây mắc võng, gần sát đầu võng, rồi thả nó xuống mặt đất để nước mưa có thấm tới gần đầu võng thì sẽ theo bộ đồ ướt, chẩy xuống đất … Kỷ niệm mười bốn ngày trong rừng mà chỉ có hai ngày đầu được ngủ với quần áo khô. Mười hai ngày còn lại, không có lúc nào, quần áo được khô cả; da thịt cứ dính sát vào bộ đồ ẩm ướt và nồng nồng mùi hôi của nước mưa quyện với mồ hôi !!!
Tuần lễ đầu thực tập, dài đằng đẵng, như mưa gió đầm đìa, dai dẳng không dứt đang hành hạ chúng tôi. Có điều, phải thú thật, vì trời bão lụt, phía TTHL, nói chung, ít có dịp theo dấu và đuổi bắt các toán thực tập chúng tôi. Nhưng, còn một nỗi lo ở thật gần, ngay sát, ngay trước mặt chúng tôi, đó là những yêu sách của toán BKQ, (thành phần an ninh cho toán), đóng vai du kích, nghĩa quân được tuyển mộ, kết nạp … thì luôn luôn đưa ra các yêu cầu “cắc cớ” bắt chúng tôi phải thi hành, phải hoàn tất. Sĩ quan trọng tài cũng vậy, tuy nói là “trọng tài” nhưng có quyền nhận xét, phê điểm các toán thực tập, nên các toán ít khi dám đi ngược lại ý kiến của Sĩ quan trọng tài. Đây cũng là một trong những đặc điểm của khóa học.
Nói đến đặc điểm của khóa LLĐB, vào thời gian chúng tôi đang thụ huấn, có những điểm khác với những khóa LLĐB đầu tiên của hơn mười năm trước. Cái khác biệt, phải có, để thích hợp và đáp ứng nhu cầu chiến tranh đương thời. Tuy nhiên, căn bản khóa LLĐB (gốc) vẫn được huấn luyện đầy đủ, chi tiết … Chẳng hạn như về chiến tranh ngoại lệ, du kích, phản du kích, phá hoại và tình báo nhân dân cũng như tình báo tác chiến … Các toán thực tập chúng tôi đang đóng vai “lực lượng kháng chiến” nổi dậy, tổng công kích cho cuộc cách mạng chính nghĩa tự do. Như thế, lực lượng đối nghịch là TTHL, các cơ quan, cơ sở, công quyền địa phương …
Trong vài ba ngày đầu hành quân thực tập, các toán xâm nhập sâu vào khu núi rừng bên kia đường rầy xe lửa để tìm địa thế, vị trí thuận lợi để lập căn cứ mật. Đường rầy xe lửa Sài Gòn – Nha Trang chạy song song với QL 1 và cách QL 1 khoảng trên dưới 1 km.
Trong vài ba ngày đầu đó, toán phải kiếm được một vị trí đóng quân coi như địa điểm của mật khu để thực hiện những công tác, kế hoạch tiếp theo (trong đặc lệnh hành quân).
Các toán thường ở rải rác trong khu rừng cách QL 1 khoảng dăm cây số. Sau khi tìm được vị trí đóng quân nào đó, chính toán trưởng sẽ đích thân đi thám sát địa thế khu vực chung quanh để xác định mức độ an toàn rồi mới cho lệnh đóng quân. Tiếp theo, toán trưởng lập kế hoạch phòng thủ và cắt người gác vòng trong, nơi toán, cùng với sĩ quan trọng tài, đóng quân. Toán BKQ phụ trách canh gác vòng ngoài, cách chỗ đóng quân của toán khoảng vài chục mét để bảo đảm an ninh tổng quát cả khu vực quanh đó. Rồi toán bắt tay vào kế hoạch đã dự trù trong lệnh hành quân. Từ toán trưởng, toán phó, các hạ sĩ quan tình báo và chuyên viên phá hoại, truyền tin … đến các binh sĩ, mỗi người một trách nhiệm; có trường hợp làm riêng cá nhân vì phần hành chuyên môn, có trường hợp làm chung cả toán.
Hạ sĩ quan truyền tin tìm vị trí đặt máy, căng ăng-ten, liên lạc với các toán bạn và BCH/TTHL/ĐBT. Hạ sĩ quan tình báo bắt đầu đi thám sát khu vực quanh vị trí đóng quân để biết tình hình an ninh. Những ngày sau đó, tìm cách di chuyển bí mật từ nơi đóng quân ra những khu xóm làng dò la, tìm hiểu mọi tình hình nói chung để tuyên truyền, chiêu dụ nghĩa quân … Việc đi lấy tin tức và đánh giá nguồn tin rất quan trọng, không phải chỉ với người hạ sĩ quan tình báo mà cho cả toán.
Tất cả những việc làm, mọi hành động của toán nói chung, phải được toán trưởng lập báo cáo và gửi mỗi ngày về Bộ Chỉ Huy TTHL/ĐBT, đồng thời cũng phải thông báo cho sĩ quan trọng tài (SQTT) biết.
Bộ Chỉ Huy TTHL/ĐBT nhận được những báo cáo của Toán thực tập cũng phải xác nhận bằng máy truyền tin riêng với SQTT để biết đích xác hư thực về những báo cáo của toán. Từ đó, căn cứ vào báo cáo của toán và nhận xét của SQTT để đánh giá và chấm điểm tốt nghiệp của toán thực tập.
Trong trường hợp toán thực tập làm không đầy đủ các nhiệm vụ trong hành quân thực tập, SQTT “bật đàn xanh” cho toán BKQ đưa ra những “yêu sách” buộc toán phải thực hiện. Vì toán BKQ kiêm luôn cả vai du kích, nghĩa quân được tuyển mộ nên nếu toán không đáp ứng thỏa đáng những yêu cầu đòi hỏi của nghĩa quân tuyển mộ thì họ ly khai, bỏ toán ra đi. Như thế, toán sẽ “rớt đài” tức bị loại khỏi cuộc HQ thực tập mãn khóa. Những yêu sách … tai quái các toán BKQ thường đưa ra bắt toán phải thực hiện thường là :
- Yêu cầu có âm nhạc giải trí. Họ thoát ly để vào mật khu trong rừng sâu lâu ngày, buồn bã quá, nên muốn được nghe những bản vọng cổ, hay nhạc ngoại quốc …
- Yêu cầu về tiện nghi vật chất căn bản: Họ ở nhà nằm giường chiếu quen rồi, vào đây nằm dười đất, đá, nên rất lạnh và đau lưng, bây giờ nếu không có giường chiếu thì phải có chòi lá che mưa nắng và chõng để nằm ngủ.
- Hôm làm lễ kết nạp, nhất là xuất quân, phải có tiệc liên hoan múa hát, với món ăn tươi và cả “chè đậu xanh, bột báng nước dừa” nữa v.v…
Thật oái oăm, giữa rừng sâu âm u, cách khu xóm làng cả bốn, năm cây số, chuyện đi kiếm mua chè đậu xanh, bột báng nước dừa, thêm người ca được vọng cổ, biết nhảy múa, đâu phải dễ làm. Nhưng vẫn phải làm những gì có thể làm được như cho toán viên lén trốn xuống khu xóm làng để mua … đậu xanh, bột báng nước dừa. Còn vọng cổ thì kiếm băng cassette vọng cổ với cái máy cassette (sài pin) về để mở nghe …. Ngần ấy thôi, cũng đủ “lạnh xương sống” rồi !
Trên thực tế, những “yêu sách” đó, chỉ là những khuyến cáo nhắc nhở những toán thực tập thiếu tinh thần trách nhiệm, cho rằng không cấp thiết phải tận tâm tận lực trong cuộc hành quân mãn khóa, một cuộc hành quân mang tính chất thực tập. Toán nào gặp phải trường hợp này, dĩ nhiên phải biết sửa đổi, làm tốt mọi việc sau này, bởi họ biết rằng sẽ không có “khuyến cáo nhắc nhở” lần thứ hai nữa !.
Cũng trong tuần lễ đầu này, toán chúng tôi phải tìm thêm một hay hai vị trí phòng hờ khác để đóng quân. Vì trong trường hợp toán bị phát hiện, bị lộ, toán phải tức tốc di chuyển đến địa điểm phòng hờ đó. Dĩ nhiên, với những địa điểm này, toán cũng phải tới đóng quân ít ra trong một ngày, và phải báo cáo về BCH/TTHL, đầy đủ vị trí, kế hoạch phòng thủ … như vị trí chính yếu.
Sáu ngày mưa gió não nề trôi qua, tôi đã ba lần phải mò ra khu vực khu đường rầy xe lửa cho một công tác đặc biệt. Hai lần đầu, do hạ sĩ Liêm bí mật dẫn đi. Nhiệm vụ chính để thám sát tổng quát đia hình, địa thế, khu vực rộng lớn chung quanh toán; cũng như bí mật gặp toán trưởng các toán khác, để thực hiện kế hoạch liên kết các lực lượng bạn, ngay trong thời gian đầu của toán (đóng vai lực lượng kháng chiến) đúng như diễn tiến trong đặc lệnh hành quân.
Thành thật mà nói, toán tôi rất may mắn đã có một Hạ sĩ trong vai một toán viên, anh tên Liêm, là binh sĩ cơ hữu của TTHL/ĐBT. Liêm tâm sự với tôi vì đi phép quá ngày nên bị phạt đi học khóa LLĐB này. Gia đình Liêm ở ngay trại định cư Hòa Yên, chính nhờ đó, Liêm đã giúp tôi rất nhiều cho những “nghiệp vụ” liên lạc với bên ngoài (dân chúng) và nhất là lấy tin tức liên quan đến TTHL (tức đối phương của các toán thực tập). Chính Liêm đã dắt tôi đi trong hai lần đầu, và đặc biệt, sang tuần lễ thứ hai sau này, Liêm còn giúp toán nhiều việc khác nữa.
Ngày cuối tuần lễ đầu, toán cho rút từ từ từ trong rừng sâu ra ngoài phía QL 1. Tuy thế, các toán vẫn còn trong giai đoạn giữ bí mật nên vẫn cho đóng quân ở khu rừng cách đường rầy xe lửa khoảng gần một cây số để dễ dàng di chuyển hay xâm nhập vào khu xóm làng hai bên QL 1. Tuy thế, chuyện rời vị trí đóng quân rất bất lợi vì dễ dàng bị “giới chức” TTHL tóm bắt đưa về giam tại TTHL. Do đó, mọi việc “xuất quân” đều do toán trưởng quyết định. Riêng với những khóa sinh thực tập, nếu bị bắt (giam tại TTHL) mà tìm cách vượt ngục đào tẩu được thì người đó sẽ tốt nghiệp với hạng cao (á khoa hoặc thủ khoa). Nói chung, tuần lễ đầu với tất cả khóa sinh chúng tôi, ai ai cũng sợ bị bắt, dù đang ở ngay tại địa điểm đóng quân trong rừng sâu. Bởi bị bắt thì khó mà vượt ngục được, coi như cầm chắc …“cái rớt” trong tay. Chúng tôi sống lén lút, mò mẫm, ẩn chỗ này, lách chỗ kia … cả tuần lễ trong mưa bão mà vẫn phải làm việc trong căng thẳng nên ai ai cũng chỉ mong được sang tuần lễ thứ hai để “bung” ra hít thở không khí trong lành của khu xóm làng nhộn nhịp, với tiếng nói, tiếng cười… Tuy thế, những nhiệm vụ như tuần tiễu, phục kích, mìn bẫy đánh phá, phản công, tổng phản công v.v… (của tuần lễ thứ hai) còn nặng nề, nguy hiểm … hơn tuần đầu nhiều, nhất là dưới cái mưa dầm giá lạnh của mưa bão đang đổ xuống vùng trời Cam Ranh này. Đấy là chưa kể đến chuyện khóa sinh chúng tôi vẫn có thể bị phe TTHL bắt cóc… vì theo đặc lệnh hành quân, trong giai đoạn hai, hai phe (khóa sinh và TTHL) được quyền dùng mọi chiến thuật “bắt cóc” lẫn nhau. Nên, chưa biết mèo nào ăn mèo nào. (Chúng tôi được biết, chính đại úy Tr.Kh. Nghiêm, Liên đoàn trưởng LĐ khóa sinh đã thú nhận bị một Sĩ quan khóa sinh (khóa 13 LLĐB) bắt và dẫn vào rừng theo toán trong suốt tuần lễ thứ hai. Kết quả, người Sĩ quan khóa sinh kia đậu thủ khoa).
Trở lại toán tôi, vị SQTT là Trung úy Thái, người trầm tính, hiền lành. Ông nói với tôi :
- Ngày mai, cuối tuần, cũng là ngày chuẩn bị sang giai đoạn hai của hành quân thực tập, cả tuần nay trời mưa bão, ngay Nha Trang cũng ngập nước, tôi có việc phải về Nha Trang, vậy tôi giao trách nhiệm coi cả toán cho anh. Thứ Hai tuần tới, tôi trở lại toán. Anh nhớ điều đừng làm điều gì … quá đáng; bởi bất cứ việc gì xẩy đến với, tôi cũng lien đới chịu trách nhiệm. À, anh rất may mắn có Hạ sĩ Liêm trong toán, nó giúp toán nhiều lắm nhưng nhớ đừng … lạm dụng nó nhe, nhất là cho việc riêng của mình.
Tôi cười, hai người nắm tay nhau vui vẻ. Tôi mơ đến ngày mai, được nhìn thấy khu xóm làng … Tôi cũng rất nhớ “tô bún bò giò heo” đặc biệt của CLB A-B ….
Toán tôi, lúc xâm nhập từ Xuân Ninh đã di chuyển qua khu vực TTHL và rồi đến khu ven rừng, gần trại định cư Yên Hòa. Ngày đầu tuần lể thứ hai, tôi dẫn toán băng qua đường rầy xe lửa tiến về hướng khu xóm làng Yên Hòa và cho đóng ở một địa điểm kín đáo cuối thôn xóm Yên Hòa. Kể từ tuần lễ thứ hai này, các toán ở giai đoạn hoạt động “bán công khai”, nghĩa là có thể xuất đầu lộ diện nhưng vẫn phải giữ bí mật để bảo toàn lực lượng và chú trọng nhiều đến các hoạt động, công tác về dân vận, tâm lý chiến … để phát triển và bành trướng thế lực của mình.
Trung úy Thái sau hai ngày cuối tuần về Nha Trang, đã trở lại với toán tôi. Ông cười và nói ngay với tôi: “Thôi, kể từ giờ này, tời lúc “sổ lồng” của các toán rồi, những gì đã học được thì hãy mang ra “múa” nhưng nhớ coi chừng, múa “quá đà” sẽ “gẫy cán” đấy … nhe người bạn trẻ !”
Toán chúng tôi bắt đầu mở màn giai đoạn hai bằng những cuộc tuần tiễu, thám sát, lục soát … quanh khu vực đóng quân, tức khu ven xóm làng và khu đường rầy xe lửa. Dĩ nhiên trong những cuộc hành quân như thế, có cả tiểu đội BKQ tham dự vì họ đóng vai binh lính của lực lượng cách mạng. Chương trình huấn luyện cho BKQ, toán chúng tôi đã huấn luyện trong tuần lễ đầu, nhưng trên thực tế chỉ báo cáo bằng công điện về BCH/TTHL mà thôi. Vì không cần thiết phải thực hiện ngay trong khu vực thực tập. Riêng với những cuộc thám sát, tuần tiễu, lục soát này, thường trong tầm tay, tương đối dễ dàng thực hiện.
Tiếp theo đó, toán lập kế hoạch hành quân quấy rối, đánh phá các đồn bót địch, hoặc dùng chiến thuật du kích để tiêu diệt, làm hao tổn lần mòn lực lượng địch và tránh được tổn thất về phía mình. Tất cả cuộc hành quân thực tập đều do BCH/TTHL ra lệnh, hầu hết là bất ngờ và thường thay đổi vị trí, mục tiêu của các cuộc tuần tiễu, phục kích v.v… Các địa điểm những cuộc hành quân trên luôn luôn xa vị trí đóng quân của toán khoảng năm, sáu cây số. Tất cả những điều trên là chủ đích của TTHL tập cho khóa sinh luyện tập sức khỏe dẻo dai, chịu đựng gian khổ, biết phản ứng cấp thời … và đồng thời đạt được yểu tố bảo mật hay bất ngờ trong hai lãnh vực không gian và thời gian.
Đôi khi, chỉ trong một ngày, chúng tôi nhận lệnh BCH/TTHL phải tổ chức tới ba cuộc hành quân phục kích, đánh phá quấy nhiễu v.v… Như thế, hôm đó, toán coi như không có giờ nghỉ, mà ngay cả ăn cũng phải vừa đi vừa ăn. Thế mà cả khóa chúng tôi còn bị “trời hành” mưa gió, ướt át, lạnh run người lên … Cái số … tránh đâu được ! Chậy đằng … trời thì trời cũng đuổi theo !
Trong các cuộc hành quân của tuần lễ thứ hai, phải nói đến những cuộc phục kích đoàn xe lửa, hay xe hơi và giật mìn các cây cầu hay cho nổ các cơ quan, cơ sở của địch hay đặc biệt hơn, tổ chức bắt cóc những nhân vật quan yếu, nguy hiểm của địch (tức phía TTHL). Hạ sĩ quan tình báo (chuyên viên T.B.) chịu trách nhiệm đi lấy tin tức về lộ trình và giờ giấc di chuyển của xe lửa hay xe hơi, giờ giấc làm việc, thói quen của các nhân viên làm việc tại các cơ quan địch v.v… để tổ chức các cuộc “bắt cóc yếu nhân” hay đánh phá hoặc giật mìn được chính xác và thành công.
Về phần hành đặt mìn bẫy, phá hoại cầu đường, gây tắc nghẽn, làm trở ngại giao thông, các Hạ sĩ quan phá hoại (chuyên viên P.H.) sẽ đi đo đạc các nhịp cầu, phân loại những sắt thép của cây cầu, đánh giá sức nén, sức ép, độ cứng chịu đựng cùa cầu đường v.v… để chiết tính lượng thuốc nổ và sức công phá của các loại mìn, mới có thể lập bản phúc trình cho công tác phá hoại.
Trên thực tế, các Sĩ quan chúng tôi cũng học về tình báo, phá hoại và các môn khác nhưng chỉ học tổng quát. Còn Hạ sĩ quan chuyên viên tình báo hay phá hoại được học đầy đủ chi tiết, kỹ thuật … để thực hiện các công tác chuyên môn của ngành nghề mình theo học. Cho nên, các toán trưởng phài hiểu biết tổng quát về bất cứ kế hoạch nào do hạ sĩ quan chuyên viên đệ trình hoặc đề nghị thực hiện.
Khóa LLĐB năm ngoái, có một toán (khóa sinh) đã tổ chức một cuộc chặn đoàn xe lửa dù chỉ là thực tập nhưng thành công ngoài sự tưởng tượng, ngay cả BCH/ TTHL cũng không ngờ được. Khi đoàn xe lửa bị chăn lại, toán thực tập đã hành động như thật khiến các hành khách trên các toa tưởng là toán cướp thật. Nhưng năm phút sau đó, cả toán đã thành thật cáo lỗi và xác nhận đây chỉ là cuộc hành quân thực tập thôi. Các hành khách trong các toa ai nấy đều vỗ tay và cười phá lên … BCH/TTHL nghe tin đó đánh điện chúc mừng toán và thiếu tá CH phó TTHL đã đích thân tời khen thưởng toán.
Trở lại với toán tôi, ba ngày sau đó, cũng như tất cả các toán khác, tôi lệnh cho toán tiến vào khu xóm làng, đóng quân ở các khu đất trống cạnh các cơ sở như Hội Đồng Xã. Trong đặc lệnh HQ của TTHL, ghi rõ “Tuyệt đối, không có toán nào được đóng quân ở trong khu vực (hàng rào) nhà dân hay trong các cơ công cộng khác”. Điều này các toán phải tuyệt đối tuân thủ, để bảo vệ tài sản công cộng và riêng tư của dân chúng cũng như không được đụng chạm đến những lãnh vực, phạm vi khác để bảo đảm an toàn về quyền lợi cá nhân của dân chúng.
Lúc này, bước sang giai đoạn chuẩn bị cho các cuộc đánh phá tương đối lớn để cuối cùng tổng phản công, tổng khởi nghĩa … Do đó, những bài học về tuyên truyền dân vận, tâm lý … rất quan trọng mà các toán chúng tôi cần thực hiện tối đa. Tôi nhớ đến hạ sĩ Liêm, người có gia đình đang sống ở trại định cư Yên Hòa. Như thế, Liêm rất thuận lợi đứng ra đóng vai “con thoi” cho toán và dân chúng vùng Yên Hòa này trong công tác “dân vận”. Nói cách khác, Liêm, được coi như người “tay trong” của toán chúng tôi.
Tôi nẩy ra một ý lạ, và vội kêu Chuẩn úy Tơ, toán phó, với Hạ sĩ quan tình báo và Hạ sĩ Liêm vào họp kín, khẩn. Tôi nói ngay ý định sẽ tổ chức một cuộc chiếu phim tại khu chợ Yên Hòa vào chiều tối ngày mai. TTHL sẽ cung cấp phương tiện máy móc phim ảnh và dàn nhạc (sống) văn nghệ… về phía toán chúng tôi sẽ lo tìm địa điểm, giữ an ninh, vận động dân chúng đến xem … Dĩ nhiên trong lúc chiếu phim, có lồng vào những chương trình phim thời sự, hoặc những câu chuyện mang tính cách tuyên truyền, dân vận tâm lý chiến … Sau một hồi thảo luận, anh em chúng tôi đi đến quyết định đồng ý.
Chúng tôi bắt tay vào làm liền. Trước hết, Trung sĩ chuyên viên tình báo (CVTB), tôi quên tên, cấp tốc đi cùng với Hạ sĩ Liêm đến các gia đình quen, các bạn bè … để ướm hỏi xem họ có “hứng thú tham dự” không. Kết quả cuộc thăm dò đó phải hoàn tất trước nửa đêm hôm đó để sáng sớm hôm sau, toán gửi công điện về BCH/TTHL xin thực hiện tổ chức chiếu phim công cộng với mục đích tuyên truyền, dân vận. Nửa đêm hôm đó, Hạ sĩ quan CVTB và Liêm đã cho biết câu trả lời : dân chúng, ai ai cũng vui vẻ và sẵn sàng đến tham dự …
Sáng sớm hôm sau, toán gửi công điện về BCH/TTHL báo cáo kế hoạch trong công tác dân vận và xin được chấp thuận cũng như cung cấp cho toán nhưng phương tiện (máy chiếu phim và ban nhạc) để thực hiện một cuộc chiếu phim có văn nghệ ca hát …. Một giờ sau, chính đại úy Nhơn, Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị của TTHL gọi máy yêu cầu nói chuyện trực tiếp với tôi, toán trưởng, để minh xác về yêu cầu của toán và đặc biệt chính toán trưởng phải cam kết sẽ vận động được dân chúng đến coi đông đảo ít ra phải hàng trăm người. Bởi khi thực hiện chuyện đó, BCH/TTHL phải báo cáo về BTL/LLĐB. Nếu toán không thực hiện được, toán trưởng sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và bị khiển trách năng nề. Tôi trả lời hoàn toàn chịu trách nhiệm vì biết rằng cả toán đã đồng lòng cùng làm cùng chịu nên vững tâm tin vào sự nhiệt tâm của hăng say trong công tác của cả toán.
Trung Thái, (SQTT) thấy vậy, nhìn tôi lắc đầu : “Tôi không ngờ anh là người chơi trội đầu tiên trong cả mười bốn khóa LLĐB từ trước tới nay ! Tôi không biết thua thắng như thế nào nhưng phải ngầm phục anh trong lòng …” Quả thật lúc đó, tôi cũng lo sợ lắm, nhưng đã lỡ phóng lao … đành phải theo luôn. Sau này “nghiệp vụ” đó thành công không ngờ được, và ngay trong buổi chiều tối chiếu phim và văn nghệ ca hát, đại úy Nhơn (Trưởng Khối CTCT của TTHL) đã đến tham dự, thây quá đông người, vội kéo tôi ra một quán cà phê với cái bắt tay nồng nhiệt rồi tâm tình cả tiếng đồng hồ sau mới về. Đúng như một chuyện “phong thần”, toán tôi đã được khen tặng là toán “văn nghệ lả lướt” nhờ vào kết quả thành công của việc chiếu phim, ca nhạc đã thực hiện được.
(Sau này, khi mãn khóa, toán tôi có một thủ khoa và một Á khoa. Có ba thủ khoa cho ba cấp: Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ. Hạ sĩ Liêm chiếm thủ khoa về cấp Binh sĩ. Chuẩn úy Tơ, toán phó tôi chiếm á khoa về cấp sĩ quan. Toán chúng tôi mừng lắm nhưng đâu có ai biết được những gì hạ sĩ Liêm đã nói với tôi ngày đó. Liêm bảo rằng “Ông thày nhất định phải xin thực hiện việc chiếu phim, ca hát này vì em biết chắc sẽ đông lắm. Ông thày biết không, đây là lần đầu tiên có chiếu phim và ca nhạc công cộng và đặc biệt, đám trẻ “Lolita” tụi em ở đây sẽ đi đông lắm, không phải để coi phim, nghe nhạc … mà chủ ý để gặp gỡ, tán tỉnh nhau … Mấy khi có dịp … ngàn năm một thuở … Em bảo kê mà … đừng bỏ lỡ nhe ông thày …” Đó là lý do tôi tôi quyết định thực hiện công tác đặc biệt cho bài học “dân vận tâm lý chiến” và dĩ nhiên, đã đề nghị cho Liêm vào danh sách “ứng viên” thủ khoa (cấp binh sĩ) coi như thay lời cám ơn của tôi ! Bây giờ không biết Liêm ở đâu nhỉ ? Có nhớ lại chuyện cũ với cái tên “văn nghệ lả lướt” không … Cho tôi lập lại lời cám ơn thêm một lần nữa nhe !)
Chặng đường quyết định nhất ở giai đoạn cuối là cuộc nổi dây tổng công kích (hai ngày cuối thực tập). Lúc đó, các toán di chuyển ra đóng quân ở những khu vườn cây (thường là vườn soài) ngay hai bên QL 1 để BCH/TTHL dễ dàng đến dự buổi thuyết trình hành quân cuối cùng của mỗi toán. Mỗi toán chọn một địa điểm thuận lợi làm Bộ Tư Lệnh Tiền Phương, (BTL/TP) lập sa bàn (y như thật với ngoài địa thế bên ngoài) và làm bản “Lệnh Hành Quân” - một loại “Lệnh Hành Quân LLĐB” (LHQ/LLĐB). Tất cả toán trưởng chúng tôi chưa biết LHQ/LLĐB phải làm như thế nào. Gọi hỏi nhau nhưng không ai biết cả. Cuối cùng, chúng tôi dựa vào những điểm chính của bản LHQ thông thường rồi “pha chế” thêm vài ba điểm là lạ trên địa thế hoặc trong chiến thuật công thành đả viện, đột kích, … Sự thực, muốn làm “đặc biệt” thêm nữa, cũng không biết làm thêm cái gì nữa !
Rồi thời gian đã đến. Sáng hôm đó, BCH/TTHL báo cho các toán biết sẽ đến nghe Toán 6 thuyết trình lệnh HQ trước tiên. BCH/TTHL yêu cầu tất cả các SQ toán trưởng và toán phó các toán khác phải có mặt ở BTL/TP toán 6 để cùng nghe thuyết trình. Trong khi ngồi nghe SQ toán trưởng tóan 6 thuyết trình, chúng tôi thỉnh thoảng liếc nhìn Trung tá CHT/TTHL xem thái độ của vị CHT như thế nào, nhưng không đoán được vì ông chỉ ngồi trầm ngâm, im lặng. Sau một tiếng đồng hồ nghe thuyết trình, trung tá CHT đứng dậy nói :
- Cám ơn Thiếu úy X., (trưởng toán 6) đã lập xa bàn rất chính xác, lệnh hành quân rất tỷ mỉ. Buổi thuyết trình ngưng ở đây và khỏi cần nói thêm về … đặc lệnh truyền tin, phối hợp đơn vị bạn và phản ứng cấp thời .. vì tất cả những thuyết trình về lệnh HQ vừa qua chỉ dành riêng cho một cuộc hành quân bộ binh thong thường chứ không phải cho HQ/LLĐB. Yêu cầu toán 6 cho làm lại và các toán khác lấy đây làm kinh nghiệm để thực hiện phần hành của toán mình.
Tất cả chúng tôi nhìn nhau ngơ ngác. Trước khi trung tá CHT ra về, ông nói với chúng tôi :
- Cho các anh một cơ hội chót : các anh có 24 giờ để làm lại LHQ. Mười giờ sáng ngày mai, chúng tôi sẽ đến nghe thuyết trình lại và toán 3 sẽ thuyết trình đầu tiên.
Sau khi Trung tá CHT cùng các Sĩ quan tham mưu TTHL lên xe đi về, các khóa sinh Sĩ quan chúng tôi ngồi lại để tìm cách giải quyết. Thiếu úy Vương Hữu Hưởng, rất thân với tôi, đề nghị :
- Tôi đề nghị Thiếu úy H., trưởng toán hai, người quen biết nhiều với các SQ huấn luyện viên TTHL nên dễ dàng tìm gặp “mấy ổng” đó để “dò la, hỏi khéo” về những điểm đặc biệt trong bản LHQ/LLĐB. Chẳng biết phải gọi cái vai này là “mật báo viên” lang thang, la cà, nghiệp dư, ân tình hay “mật báo viên” gì nữa thì cũng không quan trọng. Bởi điều cần thiết là tìm được câu trả lời để giúp chúng ta qua được cái ải cuối cùng này.
Tôi cười, nhìn Hưởng trả lời
- Cám ơn lòng tốt của mày. Có điều, làm như thế, chẳng khác gì “lậy ông tôi ở bụi này”. Tao không thể đóng cái vai “mật báo viên bất đắc dĩ” đó được. Nhưng ta sẽ cắt “người đặc biệt” của tao đi làm nhiệm vụ đó. Còn chuyện thành bại không thể biết trước được.
Những tiếng cười vui vẻ vang lên. Một anh toán trưởng khác bỗng nói :
- Chúng ta phải làm khẩn cấp, thời gian chỉ còn buổi trưa và chiều nay nữa thôi. Chuyện này chủ yếu nhờ vào trưởng toán hai, nhưng tất cả chúng ta, ai ai cũng phải cố gắng mỗi người một tay, bằng mọi cách đi “khám phá bí mật” để cùng nắm tay nhau vượt qua chặng cuối này. Thôi, không thể chậm trễ được nữa, bắt tay vào ngay từ bây giờ đi.
Chúng tôi rời BCH/TP của toán 6 về trở lại toán mình. Về tới chỗ toán đóng quân, tôi lấy giấy viết vội mấy lời “tâm phúc” cho người bạn tôi, Huấn luyện viên của TTHL. Rồi, gọi ngay hạ sĩ Liêm vào nói nhỏ: “Cầm thư này, bí mật lẻn về TTHL rồi trao tận tay cho anh bạn tôi. Nhớ đợi anh ta trả lời rồi về cho tôi biết ngay”. Kết quả, chiều hôm đó, tôi nhờ Liêm chở tôi bằng Honda đến một quán cà phê khá kín đáo ở một khu xóm cách TTHL khoảng ba cây số để gặp anh bạn tôi và Trung úy X. (SQ Khối Huấn Luyện) do anh bạn tôi “mời” như một “vị khách đặc biệt”. Vị khách đó, khi thấy tôi đã nói ngay :
- Tôi không lạ gì chuyện này vì từ trước đến giờ, khóa nào cũng gặp cái nan đề đó. Tôi chỉ có thể nói được một câu duy nhất với các anh, tức khóa sinh, là các anh phải biết rõ mình đang đóng vai gì trong hành quân thực tập mãn khóa. Từ đó, hãy mang những gì mới lạ đã học - tôi nhấn mạnh đến hai chữ Mới La - đem ra áp dụng, dĩ nhiên cho cả Lệnh Quân. Ngoài ra, vấn đề còn lại, cũng không kém phần quan trọng là sự suy luận cùng sáng kiến của mỗi toán biết sang tạo, áp dụng trên thực tế ! Thôi chúng ta nói chuyện khác đi.
Rồi, anh bạn tôi chuyển câu chuyện sang những đề tài khác. Anh ví cuộc hành quân thực tập của khóa năm nay như cuộc hành quân ở giữa khu Đồng Tháp Mười, Vùng IV, vào mùa mưa … Mãn khóa rồi, khóa sinh trở về đơn vị cũ tha hồ mang theo biết bao “kỷ niệm ướt át” … và “đầm đìa nước mắt” !!! Một câu khôi hài thật ý nhị. Trong lúc uống cà phê, tôi ngồi nghe nhiều hơn nói chuyện vì trong đầu chỉ lẩn quẩn câu trung úy Khối Huấn Luyện “gợi ý” để chúng tôi tự “bật mí” lấy những bí mật kia ! Thật may mắn cho tôi đã vô tình hiểu được phần nào cái bí mật kia khi liên tưởng đến những chữ “du kích, ngoại lệ, vỏ bọc, tình báo chiến, tâm lý chiến, dân vận …” Và tôi trực giác thấy có một sự liên quan rất đặc biệt giữa tình báo chiến và tâm lý chiến trong cuộc chiến tranh ngoại lệ.
Sau đó, lúc về, tôi đem những lời “chỉ khéo” kia nói nguyên văn lại với các toán trưởng khác để họ tùy nghi thẩm định.
Sáng ngày hôm sau, vào lúc 10 giờ, Trung tá CHT cùng các Sĩ quan tham mưu TTHL đến toán 3 trước tiên để nghe thuyết trình hành quân. Tất cả những toán trưởng (khóa sinh) đã nộp bản thảo Lệnh HQ ngay từ sáng sớm hôm đó. Mọi sự đánh giá, chấm điểm về Lệnh Hành Quân của mỗi toán chỉ tính trên những bản (LHQ) đã được nộp trước. Mọi sự bổ túc, nói thêm sau này của toán thuyết trình sau, nếu có, đều vô giá trị.
Cuối cùng, khi nghe xong hết các toán thuyết trình, Trung tá CHT nhận xét tổng quát :
- Các toán tuy đã làm những sa bàn rất công phu, xác thực với địa thế bên ngoài, và phần diễn tiến các kế hoạch, phối hợp Chỉ huy, cũng như các điểm khác, tuy nói lên được điểm chính yếu như nói về chiến thuật nội công ngoại kích, công đồn đả viện, điều động các lực lượng du kích, dân quân địa phương … nhưng tất cả chỉ ở mức độ tổng quát. Điểm đặc biệt, cả sáu toán hấu như có nhiều điểm giống nhau trong lệnh hành mà quên mất rằng những vị trí, địa thế, tính chất, mục đích … của mỗi cuộc đánh phá, nổi dậy v.v… không giống nhau. Từ đó, lệnh LHQ của các toán không thể rập khuôn như nhau dù ở bất cứ một điểm nhỏ nào. Tóm lại, những điểm thiếu xót các toán chưa thực hiện được, chưa đi vào chi tiết là :
- Chưa có sự liên lạc, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng cơ hữu cũng như của đơn vị bạn để tổng công kích, nổi dậy chính xác vào một giờ đã định trước, không sai một giây, một phút...
- Chưa thực hiện được chiến thuật “hỏa mù” hoặc “diện và điểm” để đánh lạc hướng địch.
- Chưa thực hiện hoàn toàn, thành thạo … được những cách sử dụng ám hiệu, ám thị, ám lệnh … cho việc thông tin liên lạc.
- Chưa sử khai triển triệt để được những ưu điểm về cách sử dụng “vỏ bọc” cho các tầng lớp dân chúng, từ già trẻ, lớn bé, cho đến nam cũng như nữ … Tỷ như một người đạp xích lô, một bà già bán hàng rong, một ông già kiếm củi v.v… vào “giờ đã điểm” họ sẽ lột bỏ những “vỏ bọc” đó để đổi thành một chiến sĩ, một tay súng đắc lực … Đây là yếu tố “bất ngờ” rất quan trong.
- Về tình báo và phản tình báo, chưa thực hiện được chiến thuật “bắt cóc”, hay gài người làm nội ứng hoặc theo dõi, bí mật tìm hiểu những thói quen, những yếu điểm của các “yếu nhân” địch hay vị trí quan trọng của địch. Hoặc ngụy tạo những tin tức để đánh lừa địch.
Đó là một số điểm yếu của các toán nói chung. Mong các toán sẽ lấy đây làm kinh nghiệm hiếm có, nhưng quan trọng để sau này, còn phải dùng đến nó. Chúc các bạn gặt được nhiều thành quả tốt trong tương lai.
Một ngày căng thẳng đã qua. Sau khi CHT/TTHL ra về, tất cả SQ chúng tôi ngồi lại, liên hoan với nhau chỉ bằng “cà phê bột, sữa bột” không âm nhạc, nhưng rất thân mật, cười nói hả hê. Quả thật, tới lúc đó, chúng tôi mới biết rằng nội công ngoại kích, “vỏ bọc”, ám lệnh, tín hiệu … là yếu tố rất quan trọng cho cuộc nổi dậy tổng công kích đạt được thành công. Mọi diễn tiến, kế hoạch hành quân luôn luôn trong âm thầm, bí mật, mọi việc đều ăn khớp đâu vào đó, để khi tiếng nổ báo lệnh … giờ đã điểm thì mọi việc coi như đã xong. Tính chất của hành động bí mật và thần kỳ là đặc điểm của khóa LLĐB, không phải chúng tôi chưa nghe đến, song, mãi cho đến lúc thực tập khóa học LLĐB này, chúng tôi mới thấu hiểu sâu xa được. Bài học quý giá này, đã giúp chúng tôi thêm những kinh nghiệm cần thiết khi về lại các trại Biên phòng LLĐB chúng tôi đang ở.
Kỷ niệm xưa sâu đậm trong tôi như cơn bão dầm dề dai dẳng, mang thêm chút băng buốt, để mỗi lần những giọt mưa lành lạnh, bay trên tóc, rớt xuống mặt, lại kéo tôi về vùng “tâm tư ướt sũng” của ngày nào. Cạnh đó, cái âm vang “nhóm Caribou” vẫn còn lởn vởn quanh tôi khi có cơn gió vừa gờn gợn trên làn da tôi !
Bao nhiêu năm qua rồi. Ông già thời gian vẫn cứ thản nhiên quay đều “bánh xe lãng đãng”. Trong thời gian tù cải tạo ở ngoài Bắc, năm 1978, tại trại tù Vĩnh Quang, Tam Đảo, tôi gặp thiếu tá Tr. H. Thành, (ở BCH/TTHL/ĐBT ngày trước). Đến năm 1984, lúc chuyển về trại Xuân Lộc, tôi gặp lại Thiếu tá Xuân, huấn luyện viên về Tình Báo của TTHL, ngày trước. Tôi nhận ra anh, nhưng không ngờ anh thay đổi quá nhiều. Anh tiều tụy, dáng dấp đầy u uẩn, thường ngồi một mình bên cái điếu cầy … Anh cũng bị đui một mắt như tôi, tôi muốn hỏi anh về con mắt hư, song thấy vẻ buồn “cố cựu” của anh, tôi lại thôi.
Đến năm 1989, tức hơn hai mươi năm sau ngày theo học khóa LLĐB, tôi đến nhà thăm Trung tá Huỳnh Văn Thơm (vị CHT/TTHL/ĐBT ngày trước). Lúc đó, tôi đã tù cải tạo (giữa năm 1984), còn ông, mới ra tù cải tạo được một năm. Tôi không thể diễn tả được ý nghĩ của tôi lúc đó. Có điều, tôi biết chắc rằng, ý niệm trân trọng và kính mến của tôi với vị CHT đó, từ ngày trước, đến bây giờ và mãi mãi về sau, vẫn không bao giờ phai nhạt. Bây giờ Trung tá Huỳnh Văn Thơm, đã vĩnh viễn ra đi, nhưng hình ảnh một vị CHT trầm tĩnh và bao dung vẫn còn đọng mãi trong tâm trí tôi.
Hàng năm, vào dịp tất niên hay tân niên, một số những người lính mũ xanh rêu chúng tôi, ở chung một tiểu bang, có thói quen ngồi lại với nhau chuyện trò tình cảm, chia vui sẻ buồn cũng như gửi tâm tình về những vùng kỷ niệm xa xưa …
Một lần, NT Đệ, tâm tình với anh em chúng tôi :
- Mới năm ngoái đây, mấy anh em khóa A - LLĐB chúng tôi, còn thấy nhau, còn nghe tiếng nhau, bây giờ, anh Dương đã ra đi. Còn lại anh Lộc và tôi … Người ở trên phía Bắc, người dưới phía Nam, khó mà gặp nhau được. Chỉ có dịp này, gia đình nhỏ nón xanh rêu chúng ta trong cùng một tiểu bang, quay quần với nhau thật đầm ấm vô cùng. Còn gì quý hơn, nhất là với lớp tuổi già chúng tôi.
NT Đệ ngừng lại, chỉ tay về hướng anh Bảo rồi tiếp :
- Mấy anh em già này, quả thật, không thể làm cái việc gom anh em chúng ta lại với danh nghĩa “gia đình nhỏ nón xanh” và như chúng ta đều biết, anh Bảo làm được việc đó sáu bảy năm nay rồi. Niềm vui chung cho chúng ta khi còn đến với nhau, ngồi lại với nhau như thế này, đồng nghĩa với còn chút sức lực để lái xe được … Ngày mai, ngày mốt đây, không biết sẽ thế nào … không ai biết được. Chúng ta đã mang chung một niềm đau, một nỗi u uất không sao tả được.
Giọng NT Đệ trầm hẳn xuống :
- Dĩ vãng … làm sao vứt bỏ đi được … Chúng ta đang sống trên đất Mỹ, ngày xưa, “đồng minh” … Nói thế nào bây giờ khi mà … Nước bạn đồng minh giải thích, việc làm đem quân vào miền Nam Việt Nam, có mục đích cao quí, giúp đỡ Nhân dân miền Nam chống Cộng sản phương Bắc. Bởi vì miền Nam Việt Nam là tiền đồn chống Cộng của thế giới tự do. Lý do khác nữa, cần có sự hiện diện để giám sát việc sử dụng viện trợ v.v… Nhưng, sau khi thỏa ước Thượng Hải được ký kết, nghĩa là kế hoạch toàn cầu trong khu vực đã đạt được kết quả tốt đẹp như ý muốn, nước bạn đồng minh lại một lần nữa biện minh rằng chiến tranh Việt Nam là của người Việt Nam, người Việt Nam tự giải quyết … Nói cách khác tức “Việt Nam hóa chiến tranh” … và đẻ ra cái “quái thai ba thành phần” trong Hiệp định Paris - một cái cầu được dựng lên để Cộng sản miền Bắc đánh chiếm miền Nam. Miền Nam đã bị bỏ rơi, như một câu ví “đem con bỏ chợ”, thân phận nước nhược tiểu là thế đó. Mỉa mai hơn, trước đây, “miền Nam Việt Nam là tiền đồn chống Cộng của thế giới Tự do” thì chẳng bao lâu sau, mặc nhiên được cho phép hạ ngọn cờ kiêu hùng tên tiền đồn chống Cộng của thế giới Tự do xuống, và thay thế vào đó ngọn cờ đỏ sao vàng ngày 30 tháng 4 - 1975, thay vào đó bằng ngọn cờ mà trước đây đã “cùng nhau” ngăn chặn …
Việt Nam hóa chiến tranh chấm dứt. Các nước bạn đồng minh thảnh thơi rũ áo từ biệt vĩnh viễn miền Nam Việt Nam mà chẳng hề biết đến cái hậu quả tang thương … từ 30 - 4 - 75 đó đang đổ xuống miền Nam !!!
…
Những tâm tình sau đó, chuyển tiếp qua câu chuyện về Vùng Kỷ Niệm với Căn Cứ Biên Phòng (trại LLĐB) Đức Huệ do Thiếu tá Nguyễn văn Bảo chỉ huy. Tôi nói với anh Bảo :
Những tâm tình sau đó, chuyển tiếp qua câu chuyện về Vùng Kỷ Niệm với Căn Cứ Biên Phòng (trại LLĐB) Đức Huệ do Thiếu tá Nguyễn văn Bảo chỉ huy. Tôi nói với anh Bảo :
- Nhân đây, anh kể lại trận đánh ở Đức Huệ đi. Có cả Thon nữa, cũng là một Đại đội trưởng, hồi đó, trong trận đánh do anh chỉ huy …
Anh Bảo đưa tay cắt ngang :
- Không được đâu anh H. Làm sao mà kể ngay bây giờ được, đầu óc nào mà nhớ ngay lại được chuyện từ “Mùa Hè đỏ lửa” … Thôi, cho tôi dịp khác, để còn tôi moi lại trí nhớ cái đã . ..
Sau đó, tôi có dịp gặp anh Bảo và nhắc lại lời hứa trước kia về trận đánh ở căn cứ Biên phòng Đức Huệ. Cuối cùng, anh Bảo kể lại trân đánh đó cho mấy anh em chúng tôi nghe.
Bằng một giọng từ tốn cố hữu, tiếng anh vang lên nhè nhẹ :
Đức Huệ Một Thời Nổi Sóng.
. . . Địa danh Đức Huệ, một hình ảnh đáng ghi nhớ hơn cả trong đời lính của tôi. Đức Huệ, một vùng ruộng rẫy, bùn lầy, đã bị bỏ hoang từ nhiều năm. Tôi không biết rõ từ năm nào. Khoảng năm 1967, khi thuyên chuyển về C3/LLĐB, tôi nhận thấy vùng ruộng rẫy Đức Huệ không còn được canh tác, trồng cấy nữa. Đức Huệ nằm trong vùng Mỏ Vẹt, sát biên giới Việt - Cambodge. Cộng quân đã xử vùng này làm đường xâm nhập vào lãnh thổ Vùng III Chiến thuật, vì đặc tính “bùn lầy” của vùng đất này. Đó là một đường giây xâm nhập hết sức quan trọng của Cộng quân từ biên giới Cambodge vào thủ đô Sài Gòn.
Để ngăn chặn đường xâm nhập này, của Cộng sản, và cũng nằm trong kế hoạch phòng thủ biên giới của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, căn cứ Biên phòng Đức Huệ được thành lập năm 1965. Vị trí căn cứ cách mười cây số về hướng Tây của biên giới Việt - Cambodge của vùng Gò Dầu Hạ. Trách nhiệm đồn trú và hoạt động của căn cứ này được giao phó cho một tiểu đòan Biệt Kích Quân (CIDG) do một toán A/LLĐB/VN chỉ huy. Đến năm 1970, Biệt Kích Quân (CIDG) đổi thành Biệt Động Quân Biên Phòng và Tiểu đoàn BKQ/Đức Huệ đổi thành Tiểu đoàn 83/BĐQ/BP. Đồng thời được tăng cường một pháo đội 105 ly, đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Liên Đoàn 33/BĐQ trực thuộc Bộ Chỉ Huy BĐQ/Quân Đoàn III.
Tiểu đoàn 83/BĐQ/BP được giao phó nhiệm vụ khám phá, truy lùng và diệt địch trên các trục lộ xâm nhập của địch từ biên giới vào lãnh thổ Vùng III chiến thuật. Từ đó, căn cứ biên phòng Đức Huệ đã tổ chức nhiều cuộc hành quân gây tổn thất nặng nề cho địch. Những mật khu Tà Nội, Ba Thu …. thường bị TĐ 83/BĐQ/BP phục kích, đánh phá khiến địch phải thay đổi lộ trình, thời gian cũng như kế hoạch xâm nhập. Địch thấy mối đe dọa trầm trọng gây ra từ căn cứ biên phòng Đức Huệ nên chúng lập kế hoạch chống lại và bằng mọi cách phải triệt hạ căn cứ Đức Huệ.
Vào thượng tuần tháng tư năm 1972 - Mùa Hè đỏ lửa - Cộng sản đã mở một cuộc công kích ác liệt vào căn cứ Đức Huệ. Với một Trung đoàn chủ lực của công trường 7 làm mũi dùi chính, Cộng quân còn tăng cường một đơn vị đặc công để cùng ồ ạt tấn công vào các vị trí phòng thủ của căn cứ BP/Đức Huệ. Các chiến sĩ TĐ 83/BĐQ/BP đã chiến đấu vô cùng dũng cảm và chặn đứng địch quân ở tuyến phòng thủ của căn cứ. Đồng thời bẻ gẫy tất cả những đợt xung phong ồ ạt của chúng và duy trì, củng cố vững vàng vị trí đóng quân của căn cứ. Sau một ngày đêm tấn công không kết quả mà con bị tổn thất nặng, Cộng quân phải chuyển kế hoạch “dứt điểm” (căn cứ) sang chiến thuật công đồn đả viện. Từ đó, chúng tăng cường một đơn vị pháo binh phòng không, trang bị đại liên 12 ly 7 và hỏa tiễn phòng không loại “SAM 7” (cá nhân) cùng với mũi dùi chính bộ binh nhằm vừa bao vây đồn, vừa phục kích hay triệt hạ những phi vụ tiếp tế, tải thương hoặc phi vụ thám sát, oanh kích của Không Quân QLVNCH.
Trong thời gian căn cứ bị bao vây, Cộng quân xử dụng những đơn vị pháo hạng nặng đặt ở bên kia biên giới Cambodge. Chúng pháo kích ngày đêm vào căn cứ nhằm tiêu hao lực lượng đồn trú và gây giao động tinh thần của các chiến sĩ TĐ 83/BĐQ/BP Đức Huệ. Chúng cố tình triệt hạ căn cứ Đức Huệ nên dồn mọi nỗ lực để kéo dài cuộc vây đồn hàng tháng trời. Thời gian đó, Cộng sản Bắc Việt khởi động “cao điểm tổng công kích” miền Nam. Các đơn vị trừ bị của Quân Đoàn III và Vùng III chiến thuật, kể cả BĐQ, đang tham chiến trên các mặt trận lớn lao, khủng khiếp - phải nói là trận địa chiến như chiến trường An Lộc, Phước Long v.v… nên trận địa Đức Huệ coi như một mặt trận nhỏ hơn. Một phóng viên chiến trường của QLVNCH, trước những trận địa đó, đã đặt tên cho thời gai đó là “Mùa Hè Đỏ Lửa”, cái tên đó còn vang mãi đến bây giờ …
Trong lúc chiến trường sôi sục khắp nơi, căn cứ BP/Đức Huệ vẫn chưa được giải tỏa. Một kế hoạch hành quân mạo hiểm - một quyết định táo bạo đến với Đại tá Chỉ huy trưởng BĐQ/QĐ-III/QK-III - đó là xử dụng lối đánh bất ngờ, nhảy ngay vào trong lòng địch, một lối đánh sở trường của LLĐB/VN.
Vì tính chất bất ngờ và chiến thuật đột kích vào ngay lòng địch nên lực lượng tham chiến không thể lớn được, nghĩa là lấy tinh nhuệ thiện chiến và kinh nghiệm chiến trường làm nỗ lực chủ yếu trong hành quân chứ không dựa vào số đông (nhân số). Như thế, việc lựa chọn người chỉ huy Trung đội trinh sát, một lực lượng tuy nhỏ nhưng rất quan trọng.
Tôi, một Sĩ quan cấp Tá lúc đó, được Đại tá CHT/BĐQ/QĐ III/QK III giao trọng trách đó cùng với lời ủy nhiệm :
- Chúng tôi tín nhiệm và đặt mọi tin tưởng vào thiếu tá trong cuộc hành quân đặc biệt này.
Tôi nhận trách nhiệm mà trong lòng không tránh khỏi băn khoăn suy nghĩ, nhưng cũng rất vui sướng và tự hào trước sự tín nhiệm được giao phó một công tác rất đặc biệt. Sau đó, phòng 3/BĐQ/QĐ III/QK III đã thuyết trình cho tôi rõ về kế hoạch hành quân. Những vị trí xâm nhập, bãi đáp (trực thăng vận) cũng như các mục tiêu hành quân và kể cả những chi tiết về phi pháo, kể cả yểm trợ … cũng được thuyết trình rõ rệt tỉ mỉ.
Sau cuộc thuyết trình, tôi xin Đại tá CHT cho được hội ý riêng với phi đoàn trực thăng biệt phái trách nhiệm thả chúng tôi vào vùng hành quân (Đức Huệ) và ứng chiến cho cả cuộc hành quân. Tôi bàn luận thêm các chi tiết quan trọng về kỹ thuật xâm nhập và triệt xuất đặc biệt của Binh chủng LLĐB chúng tôi với tất cả các phi công trong phi đoàn. Trong những cuộc hành quân đặc biệt, để bảo toàn bí mật và an ninh bãi đáp cho xâm nhập cũng như triệt xuất, chiến thuật ngụy tạo bãi đáp, địa điểm đổ quân (cho cà xâm nhập và triệt xuất) luôn luôn được xử dụng. Trước hết, chúng tôi phải bay thám sát chọn bãi đáp thật và giả cho cuộc đổ quân. Khi hành quân thực sự, tại bãi đổ quân giả, vài ba trực thăng bay quần quần rồi rà xuống thật thấp để địch dồn mọi chú ý và tưởng rằng chúng tôi đang đổ quân ở đấy. Trong khi đó, những trực thăng chở quân đổ bộ, bay thật nhanh đến bãi đáp chính để các Chiến sĩ Trung đội Trinh sát chúng tôi nhẩy thật nhanh xuống; chỉ trong chớp nhoáng đã biến mất khỏi khu vực đổ quân. Trên trời, trực thăng võ trang và “C and C”(kiểm soát và chỉ huy) bay vòng vòng để sẵn sàng tiếp ứng cho chúng tôi trong trường hợp có bất ngờ xảy ra.
Đúng như kế hoạch hành quân đã dự trù, tôi và trung đội trinh sát được trực thăng vận vào vùng hành quân và hoàn tất xâm nhập lúc 9 giờ sáng ngày N. Ngay sau khi nhảy xuống khỏi trực thăng, chúng tôi di chuyển trong chớp nhoáng và bắt đầu ngay kế hoạch hành quân đánh chiếm các mục mục tiêu. Tôi chia Trung đội thành hai Tiểu đội xung kích. Nhiệm vụ chính tiêu diệt các “chốt” địch ở hướng Đông của căn cứ bằng lựu đạn và vũ khí cá nhân. Để đánh lừa địch, dù quân số đánh chiếm các mục tiêu chỉ cấp Tiểu đội, nhưng đã được tăng lên cấp Đại đội bằng cách dùng tên gọi (cấp Đại đội) trong đặc lệnh truyền tin. Vì địch cũng dùng một số máy truyền tin như các đơn vị VNCH xử dụng nên chúng có thể rà các tần số và bắt được các đài khác. Do đó, chúng tôi cố ý “bạch hóa” những lệnh lạc, gây “hỏa mù”, đánh lạc hướng … để địch không thể biết được kế hoạch hành quân của chúng tôi dù rằng chúng rà máy nghe được bằng hệ thống truyền tin.
Từ vị trí đổ quân, các tiểu đội xung kích liên kết chặt chẽ để yểm trợ lẫn nhau dễ dàng. Chúng tôi bò sát rất thận trọng, không gây tiếng động để tới thật gần các vị trí địch đóng “chốt” và bất ngờ tấn công bằng lựu đạn gây hoang mang và tổn thất cho địch ngay từ lức mở đầu hành quân. Xong, chúng tôi dùng ngay hầm hố, các địa đạo của địch vừa chiếm được làm bàn đạp thanh toán, tiêu diệt các chốt khác càng nhanh càng tốt, đồng thời, tránh được hỏa lực phản công của địch. Đây được coi như một đòn “Gậy ông đập lưng ông” vì chúng không ngờ chúng tôi có mặt trong vùng của chúng và xử dụng ngay các “đòn phép, nghề ngón” của chúng để đập lại chúng một đòn chí tử.
Sau một ngày cận chiến, quần thảo với địch, Trung đội Trinh sát chúng tôi đã diệt trọn các chốt nguy hiểm của địch, tịch thu được một số các vũ khí đạn dược. Trời lúc đó đã nhá nhem tối, tầm quan sát bị hạn chế, tôi lệnh cho các tiểu đội bố trí phòng thủ tại các vị trí mới chiếm được và chuẩn bị cho những nhiệm vụ trọng yếu kế tiếp. Nhiệm vụ chính yếu này, chúng tôi phải hoàn tất ngay trong đêm hôm đó. Lợi dụng bóng đêm đen đặc, tôi cùng hai Binh sĩ thiện chiến, bí mật bò vào căn cứ để tiếp xúc với Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng TĐ 83/BĐQ/BP. Việc tối quan trọng là chính tôi phải gặp mặt TĐT/TĐ 83/BĐQ/BP để trực tiếp nói và bàn thảo về diễn tiến kế hoạch hành quân đặc biệt này. Lúc đó, tức lúc bên ngoài căn cứ, các tiểu đội trinh sát đã chiếm đóng được những cứ điểm, những địa thế thuận lợi cho việc phản công đánh phá các đơn vị đóng chốt của địch ở vòng ngoài quanh căn cứ biên phòng. Kế hoạch đặc biệt cho các đơn vị phòng trú tại căn cứ được phân nhiệm như sau :
- Đại đội 2/TĐ 83/BĐQ/BP tăng cường cho Trung đội Trinh sát ở cánh quân phía Đông căn cứ.
- Đại đội 3/TĐ 83/BĐQ/BP, xuất phát từ hướng Tây căn cứ, tiến quân dọc theo hướng Tây để bắt tay với Trung đội Trinh sát và ĐĐ 2 trong thế gọng kìm bao vây địch.
- Đại đội 1/TĐ 83/BĐQ/BP hành quân về hướng Nam căn cứ cắt đứt mọi yểm trợ, quân tiếp viện của địch cũng như tiêu diệt tàn quân địch.
Đúng 5 giờ sáng ngày hôm sau, các đại đội của TĐ 83/BĐQ/BP đã vượt tuyến xuất phát. Cánh quân phía Tây căn cứ do ĐĐ 3/TĐ 83 đảm trách. Trung úy Thạch Thon, Đại đội trưởng, một Sĩ quan xuất sắc, gan lì, nổi tiếng của Tiểu đoàn, đã một thời gây kinh hoàng cho địch quân trong vùng. Sau khi vượt tuyến xuất phát, ĐĐ 3 chạm súng khốc liệt với địch. Bằng một lối đánh thần tốc, và áp dụng chiến thuật chém vè một cách khéo léo, linh động, đúng lúc, đúng nơi, Trung úy Thon đã chỉ huy đại đội phá tan phòng tuyến địch rồi tiến chiếm, kiểm soát và làm chủ tình hình... Rồi ĐĐ tiếp tục tiêu diệt những ổ kháng cự khác nằm dọc theo đường tiến quân về điểm hẹn, hướng đông căn cứ để bắt tay với ĐĐ 2 và Trung đội Trinh sát đang truy lùng địch tại khu vực trách nhiệm của mình.
Cánh quân phía Đông căn cứ với ĐĐ 2 và Trung đội Trinh sát tiếp tục “bứng” từng chốt địch còn xót lại. Cánh quân này đã hăng say đánh bung các chốt địch ra khỏi vị trí phòng thủ kiên cố của chúng. Đồng thời phối hợp hàng ngang hành quân với ĐĐ 3 để cùng đến điểm hẹn nhằm xiết chặt vòng vây, tiêu diệt toàn bộ địch.
Cánh quân phía Nam căn cứ do ĐĐ 1 đảm trách, đã đánh phá thần tốc và chọc thủng phòng tuyến địch, ồ ạt xung phong chiếm các mục tiêu đúng như kế hoạch hành quân. Địch thất bại hoàn toàn, hoảng sợ, bỏ chậy về hướng biên giới Việt - Cambodge. Trong khi tàn quân địch tháo chạy, không quân và pháo binh của chúng ta đã cho phi, pháo chụp xuống địch dọc theo đường chúng chạy trốn qua biên giới.
Đúng 5 giờ chiều cùng ngày, các Đại đội TĐ 83/BĐQ/BP đã hoàn toàn làm chủ chiến trường. Lực lượng địch đóng chốt bao quanh căn cứ đã bị triệt hạ trọn ổ. Cộng quân tháo chậy, không kịp kéo theo xác chết nên đã để lại rất nhiều xác chết ngoài vòng đai hàng rào phòng thủ căn cứ cùng với những vũ khí cá nhân và một số vũ khí cộng đồng. Sau trận đánh đó, chúng tôi, thêm một lần nữa nghiệm chứng chiến thuật “nghi binh”, một chiến thuật rất bình thường trong binh pháp, nhưng khi đem áp dụng ngoài chiến trường, sự việc biết linh động, uyển chuyển theo địa thế và thời gian là yếu tố quyết định cho thành công.
Tôi rời căn cứ biên phòng Đức Huệ, trở về nhiệm sở cũ. Một cuộc hành quân chớp nhoáng, với thời gian chưa bằng phần ba thời gian một toán thám sát Delta nhảy vào lòng địch hoạt động … nhưng cái cảm giác … đùa với lửa, giỡn với tử thần thì không có gì khác nhau. Cái cảm giác trườn mình nhẹ nhàng và nhanh nhẹn như một loài bò sát, quả thực tôi ít có dịp tập dợt, thao luyện, thế nhưng trong đêm hôm quyết định đó, tôi cùng với hai người lính của tôi thực hiện được kỹ năng bò sát tuyệt kỷ, ngoài sức tưởng tượng. Tôi không bao giờ quên được cái cảm giác lành lạnh, gờn gợn không chỉ bằng cái nổi gai ốc trên da thịt, gây ra bởi đêm sương hay gió lạnh mà còn bằng những âm thanh côn trùng rả rích ma quái, công thêm với những đốm lửa lấp lóe như ma chơi và tiếng động nhỏ, rời rạc, phát ra từ những hầm hố của các chốt địch quanh quất chúng tôi không xa lắm !!!
Giọng anh Bảo chậm lại :
- Thời gian ba mươi năm sống tha hương nơi xứ người, tôi chưa bao giờ về thăm lại quê hương. Hình ảnh Quê Mẹ, lúc nào cũng mãi lồng lộng trong tôi. Ngày đó, tôi cũng như bao người trai thế hệ, khoác chinh y, để rồi được đặt chân lên khắp nẻo đường quê hương. Và cũng ở vạn nẻo quê mẹ, tình Người, tình Đất, đã thấm vào tôi. Trong đó, địa danh Đức Huệ, một hình ảnh đáng ghi nhớ hơn cả trong đời lính của tôi.
Anh ngưng giây lát rồi tiếp:
- Tất cả chúng ta, đều mang tâm tình ấy. Trong đời lính, không nhiều thì ít, người lính nào mà chả để lại nơi nào đó mà mình đã đặt chân qua những kỷ niệm, dấu tích hay những cảm giác có một không hai trong cuộc đời … Tôi cũng được nghe các anh nhắc đến những chuyến nhảy toán Delta, toán phát hiện đoàn xe VC di chuyển đêm ở vùng Tam biên (ba biên giới Việt, Cambodge, Lào), rồi đại đội Biệt Cách Dù tao ngộ chiến … và còn nhiều nữa. Anh TBL, Toán trưởng Delta đã phát hiện đoàn xe VC di chuyển đêm ở vùng Tam biên rồi sau đó hướng dẫn đại đội 4 BCD do Đại úy ĐMH Chỉ huy nhảy vào vùng hành quân phục kích đoàn xe đó. Anh H, Đại đội phó Đại đội 4 BCD, dĩ nhiên cũng tham dự cuộc hành quân đó, rồi sau này các anh còn tham dự nhiều trận đánh lớn nữa như An Lộc, giải tỏa QL 1 (Tân Phú Trung, Cử Chi), rồi Trảng Bàng, rồi Ấp Bắc, Bến Thê, (Bình Dương), rồi Quảng Trị v.v… Bây giờ, anh L cùng với anh H kể chuyện phục kích đoàn xe VC đó đi.
Anh L cười đẩy qua cho tôi kể … Tôi lại cười và nói rằng xin khất lại, tuy nhiên, để liên tục câu chuyện về “chiến thuật địa đạo”, tôi xin kể lại câu chuyện về trận đánh tại Đồi KHÔNG TÊN, của Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 9, thuộc Sư Đoàn 5/BB, do Thiếu tá Đoan chỉ huy.
Tôi được nghe câu chuyện này do đại tá TP Quế kể lại ngay từ khi còn ở trại tù Nam Hà rồi sau đó, khi đến Mỹ, tôi lại xin Đại tá Quế kể lại câu chuyện về Thiếu úy TP Tuấn, người con trai của ông và câu chuyện trận đánh tại Đồi KHÔNG TÊN. Xin được viết lại qua lời kể của Đại tá TP Quế.
Trước khi vào chuyện, xin vài hàng sơ lược về Đại tá Tr. Ph. Quế. Ông nguyên là Tiểu đoàn trưởng TĐ 91/BCND/LLĐB (1968 - 1970). Đến cuối năm 1970, LLĐB/VN giải tán nhưng giữ lại hai đơn vị là Tiểu đoàn 81/BCND và Trung Tâm Huấn Luyện Hành Quân Delta và sát nhập (hai đơn vị đó) để thành lập Liên đoàn 81/BCND. Trung tá Phan Văn Huấn (nguyên Chỉ huy trưởng TTHL/HQ/Delta) làm Chỉ huy trưởng và Trung tá Trần Phương Quế làm Chỉ huy phó. Sau đó Trung tá Tr. Ph. Quế thuyên chuyển qua SĐ 5/BB giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Tr.Đ 9 / SĐ 5/BB. Ngoài trung tá Quế ra, còn ba Sĩ quan khác ở LĐ 81/BCND là Đại úy Nguyễn Ích Đoan, Trung úy Mã Thế Kiệt và Trung úy Nguyễn Văn Tôi cũng chuyển sang SĐ 5/BB. Đại úy Ng. Ích Đoan sau thăng cấp Thiếu tá giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng TĐ 1/Tr.Đ 9 của Trung tá Quế. Còn Trung úy Kiệt và Tôi đều là Đại đội trưởng Trinh sát của Trung đoàn và Sư đoàn. Riêng Trung úy Kiệt đã tử trận (tôi không nhớ rõ thời gian).
. . .
Thời gian đó, Trung tá Trần Phương Quế, Trung đoàn trưởng TĐ 9 / SĐ 5 / BB có danh hiệu là 61. Ông giao trách nhiệm cho Thiếu tá Nguyễn Ích Đoan, Tiểu đoàn trưởng TĐ 1/ Tr.Đ 9) đã đánh một trận tuyệt vời … để đời ! Đó là trận đánh trên đồi KHÔNG TÊN giữa Lai Khê và Bến Cát vào khoảng tháng 4 năm 1974. Căn cứ 81 của Địa Phương Quân ở gần Bến Cát, được coi như một tiền đồn quan trọng của Bến Cát, Lai Khê thuộc tỉnh Bình Dương. Căn cứ 81 này đã bị Việt cộng tràn ngập. Quân đoàn III đã cử Sư Đoàn 18 BB giải vây nhưng sau đó chỉ định Sư Đoàn 5 BB lãnh trách nhiệm giải tỏa khu vực Căn cứ 81 đó vì Sư Đoàn 5 hiểu rõ về vùng này. Trọng trách giải tỏa cả khu vực đã được giao cho Trung đoàn 9/SĐ 5 vì Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh SĐ 5, tin tưởng vào khả năng cũng như kinh nghiệm tác chiến của Trung tá Tr. Ph. Quế, Trung đoàn trưởng Tr.Đ 9/SĐ 5/BB.
Trận đánh tại Đồi KHÔNG TÊN, của TĐ 1 do Thiếu tá Đoan làm Tiểu đoàn trưởng - một trận đánh tuyệt vời, độc đáo mà Thiếu tá Đoan đã dùng chiến thuật “địa đạo” - nghĩa là đào giao thông hào (dưới đất) từ dưới chân đồi lên lưng chừng đồi rồi đào tách ra hai ngả để tấn công lên đỉnh đồi VC đang chiếm đóng.
Ngay từ khi nhảy vào trận địa, Thiếu tá Đoan cũng nắm vững tình hình địch ở rải rác các vùng quanh chân đồi gần căn cứ 81 Địa Phương Quân. Do đó, Thiếu tá Đoan khi dùng chiến thuật đào giao thông hào (địa đạo) đã rất thận trọng trong mọi hành động dù thật nhỏ nhặt, cũng như luôn luôn theo dõi, nghe ngóng để làm chủ được tình thế. Cho nên khi tấn công, đã tiêu diệt địch ngay trong đợt khai hỏa đầu tiên mà địch không hề hay biết và trở tay kịp. Rồi những đợt tấn công kế tiếp theo đó, địch đã chết hàng trăm tên cùng với hàng trăm vũ khí đủ loại bỏ lại ngay trên chiến trường. Chỉ một số nhỏ tàn quân địch tháo chạy được.
Trung tá Quế đích thân chỉ huy trận đánh đó. Ông hầu như túc trực 24/24 tại phòng HQ / Tiền phương để theo dõi và chỉ huy. Khi thiếu tá Đoan báo cáo khai lệnh tấn công, tr. tá Quế đã nghe tiếng súng nổ cùng với tiếng hô xung phong của TĐ 1 (vang lên trong máy truyền tin). Trong phòng truyền tin, cả bộ Chỉ huy Tr.Đ 9 Tiền phong của Trung Tá Quế im lặng chờ đợi kết quả. Khi những tiếng hò hét cùng với với tiếng reo của binh sĩ Tiểu đoàn 1 vừa vang dội trong máy truyền tin thì cả bộ CH/TP của Trung tá Quế cũng vỗ tay reo hò như đang tham chiến vậy. Những đợt báo cáo hoàn toàn tiêu diệt địch của Thiếu tá Đoan làm tất cả mọi người đang túc trực theo dõi trận đánh quên cả mệt mỏi vì mất ngủ. Trung tá Quế sau đó thăng cấp Đại tá.
Với tôi, không phải vì là thuộc cấp của Trung tá Quế (từ 1968, tôi thuyên chuyển về TĐ 91/BCND dưới quyền chỉ huy của ông), nhưng tôi cũng lấy làm hãnh diện về những lời đích thân (Trung tá Quế) tâm tình với tôi (năm 1983 khi còn Nam Hà), ông nói:
“. . . dầu sao thì mình cũng hãnh diện về trận đánh Đồi KHÔNG TÊN đó vì chúng tôi đều gốc Biệt Cách Dù mà …”
Có điều đau buồn là Thiếu tá Đoan đã chết trong trại tù Hoàng Liên Sơn. Tôi không nhớ năm nào vì không ở chung trại với Thiếu tá Đoan. Thật không ngờ, Ba Sĩ quan BCND đã bỏ xác lại ở vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn, Yên Bái : Thiếu tá Đoan, Đại úy Trường và Đại úy Tiếu.
Đại tá TP Quế, bây giờ tuổi già sức yếu, ông tâm tình với chúng tôi khi chúng tôi mời ông về dự đại hội BCD tháng 7 năm 2009 ở Houston, Texas, rằng “muốn đi lắm nhưng … không có ai dìu đi …”, rồi ông cười và chúc chúng tôi vui vẻ mãi như ngày nào.
Xin cám ơn “đích thân 61” đã cho chúng tôi một lần nữa, được nhớ lại, sống lại … một thoáng ngày nào.
Tôi cũng xin mượn những dòng này thay nén hương lòng thắp lên tưởng nhớ đến Thiếu tá Đoan, Đại úy Tiếu, Đại úy Trường, những SQ/QLVNCH can trường quả cảm đã bỏ xác trong các trại tù Cộng sản.
Hồi ức của Sauvanco
No comments:
Post a Comment