Câu Chuyện NGƯỜI DI TẢN BUỒN
và Bài hát "Người di tản buồn" (Sáng tác: Nam Lộc)
1.Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa...
Bạn ơi đó là người di tản buồn
Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau
Rồi đêm khuya về trong đôi mắt sâu
Đời như chôn vào con phố u sầu...
Cho tôi xin lại một ngày, ở nơi nơi thành phố cũ
Cho tôi xin lại một đời, một đời sống với quê hương
Cho tôi đi lại đoạn đường, hàng cây vương dài bóng mát
Cho tôi an phận ngàn đời, bên bờ đê vắng làng tôi
2. Chiều nay có một người di tản buồn
Gọi tên ai gởi theo cơn gió bay
Tình yêu ơi còn đâu những ngất say
Người yêu ơi giờ thương nhớ dâng đầy !
Này em có bao giờ em biết rằng
Ở nơi đây mùa thu rất ngỡ ngàng
Chiều rơi nhanh và đêm xuống rất mau
Thời gian không còn những phút nhiệm màu...
Cho tôi xin lại nụ cười, nở trên môi người yêu dấu
Cho tôi yêu lại từ đầu, khi vừa chớm biết thương đau
Cho tôi xin lại cuộc tình, từ lâu tôi hằng mơ ước
Xin cho tôi gởi lòng này, đến người yếu dấu ngày xưa
3. Chiều nay có một người di tản buồn
Gọi anh em còn ai hay mất ai
Còn bao nhiêu thằng xông pha chiến khu
Và bao nhiêu nằm trong những lao tù !
Ở đây có những chiều mưa rất nhiều
Nhiều hơn khi hành quân trong tháng mưa
Buồn hơn đêm rừng thưa vang tiếng bom
Ngày vui ơi giờ đâu nữa không còn
Cho tôi xin lại ngọn đồi, ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bờ rừng, nơi từng chiến đấu bên nhau
Cho tôi xin một lần chào, chào bao nhiêu người đã khuất
Xin cho tôi một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi ...
Người Di Tản Buồn
Xin phép nhạc sĩ Nam Lộc mượn tạm tựa bài hát trên đây để viết về những mảng đời tị nạn mà chúng ta đã hoặc đang bắt gặp hằng ngày trong cuộc sống. Tôi đã nhiều lần gặp họ mỗi khi có dịp xuống phố Bolsa, đã được dịp trò chuyện với họ và hôm nay xin được làm người kể chuyện hầu quý vị.
.
Hôm đó tôi có hẹn với mấy người bạn cũ đi uống cà phê ở một quán khá quen thuôc, nơi mà nhiều văn nghệ sĩ thích ngồi uống và trò chuyện vì không khí ấm cúng và dễ thương của quán. Đang ngồi tán dóc với nhau sau nhiều năm tháng không gặp thì chúng tôi nghe một giọng nói nhỏ nhẹ: "Các anh có thể gọi cho em một ly cà phê đen đá không?" Chúng tôi ngước lên và thấy một anh chàng trung niên mặt mày khá nghệ sĩ với bộ râu quai nón và chiếc mũ rất "ngầu" đang khoanh tay đứng ở một góc quán. Chúng tôi kéo thêm một chiếc ghế, mời anh ngồi chung cho vui và ra quầy gọi thêm một ly cà phê đen đá. Anh tự giới thiệu trước:
"Thấy mấy anh ngồi nói chuyện thân mật với nhau, em bỗng dưng nhớ lại đám bạn bè cũ ngày xưa quá, cũng ngồi uống cà phê với nhau như thế này sau những lần đi hành quân về…" Ly cà phê đen đá được mang ra, anh uống một ngụm nhỏ rồi xin phép được hút thuốc. Bốn anh em chúng tôi im lặng vì biết sẽ được nghe một câu chuyện lý thú từ anh chàng này. Tôi hỏi, như để bắt trớn cho anh vào đề: "Anh hiện đang ở đâu? Vợ con ra sao rồi? Anh qua Mỹ lâu chưa? Đi theo diện nào?" Như bị điểm đúng huyệt, anh hơi giật mình, dụi điếu thuốc vừa mới châm vào chiếc gạt tàn rồi bắt đầu câu chuyện đời mình.
"Em xin phép được dông dài một chút, nếu mấy anh có bận gì thì cứ đi, vì câu chuyện của em dài và nhàm chán lắm. Em cũng xin cám ơn mấy anh trước về ly cà phê này. Em tên Quang, qua Mỹ được vài năm nay. Em tốt nghiệp khóa áp chót của Thủ Đức trước ngày mất nước chưa đầy một năm, ra đơn vị và được xung vào trinh sát. Em cũng đã cưới vợ năm đó, và sau 1975 thì em đi tù.
Mấy tháng đầu tiên vợ em còn lên thăm nuôi và cho biết là đã có thai mấy tháng. Nhưng việc thăm nuôi thưa dần, chỉ nhờ người nhắn lên cho em là vì cái thai hành quá, tiền bạc cũng khó khăn nên không thể lên thăm thường xuyên được, mong em thông cảm. Rồi cả năm sau cho đến lúc ra tù, em bỗng nhiên trở thành "con bà phước", chuyên viên ăn cơm tù và thỉnh thoảng anh em thương chia xẻ cho một ít thức ăn thăm nuôi. Có vài anh em ở gần nhà thỉnh thoảng hỏi em, như một lời nhắn tin khéo: "Chà, bây giờ nếu tụi mình ra tù mà vợ đi lấy chồng khác thì sao nhỉ? Chắc là sẽ tự tử quá! Mất mát hết thì còn tha thiết gì nữa?" Em chỉ cười buồn không trả lời, và cũng không ngờ là anh em đã cho biết một cách khéo léo về hoàn cảnh của chính mình.
Đổi đi hết trại này đến trại khác em cũng vẫn là chuyên viên cơm tù và chuyên viên ăn ké người khác. Hơn ba năm sau, gần cuối năm 1980, em mới được thả. Cầm tờ giấy ra trại, anh em xúm lại chúc mừng và gom góp mỗi người cho được vài đồng để đi xe về nhà. Xe lửa, rồi xe ôm, rồi xe lam, hai ngày sau khi ra khỏi trại em cũng đã tìm về được đến ngôi nhà nhỏ đầy kỷ niệm bên Thủ Thiêm. Em vẫn còn tần ngần chưa dám gọi cổng, vẫn còn ngờ ngợ trong lòng vì em thấy sao căn nhà của vợ chồng em bây giờ có vẻ đẹp hơn xưa, đồ đạc trong nhà nhiều hơn xưa (em nhìn qua cửa sổ và thấy có cả một bộ Salon gỗ quý và TV nữa!). Một người đàn ông thấy em thập thò mãi ngoài cổng, mở cửa đi ra hỏi: "Chú tìm nhà ai?" sau lưng người đàn ông lúc đó vợ em xuất hiện, và đứng kế bên là một đứa bé trai khoảng 5 tuổi. Vợ em nhìn em chăm chăm và hình như cô ấy lắc đầu muốn bảo em nên đi đi. Em nói với người đàn ông: "Xin lỗi anh, tôi lộn nhà".
Đất trời như quay cuồng sụp đổ dưới chân em. Em quay gót, và khi gần đến cuối xóm, một giọng nói từ trong một quán nước gọi tên em: "Chú Quang, chú Quang phải không? Chú về hồi nào? Vào đây uống ly cà phê đã!" Như người mất hồn, em vào quán và nhận ra bà Năm, bà bạn già của má vợ em ngày trước. Bà Năm làm cho em một ly đen nhỏ, cho em một điếu thuốc Vàm Cỏ, rồi kể cho em nghe chuyện gia đình sau khi em đi tù: "Chú Quang cũng đừng trách cô ấy tội nghiệp. Những tháng đầu tiên, như tất cả mọi người, cô ấy dù bụng mang dạ chửa cũng phải xin đi làm công nhân tổ hợp để giữ lại căn nhà mong chú về. Đến lúc gần sinh cháu Minh- nó chính là con của chú đó- thì tài sản trong nhà có bao nhiêu đã bán hết đi để đi thăm nuôi chú và cũng để cô ấy sinh sống chờ ngày sinh nở. Nhà cửa bị hăm dọa tịch thu vì có dính dấp đến ngụy quân nên cô phải lên phường tìm cách xin chứng nhận căn nhà là của ba mẹ cô ấy cho hai vợ chồng. Và trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó tên công an phường đã "bắt chẹt" cô phải lấy hắn làm chồng để hắn xin với cấp trên giữ lại căn nhà cho cô. Hắn còn nói là khi nào chú về hắn sẽ rút lui để vợ chồng con cái sum họp. Cô ấy đã khóc lóc và kể hết cho tôi nghe vì tin chắc rằng, ngày chú ra tù sẽ về nhà, sẽ bỏ đi và sẽ ghé quán của tôi và tôi sẽ thay mặt cô ấy để giải thích cho chú hiểu hoàn cảnh trên đe dưới búa lúc đó. "Con tin anh Quang sẽ hiểu và tha thứ cho con. Nếu có dịp thuận tiện con sẽ đưa thằng Minh đến thăm ảnh."
Sau đó bà Năm tìm mướn cho em một căn chòi nhỏ để tá túc cho qua những ngày còn bị quản chế. Hằng ngày em ra phụ với bà Năm mở quán, dọn dẹp và lau chùi bàn ghế, rửa ly chén, tối đóng cửa quán rồi về chòi ngủ. Như vậy cũng tạm có được hai bữa cơm và hai cử cà phê qua ngày. Khi nào bà đau yếu thì em ra chợ phụ dọn mấy sạp thịt cá của những người quen do bà Năm giới thiệu, và cũng có thêm vài đồng bạc.
Sống như vậy hai năm, em gặp người đàn bà thứ hai. Cô ta có một sạp bán thịt nhỏ trong chợ Thủ Thiêm, và em cũng đã từng phụ cô dọn hàng ra dọn hàng vào. Một hôm trời bỗng đổ mưa lớn, không buôn bán gì được, cả cô ta và em ngồi bó gối nhìn trời mưa vần vũ và thở dài. Bỗng nhiên em nghe cô ta cười lớn, rồi bật nói một mình, như quên mất rằng đang có mặt em ở đó: "Không được, không được! Kỳ quá!" Em hỏi cô ta: "Cái gì mà không được? Cái gì mà kỳ quá?" lúc đó cô mới tỉnh người, quay qua thấy em đang nhìn và đợi câu trả lời: "Không có gì đâu. Thôi anh về đi, để tối tui dọn hàng một mình cũng được. Anh về đi!" Ủa sao kỳ cục vậy ta? Đang mưa mà "đuổi" người ta về?" Nhưng em cũng đứng dậy và dầm mưa về quán thăm bà Năm đang bệnh. Thấy em ướt như chuột lột đi vào quán, bà Năm cười cười hỏi: "Bộ bị con Sáu quầy thịt đuổi về hả?"
"Sao bà Năm biết là cô Sáu đuổi con về?"
"Ôi, nhìn cái mặt chú dầm mưa về là tao biết rồi. Tại sao trời mưa như vầy mà chú không ở lại tâm tình với nó?"
"Trời đất, con thân phận là người dọn hàng mướn cho người ta mà tâm tình cái nỗ gì bà Năm?"
"Ủa, vậy chớ chú mầy không biết là con Sáu nó thương chú mầy sao? Nó nói là thấy anh Quang tội nghiệp, cũng quan này, quan nọ với người ta mà bị vợ con bỏ rơi. Hôm nọ nghe nó nói như vậy là tao biết ngay là nó "chịu đèn" chú mầy rồi. Nó là con gái mới lên, đang đi học đến lớp 12 thì "mấy ổng" vào, nó bỏ học luôn ở nhà phụ mẹ bán thịt. Ráng lên nghe chú Quang, có gì bà Năm này sẵn sàng nhận làm "má nuôi" của chú để đi hỏi cưới con Sáu cho. Chỉ cần thấy chú mầy đừng buồn nữa là bà Năm này mát ruột rồi. Chắc con vợ của chú không trách chú và con Sáu đâu. Nó còn vui hơn khi thấy chú rồi cũng có một mái gia đình yên ấm và sẽ thấy đỡ nặng lòng hơn". Em chào bà Năm, lầm lủi trở về căn chòi nhỏ, đầu óc rỗng tuếch. Biết được "nỗi lòng" cô chủ quầy thịt, em thấy tự nhiên hơn và siêng năng hơn trong việc dọn hàng. Thỉnh thoảng em lại còn "xung phong" đến mấy lò thịt mổ chui để lấy thêm thịt về cho cô bán. Rồi thêm bà Năm nói ra nói vào như thế nào đó em cũng không rõ, mà đến Tết năm sau đó em và cô ta thành vợ chồng.
Người chủ hôn cho tụi em chính là bà Năm tốt bụng. chính Sáu đã nói với em phải mời phường khóm (có nghĩa là "phải" mời tên công an phường và vợ anh ta -là vợ cũ của em- nữa.) Mấy anh có thấy đàn bà "kinh hồn"chưa? Vì bà Năm và Sáu lo đám cưới từ đầu đến đuôi nên em đành phải "Ai đặt đâu tôi ngồi đó" thôi. Vài năm sau Sáu sinh cho em được một đứa con trai, và bắt em phải đặt tên là Thông (anh nó tên Minh thì nó tên Thông là đúng rồi, anh thấy không đó là lý luận của vợ em!) rồi bỗng dưng có chương trình H.O. dành cho những "ngụy quân ngụy quyền" bị tù trên 3 năm như em. Bà Năm và Sáu thì mừng rỡ, riêng em dửng dưng như không. Sáu đề nghị với và Năm ghép hộ để đi chung với tư cách là mẹ nuôi của em, nhưng bà không chịu, nói rằng già cả rồi, qua Mỹ làm gì? Mẹ của Sáu cũng không chịu đi và cũng lý luận như bà Năm. Lại phải tổ chức tiệc mừng để vợ chồng tụi em chia tay bà con lối xóm xưa nay vẫn đùm bọc em. Lúc mỗi người lên nói lời chia tay, cô vợ cũ của em cũng đứng lên nói một câu ngắn gọn: "Chúc vợ chồng anh Quang và cô Sáu cùng cháu Thông qua Mỹ bình an, sớm có công ăn việc làm ổn định và nhớ là đừng bao giờ quên hàng xóm láng giềng tụi em" câu "nhớ là đừng bao giờ quên hàng xóm láng giềng tụi em" hình như cô ta hơi lên giọng! Anh chàng công an thì cứ ngồi nốc bia liên tục. Cho đến giờ này em cũng không biết là hắn có biết em là chồng cũ của vợ hắn hay không nữa?
Qua Mỹ gia đình tụi em được các anh em H.O qua trước đưa đi làm thủ tục giấy tờ, xin trợ cấp và đi mướn nhà. Mấy tháng sau vợ em đi học Nail. Vì mới qua, chưa có đủ tiền mua xe nên vợ em phải nhờ người đưa đón và gửi lại tiền xăng cho họ. Học xong, Sáu đem chứng chỉ tốt nghiệp về khoe với cha con em và cho biết là có nhờ người quen xin việc làm. Vài tuần sau có một người đàn ông mập mập lùn lùn đến xưng tên, đưa business card nói là chủ một tiệm Nail vùng Rosemead, đang cần người và sẽ đưa đón vợ em đi làm nếu chưa biết lái xe. "thật ra tôi cũng nghe cô bạn của bà xã tôi giới thiệu anh chị mới qua, chị vừa học xong và đang cần công ăn việc làm để phụ với anh trả tiền nhà nên bà xã tôi bảo tôi giúp.
Tụi này ăn ở hiền lành đạo đức lắm, chuyên đi làm việc thiện giúp đỡ người khác không à! Anh chị đừng lo!" Tử vi của em chắc là cung Phu Thê không ra gì, nên chưa đầy sáu tháng sau, "ông chủ tiệm Nail chuyên đi làm việc thiện giúp đỡ người khác" đưa đón vợ em ra khỏi nhà luôn, và bỏ hai cha con em ở lại một mình. Không có tiền trả tiền nhà, em đành phải nhờ một cô bạn làm Nail gọi Sáu về gửi nuôi hộ thằng Thông. Trong những ngày tháng tù tội ở Việt Nam em là con bà phước, qua Mỹ em cũng lại trở thành con bà phước như xưa. Bây giờ em đi lung tung khắp nơi, chỗ nào đặt lưng được qua đêm chỗ đó là nhà của em. Còn ăn uống thì em ăn rất ít, chỉ thỉnh thoảng mấy anh cho ly cà phê và một điếu thuốc, thế là đủ no cho một ngày.
Em cũng hiểu tại sao em vẫn chưa điên, chớ nếu điên được thì em sẽ quên hết, sẽ bớt buồn hơn bây giờ, phải không mấy anh? Em cũng không thể nào tự tử được, vì gia đình ba má em ngày xưa theo đạo, và em cũng đã được rửa tội, mặc dù em chẳng đi nhà thờ bao giờ. Em xin lỗi vì đã kể cho các anh nghe một câu chuyện chẳng ra làm sao, làm hỏng hết cả buổi sáng của mấy anh. Thôi xin chào mấy anh, em đi đây. Một lần nữa xin cám ơn mấy anh về ly cà phê và chút thì giờ quý báu ngồi nghe em kể chuyện. Nói rồi anh chàng lại lửng thửng đứng dậy và quay lưng đi sau cái gật đầu chào anh em chúng tôi. Tụi tôi bỗng dưng thấy cay cay ở mắt. Chắc là tại người ta hút nhiều quá ngoài hiên quán?
PNT
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Blog Archive
-
▼
2009
(183)
-
▼
July
(29)
- On Vietnam, Cronkite told it the way it wasn’tRobe...
- Việt Nam quê hương cha mẹ tôi Nước Việt ngàn năm ...
- 34 Năm Sau và Họ Là Ai ?Lão Gà TreBa mươi bốn năm ...
- Tù Cải Tạo: Tội ác chống nhân loại của Cộng sản Vi...
- Câu Chuyện NGƯỜI DI TẢN BUỒN và Bài hát "Người di ...
- Thằng Ngụy Con Ngô Viết TrọngKhi bị chuyển về khám...
- Cậu Sáu Vũ Trí Bắc California, 16.6.2009 Sau ngày ...
- NHÀ NGỤY TA Ở, VỢ NGỤY TA LẤY, CON NGỤY TA SAI ! ...
- Lần theo mê-lộ có đường hầm của Hệ Thống Tiền Tệ M...
- KÍNH GỬI: ÔNG NOGKính Ông, Chúng tôi đã nhận được ...
- "Biến động miền Trung” trở thành “Công an bịt miện...
- Vào hè nói dóc chuyện LA VE (LA DE)Phan Văn SongĐã...
- Bài Viết Tưởng Niệm cựu Thủ Tướng PHAN HUY QUÁT Nh...
- Cà Mau ly rượu giã từ Võ Kỳ Điền Thế rồi ngày chờ ...
- Ngày 15 Tháng Tám sắp tới, Viện Bảo Tàng Quân Sự t...
- Thư ngỏ Tại sao nguyệt san ChiẾN SĨ CỘNG HOÀ có mặ...
- Chiến thắng Yukon Cờ Vàng từ 2008 – 2009 và cuộc đ...
- Cùng nhau đập tan ý đồ “nhuộm đỏ” Hải Ngoại của Vi...
- Người Phụ Nữ Sống Sót Sau Chuyến Vượt Biển Kinh Ho...
- GENEVE, VÀI HÀNG GHI VỘI (Từ Ngọc Lê) Nguồn :...
- Vì yêu thơ mà hy sinh lý tưởng!!!Nguyễn Q. Duy - M...
- Thiệt muốn cười bể bụng ông Tuấn ơi!Một người tỵ n...
- Những nguỵ biện, không thành thật của Hoàng Ngọc T...
- Chuyến Vượt Biên Đẫm MáuMai Phúc Nói về cuộc ...
- Một Trong Những Ưu Tư Vân Hải Bà con, thanh ...
- THIẾU TƯỚNG NGUYỄN NGỌC LOAN MỘT ĐỜI TẬN TỤY VỚI N...
- TẤM LÒNG YUKONHương CaoMỗi người con dân miền Nam ...
- Liên thành trả lời các chất vấn trong bài TCS ...
- Hai Chữ Danh Dự * Lê Văn Ân * Ngày 24 tháng 6 năm ...
-
▼
July
(29)
No comments:
Post a Comment