Monday, May 27, 2024

Ngược Sóng

Hình minh họa

Ngày thứ nhất:
Con tàu của những người cùng khổ ra khơi, lênh đênh rẽ sóng. Cả trăm con người chen chúc nhau trên bong và khoang tàu chật hẹp. Đàn bà con gái và người lớn tuổi được sắp xếp ngồi bên dưới, đám con trai chịu được nắng gió phải ở lại trên bong. Chật chội tới nỗi không có chỗ co chân duỗi tay mà không chạm vào người bên cạnh. Người ta nằm ngồi chất chồng với nhau lắc lư xây xẩm theo con tàu. Mỗi người được mang theo 3 ký đồ đạc bao gồm cả lương thực và quần áo, lương thực chủ yếu là đồ khô. Gia đình Hằng cũng vậy, một ít chà bông, một ít khô mắm mua vội trong Chợ Lớn, vài bộ quần áo thay đổi. Hành trang thì ít ỏi nhưng trong lòng ai cũng mang theo một trời hy vọng về viễn ảnh tương lai, thế nên dù có bị sóng gió hành hạ, nhồi lắc, nôn mửa, ăn ở nhồi nhét như súc vật cũng chẳng hề ca thán. Lả người vì say sóng nên cũng không ai thấy đói ngay cả lũ con nít. Cả nhà Hằng ngồi túm tụm quây lại với nhau, Hùng và Hà còn bé nên cũng không hiểu hết những gì xảy ra chung quanh, hai đứa cứ thiu thiu ngủ gà ngủ gật theo nhịp lắc lư của con tàu, trong khi bố mẹ Hằng thì lòng dạ ngổn ngang trăm bề không tài nào chợp mắt...

Cứ chốc chốc mọi người lại nhổm dậy đăm đăm phóng tầm mắt ra bốn bề sóng nước mênh mông chỉ mong nhìn thấy bóng dáng của 1 con tàu nào đó. Rồi người ta lại ngồi tụm lại, có người cầu trời, có người khấn phật, có người cầu nguyện, và họ lại nuôi hy vọng.... Ngoài ra họ biết làm gì hơn?

Ngày thứ hai:
Con tàu vẫn trôi dạt lênh đênh trên biển, phó mặc cho tất cả, chỉ trông chờ độc nhất vào sự may rủi, che chở của thượng đế. Người ta ngóng chờ 1 chiếc tàu nhân đạo vô tình lướt qua và ra tay cứu hộ. Nhưng không có chiếc tàu cứu hộ nào cả, điều mà người ta cầu khẩn, mòn mỏi trông đợi thì không đến nhưng điều mà người ta sợ hãi nhất thì lại xảy ra. Người Việt Nam những tháng năm đó có ai không hãi hùng khi nhắc tới hai chữ cướp biển. Đó là hiểm họa kinh hoàng cho những người vượt biển bấy giờ. Đúng là trời đất không công bằng, người ta đã cùng khổ lắm rồi mới bỏ lại tất cả sau lưng, nhà cửa, gia đình, bè bạn, mồ mả ông bà để tìm cái sống trong muôn vạn rủi ro, thế mà lại vướng vào cái thảm nạn cướp biển.

Hằng thì còn bé lắm, nó vừa mới 14... Hằng không nhớ rõ lắm toán hải tặc đó đã chặn con tàu của người Việt như thế nào, nó chỉ biết khi đang thiu thiu ngủ thì có những âm thanh hỗn loạn nổi lên, rồi những tiếng chân rầm rập chạy trên bong tàu làm nó choàng tỉnh. Có cả những tiếng la hét quát tháo và cả những tiếng khóc than rền rĩ vang lên tứ phía. Hằng bật dậy ngơ ngác nhìn chung quanh, mặt mũi mọi người xanh lét, ai nấy đều run lập cập, co rúm vì sợ. Những con người hoảng loạn ngồi nép sát lại với nhau như muốn san sẻ bớt nỗi sợ hãi, có thể nghe được cả tiếng tim đập thình thịch, cảm nhận được những bàn tay run rẩy đẫm mồ hôi đang bấu chặt vào nhau. Những phụ nữ bắt đầu lấy than nhọ bôi trét lem luốc lên mặt mũi, Hằng chưa hiểu tại sao thì chú Cường đã kéo nó lại, vò đầu vò tóc nó rồi cũng bắt chước mấy người đàn bà con gái khác bôi lên khuôn mặt đứa cháu gái đầy muội than tro trấu, biến Hằng trong phút chốc thành con bé bẩn thỉu xấu xí. Những người lớn chỉ tay về hướng cuối khoang tàu, nơi cất chứa nguyên liệu than dầu và thì thào ra hiệu với nó: Trốn đi, trốn mau lên!

Nó do dự tròn mắt hỏi tại sao lại phải trốn trong xó kẹt ấy, nhưng không ai có thời gian giải thích. Những tiếng la hét càng lúc càng vọng sát bên tai, Hằng ngửng đầu nhìn lên phía trên thì chỉ kịp thấy những tên cướp Thái ở trần, da đen nhẻm, quần dài ướt sũng, từng đứa một nhảy qua chiếc tàu bé bỏng, ọp ẹp của mình. Trên tay thằng nào cũng lăm lăm cái rìu bén và cây mã tấu dài ngoằng, sắc lẻm. Nó sợ hãi chạy trốn ngay vào chỗ chứa nhiên liệu. Từ chỗ ẩn nấp, nó loáng thoáng thấy bọn cướp bắt đầu lục lọi mọi thứ, mọi nơi trên tàu. Không chỗ nào không bị xới tung lên. Rồi chúng quay qua khám từng người, già trẻ lớn bé không từ một ai. Những con người Việt khốn khổ nhếch nhác, đàn ông cũng như đàn bà đều run rẩy dạng chân dạng tay mặc cho bọn cướp thô bạo lục soát nắn bóp cùng khắp cơ thể để tìm kiếm vàng bạc. Chú nó và vài người nữa bị chúng bóp mồm dùng kềm nhổ trụi những chiếc răng vàng. Máu và mồ hôi quyện lẫn trộn vào nhau rỏ ròng ròng trên môi trên miệng, thế mà tuyệt nhiên không ai dám kêu khóc vì đau đớn. Hình như cái sợ đã làm tê liệt dây thần kinh, người ta không còn biết đau là gì. Bọn cướp vẫn ngang nhiên hoành hành lục lọi, lia qua lia lại những cây mã tấu sáng ngời trước mặt, mọi người rúm ró, không dám thở mạnh, không một ai dám thốt một lời hoặc tỏ một thái độ phản kháng. Họ- những nạn nhân chỉ biết nhắm tịt mắt lại, trân mình chịu đựng. Không gian đặc quánh nỗi sợ hãi, chỉ có những tiếc nấc cố kềm giữ trong cổ họng, những tiếng khóc ri rỉ chưa kịp thoát ra và tiếng gào thét không ra hơi của đám trẻ kiệt sức đã bị những bà mẹ bịt chặt mồm. Con Hằng chết trân trong góc kẹt, nó bịt mắt lại không dám nhìn cái quang cảnh kinh hoàng ấy, rồi ôm đầu gục mặt vào đầu gối nó thì thầm gọi tên Chúa.

Không biết thời gian trôi qua bao nhiêu lâu, mệt mỏi Hằng lại thiếp đi với cái nóng hầm hập và những tiếng quát tháo, la ó. Cái nóng bức và dầu mỡ than củi nơi ẩn náu làm nó tỉnh giấc và và cảm thấy người ngợm ngứa ngáy khó chịu. Hình như những tiếng la hét ồn ào đã dịu đi, có vẻ như màn đêm đã buông xuống, Hằng mò mẫm chui ra tìm kiếm gia đình, nó kêu khẽ: Mẹ ơi, bố ơi, mọi người đâu rồi? Dò dẫm trong bóng tối mới được vài bước, chưa kịp nghe tiếng bố mẹ trả lời thì nó đã thấy những ánh đèn pin lia qua lia lại, bỗng chốc chung quanh lại nổi lên những tiếng la hét, nhốn nháo. Tụi cướp biển rọi thẳng đèn vào đám con gái đang tê cứng bất động vì sợ hãi, mỗi tên chụp một đứa và lôi đi như tha một con gà con mặc cho tiếng kêu cứu, than khóc của nạn nhân và cả người thân chung quanh. Hằng chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì bỗng một ánh đèn pin lia qua và dừng lại trên khuôn mặt thất thần của nó. Ngay trước mặt Hằng là 1 tên Thái đen nhẻm, đôi mắt sáng rực ma quái đang nghẹo đầu ngắm nghía con mồi đang hoảng loạn, run rẩy. Hắn lầm bầm vài câu tiếng Thái rồi vươn tay ra. Hằng co người lùi lại tính bỏ chạy, nhưng không còn kịp nữa, mà chạy đi đâu kia chứ, Hằng giãy dụa vùng vẫy rồi khóc thét kêu lên: Bố ơi, mẹ ơi cứu con! Nhưng không có tiếng trả lời, tiếng khóc của nó chìm nghỉm trong những tiếng kêu la cầu cứu của những đứa con gái khác, của những người cha người mẹ thấy con bị cướp biển bắt đi ngay trước mặt. Hằng gập khuỵu người xuống, cố níu giữ tất cả những gì lướt qua tầm tay để trì người lại phía sau, nhưng sức lực của con bé 14 tuổi có xá gì so với tên Thái to cao lực lưỡng đang nổi cơn thú tính kia. Hắn xốc con bé lên, một tay xoắn lấy tóc và tay kia xoắn lấy chiếc áo chemise Hằng mặc trên người, tên cướp lôi con nhỏ xềnh xệch lên bong tàu trước cái nhìn bất lực của bố mẹ và chú nó. Qua làn nước mắt nhoè nhoẹt Hằng cố ngoảnh đầu lại nhìn mọi người lần cuối, nhưng nó không thấy gì cả, ngoài rừng người lố nhố và tiếng khóc than inh ỏi hòa với tiếng sóng vỗ dội vào tai. Nó chỉ kịp kêu lên lần cuối: Bố ơi, mẹ ơi!....

Bọn con gái bị lùa lên bong tàu vẫn ra sức gào thét vùng vẫy, những tiếng kêu trời đất vang lên tuyệt vọng trong đêm tối. La thét chán bọn nó quay ra van xin lạy lục, rồi những tiếng van vỉ cũng dần im bặt... Thỉnh thoảng chỉ còn nghe những tiếng hét đau đớn xé toạt màn đêm vọng lại rồi tắt ngúm. Những tiếng kêu đau đớn của đám con gái bị cưỡng bức dội xuống cái khoang tàu tăm tối dưới kia nơi những người thân cũng đang co rúm lại vì đau, phải họ cũng đau, cũng xé lòng, nhưng vẫn phải vểnh tai nghe tiếng con cháu mình gào thét thảm thương bên trên. Con tàu bé nhỏ và tả tơi làm sao giữa bạt ngàn biển khơi, lũ con gái yếu ớt, tả tơi làm sao giữa vòng vây của bọn cướp tàn bạo. Chỉ một cái vung tay của tên cướp, chiếc áo chemise trên người Hằng đã bị xé rách toạt, không còn hạt nút, bày lồ lộ ra thân thể của đứa bé gái vừa chớm trổ mã. Con Hằng rú lên và lại bắt đầu van xin. Nó vừa quẫy đạp, vừa than khóc, gào thét, vừa lạy lục, tuyệt vọng gọi cha gọi mẹ, nhưng không một lời nào có thể khơi dậy lòng thương hại khiến tên cướp buông tha nó. Lúc này hắn cưỡi hẳn lên người Hằng, đè nghiến con bé xuống đất, dí sát đầu nó vào một tảng đá để làm điểm tựa. Rồi bằng một động tác thô bạo nhất, hắn đi thẳng vào, xé toạc thân thể chưa kịp dậy thì của đứa con gái 14 tuổi. Con Hằng chỉ kịp thét lên một tiếng duy nhất: Đau! Và rồi nó dừng bặt.

Thời gian đột ngột ngừng lại, một giây một khắc trở nên bất tận. Con tàu như chao đảo dù trời không hề giông bão, mọi vật bỗng quay cuồng, ngả nghiêng, trên thân thể gầy còm của nó, tên cướp Thái cũng ra sức lồng lên. Lúc này Hằng đã thôi khóc, đã ngừng kêu đau, hình như nó càng cựa quậy thì lại càng đau đớn hơn và khiến tên cướp càng thích chí và cuồng bạo hơn. Tiếng thở khọt khẹt của hắn mỗi lúc mỗi to hơn và đôi mắt lim dim thỉnh thoảng lại mở ra nhìn nó như con thú dại nhìn con mồi non nớt. Hằng quyết định nằm im, và cứ thế nó nằm im lìm ngây ra đó, qua bờ vai tên cướp biển, nó có thể thấy vầng trăng treo lung linh trên bầu trời đen thẳm. Vẫn có tiếng than khóc kêu la của những đứa con gái cùng chung số phận vang rền chung quanh. Những gã đàn ông rống lên từng tiếng kêu lạ kỳ, khin khít trong cổ họng, những tiếng thở hùng hục, những tiếng rên hừ hự ngắt quãng, tất cả quyện với tiếng gió lùa, của tiếng sóng vỗ tạo nên một thứ âm thanh hỗn tạp lạ kỳ. Bên trên người nó, tên cướp biển vẫn cứ hùng hục, thân thể hắn nặng chình chịch, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi rớt cả vào mặt vào miệng nó, ngấy lên vị chua xen lẫn vị mặn của nước biển. Cứ mỗi lần hắn nhịp người xuống là đầu của Hằng lại bị dội ngược cấn vào phiến đá đau điếng, cái đau này tiếp nối cái đau kia nhưng nó cũng chẳng buồn khóc nữa. Cái đau đớn cùng cực đã qua đi, nó không còn đủ nước mắt để khóc cho những cơn đau về sau. Vầng trăng sáng trên kia cũng rung rung nhảy múa theo theo từng nhịp lắc lư điên cuồng của gã người Thái. Hằng chợt nghĩ tới chị Hoàng Hoa, không biết chị có phải trải qua những gì nó đang trải qua không, nó muốn dâng lời cầu nguyện với Chúa xin cho chị không phải chịu nổi đau khủng khiếp mà nó đang gánh chịu. Không biết Chúa có nhìn thấy nó lúc này không? Mẹ vẫn bảo rằng đôi lúc những nỗi bất hạnh xảy ra trong cuộc đời là do ý Chúa, Người muốn thử thách lòng tin của con chiên, nhưng sao nỗi thử thách này lại đau đớn, lại kinh hoàng tới vậy, quá sức chịu đựng của một con bé 14 tuổi. Nó cắn chặt môi không cho tiếng khóc than bật ra, và gọi thầm trong lòng: Cứu con Chúa ơi, cứu con Đức mẹ ơi! Con không chịu nổi thử thách này!

Nhưng đêm hôm đó, Chúa của nó, Phật của những đứa con gái đang nằm giãy dụa vì đau đớn bên cạnh đều không có mặt. Tất cả thần linh của đám người Việt trên chuyến tàu định mệnh đêm hôm đó đều bịt tai nhắm mắt làm ngơ trước mọi lời cầu nguyện…

Khi mọi việc kết thúc, Hằng lê bước xuống lại khoang thuyền bên dưới, hai tay che lấy phía trước vì chiếc áo đã bị rách toạt bày ra khuôn ngực trần mảnh khảnh. Có những bàn tay vươn ra như thể muốn nâng đỡ cái thân thể nhỏ nhoi lảo đảo của nó.

Nó thấy mẹ trong góc tối, mặt mẹ ngây ra vô hồn như hóa đá, có lẽ mẹ còn đau hơn cả nó, chỉ mấy tiếng đồng hồ mà mẹ trông già đi hàng bao nhiêu tuổi.

Hằng nói khẽ:

- Con bị chảy máu...

Mẹ không trả lời nhưng nó biết mẹ đang khóc. Bố bước tới đưa tay đỡ lấy nó, ôm chặt vào lòng.

Đêm hôm đó nó khóc ti tỉ rồi quá mệt mỏi nó thiếp ngủ trong vòng tay của Bố. Cả con thuyền im lìm, mọi người im lìm bó gối chờ trời mau sáng. Bình minh dường như đỡ ghê rợn, đỡ bất trắc hơn màn đêm dày đặc, hoặc con người bớt thú tính, bớt hung dữ hơn chăng. Nhưng đêm đó khốn nạn thay lại là đêm dài vô tận, đêm của những nỗi đau, con Hằng đang thiu thiu ngủ thì lại một ánh đèn pin loé sáng trước mặt. Bàng hoàng mở mắt ra thì đã thấy một bộ mặt đen nhẻm của 1 tên cướp biển trước mặt, hắn đang giương mắt lom lom nhìn con mồi tả tơi của mình. Hằng co người lại, nhưng tên cướp đã chụp được nó, chiếc áo đã đứt hết nút lại xổ bung ra. Hắn lôi ngược Hằng lên bong tàu, con bé lại ghì người xuống, lại khóc lóc van xin:

- Tha cho con, tha cho con, con đã “bị” một lần rồi mà!

Con đang chảy máu, tha cho con ông ơi!

Tên cướp không nói không rằng cứ giữ chặt lấy Hằng, mặc nó khản giọng van nài vật vã, và không chút xót thương, hắn đẩy ngửa con nhỏ xuống sàn tàu, gieo thân hình nặng nề, lực lưỡng của mình lên thân thể còm nhom của nó. Quần áo của con bé khốn khổ lại một lần nữa bị giựt tung lên.

Một lần nữa cơn đau xé người lại ập về, lại những cái lắc lư nhịp nhịp, lại những tiếng thở hùng hục, tiếng rên hừ hự, vẫn y như lần trước chỉ khác là lần này Hằng không khóc nữa, nước mắt cuối cùng đã khô cạn, cũng chẳng còn sức để thều thào xin xỏ, vì đó cũng là điều thừa thãi, Hằng cũng không gọi bố mẹ, vì nó biết bố mẹ chẳng thể cứu nó được. Chẳng ai cứu được nó lúc này! Nó cũng dừng cầu nguyện, vì nó đã khản giọng cầu xin Chúa, xin Đức mẹ cứu nó khỏi vòng tay quỷ dữ mà chẳng hề có phép mầu nào hiện ra...Hằng phó mặc cho định mệnh của chính nó, cho cơn đau đang xẻ thịt xẻ da. Cứ thế nó lại nằm trơ ra đấy, qua bờ vai tên cướp, qua khuôn mặt đỏ bừng và nhễ nhại mồ hôi của hắn, Hằng lại nhìn thấy vầng trăng treo lơ lửng trên bầu trời xa thẳm. Trăng vẫn sáng, vẫn lắc lư, trăng huyền ảo đang nhìn nó gồng mình quằn quại chịu đau bên dưới, nó nghe cả tiếng sóng vỗ vào mạn tàu, hình như có cả tiếng thì thầm của gió: ngủ đi, ngủ đi cho dịu cơn đau... Thế là lần này nó nhắm mắt lại và ngất lịm đi...

Ngày thứ 3:
Bọn cướp đã rút đi, bao nhiêu tài sản gần như bị vét sạch. Trên tàu im ắng một cách lạ lùng, không ai nói với ai lời nào, cũng chẳng còn tiếng khóc than. Đám thuyền nhân hầu như không còn lại gì, tất cả những lời hỏi han, an ủi nhau chẳng còn nghĩa lý gì lúc này. Mọi người thấy mình nhỏ nhoi bất lực làm sao giữa mênh mông trời nước. Bao nhiêu hồ hởi hy vọng ngày ra khơi giờ đã tan biến cả, chỉ còn lại mỗi nỗi sợ hãi và tan hoang hằn lên mặt.

Mẹ không còn dám khóc trước mặt nó, nhưng Hằng vẫn ao ước phải chi mẹ nó khóc ra thành tiếng cho vơi bớt nỗi đau. Bố không nói không rằng, chỉ ngồi lặng thinh bó gối và nhăn tít đôi mày, ông đang nén nỗi đau cùng cực vào lòng để cố trấn an gia đình bé nhỏ của mình. Ông đau lắm, nỗi đau không thể nào tả nổi, tất cả là lỗi tại ông, chính ông đã quyết định chuyến đi này thế mà ông đã bất lực, chẳng làm được gì để cứu giúp đứa con gái bé bỏng của mình. Những tiếng thét xé lòng của nó cứ như những nhát dao đâm thẳng vào tim, chọc thẳng vào màng nhĩ khiến ông- một người đàn ông cứng cỏi tưởng chừng có thể ngất đi.

Đám con gái bị hiếp ngồi tụm lại với nhau, hình như người ta dễ thông cảm với nhau hơn khi chịu cùng số phận. Chúng nó ngồi im lìm không nói, cũng không ai nhắc lại cái đêm kinh hoàng ấy. Dường như không ai muốn nghĩ tới. Giờ cơm, gọi là cơm nhưng thật ra ít cháo pha loãng, tụi con gái xấu số được mọi người nhường phần trước. Trong ánh mắt của mọi người có thể đọc được nỗi ái ngại và tội nghiệp. Người ta nói chuyện đối xử với chúng nó ân cần và dịu dàng hơn như để cố xoa dịu nỗi đau khủng khiếp mà chúng nó vừa trải qua.

Suốt ngày hôm đó và cả những ngày về sau, Hằng hay ngồi thơ thẩn phía trên bong tàu. Nó thích ngồi như vậy hàng giờ để thỏa mắt phóng tầm mắt ra xa tít tắp nơi biển và trời giao nhau, bên dưới mặt nước mênh mông một màu xanh ngắt, bên trên mây trắng lượn lờ. Mà cũng lạ sau cái đêm kinh hoàng ấy, nó không còn bị say sóng nữa, cũng chẳng thấy đói và khát. Hằng không còn cảm nhận những gì xảy ra chung quanh. Không hận thù, không mắc cỡ, không đau buồn... chỉ là không còn gì ngoài sự trống rỗng của cõi lòng.

Ngày thứ 4:
Lại một toán cướp biển tới tấn công, chúng tha không hiếp đám đàn bà con gái. Có lẽ trông họ cũng thảm thương rách mướp lắm rồi, và hơn nữa đã mấy ngày vật vờ không tắm rửa, điều kiện vệ sinh tồi tệ đến mức không thể tưởng tượng. Mọi thứ, mọi người đều bốc mùi khai khẳm nồng nặc. Khi cái chết lởn vởn bên cạnh, không ai còn nghĩ tới việc giữ sạch sẽ thơm tho. Người ta tiêu tiểu, ăn uống, ói mửa ngay tại chỗ. Lở lói, nghẻ ngứa, mụn nhọt bắt đầu tấn công mọi người, không một ai còn lành lặn. Có lẽ vừa tội nghiệp vừa ghê sợ nên bọn cướp đã buông tha cho họ, không động vào ai, chỉ cố vơ vét những gì còn sót lại. Trước khi rút đi chúng còn để lại ít gạo, cá và nước uống. Mọi người thì thầm cảm tạ, bọn cướp này dù sao cũng còn chút ít lương tâm.

Ngày thứ 5:
Toán cướp thứ ba tràn qua tàu, cũng lại là những tên Thái đen nhẻm, mặt mũi hung tợn, cũng lăm lăm những gươm, dao, mã tấu sáng ngời, sắc lẽm. Bọn cướp lục tung con tàu vốn lúc này đã tan tành, tan nát. Nhưng chúng chẳng còn tìm được nhiều nhặng gì, tất cả tư trang quý giá đều đã bị những bọn trước vét sạch, chỉ còn lại đám người dở sống dở chết hôi thối nằm ngồi lăn lóc vật vạ. Điên tiết chúng hùng hổ tách những người đàn ông và đàn bà xơ xác khốn khổ kia ra làm hai, một số đàn ông và con nít được ở lại tàu, đàn bà và con gái bị lùa qua tàu bọn cướp. Mẹ của Hằng may mắn được tha cho ở lại vì phải dỗ dành bé Hà và bé Hùng lúc này đang khóc thét lên vì sợ hãi. Bọn chúng cắt sạch tất cả các khuy nút của mọi người vì nghĩ họ giấu vàng bạc trong đó. Mọi người lúc này đều phải trần truồng, mồm miệng hả rộng, người gập xuống, giang tay dạng chân trong những tư thế kỳ dị để bọn chúng khám xét. Những bàn tay thô bạo nhớp nháp rờ mò, nắn bóp, lục lạo từng ngõ ngách của những cơ thể run rẩy, kiệt sức và bẩn thỉu. Đám đàn ông Việt, người cúi đầu, người quay mặt nhìn ra sóng nước mênh mông, không một ai dám nhìn cảnh tưởng bất nhẫn đang diễn ra trước mắt. Họ thấy mình nhục nhã và hèn hạ làm sao, nhưng làm gì được, những con dao sáng loáng cứ vung qua vung lại trước mặt. Không ai còn biết thế nào là mắc cỡ ngượng ngùng, lúc này không còn chỗ cho những cảm xúc thừa thãi đó, bởi ai cũng như ai, cũng trần truồng, cũng bị nắn bóp, cũng tận cùng của mệt mỏi. Những nạn nhân răm rắp làm theo lệnh của bọn cướp, không buồn che giấu những bộ phận nhạy cảm trên thân thể, họ chỉ mong mọi việc chóng kết thúc để bọn cướp bỏ đi. Đau khổ và kiệt quệ họ chẳng còn giọt nước mắt nào để khóc than cho số phận đen đủi của mình.

Ngày thứ 6:
Đồ ăn thức uống trên tàu bắt đầu cạn dần, bệnh tật, lở lói hành hạ mọi người. Chỉ 6 ngày trên biển, ăn ở sinh sống như thời hoang dã đã khiến mọi người không còn dáng dấp của con người mà chỉ là một lũ người ngợm đói khát bẩn thỉu và hôi hám. Họ không còn lại gì ngay cả niềm tin nhỏ nhoi. Bất giác Hằng đưa mắt nhìn chung quanh, mặt mũi mọi người đều lơ láo, đờ đẫn. Các em nó mỗi đứa chỉ còn độc nhất 1 chiếc áo mỏng manh trên người, 2 đứa đều ở truồng, mà chẳng phải riêng các em nó, những đứa trẻ còn lại cũng vậy. Cả đoàn người ngày ra đi còn hăm hở hy vọng là thế, vậy mà chỉ có hơn 6 ngày trôi dạt trên biển và 3 lần cướp biển thăm viếng, họ đã biến thành những thây ma sống lây lất chờ cái chết đến giải thoát. Hằng đã thôi cầu nguyện, lòng tin đã từ bỏ nó rồi, những con người khác cũng đã dừng hy vọng. Mọi người chỉ lẳng lặng nhìn nhau, những cặp mắt chỉ còn đọng lại nỗi cam chịu và phó mặc cho định mệnh. Họ cũng không còn sợ nữa, chẳng còn gì để sợ,thế nên khi bọncướp thứ 4 tràn qua tàu, mọi người chỉ giương cặp mắt vô hồn nhìn chúng, không còn cảnh kêu la, hoảng loạn chạy trốn như những lần trước. Họ đã mất hết rồi, có còn gì để mất?

Nhìn bọn người Việt rúm ró, thờ thẫn, tơi tả ngồi bệt dưới đất, bọn cướp Thái nhanh chóng hiểu rằng chúng đã chậm bước, không còn hy vọng tìm được món gì béo bở trên những bộ xương người lở lói, hôi thối kia, thế là chúng nổi điên dùng rìu phá thành tàu để tìm kiếm của cải. Sau khi đập phá cho đã nư bọn chúng rút đi thì nước cũng bắt đầu tràn vào tàu. Bọn cướp nào có quan tâm gì đến số phận sống chết của những kẻ bất hạnh kia, những năm đó, sinh mạng thuyền nhân người Việt rẻ rúng vô cùng,lòng biểnThái Bình Dương đã nuốt chửng hàng vạn người trong những cuộc vượt biển.

Hằng ngồi ngây ra đó, chiếc tàu cướp biển dần dần trôi xa biến khỏi tầm mắt, không gian lại trở nên yên ắng lạ thường, chung quanh màn đêm đang dần buông xuống phủ trùm lên vạn vật. Con tàu nhỏ nhoi của nó có vẻ trơ trọi và thảm não giữa biển trời đen thẳm.

Ngày thứ 7:
Con tàu mỗi lúc mỗi tròng trành, nước tràn vào làm nó nặng nề nghiêng hẳn qua một bên, máy móc cũng hư hỏng hết cả rồi, con tàu không di chuyển được nữa, chỉ còn trông chờ những ngọn sóng đưa đẩy trôi dạt…

Kiệt sức và đói khát chẳng ai còn hơi sức để hỏi han an ủi người khác,mọi người chỉ lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau, những ánh mắt tiễn biệt trước giờ sinh tử. Những con người này không sinh cùng năm cùng tháng, nhưng có lẽ chốc lát đây sẽ rời bỏ cuộc đời này cùng một lúc. Có ai đó còn nghĩ thôi thì dù sao cũng còn hơn phải sống lây lất thế này, chết có khi là sự giải thoát của những nỗi khổ ải, vậy thì chưa chắc cái chết đã đáng ghê sợ đến thế! Những người cùng gia đình ngồi sát lại bên nhau, nắm lấy tay nhau và chờ đợi. Bố mẹ Hằng cũng kéo 4 đứa con sát vào mình. Quanh cảnh thật lạ kỳ, có vẻ như người ta đã đầu hàng số phận, chấp nhận điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Mọi niềm hy vọng dù cỏn con đều đã chết sạch trong lòng mọi người. Cũng không một ai còn đủ sức để dâng lời cầu nguyện, mà hình như từ lúc tàu ra khơi, đã chẳng có vị thánh thần nào đi theo che chở cho họ cả.

Hằng ngồi sát cạnh bố mẹ và các em, nhưng mắt nó vẫn đăm đăm hướng về phía biển cả. Lâu lắm rồi nó cũng chẳng ăn uống gì, nếu có cũng chỉ là những thìa cháo loãng nấu chưa chín còn lẫn cả cát và sạn, thế mà Hằng cũng không thấy đói, nó chẳng cảm nhận điều gì nữa từ cái đêm hôm đó, cái đêm con bé 14 tuổi bỗng chốc bị hóa thành đàn bà một cách đau đớn và thô bạo nhất. Cái trí óc ngây ngô của nó cũng chẳng nghĩ được gì nhiều, giờ đây lênh đênh giữa biển khơi, ngồi trên con tàu đang dần chìm, nó chỉ vơ vẩn nghĩ tới chị Hoàng Hoa. Không biết chị ấy có biết cuộc đời của nó- của con bé từng si mê chị, sắp dừng lại nơi đây, ở cái nơi xa xôi sóng nước mênh mông này? Phải chi nó được gặp lại chị lần cuối để nói với chị là nó yêu chị biết mấy trước khi con tàu xui xẻo này mang nó theo vào lòng đại dương. Cái chết không làm nó sợ, nó chẳng sợ điều gì nữa cả từ đêm hôm đó...

Nước tràn vào nhiều lắm rồi, con tàu đang nặng dần và nghiêng hẳn. Cái chết cũng gần lắm rồi, mẹ nắm chặt tay bố, xoa đầu các con, mẹ bảo hãy cầu nguyện, gom hết sức lực tàn tạ lại mà dâng lời thỉnh cầu lên Chúa. Bắt chước mẹ, con Hằng cũng bắt đầu cầu nguyện, nó cầu xin nếu Chúa không làm phép lạ cứu vớt con tàu nát bươm này, thì hãy cho cả gia đình nó gặp nhau ở cõi thiên đàng, nơi đó không có nỗi sợ hãi, không có cảnh vượt biên, không có những mã tấu, gươm dao đe doạ, không có màn cướp bóc và hãm hiếp, nơi đó chỉ có yêu thương. Cả gia đình nó nhắm mắt dâng lên Chúa những lời thỉnh nguyện cuối cùng... Giữa lúc mọi người nhắm mắt tuyệt vọng thì thấp thoáng xa xa bóng dáng giàn khoan dầu PANAMA xuất hiện...

Có những tiếng ồ yếu ớt vang lên. Những con người tả tơi lại cố nhổm dậy chen nhau để nhìn cho rõ. Như có phép lạ, sức lực ở đâu tự dưng bỗng tràn về. Những tiếng kêu cầu cứu lại vang lên, những cánh tay gầy nhom giương lên vẫy loạn xạ. Và người ta òa ra khóc, mọi người đều khóc, những giọt nước mắt của hy vọng. Hy vọng đã quay trở lại sau 4 lần bị cướp bóc hãm hiếp đánh đập, 7 ngày lênh đênh kề cận cái chết trên biển cả. Bố nhìn mẹ, nhìn em trai rồi quay lại nhìn đàn con, ông đã thấy cái sống hiện ra từ cõi chết…

Bích Dung


No comments:

Blog Archive