Saturday, May 11, 2024

Góc Huế Bên Ni

Tác giả Minh Thúy Thành Nội trong ngày Hội Ngộ Mừng Xuân

Lại bước qua năm mới, mỗi năm đầu xuân, hội Huế thường tổ chức “Ngày Hội Ngộ Mừng Tân Niên”.

Năm nay với chủ đề “Xuân Và Tuổi Trẻ”, có lẽ ban tổ chức muốn gieo thông điệp yêu thương đến thế hệ con cháu, với niềm hy vọng tuổi trẻ sẽ nối tiếp cha ông hoạt động và giữ gìn một góc Huế trên xứ người tại vùng Bắc Cali.

Nghĩ đúng là những con người nặng tình với Huế, muốn dân Huế họp mặt để ôn những kỷ niệm về Huế, muốn được nghe tiếng Huế, muốn tìm kiếm người thân, người quen mong tìm lại dư hương của một thành phố trầm buồn với nhiều di tích lịch sử.

Mọi người ai cũng biết đứng ra tổ chức “buổi họp mặt” không phải là điều đơn giản. Ban tổ chức đã hợp lực kiên nhẫn làm việc, mỗi người góp một tay mới nên cháo nên cơm.

Hội Huế may mắn có nàng dâu Huế Thu Nga điều hành Công Ty Dược Mỹ Phẩm EV Princess/ BL MIRACLE và Trung Tâm Thẩm Mỹ Bích Liên Skincare, nhờ giao thiệp rộng nên mời được những bàn bảo trợ từ $1,500 đến $2,000, cùng với Trần Trung Trực của “USA- Touch-up Auto Body Ins”, anh Lê Minh Hải với văn phòng “Robert Mullins International” do sự khéo léo xã giao.

Trong số người bảo trợ có Bác Sĩ Nha Khoa Hoàng Tuấn, vợ là chị Quỳnh Mai luôn bảo trợ $2,000/ 1 bàn. Khỏi nói ai cũng biết BS là người nhân ái, luôn làm việc thiện, sống mộ đạo hiền hòa, có một cuộc tình rất đẹp cùng chị Quỳnh Mai và họ sống bên nhau hạnh phúc.

Vật giá leo thang không thể tưởng tượng, mà cốt cách của dân Huế thì luôn hà tiện cho bản thân, nhưng lại giữ kẽ với thiên hạ. Năm ngoái có nhiều người khi nhìn giá tấm vé đều le lưỡi trả lời không đi, nhưng rồi sau đó không nỡ xa Huế nên giờ phút chót vẫn có mặt, dự tiệc xong lại khen “thức ăn ngon hèn chi giá mắc”. Giữa tháng 7 hội Sịa tổ chức “Giữ Trọn Tình Quê”, khi chọn giá biểu nhìn thực đơn mới hay đó là giá hạng nhất $85 chưa kể tiền nước, tip và rượu. Cũng như 5 năm trước, cứ nghĩ giá $50 lỡ in trong vé, nhưng sau đó là $53.50 cent, BTC cười vui vẻ “kệ ...đã có phần bảo trợ bù qua rồi. “ Chính vì vậy bàn bảo trợ được xếp đặt ngồi trên để tỏ lòng biết ơn.

Các anh trong BTC đã từ từ tới tuổi lão, nhận định luật của trời đất là đến giai đoạn “Bệnh”, nên không giúp được gì nữa. Trong ban điều hành có anh Thiện trước 75 là sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc Trung Tá ngành Không Quân (cố vấn hội Huế) nay đã gần 90 tuổi, vợ là chị Vinh 81 tuổi, anh chị muốn nghỉ ngơi từ lâu vì vấn đề sức khỏe, nhưng số “nợ còn mang” nên bị hội níu giữ cho đến bây giờ vì anh chị giúp đỡ rất nhiều việc thuận lợi. Anh Túc (sĩ quan xưa) cũng là cánh tay đắc lực lo phần nghi lễ bao quát.

Ngoài ra chị Liên là thủ quỹ giữ vai trò rất tốt từ lâu, sổ sách trình bày rõ ràng chi tiêu. Chị thường hay nhắc nhở tiết kiệm mặt này, mặt kia. Có lúc chị cũng thốt lên “chi ra nhiều quá sắp cạn rồi” các em đùa lại “đừng lo, sẽ kiếm thêm bảo trợ…”. Chị làm đơn xin từ chức lý do “giữ công việc ni đã lâu quá rồi, cần người thay thế” chị còn đùa “không thể tham quyền cố vị mãi hoài”, nhưng chị cũng bị níu kéo. Nói chung thế hệ đi trước rất trông mong vào tuổi trẻ hiểu được nguyện vọng tâm tư của người lớn, nhảy vào tham gia hoạt động nối tiếp.

Năm ngoái, buổi sáng MC Trung Trực thật thảm não, trèo cao treo banner, làm các việc nặng nhọc cùng vài anh lớn tuổi phụ thêm, cho đến chiều lật đật chạy về nhà thay quần áo trở lại nhà hàng, rồi đứng mãi trên sân khấu làm MC cho đến giờ phút chót bao giàn các thứ dọn dẹp chất ra xe. Đó là về công việc, còn phần bảo trợ chưa kể mấy năm trước Trực, anh Hải, Thu Nga đã bỏ tiền riêng thuê ca sĩ hát nữa chứ, thiệt là sự hy sinh to lớn cho Huế thân yêu.

Còn nhiều khó khăn nữa trong việc tìm MC nữ: rằng cần nói tiếng Huế nguyên gốc thì đa số đã lớn tuổi, tìm ngoại hình trẻ đẹp cũng từ con cháu Huế thì các em lại nói lơ lớ gần như tiếng Nam. Chao ơi là khó chưa tề, vì tiếng Huế bị độc lập không giống tiếng các miền trong, nếu ở ngay tại xứ Huế thì dễ đó đa, nhưng cũng ganh tỵ với dân miền trong khi kiếm MC Bắc Nam sao cũng được thiệt dễ dàng. Văn nghệ cũng tìm giọng Huế, hát nhạc Huế lại càng khó nữa, vì nhóm trẻ cho là buồn quá không hứng thú, lớp già nay lại hạn chế ít tham dự vì sức khoẻ yếu kém.

Nghĩ cho cùng, hành trình để giữ được chữ “Huế” nơi đất khách quê người là cả sự gian nan khó nhọc, BTC đã hy sinh tiền bạc và công lao đáng kể chỉ vì yêu Huế, đem quê hương thân yêu ghi dấu trên xứ người, lưu truyền văn hoá, nghi thức của đất thần kinh nổi tiếng từ lâu, được mệnh danh là “thành phố của văn hóa và trung tâm của du lịch”. Tôi được biết có nhiều nơi từ lâu không còn tổ chức hội Huế như dưới Nam Cali, gần đây hội Huế tại Minnesota cũng tắt tiếng vì nhân lực, ngân quỹ, và phần bảo trợ bế tắc khó khăn.

Những lần tổ chức nhiều doanh nhân bảo trợ bằng hiện vật hay hiện kim giúp vui cho mục xổ số với những món quà giá trị, cho nên cũng có phần bán vé. Chỉ mong BTC xoay sở dưới nhiều hình thức, chi trả phần bọc ghế chưng hoa, mục văn nghệ, ban nhạc và và nhiều thứ linh tinh, bảo đảm phần tài chánh để con dân Huế còn được họp mặt vui xuân hàng năm.

Năm này mưa hơi nhiều nếu không nói là mưa triền miên. Ngồi nhìn qua khung cửa, mưa trắng xoá lại càng gởi gấm nỗi nhớ nhung về Huế nhiều hơn. Có thương có nhớ cũng chỉ còn là hoài niệm. Mỗi lần nghe ai nhắc Huế như chạm vào trái tim yêu thương nặng tình dành cho Huế. Huế xưa ...biết bao nhiêu kỷ niệm của thời thơ ấu cùng lũ bạn trong xóm. Nhớ mạ mỗi trưa đi chợ về đều có mấy cái bánh bột sắn để trên đống rau, chỉ chờ mạ về rứa là lục giỏ lanh lẹ. Nhớ những tô bún nước mắm cay nồng xé lưỡi nơi quán bà cai trường. Nhớ những cây khế nhành, khế chua, khế ngọt mà đa số vườn nhà ai cũng có trồng, nơi tập họp bạn bè với chén muối ớt đâm chờ sẵn, cùng nhau ngồi dưới gốc cây nhâm nhi. Hoặc những buổi đi thơ thẩn nâng niu những chùm hoa khế trắng tím nho nhỏ thanh tao, hay giàn ti-gôn rũ xuống theo mái nhà, để rồi mỗi lúc quét sân nhìn xác hoa rụng, lòng bâng khuâng chen lấn nỗi buồn không tên.

Làm răng mà quên được những trận lụt ở Huế, có năm nước vô, nước ra dọn dẹp tới ba lần. Nước dâng cao xếp bàn ghế chồng lên giường, nấu nồi cơm ăn với ruốc kho ớt, hoặc mắm cá Chuồn kho quẹt. Sau lụt hái buồng chuối sống sau vườn tước vỏ kho với ruốc, hoặc hái mít non nấu canh húp qua ngày.

Mùa đông lạnh giá mỗi sớm đi học trong sương mù dày đặc, quần áo luôn ướt nhẹp. Đêm khuya tiếng tụng kinh từ chùa Diệu Đế vọng vô thành nghe buồn não nuột nhưng rất ghiền, vì rứa rất thích đi Chùa. Dân Huế mộ đạo, có ăn rau ăn mắm qua ngày nhưng đến 14, 15 rằm hoặc 30, mồng 1 là các mạ lo sợ chợ trễ không còn hoa quả, chuối để mua về dâng bàn Phật nên đi thật sớm.

Nhớ lắm ly chè Cồn lịm mát, cơm hến, bắp từ vùng Vỹ Dạ gánh vô các nẻo đường trong Thành Nội rao giọng ngọt thanh. Nhớ bánh Khoái Thượng Tứ, nhớ chè bột lọc bọc thịt quay, nhớ bánh lọc mụ Đỏ, bún bò mụ Rớt. Nhớ những quán các phê khung cảnh nên thơ đến ngồi trầm ngâm nghe nhạc. Nói về thu ở Huế làm răng mà quên được nét đặc biệt: Rằng khi trời chuyển thu có ngọn gió se lạnh, bước ra ngoài khắp các nẻo thành hay trên đường phố hầu như xuất hiện những tà áo tím với mái tóc dài “thả gió lê thê”, rất dễ thương quyến rũ đã khơi nên cảm xúc lâng lâng đi vào dòng nhạc của Hoàng Nguyên:

Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang
Tôi gặp một tà áo tím
Nhẹ thấp thoáng trong nắng vương
Màu áo tím ôi luyến thương
Màu áo tím ôi vấn vương
Để lòng bâng khuâng theo màu áo ấy
Màu áo tím hôm nào
Tình quyến luyến ban đầu
Chập chờn tâm tư màu áo thoáng chiêm bao

Huế trầm mặc nhẹ nhàng và mang nỗi buồn kín đáo như mùa đông âm ỉ kéo dài, như nhà thơ Nguyễn Bính đã thốt “Trời mưa ở Huế sao buồn thế. Cứ kéo dài ra đến mấy ngày”, hoặc nhìn những cô gái Huế, nhà thơ đã diễn tả trong bài “Tựu Trường” “Những nàng kiều nữ sông Hương. Da thơm là phấn môi hường là son”. Huế là thơ nên được rất nhiều nhà thơ như Xuân Diệu trong bài Nguyệt Cầm “Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh. Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần.” Huy Cận với “Huế Vấn Vương” “Huế hoa thiên lý mùi hương thoảng. Huế tím chiều thu dậy ước mơ.” Hàn Mặc Tử trong bài Đây Thôn Vỹ Dạ “Sao anh không về chơi Thôn Vỹ. Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.” Nhạc sĩ Văn Cao trong bản Thiên Thai “Em cạn lời thôi anh dứt nhạc. Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh. Một đêm đàn lạnh trên sông Huế. Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh.”

Thật hãnh diện cho Huế vô cùng được đưa vào thi ca, âm nhạc. Huế thơ mộng qua hình ảnh cầu Tràng Tiền, sông Hương, núi Ngự, đồi Vọng Cảnh, Chùa Thiên Mụ... Huế yêu kiều. Huế mộng mơ, dịu dàng. Nghĩ về Huế luôn có những giây phút lắng lòng trầm tư.

Huế Xưa
(Liên Hoàn)

Thương về xứ Huế những ngày thơ
Mỗi sớm Hương Giang điểm trắng mờ
Mấy cảnh bờ sông chiều nắng lụa
Đôi tình bến nước sáng trời mơ
Thu ươm áo tím ru lời nhạc
Hạ quyện mây hồng xoắn nắng tơ
Đại Nội, Đông Ba, thành Thượng Tứ
Khi mô trở lại Tịnh Tâm chờ

Khi mô trở lại Tịnh Tâm chờ
Để gió ru đời dệt tiếng tơ
Xứ Huế tôi mang vào giấc mộng
Hoàng Thành bạn kết giữa đêm mơ
Bao Vinh lá trúc đò u uẩn
Vỹ Dạ nhà tranh khói nhạt mờ
Đỉnh Ngự trăng cài soi huyễn ảo
Cung sầu vạn lý níu hồn thơ

MTTN

Huế là nơi có bản sắc văn hoá về lịch sử và lối kiến trúc đặc biệt của các triều đại vua chúa. Nơi có phong cảnh hữu tình, con người đầy chất thơ. Huế là nhánh sông chính bao trùm những nhánh con như Quốc Học, Đồng Khánh, Sịa, Hải Nhuận...v…v...

Đêm nay Huế rất hãnh diện có người con nổi tiếng, qua những bản nhạc cô sáng tác “Vì Đó Là Em”, “Phiến Đá Sầu”, “Mình Ơi”…v..v... nhạc sĩ Diệu Hương đã đến góp mặt chung vui. Ngoài màn ca hát của cô còn có rất nhiều màn văn nghệ ngoạn mục do các mầm non và tuổi trẻ hải ngoại múa ca bằng tiếng Việt dễ thương, cũng nhờ công lao của ban Tuệ Đăng do nhạc sĩ Lê Minh Hiền hướng dẫn tập dợt.

Chữ “Huế “như tiếng gọi thiêng liêng của quê hương. Hồi hộp đón chờ đi dự, đội mưa mà đi tìm lại dư âm yêu thương trong lòng đất mẹ. Cầu xin ban tổ chức có nhiều sức khỏe, tuổi trẻ có nhiệt huyết nối tiếp cha ông để tôi còn đi dự hàng năm. Dẫu không giúp gì được cho hội, nhưng sự có mặt của mình cũng an ủi khuyến khích tinh thần và góp phần duy trì được hơi thở của Huế, linh hồn của Huế nơi xứ người. Cám ơn ban tổ chức.

Cám ơn “Đêm Hội Huế San Jose 17 tháng 2 năm 2024.”

Minh Thúy Thành Nội
Tháng 2/ 2024
 

No comments:

Blog Archive