Miền Nam thương yêu xin giữ miết trong lòng!
Hồi nảy đi ngang đám nhậu, nghe thằng du côn xâm mình ta thán " Nhớ nhà chết ...mẹ bây ơi!" làm một đám ma men tự nhiên đứng hình, có ông cũng thút thít "Ừ! mày làm tao nhớ thiệt".
Lâu lắm rồi chưa ai về quê, không có tiền về, túi không tiền về quê coi sao đặng. Nhà cửa đóng im lìm, bụi bặm, bồ hóng nó giăng đầy. Cái kiếp tha hương, lưu vong trên chính quê hương mình.
Dân mình, nhớ nhà là nhớ đồng nhớ ruộng, nhớ những con kinh ngút ngàn được đánh số, nhớ những chuyến bắc ngày qua ngày chở khách qua sông. Nhớ mùa cá linh khi nước lũ tràn đồng.
Cá linh là một loại cá của mùa lụt lội. Có hai loại cá, một loại mình dẹp, vẩy nhỏ xíu, có một hàng vẩy chạy dọc hông lấm tấm đen hơi lợt lợt tên là cá linh rìa. Loại hai có dáng tròn dài cở ngón tay tên là cá linh ống.
Ẩm thực cá linh và bông điên điển là loại khẩn hoang, dân dã ,rất đậm hơi hám Miền Nam.
Cá này từ Biển Hồ bên Cam Bốt thượng nguồn Cửu Long theo mùa lụt lội đổ về hạ nguồn Nam Kỳ vào dịp tháng 4 tới tháng 5 âm lịch. Khi đi nó nhỏ xíu như đầu đũa kêu là cá linh non.
Vừa đi vừa ăn, qua Nam Kỳ túa vào vàm rạch, ruộng đồng ăn rong bọt lớn từ từ bằng ngón chưn cái, có con bằng nửa cườm tay.
Nơi ruộng vườn, dân quê gọi tên "cá linh" là dựa theo cái kinh nghiệm trong nghề chài lưới mà đặt để ra chứ không có chuyện vua Gia Long nào phong hết.
Vì quan sát cá này sẽ biết mưa hay nắng.
Chẳng hạn như đang mùa nước nổi, vào các ngày nước trên đồng bắt đầu giựt, khoảng mùng 10 tháng 10 âm lịch là cá linh biết trước nơi đây nước sẽ rút. Và chúng ùn ùn kéo nhau ra các bờ kinh, vàm rạch đặc nước.
Nhưng khi cá ra như vậy các xuồng ghe chài lưới đón cá tại các vàm rạch để giăng bắt dính cá vô số kể; bỗng dưng cá linh dường như trốn đâu mất, cá dính lưới thưa thớt, rồi không dính lưới nữa, thế là dân chài lưới biết chắc trời sắp sửa chuyển mưa.
Khi có mưa như vậy cá linh không thèm ra sông nữa và tiếp tục ở nán lại trên đồng và tiếp tục chờ nắng lên mới bắt đầu lại cuộc hành trình vượt các đồng cỏ, bờ kinh, vàm rạch để về miền sông nước sâu hơn.
Do đặc tính biết nắng, biết mưa như vậy, mà dân quê ở vùng sông nước Long Xuyên, Châu Ðốc, Hồng Ngự, Tân Châu, Cao Lãnh, Sa Ðéc và các vùng lân cận gọi loại cá này là "cá linh".
Bông điên điển là cây bụi, chỉ trổ bông khi mùa nước nổi về và mọc chùm chùm vàng rực nhỏ xíu.
Bông điên điển dòn dòn, ăn lúc đầu thấy hơi chát nhưng càng về sau thì vị ngọt thanh lan đều trong miệng.
Khi nấu chín bông điên điển giữ được màu vàng đặc trưng.
Chẳng biết khi nào bông điên điển kết duyên cùng con cá linh làm nên ẩm thực mùa nước nổi của Nam Kỳ nữa?
”Ăn bông điên điển, nghiêng mình nhớ đất quê.”
Người ta chia ẩm thực theo 5 vị là mặn, ngọt, chua, cay, đắng thì cái mùi cũng theo năm vị đó, cũng là vị cuộc đời.
Sông Cửu Long và những con kinh con rạch của quê mình ngày đó cho nhiều tôm cá. Xứ mình cá tôm đầy nhóc. Cả một vùng sông nước, đìa, bào, mương rạch vùng châu thổ miệt Cửu Long cá ơi là cá!
Cá tôm không thể tính con, tính ký nữa, mà tính bằng thùng, bằng giạ, bằng cần xé, bằng ghe bằng xuồng.
Cá nhiều quá ăn không hết, nên người ta làm khô, làm mắm để dành khi thắt ngặt. Là vì khô, mắm để lâu được và cũng chế biến nhiều cách ăn riêng và tiện lợi vô cùng.
Miền Nam có hàng mấy chục,mấy trăm loại mắm, món nào cũng có vị và mùi đặc biệt của nó.
Người ta nói mắm là món "có mùi" hôi, nặng mùi. Tuy nhiên mắm là món mang đà cái tình quê hương xứ sở nhút. Nó phản hiện hình ảnh nước tràn đồng, bờ ao con kinh với những con cá ngút ngàn của lưu dân Nam Kỳ thời đi khai khẩn.
Mắm Miền Nam luôn đi kèm với hàng chục loại rau sống, thiếu rau thời mắm mất ngon tới hơn phân nửa, mà rau cũng là món khẩn hoang của ông bà mình.
"Rau dừa chấm với mắm kho
Việc đời nó tới thì lo làm gì."
Mùi mắm kho là mùi kinh khủng. Nó như giết con người ta, nghe mà muốn điên. Mới sáng sớm mà nghe hàng xóm kho mắm là cả nhà bật dậy hết. Nhưng với người Miền Nam xa quê khi nghe mùi mắm bay qua là có thể ngồi khóc vì nhớ nhà.
Bà kia từng dạy con "Mắm khó hửi, nhưng ráng hửi mùi cho đậm đà tình yêu Nam Kỳ Lục Tỉnh mình con à!"
Bún mắm, lẩu mắm hòa quyện đẩy được cái vị "ngon" ở đầu lưỡi người ăn lên cao ở mức thăng hoa tột đỉnh của ẩm thực Miền Nam. Bún mắm có địa vị như trái sầu riêng vậy, đã không biết ăn thì thôi, ăn một lần sẽ có lần thứ hai và thành ra thấm vị ghiền nên ăn hoài quỷ.
Cửu Long chín cửa là con sông mẹ của Miền Tây. Cửu Long toả đi khắp thôn làng với những mạch máu sự sống.
Lúa gạo ngon lành với gạo Nàng Hương, Nàng Tây, Nàng Thơm, Nàng Tét, Nàng Co, Nàng Nhen, Nàng Côi, Nàng Xe, Nàng Chô, Nàng Quốc, Nàng Tiên, Nàng Hoa, Nàng Xuân đều từ đó mà khoe sắc.
"Hò ...ớ ơ!
Ruộng gò anh cấy lúa Nàng Xe
Anh thấy em còn nhỏ anh ve để dành."
Bánh tráng bánh phồng, những món bánh thơm ngon cũng từ mạch sống Cửu Long mà khoe đời.
"Xứng đôi lấy nhau trớt
Đây bánh tráng Mỹ Lồng
Đây bánh phồng Sơn Đốc
Sính lễ lòng gởi lòng".
Tình yêu người Miền Tây cũng từ sông Cửu Long vun vén mà ra.
Ai cũng khen chuyện tình Huỳnh Thuỷ Lê ở Sa Đéc là quá đẹp. Người Tình làm rung động bao thế hệ về sự lãng mạn và thuỷ chung.
Chuyện tình đó bắt đầu năm 1929 trên chuyến bắc Mỹ Thuận qua sông Cửu Long mù mịt khói của dầu hôi. Cô gái trẻ người Pháp bình dân nhà nghèo với bộ đồ đã cũ phải đi xe đò từ Sa Đéc về Sài Gòn đang tựa người vào lan can nhìn sông nước, mây trời bâng quơ, xe đò năm đó chở cả người lẫn gà vịt và hàng bông, trái cây, tiếng người Miền Nam nói chuyện râm ran, í ới.
Trên một vùng bao la vô tận của tầm nhìn, con sông chảy uốn khúc trong khung cảnh của đất trời chùn thấp xuống và bà đã gặp người tình của đời bà, chàng trai Huỳnh Thuỷ Lê.
Người ta phải có lòng với mảnh đất nào đó thì người ta mới nhớ, mới hoài niệm nó dai dẳng.
Miền Tây không phải đất nào cũng tốt, có những vùng ao tù nước đọng, sình bùn lầy lội đầy cỏ bàng cỏ lát, sú vẹt, đước mắm bần. Nhưng đừng quên, nhờ vào lác, ô rô, cóc kèn, bần, vẹt, mắm, đước, dừa nước, mà giữ được phù sa không trôi hết ra biển.
Sình lầy thì nhiều muỗi mòng.
Ai ở Nam Kỳ chừng xưa xưa sẽ không bao giờ quên cảnh tối tối bà nội bà ngoại đốt lá cây khô un khói đuổi muỗi, mùi khói cay cay nồng nồng mà cả đời người ít ai có thể quên được.
Những vùng gần biển thì bần và mù u làm nao lòng người xa xứ.
Đất Nam Kỳ là đất của mù u. Cứ xứ nào mà đất gần gần biển, đất de de sông mà nước lờ lợ là có mù u mọc. Mù u có nhiều tác dụng mà ngày nay hầu như ít ai còn xài, có thể kể ra dầu mù u để đốt đèn bấc kiểu xưa, dầu xứt ghẻ, trái mù u cưa đôi ra làm cán gáo múc nước mắm múc rượu.
“Bà già đi lưọm mù u
Bỏ quên ống ngoái chổng khu la làng.”
Mù u có mùi rất ngộ. Nhiều người Miền Nam vẫn còn nhớ hồi nhỏ lượm trái mù u về để ép dầu đốt đèn và những bông mù u rụng lác đác dọc theo đường làng.
Nhớ đôi bông mù u của bà cố!
Bông mù u là loại bông vặn đít, nó có hình dạng cái bông mù u tròn tròn làm bằng đồng điếu, vàng và sau này cẩn ngọc trai và hột xoàn. Nhưng thông thường là vàng tây-tức vàng 18 k. Xưa nhà trung lưu Nam Kỳ hay đeo bông loại này. Bà cố, bà nội bà ngoại chúng ta ai cũng có ít nhứt một hai đôi bông tai loại này. Mấy bà giữ kỹ như gia bảo, lâu lâu chùi rồi phơi nắng, chết thì trao lại cho dâu hoặc con gái giữ, nghèo cạp đất ăn chứ không bao giờ đem bán.
Người ta nhớ về những ngôi đình lộng lẫy rồi cũng nhớ về những cái đình xiêu vẹo của đất này!
Một khía cạnh khác, lịch sử Miền Tây nói riêng và Miền Nam chúng ta là lịch sử của máu và nước mắt.
Trong "Lịch sử khẩn hoang Miền Nam" Sơn Nam đã viết về chuyện tại sao triều đình Cam Bốt "nhượng đất" cho chúa Nguyễn hết lần này tới lần khác như sau:
"Người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình đem nhượng hết cả đất ấy rồi đi lánh chỗ khác, không dám tranh trở chuyện gì."
Lịch sử Miền Nam có yên đâu, Thổ dậy cáp Duồng, Tây Sơn hành quân hủy diệt cù lao Phố ,Chợ Lớn, Mỹ Tho. Rồi những năm sau vụ "mả ngụy" của vụ Lê Văn Khôi, Xiêm La xâm lược, Pháp xâm lăng, năm 1945 VM bùng lên, Mậu Thận 68, rồi sau ngày 30/4/1975 cũng đau đớn, cuộc sống bung nát tột cùng.
“Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân"
Con cháu Miền Nam ý thức dòng máu mình trong huyết quản có chút Việt, có chút Chàm, có chút Khmer, có chút Tàu, máu Ngủ Quãng.
Xin ghi nhớ Công Nữ Ngọc Vạn, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Trần Đại Định, Trần Hầu, Nguyễn Hữu Cảnh, Tống Phước Hòa, Tống Phước Hiệp, Võ Thành Nhơn, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Phạm Đăng Hưng, Nguyễn Khắc Tuấn, Nguyễn Văn Tồn, Lê Văn Duyệt, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thị Tồn, Trương Minh Giảng, Nguyễn Văn Thoại, Phan Thanh Giản, Đồ Chiểu, Trương Công Định, Trần Văn Thành, Tôn Thọ Tường, Petrus Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Sương Nguyệt Anh, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Huỳnh Phú Sổ, Hồ Văn Ngà, Ngô Đình Diệm, Trần Văn Hương....
Chúng ta nhớ những vị tướng Việt Nam Cộng Hoà đã tuẫn tiết như : Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng Nguyễn Khoa Nam, Hồ Ngọc Cẩn.
"Lưng đeo kiếm chừ, tay cắp cung
Đầu tuy rơi chừ dạ chẳng chùng
Thật hăng hái chừ thật can đảm
Lấn hiếp nhau chừ chuyện không xong
Thân đã chết chừ, thần phải thiêng
Hồn vía ma chừ, vẫn anh hùng."
Đó là dấu thiêng của những bậc anh hùng!
Ông bà Miền Nam đã để lại một nền văn minh Nam Kỳ, một hào khí Miền Nam thinh thang không chịu luồn cúi bất cứ nghịch cảnh nào. Hai chữ tự do và dân chủ luôn hiện diện trong cách sống,tầm nhìn và con người Miền Nam.
Miền Nam là tự do, dân chủ và tôn trọng con người.
Tổ tiên của chúng ta là tất cả những nấm đất mấp mô ngoài ruộng,bên hè Ở đó xương cốt người nằm xuống hòa cùng mạch đất vui bồi tưới tẩm cho cháu con.
Chúng ta nhớ những mùa hạn khô cháy, ở đó người dân cháy da sạm tóc, tất tả ngược xuôi vì đời cơ cực, vai chai hằn vì gánh nước hàng đêm.
Nam Kỳ có một mùa khô hạn tàn khốc, khi đó kinh rạch khô queo, ruộng đồng nứt nẻ, nước giếng đỏ quánh màu phèn, nước mặn tràn vô sông lớn, nước uống của người còn thiếu chứ đừng nói ruộng vườn.
Cho nên ông bà mình đã rất cố gắng đánh vật với thiên nhiên mà tạo ra Lục Tỉnh như vầy.
Nếu bạn có ý định đi đâu đó lạy tổ thì nào cần. Tổ nào đại bác thụt cho tới, đã có tổ mà xương cốt hòa vào đất kế bên mảnh đất bạn đang ở nè! Tốt nhứ, thiết thực nhứt là hãy xá lạy cái bàn thờ giữa nhà bạn hoặc là trong cái đình nào đó.
Tổ tiên trực hệ là người nuôi dạy, tạo ra của cải, nhà cửa đất đai để lại cho bạn đó!
Hoặc nghèo quá chỉ để lại cho con cháu một tấm lòng Miền Nam cũng là quý báu.
Bạn rộng lòng hơn, thì hãy nhìn những cái mả bên đường, trong những cái nhị tì, bên ruộng vườn đâu đó trên đất này lạnh tanh nhang khói.
Dân gian có câu "Mả cha không khóc lại khóc đống mối" để chỉ những người không biết phân biệt giá trị đúng sai thực giả phải trái.
Biết ông bà mình lập xứ, bảo vệ Nam Kỳ khó khăn, đổ máu xương gian khổ nên các bạn trẻ phải biết ý thức giữ gìn và tranh đấu cho quyền lợi chánh trị đất Miền Nam mình.
Nguyễn Gia Việt
No comments:
Post a Comment