Mấy sông cũng lội...
Tình yêu thì ở nơi đâu cũng có, mùa nào cũng có, hoàn cảnh nào cũng có, nhất là trong trại tỵ nạn khi mà nỗi buồn niềm vui mong manh luôn luôn hiện hữu. Nhưng đừng nghĩ rằng ở trại tạm dung, lộn xộn, thì được tự do thoải mái hẹn hò yêu đương, mà còn có những trường hợp bị cấm đoán, ngăn cản. Không cách núi ngăn sông mà lòng phải nhớ nhung, gặp nhau lén lút, bí mật như câu hát của Trịnh nhạc sĩ: vội vàng thay những lúc yêu người.
Chàng và nàng là cư dân cùng lô nhà với tôi. Nàng qua trại cùng với bố mẹ, bà ngoại và hai đứa em trai. Là con gái mới lớn, con gái cưng của gia đình nên khi biết nàng quen với chàng thì cả nhà phản đối, lý do rất rõ ràng: chàng đã có một đời vợ bên Việt Nam.
Dù chàng có giải thích đã ly dị vợ cũ, đường ai nấy đi, nhưng mấy ai tin ở cái hoàn cảnh trại tỵ nạn xô bồ xô bộn này, quá khứ ai mà kiểm chứng được thực hư! Cho nên kể từ đó, nàng bị gia đình “kìm kẹp” sát nút, nhất cử nhất động đều có người đi theo, giám sát, cận kề. Mà cái trại thì nhỏ xíu như cái lỗ mũi, đâu thể giữ nàng mãi trong “căn nhà” chật chội tù túng, mà hổng lẽ cả nhà cứ phải mất thời gian đi theo nàng cả ngày lẫn đêm? Nhưng làm gì làm, nhiệm vụ “canh gác” con gái rượu vẫn được ưu tiên một. Vậy mà đùng một cái, tin đồn nàng …có bầu râm ran cả khu nhà.
Bà ngoại nàng qua nhà chúng tôi kể lể than van:
- Trời ơi là trời, nhà tui canh chừng nó không hở phút giây nào, chỉ có điều thỉnh thoảng phải cho nó đi bộ ra ngoài đi…vệ sinh, đi tắm rửa, hoặc buổi chiều cho nó đi dạo vài vòng co giãn chân cẳng, trước giờ giới nghiêm luôn có mặt ở nhà, chẳng bao giờ đi đâu qua đêm, giờ chẳng hiểu sao nó lại mang bầu?!
Tuị tôi hỏi lại ngoại:
- Ái chà, ngoại hỏi tui, tui biết hỏi ai, nhất là cái vụ “không qua đêm mà vẫn mang bầu”, ai biết đâu nà!
Còn câu chuyện tiếp theo đây, mới thực sự kỳ lạ, yêu hay không yêu, cuối cùng cũng vướng đường tơ. Có bác lớn tuổi kia, qua trại với cô con gái xấp xỉ tuổi băm (ba mươi). Chị ấy khá xinh nên được một anh chàng trong Ban An Ninh trại theo đuổi, nhưng chị không thích. Tuy nhiên, bác ấy thấy chàng ăn nói ngọt ngào, lại có “chức sắc”, mỗi lần đến chơi đều mang theo những tin tức nóng hổi về tình hình tỵ nạn, về cuộc thanh lọc khó khăn, nên bác nghĩ rằng biết đâu sẽ giúp ích được hai mẹ con trong cuộc thanh lọc và được đi định cư nước thứ ba. Bởi vậy bác cứ ép uổng chị. Mỗi lần chàng đến chơi, chị trốn qua nhà tôi, còn bác đem trà bánh ra tiếp khách rất ân cần nồng hậu. Chờ tối mịt, khách ra về rồi, chị mới về nhà, lần nào cũng bị bác càm ràm cả đêm, nghe nhức cái đầu. Mấy lần chị kêu tôi giải thích cho bác:
- Bác ơi, ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên. Hơn nữa, chàng An Ninh trại cũng như tất cả chúng ta, phải trải qua cuộc Thanh Lọc bởi Bộ Nội Vụ Thái, chàng ấy chẳng có quyền lực gì giúp bác và chị đậu thanh lọc đâu nha.
- Nhưng tao cũng thấy nó hiền lành, chân thật.
- Đó lại là chuyện khác, mà chị không ưng, không hợp thì thôi bác ơi.
Ai dè, ông bà ta nói “nước chảy đá mòn”, “đẹp trai không bằng chai mặt” quả chẳng sai. Một thời gian sau, chị lại dần dà cảm mến chàng. (Ủa, mà lần nào chàng đến chơi, chị cũng tránh mặt, vậy cảm mến lúc nào cà? Tôi thắc mắc lắm mà chưa có dịp hỏi).
Nhưng đời ai biết được chữ ngờ, oái ăm thay, lúc đó mẹ chị cũng vừa nghe được tin đồn về quá khứ “lợn cợn” của chàng, nên đã trở mặt như trở bánh tráng nướng. Hễ chàng đến nhà là bác lạnh lùng, cầm cây chổi chà đuổi thẳng tay, mà còn kèm thêm mấy câu chửi mới ghê. Thế là hai anh chị phải hẹn hò lén lút. Vì tôi cũng có chút “chức sắc” đi làm thiện nguyện trong trại, nên được chị nhờ vả:
- Loan ơi, em giúp chị, đến rủ chị đi chơi để chị được gặp ảnh.
- Ai nỡ lòng nào nói dối bác, em hổng dám đâu chị, tội lỗi lắm á.
- Em thấy rồi đó, má chị thành kiến quá quắt, chớ chị cũng đâu còn bé nhỏ gì mà canh giữ, chị cũng có quyền tìm hiểu, yêu đương chớ!
Nghe chị năn nỉ giải bày, tôi cũng mủi lòng. Tội cho bác ấy, nào có biết đã “nuôi ong tay áo” là tôi. Bác nấu ăn rất ngon và rất quý mến tôi, thường để dành cho tôi những món mà tôi yêu thích. Chiều chiều sau giờ làm ở bưu điện về, thỉnh thoảng tôi ghé qua nhà bác báo tin mỗi khi bác có tên trong list lãnh thư ngày hôm sau, và y như rằng tôi luôn được thưởng công, có khi là miếng bánh xôi vị, bánh tai yến hoặc bánh khoai mì do chính tay bác làm.
Giờ tôi ở “ngã ba đường”, biết phải làm sao đây? Thôi thì “một liều ba bảy cũng liều”, thấy chàng và nàng nhớ nhau như Ngưu Lang Chúc Nữ, ray rứt quá, tôi cầm lòng hổng đặng. Tôi đành phải…phản bội niềm tin tưởng của bác, đến xin cho nàng đi chơi, dẫn nàng ra điểm hẹn chàng đã đợi sẵn, rồi tôi đi về, để cho chàng và nàng tự do tâm tình “buồn vui đời tỵ nạn”.
Câu chuyện thứ ba sau đây, là câu chuyện tình cũng không kém ...gian nan chỉ vì đứa con.
Tôi quen khá thân với anh bạn làm bên văn phòng Cao Uỷ. Anh qua trại với đứa con gái bảy tuổi. Rồi “tình yêu không hẹn trước” cũng đã đến với anh giữa những chênh vênh hàng ngày của đời tạm dung. Nhưng đứa con gái luôn là... kỳ đà cản mũi, không hẳn vì muốn bảo vệ mẹ của nó, đã qua đời mấy năm trước bên Việt Nam khi nó mới lẫm chẫm biết đi, mà vì trái tim bé bỏng sợ bố san sẻ tình thương cho người phụ nữ khác, nó chỉ muốn bố của riêng nó thôi. Ngoài giờ anh đi làm thì thôi, chớ về đến nhà là nó không rời anh nửa bước, phụng phịu nhõng nhẽo khi cô bạn gái của bố đến chơi. Anh cầu cứu tôi:
- Loan ơi, em có “uy tín” với cháu lắm, là cô giáo lớp Việt Ngữ tỵ nạn của nó, em đến nhà đưa nó đi chơi loanh quanh cỡ... hai tiếng, để anh và bạn gái có thời gian gặp nhau, nhe!?
- Ủa, vậy là em phải lừa dối đứa con nít ư, vậy thì còn gì uy tín của cô giáo?
- Đâu đến nỗi vậy em, chỉ là nó chưa hiểu chuyện đời, còn ngây thơ sợ mất tình cảm của bố, nên anh cần em ở bên nó cho nó vui.
Thế là, một lần nữa, tôi lại yếu lòng. Để đền đáp sự yếu lòng của tôi, mỗi khi đến đón bé, anh đưa tôi mớ tiền, bảo hai cô cháu đi ăn hủ tíu đêm lót dạ, rồi uống sinh tố cho ...mát dạ. Úi cha, chắc ảnh sợ tôi không biết làm gì trong ngần ấy thời gian, mà quên rằng tôi có biệt danh là cô “TámTina” tức là cô Tám Tị Nạn. Đầu tiên, tôi dẫn bé đi lễ nhà thờ cũng hết 1 tiếng, sau đó ghé ăn hủ tíu ngắm cảnh “tỵ nạn by night” cũng vui ra phết, bé vui vẻ hớn hở, quên hết chuyện về sớm để canh chừng bố. Rồi hai cô cháu đi bộ xung quanh bãi đá, ghé vào nhà thờ xem các hội đoàn nhóm họp, tập ca tập múa, cuối cùng là về nhà của tôi ở chung với 3 cô bạn gái, chúng tôi xúm lại tán gẫu, kể chuyện vui. Thế đó, lần nào đưa bé về giao lại cho bố, tôi cũng “vượt chỉ tiêu” một cách xuất sắc, không phải hai tiếng như thỏa thuận ban đầu, mà có khi kéo dài đến 3 - 4 tiếng. Bởi vậy, ảnh cảm động, mua chiếc áo thun ngoài chợ Lào tặng tôi, gọi là “thưởng bonus”, làm tôi ngại quá chừng, dù vẫn ... nhận chiếc áo!
Trong ba câu chuyện trên, chỉ có câu chuyện đầu tiên tôi không dính dáng liên quan và họ đã có happy ending. Chàng đậu thanh lọc, nàng ôm con hồi hương về Việt Nam, sau đó chàng bảo lãnh nàng và con qua Úc đoàn tụ, câu chuyện chàng đã ly dị vợ trước khi đi vượt biên là có thật trăm phần trăm. Một thời gian sau, khi làm ăn thành công, ổn định cuộc sống, chàng bảo lãnh cả bố mẹ vợ, em vợ, bà ngoại vợ qua bên xứ Kangaroo, đại gia đình sum vầy hạnh phúc. Chàng là đại gia, làm đại lý hãng xe hơi tại Perth, cuộc sống sung túc khá giả, gia đình bên vợ ai cũng nở mặt nở mày.
Có lần tôi “gặp” bà ngoại nàng trên facebook, nhắc lại kỷ niệm xưa, chuyện đời chuyện tình, tôi hỏi ngoại đã tìm ra câu trả lời tại sao hồi đó canh chừng cháu gái cả ngày, không bao giờ cho nó đi qua đêm mà vẫn dính bầu chưa nà, ngoại cười sặc: “Quỷ sứ, chuyện xưa như trái đất, nhớ dai dữ đa!”
Riêng hai câu chuyện sau, tôi có nhúng tay vào, làm “ông tơ bà nguyệt”, làm “cây cầu Ô Thước”, âm thầm hỗ trợ hết mình “tình yêu trong gian khó” của họ, thì kết quả là họ…tan vỡ, mỗi người một phương trời, nghìn trùng xa cách.
Chẳng lẽ tôi là một “bà mai” vô duyên?!
- Kim Loan
No comments:
Post a Comment