HIỆN TƯỢNG “THÍCH MINH TUỆ”
Thầy Thích Minh Tuệ.
Trong lúc mọi người mệt mỏi và không biết bao giờ mới kết thúc với chiến sự khốc liệt “Nga Xâm Lăng Ukraine”, cuộc chiến bi thảm giữa Israel-Hamas gây bao cảnh chết chóc hoang tàn, cuộc đấu đá thanh trừng quyết liệt trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng Sản Việt Nam tạo nên sự bất ổn về kinh tế đời sống thì ở Việt Nam xảy ra một hiện tượng ít phần buồn thảm, ít phần nhức đầu nếu không muốn nói vừa lạ vừa nhẹ não.
Những ngày qua, cư dân mạng Việt Nam không khỏi xôn xao bàn tán cách tu tập theo lối khổ hành tăng của “thầy Thích Minh Tuệ". Để hiểu hơn về hiện tượng này, chúng tôi theo dõi nhiều Tiktok, youtube, livestream, đọc nhiều bài viết và xem nhiều cuộc phỏng vấn liên quan đến sự việc này trên mạng để lược trích và tổng hợp thành bài viết dưới đây cho quý độc giả.
Thầy Thích Minh Tuệ đã 3 lần đi dọc chiều dài đất nước, từ Bắc vào Nam rồi từ Nam ra Bắc, nhưng đến lần thứ 4 thì thầy đột nhiên thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, với hàng trăm người đi theo. Trong đoàn đi theo đó có tín đồ phật tử, cũng có những người hiếu kỳ, những nhóm TikToker, YouTuber quay clip, livestream đăng tải trên các trang mạng xã hội. Những nền tảng online này đã tạo nên “hiện tượng Thích Minh Tuệ”, thu hút sự quan tâm của công chúng.
Thầy Thích Minh Tuệ, tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981, quê ở Hà Tĩnh. Theo lời kể của gia đình thì sau khi học xong phổ thông, theo nghiệp bố, thầy đi bộ đội chừng 3 năm, sau đó theo học Trường Trung cấp lâm nghiệp Tây Nguyên (Gia Lai). Ra trường, thầy làm đo đạc cho một công ty tư nhân ở Đắk Lắk, đồng thời bắt đầu đọc các sách về Phật pháp, thực hành ăn chay, tu tại gia.
Đến năm 2015, Thích Minh Tuệ xin bố mẹ cho xuất gia. Chia sẻ với VnExpress, thầy cho biết trước đây mình từng có thời gian ngắn tu tập tại một ngôi chùa và được đặt pháp danh là Thích Minh Tuệ. Thầy giải thích: Minh có nghĩa là sáng, Tuệ là trí tuệ, ý nghĩa cái tên là con đường soi sáng. Sau này khi cảm thấy không còn duyên ở chùa, con ra ngoài và vẫn giữ pháp danh này".
Từ năm 2017, thầy Thích Minh Tuệ chọn tu theo phương thức hạnh đầu đà, khất thực và đi bộ tới nhiều tỉnh thành. Thầy chia sẻ về hành trình khất thực: “Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi. Con chỉ muốn thực hành những lời dạy của đức Phật, nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình". Chuyến hành trình này của thầy Thích Minh Tuệ đã gây “bão” trên mạng xã hội, với hàng vạn ý kiến tranh cãi, và hàng trăm người lũ lượt đi theo, quay phim, chụp hình thầy.
Có những người cho rằng phép tu của Thích Minh Tuệ là không đúng, thậm chí còn “bôi nhọ”, làm “xấu mặt” Phật tử. Họ viện dẫn về trang phục, bình bát, phép tu, hay “tính chính danh” của thầy. Nhưng cũng không ít người ca ngợi thầy Thích Minh Tuệ như một Phật sống, thánh nhân, vượt lên trên những chuẩn mực tu tập “thông thường”.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và cả Ban Tôn Giáo Chính Phủ cũng đã ra văn bản, khẳng định thầy Thích Minh Tuệ “không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa nào, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam” và đề nghị “không ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư”. Bản thân thầy Thích Minh Tuệ cũng chia sẻ rằng “con cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó"
Hai lý do chính được GHPGVN và Ban Tôn Giáo Chính Phủ đưa ra là vì: Thầy Thích Minh Tuệ không tu tập theo chùa nào và cũng không là nhân sự của bất cứ chùa nào (quy chụp này không hữu lý vì thực tế, thầy Thích Minh Tuệ đã từng tu tập tại một ngôi chùa trong một thời gian ngắn, pháp danh Thích Minh Tuệ cũng từ đây mà ra).
Sách Kinh Tương ưng bộ II, (tập IV) có viết: “Tu sĩ Phật giáo là người từ bỏ nếp sống thế tục, còn gọi là người xuất gia, khép mình trong nếp sống đạo đức và hành trì theo pháp môn đã được Đức Phật thuyết định.”
Vậy tu sĩ cần phải đáp ứng được yếu tố về xuất gia và hành trì theo pháp môn đã được Đức Phật thuyết định. Hiểu và tuân hành theo nghĩa này, Thầy Thích Minh Tuệ đã đáp ứng cả hai yêu cầu này (cũng không hữu lý khi không công nhận thầy Thích Minh Tuệ là nhà sư!)
Tất nhiên, bản thân thầy có thể không thừa nhận điều này, nhưng không ai có quyền cấm đoán người dân không được gọi thầy Thích Minh Tuệ là thầy hay sư, dựa trên niềm tin về phẩm hạnh mà họ dành cho thầy.
Theo Tiến Sĩ Hoàng Văn Chung, Trưởng phòng Nghiên cứu lý luận và chính sách tôn giáo, Viện Nghiên cứu tôn giáo: Nếu tin và tu hành theo Phật giáo thì là tu sĩ Phật giáo
Lần khất thực này, bỗng nhiên thầy thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, với hàng trăm người đi theo. Trong đoàn đi theo, có tín đồ phật tử, có những người hiếu kỳ, những nhóm TikToker, YouTuber quay clip, livestream đăng tải trên các trang mạng xã hội. Những nền tảng online này và cả những động thái từ các cơ quan chức năng, cụ thể là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (không phải Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất) và Ban Tôn Giáo Chính Phủ xoay quanh danh xưng “nhà sư” của thầy Thích Minh Tuệ đã khiến sự việc này càng đi xa và đã góp phần tạo nên “hiện tượng Thích Minh Tuệ”, thu hút thêm sự quan tâm của công chúng.
Theo nhận định của tác giả PHẠM HOÀNG, có hai yếu tố chính khiến thầy Thích Minh Tuệ trở thành hiện tượng.
1/ Phép tu khác biệt về việc mặc, ăn và ở.
2/ Các động thái từ các Cơ Quan Chức Năng kèm những lời cảnh cáo:
- Những phát ngôn, thông tin truyền thông có nội dung xuyên tạc, thiếu chính xác, thiếu khách quan liên quan đến Phật giáo
- Tình trạng tập trung đông người đi theo Thích Minh Tuệ, gây cản trở và ảnh hưởng an toàn giao thông.
Nhưng cả hai lời tuyên bố này đều hướng đến những động thái của người dân, chứ không phải bản chất việc thực hành tu tập của thầy Thích Minh Tuệ, vì các văn bản đưa ra vẫn khẳng định tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.
Công văn của GHPGVN đã vấp phải sự phê phán của nhiều người. Một trong số những câu hỏi được đặt ra là: Liệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyền và có tư cách để công nhận một ai đó là tu sĩ Phật giáo hay không?
Trả lời BBC từ Sài Gòn, tu sĩ Thích Đồng Long, một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và không được nhà nước Việt Nam công nhận, chia sẻ:
"Quan niệm không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không phải tu là một cách nhìn rất sai lầm, thể hiện sự thiếu tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Vì người tu thật sự thì không nhất thiết phải theo một tổ chức nào cho dù tổ chức đó có chính danh hay không. Bất cứ người nào hành trì theo những lời Phật dạy thì đều là người tu thật. Còn nếu người đó có tham gia bất kỳ một tổ chức nào, hay là với vai trò gì, nhưng đi ngược lại lời Phật thì đó là người giả tu, người không tu hành chân chính. Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành văn bản nói trên là có phần không thiện cảm và hơi ác ý, sư Minh Tuệ chỉ đang tự tu học chứ hoàn toàn không xâm phạm đến những lợi ích của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, cũng không tự đề cao mình, không tư lợi gì. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không biết vì những lý do gì mà lại có công văn như vậy".
Cũng có rất nhiều ý kiến đúng-sai trái ngược nhau về cách tu của thầy Thích Minh Tuệ.
Ý Kiến Phản Đối cho rằng:
- Dùng bình bát -một Pháp khí của Phật Giáo- bằng ruột nồi cơm điện là không đúng pháp, làm xấu hình ảnh Phật Giáo (kinh điển không có một quy chuẩn hay luật nào về bình bát).
- Tăng sĩ đi lang thang không trụ xứ là không đúng pháp (quay lại lịch sử Phật giáo, sau khi giác ngộ, Đức Phật đã cùng đệ tử đi giáo hóa khắp nơi, sống bằng cách đi khất thực từ nhà này đến nhà khác. Điều này chứng tỏ rằng tăng sĩ không cần phải ở nguyên một vị trí mà có thể dịch chuyển để khất thực, giảng dạy và truyền bá Phật Pháp).
- Cách tu của Thích Minh Tuệ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh tu sĩ Phật giáo (quá trình phát triển của Phật giáo đã sản sinh ra nhiều tông phái, nhiều cách tu tập khác nhau).
Ý Kiến Ủng Hộ:
Có rất nhiều ý kiến khen ngợi, ca tụng thầy Thích Minh Tuệ, thể hiện qua việc hàng ngàn người đổ ra đường, chào đón hay đi cùng thầy. Họ cho rằng thầy Thích Minh Tuệ tu hạnh đầu đà là tu theo chánh pháp, chỉ có phép tu này mới mau giải thoát.
Để hiểu hơn về thầy Thích Minh Tuệ, mời đọc những câu trả lời của thầy về cách tu tập của thầy:
- Giữa Tháng Bảy 2015, con đi làm vô tình nghe được Phật pháp. Con phát nguyện ăn chay ngày một bữa, tìm đọc kinh sách Phật và giữ giới trong sáu tháng.
- Con thấy mục đích Phật dạy rất cao cả, nên con muốn đi tu và quyết định xuất gia.
- Cha mẹ con lúc đầu không cho. Sau đó, thì cũng chấp thuận. Con được cha mẹ chia phần tài sản như các anh em trong nhà, nhưng con từ chối, con chỉ xin cha mẹ ký giấy cho con xuất gia thôi.
- Lúc đầu tu học thì con không hiểu được gì nhiều. Con như người học lớp Một, rồi học lớp Hai, từ từ học lên nữa, người ta cũng chỉ cho con, con mới hiểu nhiều hơn.
- Con học tu ở chùa một thời gian, có pháp danh là Thích Minh Tuệ. Sau đó, con thấy không hợp, nên con rời bỏ chùa, lên núi ẩn cư một mình trong hốc đá, hàng ngày đi khất thực. Dù Phật không có nói, nhưng con chọn ngủ ngồi ba năm rồi, không có nằm. Con ngủ ngồi là con muốn bỏ cái ngủ đi. Khi nào mệt quá thì ngồi dựa vào gốc cây hay bờ tường cũng được
- Sau thời gian ở một chỗ con thấy mình không có cơ hội xúc chạm để thử thách tham-sân-si, nên con quyết định bộ hành từ Nam ra Bắc, rồi ngược lại. Con không dám nói trước cho đến lúc nào thì con dừng.
- Con muốn giữ lại pháp danh cũ, nên con nói tên con là Thích Minh Tuệ, thay vì nói tục danh con (là Lê Anh Tú). Bình thường như con khi chưa phát tâm tu hành chánh đẳng, chánh giác thì không sao, nhưng khi phát tâm tu hành rồi thì đầy đủ các thứ đánh đập, chửi bới bệnh đau nó đến để thử thách lòng mình có vượt qua được không, có chiến thắng với bốn nỗi khổ: sinh, già, bệnh, chết không. Ví dụ bệnh đau là cái đầu tiên vẫn đến để xem mình có sợ nó không.
- Trước khi đi tu, con cũng có việc làm như bao người, nhưng con không hạnh phúc, bởi con tư duy thấy rằng cho dù ai có việc làm, có công chức, cuộc sống ổn định nhưng rồi cũng bệnh, cũng già và chết như nhau. Con sẽ giống họ.
- Con muốn học những điều Phật dạy cao siêu, vi diệu, tối ưu, thiền định, trí tuệ, thoát được khổ đau, và an lạc hạnh phúc.
- Phật bày như thế nào, con làm theo thế ấy, để có an lạc hạnh phúc, chứ không phải tự mình mà biết. Con chưa vào định được. Con còn đang học.
- Con đi tu là để cầu giải thoát. Khi đắc đạo chánh đẳng, chánh giác, con mới đền đáp được công ơn cha mẹ.
- Ngày nào con cũng xin ăn không quá một bữa cơm mỗi ngày để nuôi thân tu hành. Con không tích chứa để dành, hoặc xin thêm.
- Con tuyệt đối không nhận tiền, vàng và vật phẩm của ai, dưới bất cứ hình thức nào.
- Y áo con mặc được may từ vải con nhặt ở nghĩa địa, hay thùng rác ven đường.
- Con không sử dụng y áo có màu giống với các tu sĩ, và nói mình ở chùa nào, vì con không muốn mượn hình ảnh để xúc phạm đến sư thầy và các nhà chùa. Người ta có thể nói con lợi dụng để lừa đảo, hay làm điều sai trái, làm ảnh hưởng đến họ.
- “Bình bát” để nhận thức ăn là do con sửa chế từ nồi cơm điện người ta cho con. Đó không phải là “y bát” của quý sư thầy.
- Đời là vô thường, sống nay chết mai đâu ai biết, nên con phải sớm đi tu, lỡ mai chết mất thân này thì con đâu còn cơ hội.
- Có người hỏi con ngủ ở nghĩa địa có thấy gì không? (ma). Con nói không thấy cũng không đúng. Có khi con thấy bóng đen nào đó đi qua, nhưng không ảnh hưởng gì đến con thì con nói thấy hay không thấy cũng vậy.
- Giờ đây con coi mọi người đều là anh em, cha mẹ con.
- Trong lòng con không còn ích kỷ, thù hận. Con coi tất cả mọi người trong thế gian đều bình đẳng.
- Giờ nếu anh có chửi con, con vẫn coi anh là bạn.
- Người ta có đánh con, con vẫn chúc mọi điều tốt đẹp đến với họ.
- Con nguyện ước chúc cho mọi người được hạnh phúc.
- Mọi người không nên học bói toán, vì có cái đúng, cái không đúng. Đức Phật không có dạy xem bói. Hơn nữa, nếu họ tài giỏi thì họ đã bói cho họ rồi.
- Thay vì học bói toán, mọi người nên học đạo đức, giới luật. Cố gắng giữ năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống bia rượu, sẽ được hạnh phúc.
- Việc giữ giới là quan trọng đầu tiên trong Giới-Định-Tuệ. Không giữ giới thì không tu được thành Phật.
- Ăn chay mà giữ giới thì cũng thành đạt trong việc tu Phật được.
- Người ta cho con chay, mặn có đủ. Khi ăn, con chọn thức ăn chay.
- Mọi người đừng lạy con mà hãy lạy Phật - Pháp - Tăng.
- Con không kêu gọi hay lập ê kíp đi theo quay phim con. Nhưng con cũng không xua đuổi họ.
- Nếu họ vì quay phim con mà được lợi ích, thì con cũng chúc họ hạnh phúc.
- Đối với con, ở đâu cũng là chùa. Nên con không quan trọng lý do vì sao chùa này mở cửa, chùa kia đóng cửa.
- Con đi bộ, không đi xe, là để rèn luyện sức khoẻ.
- Con đi chân trần là để cảm nhận được những gì ở phía dưới chân, mình có dẫm đạp lên các côn trùng, sinh vật không? Hơn nữa giày, dép mau hư hơn chân con.
- Ai không có thứ gì đáng giá trên người, mới là hạnh phúc, vì họ không phải lo giữ gì cả.
- Con không có gì hết nên con không sợ bị ai đánh đập hay giết mình để lấy của. Con không sợ chết, bởi con đâu có thứ gì tiếc uổng, cần phải sống để giữ nó.
- Có người hỏi con ngủ trong chòi lá, rừng cây lạnh lẽo, rét buốt làm sao ngủ ngon bằng ở phòng kín, chăn ấm, nệm êm? Con nói vẫn ngon, vì theo lời Đức Phật dạy ngủ ở đâu cũng ngon, nếu không có khởi tâm dâm dục.
- Đọc chú đại bi phải có mục đích nào đó. Nếu vì muốn mình an ổn, cần phải đọc chú đại bi, ví dụ xua đuổi con quỷ chẳng hạn, thì mình cư xử ác với nó rồi. Con không muốn giành lấy chỗ ở hay sự an ổn của ai, (ví dụ của con quỷ) nên con không học chú đại bi.
- Ai nói xấu con hay chửi mắng con thì con không giận họ và chúc họ may mắn. Ai nói tốt con hay khen tặng con thì con bình tâm, không để mình bị dính mắc vào ngã mạn, và con cũng chúc họ được hạnh phúc.
- Nói tốt, nói xấu hoặc khen, chê con thì rồi cũng vậy. Nhưng con phát hiện ra hai tâm trạng: người cho con thức ăn thì con thấy họ rất vui và hạnh phúc, còn người chửi con thì con thấy họ đỏ mặt không tự nhiên.
- Con không phải là sư, là thầy gì cả. Con là công dân Việt Nam giống như mọi người thôi. Con chỉ muốn học tu. Con không có mục đích tuyên truyền hay rao giảng gì cả. Tất cả lời Phật dạy đều có trên mạng.
- Khi nào con thành tựu được chánh đẳng chánh giác con mới giảng pháp cho mọi người được. Bây giờ người nào muốn học thì cứ lên mạng nghe giảng của các sư thầy. Kinh sách nào của Phật cũng đều có cả.
- Những người tu hành, già cả hay nghèo khổ mình nên bố thí cho họ cơm ăn, y áo vật thực hay cái gì đó.
Những người sa ngã, ăn chơi, hư hỏng, mình bày cho họ đừng sát sanh, trộm cắp, sống lương thiện, giữ trọn năm giới, đó là bố thí pháp.
- Sáu năm qua con không là nhân sự ở chùa nào. Con không là Nam tông hay Bắc tông, cũng không phải là tu sĩ của GHPGVN, bởi con tự thấy đạo đức của con chưa đạt đến cảnh giới đó.
Hiện tượng thầy Thích Minh Tuệ trong những ngày qua rồi sẽ ra sao?
Với những hình ảnh mà các Tik toker, Youtuber, livestream tung lên mạng hàng giờ, hàng ngày mà vẫn thu hút cả triệu lượt người xem, chúng ta thấy đây quả thật là một hiện tượng đặc biệt. Hàng trăm người phát nguyện tu tập theo cách của thầy Thích Minh Tuệ, hàng ngàn người chào đón, cung bái trên đường thầy đi qua, vô hình chung tạo nên không ít sự mất trật tự trên đường phố, có nơi phải có xe Cảnh Sát Giao Thông chớp đèn hụ còi mở đường. Giới chức cầm quyền những nơi thầy đi qua chưa có hành động công khai nào ngăn cản, gây khó hoặc cấm đoán nhưng chắc chắn họ không thể không khó chịu vì nhọc công cho điều mà họ phải “giữ trật tự” một cách bất đắc dĩ và nhất là tạo cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (không phải là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất) một hình ảnh, trái ngược đầy tiêu cực khi các Thầy đua nhau CHÙA LỚN, TIỀN NHIỀU… như Chùa Ba Vàng, chùa Phật Quang và Thượng Tọa Thích Chân Quang còm dám sửa cả Ngũ Giới, giới luật mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đặt để khi đổi giới luật “Cấm Tà Dâm” thành “Cấm Phản Bội…”. Các thế lực này chắc chắn sẽ tìm cách ngăn chặn hiện tượng Thích Chân Tuệ.
Thực tế, trong một video được người dân quay lại, thầy Minh Tuệ đã nói như sau: “Con không cần ai đi hộ pháp hết…Mọi người về làm công việc của mình…Hạnh đầu đà tu học là hữu duyên, tự mình đi khất thực, tự mình lo lấy, không cần ai cả…Mình ở nhà làm điều thiện, giữ giới, theo lời Phật dạy, như thế là mình đã hành lễ rồi…Người tu cũng có công việc của họ, cần có thời gian họ tu hành.”
Vả lại, “hạnh” thứ tám trong 13 hạnh đầu đà -là những hạnh tu khổ hạnh giúp người xuất gia rèn luyện sự thanh tịnh và buông bỏ, nâng cao tinh thần giác ngộ- có nói: “Hạnh ở rừng: Sống trong rừng, xa lánh thế gian để tập trung vào việc tu tập. Hạnh này giúp giải phóng tâm trí khỏi những phiền não của cuộc sống đô thị”.
Theo chúng tôi, có lẽ thầy Thích Minh Tuệ sẽ sớm tìm một địa điểm “Thâm Sơn Cùng Cốc” nào đó, tạm dừng chân để tĩnh tâm, thiền định và tu tập, tránh cho thầy cái cảnh tượng huyên náo mỗi lúc mỗi nơi thầy xuất hiện, mà chắc những xao động đó cũng không phải là điều mà thầy mong đợi. Nhà Nước, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam chắc cũng muốn thế.
Những sự việc xoay quanh thầy Thích Minh Tuệ, gợi dẫn cho ta một góc nhìn mới về Phật pháp và thực hành đạo Phật. Không cần những ngôn từ bóng bẩy, không cần lời kinh hay cầu nguyện, thầy Thích Minh Tuệ chỉ cho ta rằng thực hành đạo Phật diễn ra trong mỗi hành động, mỗi suy nghĩ, mỗi bước đi,... Dù ta có ở đâu, như thế nào, nếu hướng theo lời Phật dạy, thì “ở đâu cũng là chùa” vậy.
Nam Mô A Di Đà Phật.
NHẤT HÙNG
No comments:
Post a Comment