Sunday, May 2, 2021

Chuyện Dọc Đường 

Nguyễn Văn Tới

Lên đường (Hình tác giả cung cấp)

Mới đó mà thời gian qua thật mau, lại tới ngày tôi chuẩn bị cho một chuyến công tác mới vào đầu tháng 3 năm 2021. Lần này tôi sẽ đi Iraq, nơi mới nghe tên, ai cũng hình dung ra chiến tranh, chết chóc, khủng bố và nguy hiểm đang chực chờ. Mọi người trên thế giới vẫn còn nhớ cuộc chiến tranh do Mỹ và đồng minh dẫn đầu, lật đổ nhà độc tài Sadam Hussein vì tội ác diệt chủng người Kurd trong chiến tranh và sự xâm lăng đất nước Kuwait. Cuộc chiến Vùng Vịnh, Gulf War, kéo dài 6 tháng từ ngày 2 tháng 8, năm 1990 đến ngày 28 tháng 2, năm 1991.

Có một điều không mấy người nhớ, trong lịch sử lâu đời, Iraq đã từng là một trung tâm văn minh rực rỡ thời xa xưa, một đất nước với một lịch sử huy hoàng ghi trong Kinh Thánh, với vườn treo Babylon, the Hanging Gardens, được xây dựng bởi vua Nebuchanezzar để tặng hoàng hậu Amytas và nó được coi là 1 trong 7 kỳ quan thời cổ đại, giờ chỉ còn là tàn tích nằm ở phía Nam thủ đô Baghdad. Nhà độc tài Saddam Hussein đã cho xây 1 dinh thự lộng lẫy trên đống đổ nát của vườn treo và khắc tên mình trên đó cùng với tên vua Nebochanezzar để tên hắn ta đi vào lịch sử như một anh hùng.

Một địa danh nổi tiếng khác là Thành Lũy Erbil, The Citadel of Erbil, có từ hằng 6000 ngàn năm trước Công Nguyên, được xây dựng trên một ngọn đồi cao ngay trung tâm thành phố Erbil, thuộc khu tự trị Kurdistan ngày nay, phía Bắc Iraq. Khi tôi đến, nó vẫn sừng sững ở đó như một thách đố với thời gian. Pháo đài này đuợc Unesco công nhận là 1 trong những di sản của thế giới.

Cây Lành Dữ, The Tree of Knowledge. Internet

Một địa danh khác nổi tiếng không kém là Cây Lành Dữ, The Tree of Knowledge ở một tỉnh nhỏ phía Nam Iraq, tỉnh Qurna, nằm ngay ngã ba nơi hai con sông Tigris và sông Euphrates gặp nhau trước khi đổ ra vùng vịnh Ba Tư, Persian Gulf nổi tiếng. Nhiều nhà học giả tin rằng, theo kinh thánh Thiên Chúa Giáo, đây là cái cây hiểu biết sự Lành và sự Dữ, cái cây mà nơi đó, nàng Eva, vì không nghe lời Thượng Đế, đã bị con rắn dụ dỗ ăn trái cấm và bị Ngài đuổi cả hai vợ chồng thủy tổ loài người ra khỏi vườn Địa Đàng, Garden of Eden.



Để chuẩn bị cho chuyến đi này, trong cảnh dịch bệnh Covid, tuy đã bớt, nhưng vẫn còn hoành hành khắp nơi, tôi phải đi làm thử nghiệm Covid trước khi lên đường. Sau khi khám sức khỏe, đo EKG, chích ngừa đủ loại như thường lệ, tôi cũng phải chích thêm thuốc ngừa Anthrax để chống vũ khí sinh học nếu xảy ra, thuốc này khá mắc, $900 một mũi, chích vào khá đau và có thể bị phản ứng phụ. Một ngày trước chuyến bay quốc tế, tôi phải đi thử RT-PCR Covid Test thay vì trước đây một số hãng máy bay chỉ yêu cầu thử Antigen Covid Test.

Antigen Covid Test là loại thử nghiệm người ta lấy mẫu từ khoang mũi của mình, rồi coi trong hệ thống miễn nhiễm của mình, immune system, có bị tấn công bởi con virus hay không, nhưng độ chính xác không cao. Loại RT-PCR Test (1) là loại thử nghiệm mới, chi tiết và chính xác hơn thử nghiệm cũ, họ sẽ coi cái DNA của mình có bị protein có hình dáng gai góc của con virus hay không. Nếu mình muốn có kết quả trong ngày, đương nhiên sẽ mắc hơn gấp 6 lần. Tôi phải móc túi trả trước $275 bằng thẻ tín dụng.

Chiếc Airbus A-350 hãng Quatar Airlines từ Chicago đi Doha vẫn không đủ khách như thường lệ, tôi không cần phải mua vé hạng nhất mà vẫn có thể nằm dài thẳng chân ra ngủ. Mặc dù đã có vé lên tàu online từ trước, nhưng nhân viên hãng hàng không Quatar vẫn bắt buộc hành khách phải “check in” lần nữa vì tình hình chiến tranh bất ổn hiện đang xảy ra tại Iraq. Họ yêu cầu xuất trình visa và giấy kết quả PCR Covid Test. Tôi vẫn chưa có Iraq Visa vì tình hình đang chiến tranh nên tòa đại sứ Iraq tại Washington DC đã ngừng cấp. Tôi phải đưa giấy giới thiệu đặc biệt của quân đội cho phép người có tên trong giấy được phép đến Erbil, rồi từ đó sẽ xin visa tạm 6 tháng để vào Iraq. Hơn 13 giờ bay, tôi quá cảnh ở phi trường quốc tế Doha, thủ đô nước Quatar.

Ra khỏi máy bay, tôi đi thẳng đến cổng bay tiếp đi Erbil, Iraq, không cả kịp xài phòng vệ sinh. Chiếc Airbus A-320 đáp xuống phi trường quốc tế Erbil khi trời chập choạng tối. Khi làm thủ tục thử Covid test đau đến chảy nước mắt, họ thọc sâu que thử lên tới tận lông mày của tôi thì phải, đau mà tôi vẫn phải trả $50 tiền mặt bằng giấy bạc mới tinh. Họ không nhận thẻ tín dụng. Cám ơn mấy đồng nghiệp đi trước đã dặn dò kỹ lưỡng điều này.

Về tới trại lính Mỹ, sau khi nhận lều, tôi vất hành lý và bộ “Gear” của mình dưới gầm ghế bố, đi tắm ở những phòng tắm dã chiến, rồi về lều ngủ một giấc, không màng đến ăn uống. Họ khoanh vòng một phạm vi nhỏ của một trại lính để làm nơi cách ly. Trong lúc tạm thời ở đây, tôi sẽ tự túc xin visa để vào Iraq. Oái oăm thay, tôi phải liên lạc ngược trở về với một công ty luật của Mỹ ở Seattle, Washington để làm thủ tục. Họ “chém đẹp” cái visa $2,500 để vô được Iraq. Tất cả mọi người đều làm tiền một cách tận tình và bắt chẹt nhau bằng đủ mọi cách, họ biết chắc khi công ty gởi người đi, giá nào họ cũng phải trả. Tôi dám quả quyết với bạn chính phủ Iraq chỉ nhận được cao lắm là $200, số còn lại vào túi công ty luật này, và đây là cái visa mắc nhất thế giới mà tôi phải trả từ trước đến giờ.

Bạn hãy làm một con tính nhỏ sẽ thấy ngay số tiền kếch xù mà công ty luật này móc túi bạn. Erbil, nơi tôi ở tạm những ngày cách ly chờ bay vào Iraq, có 7 lều, tổng số khoảng 100-120 người. Số người ra vô trại đều đặn mỗi tuần, mỗi nhóm chiếm 1 lều, nhóm này vào thì sẽ có nhóm khác ra. Bạn sẽ thấy số tiền họ thu vô không phải là ít. Số người đi công tác tiếp tục vào trại lúc nào cũng đầy ắp, chỉ tăng chứ không giảm. Một tháng có 4 nhóm ra vào. Vậy mới thấy con người với nhau sẵn sàng dẵm đạp lên sự cần thiết của nhau để bỏ vào túi tham của riêng mình.

Tôi cũng xin nói một chút về RT-PCR Covid test để ai trong chúng ta có việc cần phải đi những chuyến bay quốc tế nên chuẩn bị, kẻo ra đến phi trường, rồi phải trở về nhà. Trước chuyến bay, nên liên lạc với hãng hàng không coi họ yêu cầu loại Covid test nào. Nếu không bạn sẽ không bao giờ được lên máy bay nếu bạn lấy lộn qua cái Covid test khác. Theo cá nhân tôi, loại PCR test chính xác hơn các loại thử nghiệm khác, nhưng cũng là một kiểu làm tiền mà ai đó bày ra để trục lợi. Một người đi công tác đến từ Anh quốc, anh ta cho hay anh phải trả tổng cộng cho mấy lần thử nghiệm này từ lúc rời nhà cho đến nơi làm việc ở Amman, nước Jordan, tổng cộng gần $1,000.

Điều mà tôi lo lắng nhất không phải là công việc tôi đang làm vì đó là chuyên môn của tôi, mà là các chuyến bay quốc tế và các thủ tục rườm rà của mỗi một nơi tôi phải đi qua. Tôi phải tự xoay xở, tự tìm hiểu từ những đồng nghiệp đi trước, người này chỉ bảo kinh nghiệm lại cho người sau, nếu có trục trặc gì xảy ra thì tôi phải tự xoay sở. Các chuyến bay quốc tế, tuy không đầy như trước đại dịch Covid, nhưng vẫn tấp nập những người đi lại hoặc làm việc ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Trong cơn dịch Covid hơn 1 năm vừa qua trên toàn thế giới đã ảnh hưởng đến mọi người, nhất là người Mỹ. Tuy nhiên vì tính chất của công việc, chúng tôi vẫn phải lên đường công tác, cho dù gia đình đã lo lắng sợ bị lây lan cho người thân mình khi họ đang trên đường rong ruỗi tỏa đi khắp thế giới. Chúng tôi đã không được ưu tiên chích ngừa phòng bệnh mà chỉ cố gắng giữ vệ sinh tối đa cho bản thân khi bay những chuyến bay nội địa chật ních người hoặc những chuyến quốc tế thưa thớt chỉ hai, ba chục người. Vì công việc, chúng tôi vẫn cứ phải đi dù biết mình sẽ dễ bị lây lan hơn những người ở nhà.

Cách ly là việc không thể tránh được, nhưng tình trạng ăn ở và cách điều hành là hai điều làm chúng tôi đau đầu nhất vì mỗi nước, mỗi nơi đến, họ đều làm việc khác nhau tuy họ đều tuân theo quy tắc chung là 14 ngày. Tôi kể bạn nghe về nơi cách ly của chúng tôi như sau, nó vô lý đến không thể nào tin được. Trại này được điều hành bởi toán y tế của Hải Quân Mỹ.

Trại cách ly có 7 lều, mỗi lều có thể chứa 20 người. Mười chiếc ghế bố (cots) xếp chồng lên nhau như giường đôi (bunkbeds), mỗi giường được xếp cách nhau 3 feet. Khi bước vào lều, chúng tôi nhận ra đây không phải là kiểu cách ly đúng quy định vì khoảng cách an toàn phải ít nhất là 6 feet. Tôi nghĩ vui chắc là con virus này không biết nhảy cao, nhảy ngang hoặc không thể nhảy xa quá 2.9 feet? Luật lệ trại không bắt buộc đeo khẩu trang, mọi người trại vẫn đi lại, sinh hoạt, ăn uống bình thường như đang đi cắm trại.

Chúng tôi ở đó 2 tuần theo quy định. Ngày thứ 13, một nhóm lính quân y hải quân Mỹ đến làm thử nghiệm. Trong 7 lều, có 2 lều gồm 6 người có kết quả duơng tính. Họ lập tức đem 6 người đó đi vào nhà thương và toàn trại bị cách ly thêm 14 ngày nữa. Lều tôi có 1 người bị. Chúng tôi phản đối và xin gặp vị chỉ huy là một Trung Tá bác sĩ. Bị chất vấn vì lối sắp xếp của trại, ông ta bối rối và hứa hẹn sẽ về tra cứu thêm rồi sáng hôm sau sẽ trở lại.

Ngày hôm sau, ông tuyên bố rằng cơ quan CDC có luật mới cho phép cách ly chỉ 1 tuần thay vì 2 tuần. Ông cho hay đây là luật quân đội nên không thể thay đổi. Luật là luật. Vậy là chúng tôi bị ở lại thêm 7 ngày nữa. Tôi nghĩ kiểu cách ly này có vẻ không được vì nếu sau 7 ngày, lại một người nữa trong mỗi lều bị thì sao. Chúng tôi yêu cầu có biện pháp khác. Ông ta nói không đủ chỗ để phân tán mỏng người ra vì trại này vốn lập ra không phải để chứa gần 100 người.

Sáu người được đưa vào bệnh viện cách ly riêng. Chúng tôi liên lạc với họ qua phone, tất cả đều cho hay họ vẫn bình thường, không hề có triệu chứng ho, nóng sốt hay khó thở. Mỗi ngày bọn họ đều cho chúng tôi hay hiện trạng của họ. Sau 8 ngày, họ được cho ra khỏi bệnh viện và bay thẳng đi đến địa điểm làm việc.

Đúng như chúng tôi dự đoán, lần này 2 người trong lều chúng tôi lại bị dính chưởng của con virus trong khi các lều khác hết hạn 7 ngày đều được ra đi đến nơi họ cần đến. Hai người được đưa đi cách ly riêng, còn lại một lều chúng tôi kẹt lại thêm 7 ngày nữa. Tổng số là 12 người chúng tôi kẹt lại 28 ngày. Chúng tôi tự động chia ra 4 người 1 lều vì ban chỉ huy trại muốn dỡ bỏ 4 lều khác và đóng cửa trại vĩnh viễn vì diễn biến quá quá phức tạp vượt khỏi tầm kiểm soát của họ. Ở lại trong trại cách ly mà chúng tôi không thể nào yên tâm vì có thể đoán trước được tình hình sẽ ra sao nếu có thêm người bị. Chúng tôi sẽ kẹt lại đến bao giờ? Những người đang cờ chúng tôi đến thay, họ mong ngóng từng ngày để được trở về nhà.

Thành phố Erbil là thủ phủ của vùng tự trị Kurdistan nằm ở phía Bắc Iraq, gồm gần 1 triệu người Kurd. Họ tuy là công dân Iraq nhưng đã bị tên độc tài Saddam Hussein dùng vũ khí hóa học tiêu diệt một lần. Người Kurd là một sắc tộc thiểu số đông dân nhất thế giới và cũng là dân tộc bất hạnh duy nhất trên thế giới không có quê hương. Tổng số họ có khoảng 35 triệu dân sống rải rác ở nhiều nước, gần biên giới phía Bắc Iraq, phía Nam Turkey, Tây Bắc Iran, và Tây Nam của Syria. Họ đã từng cầm súng chiến đấu cho độc lập nhưng vì những thế lực chính trị quốc tế, cho đến nay họ vẫn còn là một dân tộc không có quê hương ngay trên vùng đất của cha ông mình.

Trại lính Mỹ và lính địa phương quân nằm cuối phi trường Erbil để bảo vệ an ninh cho các chuyến bay dân sự và quân sự phục vụ cho việc tiếp tế quân trang quân dụng trong vùng. Mới bước vào trại, họ đã cho chúng tôi biết nên chuẩn bị áo giáp, nón bảo vệ sẵn sàng để khi có báo động thì chui vào hầm. Ngày 15 tháng 2 vừa qua, bọn khủng bố đã bắn 14 trái pháo 107 ly vào phi trường này trước cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Một nhân viên dân sự Mỹ chết và 13 thường dân bị thương. Vì thế ngày nào trực thăng cũng bay lượn xung quanh vành đai phi trường, ngày cũng như đêm khiến không ai được yên giấc. Nhiều người đã khuyên ĐGH hủy bỏ chuyến đi, nhưng ngài cương quyết dấn thân vào nguy hiểm để đến với đàn chiên của ngài ở vùng đất đầy biến động này.

Chính phủ Mỹ đang cố gắng giúp đỡ chính phủ tự trị Kurdistan rất nhiều nên khi tôi xuống phi trường, nhìn thấy passport Mỹ, họ đối xử rất thân thiện và vui vẻ, rất khác với các đất nước kế bên ở vùng Trung Đông khiến tôi cũng khá ngỡ ngàng về thái độ của họ. Sau này khi tiếp xúc, tôi mới khám phá nét khác biệt của họ so với người dân Iraq, từ cách ăn mặc cho đến văn hóa của họ. Người Kurd hiền lành, thân thiện, dễ thương và cởi mở hơn nhiều.

Trong trại chỉ ăn với ngủ, hoặc lên mạng liên lạc với mấy ông xếp để lo thủ tục giấy tờ và địa điểm sắp đến. Tôi phải tự túc mua wifi và data trên mạng để có thể liên lạc với hãng và nói chuyện với gia đình. Việc sinh hoạt trong trại thì đương nhiên không được như ở nhà. Từ phòng tắm, nhà vệ sinh, và phòng giặt đều chỉ là những căn phòng dã chiến được dựng lên từ những container chở hàng hoặc những nhà vệ sinh di động. Đã chấp nhận đi thì phải biết cách sống với những điều kiện khó khăn như vậy. Đời sống y như một người lính. Cái khổ nhất của một người không còn trẻ như tôi là ngủ. Nằm trên cái ghế bố không nệm, tôi trải một cái túi ngủ dầy mà vẫn trăn trở suốt đêm vì đau lưng.

Mỗi ngày có người đem thực phẩm đến đúng giờ, ngày ba bữa, có cà phê, trà, và đủ loại đồ uống. Nói chung là dư thừa theo tiêu chuẩn lính Mỹ. Chỉ có một điều là tôi ăn không vô vì họ nấu nhạt nhẽo lắm. Tôi thỉnh thoảng phải mua đồ ăn từ các nhà hàng ở phố để họ đem giao đến tận nơi, chứ ăn đồ lính mỗi ngày chắc chịu không nổi. Đồ ăn người Kurd hương vị đậm đà do họ dùng nhiều loại gia vị đặc biệt chính họ làm ra. Món thịt trừu rất ngon, họ bỏ trong lò nướng qua đêm nên thịt mềm, cắn một miếng, vị ngọt thơm của thịt thấm vào tận chân răng. Cá chiên họ cũng ướp gia vị thấm vào trong từng thớ thịt con cá, da cá dòn tan. Mỗi món ăn đều đi kèm với cơm và ít đồ chua hoặc rau.

Giống như người Việt mình và cũng giống như các sắc dân Á Châu, cơm là phần không thể thiếu trong bữa ăn. Khi cơm chín, họ trộn với nước sốt tùy theo món ăn đi kèm theo cho thích hợp với hương vị của món ăn chính. Khi nhai hạt cơm, tôi cảm nhận được vị béo nồng nàn, mùi dược thảo, và mùi rau thơm thái nhỏ trộn lẫn vào trong cơm. Một mùi vị đặc trưng khác biệt với món ăn Việt Nam. Tôi thích cơm của họ, nhưng ăn nhiều thì tôi chắc cholesterol sẽ lên cao ngất ngưởng vì tinh bột, carbohydrate rất cao.

Môt bữa đọc thực đơn, tôi thấy một món ăn chơi lạ lùng làm từ bộ phận truyền giống của con cừu mà họ gọi là “sheep testy-kebab”, Việt Nam thường gọi là “ngọc hành” hay “ngẩu pín”. Tò mò, tôi mua thử coi nó ra sao vì ở Việt Nam chỉ nghe nói chứ chưa bao giờ ăn. Món này, họ dùng 1 cây xiên xỏ vào ngẩu pín đã cắt khoanh tròn và nướng trên lửa than. Cắn miếng đầu tiên, cảm giác nó hơi mềm, hơi dai, và hơi dòn, nhai một lúc thì không có vị gì đăc biệt. Không biết mấy ông lang băm Việt Nam mình có nghiên cứu kỹ càng không khi khoe nhặng lên là món ăn giúp đàn ông thêm “dũng mãnh” trên chiến trường. Tôi chắc mấy cha này nói láo ăn tiền vì họ dựa theo phương pháp “pha học” từ thời ông bành tổ là ăn gì bổ nấy.

Năm ngoái tôi bị cách ly ở Dubai trong một khách sạn 5 sao, ở riêng một phòng, cơm nước, cà phê, rượu bia đem tới tận của phòng, lại có thêm TV, tha hồ coi phim để giết thời gian. Năm nay bị cách ly trong trại lính, gần 20 người ở chung 1 lều, chật chội, không có chỗ đi lại chứ đừng mong có không gian riêng biệt. Ăn uống, điều kiện vệ sinh sao so sánh được với khách sạn. Wifi chậm như rùa, nếu muốn nhanh, phải tự trả tiền. Vậy mà phải ở gần một tháng. Bạn cứ tưởng tượng coi cuộc sống kéo dài lê thê đến chừng nào.

Rồi cũng đến lúc thử Covid lần nữa, thông thường chữ “Negative” là chữ mà không ai muốn vì nghĩa của nó là không tốt, nay nó lại là chữ mà tất cả chúng tôi đều đang mong chờ. Tin vui đến tất cả 12 người chúng tôi vì kết quả đều âm tính. Chúng tôi rời trại cách ly bằng chiếc vận tải cơ C-130 bay đi căn cứ quân sự nơi tôi sẽ làm việc ở đó. Tính ra tôi bị cách ly tổng cộng 4 tuần vì vài người trong trại, khi vô thì khỏe mạnh, khi sắp ra thì dính con Covid do lối điều hành sai nguyên tắc của trại cách ly.

Trước chuyến bay vào Iraq một ngày ở trại chuyển tiếp, tôi có quen Hakeem, một anh thanh niên trẻ người Kurdistan. Anh này coi một nhóm nhân viên về bảo trì mọi việc trong khu chúng tôi ở tạm. Anh ra vộ trại hằng ngày nên ai cũng biết mặt. Anh đưa tôi ra ngoài phố để tận mắt thấy cuộc sống ở đây theo lời tôi yêu cầu. Tôi chỉ kịp ghé qua mấy nơi nổi tiếng và chụp ít tấm hình, buổi chiều trước khi về trở về trại, tôi ngỏ ý muốn đãi anh một bữa ăn với yêu cầu có những món ăn truyền thống của người Kurd.

Anh đưa tôi vào một nhà hàng nhỏ. Bước vào, mùi đồ ăn thơm lừng với các đầu bếp đang xào nấu và chuyện trò râm ran. Họ chào đón anh bằng tiếng Kurdish, anh đáp lại một tràng dài mà tôi chỉ hiểu được lõm bõm vài chữ “American”. Anh nói được 3 ngôn ngữ: Arabic, Kurdish, và English. Anh giới thiệu tôi với họ, tất cả đều vui vẻ chào hỏi, tôi chỉ biết giơ tay phải đặt lên trái tim mình đáp lại. Bữa đi phố này, tôi học hỏi được nhiều điều hay mà chưa bao giờ tôi được nghe hoặc đọc trên sách báo.

Ăn xong món thịt trừu thật tuyệt, họ bưng ra hai ly cà phê pha sẵn, màu như cà phê sữa. Tôi hớp một ngụm lớn, hơi nhăn mặt vì nó quá ngọt. Tôi nhìn Hakeem, anh hiểu ý và cho biết người dân ở đây đều uống cà phê như thế. Cà phê này được làm từ một loại hạt gần giống như hạt Pistachio được nấu sôi với sữa và đường trên ngọn lửa nhỏ; nó không thể so sánh với ly cà phê phin của Việt Nam mình, khi nhấp một hớp đầu tiên vào buổi sáng, cà phê Việt Nam cho tôi cảm giác như cả một luồng sảng khoái tràn vào cơ thể và chớp lấy cả linh hồn, làm mình tỉnh táo hẳn.

Khi tôi trả tiền, Hakeem cho biết họ không lấy tiền vì anh đã giới thiệu tôi là công dân Mỹ. Đây là cách họ muốn cám ơn người Mỹ đã đến đây giúp đỡ dân tộc họ. Tôi hơi áy náy, dầu sao họ cũng phải làm ăn kiếm sống. Anh bạn an ủi, nói tôi không nên lo lắng vì đó là nét hiếu khách của người dân ở đây. Tôi mới hiểu ra tại sao nhân viên thuế quan tỏ ra thân thiện và vui vẻ với tôi khi vừa đặt chân lên đất nước họ.


Người bán tamarind Hình internet

Chúng tôi bước ra khỏi quán và đi bộ dọc theo con đường hai bên tấp nập hàng quán, cửa tiệm mọc lên khắp nơi. Một người đàn ông khá đứng tuổi, vai đeo một cái bình bằng đồng sáng bóng cao vượt đầu, một cái vòi uốn cong nhô lên dưới nách, bình được trang trí họa tiết khá sắc xảo và đẹp. Quanh bụng ông ta là cái thắt lưng to bản mang theo nhiều cái ly nhựa. Trên tay là 2 cái dĩa nhỏ bằng đồng liên tục gõ vào nhau tạo ra những tiếng leng keng vui tai. Ông ta mời. Tôi dừng lại hỏi Hakeem. Anh cho biết đó là một loại thức uống tên tamarind. Tôi ngỏ ý muốn thử. Ông ta lấy ra một cái ly, nghiêng người cúi về phía trước, từ miệng vòi một dòng nước màu nâu chảy ra rất khéo léo như làm xiếc, rót đầy cái ly và trao cho tôi. Tôi nếm thử, vị vừa chua vừa ngọt cũng dễ uống giống như plum juice ở nhà. Chúng tôi trả tiền và không nhận lại tiền thối. Ông nghiêng mình cám ơn rất lịch sự. Người bạn cho hay đây là một nghề đã có từ lâu lắm rồi của người Kurd, hiện nay chỉ thấy ở những nơi có du khách mà thôi.

Dọc đường đi, có nhiều tiệm bán đủ thứ rất lạ mắt. Hakeem hỏi tôi muốn thử kẹo cao su không. Anh đưa tôi coi một gói nylon trong đó có một miếng giống như một cục xà bông hình vuông màu trắng đục, khá cứng. Tôi bẻ thử một miếng đưa vào miệng nhai một hồi, dẻo như cao su, vị hơi đắng, như một chất dầu tiết ra. Anh bạn cho biết họ dùng kẹo nhai này như một loại thảo mộc sát trùng miệng sau khi ăn. Loại kẹo cao su này được chiết ra từ một loại nhựa cây trong vùng, nấu lên, đổ thành những bánh vuông vức và cũng được dùng như một thảo dược chữa những bệnh bao tử đầy hơi.

Phố xá Erbil khá văn minh như các thành phố khác trên thế giới, cũng nhà lầu cao tầng có vẻ mới xây mọc lên san sát, xe hơi hạng sang cũng không thiếu. Đa số họ mặc âu phục như mình, một số ít ăn mặc theo truyền thống. Đàn ông mặc áo liền quần, quấn khăn turban trên đầu và quấn quanh bụng một giải khăn to; còn phụ nữ thì ăn mặc mầu sắc rực rỡ đẹp như trong truyện ngàn lẻ một đêm.

Hakeem tâm sự rằng đa số người phuơng Tây hiểu lầm về đất nước của anh qua các phương tiện truyền thông, phim ảnh Holywood hoặc mạng xã hội. Họ tạo một ấn tượng Iraq là một vùng đất nguy hiểm với những người đàn ông râu rậm, mặt đằng đằng sát khí, bắn giết không gớm tay. Anh muốn mời họ đến đất nước anh để đi, để thấy, để cảm nhận được sự hiếu khách và nét văn hóa cổ truyền và đẹp như thơ như tranh vẽ của đất nước và con người Kurdistan. Hơn ai hết, dân tộc anh là một dân tộc yêu hòa bình dù hằng trăm năm nay bị đủ mọi thế lực trấn áp và đánh chiếm. Tôi cảm nhận điều này rất rõ qua con người anh và dân tộc anh dù chỉ ở đây chỉ một tháng.

Dọc đường Hakeem kể tôi nghe về vùng đất quê hương anh. Tôi biết thêm đất nước Iraq này còn có thêm một sắc tộc nhỏ khác khoảng vài trăm ngàn người là sắc dân Yazidi. Sắc tộc này hiện còn rất ít, họ tôn thờ một Chúa Trời mà thôi, và họ giữ nguyên vẹn những tập tục, thói quen nghi lễ đạo của họ từ ngàn năm qua. Trải qua bao sự bắt bớ giết chóc của những người khủng bố Isis, họ vẫn tồn tại như là một tín ngưỡng lâu đời nhất trong mọi tôn giáo trên thế giới. Khi Đức Giáo Hoàng ghé thăm Iraq, ngài có dịp gặp gỡ một số chức sắc các tôn giáo ở đây với thông điệp chung sống hòa bình cho tất cả các sắc dân.

Thiên Chúa Giáo thực ra phát xuất từ vùng Trung Đông, đặc biệt từ Iraq. Các nhà thờ Chính Thống Giáo được xây dựng ở đây hằng ngàn năm trước, thế kỷ thứ 4 sau công nguyên. Gần Mosul nơi xảy ra nhiều trận chiến long trời lở đất với lực lượng Isis mà chúng ta hay coi trên TV, có một tu viện cổ kính hàng ngàn năm của người Yazidi tọa lạc trên ngọn đồi cao nhìn về phía thành phố Erbil. Đất nước Iraq này là một vùng đất mang đậm nét huyền sử ca được ghi trong Kinh Thánh và các sách cổ bao gồm nhiều kỳ quan trong thời cổ đại.

Có đi xa mới thấy nhiều điều kỳ diệu và lạ lùng mà qua sách báo, phim ảnh, và truyền thông chỉ cho chúng ta một cái nhìn phiến diện. Lý do tôi thích đi những chuyến công tác xa qua các vùng đất nước khác nhau là để được nhìn thấy và trải nghiệm được những điều kỳ thú mà cho dù bạn có coi, đọc hoặc nghe cũng không bằng một lần đến để được chính mắt nhìn, tay sờ được trên những thành quách, lâu đài, và những tàn tích còn được ghi lại trong Kinh Thánh. Bạn thân mến, chỉ có một điều tôi hơi lo là năm ngoái tôi còn nhấc bổng cái ba lô lên dễ dàng. Năm nay, khi tôi ngồi xuống, xỏ hai cánh tay qua vai đeo của cái sắc marin nặng 52 cân của tôi, tôi đứng dậy khó khăn, phải nhờ người khác nâng lên dùm. Chắc đến lúc phải dừng bước giang hồ thôi. Nếu bạn nào còn trẻ trung, nuôi mộng tang bồng, nên thực hiện ngay lập tức kẻo không còn kịp nữa.

Nguyễn Văn Tới. Tháng 4-2021.

REFERENCES:

1. https://www.fda.gov/media/136151/download

No comments:

Blog Archive