Friday, May 14, 2021

NÓI CHUYỆN CHÍNH TẢ.

LTS Tạp Chí Dân Văn: Hôm nay có anh Nguyễn Hữu Phát góp ý về việc "NÓI CHUYỆN CHÍNH TẢ" do anh Đỗ Duy Ngọc gởi cho TCDV. Anh Nguyễn Hữu Phát đã học SƯ PHẠM SAIGON và là NHÀ GIÁO trước 1975, sau đó bị động viên vào Trường SQTĐ, ra trường anh tình nguyện vào binh chủng BĐQ cùng với Bổn Báo Chủ Nhiệm, bài viết của anh Phát rất dễ cảm nhận đối với người đọc. Hai tay Bắc Kỳ thứ thiệt có 2 bà vợ, dân Nam Kỳ "rặc".

Tôi cũng cám ơn anh TRẦN HỮU SƠN đã tìm thấy một chữ viết sai của tôi, thay vì CHỮ tôi lại viết là chử (dấu hỏi).

Chuyện "hỏi ngã" là vấn đề nan giải của người miền nam, đúng là nói đúng sẽ viết đúng.

Có lần còn ở Saigon, một bà cụ miền nam nhờ đứa cháu đi mua hành củ? Thằng bé chạy đi mua cho bà bó hành lá tươi, về cằn nhằn với bà cụ, con không mua hành cũ mà mua hành mới cho bà. Bà cụ nói lại với cháu tao nói là mua củ hành. Bà cháu lầm lẫn với nhau chỉ vì phát âm hai dấu "hỏi ngã" không chuẩn.

Lúc còn đi dạy học, tôi có dặn học sinh cách phát âm chuẩn hai dấu này;

Dấu hỏi là kết hợp giữa dấu huyền và dấu sắc "khi muốn phát âm đúng phải đi từ huyền sang sắc, thí dụ chữ hỏi, đầu tiên phát âm "hòi rồi thêm dấu sắc chứ cuối là í, đọc nhanh là hời+ í" sẽ chuẩn được dấu hỏi.

Còn dấu ngã là kết hợp giữa dấu nặng và dấu sắc, tương tự khi phát âm chữ ngã là "ngạ+ á"" , đọc nhanh sẽ dũng chữ ngã.

Như vậy khi phát âm chữ

củ = cù+ ú( đọc nhanh sẽ chuẩn dấu hỏi củ)

cũ = cụ+ú ( nt dấu ngã cũ)

Khó một điều là có hiểu được nghĩa của chữ muốn nói hay không.

Đấy là tài liệu về ngữ pháp được giảng dạy tại trường sư phạm Saigon và có lần tôi đi dự khóa hội thảo giáo dục tại trung tâm Chí Linh, nơi đây có dạy cho những cán bộ dân sự vụ Mỹ học tiếng Việt và đây cũng là bài giảng cho họ phát âm chính xác. Những cán bộ về phục vụ vùng nào họ còn được huấn luyện giọng "nói ngọng" của địa phương vùng đó nữa như về nhánh sông Hậu họ biết nói "con cá gô bỏ trong gổ".

Tôi có được một trực giác khi viết chính tả, ít khi sai từ lúc còn học tiểu học, vậy mà có lần thầy giáo đọc " một bức hoành phi" , một số chữ của âm "h" được phát âm như âm "q" nên tôi viết là " quành phi", dĩ nhiên là bị lỗi, phải chép phạt 1 dòng chữ này nên cũng có kinh nghiệm về sau là phải hiểu trước khi viết chữ "h" hay chữ "q" do người miền nam đọc.

Như có lần, ai đó bảo là người miền bắc hay viết sai hai chữ "s" và "x";

Phiếm luận về hai từ "Chia xẻ " và "chia sẻ"

Đây chỉ là phiếm luận trà dư tửu hậu, không hoàn toàn là bài viết về ngôn ngữ học, nếu thấy không đúng các vị chuyên môn về ngôn ngữ chỉ bảo thêm.

Lâu nay trên mạng đang râm ran bàn tán nên dùng từ "chia xẻ" hay "chia sẻ" , ngay cả sách giáo khoa cho học sinh học cũng không thoát khỏi, thế thì như thế nào là đúng.

Trước năm 1975 chúng ta khi đi học, học là " chia xẻ" đứa nào viết "sẻ" sẽ bị lỗi về chính tả; sao lại có sự sai lệch như vậy .

Nói theo ngôn ngữ mới tôi là dân Bắc Kỳ 8 nút (vào Nam năm 53) nên tôi có chút nước sông Hồng trong người lại được nuôi bằng lúa gạo sông Cửu, tắm nước Đồng Nai nên trong ngôn ngữ cũng có chút pha trộn, điều này bị vợ tôi người miền Nam chê là giọng nói không thuần Bắc Kỳ nghe không hay nên hay thường bảo tôi " Nói đi anh, nghe giọng Bắc em thương"

Vào Nam lúc 5 tuổi, đi học chung quanh toàn thằng Tí thằng Tèo nam bộ nói "đánh đáo " bắn bi" chúng đực mặt ra không hiểu, đổi tông "chọi đáo, bắn đạn" là thằng nào thằng nấy cười hỉ hả, chỉ là khi về đến nhà nói chuyên với thầy bu thì mới xổ giong bắc với nhau, ngay cả đến bây giờ mỗi khi gặp lai Bắc kỳ "dốn" là tha hồ ròn rã ngôn từ với nhau, có phải không mấy "dốn" 471

Bắc Kỳ chúng tôi được cái là nói và viết dấu "hỏi- ngã" một cách trực giác khó mà sai, không cần phải áp dung mẹo luật văn phạm như "Không, sắc: hỏi" "huyền, nặng: ngã" và cũng chẳng cần phải hoc cách phát âm cho trúng cách đọc.

Tiếng Việt thăng trầm theo con đường Cái quan len lỏi vào bản làng đồng ruộng nên âm hưởng cũng có sự đổi thay theo từng miền cùa đất nước, để ý trên con đường từ Bắc vào Nam ta thấy miền Bắc đa số phát âm sai âm đầu, miền Trung sai âm giữa và miền Nam sai âm cuối, hãy nghe môt số từ ngữ điển hình nhé .

Một câu như thế này: " Xã Xệ Sang Sông Xem Xổ Số, Xơi Sáu Xu Xôi Sắn Sống Sượng Sốt Sồn Sột" lấy câu này thử đưa anh "châu thổ sông Hồng" đọc mọi người sẽ được nghe toàn một âm "Xì Xì" nhưng cũng câu này mà để cô gái "đồng bằng sông Cửu" phát ra thì rõ ràng ta nghe được từng chữ X và S rõ ràng, ngân dài như gió thổi

Cũng có trường hợp ngoại lệ giữa hai miền như câu

"Vầng giăng vằng vặc giữa giời", người Hà Nội đọc nghe êm tai nhưng ở Saigon nghe chừng hơi líu luõi (có dịp tôi viết một bài vui vể âm này cho đám giặc chồm hổm cùng khóa lính cười chơi). Tôi có xem bộ phim "Lều chõng" trong đó có đoạn một ông thầy đồ miền trung dạy một đám học trò học tam tự kinh, thầy đồ cất cao giọng "Môn là cựa(cửa)"

Đám học trò đọc theo "Môn là cựa" chúng chưa hiểu chữ môn là gì

Thầy đồ bực mình nhắc lại "Không phại, môn là cựa"

Thầy đồ và đám hoc trò đánh vật với nhau chữ "cựa" cả buổi học

Năm tôi học lớp đệ tứ ở trường Hưng Đạo, giờ Việt văn thầy Vũ Hạnh đang dạy một bài thơ, thấy tôi không nghe giảng nên bắt đọc lại hai câu thơ vừa đọc, đọc lớn giọng giống thầy đọc, cả lớp có dịp cười khi tôi đọc theo giong Quảng của thầy

"Tám thang xiêm áo sao mà nhựa
Cái giá khoa dan ấy mới hừa "

Không phải là có ý "pha tiếng" địa phương đâu, chỉ để thấy những cái khó khăn cần khắc phục của ngôn ngữ.

Xuống đến miền nam khi tôi có dip dạy hoc tôi có cho học sinh đọc thử câu

"Bác cho cháu xin nửa bát cháo nữa"

Các từ Bác, Bát, Cháo, Cháu, Nửa, Nữa hình như rất khó phân biêt với họ

Mọi người thấy đấy ngôn ngữ khi phát âm không đúng thì rất dễ viết sai mà đã viết sai chữ thì sẽ hiểu sai nghĩa, chữ nghĩa là như thế

Chữ "chia sẻ" xuât hiên cách nay không lâu có lẽ khoảng 30 năm nay, có lẽ do ảnh hưởng của các âm của miền bắc cứ "Xì xì" kiểu xã xệ sang sông mà người ta viết là "sẻ "nhưng khi phát âm vẫn đọc là "xẻ", lâu dần người nọ viết theo người kia mà không tìm hiểu sự kết cấu của từ ngữ "Chia xẻ" là động từ kép "chia" và "xẻ" còn " san sẻ " thì "san" có nghĩa là san bằng còn "sẻ" là từ láy không có nghĩa, từ "sẻ" nó theo chữ "san"; san bắt đầu bằng chữ "s" và không dấu nên " sẻ " cũng bắt đầu bằng chữ "s" và dấu hỏi.

Thử đảo ngữ, "san sẻ " hay "sẻ san" đều có nghĩa như nhau vì nó là từ láy nhưng nếu đảo ngữ chữ " chia sẻ " thành "sẻ chia" mà theo phát âm miền nam thì chuyện gì xảy ra, người ta sẵn sàng hiểu chữ "sẻ" theo nghĩa tương lai, còn đảo ngữ từ "chia xẻ" hay "xẻ chia" tất cả mọi người trên mọi miền đất nước người ta đều hiểu chung một nghĩa không có sự lẫn lộn.

Vì thế, “chia sẻ ” đơn giản chỉ là cách phát âm theo địa phương mà thôi, như Đào Duy Anh tuy là nhà ngôn ngữ học đôi lúc cũng theo thói quen của mình mà viết: “Passer la nuit = thức xuốt đêm”

* Từ “xẻ” trong “chia xẻ” tự nó đã có nghĩa và nó đi cùng với một từ khác cũng có nghĩa nữa (“chia”); cho nên từ “chia xẻ” là từ ghép.

Thử đi tìm từ “chia sẻ” và “chia xẻ”:

(1)- Đồng Âm Dẫn Giải và Mẹo Luật Chính Tả – Trần Văn Thanh – Việt Nam Tu Thư xb – Soạn giả đã kê cứu:

- Việt Nam Từ Diển (Hội Khai Trí Tiến Đức)-1931

- Hán Việt Từ Điển (Đào Duy Anh)-1932

- Những lỗi thường lầm trong sự học Quốc văn (Đông Hồ và Trúc Hà) –Saigon-1936

- Đồng âm vận tuyển (Trần Văn Khải)-1949

- Những ký chú trích ở Danh từ Khoa học (Hoàng Xuân Hãn)

- Đại Nam Quốc Âm tự vị (HT. Paulus Của)

*-“xẻ”: bổ dọc ra, xẻ gỗ, mổ xẻ, chia xẻ.

[Không có “chia sẻ]

(2)- Tự Điển Việt – Hoa –Pháp (Eugène Gouin)

*-“Chia xẻ: partager, couper, fendre”

[Không có chia sẻ]

(3)- Pháp Việt từ điển (Đào Đăng Vỹ)-1961

*- “Chia xẻ: partager // division.

[Không có “chia sẻ”]

(4)- Vietnamese English student’s Dictionary (Nguyễn Đình Hòa)-1967

*- “Chia xẻ: to share (with)

[Không có “chia sẻ”]

(5)- Từ điển Việt Anh (Bà Võ Lăng) [Nhà xb Tổng Hợp Tiền Giang – 1991-]

*- “Chia xẻ”: to divide up, dismember, to share (trouble, griefs, pleasures etc…)

[Không có “chia sẻ”]

(6)- Từ Điển Anh Việt (Nguyễn Văn Khôn) Nhà xb tp. HCM.

*- to share someone’s opinion: đồng ý với người nào.

- toshare (in) someone’s grief: chia buồn với người nào.

- He shares (in) my troubles as well as my pleasures: nó chia vui xẻ cực với tôi.

[Không có “chia sẻ”]

NGUYEN HUU PHAT

o0o

NÓI CHUYỆN CHÍNH TẢ

Bài: Đỗ Duy Ngọc

Không biết vì sao mà giờ người nói & viết sai chính tả nhiều quá.

Có thể là ngày nay, mạng xã hội, Facebook phổ biến nên người ta viết nhiều, sử dụng nhiều nên mới lộ ra việc viết sai chính tả chăng?

Cũng có thể nhà trường hiện nay không chú trọng việc dạy viết đúng chính tả cho học sinh?

Cũng có thể bây giờ người ta ít đọc sách, bởi đọc sách cũng là một cách rèn luyện viết chính tả cho đúng?

Mà cũng có thể thời hiện đại người ta phát âm sao thì viết ra vậy nên chữ nghĩa ngọng nghịu là lẽ đương nhiên?

Và cũng có thể vì tất cả những lý do ấy.

Chỉ cần lướt các bài viết và comment ở trên mạng, ta có thể tìm thấy vô vàn lỗi chính tả. Lỗi nhẹ thường thấy là sai hỏi ngã. Lỗi này thì phổ biến, đến độ người ta có thể bỏ qua. Sai thường thấy là viết như người ngọng nói.

Ngày trước, người Việt thường lấy giọng Hà Nội, giọng Bắc là giọng chuẩn, điều ấy chưa hẳn đã đúng nhưng cũng tạm chấp nhận. Lúc đấy người nói chớt, nói ngọng theo địa phương thường là người già, là nông dân. Người có chút học vấn sẽ tránh nói kiểu ấy.

Giờ khác rồi, người Bắc ngọng nhiều quá và đem cái ngọng ấy vào bài viết: nói sao viết vậy. Trân trọng viết là chân chọng. Trả treo viết là chả cheo. Cho nên viết là cho lên. Lịch sử viết là nịch xử… nhiều lắm kể không hết.

Cứ tưởng người ít học thì viết sai nhiều lỗi chính tả, nhưng không phải thế. HS cấp 3, SV cho đến GV, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cũng sai tùm lum. Các nhà lãnh đạo đọc bài phát biểu cũng mắc không ít lỗi chính tả khi đọc. Ngay đến GV dạy văn cũng viết sai chính tả. Nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng đầy lỗi chính tả.

Ngày xưa, sách, báo là nơi để ta tìm thấy sự chính xác trong câu văn, trong từ ngữ sử dụng và cũng là nơi tin cậy về chính tả.

Ngày nay không còn thế nữa, sách đầy lỗi, báo viết sai tè le, cả sách dạy cho trẻ con của một ông giáo sư tiến sĩ tự vỗ ngực là người có trình độ cao nhất thế giới, viết con dơi thành con rơi. Đành thua.

Một bài văn hay, bài báo tốt, một câu comment thú vị mà nhiều lỗi chính tả thì giảm biết bao giá trị.

Không biết trong nhà trường ở môn Tiếng Việt, môn văn, người ta dạy học trò những gì nhỉ? Cách đây hơn 60 năm, tôi là cậu bé học tiểu học, môn dictée tức chính tả là môn học quan trọng, thầy cô rất chú trọng và giần cho đứa nào viết sai nhiều lỗi nên trò nào cũng cố gắng Une dictée sans fautes, một bài chính tả không có lỗi. Có lẽ nhờ thế mà thế hệ chúng tôi viết bài ít lỗi hơn bây giờ chăng?

Nếu để ý trong lúc viết, kiên trì rèn luyện thì việc viết sai chính tả sẽ vượt qua được thôi.

Cứ đà này, chữ Việt thành mớ hỗn độn của người... ngọng. Đọc thấy lỗi, lại buồn và lo cho tiếng Việt./.

Nguồn: Tuấn Mai SG

o0o

Thưa anh Đỗ Duy Ngọc,

Tạp Chí Dân Văn hoàn toàn đồng ý với các nhận xét về việc viết tiếng Việt của anh, từ mười mây năm nay, tờ TCDV đã có gắng cổ xúy cho việc viết tiếng Việt được hoàn chỉnh hơn, cách nay 5 năm, được sự hỗ trợ giúp sức của một độc giả, TCDV đã hiệu đính và gởi tặng độc giả khắp 5 Châu 4 Biển cuốn HỎi NGÃ CHÁNH TẢ dạng flipbook, và được hoan nghênh, cổ võ nồng nhiệt. 

Trên các Diễn Đàn đã bớt lỗi "hỏi ngã" khi các tác giả viết bài, chẳng qua họ không cẩn thận, ẩu, viết xong không tra lại các chữ "hỏi ngã" để sửa lại mà cứ để như thế gởi đi, làm giảm giá trị của bài viết. 

Đối với tôi, xem một cuốn sách, hoặc một bài viết còn để lỗi chính tả là muốn vứt cuốn sách hay bài viết vào sọt rác. Tôi đã từng giúp các nhà văn, nhà biên khảo sửa các lỗi chính tả, kỹ thuật trước khi đem đi in ấn, việc giúp này hoàn toàn miễn phí.

THÔNG BÁO CỦA TẠP CHÍ DÂN VĂN

Một tác phẩm được in ấn mà không có lỗi Chính tả, là Tác giả đã tôn trọng người đọc. Tạp Chí Dân Văn là một tờ báo hầu như không có lỗi chính tả kể từ ngày xuất bản góp mặt với làng báo hải ngoại từ hơn 31 năm nay. Một tác phẩm hay mà in ấn đầy lỗi chính tả, giống như ăn một bát cơm ngon có đầy sạn, từ 31 năm nay, TCDV nhận được rất nhiều sách, truyện, gởi tặng, nhưng rất hiếm, có tác phẩm không còn lỗi chính tả "hỏi ngã“, thật đáng tiếc.

Sau khi giải phẫu TIM làm Bypass, sức khỏe tương đối hồi phục, nay Chủ Nhiệm TCDV có nhã ý tiếp tục giúp các Nhà Văn, Nhà Biên Khảo…khi in ấn Tác Phẩm được hoàn chỉnh hơn, bằng cách sẵn sàng sửa lỗi chính tả trên bản layout, hoàn toàn miễn phí. Khi in tác phẩm thành SÁCH, chỉ ghi “Người sửa lỗi chính tả: TẠP CHÍ DÂN VĂN – GERMANY.“

Quý vị chỉ cần gởi bản layout trong attachments về email: danvanmagazin@gmail.com

Toà soạn sửa xong sẽ gởi bản layout lại quý vị với thời gian sớm nhất.

TRÂN TRỌNG.

Germany, ngày 01.02.2014

Điều Hợp Viên Diễn Đàn NGÔN-NGỮ-VIỆT,
Chủ Nhiệm Tạp Chí Dân Văn.
LÝ TRUNG TÍN

----------------------------------

Theo tôi sở dĩ người miền TRUNG và miền NAM viết sai "HỎI NGÃ" là vì họ không phát âm đúng theo chữ đã viết là hỏi hay ngã, thí dụ: cãi nhau, cây cải... người miền Bắc khi nói ra 2 chử cãi và cải khác nhau hoàn toàn, Tôi có bà vợ Saigon, viết "hỏi ngã" thấy tối tăm mặt mày, tôi áp dụng phương pháp, tôi phát âm các chữ "hỏi, ngã", bà ấy cứ theo cách nói của tôi, viết thành chữ, đến bây giờ 53 năm rồi (lấy nhau đợt nhì Mậu Thân 1968), nàng viết khá hoàn chỉnh. 

Tôi quen với anh Đỗ Văn Phúc, Chủ Tịch CĐVN Hoa Kỳ, đã chỉ cho các người bạn miền Trung của anh ấy, là viết xong một bài, bao nhiêu chữ "hỏi, ngã" đổi ngược lại hết, như vậy mới viết đúng "hỏi ngã" được. 

Người miền Bắc hay viết sai N/L, CH/TR, nhưng những người có HỌC VỊ thì không viết sai N/L hay CH/TR. Tôi di cư vào Saigon năm 1954, học Tiểu Học tại trường CHÍ HÒA, được Thầy HÀ MAI ANH dạy đến hết Tiểu Học, phương pháp luyện Chính Tả của Thầy là, viết sai chữ nào, thì phải viết 100 lần chữ đó, đây là lần đầu, lần thứ 2 sai chữ đó nữa phải chép 500 lần, cứ thế tăng lên, sau này lên Trung Học đứa nào cũng viết tiếng MẸ ĐẺ thật hoàn hảo. Ơn dậy dỗ của Thầy, tôi nhớ đến ngày nay. 

Tôi thấy trên diễn đàn ảo, một cô giáo tốt nghiệp trường Sư Phạm Qui Nhơn (học 2 năm) mà viết sai "hỏi ngã" những chữ rất sơ đẳng, thế thì khi dạy học trò chắc lỗi chính tả đầy ra, cô giáo viết tiếng Mẹ Đẻ mà như thế, học trò làm sao khá được.

Bài viết của anh Đỗ Duy Ngọc là một đóng góp tích cực cho việc viết tiếng Việt, cám ơn anh. Tôi thấy trên Diễn Đàn Internet có 2 vị sinh ra và trưởng thành tại miền Trung viết "hỏi ngã" hầu như không bao giờ sai, đó là anh LÊ XUÂN NHUẬN, anh ruột Lý Tống và chị TRẦN LỆ TUYỀN, vợ anh Nguyễn Đức Chung, chủ Web HỒN VIỆT bên ANH QUỐC.

Germany, 10.05.2021

- Điều Hợp Viên Diễn Đàn NGÔN-NGỮ-VIỆT,
- CHỦ NHIỆM TẠP CHÍ DÂN VĂN.
LÝ TRUNG TÍN

No comments:

Blog Archive